Loài C. indicum L. (Cây Cúc Hoa Vàng)

Tên
Tên khác: 

Kim cúc, Hoàng cúc, Dã cúc, Cam cúc, Cúc vàng nhỏ, Khổ ý, Bioóc kim (Tày).

Tên khoa học: 

Chrysanthemum indicum L.

Tên đồng nghĩa: 

C. procumbens Lour., C. sabinii Lindl., Matricaria indica (L.) Desr., Pyrethrum indicum (L.) Cass., Tanacetum indicum (L.) Sch.-Bip. Dendranthema indicum (L.) Des Moul.

Họ: 

Cúc (Asteraceae)

Tên nước ngoài: 

Indian chrysanthemum (Anh), chrysanthème d’automne (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 26 tháng 04 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

CHV260410; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cỏ đứng, cao 20-100 cm, phân nhánh, tiết diện tròn, màu xanh ở thân non, thân già màu nâu tía và có u sần, lông ngắn nằm áp thân. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá hình trứng, đỉnh nhọn, kích thước 4-6 x 3-5 cm, xẻ lông chim, màu xanh, nhạt hơn ở mặt dưới, ít lông ngắn. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 3-6 cặp gân phụ. Cuống lá 1,5-2,5 cm, hình lòng máng, gốc cuống hơi phình ra ôm thân, mỗi bên gốc cuống mang 1-3 phiến tam giác màu xanh dạng lá. Cụm hoa đầu cô độc ở nách lá hay ngọn cành, các đầu ở gần ngọn thường họp thành dạng ngù. Đầu hình cầu, đường kính 1-1,5 cm, trên một cuống dài 1,5-7 cm. Tổng bao lá bắc gồm 4-5 hàng lá bắc xếp kết lợp, vòng trong kích thước lớn hơn vòng ngoài, lá bắc hình trứng, màu xanh, rìa mỏng, kích thước 2-5 x 1,5-3 mm, mặt ngoài có lông. Đế cụm hoa hình nón 2-2,5 x 2-2,5 mm, nạc, màu xanh, lấm tấm các lỗ cạn. Đầu có hai loại hoa: hoa cái hình lưỡi 18-25 hoa xếp một vòng ở ngoài; hoa lưỡng tính hình ống rất nhiều ở trong. Hoa hình lưỡi màu vàng; đài tiêu giảm dạng vòng gờ nhỏ màu trắng ở đỉnh bầu; tràng hoa dính thành một ống dài 1-2 mm, trên là phiến hình trứng ngược dài 5-7 mm, rộng 2-3 mm, nguyên hoặc xẻ rất cạn làm 2-3 răng, có 3 dải nổi ở mặt trên, mặt ngoài tràng hoa có lông tiết màu vàng rất nhỏ, tiền khai van. Bộ nhụy: 2 lá noãn vị trí trước sau, bầu dưới 1 ô hình trụ thu hẹp ở gốc, hơi nghiêng tạo góc với tràng hoa, dài 1 mm, 1 noãn đính đáy; vòi nhụy hình trụ, dài khoảng 3-4 mm, màu vàng nhạt, tận cùng là 2 nhánh đầu nhụy ngắn. Hoa hình ống màu vàng; đài hoa giống hoa hình lưỡi; tràng hoa dính thành ống dài 3-5 mm, loe dần, trên chia thành 5 phiến đều hình bầu dục đỉnh nhọn, có lông tiết rất nhỏ, tiền khai van; nhị 5, chỉ nhị màu vàng nhạt, rời, hình sợi dài 1,5-2,5 mm, đính trên ống tràng xen kẽ với cánh hoa, bao phấn màu vàng, dạng mũi tên, 2 ô nứt dọc, dính nhau thành ống dài khoảng 1-2 mm bao lấy vòi nhụy, hạt phấn hình cầu gai, màu vàng đậm, đường kính 25-30 µm; bầu giống hoa cái, vòi nhụy hình trụ dài khoảng 3-5 mm, màu vàng nhạt ở gốc đậm ở trên, tận cùng chia hai nhánh đầu nhụy ngắn. Quả bế dài khoảng 1 mm, vỏ quả mỏng, 1 hạt, không nội nhũ.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Hoa hình lưỡi

Hoa hình ống

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu hình gần tròn. Các mô gồm: Tế bào biểu bì hình chữ nhật hay tròn kích thước không đều, rải rác có lông che chở đa bào bị gãy và lông tiết đa bào ngắn có đầu hình nấm, lớp cutin răng cưa mỏng, lỗ khí rải rác. Ở thân già, tầng bì sinh ngay dưới lớp biểu bì hoặc hiếm khi có vài chỗ trong phần mô dày sinh bần ở ngoài, lục bì bên trong, tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô dày góc không liên tục ở dưới biểu bì gồm 2-5 lớp tế bào đa giác không đều. Mô mềm khuyết, tế bào hình đa giác hoặc gần tròn kích thước không đều. Tế bào tiết tinh dầu nằm rải rác trong mô mềm vỏ, đôi khi ở nội bì; túi tiết ly bào ngay sát vòng nội bì. Nội bì khung Caspary, có tinh bột rải rác. Trụ bì hóa mô cứng thành từng cụm trên libe 1, tế bào đa giác thấy ống trao đổi rõ. Libe gỗ không liên tục. Libe 1 gồm 3-5 lớp tế bào vách hơi uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2 ít hơn gỗ 2, tế bào hình chữ nhật vách uốn lượn xếp xuyên tâm. Rải rác trong vùng libe có tế bào hóa mô cứng. Mạch gỗ 2 nhiều, hình đa giác, kích thước to nhỏ không đều, phân bố không liên tục; mô mềm gỗ 2 hình đa giác hoặc chữ nhật, kích thước nhỏ, vách dày tẩm chất gỗ. Gỗ 1 tập trung thành nhiều cụm, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn, mô mềm quanh gỗ 1 gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác, vách cellulose. Tia tủy gồm nhiều dãy tế bào hình chữ nhật dài. Khoảng gian bó tế bào có vách tẩm chất gỗ ở vùng dưới tượng tầng làm cho vùng gỗ thành một vòng liên tục. Mô mềm tủy đạo gồm nhiều tế bào hình tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều, vách có nhiều lỗ, hóa gỗ ở vùng gần gỗ.

Cuống lá
Cong lồi ở mặt dưới, mặt trên phẳng hoặc hơi lõm có cánh ở hai bên. Biểu bì tế bào hình vuông hay chữ nhật không đều, cutin răng cưa mỏng. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở gồm 3-5 tế bào xếp thành dãy bên trên là 1 tế bào to hình thuyền nằm ngang đính ở giữa. Lông tiết có chân ngắn, đầu một tế bào hình nấm hoặc lõm ở giữa. Mô dày góc 1-3 lớp dưới biểu bì trên và 1-2 lớp trên biểu bì dưới ở đoạn giữa, tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Sát biểu bì dưới ở hai bên là mô mềm khuyết chứa lục lạp. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô dẫn gồm một bó dẫn chính lớn ở giữa và 1-4 bó dẫn phụ nhỏ hơn ở 2 bên phía trên. Các bó dẫn có gỗ ở trên, libe ở dưới. Libe gồm nhiều tế bào đa giác nhỏ, sắp xếp lộn xộn thành từng đám xen kẽ với các tế bào mô mềm đa giác vách dày cellulose. Mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn, to nhỏ khác nhau, xếp thành 12-18 dãy xen kẽ với 1-2 dãy tế bào mô mềm. Bao quanh bó libe gỗ là mô dày góc tế bào hình đa giác kích thước nhỏ. Cạnh các bó libe gỗ thường có túi tiết ly bào.
Gân giữa:
Mặt trên hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì trên tế bào hình chữ nhật hoặc gần tròn, kích thước không đều, cutin răng cưa cạn, lỗ khí rải rác, có lông che chở và lông tiết đa bào giống ở cuống lá. Biểu bì dưới tế bào có kích thước nhỏ hơn hay gần bằng biểu bì trên. Mô dày góc 1-3 lớp tế bào hình đa giác kích thước không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn dưới. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô dẫn xếp thành hình cung ở giữa với 1-3 bó nhỏ hơn ở 2 bên phía trên bó dẫn chính. Libe gồm nhiều tế bào nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn thành từng đám không liên tục xen kẽ với mô mềm. Mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn xếp thành 12-18 dãy, xen kẽ với 1-2 dãy mô mềm vách cellulose. Mô dày góc gồm 3-5 lớp tế bào dưới libe, trên gỗ là mô mềm đặc gồm 2-3 lớp tế bào, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ. Túi tiết ly bào thường ở cạnh bó libe gỗ.
Phiến lá:
Biểu bì trên tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều. Biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn biểu bì trên. Ở cả hai biểu bì có lỗ khí, lông che chở, lông tiết thường có ở biểu bì dưới. Lông che chở và lông tiết giống ở cuống lá. Mô mềm giậu hơi ăn sâu vào gân giữa, 1 lớp tế bào hình chữ nhật, 1-3 tế bào dưới mỗi tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết gồm 3-6 lớp tế bào đa giác, kích thước gần đều, chứa lục lạp, xếp chừa những khuyết to. Bó gân phụ nằm rải rác gồm gỗ ở trên, libe ở dưới. Cạnh bó gân phụ thường có túi tiết ly bào.
Rễ:
Vi phẫu hình tròn. Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật vách hơi lượn xếp xuyên tâm, thường bong tróc. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách cellulose hơi lượn, ép dẹp, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ khuyết 6-10 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang, lớn, không đều, nhiều tế bào cho thấy vách ngăn phân chia, xếp tạo khuyết vừa. Nội bì khung Caspary. Ống tiết ly bào rải rác ngay sát ngoài nội bì. Libe 1 gồm 4-5 cụm, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, không đều, xếp lộn xộn, ép dẹp. Có 4-5 cụm mô cứng phía ngoài libe 2 vị trí libe 2 bị khuyết vào gỗ. Libe 2 tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách mỏng, ép dẹp xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ 2 rất nhiều, hình tròn hoặc bầu dục, kích thước to nhỏ không đều, xếp đều khắp vùng gỗ; mô mềm gỗ 2 hình đa giác kích thước nhỏ, vách tẩm chất gỗ. Gỗ 1 gồm 4-5 bó tập trung ở tâm dưới chân các tia tủy, mỗi bó 2-3 mạch hình tròn hoặc đa giác; cạnh các bó gỗ 1 có một số tế bào mô mềm hình đa giác, vách cellulose mỏng hơi ép dẹp. Tia tủy 2-4 dãy tế bào hình đa giác kích thước nhỏ xếp theo hướng xuyên tâm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hoa màu vàng nâu, mùi thơm, vị hơi đắng. Thành phần gồm: Mảnh cánh hoa màu vàng, tế bào đa giác dài, vách mỏng, hơi nhăn nheo. Mảnh chỉ nhị tế bào hình chữ nhật hay đa giác. Mảnh bao phấn tế bào đa giác hẹp và dài, vách có răng. Mảnh đầu nhụy nạc có nhiều tế bào dài nhô ra ở đầu. Mảnh mô mềm noãn tế bào đa giác nhỏ. Hạt phấn hoa hình cầu màu vàng, có gai. Lông che chở bị gãy. Mảnh lá bắc tế bào vách mỏng và tế bào vách dày hơi lượn, có lỗ khí.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Cúc hoa vàng có nhiều ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh khác ở phía bắc. Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng với mục đích sản xuất dược liệu. Cây ra hoa nhiều hàng năm, hiếm có hạt. Mùa hoa quả: tháng 10-3.

Bộ phận dùng: 

Cụm hoa (Flos Chysanthemi indici). Hoa được thu hái vào đầu tháng 10 đến tháng 1-2 năm sau.

Thành phần hóa học: 

Cúc hoa vàng chứa: carotenoid (chrysanthemoxanthin), tinh dầu, sesquiterpen, flavonoid, acid amin, indicumenon, β-sitosterol, α-amyrin, β-amyrin, friedelin, sesamin, vitamin A. Hạt chứa 15,80% dầu béo.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng tán phong thấp, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt. Hoa được dùng chữa các chứng cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Ngoài ra còn có tác dụng về nội tiết giúp trẻ lâu, còn dùng để ướp chè hay ngâm rượu uống, dùng ngoài rửa đắp mụn nhọt.