Loài Camellia sinensis (L). Kuntze (Cây Chè)

Tên
Tên khác: 

Trà, mạy chà (Tày)

Tên khoa học: 

Camellia sinensis L.

Tên đồng nghĩa: 

Thea sinensis L., Camellia thea Link., C. theifera Griff.

Họ: 

Chè (Theaceae)

Tên nước ngoài: 

Tea plant (Anh); arbre à théier (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar – Tỉnh ĐăkLăk ngày 20/04/2010

Số hiệu mẫu: 

C200410 được lưu tại Bộ môn Thực Vật – Khoa Dược

Cây gỗ nhỏ sống lâu năm. Thân non màu xanh nhẵn bóng, thân già màu xám xù xì, tiết diện tròn. đơn, mọc cách, có mùi thơm đặc trưng; phiến lá cứng và dày, hình xoan ngọn có đuôi tròn và gốc tròn hoặc thuôn, dài 9-11 cm, rộng 4-5cm, màu xanh mặt trên đậm hơn mặt dưới, có lông mặt dưới; mép lá răng cưa nhọn nông; gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, 5-6 cặp gân phụ nối với nhau gần bìa lá. Cuống lá ngắn hình lòng máng nông, màu xanh, dài 0,6-0,8 cm. Không có lá kèm. Cụm hoa: hoa mọc riêng lẻ hoặc chùm 3-4 hoa ở nách lá. Hoa đều, lưỡng tính, màu trắng có mùi thơm đặc trưng; cuống hoa ngắn, màu xanh, dài 0,4-0,6 cm; 4-5 lá bắc màu xanh giống lá đài, hình tam giác nhọn, cao 0,2-0,4 cm, rụng sớm trước khi hoa nở để lại những sẹo trên cuống hoa. Đài hoa: 5 lá đài, đều, rời, màu xanh lục đậm, phiến tròn, dày và cứng, dài 4-5 mm, rộng 3-4 mm, tồn tại; tiền khai năm điểm. Tràng hoa: 6 đôi khi 7 cánh hoa, rời, mỏng, màu trắng, không đều: 2 cánh ngoài cùng hình dạng giống lá đài màu xanh mặt ngoài màu trắng mặt trong, dài 0,9-1,2 cm, rộng 1-1,5 cm; 4 cánh còn lại màu trắng, hình lòng muỗng, móng ngắn, mép hơi nhăn, dài 1,5-2 cm, rộng 1,2-1,7 cm. Bộ nhị: nhiều nhị, không đều, hơi dính với nhau ở đáy, xếp thành nhiều vòng đính trên đế hoa; chỉ nhị màu trắng, dạng sợi hơi cong queo thuôn nhỏ ở đỉnh, dài 0,6-0,7cm, vòng trong cùng chỉ nhị to và dẹt màu vàng; bao phấn màu vàng thuôn dài, 2 ô, hướng trong, nứt dọc, đính gốc, dài 0,7-1 mm; hạt phấn rời, hình bầu dục, màu vàng, có rãnh, dài 32,5 µm, rộng 17,5 µm. Bộ nhụy: 3 lá noãn, bầu trên hình cầu 3 ô, đường kính 1,5-2 mm, màu trắng xanh, có lông, mỗi ô 1 noãn đính trung trụ; 1 vòi nhụy hình sợi, màu vàng, dài 0,5-0,6 cm; 3 đầu nhụy dạng sợi có rãnh dọc ở mặt trong, tỏa đều về 3 hướng, dài 0,2-0,3 cm. Quả đóng có thể có hình tam giác 3 góc tròn, hình bầu dục hoặc hình tròn do hạt bị tiêu đi, màu xanh đậm, nhẵn bóng; mỗi quả có 1-3 hạt. Hạt tròn màu nâu bóng, đường kính 1-1,2 cm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu tiết diện gần tròn. Các mô gồm: Biểu bì nhiều chỗ bị bong tróc khỏi mô mềm, 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước gần đều, cutin dày. Mô mềm vỏ lỏng lẻo, nhiều lớp tế bào đa giác gần tròn, kích thuớc không đều, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Trụ bì hoá sợi, tế bào hình đa giác, kích thước đều, 3-5 lớp xếp thành vòng gần liên tục. Tầng sinh bần bên trong trụ bì tạo bần nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Ở thân già phía ngoài bần bị bong ra. Mô mềm cấp 2 gồm 2-3 lớp tế bào thuôn dài, kích thuớc không đều, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 1 tế bào hình đa giác, xếp thành từng cụm nhỏ. Libe 2 liên tục, tế bào hình đa giác, kích thuớc không đều, xếp thành dãy xuyên tâm, sợi libe vách cellulose dày phân bố đều trong mô libe. Gỗ 2 nhiều, liên tục; mạch gỗ 2 hình đa giác hoặc vuông tròn, kích thước không đều phân bố đều trong vùng mô mềm gỗ; mô mềm gỗ hóa sợi không bao quanh mạch, tế bào hình đa giác hoặc hình chữ nhật kích thước nhỏ không đều xếp thành dãy. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào hình bầu dục hoặc đa giác tròn. Gỗ 1 phân bố đều, mỗi bó 3-5 mạch hình đa giác. Mô mềm tủy đạo tế bào đa giác tròn hoặc tròn, kích thước không đều, nhiều tế bào bề mặt vách có ống trao đổi phân nhánh; mô mềm tủy hóa mô cứng và chứa nhiều tinh bột, mô mềm bên trong gồm các tế bào hóa mô cứng thường có kích thước nhỏ xen với các tế bào to vách cellulose. Thể cứng nằm rải rác trong vùng libe 2 và tủy. Tinh bột nhiều trong tế bào mô mềm tủy, rải rác ở các tế bào tia gỗ và một số mô mềm gỗ.
Cuống lá
Vi phẫu lồi ở mặt dưới, lõm ở mặt trên, có 2 cánh nhỏ nhọn. Biểu bì trên và dưới giống nhau, biểu bì trên lớn hơn biểu bì dưới, tế bào hình chữ nhật có núm nhọn, cutin dày, lông che chở đơn bào. Mô dày tròn nhiều lớp tế bào hình đa giác hoặc đa giác tròn ở dưới tế bào biểu bì trên xếp thành dãy xuyên tâm, ở trên tế bào biểu bì dưới xếp lộn xộn. Mô mềm khuyết gồm nhiều lớp tế bào đa giác hoặc đa giác tròn, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Bó dẫn xếp hình cung, gỗ ở trên, libe ở dưới. Libe tế bào đa giác vách uốn lượn, xếp thành đám. Mạch gỗ hình đa giác kích thước không đều xếp thành dãy xen kẽ với mô mềm 1 dãy tế bào vách cellulose. Mô dày góc 2-3 lớp tế bào đa giác kích thước nhỏ bao quanh bó dẫn. Thể cứng nằm rải rác ở mô dày và mô mềm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác trong mô mềm.

Gân giữa: vi phẫu lồi cả 2 mặt, mặt trên lồi ít hơn mặt dưới. Biểu bì tế bào hình chữ nhật kích thước không đều; tế bào biểu bì trên lớn gấp đôi tế bào biểu bì dưới, lớp cutin và vách trong cũng dày hơn. Mô dày góc trên tế bào biểu bì dưới, 2-3 lớp tế bào hình đa giác tròn, kích thước gần đều. Mô mềm khuyết gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác, kích thước lớn hơn gấp 2-3 lần mô dày, không đều, vách uốn lượn. Trụ bì hóa mô cứng phía ngoài libe gồm 2-3 lớp tế bào hình đa giác kích thước đều. Bó dẫn xếp hình cung gỗ ở trên, libe ở dưới. Libe gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác kích thước đều, xếp lộn xộn thành từng đám. Mạch gỗ hình đa giác hay vuông xếp thành dãy xen lẫn với mô mềm gỗ (tế bào hình vuông hay đa giác) hóa mô cứng. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào hình chữ nhật hẹp. Thể cứng kích thước lớn nhánh nhọn, nhiều hình dạng, nằm ở mô mềm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nhiều ở mô mềm và libe.
Phiến lá: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới; biểu bì trên có vách trong rất dày và cutin dày; lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài xếp xít nhau. Mô mềm khuyết 8-9 lớp tế bào đa giác hoặc đa giác gần tròn, xếp lộn xộn. Bó gân phụ nằm rải rác. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác ở mô mềm. Thể cứng kích thước lớn nhánh nhọn, nhiều hình dạng, nằm ở mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá chè màu xanh đen, có mùi thơm đặc trưng của chè, có vị chát gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì trên vách hơi uốn lượn, mảnh biểu bì dưới mang lỗ khí kiểu song bào, mảnh mạch mạng kích thước lớn, mảnh mạch vạch, ít lông che chở đơn bào, nhiều thể cứng nguyên vẹn với kích thước lớn hay bị gãy, nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai cùng kích thước, sợi tập trung thành bó. Tế bào mô cứng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Gốc ở Bắc Ấn Độ và Nam Trung Quốc, được chuyển sang Mianma, Thái Lan, Việt Nam. Chè được trồng ở khắp nơi ở nước ta. Tập trung nhiều ở Vĩnh Phú, Hà Giang, Bắc Thái, Quảng Nam - Đà nẵng cho tới Đăk Lăk, Lâm Đồng. Cây ưa khí hậu ẩm, đất chua và cần được che bóng ở một mức độ nhất định để đảm bảo hương thơm.
Mùa hoa: tháng 9-10, mùa quả: tháng 11- 3.

Bộ phận dùng: 

Lá (Folium Camelliae)

Thành phần hóa học: 

Trong lá chè có tinh dầu, các dẫn xuất polyphenolic (flavonoid, catechol, tannin). Alkaloid là cafein, theophyllin, theobromin, xanthin. Các vitamin C, B1, B2, B3.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chè có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, định thần làm cho đầu não được thư thái, da thịt mát mẻ, khỏi chóng mặt xây xẩm, bớt mụn nhọt và cầm tả lỵ. Do có cafein và theophyllin, chè là một chất kích thích não, tim và hô hấp. Nó tăng cường sức làm việc của trí óc và của cơ, làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hoà nhịp đập của tim. Sự có mặt của các dẫn xuất polyphenolic làm cho tác dụng của chè đỡ hại hơn và kéo dài hơn là cafein. Các flavonol và polyphenol làm cho chè có tính chất của vitamin P.
Thường được dùng trong các trường hợp: Tâm thần mệt mỏi, ngủ nhiều, đau đầu, mắt mờ, sốt khát nước, tiểu tiện không lợi, ngộ độc rượu. Dùng ngoài, nấu nước rửa vết bỏng hay lở loét thì chóng lên da non.
Đơn thuốc: Tiêu chảy hay đi lỵ dùng búp chè, búp ổi mỗi thứ một nắm sao vàng sắc uống hoặc nhai một nắm trà hương khô.