Loài Belamcanda chinensis (L.) DC. (Cây Xạ Can)

Tên
Tên khác: 

Rẻ quạt, Lưỡi đồng

Tên khoa học: 

Belamcanda chinensis (L.) DC.

Tên đồng nghĩa: 

Belamcanda punctata Moench.

Họ: 

La dơn (Iridaceae)

Tên nước ngoài: 

Dwarf tiger-lily, Leopard flower, Blackberry lily (Anh)

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 05 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

XC 0509

Thân cỏ nhiều năm, mọc đứng, cao 0,5-1 m, đường kính 0,8-1 cm. Thân rễ màu vàng nâu, dài 4-9 cm, đường kính 1-2 cm. Trên thân rễ có các vết tích lá dạng những gân ngang, nhiều vết sẹo của rễ con và những rễ ngắn còn sót lại; mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay. hình gươm, xếp thành 2 dãy, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu, dài khoảng 30 cm, rộng 1,5-2 cm, có bẹ ôm lấy thân, tiền khai cưỡi, gân lá song song. Các lá xếp trên một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. Cụm hoa là tán đơn mang 5-7 hoa, nhiều tán hợp lại thành cụm hoa phức tạp ở ngọn thân, trục cụm hoa dài 20-40 cm, tổng bao lá bắc khô xác, lá bắc con dựa trục có hình dạng giống lá bắc nhưng kích thước nhỏ hơn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 3, cuống dài 2-3 cm. Bao hoa gồm 6 phiến dạng cánh màu vàng cam có đốm đỏ, hợp ở gốc thành ống rất ngắn, 3 lá đài ở vòng ngoài xoắn lại sau khi nở và to hơn 3 cánh hoa ở vòng trong. Lá đài tiền khai vặn ngược chiều kim đồng hồ, cánh hoa vặn theo chiều ngược lại. Nhị 3, rời, đính ở đáy ống bao hoa và xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi màu hồng, bao phấn 2 ô, thuôn dài, màu cam, thẳng khi vẫn còn nằm trong nụ, uốn cong khi hoa nở; nứt dọc, hướng ngoài. Hạt phấn hình bầu dục hai đầu nhọn, có rãnh dọc to và vân mạng lưới, kích thước 105-115x55-65 μm. Lá noãn 3, bầu dưới, hình trứng, 3 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy màu đỏ to dần về phía đỉnh, đầu nhụy chẻ 3. Quả nang, hình trứng ngược dài 2,5 cm, rộng 2 cm, ở đỉnh mang bao hoa đã khô và xoắn lại; hạt màu đen bóng, hình cầu, đường kính 3 mm, có sọc ngang.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân rễ
Lớp bần dày, tế bào hình chữ nhật khá đều, xếp xuyên tâm, bên ngoài vẫn còn biểu bì. Mô mềm vỏ đạo, tế bào tròn, có vách dày, chứa nhiều hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat hình kim lớn, hiếm gặp các bó mạch vết tích của lá. Nội bì gồm một lớp tế bào nhỏ tạo thành vòng liên tục bao quanh phần trụ giữa. Các bó libe gỗ đồng tâm (gỗ bao quanh libe) hay bó gỗ hình móng ngựa kẹp libe ở giữa nằm rải rác trong vùng trung trụ, tập trung nhiều ở vùng sát nội bì, thưa hơn ở phần trung tâm. Mô mềm tủy đạo, thỉnh thoảng có chừa các khuyết nhỏ, gồm những tế bào tròn, vách khá dày có chứa hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat hình kim lớn.
Thân
Vi phẫu hình bầu dục, tế bào biểu bì hình đa giác, kích thước khá đều nhau, cutin khá dày. Mô mềm vỏ khuyết gồm 8-10 lớp tế bào hình tròn, vách mỏng, rải rác có các bó libe gỗ nhỏ. Vòng mô cứng bao quanh trung trụ được tạo thành từ 3-10 lớp tế bào nhỏ, hình tròn hoặc đa giác, vòng này bị gián đoạn ở các bó mạch. Các bó libe gỗ đồng tâm hay bó gỗ hình móng ngựa kẹp libe ở giữa rải rác trong vùng trung trụ, tập trung nhiều ở gần vòng mô cứng; quanh bó dẫn có thể có vòng mô cứng không liên tục. Mô mềm tủy khuyết, tế bào hình tròn, vách mỏng, lớn hơn tế bào mô mềm vỏ. Tinh thể calci oxalat hình kim lớn trong cả mô mềm vỏ và tủy.
: Bẹ lá: hình chữ V, tế bào biểu bì dưới hình chữ nhật đứng hoặc hơi nghiêng, có nhiều lỗ khí, tế bào biểu bì trên hình chữ nhật nằm ngang, bề mặt hơi lồi, không thấy lỗ khí. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào hình đa giác, các tế bào mô mềm gần biểu bì trên tại phần gấp lại của bẹ bị ép dẹp nên uốn lượn, xếp sát nhau và vách dày hơn. Nhiều bó libe gỗ xếp thành một hàng, gỗ ở trên, libe ở dưới. Mô mềm bên dưới libe bị hóa mô cứng. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim lớn rải rác trong vùng mô mềm.
Phiến lá: Không phân biệt rõ vùng gân giữa và thịt lá, hơi lồi lên ở những chỗ có bó mạch. Tế bào biểu bì trên và dưới hình chữ nhật, xếp đều đặn, 2 mặt đều có lỗ khí. Mô mềm khuyết, hình bầu dục, số lớp tế bào ít hơn hẳn so với phần bẹ lá. Các bó libe gỗ xếp thành 2 hàng sát 2 lớp biểu bì; libe chồng lên gỗ và hướng về phía biểu bì, quanh libe có mô cứng phát triển. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ họp lại bó trong mô mềm.
Biểu bì lá: Biểu bì trên giống biểu bì dưới, hình thoi hay hình chữ nhật, lỗ khí nhiều ở cả 2 mặt và đặc trưng kiểu lớp 1 lá mầm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân rễ màu vàng, không mùi, vị đắng, hơi cay. Thành phần gồm: mảnh bần, tế bào hình chữ nhật, vách dày, màu nâu; mảnh mô mềm, tế bào tròn chứa hạt tinh bột; hạt tinh bột nhỏ, hình tròn hay hình xoan, đường kính 5-17 µm, không rõ vân, riêng lẻ hay thành đám gồm 4-7 hạt đơn; tinh thể calci oxalat hình kim rất lớn nguyên hay bị đứt gãy, dài 130-160 μm, rộng 12-25 μm; mảnh mạch vạch; khối chất nhựa màu đỏ nâu.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm (ở miền Nam) và mùa xuân hè (ở các tỉnh phía Bắc). Cây trồng trên 1 năm tuổi mới có khả năng ra hoa quả. Xạ can có sức sống dai, tái sinh dinh dưỡng khỏe từ các phần của thân rễ và từ hạt.

Đặc điểm khác: 

Cỏ đa niên có căn hành. Lá song đính, dẹp như gươm, dài 30 cm, rộng 1,5-2 cm. Phát hoa thưa, trong một mặt phẳng, hoa vàng có đốm đỏ; cánh hoa hơi to hơn lá đài; tiểu nhụy 3, nang dài 2,5 cm, có sọc ngang, nở làm 3 mảnh; hột lam đen, láng.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Belamcandae) - Thân rễ màu vàng nâu nhạt đến nâu, có những gân ngang là vết tích của lá, còn sót lại những rễ ngắn, nhiều nốt sần nhỏ là vết tích của rễ con, dài 3-10 cm, đường kính 1-2 cm, hay những phiến có dạng hình trái xoan hay tròn, dài 1-5 cm, rộng 1-2 cm, dày 0,3-1 cm, mép lồi lõm không đều, màu vàng nâu nhạt đến vàng nâu. Mặt cắt ngang nhẵn, màu trắng ngà hay vàng nhạt, nhìn rõ hai phần: phần ngoài màu sẫm, phía trong nhạt hơn, có nhiều điểm nhỏ của các bó libe gỗ. Phiến cắt dọc có vỏ ngoài màu nâu sẫm, mặt cắt có sợi dọc. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.

Thu hái và chế biến: 

Thu hoạch vào đầu mùa xuân, khi cây mới nảy mầm hoặc cuối thu, khi lá khô héo, đào lấy thân rễ, loại bỏ rễ con và tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát phơi khô. để nguyên hay được cắt thành phiến mỏng đã phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: 

Thân rễ chứa tectorigenin (có tác dụng ức chế dị ứng), irigenin, tectoridin, iridin, 5, 3-dihydroxy-4’,5’-dimethoxy-6,7-methylendioxyisoflavon, dimethyltectorigenin, irisfloretin, muningin, các iristectorigenin A và B,…

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trong thí nghiệm in vitro, cao cồn thân rễ có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà, Bacillus subtilis và có tác dụng yếu đối với tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae. Thanh nhiệt giải độc, hoá đàm bình suyễn. Trị họng sưng đau, ho đờm, suyễn tức. Ngày dùng 3-6 g, dạng thuốc sắc hoặc bột; làm viên ngậm, uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.