Loài Blumea lacera (Burm. f.) DC. (Cây Hạ Khô Thảo Nam)

Tên
Tên khác: 

Cải trời, Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi, Bọ xít, Vừng tây, Đại bi rách

Tên khoa học: 

Blumea lacera (Burm. f. ) DC.

Tên đồng nghĩa: 

Conyza lacera Bum. f. 1768. Blummea glandulosa DC, 1834. Contrib. Bot. Ind. 14. Blumea subcapitata DC. 1936. Prodr. 5: 439; Gapnep. 1924. FI. Gen, Indoch. 3.: 535; Hnad-Mazz. 1936. Symb. Sin. 7: 1096. Blumae commersoni Edgw, 1853, Journ. As. Soc. Beng. 21: 38. Blumea thyrsoidea Sch.-Bip. 1866. Bot. Zeit. 24: 165. Blumea bodinieri Vaniot, 1903. Bull. Acad. Geogr. Bot. 12: 23. Conyza velutina H. Le1vl. 1912. Rerpert. Sp. Nov. 11: 307.

Họ: 

Cúc (Asteraceae)

Mẫu thu hái tại: 

An Giang tháng 03/2010.

Số hiệu mẫu: 

HKTN0310, được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược.

Cỏ đứng, cao 0,4-0,8 m, phân cành nhiều, có mùi thơm. Thân có tiết diện tròn, màu xanh, phủ nhiều lông ngắn dính và ít lông dài màu trắng. đơn, mọc cách. Phiến lá hình bầu dục rộng hay gần tròn, đầu nhọn; kích thước 3-4,5 x 2,5-4 cm; màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới, bìa lá có khía răng cạn, khoảng cách giữa các khía răng không bằng nhau. Gân lá hình lông chim với 5-6 cặp gân bên. Cuống lá màu xanh lục nhạt, mặt trên phẳng, mặt dưới lồi, dài 1,5 cm. Phiến lá men dần theo cuống, các lá phía ngọn gần như không cuống. Trên 2 mặt lá và cuống lá phủ đầy lông dính màu trắng. Cụm hoa: Đầu đường kính 0,5-0,6 cm được mang trên một cuống dài khoảng 1 cm, các cụm hoa đầu hợp thành xim, mỗi xim mọc ở ngọn cành hay nách lá phía ngọn cành, các lá này giống lá thường nhưng kích thước nhỏ hơn, cuống của xim hình trụ màu xanh lục, dài khoảng 4-5 cm. Trên cuống của đầu và cuống của xim phủ nhiều lông ngắn dính và ít lông dài màu trắng. Tổng bao lá bắc gồm 3-4 vòng xếp xen kẽ nhau, mỗi vòng trên 10 lá bắc, các lá bắc vòng ngoài cùng cao 0,2 cm, lá bắc của vòng trong cao hơn lá bắc vòng ngoài 0,1 cm. Lá bắc dạng dải hẹp, ở giữa màu xanh, mép mỏng màu trắng, mặt ngoài phủ nhiều lông như ở thân. Hoa: Trên cụm hoa đầu có 2 loại hoa; hoa bìa là những hoa cái hình ống, không đều, cao 4-5 mm; hoa giữa là những hoa hình ống, hoa đều, lưỡng tính, cao 5-6 mm.
Hoa cái: Đài biến đổi thành những lông dài màu trắng. Tràng hoa dạng ống mảnh màu vàng cao 3-4 mm, phía trên chia 2-3 thùy đầu tà không bằng nhau, không có lông. Lá noãn 2, bầu dưới 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy. Bầu noãn dẹp màu trắng, có 10 sọc dọc. Một vòi nhụy dạng sợi mảnh màu trắng, dài 0,4 cm, nhẵn. Hai đầu nhụy dạng sợi màu vàng dài 0,1 cm, phủ nhiều lông ngắn dính màu trắng.
Hoa lưỡng tính: Lá đài giống hoa bìa. Cánh hoa 5, đều, dính, màu vàng. Ống tràng cao 3-4,5 mm, 5 thùy hình tam giác, mặt ngoài cánh hoa phủ nhiều lông ngắn dính màu trắng. Nhị 5, đều, đính trên đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa, dính nhau ở bao phấn tạo thành 1 ống bao quanh vòi nhụy. Chỉ nhị dạng sợi mảnh màu trắng. Bao phấn thuôn dài màu vàng, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy, đáy bao phấn có tai. Hạt phấn hình bầu dục hay hình cầu có gai, màu vàng, rời, kích thước 20 µm. Bộ nhụy giống hoa cái.
Quả hơi dẹp màu nâu, cao 1 mm, có ít lông và 10 gờ nổi, mào lông ở đỉnh quả màu trắng.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Hoa bìa:

Hoa giữa:

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu thân hình tròn. Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật kích thước không đều, cutin mỏng; trên biểu bì có nhiều lông che chở đa bào 1 dãy (3-7 tế bào); nhiều lông tiết chân đa bào (6-9 tế bào) đầu đơn bào, rải rác có lỗ khí. Mô dày phiến liên tục quanh thân, 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật hay hơi đa giác. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào hình bầu dục, 2 lớp bên ngoài kích thước nhỏ, 2-3 lớp bên trong kích thước lớn hơn. Nội bì đai caspary tế bào hình chữ nhật hay hơi đa giác. Trụ bì hóa mô cứng thành từng cụm trên đầu các bó libe gỗ, 4-5 lớp tế bào hình đa giác kích thước không đều, xếp sát nhau. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 2 theo kiểu hậu thể gián đoạn gồm nhiều bó libe gỗ. Mỗi bó cấu tạo như sau: Libe 1 tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2-4 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm. Gỗ 2, mạch gỗ 2 hơi đa giác hay bầu dục, kích thước khác nhau, xếp lộn xộn. Mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác, vách tẩm chất gỗ. Gỗ 1, 3-7 bó. Mô mềm gỗ 1 tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn, vách cellulose. Khoảng gian bó gồm 5-8 dãy tế bào hình chữ nhật hay đa giác, vách cellulose trong vùng libe, vách tẩm chất gỗ trong vùng gỗ. Mô mềm tủy đạo tế bào hình tròn, xếp lộn xộn, kích thước to dần vào tâm vi phẫu. Vài tế bào tiết và ống tiết ly bào nhỏ trong vùng mô mềm vỏ sát nội bì.
:
Gân giữa: Mặt trên phẳng, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì trên và dưới 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước như nhau, cutin mỏng. Trên 2 lớp biểu bì có nhiều lông che chở và lông tiết như ở thân. Mô dày trên và dưới là mô dày phiến, 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác kích thước gần đều. Hai bên cụm mô dày ở biểu bì trên là 2-3 lớp tế bào mô mềm kích thước nhỏ chứa lục lạp. Mô mềm khuyết, tế bào hình đa giác kích thước không đều, to dần vào trong. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 1, 3-4 bó libe gỗ, bó ở giữa lớn nhất, gỗ ở trên, libe ở dưới, giữa 2 dãy mạch gỗ là 1-2 dãy tế bào mô mềm gỗ hình đa giác. Phía trên gỗ và dưới libe có cụm mô dày, 4-6 lớp tế bào nhỏ hình đa giác, xếp khít nhau. Vài tế bào tiết và ống tiết ly bào nhỏ trong vùng mô mềm quanh bó libe gỗ.
Phiến lá: Biểu bì trên và dưới, 1 lớp tế bào hình chữ nhật có lông che chở và lông tiết như ở thân, tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới. Mô mềm giậu tế bào hình bầu dục thuôn dài vách uốn lượn, chứa lục lạp. Mô mềm khuyết tế bào hình bầu dục vách uốn lượn. Bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Cuống lá:
Vi phẫu cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn, 2 bên có 2 tai nhỏ. Biểu bì trên và dưới 1 lớp tế bào hình chữ nhật có nhiều lông tiết và lông che chở như ở thân. Mô dày phiến giống ở gân giữa lá. Dưới mô dày trên là 2 lớp tế bào hình bầu dục, kích thước nhỏ, chứa lục lạp. Mô mềm khuyết giống ở gân giữa. Hệ thống dẫn với 5 bó libe-gỗ cấu tạo giống ở gân giữa lá, bó ở giữa to nhất. Vài tế bào tiết và ống tiết ly bào nhỏ trong vùng mô mềm quanh bó libe gỗ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây: Bột hơi thô, màu nâu xanh. Thành phần: Mảnh lá đài, hạt phấn, mảnh bao phấn, mảnh cánh hoa, lông tiết, lông che chở đa bào, mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu dị bào hay hỗn bào (nhìn từ trên xuống), mảnh mô mềm, sợi riêng lẻ hay từng bó; mảnh mạch xoắn, mạch vòng, mạch vạch, mạch mạng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Hạ khô thảo nam là một loài cỏ dại có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ -Malaysia, sau đó lan ra các nuớc lân cận ở vùng Nam Á, Đông Nam Á, Đông Dương, đến tận Trung Quốc và Australia.
Ở Việt Nam, cây phân bố khắp các tỉnh vùng núi đồi (dưới 1000m), trung du và đồng bằng: Sơn La (sông Mã), Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây (Ba Vì), Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (Phú Lộc), Kon Tum (Đắk Tô, Đắk Glei), Lâm Đồng (Đà Lạt), Khánh Hòa. Cây mọc ven đường, ven đồi, ven rừng, trên các bãi hoang, bờ ruộng, vườn gia đình.
Ở Ấn Độ cây có thể có ở độ cao 2500 m và có chiều cao trên 2 m. Hạ khô thảo nam là cây ưa sáng mọc nhanh. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào giữa mùa xuân, sinh trưởng mạnh vào mùa hè, ra hoa quả vào mùa thu, sau đó tàn lụi. Cây có thể chịu được khô hạn vào thời kì có hoa quả. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió. Trước khi có hoa, nếu bị cắt, phần còn lại có thể tiếp tục tái sinh.
Mùa hoa quả: tháng 3-6.

Bộ phận dùng: 

Toàn thân – Herba Blumeae lacerae. Thu hái vào mùa xuân, hè, chặt nhỏ, phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Theo Wehmer, toàn cây Hạ khô thảo nam có chứa 0,085% tinh dầu với thành phần chủ yếu là mai hoa băng phiến (The Wealth of India I, 1948).
Tinh dầu từ Hạ khô thảo nam ở Nigieria chứa thymolquinol-dimethyl-eter (Prosea 12 (1), 1999).
Theo tài liệu khác Hạ khô thảo nam chứa 60% cineol, 10% fenchon, khoảng 6% citral.
Lá chứa flavonoid: 5-hydroxy-3,6,7,3’,4’-pentamethoxyflavon, 5,3’,4’-trihydroxy-3,6,7-trimethxyflavon và một ít hợp chất flavon khác. Phần trên mặt đất còn có campestrol. Hai glycosid cũng có trong toàn cây: 19α-hydroxy-urs-12-en-24,28-dioat-3-O-β-D-xylopyranosid và 2-isopropyl-5-isoprenyl phenol-4- O-β-D-xylopyranosid (Prosea 12 (1), 1999).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Dùng Hạ khô thảo nam chung với Xạ can làm tiêu hạch rò mủ và nhũn bã đậu. Tinh dầu của Hạ khô thảo nam làm tăng tác dụng diệt côn trùng của Cúc trừ sâu.
Công dụng:
Hạ khô thảo nam có tác dụng thanh can hỏa, giải độc, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng.