Loài Curcuma longa L. (Cây Nghệ)

Tên
Tên khác: 

Nghệ vàng, Khương hoàng, Uất kim; Cohem, Co khản mỉn(Thái); Khinh lương (Tày)

Tên khoa học: 

Curcuma longa L.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: 

“Common turmeric”, “Long turmeric” (Anh); “Safran des Indes “ (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 06 năm 2009, tại huyện Krông pắc tỉnh Đắc lắc.

Cỏ cao khoảng 70 cm. Thân rễ (thường gọi củ Nghệ) hình trụ hay hình bầu dục, phân nhánh, đường kính 1,5-2 cm; có màu vàng tươi, có nhiều đốt, tại các đốt có những vảy khô do lá biến đổi thành. Lá đơn, mọc từ thân rễ. Phiến lá hình bầu dục, kích thước 22- 40 x 12 – 15 cm, đầu nhọn, bìa phiến nguyên, hơi uốn lượn; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, các gân phụ hơi lồi ở mặt trên. Bẹ lá hình lòng máng, dài 18- 28 cm, ôm sát vào nhau tạo thành một thân khí sinh giả có màu xanh, trên bẹ lá có các đường gân dọc song song. Lưỡi nhỏ là một màng mỏng màu trắng, cao 2-3 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân rễ:
Vi phẫu hình gần tròn. Biểu bì hóa mô cứng, rải rác có lông che chở đơn bào. Bần gồm 3 – 4 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm, vách hơi uốn lượn. Nhu bì, 2-3 lớp tế bào. Mô mềm vỏ đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác vách mỏng, kích thước to. Rải rác trong mô mềm vỏ có các bó libe gỗ cấu tạo cấp 1 với gỗ ở trong libe ở ngoài. Nội bì khung caspary, 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bằng 1/2 – 1/3 tế bào mô mềm vỏ. Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bắng tế bào nội bì. Nhiều bó libe gỗ có cấu tạo như các bó trong mô mềm vỏ, xếp lộn xộn. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác, vách mỏng, kích thước bằng tế bào mô mềm vỏ. Trong mô mềm vỏ và tủy rải rác có các hạt tinh bột và tế bào tiết.
Vi phẫu lá:
Gân giữa: mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Mô mềm đạo tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. Ở phía biểu bì dưới có các bó libe gỗ lớn nhỏ xếp thành hàng xen kẽ nhau. Bó lớn có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới. Gỗ gồm có: 1-2 mạch hậu mộc, 1-2 mạch tiền mộc; trên gỗ và dưới libe là cụm mô cứng, tế bào đa giác kích thước nhỏ, 2 – 3 lớp tế bào ở phía trên gỗ có vách mỏng, 5 – 6 lớp ở phía dưới libe có vách dày. Bó nhỏ có cấu tạo tương tự bó lớn nhưng mô cứng bao liên tục với 3 lớp tế bào hình đa giác, vách dày. Ở phía trên rải rác cũng có 4-5 bó libe gỗ có cấu tạo như trên. Các cụm mô mềm xốp xen kẽ các bó libe gỗ lớn, đôi khi bị hủy để lại một khuyết lớn; xung quanh các khuyết là các tế bào mô mềm gần tròn chứa nhiều hạt lục lạp.
Phiến lá: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lỗ khí có rải rác ở cả 2 biểu bì. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác kích thước không đều nhau. Các bó libe gỗ cấu tạo như ở gân giữa. Vùng mô mềm khuyết ở giữa các bó libe gỗ tế bào gần tròn hoặc hình bầu dục, có khi tế bào hơi thuôn dài xếp thành một hàng giống như mô mềm giậu, chứa nhiều hạt lục lạp. Rải rác trong mô mềm là các tế bào tiết màu vàng.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột mịn, màu vàng tươi.
Thành phần: mảnh bần gồm những tế bào vách hơi uốn lượn xếp xuyên tâm. Mảnh mô mềm, tế bào đa giác vách mỏng, chứa các hạt tinh bột. Lông che chở đơn bào dài. Mảnh mạch vạch. Nhiều hạt tinh bột hình trứng đầu nhọn, kích thước 22,5-30 x 12,5-17,5 µm, có vân đồng tâm và rốn lệch tâm. Tế bào chứa tinh dầu và nhựa tạo thành những đám lổn nhổn màu vàng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Là cây trồng quen thuộc của các nước nhiệt đới. Ở Việt Nam cây được trồng khắp nơi.
Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Curcumae longae) thường gọi là Khương hoàng.

Thành phần hóa học: 

Nước 13,1%; protein 6,3%; chất béo 5,1%; chất vô cơ 3,5%; sợi 2,6%; carbonhydrat 69,4% và caroten tính theo vitamin A. Tinh dầu Nghệ chứa: d. phelandren 1%, d. sabinen 0,6%; cineol 1%; borneol l0,5%; zingi; beren 25%; sesquiterpen (tuemeron) 58%...Các chất màu phenolic trong củ Nghệ chủ yếu là dẫn chất của diarylheptan, 3 chất chủ yếu là curcumin, bis(4-hydroxy-cinnamoyl)- methan và 4-hydroxycinamoyl feruloyl methan.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thân rễ Nghệ dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh ứ máu, vùng ngực bụng trướng, đau tức, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da. Ở Trung Quốc, Nghệ dùng làm thuốc kích thích, bổ, giảm đau, cầm máu và tăng cường chuyển hóa, trị loét dạ dày tá tràng…Ở các nước Đông Nam Á, Nghệ được xem là có tác dụng bổ dạ dày, gây trung tiện, bổ máu, chữa vàng da và bệnh gan khác. Tác dụng bảo vệ tế bào gan là do hợp chất curcumin có trong thân rễ Nghệ.