Loài B. balsamifera (L.) DC. (Cây Đại Bi)

Tên
Tên khác: 

Từ bi xanh, Đại ngải, Mai hoa não, Băng phiến ngải, Bơ nạt, Phặc phà (Tày), Co nát (Thái)

Tên khoa học: 

Blumea balsamifera (L.) DC.

Tên đồng nghĩa: 

Coryza balsamifera L.; Baccharis salvia Lour.; Pluchea balsamifera (L.) Less.; B.Balsamifera (L.) DC. var. microcephala Kitam

Họ: 

Cúc (Asteraceae)

Tên nước ngoài: 

Ngai-camphor (Anh), Camphrée (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ngày 26 tháng 04 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

DB 260410; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cây bụi, phân nhánh, cao 1-3 m, tiết diện tròn, màu xanh ở đoạn non, nâu xanh ở đoạn già. Toàn cây có nhiều lông tơ dài màu trắng và có mùi rất thơm. đơn, mọc cách. Phiến lá hình thoi, thuôn dài ở hai đầu, kích thước 15-35 x 4-10 cm, mặt trên hơi nhám màu xanh đậm và ít lông hơn mặt dưới, bìa lá răng cưa nhọn gần đều. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, gân phụ hình mạng, 12-18 cặp gân phụ. Cuống lá màu xanh, hình trụ hơi phẳng ở mặt trên, dài 1,5-3 cm, mang 2-3 cặp phụ bộ của phiến lá hình lưỡi liềm hay hình thoi kích thước nhỏ dần về phía đáy cuống. Cụm hoa đầu đôi khi riêng lẻ ở nách lá, thường hợp thành chùm xim ở ngọn cành hay nách lá kích thước rất thay đổi. Đầu hình trứng khi là nụ, khi hoa nở đầu có hình chuông hơi thắt ở giữa, kích thước khoảng 1 x 0,5 cm, cuống ngắn 0,5-1 cm có 2-3 vảy ngắn. Tổng bao lá bắc 4-6 hàng lá bắc xếp kết lợp, hình bầu dục đến dải hẹp vòng trong dài hơn vòng ngoài, kích thước 1-5 x 0,5-1 mm, màu xanh hơi nâu ở đỉnh, rìa mỏng, mặt ngoài có nhiều lông. Đế cụm hoa phẳng đường kính khoảng 2 mm, lỗ tổ ong. Đầu mang hoa hình ống có hai loại hoa: hoa cái rất nhiều xếp trên 3-4 vòng ở ngoài; hoa lưỡng tính 20-25 hoa ở trong. Hoa cái màu vàng nhạt; đài biến đổi thành túm lông dài màu trắng bẩn có nhiều gai nạc; tràng hoa màu vàng nhạt dính thành một ống hẹp, dài 0,3-0,4 cm, trên chia 2-5 răng tam giác nhỏ, có lông tiết tinh dầu thơm, tiền khai van; bầu dưới 1 ô, màu trắng trong mờ, hình trụ hẹp ở gốc, những hoa ở ngoài cùng thường có hình trụ cong, dài 1 mm, mặt ngoài có nhiều lông ngắn và có gờ dọc, 2 lá noãn vị trí trước sau, 1 noãn đính đáy; vòi nhụy vàng nhạt, dạng sợi dài khoảng 0,5 cm, thò khỏi ống tràng, tận cùng là 2 nhánh đầu nhụy màu vàng đậm hình máng hẹp dài 1-2 mm choãi theo hướng trước sau. Hoa lưỡng tính màu vàng nhạt, lớn hơn hoa cái; đài giống hoa cái; tràng hoa dính thành ống dài 0,4-0,5 cm, loe dần, trên chia thành 5 phiến đều hình bầu dục có màu vàng đậm, có lông tiết tinh dầu nhỏ, tiền khai van; nhị 5, chỉ nhị rời, dạng sợi dài khoảng 2-3 mm, màu vàng nhạt, đính ở gần gốc ống tràng xen kẽ với cánh hoa, bao phấn dính nhau thành ống dài khoảng 2-3 mm bao lấy vòi nhụy, màu vàng đậm, 2 buồng, nứt dọc, hướng trong, chung đới dạng phiến bầu dục hẹp, gốc có tai tam giác dài và nhọn; hạt phấn hình cầu gai, màu vàng đậm, đường kính 20-25 µm; bầu giống hoa cái, kích thước hơi ngắn và to hơn, vòi nhụy dạng sợi dài khoảng 4-5 mm, đầu nhụy 2, dài khoảng 2 mm, màu vàng đậm, dạng máng cạn, thuôn hẹp. Quả bế màu vàng nâu, hình trụ dài khoảng 1 mm, mặt ngoài vỏ có lông ngắn màu trắng và có gờ dọc, trên mang túm lông mào dài màu trắng bẩn của đài tồn tại, gốc có vòng gờ chỗ gắn với đế hoa; 1 hạt, không nội nhũ.
- Mẫu Đại bi còn được thu thập ở Khánh Hòa, Long An, Tp. HCM. Qua khảo sát nhận thấy giữa các mẫu có một số khác biệt về kích thước các bộ phận (cây, lá), độ dày của lông trên các bộ phận và số cặp phụ bộ của phiến lá trên cuống lá.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Hoa bìa

Hoa giữa

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu hình gần tròn. Các mô gồm: Biểu bì tế bào hình tròn hoặc chữ nhật, kích thước nhỏ, không đều, lớp cutin mỏng, lỗ khí rải rác. Trên biểu bì có nhiều lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở đa bào phía trên một dãy 3-5 tế bào dài, gần gốc có nhiều tế bào nhỏ và ngắn xếp trên 1-3 hàng. Lông tiết đa bào có chân dài hoặc ngắn, đầu hình trứng thuôn cấu tạo bởi nhiều hàng tế bào có lớp cutin phù thành mũ chụ. Ở thân già, tầng bì sinh ngay dưới lớp biểu bì sinh bần ở ngoài, lục bì bên trong, tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô dày góc gần liên tục, 4-8 lớp tế bào tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn hơn hoặc bằng tế bào biểu bì, không đều. Mô mềm khuyết tế bào hình bầu dục nằm ngang hoặc gần tròn kích thước không đều. Ống tiết ly bào nằm rải rác sát ngoài nội bì và cạnh dưới gỗ 1 trong mô mềm tủy. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô dày, mô mềm vỏ, nội bì, tia libe, libe, mô mềm tủy. Nội bì khung Caspary. Trụ bì hóa sợi mô cứng thành từng cụm không đều trên libe 1. Libe 1 tế bào đa giác, kích thước nhỏ, không đều, xếp lộn xộn. Tượng tầng tạo libe 2 và gỗ 2 ở giữa của bó dẫn cấp 1, libe 2 ít hơn gỗ 2, xếp thành nhiều bó. Libe 2 tế bào hình chữ nhật vách uốn lượn xếp xuyên tâm. Rải rác trong vùng libe có tế bào hóa mô cứng. Mạch gỗ 2 hình đa giác, kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ 2 hình đa giác hoặc chữ nhật, kích thước nhỏ, vách dày hóa gỗ hay có thể còn vách cellulose. Gỗ 1 tập trung thành nhiều cụm, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn; mô mềm quanh gỗ 1 gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác vách cellulose. Mô cứng nhiều lớp tế bào đa giác bao quanh gỗ 1. Tia tủy gồm nhiều dãy tế bào hình chữ nhật dài. Khoảng gian bó tế bào vách tẩm chất gỗ ở vùng dưới tượng tầng. Mô mềm tủy đạo chiếm một vùng rộng, tế bào hình tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều, vách hóa gỗ mỏng và có nhiều lỗ.
:
Cuống lá:
Cong lồi ở mặt dưới, mặt trên phẳng có 2 tai nhỏ ở hai bên. Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hay tròn không đều, lớp cutin răng cưa mỏng, lỗ khí rải rác, lông che chở và lông tiết đa bào nhiều có cấu trúc giống ở thân. Mô dày góc dưới biểu bì trên nhiều hơn trên biểu bì dưới, 3-7 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Sát biểu bì ở hai bên hoặc cách một lớp mô dày là mô mềm khuyết chứa lục lạp. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô dẫn gồm nhiều bó kích thước không đều xếp lộn xộn, các bó phía dưới gỗ ở trên libe, các bó phía trên thì ngược lại. Libe tế bào đa giác nhỏ, sắp xếp lộn xộn thành từng đám. Mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều, xếp lộn xộn xen kẽ với tế bào mô mềm. Mô dày góc 2-5 lớp tế bào hình đa giác nhỏ xếp khít nhau ở phía trên gỗ và dưới libe. Túi tiết ly bào cạnh bó dẫn. Tế bào tiết rải rác trong mô mềm.
Gân giữa:
Mặt trên lồi cao hơi bằng ở đỉnh, mặt dưới phình tròn thắt ở hai bên phiến lá, đôi khi có gờ lồi phụ. Tế bào biểu bì hình bầu dục hay chữ nhật kích thước không đều, lớp cutin răng cưa, lỗ khí rải rác, rất nhiều lông che chở và ít lông tiết đa bào có cấu trúc giống ở thân. Mô dày góc dưới biểu bì trên 5-8 lớp, trên biểu bì dưới 1-5 lớp, tế bào kích thước không đều. Mô mềm khuyết tế bào to gấp 3-5 tế bào biểu bì. Bó dẫn gồm 3-6 bó phía dưới với gỗ ở trên libe ở dưới và 1-3 bó phía trên phân bố gỗ và libe ngược lại. Mạch gỗ tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 3-7 dãy xen kẽ với mô mềm 1-2 dãy tế bào vách cellulose. Libe gồm 5-8 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, xếp lộn xộn. Bao ngoài mỗi bó libe gỗ có mô dày góc 2-4 lớp tế bào. Túi tiết ly bào, tế bào tiết rải rác giống ở cuống lá. Tinh bột hạt nhỏ hình tròn dẹp rải rác trong mô mềm gần vùng libe.
Phiến lá:
Biểu bì trên tế bào hình bầu dục kích thước không đều; biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn biểu bì trên gấp nhiều lần. Cả 2 biểu bì có lỗ khí, nhiều lông che chởlông tiết đa bào. Mô mềm giậu ăn sâu vào phần gân giữa, 1 lớp tế bào hình chữ nhật chiều dài gấp 2-3 chiều rộng, dưới mỗi tế bào biểu bì trên là 1-3 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết tế bào hình đa giác hoặc gần tròn xếp tạo những khuyết rộng nối từ mô mềm giậu đến biểu bì dưới. Bó gân phụ rải rác, gồm gỗ ở trên libe ở dưới.
Rễ:
Vi phẫu hình tròn. Các mô gồm: Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, thường bong tróc. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật vách hơi lượn, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ khuyết tế bào hình bầu dục nằm ngang, vách mỏng, tạo khuyết rộng. Nội bì khung Caspary. Trụ bì 1-2 lớp tế bào to, không đều, vách cellulose. Mô mềm dưới nội bì đạo tế bào đa giác gần tròn. Tia tủy rộng gồm 2-5 dãy tế bào hình đa giác xếp theo hướng xuyên tâm. Libe 2 tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp tạo thành nhiều chùy không đều, nhiều tế bào hóa mô cứng hay vách cellulose dày xếp riêng rẽ hoặc tụ thành từng đám xen kẽ với mô mềm libe. Gỗ 2 chiếm tâm, không liên tục do các tia tủy vách cellulose; mạch gỗ 2 hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ hóa mô cứng hay còn vách cellulose. Gỗ 1 khó phân biệt. Ống tiết ly bào rải rác sát ngay trên nội bì. Tinh bột nằm rải rác trong tế bào mô mềm vỏ, nội bì và tia libe. Hạt tinh bột nhỏ hình gần bầu dục dẹp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột cành lá có màu xanh đậm, mùi thơm, vị the cay. Thành phần gồm: Mảnh mô mềm lá và thân tế bào đa giác có vách mỏng. Mảnh biểu bì lá có lỗ khí. Lông tiết đa bào (nhiều hàng tế bào) có lớp cutin phù thành mũ chụp, thường bị gãy vỡ. Lông che chở đa bào bị gãy. Mảnh mạch (mạng, xoắn, vạch, điểm). Sợi tụ thành bó hoặc riêng lẻ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Đại bi phân bố khá rộng rãi ở vùng nhiệt đới như Việt Nam và nhiều nước vùng Nam và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Đại bi là cây phân bố rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi thấp (dưới 1000 m), trung du và cả ở đồng bằng và nhiều đảo lớn.
Cây ưa sáng, thường sống 1-2 năm, mọc trên các vùng nương rẫy cũ, đồi cây bụi hoặc ven rừng. Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Bộ phận dùng: 

Lá, cành non, rễ và mai hoa băng phiến (Folium, Ramulus, Radix et Camphora blumeae).

Thành phần hóa học: 

Lá chứa 0,2-1,88% tinh dầu và borneol. Thành phần chính của tinh dầu là d-borneol, l-camphor cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic còn chứa các sesquiterpen alcol.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Đại bi có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu ứ, sát trùng, được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm, làm ra mồ hôi dưới dạng thuốc xông. Nước sắc lá Đại bi uống chữa đầy bụng, ăn uống khó tiêu, ho nhiều đờm. Dùng ngoài chữa lở loét, vết thương sưng đau.
Mai hoa băng phiến có vị cay, đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng thông khiếu, tán uất hỏa, chỉ thống, tiêu thũng, minh mục, cường tim, được dùng chữa trúng phong cấm khẩu, đau bụng, đau ngực, ho lâu ngày, đau mắt, đau họng.