Loài Allium tuberosum Rottl. ex Spreng. (Cây Hẹ)

Tên
Tên khác: 

Cửu thái.

Tên khoa học: 

Allium tuberosum Rottl. ex Spreng.

Tên đồng nghĩa: 

Allium uliginosum G. Don

Họ: 

Hành (Alliaceae)

Tên nước ngoài: 

Sweet leek, Fragrant-flowered garlic, Chinese chives (Anh).

Mẫu thu hái tại: 

Tuy Hòa-Phú Yên, ngày 01 tháng 06 năm 2009.

Số hiệu mẫu: 

H 0609

Thân cỏ nhiều năm, cao 20-50 cm, có mùi hăng. Nhiều thân hành nhỏ, màu trắng được bao bên ngoài bởi lớp áo mỏng màu nâu vàng, dạng sợi, nối tiếp thân hành là thân rễ. Thân rễ màu nâu, mọc ngang hơi chếch. Lá mọc so le thành 2 dãy, hơi chụm ở gốc, hình dải, dẹp, đặc, kích thước 15-40μm 0,2-0,7 cm, bẹ lá dài và mỏng. Cụm hoa là tán giả trên trục cụm hoa thẳng đứng dài 30-50 cm. Lá bắc tổng bao dạng mo, mỏng, xẻ 1 bên hoặc xẻ 2-3 mảnh, ngắn hơn cụm hoa, khô xác và tồn tại. Trên cụm hoa có 20-33 hoa, đính thành 3-5 vòng. Hoa nhỏ, nụ hình 3 cạnh, màu trắng, đều, lưỡng tính; cuống hoa dài 1-2,5 cm, gốc có lá bắc nhỏ. Bao hoa 6 phiến, hình trứng hoặc trứng ngược, dài 4-5 mm, rộng 2,5-3 mm, rời nhau hoặc dính nhau rất ít ở đáy, xếp trên 2 vòng; mỗi phiến có 1 gân giữa màu xanh ở bên ngoài. Nhị 6, rời nếu bao hoa rời; trường hợp hoa có bao hoa dính nhau thì gốc chỉ nhị hợp và dính với bao hoa. Chỉ nhị dài 2-2,5 mm; bao phấn khi hoa chưa nở có màu xanh, sau khi đã nở có màu vàng, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn hình bầu dục hay chữ nhật, có rãnh dọc ở giữa, kích thước 32,5- 42,5 μm. Bầu trên, hình chùy ngược, có 3 thùy, giữa mỗi thùy có rãnh dọc. Mặt ngoài có những nốt nhỏ, 3 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ; 1 vòi nhụy rất ngắn màu trắng; đầu nhụy không rõ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân khí sinh cấu tạo từ nhiều bẹ lá hình vòng liên tục ôm lấy 2 lõi bên trong. Mỗi bẹ lá có phần rộng mang các bó mạch xếp thành một hàng và phần hẹp hơn có các bó mạch kém phát triển. Biểu bì ngoài có hình đa giác, lớp cutin khá dày, to hơn hẳn so với biểu bì trong. Biểu bì trong hình chữ nhật, bị ép dẹp, cutin mỏng. Mỗi bó mạch có từ 1-6 mạch, phân hóa ly tâm, libe chồng lên gỗ, xung quanh có thể có vòng mô cứng. Mô mềm khuyết. Trong vùng mô mềm, có một số tế bào tròn bắt màu xanh dày mỏng khác nhau. Các bẹ lá sẽ xếp xen kẽ với nhau để phần rộng của bẹ lá này tiếp xúc với bên hẹp của bẹ lá kia. Phần lõi thân gồm 2 mảnh úp vào nhau, có kích thước không bằng nhau, biểu bì hình đa giác, cutin dày, có nhiều lỗ khí. Mỗi mảnh của lõi đều có các bó libe gỗ kiểu chồng xếp thành 1 vòng, gỗ phân hóa ly tâm, các bó phía trong thường nhỏ hơn các bó phía ngoài. Libe chồng lên gỗ, ít thấy vòng mô cứng chung quanh. Mô mềm khuyết.
mặt trên lõm, mặt dưới lồi, thuôn dài hai bên. Biểu bì hình đa giác, cutin dày, có thể gặp cutin lồi rải rác, nhiều lỗ khí ở cả 2 mặt. Nhiều bó mạch xếp trên 2 hàng: hàng trên gỗ ở phía dưới, hàng dưới gỗ ở phía trên, các bó nằm gần biểu bì dưới to hơn các bó nằm gần biểu bì trên (hay các bó dẫn xếp thành một vòng, gỗ ở trong, libe ở ngoài). libe chồng lên gỗ, ít thấy vòng mô cứng chung quanh. Mô mềm khuyết.
Biểu bì lá: Các tế bào biểu bì hình đa giác rất dài. Lỗ khí giống kiểu lớp 1 lá mầm, có cả ở mặt trên và dưới như nhau. Có thể gặp cutin lồi rải rác.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân lá khí sinh màu vàng xanh, không có mùi vị rõ rệt. Thành phần gồm:
Mảnh biểu bì có các tế bào biểu bì hình đa giác rất dài, mang lỗ khí kiểu lớp Hành, có thể thấy những vòng tròn mờ của cutin lồi. Mảnh mô mềm hình chữ nhật hoặc đa giác hoặc hình tròn có chừa các đạo nhỏ. Các mảnh mạch vạch, mạch điểm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Hẹ có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á, được người Trung Quốc đưa về trồng khoảng 200 năm trước Công nguyên. Cây được trồng trên ruộng đất màu, bãi bồi ven sông, trên nương rẫy, trong vườn, chậu. Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-11. Thường trồng vào mùa xuân hoặc thu đông bằng các thân hành.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Allii) thu hái quanh năm và dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Thân hành chứa aliin, methylaliin; lá chứa hợp chất sulfit, linalol. Trong 100 g phần ăn được của hẹ có nước 93 g, protein 2,1 g, chất béo 0,1 g, carbohydrat 2,8 g, chất xơ 0,9 g, tro 1 g, caroten 4 mg và vitamin C 25 mg. Các đường fructose, glucose, galactose và sucrose. Phân đoạn bay hơi có 36 chất, trong đó có 20 hợp chất sulfit. Hẹ còn chứa N-p. coumaryol tyramin, bis (p. hydroxyphenyl) ether và odorin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Nước ép lá tươi và thành phần bay hơi của cây có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, Shigella flexneri, Shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis. Hoạt chất odorin có tác dụng ức chế mạnh Staphyllococcus aureus. Lá Hẹ tươi có tác dụng diệt trùng roi âm đạo sau 30 phút tiếp xúc. Nước ép lá Hẹ lọc bỏ cặn, tiêm tĩnh mạch cho chuột nhắt trắng với liều 0,1-0,5 ml/10 g thân trọng, xuất hiện triệu chứng choáng, vật vã, co giật và chuột chết sau nửa giờ. Hẹ được dùng làm gia vị và làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hành chữa ho trẻ em, hen suyễn, tiêu hoá kém, giun kim, lỵ amip, mồ hôi trộm. Liều dùng hàng ngày: 20-30 g. Hạt Hẹ chữa bệnh dương ủy, di mộng tinh, đái són, đái đàm, đau lưng, mỏi gối, khí hư với liều 4-12 g mỗi ngày.
Bài thuốc có Hẹ:
- Chữa ho trẻ em: Lá hẹ 15 g, hoa đu đủ đực 15 g, hạt chanh 20 hạt. Tấ cả dùng tươi, cho vào bát sạch, giã nát, thêm đường và 10 ml nước. Đem hấp chín để nguội, cho trẻ em uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày liên tục. Hoặc lấy lá hẹ 15 g phối hợp với lá dâu non 10 g, cách làm và dùng như trên.
- Chữa hen suyễn: Lá hẹ 50 g sắc với 200 ml nước còn 50 ml. Uống trong ngày.