Loài Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.(Cây Sim)

Tên
Tên khác: 

Hồng sim, Đào kim phượng, Dương lê, Co nim (Thái), Mác nim (Tày), Piểu ním (Dao), Trợ quân lương.

Tên khoa học: 

Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.

Tên đồng nghĩa: 

Rhodomyrtus parviflora Alston.

Họ: 

Sim (Myrtaceae)

Tên nước ngoài: 

Rose myrtle, hill guava, downy rose myrtle, hill-gooseberry (Anh); myrte tomenteux (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Phú Quốc và Đắc Nông tháng 4/ 2010.

Số hiệu mẫu: 

S 0410, lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược, được so với mẫu số 14651 ở Viện sinh học nhiệt đới.

Cây bụi cao 1-3 m, thân non màu vàng nâu, có nhiều lông mịn; thân già màu nâu đen có các đường nứt chạy dài, tiết diện tròn. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình xoan, gốc nhọn, đầu tròn, dài 5-7 cm, rộng 3-4 cm; bìa phiến nguyên hơi cong xuống phía dưới; lá già mặt trên màu xanh lục đậm, nhẵn bóng, mặt dưới màu vàng xanh có rất nhiều lông mịn; lá non có lông ở cả 2 mặt. Gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, 9-10 cặp gân phụ; cặp gân phụ thứ nhất rất mờ xuất phát từ gốc chạy dọc sát theo bìa phiến tới ngọn; cặp thứ 2 to xuất phát cách đáy phiến 0,7-1 cm chạy song song theo mép lá cách bìa phiến 0,3-0,5 mm và nối với các cặp gân phụ còn lại. Cuống lá hình trụ, màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 1-1,2 cm. Không có lá kèm. Cụm hoa mọc riêng lẻ hay 2-3 hoa ở ngọn cành ngắn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 0,8-1,2 cm. Lá bắc dạng lá, cuống hình trụ dài 0,3-0,4 cm; phiến màu xanh, hình bầu dục, nhiều lông mịn, có 3 gân chính màu vàng nâu nổi rõ ở mặt dưới, dài 0,3-1 cm. Lá bắc con 2, dạng vẩy hình bầu dục, có một gân ở giữa lồi ở mặt ngoài, ôm sát đáy bầu, dài 0,2-0,3 cm. Đế hoa lõm hình chén, mặt ngoài màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 0,5-0,7 cm. Lá đài 5, dính ở đáy, gần đều, màu xanh, hình bầu dục, mặt ngoài có lông mịn, dài 3,5-5 mm, rộng 3-4,5 mm; tiền khai năm điểm. Cánh hoa 5, gần đều, rời, màu hồng tím mặt trên đậm hơn mặt dưới, có 4-5 gân nổi rõ ở mặt dưới và rất nhiều lông mịn ở 2 mặt và bìa cánh hoa; phiến rộng hình bầu dục dài 1,4-1,6 cm, rộng 0,9-1 cm, cán hẹp dài 0,15-0,2 cm, rộng 0,2-0,25 cm; tiền khai năm điểm. Bộ nhị gồm nhiều nhị, rời, không đều, đính nhiều vòng trên miệng đế hoa; chỉ nhị dạng sợi màu hồng tím, nhẵn, dài 0,8-1,2 cm. Bao phấn 2 ô, màu vàng, hình bầu dục, dài 0,4-0,5 mm, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn hình tam giác, màu vàng nâu, có 3 lỗ, đường kính 23-25 µm. Lá noãn 3 dính tạo bầu dưới 3 ô, có 3 vách giả chia thành 6 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ; 1 vòi nhụy hình trụ, có nhiều lông, ở ½ bên dưới màu trắng, ở ½ bên trên màu hồng, dài 1,2-1,5 cm; đầu nhụy to hơn vòi nhụy dạng dĩa hơi chia thành 3 thùy, màu hồng đậm, đường kính 0,18-0,2 mm; bầu hình chuông, dài 0,6-0,8 cm, rộng 0,4-0,45 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Quả mọng hình trứng ngược mang đài tồn tại ở đỉnh, màu xanh sát cuống, phía trên màu đỏ nâu, nhiều lông mịn, có mùi thơm, đường kính 1,2-1,5 cm, dài 1,5-2 cm, chứa rất nhiều hạt. Hạt hình thang, màu nâu.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu tròn. Các mô gồm: Biểu bì uốn lượn, 1 lớp tế bào hình tam giác kích thước không đều, lớp cutin dày, dày đặc lông che chở đơn bào uốn lượn. Mô mềm đạo, 7-8 lớp tế bào hình bầu dục kích thước không đều, 4-5 lớp ngoài tế bào kích thước nhỏ, bị ép dẹp, càng vào trong tế bào càng to. Túi tiết ly bào rải rác trong mô mềm. Trụ bì 1-5 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, hóa sợi thành nhiều cụm. Tầng bì sinh xuất hiện dưới trụ bì tạo bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật vách ngoài rất dày xếp xuyên tâm, và lục bì gồm 1-2 lớp tế bào vách cellulose. Ở thân già bần bong tróc cùng với các lớp bên ngoài. Hệ thống dẫn kiểu hậu thể liên tục. Libe 1, vài lớp tế bào hình bầu dục, bị ép dẹp thành cụm. Libe 2, 5-7 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, xếp xuyên tâm. Gỗ 2, mạch gỗ hình đa giác kích thước to và không đều, phân bố đều trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác nhỏ, vách tẩm chất gỗ rất dày. Gỗ 1 khó thấy, mỗi bó 1-2 mạch xếp thành vài cụm, mỗi cụm gồm 1-4 bó. Tia tủy hẹp, 1-2 dãy tế bào hình đa giác thuôn chứa nhiều hạt tinh bột. Libe trong khá dày, 14-15 lớp tế bào vách uốn lượn, xếp lộn xộn tạo thành vòng gần liên tục hay tập trung thành từng cụm ngay dưới gỗ 1. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, vách dày; rải rác có tế bào chứa tinh bột. Tế bào mô cứng hình đa giác, kích thước lớn và không đều, vách dày, ống trao đổi rõ nhiều trong vùng libe, libe trong và mô mềm tủy. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình khối tập trung nhiều ở libe 2 và libe trong.

Gân chính
Vi phẫu lồi ít ở mặt trên, lồi tròn nhiều ở mặt dưới, gợn sóng ở cả 2 mặt. Biểu bì trên uốn lượn rất nhiều, 1 lớp tế bào hình tam giác đỉnh bầu hay nhọn, kích thước nhỏ to không đều; lớp cutin rất dày, uốn lượn nhiều; lông che chở đơn bào uốn lượn rất nhiều ở biểu bì dưới. Mô dày góc, 4-5 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, vách dày, kích thước to hơn tế bào mô dày, rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình khối. Libe và gỗ xếp thành hình cung, gỗ ở trên libe ở dưới. Mạch gỗ hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước khá đều; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách tẩm chất gỗ. Libe 5-6 lớp tế bào hình đa giác rất nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe trong khá nhiều, tế bào hình đa giác kích thước rất nhỏ, vách uốn lượn, xếp thành cụm phía trên gỗ. Mô cứng, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách dày, xếp vòng gần liên tục bao quanh cung libe gỗ, rải rác có vài tế bào hóa sợi. Túi tiết ly bào bờ gồm 5-8 tế bào bị ép dẹp rải rác trong mô dày.
Phiến lá
Biểu bì trên tế bào hình tam giác khá đều, lớp cutin rất dày và phẳng; biểu bì dưới tế bào hình tam giác hay chữ nhật kích thước không đều, cutin dày, rất nhiều lông che chở đơn bào và lỗ khí. Mô giậu 2 lớp tế bào hình chữ nhật, dưới 1 tế bào biểu bì thường có 1-2 tế bào mô mềm giậu, lớp mô mềm giậu thứ nhất dài gần gấp đôi lớp thứ 2. Mô mềm khuyết tế bào có hình dạng và kích thước khác nhau, hình đa giác, bầu dục hoặc tròn. Trong thịt lá có nhiều bó gân phụ bị cắt ngang với gỗ ở trên libe ở dưới được nối với biểu bì trên và dưới bởi dãy tế bào hình đa giác hẹp, kích thước nhỏ, vách cellulose hay hóa mô cứng. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nhiều trong mô mềm giậu và mô mềm khuyết. Túi tiết ly bào trong mô mềm thịt lá.
Cuống lá
Vi phẫu gần tròn, mặt ngoài uốn lượn nhiều. Biểu bì uốn lượn nhiều, 1 lớp tế bào hình tam giác kích thước không đều, lớp cutin rất dày uốn lượn, dày đặc lông che chở đơn bào. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác vách dày, càng vào trong càng to và hơi bị ép dẹp. Bó dẫn xếp thành hình cung, libe ở trên và gỗ ở dưới; mạch gỗ hình đa giác kích thước nhỏ khá đều nhau xếp thành dãy gần liên tục; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác nhỏ vách cellulose thỉnh thoảng hóa mô cứng; libe tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn. Libe trong gồm nhiều lớp tế bào, tạo thành cung liên tục, tế bào kích thước nhỏ, vách rất uốn lượn. Tinh thể calci oxalat hình khối và cầu gai (ít) có nhiều trong libe, libe trong và rải rác trong mô mềm có tinh thể hình cầu gai. Túi tiết ly bào bờ gồm 5-7 tế bào bị ép dẹp ở gần biểu bì.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá non và nụ sim có màu xám xanh, gồm các thành phần sau:
Mảnh cánh hoa màu hồng gồm nhiều tế bào hình đa giác xếp khít nhau; mảnh biểu bì trên của lá gồm các tế bào hình đa giác xếp khít nhau; mảnh biểu bì dưới lá mang rất nhiều lông che chở đơn bào và lỗ khí, khó thấy các tế bào quanh lỗ khí; mảnh mạch xoắn; mảnh mạch vạch; mạch mạng. Hạt phấn hoa hình tam giác có 3 lỗ ở đỉnh, kích thước 20-25 µm, rất nhiều lông che chở đơn bào, một số lông thẳng đứng, một số uốn cong; mảnh mô giậu, mảnh mô mềm có tinh bột, tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây mọc tự nhiên và phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Indonesia, Philipin, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, sim là loài cây quen thuộc ở khắp các tỉnh vùng trung du và núi thấp. Cây đặc biệt ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc rải rác hay tập trung trên các đồi cây bụi hay đồng cỏ.

Bộ phận dùng: 

Lá, quả và rễ (Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti tomentosae). Lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. Quả chín hái vào mùa thu, phơi khô. Rễ thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Quả chứa các flavon – glucosid, malvidin – 3 glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, đường và acid hữu cơ. Thân và lá có nhiều hợp chất triterpen như betullin, acid betulinic; taraxerol…

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Búp và lá sim non được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Lá còn là thuốc cầm máu, chữa vết thương chảy máu. Quả sim chín ăn được, dùng chế rượu, chữa thiếu máu lúc có mang, suy nhược khi mới ốm dậy, lòi dom, ù tai, di tinh, phụ nữ băng huyết. Rễ sim chữa tử cung xuất huyết cơ năng, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp.