Loài Piper lolot C. DC.(Câ Lá Lốt)

Tên
Tên khác: 

Lốt

Tên khoa học: 

Piper lolot

Họ: 

Tiêu (Piperaceae).

Tên nước ngoài: 

Lolot pepper, Poivrelolot, Lolot.

Mẫu thu hái tại: 

khoa Dược, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5-2010.

Số hiệu mẫu: 

LL0510, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Cây cỏ, bò dài rồi đứng, cao 30-40 cm, có mùi thơm. Thân màu xanh lục sậm, phồng to ở các mấu, tiết diện tròn, mặt ngoài nhiều rãnh dọc, có lông ngắn và mịn.
đơn, mọc cách. Phiến lá hình trứng rộng, đầu thót nhọn, gốc hình tim và không đối xứng, dài 10-12 cm, rộng 8-11 cm, rải rác có điểm trong, mặt trên nhẵn, màu xanh lục sậm và láng bóng, mặt dưới màu xanh lục nhạt và có lông mịn trên gân; mép lá nguyên; gân lá hình chân vịt với 5 gân gốc, gân ở giữa phân 2 gân bên so le hay đối nhau cách gốc lá một đoạn 5 mm, các gân đều cong hướng về ngọn lá; cuống lá dài 2-5 cm, hình trụ, lõm ở mặt trên, gốc cuống nở rộng. Lá kèm rụng sớm, hình tam giác, màu xanh lục, có 2 dạng: một phiến mỏng bao chồi hoặc là hai phiến mỏng, dài 1-1,5 cm, dính hai bên đáy cuống lá, khi rụng để lại hai sẹo dài màu nâu, dạng thứ hai thường gặp hơn.
Cụm hoagié cái mọc đối diện với lá, hình trụ, màu trắng, dài 10-12 mm, đường kính 3 mm, mang hoa khắp cùng; trục cụm hoa nạc, đường kính 1 mm; cuống cụm hoa màu xanh lục, hình trụ, dài 10-12 mm, đường kính 1-2 mm, rải rác có lông mịn màu trắng.
Hoa rất nhỏ, trần, đơn tính cái, xếp khít nhau và áp sát vào trục. Lá bắc là phiến tròn nhỏ, áp sát và trục, lúc đầu màu trắng sau chuyển hơi nâu. Lá noãn 3-4, dính nhau tạo thành bầu trên 1 ô đựng 1 noãn, đính noãn đáy; bầu hình trứng, màu trắng, mặt ngoài nhẵn, cao 1,5 mm, đường kính 1-2 mm; vòi nhụy gần như không có; đầu nhụy 3, có khi 4, hình trứng rộng, màu trắng.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ
Vi phẫu cắt ngang hình tròn, vùng vỏ chiếm 1/3 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 2/3.
Vùng vỏ: Bần 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật méo mó, vách mỏng, xếp thành dãy xuyên tâm, các lớp tế bào ngoài thường bị rách. Nhu bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, méo mó. Mô dày 3-5 lớp tế bào có vách dày đều xung quanh; ở rễ già rải rác trong mô dày có sợi mô cứng vách dày hay mỏng. Mô mềm vỏ 6-7 lớp tế bào hình bầu dục, vách mỏng, chừa những đạo và khuyết nhỏ; những lớp ngoài tế bào xếp lộn xộn, những lớp trong gần nội bì tế bào có khi xếp xuyên tâm và chứa rất nhiều tinh bột; ở rễ già rải rác trong mô mềm có các tế bào mô cứng. Nội bì 1 lớp tế bào hình bầu dục, có đai caspari rõ. Tế bào tiết rải rác trong mô mềm hay mô dày, tinh dầu màu vàng tươi.
Vùng trung trụ: Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, vách cellulose, xếp xen kẽ tế bào nội bì. Libe cấp 2 tạo thành vòng, tia libe rộng cắt vòng libe thành từng cụm trên đầu cụm mạch gỗ cấp 2, libe cấp 1 trên đầu mỗi cụm. Tầng sinh libe gỗ ở giữa libe cấp 2 và gỗ cấp 2. Gỗ cấp 2 gồm nhiều mạch gỗ không đều, xếp rời rạc thành từng cụm; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, vách hóa gỗ dày, xếp khít nhau. Tia tủy 2-5 dãy tế bào, mở rộng về phía trụ bì. Gỗ cấp 1 7-8 bó dưới gốc tia tủy, mỗi bó gồm 3-4 mạch nhỏ không đều, phân hoá hướng tâm. Mô mềm tủy tế bào hình gần tròn, vách cellulose, xếp chừa những đạo nhỏ. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô mềm tuỷ. Tinh bột nhiều trong mô mềm vỏ và mô mềm tủy.

Thân
Vi phẫu cắt ngang hình tròn với nhiều chỗ lồi nhỏ, vùng vỏ chiếm 1/5 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ 4/5.
Vùng vỏ: Biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác; lớp cutin dày; lỗ khí ít gặp. Lông che chở ngắn, đầu nhọn hay tù, kéo dài từ 1 tế bào biểu bì, thường đơn bào, ít khi đa bào với 2-(3) tế bào xếp thành dãy. Mô dày từng cụm 8-10 lớp ở những chỗ lồi, 1-2 lớp ở những vùng khác, tế bào có vách dày đều xung quanh; ở thân già rải rác trong cụm mô dày có sợi mô cứng vách dày hay rất dày; thân càng già số lượng sợi càng nhiều. Mô mềm vỏ 4-7 lớp tế bào hình bầu dục, xếp chừa những đạo. Tế bào tiết tinh dầu thường trong mô mềm, ít gặp trong biểu bì và mô dày, tinh dầu màu vàng tươi. Nội bì 1 lớp tế bào hình bầu dục hay đa giác, có đai caspari rõ.
Vùng trung trụ: Trụ bì hoá mô cứng thành từng cụm trên đầu bó libe gỗ, tế bào hình đa giác, vách dày, xếp khít nhau. Libe gỗ gồm 2 vòng:
- Vòng ngoài là hệ thống dẫn chính, không liên tục, libe và gỗ họp thành từng bó rời, kích thước không đều, xếp xen kẽ với những vùng mô mềm (khoảng gian bó); bao bên dưới vòng mô dẫn là một vòng mô cứng hình sao gồm 3-4 lớp tế bào hình đa giác, vách rất dày, xếp khít nhau. Mỗi bó libe gỗ gồm: libe cấp 1 tế bào bị ép bẹp, méo mó, khó nhận dạng; libe cấp 2 nhiều lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm; tầng sinh libe gỗ ở giữa libe cấp 2 và gỗ cấp 2; gỗ cấp 2 với nhiều mạch gỗ không đều, hình đa giác, mô mềm gỗ tế bào vách hoá gỗ dày, xếp xuyên tâm; gỗ cấp 1 với những mạch gỗ rời nhau, không đều, phân hóa ly tâm, mô mềm gỗ tế bào vách cellulose. Khoảng gian bó rộng, nhiều dãy tế bào xếp xuyên tâm, gồm 2 loại mô mềm: vùng mô mềm trên tầng sinh libe gỗ tế bào hình chữ nhật dẹt, vách cellulose; vùng mô mềm dưới tầng sinh libe gỗ tế bào hình đa giác, vách hoá gỗ mỏng.
- Vòng trong là (4)5-6 bó vết lá, xếp quanh một ống tiết. Mỗi bó gồm cụm libe ở ngay trên đầu cụm gỗ, libe cấp 2 rõ, gỗ cấp 2 ít, gỗ cấp 1 với những mạch gỗ không đều phân hóa ly tâm. Cụm mô cứng có thể có trên libe và dưới gỗ cấp 1.
Mô mềm tủy rộng, tế bào hình tròn, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ. Ống tiết ngay trung tâm vi phẫu, kiểu tiêu bào. Tế bào tiết tinh dầu có nhiều trong mô mềm tủy, ít hơn trong libe.

Gân lá lồi tròn ở cả 2 mặt, mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì trên và biểu bì dưới 1 lớp tế bào hình bầu dục hay hình chữ nhật; lớp cutin dày; lỗ khí ít gặp. Lông che chở nhiều ở biểu bì dưới, đơn bào hay đa bào tương tự ở thân. Lông tiết hiếm gặp, chân đơn bào, đầu đơn bào. Mô dày trên 9-10 lớp tế bào có vách dày đều xung quanh. Mô mềm tế bào hình tròn, xếp chừa những đạo nhỏ. Cung libe gỗ ở giữa, bó libe ở dưới bao lấy bó gỗ ở trên, vài lớp tế bào gần gỗ có hình chữ nhật và xếp thành dãy; gỗ gồm mạch gỗ hình đa giác, không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ tế bào nhỏ, hình đa giác, vách cellulose, xếp khít nhau; ở lá già có vòng mô dày bao xung quanh bó libe gỗ. Mô dày dưới 4-5 lớp tế bào có vách dày đều xung quanh, tạo thành một cung liên tục. Tế bào tiết tinh dầu thường rải rác trong vùng mô mềm, ít gặp ở biểu bì và mô dày. Tinh thể calci oxalat hình kim rất ngắn trong mô mềm. Túi tiết rải rác trong vùng libe, kiểu ly bào với một vòng 6-10 tế bào tiết bao xung quanh.
Phiến lá: Biểu bì tế bào không đều, tế bào biểu bì trên to, hình vuông hay hình chữ nhật; tế bào biểu bì dưới nhỏ hơn, hình bầu dục dẹt, nhiều lỗ khí; lớp cutin mỏng hơn ở gân lá. Hạ bì xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới, có thể liên tục hay gián đoạn bởi mô mềm giậu, 1 lớp tế bào to hơn tế bào biểu bì, hình chữ nhật hay hình vuông, xếp khít nhau. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào hình chữ nhật thuôn dài, xếp khít nhau và thẳng góc với biểu bì trên. Mô mềm khuyết tế bào không đều, hình gần tròn hay bầu dục, xếp chừa những khuyết to hay nhỏ. Bó libe gỗ của gân phụ rải rác trong mô mềm khuyết, gồm libe ở dưới và 1-2 mạch gỗ rất nhỏ ở trên; mỗi bó thường được bao quanh bởi một vòng 6-7 tế bào tế bào mô mềm. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong vùng mô mềm khuyết.
Cuống lá: Vi phẫu cắt ngang có mặt trên lõm, mặt dưới lồi tròn với 10-11 góc lồi nhỏ. Biểu bì và lông che chở tương tự gân giữa của lá. Mô dày trên 2-3 lớp tế bào không đều, hình gần tròn, vách dày lên ở góc. Mô dày dưới từng cụm ở những góc lồi, mỗi cụm gồm 8-9 lớp tế bào không đều, nhỏ hơn tế bào mô dày trên, hình gần tròn, vách dày đều xung quanh; đoạn giữa 2 góc lồi có thể không có hay có mô dày với 1-2 lớp tế bào. Các thành phần khác tương tự như trong gân giữa của lá.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu lục xám, mùi rất thơm, vị hơi đắng.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì trên của lá tế bào có vách mỏng, hình đa giác, đôi khi có mang tế bào tiết tinh dầu, mảnh biểu bì dưới của lá tế bào có vách hơi uốn lượn, có nhiều lỗ khí kiểu vòng bào. Mảnh mô giậu chứa nhiều lục lạp, có thể kèm theo lớp hạ bì. [inline:=Mảnh biểu bì thân] tế bào hình đa giác vách dày. Lông che chở nhiều, ngắn, đầu tù, đơn bào hay đa bào với 2 tế bào. Mảnh mô mềm tế bào hình chữ nhật hay đa giác, vách mỏng, có tế bào tiết tinh dầu màu vàng. Sợi dài, vách dày hay mỏng, thường nằm riêng lẻ. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây Lá lốt mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, thường trồng bằng mẩu thân cắt thành từng khúc 20-25 cm, giâm vào nơi ẩm ướt, dưới bóng cây mát. Ra hoa vào tháng 4.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất (Herba Piperis lolot) tươi hay phơi sấy khô của cây Lá lốt.

Thành phần hóa học: 

Lá, thân và rễ chứa ankaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần trong đó 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủ yếu là β-caryophylen. Rễ chứa tinh dầu, trong đó thành phần chính là bornyl acetate.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Lá lốt là một vị thuốc còn dùng trong nhân dân. Dùng Lá lốt làm gia vị hay làm thuốc sắc uống chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay, chân, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng tiêu chảy, bệnh đi ngoài lỏng.
Ngày dùng 5-10 g lá phơi khô hay 15-30 g lá tươi. Sắc với nước chia 2-3 lần uống trong ngày. Người ta còn dùng dưới dạng thuốc sắc rồi cho ngâm chân tay hay đổ mồ hôi, ngâm đến khi nguội thì thôi.