Loài Phyllanthus amarus Schum. et Thonn. (Cây Diệp Hạ Châu Đắng)

Tên
Tên khác: 

Chó đẻ thân xanh, Chó đẻ răng cưa xanh lá mạ

Tên khoa học: 

Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.

Họ: 

Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 05 năm 2009, tại quận1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cỏ cao 50 cm. Tiết diện thân tròn, màu xanh, ở gốc có màu nâu và có những sọc dọc màu trắng. Cành dài 6,5-8,5 cm, các cành xếp khít nhau ở phần ngọn, thưa ở phần gốc. Lá đơn, mọc so le, xếp thành 2 dãy, mỗi cành giống như một lá kép lông chim gồm nhiều lá chét. Phiến lá hình bầu dục đầu tròn có mũi nhọn, màu xanh lục, đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, gốc đối xứng, kích thước 0,6-1,2 x 0,4- 0,6 cm, bìa phiến nguyên. Gân lá hình lông chim, gân phụ không rõ. Cuống lá rất ngắn, hình sợi màu xanh, dài 0,5 mm. Lá kèm hình tam giác, cao 0,8 mm, màu xanh nhạt. Cụm hoa: ở mỗi nách lá thường có 1 hoa đực và 1 hoa cái, những lá phía gốc cành thường chỉ có 1 hoa cái, rất ít gặp trường hợp ở nách lá có 1 hoa cái và 2 hoa đực. Hoa vô cánh, đều, đơn tính cùng gốc, mẫu 5. Hoa đực: cuống hình trụ màu xanh lục rất ngắn 0,8 mm, ngắn hơn cuống hoa cái. Lá đài 5, đều, rời, hình trứng, đầu nhọn, màu xanh lục ở giữa, 2 mép bên màu trắng, kích thước 0,7 x 0,35 mm. Tiền khai 5 điểm. Nhị 3, đều, dính nhau ở phần lớn chỉ nhị thành 1 cột mang 3 bao phấn ở đỉnh, bao phấn hình bầu dục nằm ngang, mở theo đường nứt ngang. Hạt phấn hình bầu dục, rời, màu vàng, có rãnh dọc, kích thước 25 x 17,5 m. Đĩa mật chia làm 5 khối hình cầu màu vàng. Hoa cái: cuống hình trụ màu xanh, gốc nhỏ, đỉnh phình to. Lá đài giống lá đài của hoa đực, tồn tại, tiền khai lợp. Lá noãn 3, bầu trên 3 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ. 3 vòi nhụy hình sợi màu xanh cong ra bên ngoài, dài 0,1 mm. 3 đầu nhụy màu xanh, chia 2 thùy, dài 0,05 mm. Đĩa mật chia làm 5 thùy màu xanh. Quả nang, hình cầu dẹt, màu xanh, có 6 rãnh, kích thước 2 x 1,1 mm, mang 5 lá đài tồn tại. Cuống hình trụ, phình ở đỉnh, màu xanh. Quả nứt dọc thành 3 mảnh, mỗi mảnh chứa 2 hạt. Hạt hình múi cam, màu nâu sáng, 2 bên hơi lõm có vân hình cung, mặt lồi có vân dọc, kích thước 0,8 x 1 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 




Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân:
Vi phẫu gần tròn. Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, rải rác có ít lỗ khí. Mô dày góc, 1-2 lớp tế bào hình bầu dục, giữa 2 lớp có những khuyết nhỏ. Mô mềm khuyết, tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều nhau và lớn hơn tế bào mô dày góc. Trong mô mềm khuyết có ít hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Trụ bì 3-5 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều nhau, hóa mô cứng thành một vòng không liên tục. Hệ thống dẫn gồm có: libe 1 xếp thành từng đám; libe 2, 4-5 lớp tế bào xếp xuyên tâm. Mạch gỗ 2 nhiều, hình gần tròn hay bầu dục. Tia tủy là 1-2 dãy tế bào hình đa giác, vách mỏng; gỗ 1 phân bố đều quanh vi phẫu. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hay đa giác, kích thước không đều và lớn hơn nhiều so với mô mềm vỏ. Trong mô mềm tủy có ít hạt tinh bột.
Vi phẫu lá:
Gân giữa: mặt dưới lồi, mặt trên gần như phẳng. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, lớp cutin mỏng có răng cưa nhỏ. Tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới. Mô dày tròn chỉ có ở biểu bì dưới, 1- 2 lớp tế bào hình gần tròn hay đa giác. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào hình thuôn dài ở biểu bì trên. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ hơn tế bào mô dày tròn. Cụm libe gỗ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Phiến lá: tế bào biểu bì hình bầu dục kích thước không đều, lỗ khí có rải rác ở 2 biểu bì nhưng nhiều hơn ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu, 1 lớp tế bào hình thuôn dài chiếm tỉ lệ ½ phần thịt lá. Mô mềm khuyết, tế bào vách uốn lượn, kích thước không đều nhau. Một vài tinh thể calci oxalat hình lăng trụ trong mô mềm giậu.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây mịn, có ít xơ, màu xanh lục.
Thành phần: mảnh biểu bì trên và dưới mang lỗ khí kiểu dị bào, tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Mảnh mô mềm tế bào đa giác vách mỏng. Mảnh biểu bì của thân mang lỗ khí; đám sợi dài không rõ ống trao đổi. Mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn. Mảnh biểu bì lá đài, tế bào vách uốn lượn. Hạt phấn hình bầu dục, kích thước 25 x 17,5 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố khắp các vùng nhiệt đới cổ. Ở Việt nam mọc hoang trên đất ẩm, ở khắp các địa phương. Mùa hoa : tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-9.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Phyllanthi amari)

Thành phần hóa học: 

Lá Diệp hạ châu đắng chứa chất đắng là phyllathin. Lá khô chứa các chất đắng hypophyllanthin (0,05%), phyllathin (0,35%). Trong cây có niranthin, nirtetralin, phylteralin. Ngoài ra trong cây còn có lignan, flavonoid, alcaloid kiểu securinin như niruroidin, isobubialin, epibuealin một loại elagitanin cùng với 1-O-galoyl-2,4-dehydrohescahydroxyphenoy l- glucopyranose elaeocarpusin, quercetin, quercitrin, isoquercitrin, astragalin, rutin; các acid hữu cơ như acid ascorbic, geraniinic, acid amariinic và repandusinic A.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Diệp hạ châu đắng được dùng làm thuốc trị bệnh viêm gan vàng da, sốt, đau mắt, rắn cắn.
Diệp hạ châu đắng được dùng trong y học cổ truyền Thái lan trị bệnh vàng da. Ở Ấn Độ, Diệp hạ châu đắng dùng để sát khuẩn, lợi tiểu, vàng da, lỵ, phù, đái tháo đường. Ở Peru, nhân dân sắc nước phần trên mặt đất uống làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi mật, sỏi thận. Ở một số nước Nam Mỹ, Diệp hạ châu đắng dùng trị sốt rét, sỏi niệu, sỏi bàng quang, các bệnh về đường tiết niệu nói chung. Ở Haiti, người dân sắc lá làm nước uống trị sốt. Từ đảo Hải nam đến Inđônesia nhân dân dùng Diệp hạ châu để sắc nước uống chữa bệnh về thận và gan, trị bệnh hoa liễu, đau bụng, long đờm cho trẻ em, hạ sốt, điều kinh và trị tiêu chảy…Ở Papua niugine, nước hãm toàn cây để trị đau đầu, hoặc đau nửa đầu. Ở Tanzania cao nước phần trên mặt đất của Diệp hạ châu dùng trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Ở Tây Ấn, Diệp hạ châu đắng dùng trị giun ở trẻ em, ở bờ biển Ngà người dân dùng nước sắc lá uống trong trường hợp khó sinh, trị vàng da, nôn, đau họng…
Tác dụng trị viêm gan siêu vi của Diệp hạ Châu đắng là do tác dụng của phyllathin và hypophyllathin.