Loài Terminalia catappa L. (Cây Bàng)

Tên
Tên khác: 

Quang lang

Tên khoa học: 

Terminalia catappa L.

Họ: 

Bàng (Combretaceae)

Tên nước ngoài: 

Indian almond – tree, tropical almond (Anh); badamier (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

tại Quận 1- Tp. Hồ Chí Minh ngày 06/06/2010.

Số hiệu mẫu: 

B060610 được lưu tại Bộ môn Thực Vật – Khoa Dược. Được so với mẫu số: SNo của Viện Sinh Học Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh.

Cây gỗ nhỏ cao 10-15 m mọc đứng, tiết diện tròn; thân già màu nâu đậm xù xì; thân non màu xanh có những nốt sần màu nâu xám và lông mịn màu nâu đỏ ở ngọn cành. đơn, nguyên, mọc cách tập trung nhiều ở ngọn cành; phiến lá hình trứng ngược gốc thuôn hình chót buồm, dài 15-25 cm, rộng 9-13 cm, màu xanh mặt trên đậm hơn ở mặt dưới, có 2 nốt sần tròn ở đáy phiến cạnh hai bên gân chính. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở cả 2 mặt, 9-11 cặp gân phụ kéo dài tận bìa lá; lông màu nâu đỏ rải rác ở mặt dưới của gân chính. Cuống lá hình trụ gần tròn dài 1-1,7 cm, có nhiều lông mịn màu nâu đỏ và lông cứng thẳng đứng màu đen ở nơi đính của lá. Không có lá kèm. Cụm hoa gié dài thòng ở nách lá gần ngọn cành hay ở ngọn cành, gié mang hoa lưỡng tính ở khoảng 1/5 phía gốc và hoa đực do bầu noãn bị trụy ở ngọn hoặc gié mang toàn hoa đực. Hoa đều, mẫu 5, lưỡng tính hoặc đơn tính đực. Đài hoa: 5 lá đài đều, màu trắng xanh, dính bên dưới thành ống ngắn bên trên chia 5 thùy hình tam giác, nhiều lông mịn màu trắng dài 0,5-1 mm ở mặt trong, tiền khai van. Không có cánh hoa. Bộ nhị: 10 nhị đều, rời, đính thành 2 vòng trên họng đài, vòng ngoài xen kẽ với lá đài; chỉ nhị dạng sợi dài 3-4 mm, màu trắng; bao phấn màu vàng, 2 ô, hình bầu dục có hai thùy, nứt dọc, hướng trong; hạt phấn màu vàng hơi xanh, hình bầu dục 2 đầu rộng có nhiều rãnh, dài 27,5 µm rộng 10 µm. Bộ nhụy: Bầu dưới màu xanh, dài 1,5-2 mm, mặt ngoài có nhiều lông trắng mịn; 1 lá noãn, 1 ô, 1 noãn đính nóc; 1 vòi nhụy màu vàng, dạng sợi hơi phình ở gốc dài khoảng 4 mm; đầu nhụy hình điểm. Quả hạch, quả non hình bầu dục đầu nhọn màu xanh, khi chín quả gần tròn màu vàng, vỏ quả sần sùi, dài 4-6 cm, rộng 3-4 cm. Hạt hình bầu dục dài 2-2,5 cm, màu vàng nhạt có lớp vỏ áo mỏng dễ bóc.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu tiết diện tròn. Các mô gồm: Biểu bì nhiều chỗ bị nứt, một lớp tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ dính với lớp bần, cutin mỏng, có lông che chở đơn bào thẳng hay cong dạng móc câu. Bần 3-5 lớp tế bào hình chữ nhật kích thước lớn, vách hơi lượn, xếp xuyên tâm. Tầng sinh bần tạo lục bì rất ít. Mô dày góc từ 4-5 lớp tế bào đa giác hơi dẹp. Mô mềm gồm nhiều lớp tế bào đa giác, hơi dẹt, kích thước không đều, có tế bào vách nhăn nheo. Trụ bì hóa sợi thành đám. Libe 1 bị ép dẹp. Libe 2 liên tục, kết tầng; mô libe tế bào hình chữ nhật vách nhăn nheo; sợi libe (4-5 vòng) tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, xếp nhiều cụm xen kẽ với mô libe. Gỗ 2 nhiều, liên tục; mạch gỗ 2 hình đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước lớn không đều phân bố rải rác đều trong vùng mô mềm gỗ; mô mềm gỗ không bao quanh mạch, tế bào hình đa giác hoặc hình chữ nhật kích thước nhỏ đều xếp thành dãy. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 tập trung thành cụm, mỗi bó 3-5 mạch hình đa giác. Libe trong tạo thành cụm quanh tủy. Mô mềm tủy đạo hình đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước lớn.
Ống tiết tiêu bào kích thước lớn nằm quanh tủy. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai có nhiều trong vùng vỏ và libe. Tinh bột nằm rải rác trong mô mềm vỏ.
Cuống lá
Vi phẫu tiết diện gần tròn, phẳng ở mặt trên. Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ đều, cutin mỏng, nhiều lông che chở đơn bào dài. Dưới biểu bì có 1-2 lớp bần, tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ vách uốn lượn. Mô dày góc, nhiều lớp tế bào hình đa giác kích thước không đều. Mô mềm đạo gồm nhiều lớp tế bào đa giác tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều. Libe gỗ xếp thành hình tim không khép kín, libe ở ngoài, gỗ ở trong và 2 - 4 bó dẫn phụ với gỗ ở trên libe ở dưới. Libe tế bào đa giác, vách nhăn nheo xếp thành từng đám. Mạch gỗ hình tròn, kích thước nhỏ, xếp thành dãy liên tục. Mô mềm gỗ vách cellulose hình đa giác kích thước nhỏ, xếp thành 1 - 2 dãy xen kẽ với các dãy mạch gỗ. Hoạt động của tượng tầng rất ít. Libe quanh tủy tạo thành cụm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước lớn rất nhiều trong vùng mô mềm, mô dày và libe. Ống tiết tiêu bào thường nằm cạnh gỗ.

Gân giữa: lồi ở 2 mặt, mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì trên và dưới giống nhau, 1 lớp tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ, đều, cutin mỏng, có lông che chở đơn bào. Mô dày góc, 5-6 lớp tế bào hình đa giác gần tròn hoặc tròn không đều. Mô mềm đạo, nhiều lớp tế bào kích thước to không đều, hình đa giác hoặc đa giác gần tròn, nhiều tế bào vách uốn lượn tạo gốc cạnh đặc trưng. Trụ bì hóa sợi, tế bào kích thước nhỏ xếp thành vòng không liên tục. Mô dẫn xếp thành vòng, gỗ ở trong, libe ở ngoài. Libe tế bào đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp thành cụm. Mạch gỗ đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước không đều, xếp thành dãy 3-8 mạch; mô mềm gỗ hình đa giác hoặc hình chữ nhật vách hóa gỗ, kích thước nhỏ, xếp thành dãy. Nhiều cụm libe quanh tủy. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước lớn. 3 ống tiết tiêu bào kích thước lớn nằm quanh tủy. Tinh bột rải rác trên toàn vi phẫu. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai lớn rất nhiều trong mô dày, mô mềm vỏ, tủy và libe.
Phiến lá: Tế bào biểu bì hình chữ nhật, mặt trên và mặt dưới kích thước bằng nhau, cutin mỏng, cả 2 mặt đều có lông che chở đơn bào, lỗ khí ở biểu bì dưới. Mô giậu 1 lớp tế bào, 1-2 tế bào mô giậu dưới một tế bào biểu bì. Mô mềm khuyết 6-7 lớp, tế bào bầu dục hoặc tròn dài xếp lỏng lẻo. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác, bó gân phụ nằm rải rác.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá màu xanh, không mùi, có vị hơi chát gồm những thành phần sau: mảnh biểu bì trên tế bào vách uốn lượn, mảnh biểu bì dưới mang lỗ khí kiểu hỗn bào, lông che chở đơn bào, mảnh mạch xoắn và mảnh mạch vạch nhưng mảnh mạch vạch chiếm đa số, rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai với nhiều kích thước, sợi đơn lẻ hay tập trung thành bó.
Bột vỏ thân Bàng có màu nâu nhạt, thể chất tơi mịn, không có mùi, có vị chát gồm các thành phần sau :
Mảnh bần tế bào đa giác, kích thước không đều, có màu vàng. Mảnh mô mềm tế bào đa giác hoặc chữ nhật kích thước khác nhau chứa tinh bột. Sợi thuôn dài khoang rộng vách mỏng nằm riêng lẻ hoặc tập trung thành bó. Tinh bột kích thước lớn riêng lẻ hoặc tập trung thành từng đám. Tinh thể calci oxalat cầu gai kích thước khác nhau.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Malayxia, Nuven Calêdoni, các đảo của Thái Bình Dương và Madagasca. Ở nước ta cây mọc từ Quảng Ninh tới Vũng Tàu-Côn Đảo và các đảo ngoài khơi từ bắc và nam. Cây rụng lá, ưa sáng, mọc tốt ở đồng bằng và các đồi núi sỏi cát ven biển, tái sinh rất mạnh. Ra lá non vào tháng 2.
Mùa hoa: Tháng 3-7, mùa quả: tháng 4-9.

Bộ phận dùng: 

Lá, vỏ cây và hạt (Folium, Cortex et Semen Terminaliae catappae)

Thành phần hóa học: 

Vỏ thân cây bàng chứa 25-35% tanin pyrogalic va tanin catechic.
Lá chứa corigalin, acid galic và acid elagic, brevifolin carboxylic acid. Vỏ và gỗ chứa acid elagic, acid galic, (+) – catechin, (-) – epicatechin và (+) – leucocyanidin, nhân chứa 52,02% chẩt béo và 25,42% protein, 5,98% đường.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cao vỏ thân cây bàng (bỏ lớp vỏ đen bên ngoài) có tác dụng lợi tiểu, cường tim làm săn. Cao methanol có tác dụng giảm co thắt ruột thỏ cô lập.
Lá được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi, chữa tê thấp và lỵ. Búp non phơi khô tán bột rắc trị ghẻ, trị sâu quảng, sắc đặc ngậm trị sâu răng. Dùng tươi, xào nóng để đắp và chườm nơi đau nhức. Vỏ thân sắc uống trị lỵ và tiêu chảy, rửa vết loét, vết thương. Nhựa lá non trộn với dầu hạt bông và nấu chín là một thứ thuốc để chữa hủi. Hạt nấu uống để trị tiêu chảy ra máu.