Loài Homalomena occulta (Lour.) Schott.(Cây Thiên Niên Kiện)

Tên
Tên khác: 

Sơn thục, Thần phục.

Tên khoa học: 

Homalomena occulta (Lour.) Schott.

Tên đồng nghĩa: 

Calla occulta Lour., C. Aromatica Roxb., Homalomena aromatica sensu Gagnep. non Schott., H. Cochinchinensis, Engl. &K. Krause, Spirospatha occulta (Lour.) Raf., Zantedeschia occulta (Lour.) Spreng.

Họ: 

Ráy (Araceae).

Mẫu thu hái tại: 

Khoa Dược, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, tháng 4-2010.

Số hiệu mẫu: 

TNK0410, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Cây cỏ cao 50-60 cm, sống nhiều năm nhờ thân rễ. Thân rễ to, cứng chắc, đường kính 3-4 cm, mặt ngoài màu nâu đen, tiết diện tròn, có mùi thơm, khi bẻ ngang bên trong màu trắng ngà sau chuyển vàng nâu rồi nâu sậm, có nhiều xơ lởm chởm như bàn chải, màu trắng sau chuyển màu vàng ngà.
Lá đơn, mọc từ thân rễ, xếp so le. Phiến lá hình đầu tên, ngọn lá có đuôi, dài 22-26 cm, rộng 20-24 cm, nhẵn ở cả hai mặt, mặt trên màu xanh lục sậm láng bóng hoặc đôi khi vàng xanh, mặt dưới màu nhạt hơn; bìa lá nguyên, hơi gợn sóng; gân lá hình lông chim, có 1 đôi gân gốc và 5-6 đôi gân bên nổi rõ ở mặt dưới; mỗi bên gân gốc gồm 3 gân họp vào nhau; gân gốc và gân bên đều cong hướng về ngọn lá. Cuống lá dài 35-55 cm, xốp, màu xanh lục hơi nâu, hơi lõm ở mặt trên; ½ phía gốc cuống lõm sâu ở mặt trên thành hình lòng máng tạo thành 2 cánh mỏng ở hai bên mép; gốc cuống màu hồng nhạt và nở rộng ôm vào nhau.
Cụm hoa ở nách lá, 8 bông mo chia làm 2 cụm nhỏ, lúc non có hình thoi, được mang bởi một cuống dài 7-10 cm; dưới gốc mỗi bông mo có một phiến mỏng hình bầu dục thuôn dài, đầu nhọn, dài 6 cm, ngang 1 cm, mặt ngoài có 2 nếp gấp dọc nổi rõ, màu hồng nhạt phía gốc và đậm về phía ngọn; cuống bông mo hơi xốp, mặt ngoài láng, phía gốc màu hồng nhạt, phía ngọn màu xanh lục. Mo lúc đầu bọc kín bông nhưng sau đó mở ra bằng một đường dọc nên có dạng thuyền, dài 4-5 cm, màu xanh lục, mặt ngoài láng, phần gốc phớt hồng. Bông có nhiều chất dính, dài 35-42 mm, đoạn 2mm ở gốc không mang hoa, đoạn mang hoa có đường kính 7 mm ở gốc và thuôn nhọn về phía ngọn, đoạn hoa cái ở dưới dài 13-15 mm, đoạn hoa đực ở trên dài 25 mm.
Hoa rất nhỏ. Hoa đực trần, xếp khít vào nhau; nhị 3, dính ở bao phấn thành một khối hình đa giác, màu trắng, khi già chuyển vàng rồi đen; chỉ nhị rất ngắn, gần như không có; bao phấn 2 ô, xếp song song, hướng ngoài, nứt dọc, đính gốc; hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình gần tròn hay hình bầu dục, có rãnh ở giữa, đường kính 12,5-17,5 µm. Hoa cái trần; gốc mỗi hoa cái có nhị lép dài khoảng 2/3 hoa, màu trắng đục, dạng khối nhỏ, hẹp bên dưới, nở rộng bên trên; bầu noãn hình trụ, màu trắng, dài 2 mm, ngang 1 mm, nhẵn; lá noãn 3-4, dính nhau tạo bầu trên 3-4 ô, mỗi ô nhiều noãn đính suốt chiều dọc của thai tòa, đính noãn trung trụ; noãn thuôn dài, màu trắng; vòi nhụy rất ngắn, màu xanh lục nhạt; đầu nhụy hình dĩa, không loe rộng, màu nâu nhạt.
Quả mọng, hình gần cầu, chứa nhiều hạt. Hạt có nội nhũ, mầm thẳng.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ
Vi phẫu cắt ngang hình tròn, chia 2 vùng rõ rệt, vùng vỏ chiếm 2/3 bán kính vi phẫu, vùng trung trụ 1/3.
Vùng vỏ: Tầng lông hút với nhiều lông hút rõ ở những rễ non, ở rễ già chỉ còn là vết tích tầng lông hút với một vài tế bào móp méo không đều có vách tẩm chất bần. Tầng suberoid 3-4 lớp tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp lộn xộn và khít nhau. Mô mềm vỏ tế bào có vách cellulose, chia làm 2 vùng: mô mềm vỏ ngoài 9-10 lớp tế bào hình tròn hay đa giác, sắp xếp lộn xộn chừa những khuyết nhỏ ở góc giữa các tế bào; mô mềm vỏ trong nhiều lớp tế bào hình bầu dục dẹt, càng vào phía trong tế bào càng dẹt, xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm. Ống tiết kiểu ly bào, bờ gồm một vòng 5-6 tế bào tiết hình đa giác không đều, móp méo. Tinh thể calci oxalat hình kim ngắn, nhỏ tạo thành đám rải rác trong mô mềm vỏ. Nội bì 1 lớp tế bào gần như hình chữ nhật, có đai caspari rõ; ở rễ già, lớp nội bì thường chia thành từng đoạn 2-4 tế bào, đoạn trên đỉnh bó gỗ là những tế bào có vách cellulose, đoạn trên đỉnh bó libe là những tế bào hóa vách hóa gỗ.
Vùng trung trụ: Trụ bì 1 lớp tế bào hình đa giác dẹt, xếp xen kẽ với tế bào nội bì, vách cellulose. Bó libe gỗ cấp 1 tập trung ngay sát dưới lớp trụ bì, gồm 17-19 bó libe và 17-19 bó tiền mộc xếp xen kẽ nhau trên một vòng. Bó libe từng cụm nhỏ hình bầu dục, phân hóa hướng tâm. Bó tiền mộc gồm 2-4 mạch nhỏ không đều, mạch nhỏ ở phía ngoài, mạch to ở phía trong, phân hóa hướng tâm. Mạch hậu mộc rất nhiều chiếm gần hết diện tích mô mềm tủy, to hơn mạch tiền mộc, kích thước không đều nhau, có thể tiếp xúc ngay bên dưới bó tiền mộc hay không; ngay trung tâm của rễ thường có 3 mạch hậu mộc xếp dính vào nhau. Tia tủy 1-2 dải tế bào mô mềm hình đa giác dẹp theo hướng xuyên tâm ở giữa bó libe và bó gỗ, ở rễ non vách tế bào bằng cellulose, ở rễ già vách tế bào hóa gỗ và đôi khi có một vài tế bào trên vách có vân hình lưới. Mô mềm tủy tế bào hình tròn, xếp sát nhau, chia 2 vùng: vùng ngoài quanh các mạch hậu mộc là những tế bào có vách cellulose; vùng trung tâm của rễ là những tế bào có vách hóa gỗ, đôi khi có một vài tế bào đặc biệt trên vách có vân hình lưới.

Thân rễ
Vi phẫu cắt ngang hình tròn. Ở đoạn đầu, thân rễ có đường kính nhỏ, vùng vỏ gần bằng trung trụ, nhưng đi về phía gốc lá thân rễ phình to thì phần trung trụ phát triển do sự gia tăng số lượng các bó libe gỗ nên vùng vỏ nhỏ hơn trung trụ.
Vùng vỏ: Bần 5-6 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, xếp thành dãy xuyên tâm, những lớp ngoài thường bị bong rách. Nhu bì tế bào thường rất dẹt. Mô mềm vỏ nhiều lớp tế bào hình gần tròn, xếp chừa những đạo nhỏ. Túi tiết đường kính 125-150 µm, vòng tế bào tiết ở bờ không đều, thường bị móp méo; bao quanh các túi tiết là 3-4 lớp tế bào mô mềm hình đa giác xếp xen kẽ và khít nhau. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô mềm, tinh dầu màu vàng.
Vùng trung trụ: Mô mềm tủy giống như mô mềm vỏ nhưng tế bào thường chứa rất nhiều tinh bột. Bó libe gỗ cấp 1 rất nhiều, xếp rải rác khắp trong mô mềm tủy, có thể riêng lẻ từng bó với libe ở trên và gỗ ở dưới nhưng thường xếp thành từng cụm gồm 2-nhiều bó; mỗi cụm libe gỗ có libe ở giữa, các mạch gỗ có thể xếp thành nhiều dạng khác nhau quanh libe: hình cung, hình vòng, hai phía đối diện, ba góc. Cụm mô cứng có thể có trên libe, là những tế bào hình đa giác, không đều, vách mỏng, xếp khít nhau. Túi tiết to hơn túi ở vùng vỏ, đường kính 175-250 µm, bờ túi có 3-4 lớp tế bào rất dẹp xếp chồng lên nhau theo hướng xuyên tâm, những tế bào lớp trong thường không còn rõ hình dạng; bao quanh các túi tiết là 3-4 lớp tế bào mô mềm hình đa giác xếp xen kẽ và khít nhau. Tinh thể calci oxalat có 3 dạng: tinh thể hình cầu gai rải rác khắp cùng, tinh thể hình kim dài 38-50 µm, rời và thường bung tràn khắp vùng mô mềm, tinh thể hình kim dài 62-75 µm kết dính thành bó; tế bào mô mềm chứa tinh thể rời có vách mỏng, tế bào chứa tinh thể kết dính thành bó hình bầu dục to vách dày. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô mềm, tinh dầu màu vàng.


Gân lá hơi lõm ở mặt trên, lồi như hình chữ V ở mặt dưới. Biểu bì tế bào có vách cellulose, mặt ngoài hóa cutin; biểu bì trên tế bào to, lớp cutin mỏng và có răng cưa nhỏ nhọn; biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn, lớp cutin dày và có răng cưa tròn to; lỗ khí rải rác trên cả hai lớp biểu bì. Mô dày trên chỉ là từng cụm 2-4 tế bào xếp rải rác, vách ít dày ở góc. Mô mềm có 2 loại: 4-6 lớp mô mềm dưới biểu bì trên là những tế bào nhỏ, hình gần tròn, xếp lỏng lẻo, chứa nhiều hạt lục lạp; vùng mô mềm còn lại có rất nhiều khuyết to không đều nhau, các khuyết này có khuynh hướng nhỏ dần và biến mất khi tiến gần đến biểu bì dưới. Bó libe gỗ cấp 1 kích thước không đều, xếp rải rác trong mô mềm; mỗi bó gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; gỗ gồm 3-8 mạch gỗ không đều, được bao quanh bởi những tế bào mô mềm nhỏ, không đều, hình đa giác, vách cellulose, xếp khít nhau; libe gồm nhiều mạch rây có kích thước to; phía trên gỗ và dưới libe thường có những cụm tế bào mô cứng vách mỏng. Mô dày dưới 2-6 lớp tế bào vách dày rõ ở góc, tạo thành một cung liên tục, những chỗ lõm chỉ có 2 lớp tế bào, nơi lõm thường có một ống tiết nhỏ. Tinh thể calci oxalat có 3 dạng: tinh thể hình cầu gai rải rác khắp cùng; tinh thể hình kim ngắn và nhỏ, dài 37,5 µm, xếp rời rạc trong những tế bào mô mềm vách mỏng, hơi to hơn các tế bào xung quanh, tinh thể dạng này thường bung tràn khắp cùng; tinh thể hình kim dài 112-125 µm, kết dính thành bó trong những tế bào mô mềm vách dày, chỉ có trong vùng mô mềm có khuyết to, hình bầu dục và dài gấp 2-3 lần so với các tế bào mô mềm. Ống tiết thường có dưới lớp mô mềm chứa nhiều lục lạp hay trong chỗ lõm của cung mô dày dưới, đường kính 75 µm, kiểu ly bào với bờ là một vòng 7-8 tế bào không đều.
Phiến lá: Biểu bì giống như ở gân giữa nhưng lớp cutin ở biểu bì dưới ít dày hơn. Mô mềm giậu dưới biểu bì trên, 1 lớp tế bào hình chữ nhật ngắn và thuôn. Mô mềm khuyết với nhiều khuyết to, rải rác có ống tiết kiểu ly bào, tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình kim. Trong thịt lá có thể gặp một vài bó libe gỗ của gân phụ cấu tạo tương tự như trong gân giữa.
Cuống lá: Vi phẫu cắt ngang lõm ở mặt trên, lồi tròn ở mặt dưới. Biểu bì tương tự như ở gân giữa của lá. Hạ bì liên tục, gồm 1 lớp tế bào nằm xen kẽ biểu bì, tương đối đều, hình gần tròn, to hơn các tế bào mô dày bên dưới. Mô dày góc tạo thành một vòng liên tục, có những chỗ lõm có ống tiết. Mô mềm có khuyết nhỏ và ít hơn so với gân giữa của lá. Túi tiết, tinh thể calci oxalat và bó libe gỗ có đặc điểm giống như ở lá.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân rễ màu vàng nâu, mùi thơm, vị cay.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu vàng sậm, tế bào vách dày. Bó sợi nhiều, gồm các tế bào dài, vách dày nhiều hay ít, khoang rộng. Tế bào mô cứng vách hơi dày, có ống trao đổi rõ, khoang rộng. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình chữ nhật, hình bầu dục hoặc hình tròn, có tế bào tiết tinh dầu màu vàng sậm. Mảnh mạch nhiều, gồm mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Hạt tinh bột hình tròn, đường kính 12-15 µm, rốn dạng vạch rõ, vân mờ. Tinh thể calci oxalat nhiều, gồm 2 loại: tinh thể cầu gai rải rác khắp cùng, đường kính 45-50 µm; tinh thể hình kim dài 38-50 µm nằm rải rác hay tụ thành đám và tinh thể hình kim dài 62-75 µm, kết dính thành bó nằm trong tế bào có vách dày.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đến châu Đại Dương. Cây mọc hoang rất nhiều ở các miền rừng núi nước ta. Cây ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc khe suối.
Ra hoa tháng 4-6, có quả tháng 8-10.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Homalomenae), phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: 

Trong Thiên niên kiện Việt Nam có từ 0,8-1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu Thiên niên kiện có màu vàng nhạt hoặc màu nâu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu, tỷ trọng ở 30 oC: 0,8868 (loại 1) hoặc 0,8920 (loại 2), α(30o, D)= -14o50 và -9o33, n(20o,D)=1,45908; 1,4621, tan trong 4 thể tích cồn 70o ở nhiệt độ 30 oC. Trong tinh dầu có chừng 40% linalol, một ít tecpineol, chừng 2% ester tính theo linalyl acetat; ngoài ra còn sabinen, limonen, α- tecpinen, acetaldehyd, aldehyd propionic.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Theo tài liệu cổ, Thiên niên kiện vị đắng, cay, hơi ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, mạnh gân cốt.
Hiện nay, Thiên niên kiện là vị thuốc thuốc nhân dân dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức, khớp xương đau nhức, co quắp, tê dại dùng trong người già bị đau người, đau dạ dày, đau khớp xương, kích thích giúp sự tiêu hóa.
Ngày dùng 5-10 g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Thiên niên kiện là nguyên liệu chế tinh dầu, được dùng trong kĩ nghệ nước hoa và làm nguyên liệu chiết suất linalol.