Loài Daucus carota L.(Cây Cà Rốt)

Tên
Tên khoa học: 

Daucus carota L.

Tên đồng nghĩa: 

Daucus carota var. sativa Hoffm.

Họ: 

Hoa tán (Apiaceae)

Tên nước ngoài: 

Carrot (Anh), carotte, racine jaune (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Đà Lạt tháng 4/2010.

Số hiệu mẫu: 

CR 0410, được lưu tại Bộ môn Thực Vật - Khoa Dược.

Dạng sống: thân cỏ, sống 2 năm, cao 120-150 cm. Thân tiết diện tròn, mặt ngoài có nhiều khía dọc và lông cứng, tủy xốp. Thân non màu xanh lục, thân già màu xanh lục ở lóng, màu tía ở mấu. Toàn cây có chất nhựa màu vàng trong. Rễ củ hình tháp ngược, màu vàng cam, mọng nước, dài 13-15 cm, khi già xuất hiện rễ con phân nhánh dài 3-5 cm. đơn, mọc cách; phiến lá xẻ lông chim 2-3 lần ở đáy càng về đỉnh xẻ thùy ít hơn, dài 14-20 cm, rộng 15-30 cm; thùy hình bản hẹp dài 1,5-3 cm, tận cùng là một răng nhọn, 2 mặt lá màu xanh lục. Gân lá hình lông chim, mặt trên lõm, mặt dưới lồi và có khía dọc màu trắng, 7-10 cặp gân phụ. Cuống lá chỉ có ở các lá gần gốc, hình lòng máng không đối xứng, dài 8,5-16 cm, màu tía lẫn xanh, mặt trong nhẵn, mặt ngoài có khía dọc. Bẹ lá dài 3,5-5 cm, rộng 1,3-1,5 cm, màu tím ở lá già, màu xanh có đốm tím ở lá non, mặt ngoài có nhiều khía dọc, mép khô xác dạng màng mỏng màu trắng có nhiều lông cứng ở rìa. Lá không có lá kèm. Cụm hoa dạng tán kép đường kính 9-10 cm, mọc ở đầu cành, gồm rất nhiều tán con. Tổng bao lá bắc xếp thành vòng; phiến lá bắc xẻ thùy lông chim, mỗi thùy hình bản hẹp đỉnh nhọn; gân lá lông chim, 2-3 cặp gân phụ. Cuống lá bắc màu xanh, hình bản dẹt dài 0,7-1 cm, rộng 0,3 cm, hơi lõm ở mặt trên, mặt dưới có khía dọc, mép khô xác màu trắng có nhiều lông. Tán con đường kính khoảng 3 cm gồm nhiều hoa lưỡng tính, hoa không đều ở bìa, hoa đều ở giữa. Cuống tán con hình tròn hơi dẹt, dài 4,5-5 cm, màu lục nhạt mặt ngoài có khía dọc và nhiều lông cứng. Tiểu bao lá bắc gồm 8-9 lá hơi dính nhau ở đáy, có 2 dạng: dạng xẻ lông chim một lần, nằm hướng phía ngoài của tán con, dài 1-1,5 cm, cuống lá có màng mỏng ở rìa và có lông; dạng thùy hẹp nằm hướng phía trong của tán, mép phiến có màng mỏng khô xác và có nhiều lông; các tán con nằm phía trong của tán kép có tiểu bao lá bắc chỉ gồm 1 loại dạng thùy hẹp. Hoa nhỏ màu trắng, đường kính 2-2,5 mm; cuống hình trụ dài 6-9 mm, ở gốc màu xanh phía trên trắng. Hoa gồm 2 loại không đều ở bìa tán, đều ở giữa tán.
- Hoa đều ở giữa tán: Đài hoa 5 thùy hình tam giác dạng màng mỏng, màu trắng, dài 0,12-0,15 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, đều, rời, hình bầu dục dài 0,95-1,05 cm, màu trắng, đáy có đốm xanh, phần giữa cánh hoa hơi cong lên phía trên. Bộ nhị gồm 5 nhị đều, rời, xếp xen kẽ cánh hoa, chỉ nhị dạng sợi dài 1,2-1,5 cm, màu trắng, hơi phình ở gốc.
- Hoa không đều ở bìa tán: Đài hoa tương tự hoa đều. Tràng hoa tương tự hoa đều khác về kích thước, 1 cánh giữa to nhất dài 1,45-1,5 cm, 2 cánh bên dài 1,25-1,375 cm, 2 cánh còn lại tương tự cánh hoa ở hoa đều về hình dạng và kích thước. Bộ nhị gồm 5 nhị, rời, không đều, xếp xen kẽ cánh hoa; gồm 1 nhị dài có chỉ nhị dài 2-2,2 mm nằm giữa 2 cánh hoa lớn; 4 nhị ngắn có chỉ nhị dài 1,2-1,5 mm xếp xen kẽ các cánh hoa nhỏ. Bao phấn 2 ô, hình bầu dục dài 0,2-0,25 mm, màu vàng, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn rời, màu vàng nâu, hình bầu dục hơi thắt lại ở giữa, có rãnh, dài 30-32,5 µm, rộng 22,5-25 µm. Lá noãn 2, dính nhau tạo bầu 2 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ; bầu dưới, hình chuông, dài 0,8-1 mm, rộng 0,65-0,75 mm mặt ngoài màu xanh, có khía dọc màu tía, có nhiều lông. Vòi nhụy 2 nằm song song, hình trụ dài 0,85-1 mm, màu trắng; đầu nhụy dạng điểm màu đỏ. Đĩa mật chia thành 2 khối hình chữ nhật bao quanh gốc vòi, chiều cao 0,3-0,325 mm. Quả bế đôi, hình bầu dục thuôn, dài 4-5 mm, rộng 2-3 mm, mang nhiều gai móc.

Hoa thức và Hoa đồ: 

- Hoa ở giữa tán


- Hoa ở bìa tán


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu thân tiết diện tròn có 15-16 cạnh lồi gần đều dọc theo chu vi, vùng vỏ chiếm 1/6 bán kính vi phẫu. Ở cạnh lồi, biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, vách cellulose dày ở mặt ngoài và mặt trong, lớp cutin dày có răng cưa; ở góc lõm, biểu bì tế bào hình chữ nhật dài, dẹt, mang nhiều lỗ khí, lớp cutin mỏng gần như không có răng cưa. Mô dày tròn, nhiều lớp tế bào hình đa giác nhỏ, xếp thành cụm bên dưới cạnh lồi. Lông che chở đơn bào thường xuất hiện phía trên cụm mô dày. Mô mềm đạo chứa lục lạp dưới biểu bì của góc lõm gồm 4-5 lớp tế bào hình tròn hoặc bầu dục kích thước nhỏ bằng 1/3-1/4 tế bào mô mềm vỏ. Mô mềm vỏ đạo, 5-6 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Hệ thống dẫn kiểu hậu thể gián đoạn gồm nhiều bó libe gỗ không đều xếp thành vòng. Mỗi bó gồm libe 1, 4-5 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn, bị ép dẹp ở trên cùng; libe 2, nhiều lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác; mạch gỗ 2 nhiều, hình đa giác hay tròn, kích thước to nhỏ không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, vách tẩm chất gỗ; 1-3 bó gỗ 1. Khoảng gian bó là mô mềm tế bào hình đa giác. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, kích thước không đều, càng vào trong tế bào càng to. Ống tiết ly bào kích thước lớn bờ gồm 10-16 tế bào hình chữ nhật không đều, thường nằm dưới cụm mô dày; ống tiết ly bào kích thước nhỏ bờ 5-7 tế bào, thường nằm quanh tủy dưới bó gỗ 1.

Cuống lá
Vi phẫu mặt trên lõm hình lòng máng, mặt dưới lồi hình cung không đối xứng, có 12 cạnh lồi. Cấu tạo ở các cạnh lồi và cụm lõm giống ở thân. Các bó dẫn xếp gần như trên 3 cung, cung ngoài dưới các cụm mô cứng; kích thước không đều, nhỏ dần về phía mặt trên của cuống lá. Mỗi bó gồm gỗ ở trên libe ở dưới, cấu trúc giống bó dẫn của gân giữa; dưới libe có cụm mô dày góc 2-3 lớp tế bào hình đa giác dẹp; mô cứng đôi khi tập trung thành cụm 1-2 lớp phía trên cụm gỗ. Túi tiết ly bào ở dưới cụm mô dày và rải rác trong mô mềm ngay phía trên cụm libe.
Gân chính
Vi phẫu hình chữ V hai cạnh không đều, lõm sâu ở mặt trên, mặt dưới có 5 cạnh lồi. Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước không đều, cellulose dày ở vách ngoài và vách trong, lớp cutin dày có răng cưa nhọn. Biểu bì ở cạnh lõm có nhiều lỗ khí. Mô dày tròn nhiều lớp tế bào xếp thành cụm bên dưới cạnh lồi. Mô mềm đạo chứa lục lạp dưới biểu bì của cạnh lõm gồm 4-5 lớp tế bào hình tròn hoặc bầu dục kích thước nhỏ. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Hệ thống dẫn gồm nhiều bó libe gỗ kích thước không đều phân bố trong mô mềm dưới các cạnh lồi và trong tủy. Mỗi bó gồm libe ở dưới và gỗ ở trên; mạch gỗ nhiều xếp lộn xộn; libe 5-6 lớp tế bào hình đa giác vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Ống tiết ly bào bờ có 11-12 tế bào hình chữ nhật không đều, thường nằm dưới cụm mô dày và dưới gỗ.
Gân giữa
Lõm hay phẳng ở mặt trên, hơi lồi ở mặt dưới. Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật kích thước không đều, cellulose dày ở vách ngoài và trong, lớp cutin dày có răng cưa nhọn. Mô dày góc 2-3 lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, xếp lộn xộn dưới biểu bì trên và trên biểu bì dưới. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, kích thước to không đều, xếp lộn xộn. Một bó libe gỗ gồm libe ở dưới và gỗ ở trên; mạch gỗ không đều, xếp lộn xộn; libe 5-6 lớp tế bào hình đa giác vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Ống tiết ly bào nằm dưới bó libe
Phiến lá
Biểu bì tế bào hình chữ nhật không đều, cellulose dày ở vách ngoài, lớp cutin dày có răng cưa nhọn, lỗ khí ở cả 2 mặt, nhiều ở biểu bì dưới. Mô giậu 2-3 lớp tế bào hình đa giác thuôn, dưới mỗi tế bào biểu bì có khoảng 2-5 tế bào mô giậu. Mô mềm đạo 1-2 lớp tế bào hình đa giác, kích thước to. Rải rác có các bó gân phụ, kích thước không đều, cấu tạo gồm gỗ ở trên libe ở dưới, ngay vị trí của bó gân phụ to không có mô giậu mà mô mềm phát triển nhiều.
Rễ củ
Vi phẫu rễ củ hình tròn, vùng vỏ chiếm 1/5 bán kính vi phẫu. Bần 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng. Nhu bì 1-2 lớp tế bào bị ép dẹp, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ đạo 6-7 lớp, tế bào hình đa giác, đôi khi vách uốn lượn. Gỗ 2 chiếm tâm không liên tục do các dãy tia tủy rộng, mạch gỗ hình đa giác, kích thước không đều, sắp xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác vách cellulose ở rễ non, vách tẩm chất gỗ ở rễ già. Libe 2 tạo thành 15-16 chùy hình nón xếp xen kẽ với tia libe rộng gồm nhiều dãy tế bào. 2 bó gỗ 1 xếp đối diện ở trung tâm vi phẫu, mỗi bó có 2 mạch gỗ, phân hóa hướng tâm, giữa 2 bó gỗ 1 là 1 mạch gỗ 2. Tia libe có nhiều tế bào chứa tinh bột.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột rễ củ màu vàng cam, mùi thơm, vị ngọt, gồm các thành phần sau: Mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mảnh mô mềm vách mỏng, chứa tinh bột. Hạt tinh bột hình tròn hay gần tròn, đường kính 12-12,5 µm, tễ phân nhánh.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Daucus chỉ có một loài duy nhất là Cà rốt.
Cà rốt là loại cây ưa sáng, ưa vùng có khí hậu ẩm mát. Ở Việt Nam cây chỉ được trồng từ cuối thu đến đầu xuân. Mùa hoa: tháng 4 – 5.

Bộ phận dùng: 

Rễ củ và quả (Radix et Fructus Carotae). Thu hái vào mùa đông; bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch.

Thành phần hóa học: 

Rễ củ chứa glucid 9 - 10%, protein 1%, chất béo (vết) và hai chất có thế kết tinh được là hydrocarotin và caroten. Quả chứa tinh dầu và 11 - 13% dầu béo.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ củ làm thuốc uống trong trị suy nhược, thiếu máu, tiêu chảy ở trẻ em và người lớn, bệnh trực trùng coli, viêm ruột, bệnh đường ruột, táo bón, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày ruột, bệnh phổi, lao hạch, thấp khớp, thống phong, sỏi, vàng da, xơ vữa động mạch, suy gan mật, giảm sữa nuôi con, bệnh ngoài da… Dùng ngoài chữa vết thương, loét, bỏng, đinh nhọt, cước, nứt nẻ, bệnh ngoài da, dùng đắp apxe và ung thư vú, ung thư biểu mô. Hạt dùng trị giun đũa, giun kim, bệnh sán dây, đau bụng giun, trẻ em cam tích.