Loài Abelmoschus moschatus (L.) Medik. (Cây Vông Vang)

Tên
Tên khác: 

Hoàng quỳ, Bụp vang, Vông vàng, Bông vang, Bông rừng, Cây la, Đông quỳ, Phải phi (Tày), Co ta vên (Thái), Hìa púi (Dao).

Tên khoa học: 

Abelmoschus moschatus (L.) Medik.

Tên đồng nghĩa: 

Hibiscus abelmoschus L.

Họ: 

Bông (Malvaceae)

Tên nước ngoài: 

Musk mallow, Ladies’ finger, abelmosk, snakeseed (Anh); ambrette, guimauve veloutée, herbe musquée, ketmie odorante, ketmie musquée (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh tháng 04/2010.

Số hiệu mẫu: 

VV0410, được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược

Cỏ cao 1-1,5 m. Thân non tiết diện hơi đa giác, màu xanh lục, có nhiều lông cứng ngắ, màu trắng. Thân già tiết diện tròn, màu nâu, ít lông hơn thân non, có nốt sần. Thân non có nhiều chất nhầy hơn thân già. đơn, mọc cách; phiến lá chia thùy chân vịt, đỉnh thùy nhọn, mép có khía răng tròn; mặt trên màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn; dài 16-17 cm, rộng 14,5 cm. Gân lá hình chân vịt với 5 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình trụ hơi dẹt, dài 9-10 cm, màu xanh lục, chỗ gắn vào thân hơi phớt đỏ. 2 lá kèm dạng dải hẹp, rời, màu xanh, rụng sớm. Trên cuống lá, lá kèm và phiến lá đều có nhiều lông trắng, nhưng mặt dưới nhiều hơn mặt trên. Cụm hoa: Hoa mọc riêng lẻ ở nách lá phía ngọn cành. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, hơi loe ở nơi tiếp giáp với đế hoa, dài 3,8-5,4 cm, khoảng 1 cm ở gốc có màu nâu đỏ, có nhiều lông cứng, ngắn, màu trắng. Lá bắc giống lá thường. Lá đài 5, gần đều, cao 2 cm, dính nhau hoàn toàn khi hoa còn là nụ, khi hoa nở ống đài xẻ dọc ở phía lá bắc tạo thành một phiến lệch về phía sau, đỉnh của phiến chia hai thùy: 1 thùy 2 răng và 1 thùy 3 răng hình tam giác. Lá đài có màu xanh lục, phần trên của ống đài phớt nâu đỏ khi hoa còn là nụ, có 1 gân giữa và 2 gân ở mép; có nhiều lông nhám, ngắn, màu trắng. Tiền khai van. Lá đài phụ: 9-10, đều, rời, dạng dải hẹp, màu xanh, gần 1/3 phía trên mặt ngoài phớt nâu đỏ, kích thước 1 x 0,15 cm, có gân giữa và 2 gân bên; có nhiều lông nhám, ngắn, màu trắng ở mặt ngoài và hai bên mép, mặt trong ít hơn; tiền khai van. Khi hoa còn là nụ nhỏ các lá đài phụ úp lên lá đài. Cánh hoa 5, đều, rời, có 2 phần: Phần móng hẹp, cứng, màu tím đậm ở mặt trong, nhạt hơn ở mặt ngoài; phần phiến hình bầu dục rộng, màu vàng, nhiều gân dọc, kích thước 4-4,2 x 3-3,5 cm. Tiền khai vặn ngược chiều kim đồng hồ. Nhị nhiều, không đều, dính nhau ở phần lớn chỉ nhị, rời khoảng 0,05 cm phía trên; ống chỉ nhị màu trắng, đáy màu tím, miệng có 5 răng tròn không đều, phần dưới ống có màu xanh phớt tím, loe rộng ôm lấy bầu. Đáy ống chỉ nhị dính vào đáy cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi, màu trắng. Bao phấn cong dạng chữ c, màu vàng, 1 ô, nứt dọc, hướng ngoài, đính giữa. Hạt phấn rời, hình cầu gai, màu vàng nhạt, đường kính 150 µm. Lá noãn 5, bầu trên 5 ô, mỗi ô 2 hàng noãn, đính noãn trung trụ. Bầu noãn hình tháp, màu xanh, phủ nhiều lông dài màu trắng. 1 vòi nhụy hình trụ màu trắng, dài 1,2 cm, nhẵn, phía trên chia 5 nhánh dài 0,3 cm, mặt ngoài trắng, mặt trong đỏ, trên nhánh có lông ngắn màu trắng, tận cùng mỗi nhánh mang đầu nhụy hình mâm, màu đỏ đậm, có nhiều lông ngắn, màu đỏ. Quả nang, hình tháp hơi cong ở đầu, dài 5-6 cm, rộng 3,5 cm, quả non màu xanh, quả già màu nâu, có 5 lằn dọc và có nhiều lông, khi chín nứt theo đường hàn mép lá noãn. Hạt hình hạt đậu, màu đen, có nhiều vân đồng tâm màu nâu, kích thước 0,3-0,35 x 0,2 cm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ:
Vi phẫu rễ hơi đa giác. Bần 4-6 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, rải rác có lỗ vỏ. Nhu bì, 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ đạo, 2-3 lớp tế bào hình bầu dục thường bị ép dẹp, xếp lộn xộn. 2-4 lớp tế bào trụ bì hình đa giác, hóa sợi hay tế bào mô cứng thành từng cụm trên đầu các chùy libe. Mỗi chùy libe gồm có: Libe 1 ngay dưới cụm sợi trụ bì, tế bào đa giác nhỏ, vách uốn lượn; libe 2 kết tầng, 2-5 lớp sợi libe xen kẽ với nhiều lớp mô mềm libe. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ 2 hình đa giác hay tròn, kích thước khác nhau, xếp lộn xộn. Mô mềm gỗ 2, tế bào hình đa giác, vách tẩm chất gỗ, một số tế bào vách cellulose, xếp xuyên tâm. Tia tủy trong chùy libe thường hẹp, 1 dãy tế bào; tia tủy giữa 2 chùy libe rộng, 2-4 dãy tế bào đa giác thuôn hẹp trong vùng gỗ 2 và phình to trong vùng libe 2, vách cellulose. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước từ 12,5-25 µm trong mô mềm vỏ, libe 2, tia libe. Nhiều túi tiết ly bào trong mô mềm vỏ.
Thân:
Vi phẫu thân hơi đa giác. Biểu bì ở thân non, 1 lớp tế bào hình chữ nhật, lớp cutin mỏng; rải rác có lông che chở đơn bào và lông tiết có 2 loại: chân đơn bào, đầu đa bào (2-4 tế bào); chân đa bào (2 tế bào), đầu đa bào (2-4 tế bào). Bần ở thân già, 2 lớp tế bào hình chữ nhật; lục bì, 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật, vài chỗ có lỗ vỏ. Mô mềm vỏ ngoài đạo, 2-3 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang chứa lục lạp. Mô dày góc, 4-6 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Mô mềm vỏ trong đạo, 3-4 lớp tế bào hình đa giác hay bầu dục, kích thước to hơn tế bào mô dày, xếp lộn xộn. Trụ bì hóa sợi thành từng cụm trên đầu các chùy libe, 3-5 lớp tế bào hình đa giác, xếp sát nhau. Mỗi chùy libe gồm có: Libe 1 ngay dưới cụm sợi trụ bì, tế bào đa giác nhỏ, vách uốn lượn; libe 2 kết tầng, 2-3 lớp sợi libe xen kẽ với nhiều lớp mô mềm libe. Gỗ 2, mạch gỗ 2 hình đa giác, kích thước khác nhau, xếp lộn xộn. Mô mềm gỗ 2, tế bào hình đa giác vách tẩm chất gỗ, xếp xuyên tâm, một số tế bào có vách cellulose. Gỗ 1 phân hóa ly tâm, phân bố thành từng cụm, mỗi cụm có 1-5 bó, mạch gỗ 1 tròn. Mô mềm gỗ 1, tế bào hình đa giác nhỏ, vách cellulose, một số tế bào vách tẩm chất gỗ. Tia tủy trong chùy libe thường hẹp, 1 dãy tế bào; tia tủy giữa 2 chùy libe rộng, 1- 4 dãy tế bào đa giác thuôn hẹp trong vùng gỗ 2, phình to trong vùng libe 2, vách tẩm chất gỗ trong vùng gỗ 2, vách cellulose trong vùng libe 2. Mô mềm tủy đạo, tế bào tròn hoặc đa giác, các tế bào ở tâm vi phẫu kích thước to hơn các tế bào bên ngoài. Trong mô mềm tủy, mô mềm vỏ trong có nhiều túi tiết ly bào (4, 5, 6 tế bào bìa), các tế bào bìa trong mô mềm vỏ thường bị ép dẹp. Vi phẫu thân non có nhiều túi tiết ly bào, lông che chở và lông tiết hơn vi phẫu thân già. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước như ở rễ, rải rác trong biểu bì, tia tủy, tế bào bìa của túi tiết ly bào, mô mềm vỏ và mô mềm tủy; có nhiều trong mô mềm vỏ, libe 2, mô mềm tủy. Hạt tinh bột có kích thước 8-18 µm rải rác trong biểu bì, mô mềm vỏ, mô dày, libe 2, gỗ 2, mô mềm gỗ 1; có nhiều trong tia tủy, mô mềm tủy, tế bào bìa của túi tiết ly bào.
:
Gân giữa: Lồi nhiều ở cả 2 mặt, mặt trên lồi vuông, mặt dưới lồi tròn. Biểu bì trên và dưới, 1 lớp tế bào hình chữ nhật, tế bào biểu bì trên kích thước to hơn tế bào biểu bì dưới, lớp cutin mỏng, rải rác có lông che chở đơn bào; lông tiết nhiều, cấu tạo giống ở thân. Mô dày trên (4-5 lớp ở giữa chỗ lồi trên) và mô dày dưới (1-4 lớp tế bào) là mô dày góc, tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Trên biểu bì dưới có 1 lớp mô mềm, tế bào tròn hay bầu dục, chứa lục lạp. Mô mềm trên và dưới đạo, tế bào gần tròn hay hình đa giác, kích thước không đều, 2-3 lớp sát gỗ và 2-4 lớp sát libe có kích thước nhỏ hơn. Các bó libe gỗ xếp thành hình cung: Libe ở dưới, gỗ ở trên. Mạch gỗ hình tròn hay bầu dục, xếp thành dãy. Mô mềm gỗ vách cellulose, 1-2 dãy tế bào hình đa giác giữa 2 bó gỗ. 2-3 lớp tế bào libe sát gỗ có hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, các tế bào libe còn lại hình đa giác, kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước như ở rễ, có nhiều trong libe và lớp mô mềm sát biểu bì dưới, rải rác trong mô mềm trên và dưới. Túi tiết ly bào nhiều trong mô mềm trên và dưới.
Phiến lá: Biểu bì trên và dưới, 1 lớp tế bào hình chữ nhật, lớp cutin mỏng, nhiều lỗ khí, nhiều lông tiết giống ở gân giữa; đôi khi gặp vài tế bào biểu bì phình to. Mô mềm giậu, 1 lớp tế bào thuôn dài chứa nhiều lục lạp, một số tế bào mô mềm giậu phình to và chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mô mềm khuyết, tế bào có vách uốn lượn, khuyết to, chứa lục lạp. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước như ở rễ trong mô mềm giậu và mô mềm khuyết.
Cuống lá:
Vi phẫu cuống lá hình bầu dục rộng. Biểu bì, 1 lớp tế bào hình chữ nhật kích thước không đều, lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí, lông che chở đơn bào, lông tiết có 2 loại như ở thân. Mô mềm vỏ ngoài đạo, 2-3 lớp tế bào hình bầu dục, có nhiều lục lạp. Mô dày góc liên tục, 7-8 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Mô mềm vỏ trong đạo, 5-6 lớp tế bào hình đa giác, tròn hoặc bầu dục, kích thước to hơn tế bào mô dày và mô mềm vỏ ngoài. 2-3 lớp tế bào trụ bì hóa sợi hay tế bào mô cứng thành từng cụm trên đầu các bó libe gỗ. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 1 gồm các cụm bó libe gỗ xếp thành 1 vòng không liên tục. Mỗi bó gồm: Libe 1 ngay dưới cụm trụ bì, tế bào nhỏ hình đa giác, vách uốn lượn; một vài lớp libe sát gỗ hình chữ nhật và xếp xuyên tâm. Gỗ 1, mạch gỗ 1 hình đa giác hay bầu dục, kích thước không đều, thường xếp thành dãy thẳng hàng. Mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, xếp xuyên tâm, 3-4 lớp mô mềm gỗ sát libe vách tẩm chất gỗ, các tế bào còn lại vách cellulose. Giữa 2 bó gỗ 1 là 1-4 dãy tế bào mô mềm gỗ. Mô mềm ruột đạo, tế bào hình đa giác, càng vào trong các tế bào càng to dần. Giữa vi phẫu là 1 khuyết to. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai có kích thước như ở rễ, nhiều trong mô mềm vỏ ngoài; rải rác trong libe, vùng mô mềm ruột sát gỗ 1. Túi tiết ly bào nhiều trong mô mềm vỏ trong, ít trong mô mềm ruột.
Hạt:
Vi phẫu hạt hình thận. Ngoài cùng là lớp tế bào biểu bì hình hơi đa giác, rải rác có những tế bào biểu bì kích thước nhỏ, dưới những tế bào này là 4-6 tế bào mô mềm hình đa giác kích thước nhỏ xếp trên 1 hàng. Lớp tế bào mô mềm thuôn hẹp, xếp khít nhau và vuông góc với biểu bì. Lớp tế bào mô cứng hình dạng và cách sắp xếp tế bào giống như lớp tế bào mô mềm. Nội nhũ gồm những tế bào hình bầu dục hay hơi đa giác vách dày, các tế bào bên trong vách mỏng hơn, xếp chừa những đạo nhỏ. Giữa vi phẫu là phôi.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá: Bột hơi mịn, màu xanh.Thành phần: Mảnh mô mềm, lông che chở đơn bào, mảnh biểu bì (nhìn ngang) mang lỗ khí kiểu dị bào hay hỗn bào, mảnh mô mềm giậu (nhìn từ trên xuống), lông che chở đa bào hình sao, lông tiết, mảnh mạch xoắn.
Bột rễ: Bột hơi mịn, màu nâu nhạt. Thành phần:Sợi, mảnh mạch điểm, tinh thể calci oxalat hình cầu gai thước từ 12,5-25 µm, mảnh mô mềm chứa tinh bột, mảnh bần, hạt tinh bột kích thước to và nhỏ.
Bột Hạt: Bột mịn, màu trắng đục, có chấm đen. Mảnh vỏ hạt, mảnh nội nhũ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở nước ta cây mọc rải rác từ vùng núi thấp (thường dưới 1000 m) đến trung du và đôi khi thấy ở cả đồng bằng. Vông vang là loại cây ưa sáng, có thể hơi chịu hạn, thường mọc lẫn với các loại cây cỏ thấp ở nương rẫy, ven đồi, bãi hoang hay ven đường đi. Cây con mọc từ hạt thường vào tháng 4-5; sinh trưởng nhanh trong mùa hè, đến cuối mùa thu thì có hoa quả. Quả Vông vang già tự mở cho hạt phát tán ra xung quanh, sau đó toàn cây tàn lụi. Cá biệt có những cây sống nơi đất ẩm chỉ tàn lụi một phần (cành lá), phần thân cành còn lại sẽ mọc chồi vào mùa xuân năm sau.

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá, hoa – Radix, Folium et Flos Abelmoschi moschati. Rễ, lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Hạt cũng dùng được. Hạt lấy ở những quả già phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Hạt Vông vang chứa tinh dầu gồm ambretolic ((Z)-7-hexadecen-16-olid), acid ambretolic, farnesol, acid 12,13-epoxyoleic, acid malvalic, acid sterculic, các acid C10, C18 (acid oleic, acid palmitic, các acid C10, C12, C14, C16, C18). Đã chiết xuất từ hạt Vông vang, trong đó có (Z)-5-tetradecen-14-olid, (Z)-5-dodecenyl acetat và (Z)-5-tetradecenyl acetat với các hiệu suất theo thứ tự 0,5, 0,01 và 0,4%. Vỏ hạt có 2-trans, 6-trans-farnesyl acetat, 2-cis, 6-trans-farnesyl acetat và oxacyclononodec-10-2-on (chất đồng đẳng của ambretolid). Chất có mùi xạ chủ yếu là do ambretolid và (Z)-5-tetradecen-14-olid. (Albert Y. Leung và cs, 1996).
Hạt còn chứa các chất khác như methionin sulfoxyd, phospholipid (alpha-cephalin, phosphatidylserin, phosphatidylcholin plasmalogen) và sterol (campesterol, sitosterol, stigmasterol, ergosterol và cholesterol. Dầu hạt còn có acid palmitic, acid myristic. Hạt còn có các acid béo mạch dài. Các acid béo nói trên nếu đã được tinh chế sẽ tạo mùi xạ của ambretolid, hiệu suất từ 0,2-0,6% (Albert Y.Leung và cs, 1996).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Lá Vông vang được dùng chữa táo bón, thủy thũng, tán ung độc, thúc đẻ.
Rễ Vông vang chữa nhức mỏi chân tay, các khớp sưng nóng đỏ đau co quắp, mụn nhọt, viêm dạ dày hành tá tràng.
Hạt chữa đái buốt, đái dắt, sỏi thận, sỏi bàng quang, đại tiểu tiện bí kết, làm dễ đẻ và bôi mụn lở; giã giập hạt thêm nước uống hoặc sắc uống. Hạt còn được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa di tinh. Hoa dùng trị bỏng lửa, cháy.