Loài Annona squamosa L. (Cây Na)

Tên
Tên khác: 

Sa lê, Mãng cầu ta, Mãng cầu dai, Mác kiếp (Tày), Phan lệ chi.

Tên khoa học: 

Annona squamosa L.

Họ: 

Na (Annonaceae)

Tên nước ngoài: 

custard apple, sugar apple tree, sweet sop (Anh); annone écailleuse, pommier-canellier, attire (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar – Tỉnh Đăk lăk ngày 20/6/2010

Số hiệu mẫu: 

N200610 được lưu tại Bộ môn Thực Vật – Khoa Dược. Được so với mẫu số: SNo của Viện Sinh Học Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh.

Cây gỗ nhỏ cao 2-8 m. Thân non màu nâu bạc; thân già màu nâu xám có nhiều lỗ bì nhỏ và sẹo lá lồi to rõ. đơn, nguyên, mọc cách; phiến lá hình mũi mác, dài 9-13 cm, rộng 3-5 cm, màu xanh đậm mặt trên hơn mặt dưới, mặt dưới có ít lông ở gân lá và nhiều đốm vàng không rõ vách ở phần thịt lá; gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, 7-9 cặp gân phụ, các cặp gân phụ mọc đối hoặc không đối nối với nhau ở bìa phiến; cuống lá hình trụ gần tròn, dài 0,8-1 cm, đáy phình to và xanh đậm hơn. Không có lá kèm. Cụm hoa: Hoa riêng lẻ mọc đối diện với lá hoặc xim ít hoa ở cành già. Hoa màu xanh, đều, lưỡng tính, mẫu 3; cuống hoa màu xanh, dài 0,8-1,1 cm; lá bắc dạng vẩy tam giác cao 1 mm, màu xanh, tồn tại lâu; đế hoa lồi. Đài hoa: 3 lá đài đều, rời, màu xanh, mặt ngoài có nhiều lông, hình tim, dài 2 mm, rộng 3 mm; tiền khai van. Tràng hoa: 3 cánh hoa đều, rời, màu xanh, mặt ngoài có lông, hình mác thuôn nhọn dày mập dọc theo phần giữa cánh, móng lõm vào phía trong tạo hình lòng muỗng có màu đỏ, dài 1,8-3 cm, rộng 0,6-1 cm; tiền khai van. Bộ nhị: nhiều nhị rời, đều, dài 1-2 mm, đính xoắn ốc trên đế hoa lồi; chỉ nhị rất ngắn, màu trắng; bao phấn màu trắng, 2 ô thuôn hẹp, nứt dọc, hướng ngoài, đính gốc, chung đới kéo dài tạo phụ bộ hình đĩa quặp xuống; hạt phấn màu trắng, rời, hình bầu dục thuôn nhỏ 2 đầu, có rãnh, dài 45 µm, rộng 27,5 µm. Bộ nhụy: nhiều lá noãn rời, màu trắng, dài 2-3 mm, xếp khít nhau trên đế hoa lồi; mỗi lá noãn có 1 noãn đính đáy; vòi nhụy và đầu nhụy khó phân biệt, dạng bản mỏng thẳng đầu nhọn, màu trắng, dài 1-2 mm. Quả tụ, mỗi lá noãn cho ra 1 quả mọng riêng biệt và tất cả các quả này dính vào nhau tạo thành một khối hình tim hoặc hình cầu đường kính 7-10 cm, mặt ngoài màu xanh chia nhiều rãnh, thịt quả màu trắng, mềm và ngọt khi chín. Hạt hình bầu dục một đầu thuôn tròn, vỏ hạt màu đen nhẵn bóng, dài 2-3 cm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu tiết diện tròn. Biểu bì bong tróc dính với bần, tế bào hình chữ nhật kích thước đều, cutin mỏng răng cưa. Bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước đều, vách uốn lượn, xếp thành dãy xuyên tâm. Lục bì rất ít 1 lớp tế bào. Mô mềm vỏ tế bào hình bầu dục hay đa giác, kích thước không đều, vách dày thẳng hay bị ép dẹp (các lớp gần trụ bì). Trụ bì hóa sợi thành cụm trên đầu các chùy libe, mỗi cụm 2-4 lớp tế bào đa giác gần tròn, vách dày, khoang hẹp. Libe 1 bắt màu đậm ở trên đỉnh chùy libe. Libe 2 kết tầng tạo thành chùy không đều, 3-4 lớp sợi xen kẽ với nhiều lớp mô mềm libe. Gỗ 2 liên tục chiếm ½ bề dày vi phẫu; mạch gỗ 2 hình đa giác tròn, kích thước không đều, phân bố đều trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ bao quanh mạch, tế bào đa giác kích thước không đều, vách dày mỏng khác nhau, một số tế bào bề mặt vách có lỗ phân nhánh. Tia tủy hẹp ở phần gỗ (1-4 dãy tế bào) loe rộng ở vùng libe; tế bào tia gỗ bề mặt vách có lỗ phân nhánh. Gỗ 1 tập trung thành cụm 2-3 bó, mỗi bó 2-3 mạch nằm trong mô mềm gỗ vách cellulose. Vùng mô mềm tủy hẹp, hóa mô cứng, tế bào đa giác tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều, bề mặt vách có lỗ. Tế bào tiết nằm trong mô mềm và tia libe. Tinh bột nhiều ở các tế bào mô mềm vỏ và tủy, tia gỗ. Tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật lớn có nhiều trong mô mềm vỏ và tia libe, hình khối nhỏ rải rác ở mô mềm gỗ 2 và mô mềm tủy.
Cuống lá
Vi phẫu tiết diện gần tròn, mặt trên khuyết cạn. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước không đều, cutin mỏng răng cưa. Mô dày tròn 4-5 lớp tế bào đa giác gần tròn hoặc hình bầu dục rộng, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Mô mềm gồm nhiều lớp tế bào đa giác tròn, kích thước không đều. Tế bào mô cứng hình đa giác kích thước không đều, vách dày khoang rất hẹp, xếp thành cụm trong mô mềm và mô dày. Bó dẫn với gỗ ở trên libe ở dưới xếp thành 3 bó; libe tế bào đa giác vách uốn lượn, xếp thành cụm; mạch gỗ hình đa giác tròn, kích thước không đều, xếp lộn xộn trong vùng mô mềm gỗ vách cellulose; mô mềm gỗ bao quanh mạch hóa mô cứng; trên gỗ có một số tế bào hóa mô cứng. Trụ bì hóa mô cứng tế bào đa giác tròn, kích thước không đều, bao bên ngoài cung libe.

Gân giữa: Vi phẫu mặt dưới lồi uốn lượn, mặt trên hơi lõm. Biểu bì tế bào hình chữ nhật có thể có núm, kích thước không đều: tế bào biểu bì trên lớn gấp 2 lần tế bào biểu bì dưới, cutin răng cưa mỏng. Mô dày góc 1-2 lớp tế bào đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm nhiều lớp tế bào hình đa giác hoặc đa giác tròn, kích thước không đều, vách uốn lượn, xếp lộn xộn; vùng giữa mô mềm có 1 lớp tế bào bị ép dẹp. Trụ bì hóa mô cứng tế bào đa giác, kích thước không đều, nằm úp lên libe. Mô dẫn với gỗ ở trên và libe ở dưới xếp gần liên tục thành hình cung; libe tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, xếp thành từng cụm, mạch gỗ tế bào đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn hoặc thành từng dãy trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ cấu tạo giống mô mềm gỗ cuống lá, một số tế bào bề mặt vách có lỗ. Tinh thể calci oxalat hình khối rải rác trong mô mềm.
Phiến lá: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước không đều, tế bào biểu bì trên kích thước lớn gấp 3-4 lần tế bào biểu bì dưới, cutin mỏng, lỗ khí ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài, kích thước không đều, vách mỏng, xếp khít nhau. Mô mềm khuyết 5 -6 lớp tế bào hình tròn hoặc hình bầu dục, vách mỏng, xếp lộn xộn. Nhiều khuyết to trong mô mềm của gân giữa và thịt lá.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hạt Na có màu nâu hơi trắng, thể chất bột dính, không mùi, có vị đắng gồm các thành phần sau:
Rất nhiều hạt tinh bột hình cầu, kích thước thay đổi có thể nằm trong mô mềm hoặc rơi ra ngoài. Nhiều tế bào mô cứng, riêng lẻ hoặc tập trung thành từng cụm lớn hay nhỏ. Nhiều sợi nằm riêng lẻ hoặc tập trung thành bó. Mảnh vỏ hạt tế bào đa giác, màu vàng, vách thẳng.
Bột vỏ Na có màu vàng nâu, thể chất tơi thô với nhiều hạt như hạt cát, có mùi rất đặc trưng của họ Na (Anonaceae), có vị chát gồm các thành phần sau: Tế bào mô cứng tập trung thành từng cụm hoặc riêng lẻ, mảnh mạch điểm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Gốc ở quần đảo Angti, được đem vào trồng ở nước ta lấy quả ăn. Thịt quả mềm và thơm, ngọt, ngon nhất là na dai. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá, quả và hạt (Radix, Folium, Fructus et Semen Annonae squamosae).

Thành phần hóa học: 

Trong quả có 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C. Trong lá có một alkaloid vô định hình, không có glucosid, lá xanh chứa 0,08% dầu. Hạt chứa 38,5-42% dầu, trong đó có các acid béo (acid myristic, palmittic, stearic, arachidic, hexadecanoic và oleic) chiếm tỉ lệ lớn. Trong hạt có một acid vô định hình là anonain. Chất độc trong hạt và rễ là các glycerid và các acid có phân tử lớn. Lá, vỏ và rễ chứa acid hydrocyanic. Vỏ chứa anonain.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Quả na có vị ngọt chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng. Hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Lá cũng có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, sát trùng. Rễ cầm tiêu chảy.
Công dụng
Quả na dùng để chữa lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát.
Quả xanh dùng để trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng để trị sốt rét cơn lẫn ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng để trị tiêu chảy và trị giun.
Đơn thuốc: Đi lỵ ra nước không dứt: 10 quả na ương (chín nửa chừng), lấy thịt ra, còn vỏ và hạt cho vào 2 bát nước, sắc còn 1 bát, ăn thịt quả và uống nước sắc.