images/upload/BannerWebKhoaDuoc-02.png
CÁC MỤC CHÍNH
TIN NỘI BỘ
TRA BÀI VIẾT
<Tháng Ba 2024>
HaiBaNămSáuBảyCN
26272829123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ
Lượt truy cập : 101.510.272
HỢP TÁC QUỐC TẾ
“SAKURA SCIENCE EXCHANGE PROGRAM” – CHUYẾN ĐI TRONG MƠ - Cập nhật : 14/11/2018

Khoa Dược ĐHYD TP.HCM, ngày 12/11/2018 – Trong khoảng thời gian 10ngày từ ngày 23/10/2018 đến ngày 01/11/2018, đoàn sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM (ĐHYD TP.HCM) gồm có 18 sinh viên và các Thầy,Cô, trong đó bao gồm 06 bạn sinh viên Khoa Dược đã được lựa chọn từ những cá nhân tiêu biểu để đại diện tham gia chương trình “Sakura Science Exchange Program” tại Đại học Y Tế và Phúc Lợi Takasaki, Nhật Bản.

VỀ HỌC TẬP

Tham gia chương trình trao đổi này, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nền khoa học – công nghệ cao ở Nhật Bản, đặc biệt về ngành Dược và Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học. Tuy rằng chương trình trao đổi chỉ diễn ra vỏn vẹn 10 ngày, nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích thông qua các giờ học lý thuyết cũng như các buổi đi thực tế tại các nhà thuốc, bệnh viện,…

Những giờ học thú vị trên giảng đường

Ngày đầu tiên24/10/2018, chúng tôi được các Thầy, Cô và các bạn sinh viên Nhật Bản chào đón nồng hậu.

Chúng tôi được dịp giới thiệu về đất nước Việt Nam cũng như Trường ĐHYD TP.HCM. Kèm theo sau đó là bài giảng rất tâm huyết của Giáo sư Machida về hệ thống y tế của Nhật Bản.
Ngày 25/10/2018, chúng tôi gặp Thầy Iwasaki, một người thầy rất thân thiện. Thầy đã dạy chúng tôi về thiết kế thuốc và cùng chúng tôi đi đến các chuyến ngoại khóa ở Đại học Jichi và Đại học Keio. Có lẽ chúng tôi nhớ nhất câu nói của Thầy:“You need to be a scientist before a pharmacist”(tạm dịch: “Các em cần phải học làm một nhà khoa học trước khi có thể trở thành Dược sỹ”).Thầy luôn khuyến khích học trò của mình phải tích cực tìm hiểu về các môn khoa học và dược học ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất xung quanh chúng ta.

Chuyến đi ngoại khóa đến Nhà thuốc Marue

Tại nhà thuốc, việc phân phát thuốc cho bệnh nhân được kiểm tra lại bằng các máy móc hiện đại: các liều thuốc được phân ra thành từng gói có ghi ngày và thời gian uống để tránh việc bệnh nhân quên thuốc, thuốc bột được phân liều chính xác bằng máy phân liều, và thuốc mỡ được pha trực tiếp tại quầy bằng máy ly tâm. Ngoài ra, thông tin của mỗi bệnh nhân được lưu lại trên một cơ sở dữ liệu phổ biến toàn quốc.

Chuyến đi thực tế tại Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Gunma

Chúng tôi được Thầy Hideaki Yashima giới thiệu về cơ cấu tổ chức của khoa Dược của bệnh viện này. Tại bệnh viện,chúng tôi đã được hiểu thêm về vai trò của Dược sĩ tại các bệnh viện tại Nhật Bản: Dược sĩ được tham gia vào rất nhiều khâu trong quy trình chăm sóc sức khỏe cho người dân tại bệnh viện. Có thể nói, Dược Lâm sàng rất phát triển ở Nhật Bản và vai trò của Dược sĩ ở Nhật Bản là vô cùng lớn.

Chuyến đi ngoại khóa đến Đại học Y khoa Jichi, Gunma

Theo lời Akemi, đoàn chúng tôi thực sự rất may mắn khi được tham quan hai đại học lớn là Đại học Jichi và Đại học Keio – hai đại học đi đầu trong công nghệ y học để học tập những kỹ thuật tân tiến của họ.

Tại Đại học Jichi, chúng tôi được học về liệu pháp gen, một công nghệ tiên tiến dùng để chữa các bệnh liên quan đến tổn thương gien. Liệu pháp gien ở Nhật Bản đã được ứng dụng thành công trong việc chữa bệnh Parkinson cũng như bệnh teo cơ xơ cứng cột bên (ALS) và đang được nghiên cứu sâu hơn để mở rộng phương hướng điều trị của liệu pháp này.

Kế đến, chúng tôi được tham quan “Trung tâm Heo” của Đại học Jichi. Heo được nuôi để làm vật thử nghiệm cho các sinh viên Y thực tập phẫu thuật trước khi tiến hành ca mổ trên con người bằng máy Da Vinci. Hình thức này giúp cho sinh viên Y có môi trường khá giống thực tế, cũng như giúp các giảng viên có thể dễ dàng hướng dẫn sinh viên trong các ca mổ thực tập này.

Ngoài ra, Đại học Y khoa Jichi còn xây dựng một Bệnh viện Nhi đồng. Nét đặc biệt của bệnh viện này là cách bày trí rất phù hợp trẻ em: các hình ảnh thiên nhiên cùng với những động vật được phác họa theo phong cách dễ thương, kèm theo một khuôn viên vui chơi và một trường học nhỏ cho các bệnh nhi phải điều trị nội trú lâu dài. Các bác sỹ, y tá cũng rất thân thiện, gắn kết với trẻ em, từ đó tạo cho các bệnh nhi tâm lý tốt nhất mỗi khi đến bệnh viện.

Tham quan phòng máy phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR – Nuclear Magnetic Resonance)

Phổ cộng hưởng từ hạt nhân là một loại quang phổ được sử dụng rất phổ biến trong việc xác định cấu trúc các chất hữu cơ, tuy nhiên ở Việt Nam chúng tôi không có điều kiện để sử dụng loại máy này. Đến đây, chúng tôi như được khám phá một chân trời mới, được tự tay chuẩn bị mẫu đo và tự tay thực hiện các thao tác trên máy. Thầy Suto là người hướng dẫn chúng tôi các thao tác, kèm theo đó là cách biện giải phổ NMR.

Buổi thực tập giả lập nhà thuốc/bệnh viên tại Khoa Dược, Đại học Y tế và Phúc lợi Takasaki

Chiều 29/10/2018, chúng tôi được tham gia vào một buổi thực tập gồm nhiều k năng khác nhau trong thực hành Dược ở nhà thuốc/bệnh viện tại phòng lab Dược Lâm sàng của Khoa Dược, Đại học Y tế và Phúc lợi Takasaki.

                   Chúng tôi đang lắng nghe Cô Okada phổ biến nội dung buổi thực tập

Hướng dẫn sử dụng BD PhaSealTMsystem

Chuyến đi ngoại khóa tại Đại học Khoa học Y tế Keio

Chiều 30/10/2018, chúng tôi ghé thăm Đại học Khoa học Y tế Keio và được Thầy Keiichi Fukuda trình bày về thành tựu ứng dụng của tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS cells) trong điều trị suy tim nặng. Cụ thể, Đại học này đã thành công trong việc sử dụng tế bào gốc này để biệt hóa nhằm tạo tế bào cơ tim mới đồng thời tinh chế chúng một cách hiệu quả để sử dụng bổ sung tế bào cơ tim cho bệnh nhân suy tim nặng. Chúng tôi thực sự bất ngờ và thán phục về thành tựu này của Đại học Keio.

VỀ VĂN HÓA

Nhật Bản là đất nước không những nổi tiếng về khoa học kỹ thuật mà còn có một bề dày văn hóa nghệ thuật đáng ngưỡng mộ. Với sự tiếp đón nồng hậu của trường Đại học Takasaki, chúng tôi đã may mắn được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị và tuyệt vời.

Chúng tôi ghé thăm đất nước của xứ sở hoa anh đào vào đúng độ thu chuyển sang đông với khí trời se mát trên cảnh sắc những rặng cây màu xanh, màu vàng, màu đỏ đan xen nhau. Không chỉ vậy, điểm tô lên đó là vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước Fukiware no Taki khiến ai trông thấy cũng phải xao xuyến lòng.

Một góc cảnh của Fukiware no Taki

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được ghé thăm vườn táo để thưởng thức những trái táo ngọt lịm và mọng nước do chính chúng tôi tự chọn và hái lấy. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được dùng thử và mua sắm rất nhiều sản phẩm được chế biến từ những quả táo ấy, nào là bánh táo, siro táo, mứt táo,…tại nhà lưu niệm.

Tạm biệt Gunma thơ mộng cùng với Thầy Cô và những người bạn đáng yêu tại Takasaki, chúng tôi đặt chân đến Tokyo vào ngày thứ 9 để tiếp tục cuộc hành trình.

Đi bộ khoảng 10 phút từ Hostel, chúng tôi đến tham quan ngôi đền cầu duyên nổi tiếng Tokyo Daijingu.

Chúng tôi dành khoảng một tiếng tại đền để cầu nguyện, xin các quẻ bói và Omamori – một dạng bùa cầu may truyền thống.

Từ đền Tokyo Daijingu, chúng tôi đi bộ đến ga tàu gần nhất, mua vé đến Tokyo Station để tham quan Hoàng cung Tokyo.

Lễ bế mạc đã diễn ra như đúng tên gọi của nó. Chúng tôi được trao những tờ giấy chứng nhận đã hoàn thành xong chương trình trao đổi từ Thầy Imainhư một điều báo hiệu chúng tôi sắp phải chia tay với Takasaki, với Gunma và với Nhật Bản. Tạm gác những cảm xúc sắp chia xa những người bạn mới quen nơi đây, chúng tôi đã nhảy múa, đã vui chơi với nhau hết mình để tận hưởng những phút giây còn lại tại đây thật trọn vẹn. Khép lại buổi tổng kết, chúng tôi và các bạn sinh viên Nhật bản trao cho nhau những món quà xinh xắn thay cho lời cảm ơn cùng lời hứa hẹn sẽ còn gặp lại.

Bên cạnh những địa điểm tham quan thú vị, chúng tôi còn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực hết sức đặc sắc của Nhật Bản.

Qua chuyến trao đổi tuy ngắn nhưng tràn ngập những điều mới mẻ và thú vị vừa qua, đoàn sinh viên chúng tôi không chỉ được mở mang tầm mắt với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn ấm lòng hơn cả là sự đón tiếp hết sức chu đáo, nồng hậu từ các bạn sinh viên và Thầy, Cô Đại học Takasaki. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được sự mến yêu của chúng tôi dành cho đất nước Phù Tang. Có lẽ, một phần trái tim của chúng tôi đã gửi lại nơi đất nước xinh đẹp ấy. Hy vọng rằng tình hữu nghị giữa ĐHYD TP.HCM và Đại học Y tế và Phúc lợi Takasaki sẽ ngày càng khắng khít, thân càng thêm thân./.

Bài và ảnh:Đoàn sinh viên trao đổi Khoa Dược.


 

 

CÁC TIN KHÁC
Khoa Dược - Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh
41 Đinh Tiên Hoàng - P.Bến Nghé - Q1 - Tp.Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84.8)38295641 Fax : (84.8)38225435 Email : duockhoa@uphcm.edu.vn