Loài G. globosa L. (Cây Cúc Bách Nhật)

Tên
Tên khác: 

Bách nhật, Nở ngày, Bông nở ngày, Thiên kim hồng, Bách nhật hồng, Thiên nhật hồng.

Tên khoa học: 

Gomphrena globosa L.

Họ: 

Rau dền (Amaranthaceae)

Tên nước ngoài: 

Glob amaranth, bachelor’s button (Anh).

Mẫu thu hái tại: 

Tp. Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 05 năm 2010

Số hiệu mẫu: 

CBN 120510; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM

Cỏ đứng cao 30-70 cm, phân nhánh, tiết diện tròn. Thân non màu xanh bạc hay xanh tía, thân già màu hồng tía có mấu phù to màu hồng tía đậm hơn. Toàn cây phủ lớp lông nhám màu trắng. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá nguyên, hình bầu dục, hai đầu nhọn, kích thước 5-12 x 2-4 cm, màu xanh đậm ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, gân chính có màu hồng tía ở mặt trên, 4-6 cặp gân phụ hướng cong lên ở mép lá. Cuống lá ngắn, màu xanh nhạt, hơi tía ở gốc, hình lòng máng, đáy cuống hơi phát triển ôm thân, kích thước dài khoảng 1-2 cm. Cụm hoa đầu cô độc ở ngọn cành trên cuống hình trụ dài 5-25 cm, bên dưới đầu có 2-3 lá bắc màu xanh, hình tròn hay hình tim rộng đỉnh hơi nhọn, kích thước 1-2 x 1-2 cm. Đế cụm hoa màu xanh, hình cầu hay bầu dục chiều dài thay đổi. Đầu mang rất nhiều hoa. Hoa vô cánh, đều, lưỡng tính, mẫu 5. Mỗi hoa có 3 lá bắc: lá bắc dạng tam giác nhỏ khô xác màu trắng, giữa có sọc màu tím, thường dính trên đế cụm hoa; hai lá bắc con ở hai bên, khô xác màu tím hồng, hình dải gấp đôi, kích thước 0,5-1 x 0,2 cm, ôm nhau một phần ở gốc và bao nụ hoa. Lá đài 5, đều, rời, khô xác, hình dải dài khoảng 0,5 cm, màu xanh có phớt tím hồng đỉnh, mặt ngoài có lông trắng dài xốp như bông, tiền khai năm điểm. Nhị 5 trước lá đài, đều, ống chỉ nhị màu trắng xanh dài khoảng 0,3-0,5 cm, phía trên chia 5 cặp thùy màu tím hồng; bao phấn màu vàng hình thuôn nhọn, 2 buồng, nứt dọc, đính giữa mỗi cặp thùy, hướng trong; hạt phấn màu vàng, rời, hình cầu, có vân mạng, đường kính 25-30 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên một ô hình cầu hơi dẹp, một noãn đính đáy; một vòi nhụy màu xanh ngắn 1-2 mm, hai đầu nhụy dạng sợi màu trắng xanh dài 2-3 mm, có nhiều gai nạc. Quả bế, hình cầu dẹp, khoảng 2 x 1,5 mm, màu vàng nâu, mang vòi nhụy khô xác dạng gai dài mềm ở trên. Hạt hình hơi cầu dẹp, khoảng 1,5 x 1,5 mm, màu nâu nhẵn bóng, có cán phôi cong.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu hình gần tròn, hơi lồi lõm. Các mô từ ngoài vào trong: Biểu bì tế bào hình chữ nhật hay đa giác gần tròn, kích thước không đều, lớp cutin hơi có răng cưa, có lỗ khílông che chở đa bào rải rác. Lông che chở đa bào một dãy 5-7 tế bào trong đó 2-4 tế bào ở gần gốc ngắn và các tế bào phía trên dài, có gai nạc lấm tấm. Ở thân già, tầng bì sinh thường xuất hiện dưới lớp biểu bì hoặc đôi khi trong lớp mô dày, lỗ vỏ rải rác. Bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, không đều, xếp xuyên tâm; lục bì tế bào chữ nhật, vách uốn lượn, xếp xuyên tâm với bần. Mô dày góc 2-5 lớp tế bào đa giác, kích thước lớn hơn hoặc bằng tế bào biểu bì, không đều, không liên tục. Mô mềm vỏ khuyết 3-8 lớp tế bào to hình bầu dục hay đa giác gần tròn không đều, xếp nằm ngang, chừa khuyết nhỏ. Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình đa giác gần tròn, hóa mô cứng thành đám. Mô dẫn cấu tạo bất thường gồm nhiều vòng (2-5 vòng) libe gỗ. Tượng tầng bình thường ở trong cùng tạo gỗ 2 và libe 2 không liên tục. Libe 2 vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng, uốn lượn, xếp xuyên tâm; trên libe 2 là cụm libe 1, tế bào đa giác, vách hơi uốn lượn, xếp lộn xộn, ép dẹp. Mạch gỗ 2 hình tròn hoặc đa giác, không đều, thường xếp trên cùng một dãy, mô mềm gỗ 2 hình đa giác vách tẩm gỗ hoặc cellulose; gỗ 1 tập trung thành nhiều cụm, mỗi cụm 3-5 bó, mỗi bó 2-3 mạch xếp ly tâm, mô mềm cạnh gỗ 1 hình đa giác hoặc gần tròn vách cellulose. Các vòng mô dẫn ngoài gồm libe 2 ở ngoài và gỗ 2 ở trong xếp không liên tục bị ngăn cách bởi các dãy mô mềm vách cellulose, libe ít hơn gỗ; các vòng mô dẫn này được ngăn cách bởi mô mềm đạo cấp 2 gồm nhiều lớp tế bào gần tròn, không đều. Tia tủy 2-4 dãy tế bào đa giác xếp xuyên tâm, thường bị gián đoạn bởi các tế bào mô mềm cấp 2. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn, kích thước to, không đều. Rải rác trong tế bào mô mềm có tinh thể calci oxalat kích thước lớn đôi khi gần bằng tế bào.

Cuống lá
Vi phẫu hình lưỡi liềm mặt trên lõm, mặt dưới cong lồi. Biểu bì trên tế bào hình bầu dục hoặc đa giác gần tròn không đều, biểu bì dưới tế bào tròn hơn biểu bì trên, cutin răng cưa cạn không đều. Trên biểu bì có lông che chở đa bào đầu nhọn dài và lỗ khí rải rác. Mô dày góc 1-3 lớp tế bào đa giác gần tròn kích thước không đồng đều tập trung ở phần giữa và hai bên tai cuống lá. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn kích thước to, không đều, vách mỏng. Mô dẫn 4-10 bó kích thước to nhỏ khác nhau, libe ở dưới gỗ ở trên. Libe tế bào nhỏ hình đa giác, xếp khít nhau. Mạch gỗ tròn kích thước không đều xếp lộn xộn hoặc theo dãy xen kẽ với đám mô mềm tế bào nhỏ hình đa giác vách cellulose. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác trong các tế bào mô mềm, kích thước to có khi gần bằng tế bào mô mềm.
Gân giữa
Mặt trên hơi lồi có khuyết ở giữa, mặt dưới lồi. Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hay gần tròn, tế bào biểu bì dưới nhỏ và tròn hơn biểu bì trên, lớp cutin răng cưa cạn và thưa. Cả hai biểu bì có lông che chở đa bào đầu nhọn dài và lỗ khí rải rác. Mô dày góc dưới biểu bì trên và trên biểu bì dưới gồm 1-3 lớp tế bào đa giác không đều. Mô mềm đạo tế bào đa giác hoặc gần tròn, không đều. Hệ thống dẫn gồm 3-7 bó dẫn kích thước không đều xếp theo hình cung lõm xuống. Libe tế bào đa giác nhỏ, xếp nhiều lớp lộn xộn dưới gỗ. Mạch gỗ tròn, không đều, xếp lộn xộn hoặc theo dãy xen kẽ với mô mềm đặc tế bào hình đa giác kích thước nhỏ vách dày cellulose. Hạt tinh bột nhỏ, thường tụ thành đám trong một số tế bào mô mềm gần vùng libe. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác trong vùng mô mềm.
Phiến lá
Biểu bì trên tế bào hình tròn hay bầu dục kích thước không đều, cutin răng cưa cạn và thưa. Biểu bì dưới giống biểu bì trên. Cả hai biểu bì rải rác có lông che chở đa bào đầu nhọn dài và lỗ khí nằm cùng mức với biểu bì. Mô mềm giậu nằm dưới biểu bì trên gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật dài hơi cong, dưới mỗi tế bào biểu bì có từ 2-5 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết trên biểu bì dưới gồm 2-4 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn kích thước không đều, tạo khuyết vừa. Dưới lớp mô mềm giậu có nhiều bó dẫn phụ bị cắt ngang với gỗ ở trên libe ở dưới; các bó này xếp xen kẽ với các tế bào mô mềm kích thước nhỏ. Bao quanh mỗi bó dẫn phụ là một vòng tế bào mô mềm to xếp giống hình hoa thị (vòng bao bó mạch), bên ngoài có các tế bào hình dạng khác nhau có chứa nhiều lục lạp. Tinh thể calci oxalat trong nhiều tế bào mô mềm đặc biệt ở các tế bào mô mềm dưới lớp mô mềm giậu.
Rễ
Vi phẫu hình tròn, có cấu trúc bất thường libe gỗ. Bần gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng, thường bong tróc. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, bị ép dẹp, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ đạo 5-7 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang, không đều, nhiều tế bào cho thấy vách ngăn phân chia. Mô dẫn gồm nhiều vòng (2-5 vòng) libe gỗ không liên tục. Tượng tầng bình thường tạo libe 2 và gỗ 2 trong cùng thường không liên tục bị chia cắt thành 2-3 phần bởi các tia tủy rộng. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ 2 to, tròn hoặc đa giác, không đều, xếp lộn xộn xen kẽ với mô mềm gỗ 2 hình đa giác vách tẩm gỗ hoặc cellulose; gỗ 1 ở tâm còn thấy được 3-4 bó phân hóa hướng tâm dưới tia tủy, mỗi bó 3-4 mạch tròn hoặc đa giác. Libe 2 tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách lượn, xếp xuyên tâm với tế bào gỗ 2; libe 1 bên ngoài libe 2, tế bào đa giác nhỏ không đều, vách hơi lượn, xếp lộn xộn, ép bẹp. Các vòng mô dẫn ngoài do [inlne:CUCBACHNHAT_DDGPRE_tuongtangthangdu.png=tượng tầng thặng dư] trong vùng trụ bì tạo ra cũng gồm libe 2 ở ngoài và gỗ 2 ở trong, nhưng càng ra phía ngoài thì gỗ càng ít; các vòng mô dẫn này được ngăn cách bởi mô mềm đạo cấp 2 gồm nhiều lớp tế bào gần tròn, không đều. Tia tủy 2-4 dãy tế bào đa giác xếp xuyên tâm, thường bị gián đoạn bởi các tế bào mô mềm cấp 2. Hạt tinh bột rải rác trong các tế bào mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hoa màu hồng lẫn vàng nâu, không mùi, vị hơi ngọt chát. Thành phần gồm: Mảnh lá bắc màu tím hồng, tế bào đa giác dài, vách hơi răng có nhiều lỗ thông. Lông che chở đa bào một dãy hơi cong gãy khúc. Mảnh lá đài, tế bào chữ nhật hơi uốn lượn. Mảnh ống nhị tế bào chữ nhật hoặc đa giác dài, vách có lỗ răng. Mảnh bao phấn màu vàng. Mảnh vỏ quả màu nâu nhạt, hơi nhăn, tế bào đa giác không đều. Hạt phấn màu vàng, hình cầu, có vân mạng, vách hơi có tia. Hạt tinh bột hình trứng hơi có cạnh, không rõ vân. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch vòng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây có nguồn gốc ở châu Mỹ, ở Việt Nam cây được trồng làm cảnh và một số mọc hoang do phát tán hạt. Cây sống một năm, ưa sáng, thích nghi với nhiều loại đất, ra hoa sau 2-2,5 tháng kể từ lúc mọc; mùa hoa: tháng 7-12.

Bộ phận dùng: 

Hoa (Flos Gomphrenae) thường được gọi là Thiên nhật hồng, ngoài ra cành và lá cũng được dùng.

Thành phần hóa học: 

Cụm hoa Cúc bách nhật chứa 8 sắc tố màu tím cấu trúc betacyamin là các gomphrenin I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII. Ngoài ra Cúc bách nhật còn chứa amaranthin, isoamaranthin, celosianin, gomphrenol và hai saponin trong đó một chất đã được xác định là gomphrenosid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Vị ngọt, hơi chát, tính bình, có tác dụng khử đàm, bình suyễn, tiêu viêm, chống ho.
Hoa hoặc toàn cây được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa hen phế quản, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, ho, ho gà, ho ra máu, ho lao, đau mắt, đau đầu, sốt ở trẻ em, bụng trướng đau, đầy hơi, tiểu tiện khó. Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, bệnh ngoài da.