Loài Punica granatum L. (Cây Lựu)

Tên
Tên khác: 

An thạch lựu.

Tên khoa học: 

Punica granatum L.

Họ: 

Lựu (Punicaceae)

Tên nước ngoài: 

Pomegranate (Anh), grenadier (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar - Tỉnh Đăk Lăk ngày 29/04/2010

Số hiệu mẫu: 

L290410, mẫu được lưu tại Bộ Môn Thực Vật - Khoa Dược

Cây gỗ nhỏ cao từ 2-4 m, thân già màu xám có tiết diện tròn, thân non màu xám hơi đỏ, tiết diện vuông có 4 cánh. Thân có ít gai và thường ngọn cành biến đổi thành gai. đơn mọc đối, phiến lá nguyên hình thuôn dài, ngọn lá nhọn, gốc lá hình chót buồm, dài 6-7 cm, rộng 1,3-1,6 cm, mép lá hơi uốn lượn, hai mặt lá nhẵn màu xanh, mặt trên bóng hơn mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ mặt dưới, 7 cặp gân phụ nối với nhau ở gần mép lá, màu đỏ, chìm. Cuống lá màu đỏ, hình lòng máng có cánh ở 2 bên, dài 0,5-0,7 cm. Không có lá kèm. Cụm hoa: hoa có thể mọc riêng lẻ hoặc tụ lại thành xim ít hoa ở nách lá hay ở ngọn cành. Hoa to màu đỏ, đều, lưỡng tính; cuống hoa không có hoặc rất ngắn, dài 0,1- 0,4 cm, tiết diện vuông, màu xanh loang đỏ; trên cuống của hoa riêng lẻ có những vẩy màu xanh mọc đối; ở cụm hoa xim, hoa có lá bắc và 2 lá bắc con hình vảy tam giác, dài 0,5-1 mm, màu xanh. Đế hoa lõm hình chuông, dài 2,5-3 cm, rộng 1,5-2 cm, màu đỏ. Bao hoa đính trên miệng đế hoa, 6-8 lá đài hình tam giác nhọn rời, đều, màu đỏ, dày và cứng cao 1-1,2 cm, rộng 0,8-1 cm, tồn tại trên quả, tiền khai van; 6-8 cánh hoa màu đỏ, mỏng, rời, móng ngắn phiến rộng gần tròn hơi khum, nhăn, nhàu nát trong nụ dài 1,5-2 cm, rộng 1-1,2 cm, tiền khai van. Bộ nhị: nhiều nhị, rời, gần đều, xếp thành nhiều vòng ở mặt trong đế hoa; chỉ nhị màu đỏ dạng sợi mảnh dài 0,6- 0,8 cm, cong trong nụ dựng đứng lên khi hoa nở; bao phấn màu vàng thuôn dài 0,1-0,15 cm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa; hạt phấn hình bầu dục có rãnh dọc, rời, màu vàng, dài 27,5 m, rộng 16,25 µm. Bộ nhụy: 8-10 lá noãn, bầu dưới, dính liền với đế hoa, xếp thành 2 tầng, tầng dưới 2-3 ô đính noãn trung trụ, tầng trên 6-7 đính noãn bên, ô mỗi ô nhiều noãn; 1 vòi nhụy màu vàng hình trụ tròn, dài 0,5-0,8 cm; một đầu nhụy màu xanh nhạt, phẳng. Quả mọng to có vỏ cứng, mang đài còn lại, quả hình cầu đường kính 8-10 cm, màu xanh loang đỏ, nhiều hạt. Hạt hình khối đa giác đường kính từ 0,5- 0,7 cm, màu trắng hơi hồng hoặc màu hồng, vỏ ngoài của hạt mọng nước, có thể ăn được.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu thân non tiết diện gần tròn, có 4 cánh ở 4 góc, thân già tròn. Các mô gồm: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, lớp cutin mỏng rất dễ bong, có lông che chở đơn bào ngắn đầu thuôn tròn. Mô mềm khuyết 3-4 lớp tế bào hình đa giác vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Trụ bì hóa sợi thành từng cụm 4-5 lớp, vách cellulose dày. Tầng sinh bần bên trong trụ bì tạo bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Ở thân già các lớp bần bong tróc và có nhiều lỗ vỏ. Mô mềm cấp 2 nhiều lớp, tế bào đa giác dẹt, không đều. Libe 1 tạo thành cụm nhỏ khó thấy. Gỗ 2 và libe 2 liên tục, gỗ 2 gấp nhiều lần libe 2. Libe 2 tế bào hình chữ nhật hoặc hình đa giác, kích thước không đều, vách uốn lượn, xếp thành dãy. Mạch gỗ 2 hình đa giác tròn, kích thước không đều, phân bố khá đều trong mô mềm gỗ. Mô mềm gỗ hình đa gíác hoặc hình chữ nhật, kích thước nhỏ đều, xếp thành dãy. Gỗ 1 từ 3-5 mạch, phân bố đều quanh tủy. Libe trong thành từng cụm nối tiếp nhau thành vòng. Mô mềm tủy rất ít ở thân già, hình tròn hoăc đa giác gần tròn, kích thước không đều. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai rất nhiều ở libe 2 gần vùng tầng sinh gỗ. Trong mô mềm vỏ cấp 2 và mô mềm tủy rải rác có tinh thể calci oxalat hình khốihình cầu gai.
Cuống lá
Vi phẫu lồi ở mặt dưới phẳng ở mặt trên với hai cánh ở hai bên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, đều, cutin mỏng. Mô dày góc 2-4 lớp tế bào đa giác kích thước không đều, xếp thành dãy xuyên tâm bên dưới biểu bì trên. Mô mềm gồm 3-4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, vách hơi uốn lượn, xếp lộn xộn. Bó dẫn xếp hình cung libe dưới, gỗ ở trên. Libe tế bào đa giác, kích thước nhỏ, vách nhăn nheo. Mạch gỗ hình đa giác, kích thước nhỏ xếp thành dãy hẹp xen kẽ với mô mềm gỗ. Mô mềm gỗ hình đa giác, kích thước nhỏ hơn mạch gỗ. Libe trong thành từng đám phía trên gỗ. Bao quanh bó dẫn là mô dày góc 4-5 lớp tế bào đa giác, kích thước không đều nhỏ hơn mô dày sát biểu bì. Tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai nằm rải rác trong mô dày, mô mềm và libe. Phần cánh bên trong chỉ có 4 lớp mô dày.

Gân giữa: Vi phẫu mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, lớp cutin mỏng răng cưa không đều. Mô dày góc 2-4 lớp tế bào đa giác không đều, xếp thành dãy xuyên tâm dưới biểu bì trên. Mô mềm gồm 4-5 lớp tế bào đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Libe gỗ sắp xếp tương tự như bó dẫn của cuống lá. Tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai nằm rải rác trong mô mềm, mô dày và vùng libe.
Phiến lá: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước gấp đôi tế bào biểu bì dưới và lớp cutin dày hơn. Mô mềm giậu một lớp tế bào thuôn dài xếp khít nhau, mô mềm đạo 3-4 lớp tế bào hình đa giác xếp dọc hoặc ngang. Tinh thể calci oxalat hình thoi hay hình chữ H, kích thước lớn. Bó gân phụ nằm rải rác.
Vỏ quả
Vi phẫu từ ngoài vào trong gồm: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước đều, cutin dày. Mô mềm khuyết nhiều lớp tế bào đa giác tròn hoặc bầu dục dài, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Trong mô mềm có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gaihình khối, tinh bột nằm rải rác ở một số tế bào. Tế bào mô cứng hình đa giác kích thước khác nhau, vách dày riêng lẻ hoặc rất dày ống trao đổi phân nhánh rõ tập trung thành từng đám trong mô mềm. Bó dẫn nằm rải rác với libe ở ngoài gỗ ở trong, trong gỗ có libe trong. Libe tế bào đa giác, kích thước không đều, xếp thành từng cụm. Mạch gỗ tế bào đa giác tròn, xếp thành dãy.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ quả lựu có màu vàng tươi, thể chất mịn, không có mùi, có vị chát gồm các thành phần sau:
Mảnh biểu bì vỏ quả tế bào đa giác, kích thước không đều, có màu vàng đậm trên vi phẫu. Mảnh mô mềm chứa tinh bột tế bào hình tròn hoặc bầu dục, kích thước không đều. Hạt tinh bột nằm rải rác hay tập trung thành từng đám. Tế bào mô cứng vách dày, khoang hẹp có ống trao đổi rõ nằm riêng lẻ hoặc tụ lại thành từng đám. Mảnh mạch vạch. Tinh thể calci oxalat hình cầu gaihình khối nằm rải rác.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Gốc ở Tây Âu, được trồng nhiều ở Bắc Châu Phi, nay thành phổ biến ở nước ta, lựu cũng có thể được trồng bằng hạt hoặc cành chiết. Ra hoa tháng 5-7, mùa quả tháng 7-8.

Bộ phận dùng: 

Vỏ quả (Pericarpium Granati) thường gọi là thạch lựu bì. Vỏ cây, vỏ rễ, hoa, thịt quả cũng được dùng. Thu hái vỏ rễ, vỏ thân quanh năm. Hoa quả thu hái vào tháng 6-7, đào rễ về rửa sạch bóc vỏ, lấy vỏ bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả lấy khi còn tươi, bỏ màng trong thái mỏng, sấy khô. Khi dùng vỏ khô thì rửa sạch cạo bỏ màng trong, đồ cho mềm thái mỏng, sao qua. Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm.

Thành phần hóa học: 

Vỏ rễ chứa tanin cao (2%), 0,5-0,7% alkaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, metyl pelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alkaloid có các hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alkaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn, còn có acid betulic và 3 chất base khác. Vỏ quả chứa granatin, acid beturic, acid ursolic và isoquercetin. Dịch quả chứa acid citric, acid malic, các chất đường, glucose, fructose, maltose.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Vỏ quả được dùng để trị tiêu chảy và lỵ ra huyết, băng huyết bạch đới, thoát giang, đau bụng giun. Ngày dùng 15-30 g dạng thuốc sắc cũng thường phối hợp với các chất thơm. Vỏ thân và vỏ rễ dùng trị giun, đặc biệt đối với sán dây ở người và cả sán dây ở chó. Ngày dùng 20-60 ml dạng thuốc sắc hoặc dùng 0,3 g pelletierin phối hợp với 0,4 g tanin chia làm 3 lần uống, còn dùng để trị đau răng, ngậm nước sắc chia làm 3 lần uống còn lại để trị đau răng. Thịt quả để trợ tim giúp tiêu hóa. Dịch quả tươi, làm mát hạ nhiệt. Hạt giúp tiêu hóa, hoa dùng để chữa viêm tai đề phòng chảy mủ.