Loài Citrus sp. Blanco (Cây Quýt)

Tên
Tên khác: 

Quất thực

Tên khoa học: 

Citrus sp. Blanco

Họ: 

Cam (Rutaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Tuy Hòa-Phú Yên, ngày 01 tháng 06 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

Q 0609

Cây nhỡ, cao khoảng 3 m. Cành cứng, tiết diện gần tròn, dai, nhẵn, thỉnh thoảng có gai nhọn dài khoảng 8 mm. Lá mọc so le, hình xoan, dài 7-10 cm, rộng 3,5- 4,5 cm, gốc thuôn, đầu tù hoặc có khuyết lõm. Bìa lá nguyên ở nửa dưới, có khía cạn ở nửa trên, mặt trên nhẵn bóng, khoảng 6-7 gân phụ rõ ở mặt dưới, thịt lá có nhiều đốm nhỏ nhìn rõ qua ánh sáng. Cuống lá khoảng 1-1,5 cm, có cánh khá ngắn. Quả gần hình cầu, dẹt, kích thước khoảng 6x8 cm, vỏ quả mỏng và đáy quả hơi lõm xuống, khi non màu xanh bóng, chín màu vàng sẫm, vỏ quả có nhiều đốm tròn nhỏ (do sự có mặt của túi tiết rất lớn), cơm quả ngọt, chua và thơm. Thời điểm thu hái cây không có hoa do đó chúng tôi chưa xác định được loài.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân gần tròn. Biểu bì là các tế bào hình chữ nhật nhỏ kích thước đều nhau, rải rác có các lỗ khí, cutin dày. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào hình cầu hoặc hình bầu dục, vách mỏng, chứa nhiều túi tiết tiêu ly bào rất lớn. Giữa mô mềm vỏ có khoảng 4-5 lớp mô dày góc. Vòng trụ bì hoá mô cứng gần như liên tục. Libe 1 bị ép sát trụ bì, mạch gỗ 2 nhiều, rải rác; nhiều bó gỗ 1 phân hóa ly tâm, vùng mô mềm xung quanh gỗ 1 vách vẫn còn cellulose. Mô mềm tủy đạo, vách dày, tẩm chất gỗ. Tinh thể calci oxalat hình khối ít gặp trong mô mềm vỏ, vùng gỗ nhưng khá nhiều trong libe 2.
Cuống lá có 2 cánh khá ngắn, mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Tế bào biểu bì hình bầu dục hoặc chữ nhật nhỏ dẹp, cutin rất dày. Rải rác trong biểu bì có các tế bào phình to hơn các tế bào lân cận chứa tinh thể calci oxalat hình khối. Dưới biểu bì là mô mềm vỏ khuyết, các tế bào gần biểu bì có vách mỏng hơn các tế bào gần trụ bì. Nhiều túi tiết tiêu ly bào lớn nằm trong vùng vỏ. 3-5 lớp tế bào trụ bì hóa mô cứng gần như liên tục. Hệ thống dẫn thành vòng liên tục, tương tự ở thân. Mô mềm tủy đạo, vách vẫn còn cellulose hoặc hóa mô cứng một phần. Nhiều tinh thể calci oxalat hình khối lớn nằm trong vùng vỏ và tinh thể hình khối nhỏ nằm trong libe 2.
: Gân giữa có hai mặt đều lồi. Tế bào biểu bì hình bầu dục hoặc chữ nhật nhỏ dẹp, cutin rất dày. Một số tế bào biểu bì phình to chứa tinh thể calci oxalat hình khối. Mô dày ở phía trên biểu bì dưới. Mô mềm vỏ khuyết, vách khá dày. Vòng trụ bì hóa mô cứng gần như liên tục. Hệ thống dẫn tạo thành vòng liên tục. Mô mềm tủy khuyết gồm những tế bào hình tròn thường bị tẩm chất gỗ. Túi tiết tiêu ly bào to nằm trong vùng vỏ và tinh thể calci oxalat hình khối có nhiều trong libe và vùng vỏ. Phiến lá: Mô mềm giậu khoảng 2 lớp tế bào; mô mềm khuyết nhiều, có khuyết to. Tinh thể calci oxalat ở biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới.
Biểu bì lá: Biểu bì trên là những tế bào đa giác nhỏ, ít có lỗ khí. Biểu bì dưới tế bào uốn lượn hơn, nhiều lỗ khí kiểu hỗn bào.
Vỏ quả: Tế bào biểu bì nhỏ, hình vuông, cutin rất dày, lỗ khí rải rác. Mô mềm vỏ quả giữa là những tế bào hình chữ nhật, vách mỏng. Rải rác có các tinh thể calci oxalat hình khối, túi tiết tinh dầu to tròn hay hình bầu dục với các tế bào xung quanh bị ép dẹp nên vách tế bào hơi dày. Bó libe-gỗ rất ít. Vỏ quả giữa cấu tạo bởi những tế bào hơi uốn lượn.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ quả màu nâu vàng, mùi thơm. Thành phần gồm: mảnh tế bào vỏ quả ngoài tế bào hình đa giác, màu vàng, vách hơi dày; mảnh mô mềm tế bào hình chữ nhật, vách mỏng; mảnh mạch vòng, mạch xoắn; tinh thể calci oxalat hình khối nằm riêng rẽ hoặc trong tế bào.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Mùa hoa, quả: tháng 7-12.

Bộ phận dùng: 

Vỏ quả (Pericarpium Citri reticulatae). Trần bì: vỏ quả chín đã phơi hoặc sấy khô và để lâu năm, thanh bì: vỏ quả xanh, quất hồng: vỏ ngoài của quả.
Nhiều loài khác như quýt giấy, quýt tàu, quýt hôi và vỏ cam cũng được dùng.
Vỏ quả sau khi sấy khô cuốn lại hoặc quăn, dày 1-1,5 mm, có mảnh còn vết tích của cuống quả. Mặt ngoài màu vàng nâu hay nâu nhạt, có nhiều chấm màu sẫm hơn và lõm xuống (túi tiết). Mặt trong xốp, màu trắng ngà hoặc hồng nhạt, thường lộn ra ngoài. Vỏ nhẹ, giòn, dễ bẻ gãy. Mùi thơm, vị hơi đắng, cay.

Thu hái và chế biến: 

Từ mùa đông năm trước đến mùa xuân năm sau, hái quả chín, bóc lấy vỏ phơi hay sấy nhẹ đến khô.

Thành phần hóa học: 

Vỏ quả chứa tinh dầu thành phần chủ yếu là d. limonen 91% và các terpen, caren linalool, anthranilat methyl lượng nhỏ hơn.
Quả chứa 87,8% nước, 0,9% protein, 20,6 hydrat carbon, 0,3 chất béo (cao chiết bằng erther), 0,4% chất vô cơ gồm: Ca 0,05 mg%;P 0,02 mg%, Fe 0,01%, caroten 350 UI ,vitamin B1 40 UI % và vitamin C 68 mg%, phenyl propanoid glucoisid, terpenoid glucosid, limonoid glucosid và adnosin, trong đó chất citrusin A có tác dụng hạ áp.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Quả Quýt được dùng để ăn khi chín. Dịch ép từ múi pha với nước và sirô là một loại giải khát thông dụng mát bổ dễ tiêu. Trong y học cổ truyền, trần bì là một vi thuốc thông dụng đối với nam giới. Trần bì chữa ăn không tiêu, đau bụng nôn mửa, ho tức ngực nhiều đờm. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Thanh bì chữa đau gan tức ngực, đau mạng sườn, sốt rét với liều dùng 3-9 g/ngày.
* Bài thuốc có Quýt
1) Chữa ho mất tiếng: Trần bì 12 g sắc với 200 ml nước, còn 50 ml, thêm đường đủ ngọt, uống dần trong ngày.
2) Chữa ho đờm nhiều, đờm đặc, tức ngực: Trần bì, bán hạ (chế) mỗi vị 6g, phục linh 12 g, cam thảo 3 g. Sắc nước uống.