Loài E. ciliata (Thunb.) Hyland (Cây Kinh Giới)

Tên
Tên khác: 

Khương giới, Giả tô, Nhả nát hom (Thái), Phjăc hom khao (Tày) Kinh giới rìa, Bán biên tô, Tiểu kinh giới, Bài hương thảo.

Tên khoa học: 

Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

Tên đồng nghĩa: 

E. cristata Willd.; Sideritis ciliata Thunb.; Hyssopus ocymifolius Lamk.; Mentha pattrini Lepech.; Perilla polystachya D. Don.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae).

Tên nước ngoài: 

Sweet marjoram (Anh).

Mẫu thu hái tại: 

Lạc Sơn, tỉnh Lâm Đồng ngày 20 tháng 05 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

KG 200510; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cỏ đứng, cao 0,5-1 m, toàn cây có lông màu trắng, có mùi rất thơm. Thân non màu xanh, tiết diện vuông hơi khuyết ở bốn cạnh; thân già màu nâu tía có bốn góc lồi tròn dọc thân. đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá màu xanh đậm hơn ở mặt trên, hình trứng đỉnh nhọn, gốc hình nêm men một phần dọc theo hai bên cuống lá, kích thước 3-7 x 2,5-5 cm, bìa răng cưa nhọn không đều ở 2/3 phía trên, mặt dưới nhiều chấm nhỏ (lông tiết); gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 4-7 cặp gân phụ hơi cong ở ngọn. Cuống lá hình trụ hơi phẳng ở mặt trên, gốc cuống lồi thành u nhỏ, mặt trên có lông rậm màu trắng ở giữa, dài 2,5-4 cm. Cụm hoa xim co tạo thành gié giả dài 5-12 cm ở ngọn cành, tạt về một phía dày đặc hoa. 1-2 xim co ở nách lá bắc, mỗi xim 3-5 hoa. Lá bắc màu xanh hay xanh tím nhiều gân nổi, hình thoi rộng mũi nhọn, nhiều lông ở mặt ngoài, kích thước 3-5 x 6-7 mm. Cuống hoa màu xanh rất ngắn hoặc gần như không có. Lá đài 5, màu xanh, gần đều, dính nhau thành một ống hình chuông dài khoảng 1,5 mm, trên chia 5 phiến tam giác nhọn khoảng 1 x 0,5 mm, mặt ngoài đầy lông tơ trắng, nhiều hơn ở rìa; tiền khai van. Cánh hoa 5, màu trắng hay tím nhạt đậm dần phía trên, mặt ngoài phủ đầy lông dài màu trắng và có nhiều điểm tuyến màu vàng, dính nhau ở dưới thành ống hơi thắt ở gần đáy, dài khoảng 2-3 mm, trên chia môi 2/3: môi trên xẻ cạn làm 2 thùy giống nhau, hình hơi tròn, kích thước nhỏ, khoảng 0,5 x 0,5 mm; môi dưới chia 3 thùy không đều, hai thùy bên giống nhau hình cung to hơn thùy môi trên, thùy giữa to nhất hơi khum hình gần tròn, rìa hơi lượn, kích thước khoảng 1,5 x 1,5 mm; tiền khai lợp. Nhị 4, kiểu 2 trội, chỉ nhị dạng sợi mảnh màu trắng hay tím nhạt, nhẵn, đính khoảng giữa ống tràng xen kẽ với cánh hoa, nhị trước dài khoảng 0,6-0,7 cm, nhị sau dài 0,3-0,4 cm; bao phấn màu đỏ tím, 2 buồng xếp thành hình số 8 dọc, nứt dọc, hướng trong, đính giữa, chung đới dạng đòn cân ở mặt ngoài; hạt phấn rời màu trắng sữa, hình bầu dục có rãnh, mặt ngoài có nhiều vân, kích thước 37,5-45 x 30-32,5 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên hình cầu 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô rời, mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy màu trắng trong mờ, nhẵn, dạng sợi đính ở đáy bầu giữa các ô, dài 0,7-0,8 cm, tận cùng hai nhánh đầu nhụy màu hơi tím nhạt dài khoảng 1 mm choãi ra hướng trước sau; đĩa mật ở gốc bầu dạng 4 gờ nạc. Quả bế 4, hình bầu dục có cạnh, màu nâu, dài khoảng 0,5 mm, rốn hẹp ở đáy, mang trong đài tồn tại khô xác màu nâu.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu hình vuông lõm ở bốn cạnh. Các mô gồm: Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác gần tròn kích thước nhỏ, gần đều, lớp cutin mỏng hơi răng cưa. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông tiết đa bào, lông che chở đa bào. Lông tiết ngắn với đầu hình tròn hay hõm ở giữa gồm 1, 2 hoặc 4 tế bào. Lông che chở đa bào kích thước to, phía trên là một dãy 4-5 tế bào, phía dưới cùng mức hoặc hơi cao hơn mức biểu bì gồm một vài tế bào. Mô dày góc 1-5 lớp tế bào đa giác hay gần tròn, kích thước không đều lớn hơn tế bào biểu bì, tập trung nhiều ở 4 góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết 2-4 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang hay gần tròn, to, không đều, thường bị ép dẹp. Ở thân già tầng bì sinh xuất hiện trong lớp mô mềm vỏ sinh bần ở ngoài lục bì ở trong, tế bào hình chữ nhật vách hơi lượn xếp xuyên tâm. Nội bì khung Caspary. Trụ bì ít tế bào hóa mô cứng nằm rải rác thường có trên các đám libe gỗ. Libe 1 ít, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách uốn lượn xếp lộn xộn. Libe 2 tế bào hình chữ nhật vách lượn xếp xuyên tâm với tế bào gỗ 2. Gỗ 2 nhiều; mạch gỗ 2 hình đa giác hay gần tròn, kích thước lớn không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 bao quanh mạch, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 thành cụm nằm dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 15-20 bó, cụm ở cạnh thường 1-3 bó, mỗi bó 3-5 mạch. Mô mềm gỗ 1 tế bào hình đa giác, vách tẩm cellulose hoặc tẩm chất gỗ. Tia tủy hẹp 1-3 dãy tế bào và nhiều ở bốn cạnh tạo các khoảng gian bó, gồm nhiều dãy tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy đạo, tế bào kích thước lớn, không đều, hình gần tròn đôi khi có vài tế bào hình đa giác dẹp xếp khít nhau. Tinh bột nhiều ở mô mềm vỏ, nội bì, tia tủy, libe và mô mềm quanh vùng tủy. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.
:
Cuống lá:
Mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi, hai bên có tai. Tế bào biểu bì hình tròn hay đa giác, kích thước nhỏ, không đều, lớp cutin mỏng hơi răng cưa. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông che chở nhiều hơn ở mặt trên và lông tiết đa bào giống ở thân. Mô dày góc 3-5 lớp dưới biểu bì trên, 1-3 lớp trên biểu bì dưới, thường bị gián đoạn bởi mô mềm khuyết có lục lạp ở hai bên eo phía dưới tai, tế bào đa giác hoặc gần tròn, kích thước lớn không đều, đôi khi bị tách lớp. Mô mềm đạo tế bào tròn hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn với gỗ ở trên libe ở dưới, xếp thành hình cung ở giữa và 2-4 bó nhỏ hơn ở 2 bên phía trên và 2 tai. Ở bó chính, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác xếp thành 15-22 dãy, mỗi dãy có 1-6 mạch không đều, xen kẽ với mô mềm gồm 1-4 dãy tế bào hình chữ nhật hay đa giác vách cellulose; libe tế bào hình đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Mô mềm vách dày cellulose 2-4 lớp tế bào đa giác nhỏ, không đều, bao bên ngoài cung libe gỗ. Tinh bột nằm rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo dưới vùng libe; hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp.
Gân giữa:
Mặt trên hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều và uốn lượn không đều. Biểu bì có thể bong tróc khỏi mô dày, tế bào hình tròn hay đa giác, kích thước nhỏ, không đều, gần giống nhau ở hai mặt, lớp cutin mỏng hơi có răng cưa cạn tách khỏi lớp biểu bì dưới. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí, lông che chở đa bào và lông tiết đa bào giống ở thân. Lông che chở đa bào nhiều ở mặt trên, rải rác ở mặt dưới. Mô dày góc 1-5 lớp dưới biểu bì trên, 1-2 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình tròn hay đa giác, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì, không đều, thường bị tách tạo khuyết. Mô mềm đạo tế bào tròn hay đa giác gần tròn, to, không đều. Mô dẫn với gỗ ở trên libe ở dưới xếp hình cung ở giữa và 1-3 bó nhỏ hơn ở 2 bên phía trên bó chính. Ở bó chính, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn xếp thành 15-20 dãy, mỗi dãy có 1-6 mạch không đều, xen kẽ với 1-3 dãy mô mềm tế bào đa giác vách cellulose; libe ít, tế bào nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm; bao bên ngoài cung libe gỗ có 2-4 lớp tế bào mô mềm hình đa giác, không đều, xếp khít nhau. Tinh bột rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo.
Phiến lá:
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc đa giác dài, kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới nhỏ hơn biểu bì trên. Cả hai biểu bì rải rác có lông tiết đa bào giống ở thân, lông che chở đa bào thường có ở vùng gân phụ, lỗ khí nhiều hơn ở mặt dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu một lớp tế bào hình chữ nhật, 2-4 tế bào xếp thẳng góc dưới mỗi tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết nối từ mô mềm giậu đến biểu bì dưới, gồm 4-6 lớp tế bào đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, chứa lục lạp, xếp chừa khuyết to không đều. Nhiều bó gân phụ gỗ ở trên libe ở dưới rải rác trong thịt lá.
Rễ:
Vi phẫu hình gần tròn. Các mô gồm: Bần, lục bì, mô mềm vỏ khuyết tế bào hình bầu dục, không đều, vách đang phân chia rõ, bong tróc. Tầng bì sinh thường xuất hiện trong mô mềm vỏ hoặc ngay sát ngoài nội bì sinh bần ở ngoài nhu bì ở trong. Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách hơi lượn, xếp xuyên tâm. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách lượn xếp xuyên tâm với bần, bị ép dẹp. Nội bì khung Caspary. Trụ bì 1-2 lớp tế bào dưới nội bì, ép dẹp, vách cellulose. Libe 2 tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp xuyên tâm. Gỗ 2 nhiều, mạch gỗ 2 hình đa giác hoặc gần tròn, không đều; mô mềm gỗ 2 vách dày tẩm chất gỗ, một số tẩm cellulose. Gỗ 1 không phân biệt được. Tia tủy 2-4 dãy tế bào hình đa giác. Mô mềm tủy tế bào đa giác kích thước lớn hơn tế bào mô mềm gỗ 2, vách hóa mô cứng.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có màu xanh nâu, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì tế bào vách uốn lượn có lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh gân lá tế bào đa giác dài, đính lông tiết. Lông tiết đa bào. Mảnh mô mềm. Mảnh mô dày. Mảnh mạch. Lông che chở bị gãy. Hạt phấn hình gần bầu dục có rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh cánh hoa. Mảnh mô mềm giậu.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Kinh giới được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía bắc và một số ít tỉnh phía nam như Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh,...
Kinh giới thuộc loại cây sống một năm, ưa sáng và ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thích nghi với đất phù sa và đất thịt. Mùa hoa tháng 7-10, mùa quả tháng 10-12.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất (Herba Elsholtziae ciliatae) đã được phơi sấy nhẹ đến khô. Dùng dạng thuốc sắc hoặc tán bột hoặc có thể dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Kinh giới chứa tinh dầu 2% (tính theo dược liệu khô), flavonoid và một số thành phần khác.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Kinh giới có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ẩm, vào 2 kinh: phế và can, có tác dụng làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, tán hàn, khu phong, chỉ ngứa, tàn ứ, phá kết. Sao đen thì chỉ huyết. Kinh giới được dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau xương, đau mình, viêm họng, nôn mửa, sởi, lở ngứa, mụn nhọt; sao đen chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu. Còn dùng chữa phụ nữ sau khi sinh bị trúng phong, hàm răng cắn chặt chân tay cứng đờ.