Loài Kaempferia galanga L.(Cây Địa Liền)

Tên
Tên khác: 

Thiền liền, Lương khương.

Tên khoa học: 

Kaempferia galanga L.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae).

Tên nước ngoài: 

East indies galingale, kaempférie, faux galangal.

Mẫu thu hái tại: 

Vườn quốc gia Lò gò Xa mát, tỉnh Tây Ninh, tháng 6/2010

Số hiệu mẫu: 

ĐL0610, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Thân cỏ sống nhiều năm nhờ thân rễ, rễ có khi phình thành củ nhỏ hình trứng. Thân rễ phình thành nhiều củ cạnh nhau, mùi thơm và cay, lớp vỏ ngoài màu nâu vàng, mặt cắt ngang gần tròn, đường kính 2-3 cm, màu vàng nhạt, có nhiều xơ màu trắng, chia làm 2 vùng bằng một vòng ranh giới màu trắng.
đơn, thường 2 (ít khi 3) lá mọc xòe sát mặt đất. Phiến lá hình bầu dục, dài 8-9 cm, rộng 6-7 cm, ngọn lá nhọn, gốc thuôn; mặt trên gần như nhẵn, màu xanh lục sậm; mặt dưới nhiều lông mịn và dài, màu trắng xanh, vùng ngọn màu đỏ tía; mép lá nguyên, hơi gợn sóng, viền trắng hay đỏ tía; gân lá song song, cong về phía ngọn lá, gân giữa to, lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới. Bẹ lá dài 2,5-3 cm, rộng 1,5-2 cm, hình lòng máng, dày, phía gốc màu trắng, phía trên màu xanh lục nhạt, nhiều gân dọc song song, ôm chặt nhau thành một thân giả cứng cao 1,5 cm. Lưỡi nhỏ dạng màng mỏng, màu trắng có rìa nâu, cao 1-2 mm.
Cụm hoa mọc lên từ thân rễ, đi qua ống tạo bởi các bẹ lá, không cuống, mang nhiều hoa, thường mỗi lần chỉ có 1 hoa nở. Hoa to, không cuống, không đều, lưỡng tính, mẫu 3. Lá bắc dạng phiến mỏng, uốn cong hình lòng máng, đầu thuôn nhọn, dài 3-3,5 cm, rộng 1-1,5 cm, phía gốc màu trắng, phía trên màu xanh lục nhạt. Lá bắc con ở phía trục hoa đối diện lá bắc, chẻ dọc từ gốc thành 2 phiến rời dạng dải hẹp, dài 2-2,5 cm, rộng 1-1,5 mm, màu trắng, có gân dọc ở giữa. Lá đài ở hoa nụ dính nhau thành một ống kín, màu trắng, dài 2,8-3 cm, đỉnh chia 2 răng rất nhỏ; khi hoa nở ống đài xẻ dọc ở phía trước từ đỉnh xuống một đoạn 0,5 cm. Cánh hoa màu trắng, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp, dài 4,5-5 cm, trên chia thành 3 phiến mỏng, không đều, dạng dải, dài 2-2,5 cm, đầu nhọn uốn cong ra phía ngoài, hai mép thường cuộn vào phía trong, có nhiều gân dọc; phiến giữa ở phía sau rộng 4-5 mm, hai phiến bên rộng 2-3 mm. Nhị đính trên miệng ống tràng thành 2 vòng: (1) vòng ngoài gồm 2 nhị lép phía sau ở hai bên biến đổi thành 2 phiến màu trắng, dài 18-20 mm, rộng 8-10 mm, gốc thuôn hẹp hơi dày thành một cán dài 5 mm, phía trên nở rộng thành hình bầu dục đầu nhọn, nhiều gân dọc; nhị trước trụy không còn dấu vết; (2) vòng trong gồm 2 nhị lép phía trước và 1 nhị thụ phía sau; nhị lép dính nhau thành một cánh môi to, màu trắng, gốc có bớt tím ở giữa, giữa phần màu tím có một vệt dài màu vàng, dài 25-35 mm, phía dưới thuôn hẹp thành một cán dài 15-20 mm, rộng 8-10 mm, phía trên là một phiến rộng dài 10-15 mm, rộng 20-24 mm, chia làm 2 thùy; nhị thụ đứng đối diện với cánh môi; chỉ nhị không có; bao phấn dạng phiến, màu trắng, dài 4-4,5 mm, rộng 2-3 mm, mặt trong mang 2 ô phấn xếp dọc, mọng nước; chung đới kéo dài thành một phiến mỏng dài 4-4,5 mm, rộng 2-3 mm, màu trắng, uốn ra phía ngoài khi hoa nở, chia 2 thùy hình bầu dục, uốn cong xuống phía dưới; hạt phấn màu trắng, thường hình cầu, đường kính 100-110 µm, có khi hình bầu dục hay hình trứng, dài 110-155 µm, rộng 100-112 µm. Lá noãn 3, dính nhau thành bầu dưới 3 ô, mỗi ô 2 hàng noãn, đính noãn trung trụ; bầu màu trắng ngà, dẹp, dài 2,5-3 mm, rộng 1-1,5 mm, rải rác lông mịn màu trắng; vòi nhụy 1, dạng sợi, nhẵn, màu trắng, dài 40-45 mm, đi qua khe dọc giữa 2 ô phấn; đầu nhụy 1, màu trắng, loe thành hình phễu miệng có rìa lông.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ
Vi phẫu cắt ngang hình tròn, chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng vỏ chiếm ¾ diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 1/4 .
Vùng vỏ: Tầng lông hút với nhiều lông hút rõ ở những rễ non, ở rễ già chỉ còn vết tích tầng lông hút với một vài tế bào móp méo không đều, vách tẩm chất bần. Tầng suberoid 3-5 lớp tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp khít nhau thành từng dãy so le. Mô mềm vỏ tế bào vách cellulose, chia làm 2 vùng: (1) mô mềm vỏ ngoài nhiều lớp tế bào hình tròn hay bầu dục méo mó, sắp xếp lộn xộn, chừa những đạo hay khuyết nhỏ; (2) mô mềm vỏ trong 2-5 lớp tế bào hình bầu dục, càng vào phía trong tế bào càng nhỏ, xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm, chừa những khuyết nhỏ. Nội bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật hay hình bầu dục dẹt, vách trong và 2 vách bên tẩm ligno-suberin dày lên thành khung hình chữ U rõ. Tế bào tiết tinh dầu nhiều, rải rác trong vùng mô mềm vỏ; tinh dầu màu vàng sậm.
Vùng trung trụ: Trụ bì 1 lớp tế bào hình đa giác hay hình bầu dục dẹt, vách cellulose, xếp xen kẽ với tế bào nội bì. Bó dẫn cấp 1 ngay dưới trụ bì, gồm 12-14 bó libe và 12-14 bó gỗ xếp xen kẽ nhau trên một vòng. Bó libe thành từng cụm nhỏ hình bầu dục, phân hoá hướng tâm. Bó tiền mộc gồm 2-3 mạch nhỏ không đều, phân hoá hướng tâm với mạch nhỏ phía ngoài, mạch to phía trong. Mạch hậu mộc 8-10, có thể tiếp xúc hay không tiếp xúc với bó tiền mộc. Tia tủy 1-2 dãy tế bào mô mềm ở giữa bó libe và bó gỗ. Mô mềm tuỷ chia 2 vùng: vùng ngoài tế bào hình đa giác, vách dày tẩm chất gỗ, xếp khít nhau; vùng trong tế bào hình tròn, vách cellulose, xếp chừa những đạo. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong vùng mô mềm tủy.
Thân rễ
Vi phẫu cắt ngang hình gần tròn, vùng vỏ gần bằng vùng trung trụ.
Vùng vỏ: Bần 5-8 lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng, xếp thành dãy xuyên tâm. Nhu bì 2-3 lớp tế bào rất dẹt, vách cellulose. Mô mềm vỏ nhiều lớp tế bào hình tròn hay hình đa giác, xếp lộn xộn và chừa những đạo nhỏ, vài lớp tế bào gần nội bì chứa rất nhiều tinh bột. Bó libe gỗ nhiều, rải rác trong vùng mô mềm, libe ở trên, gỗ ở dưới; gỗ gồm 2-3 mạch nhỏ không đều được bao quanh bởi các tế bào mô mềm hình đa giác, vách cellulose; bao xung quanh bó libe gỗ thường có những tế bào vách cellulose dày. Nội bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, không đều, có đai caspari rõ. Tế bào tiết tinh dầu rất nhiều trong vùng mô mềm, tinh dầu màu vàng sậm.
Vùng trung trụ: Mô mềm tủy tế bào tương tự mô mềm vỏ, chứa rất nhiều tinh bột; vài lớp tế bào ngay dưới nội bì không chứa tinh bột. Bó libe gỗ rải rác khắp vùng mô mềm, cấu tạo tương tự bó ở vùng vỏ, kích thước không đều, bó bên ngoài nhỏ, càng vào tâm vi phẫu bó càng to; bó libe gỗ đầu tiên có thể tiếp xúc với nội bì hay cách nội bì 1-3 lớp tế bào mô mềm. Tế bào tiết tinh dầu rải rác khắp mô mềm tủy.


Gân giữa lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới. Biểu bì tế bào hình bầu dục, tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới; lớp cutin có răng cưa. Lông che chở ít gặp, đơn bào, dạng sợi hẹp và rất dài, đầu nhọn, kéo dài từ 1 tế bào biểu bì. Mô mềm có những khuyết to xếp thành một hàng xen giữa 2 bó libe gỗ, chia làm 4 vùng: (1) mô mềm trên (vùng ngay dưới biểu bì trên) tế bào to, nhỏ dần về phía dưới, hình gần tròn, xếp chừa những đạo rất nhỏ; (2) mô mềm giữa quanh bó libe gỗ và ở bìa các khuyết thì tế bào nhỏ, hình bầu dục, chứa nhiều lục lạp, xếp chừa những khuyết nhỏ; (3) mô mềm xốp trong các khuyết to có tế bào hình sao phân nhánh, thường bị hủy; (4) mô mềm dưới (vùng ngay trên biểu bì dưới) 5-7 lớp tế bào hình đa giác, xếp chừa những đạo rất nhỏ. Bó libe gỗ cấp 1 kích thước không đều, xếp thành 2 lớp: lớp trên là 3 bó nhỏ, xếp ở giữa gân; lớp dưới là các bó to, xếp xen kẽ với các khuyết to. Mỗi bó gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; gỗ gồm mạch gỗ nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn, mô mềm gỗ hình đa giác, xếp khít nhau, vách cellulose; trên bó gỗ và bao dưới bó libe thường có cụm mô cứng; bao quanh bó libe gỗ là vùng mô mềm với những tế bào nhỏ, chứa nhiều lục lạp.
Phiến lá: Biểu bì tế bào hình đa giác hay hình chữ nhật dẹt, lớp cutin có răng cưa; biểu bì trên tế bào to, ít lỗ khí; biểu bì dưới tế bào nhỏ, nhiều lỗ khí. Lông che chở cấu tạo tương tự ở gân lá. Mô mềm chia làm 4 vùng: (1) mô mềm trên (vùng ngay dưới biểu bì trên) tế bào rất to, hình gần tròn, xếp chừa những đạo rất nhỏ, lớp tế bào dưới cùng hình trứng; (2) mô mềm giữa bao quanh và nối liền các bó libe gỗ tế bào nhỏ, hình bầu dục, chứa nhiều lục lạp, xếp chừa những khuyết nhỏ hay đôi khi bị hủy tạo thành những khuyết to; (3) mô mềm xốp trong các khuyết to có tế bào hình sao phân nhánh, thường bị hủy; (4) mô mềm dưới (vùng ngay trên biểu bì dưới) 5-7 lớp tế bào nhỏ, hình đa giác, xếp chừa những khuyết to hay nhỏ. Bó libe gỗ cấu tạo tương tự ở gân giữa và thường được bao quanh bởi một vòng tế bào mô mềm hình bầu dục hay gần tròn. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô mềm.
Bẹ lá: Vi phẫu cắt ngang lõm sâu ở mặt trên. Biểu bì, lông che chở và mô mềm tương tự như gân giữa lá. Bó libe gỗ cấu tạo tương tự ở gân giữa, kích thước không đều, xếp thành 3 lớp hướng về biểu bì dưới; các bó ở lớp giữa to, xen kẽ các khuyết, vùng mô mềm bao quanh chứa nhiều lục lạp; các bó ở trên và ở dưới các khuyết (gần sát biểu bì) rất nhỏ; trên bó gỗ và dưới bó libe có thể có cụm mô cứng hay mô dày. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong vùng mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu trắng ngà, mùi thơm cay.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu nâu nhạt, tế bào vách dày. Mảnh mô mềm tế bào vách mỏng, có chứa nhiều tinh bột hoặc chứa tinh dầu màu vàng sậm. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch. Hạt tinh bột rất nhiều, hình trứng hay hình bầu dục, kích thước 16-32,5 x 7,5-22,5 µm, đôi khi hình 3 cạnh hay hình tròn, đường kính 8,5-22,5 µm, có rốn và vân không rõ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Inđônêxia, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp dưới tán rừng ẩm ướt hoặc được trồng làm cảnh và lấy củ làm thuốc.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Kaempferiae), thái miếng phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: 

Trong Địa liền có tinh dầu, trong tinh dầu thành phần chủ yếu là bocneola metyl, aldehyd cinamic, cinamat etyl, p-metoxycinamat etyl, kaempferol, kaepferid-4’-metyl este, 1,8-cineol, pentadecan, xineola

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Địa liền có công năng ôn trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ vị; chủ trị tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, răng đau, ngực bụng lạnh đau, tiêu hoá kém; còn dùng trị tiêu chảy, hắc loạn và ho gà. Ngày dùng 4 - 8 g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Ngâm rượu 40 - 50% trong 5 - 7 ngày để xoa bóp. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.