Loài Polyscias fruticosa (L.) Harms (Cây Đinh Lăng)

Tên
Tên khác: 

Đinh lăng lá nhỏ, cây Gỏi cá, Nam dương lâm.

Tên khoa học: 

Polyscias fruticosa (L.) Harms

Tên đồng nghĩa: 

Panax fruticosus L., Nothopanax fruticosus (L.) Miq., Aralia fruticosa (L.) Bailey, Tieghemopanax fruticosus (L.) R. Vig.

Họ: 

Ngũ gia bì (Araliaceae)

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar - Tỉnh Đăk Lăk ngày 28/05/2010.

Số hiệu mẫu: 

DL2805 được lưu tại Bộ môn Thực Vật – Khoa Dược.

Cây bụi xanh tốt quanh năm, cao 0,5-2 m, thân tròn sần sùi không gai, mang nhiều vết sẹo lồi to màu nâu xám do lá rụng để lại. mọc cách, kép lông chim 2-3 lần, dài 20-40 cm. Lá chét chia thùy nhọn không đều, màu xanh, bóng mặt dưới nhiều hơn, gốc lá và phiến lá thuôn nhọn dài 3-5 cm, rộng 0,5-1,5 cm; gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, 3-4 cặp gân phụ. Cuống lá dài, tròn, màu xanh sậm, có những đốm xanh nhạt trên cuống, đáy cuống phình to thành bẹ lá. Lá kèm dạng phiến mỏng dính hai bên bẹ lá. Cụm hoa tán tụ thành chùm ở ngọn cành. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, màu xanh, dài 0,3-0,4 cm. Lá bắc tập hợp ở gốc cuống hoa (tổng bao lá bắc), hình tam giác nhọn. Bao hoa: đài hoa thu hẹp chỉ còn 5 răng, đều, rời, dạng vảy màu xanh; 5 cánh hoa rời, đều, màu xanh, hình bầu dục thuôn nhọn ở đỉnh, dài 0,25-0,3 cm, rộng 0,1-0,15 cm, có gân giữa, tiền khai hoa van. Bộ nhị: 5 nhị rời, đều, đính xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dạng sợi mảnh, màu trắng, dài 0,1-0,15 cm; bao phấn 2 ô thuôn dài màu vàng, nứt dọc, hướng trong, đính gốc. Hạt phấn rời, hình cầu có 3 lỗ, màu vàng nhạt, đường kính 30-35 µm. Bộ nhụy: 2-3 lá noãn, bầu dưới 2 ô hay 3 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ; 2-3 vòi rời úp sát vào nhau, thẳng đứng, màu xanh đậm, dài 1 cm; đầu nhụy hình điểm. Quả hạch hình bầu dục mang trên đỉnh quả vòi nhụy tồn tại mọc choãi ra và đài tồn tại, vỏ quả màu xanh đậm có những nốt tròn màu xanh nhạt hơn, dài 4-6 mm, rộng 3-4 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ
Vi phẫu tiết diện gần tròn. Các mô gồm: Bần gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng uốn lượn xếp xuyên tâm, bong tróc rất nhiều. Mô mềm vỏ nhiều lớp tế bào đa giác, kích thước khác nhau, vách uốn lượn. Libe gỗ: Libe 2 nhiều tạo thành chùy libe, tế bào đa giác vách uốn lượn dày mỏng xen kẽ nhau thành tầng. Gỗ 2 chiếm tâm không liên tục; mạch gỗ tế bào đa giác tròn, kích thước không đều, phân bố đều trong vùng mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào đa giác, vách cellulose. Tia tủy 1-4 dãy tế bào hình chữ nhật. Tinh thể calci oxalate hình cầu gai nhiều trong mô mềm vỏ và libe 2.
Thân
Vi phẫu tiết diện tròn. Các mô gồm: Biểu bì hóa mô cứng bên ngoài bần, bị bong ra ở lỗ vỏ. Bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước không đều, vách mỏng uốn lượn, xếp xuyên tâm; lục bì rất ít 1-2 lớp. Mô dày góc nhiều lớp tế bào đa giác tròn, kích thước không đều. Mô mềm vỏ đạo nhiều lớp tế bào hình đa giác hay bầu dục kích thước không đều, một số tế bào vách uốn lượn. Trụ bì hoá mô cứng, tế bào hình đa giác, xếp thành cụm trên libe 1. Libe 1 tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, xếp thành cụm dẹt. Libe 2 tạo thành các chùy đỉnh bằng gần liên tục, tế bào đa giác kích thước không đều, vách hơi uốn lượn, xếp thành dãy xuyên tâm. Gỗ 2 liên tục, dày gấp 3-4 lần libe 2; mạch gỗ 2 hình đa giác, kích thước không đều, phân bố đều trong vùng mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào đa giác, kích thước nhỏ. Gỗ 1 xếp thành cụm, mỗi cụm 1-2 bó, mỗi bó 2-4 mạch nằm trong vùng mô mềm gỗ vách cellulose. Tia tủy hẹp 1-4 dãy tế bào hình chữ nhật có tinh bột rất nhiều. Mô mềm tủy đạo tế bào đa giác kích thước không đều. Tinh bột nhiều trong mô mềm vỏ, tuỷ và rải rác ở mô dày. Túi tiết ly bào kích thước khác nhau có nhiều trong mô mềm vỏ và mô dày. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác trong mô mềm vỏ.
Cuống lá
Vi phẫu tiết diện gần tròn một đầu bằng. Lớp biểu bì hơi dợn sóng, tế bào hình chữ nhật, kích thước lớn hơn tế bào mô dày, đều, cutin mỏng. Mô dày góc 2-4 lớp tế bào đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm vỏ đạo nhiều lớp tế bào đa giác, kích thước lớn hơn tế bào mô dày, không đều, xếp lộn xộn. Ống tiết ly bào nhiều trong vùng mô mềm vỏ và mô dày. Trụ bì hoá mô cứng 2-3 lớp tế bào không liên tục bên ngoài libe. Nhiều bó libe gỗ xếp thành vòng không liên tục, libe ở ngoài gỗ ở trong. Gỗ và libe có cấu tạo cấp 2. Libe 1 xếp thành từng cụm bên dưới trụ bì. Libe 2 nhiều lớp tế bào đa giác, kích thước không đều, xếp thành dãy xuyên tâm. Mạch gỗ 2 tế bào đa giác gần tròn, xếp rải rác trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào đa giác xếp thành dãy. Gỗ 1 tập trung thành từng cụm từ 3-5 bó, mỗi bó từ 2-3 mạch gỗ nằm trong mô mềm gỗ vách cellulose. Mô mềm tủy đạo tế bào hình đa giác hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều, 2-4 lớp tế bào dưới gỗ 1 vách tẩm chất gỗ mỏng.

Gân giữa: Lồi ở 2 mặt. Biểu bì tế bào hình chữ nhật không đều, kích thước gần tương đương ở 2 biểu bì trên và dưới, cutin mỏng. Mô dày góc 2-3 lớp tế bào đa giác kích thước đều nhau. Mô mềm đạo nhiều lớp tế bào đa giác tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều. Bó dẫn xếp hình cung với gỗ ở trên libe ở dưới. Libe xếp thành cụm nhỏ. Mạch gỗ xếp thành dãy 3-5 mạch xen kẽ mô mềm gỗ vách cellulose. Túi tiết ly bào kích thước khác nhau nhiều trong vùng mô mềm đạo.
Phiến lá: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước lớn hơn biểu bì dưới, cutin mỏng, lỗ khí ở biểu bì dưới. Mô mềm khuyết 6-7 lớp tế bào đa giác tròn, kích thước không đều, chứa lục lạp. Bó dẫn phụ rải rác gỗ ở trên, libe ở dưới.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột rễ Đinh lăng có màu vàng, thể chất tơi thô, không có mùi, có vị ngọt gồm các thành phần sau:
Nhiều hạt tinh bột hình chuông, hình đa giác, đường kính từ 10-20 µm nằm riêng lẻ, hạt tinh bột kép 2, 3, 4 hay tụ tập thành khối. Mảnh bần tế bào đa giác, kích thước khác nhau, vách dày, màu vàng. Mảnh mô mềm tế bào hình chữ nhật, kích thước khác nhau chứa tinh bột, vách mỏng. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình khối kích thước khác nhau. Nhiều mảnh mạch vạch có khoang rộng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Có nguồn gốc từ đảo Thái Bình Dương, được trồng khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi. Cây ưa sáng, ưa ẩm và đất sâu, có thể chịu hạn và bóng râm. Thường được trồng chủ yếu bằng cách giâm cành. Cây trồng càng lâu càng tốt.
Mùa hoa quả: tháng 4-7.

Bộ phận dùng: 

Rễ, thân và lá (Radix, Caulis et Folium Polyciatis). Thu hoạch rễ của những cây đã trồng từ 3 năm trở lên (cây trồng càng lâu năm càng tốt). Nên thu hái vào mùa thu, rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ. Thái rễ mỏng phơi khô ở chỗ thoáng mát. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Vỏ rễ và lá chứa saponin, alkaloid, vitamin B1, B2, B6, C, 20 acid amin, glycosid, alkaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng, 21,10% đường.
Lá: saponin triterpen (1,65%)

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tăng lực trên động vật thí nghiệm và trên người. Thân và lá cũng có tác dụng tăng lực nhưng yếu hơn so với rễ. Làm thuốc bổ làm tăng cân (thân và lá cũng có tác dụng này). Làm tăng hiệu quả điều trị của cloroquin trong bệnh sốt rét thực nghiệm trên động vật. Tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu. Tác dụng an thần và ít độc. Nước sắc đinh lăng có tác dụng đối kháng với trùng roi, trị lỵ amip cấp. Sau 10 ngày hết triệu chứng lâm sàng và sau 16 ngày xét nghiệm lại hết amip thực huyết, hết kén. Rễ làm thuốc bổ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, chữa ho ra máu, ho, đau tử cung, kiết lỵ, thuốc lợi tiểu, chống độc. Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương. Thân và cành chữa thấp khớp đau lưng.