Loài Glinus oppositifolius (L.) DC. (Cây Rau đắng đất)

Tên
Tên khác: 

Rau đắng lá vòng.

Tên khoa học: 

Glinus oppositifolius (L.) DC.

Tên đồng nghĩa: 

Mollugo oppositifolia L.

Họ: 

Rau đắng đất (Aizoaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Tiền Giang, ngày 25/05/2007.

Số hiệu mẫu: 

RDD0507

Thân cỏ, sống lâu năm, mọc bò lan. Thân có nhiều lông, tiết diện tròn, thân non màu xanh, thân già cứng, màu nâu đỏ, mấu phình to và màu nâu đỏ. Cây có vị rất đắng. Lá đơn, mọc vòng 3-5 lá không đều nhau, lá lớn nhất dài 1,2-1,6 cm, rộng 0,4-0,6 cm, lá nhỏ nhất dài 0,4-0,5 cm, rộng 0,15-0,2 cm. Lá hình thon ngược, mũi có răng nhọn, gốc hình chót buồm, mép lá có răng cưa thưa và cạn, có đường viền nâu đỏ, mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, có vị rất đắng, có lông. Cuống lá ngắn 0,2-0,3 cm, màu nâu đỏ, không lông. 1 gân chính, gân phụ không rõ. Cụm hoa: chụm 3-7 hoa ở nách lá. Hoa lưỡng tính, mẫu 5, vô cánh. Cuống hoa hình sợi, màu xanh, có lông, dài 0,9-1,2 cm. Lá đài 5, đều, hình thuyền, 3 gân, lông ở mép, kích thước 4 x 1 mm, tiền khai năm. Nhị 5, đều, đính xen kẽ lá đài, chỉ nhị dạng sợi, màu trắng, dài 2 mm. Bao phấn 2 ô, rời, xếp song song cạnh nhau, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, màu trắng, hình bầu dục hay hình tròn, kích thước 2,5 m. Lá noãn 3, dính nhau, bầu trên 3 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy 3, ngắn, màu vàng nhạt. Quả nang, 3 ô. Hạt nhỏ, nhiều, hình thận, màu nâu đỏ, vách có u lồi, có phụ bộ ở tễ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Tiết diện gần tròn. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, kích thước không đều. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Mô mềm vỏ gồm 3 lớp tế bào hình bầu dục, không đều nhau, sắp xếp lộn xộn chừa những khuyết nhỏ. Trụ bì gồm 2-3 lớp tế bào hình đa giác, không đều, hóa mô cứng tạo thành vòng liên tục. Các bó libe gỗ tạo thành vòng liên tục. Tia tuỷ hẹp, 1-2 dải tế bào. Libe 1 tập trung thành từng đám. Mạch gỗ 2 phân bố đều. Mô mềm tủy to, hình bầu dục hay hình tròn, sắp xếp chừa những khuyết nhỏ.
: Gân giữa: mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Tế bào biểu bì hình đa giác, kích thước không đều, biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Libe và gỗ tạo thành vòng cung, gỗ ở trên libe ở dưới. Gỗ phân hóa ly tâm. Các tế bào libe nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn, tập trung thành từng đám úp trên đầu gỗ 1. Phiến lá: Tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới kích thước bằng nhau, trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Mô mềm đạo gồm 2 dạng: 1 lớp tế bào hình chữ nhật dài, kế tiếp là các tế bào mô mềm hình đa giác không đều. Trong mô mềm có nhiều hạt tinh bột. Nhiều bó gân phụ bị cắt ngang, cấu tạo tương tự như bó mạch gân giữa nhưng số lượng bó libe gỗ ít hơn và một số bó mạch bị cắt xéo.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Thân: Mảnh trụ bì hóa mô cứng. Mảnh biểu bì hình đa giác, có lỗ khí kiểu hỗn bào và lớp cutin. Mảnh biểu bì hình chữ nhật, xếp khít nhau, có lỗ khí. Lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm hình đa giác. Mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn.
: Mảnh biểu bì vách uốn lượn nhiều, có lỗ khí kiểu hỗn bào. Mảnh tế bào mô mềm hình chữ nhật dài. Mảnh biểu bì có lớp cutin răng cưa. Mảnh mô mềm chứa tinh bột. Lông che chở đa bào. Hạt tinh bột hình tròn hay hình bầu dục, tập trung thành từng đám, đường kính khoảng 2,5-3,75 m. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn.
Hoa và quả: Mảnh biểu bì dưới của lá đài, vách tế bào uốn lượn nhiều. Mảnh biểu bì trên của lá đài, vách hơi uốn lượn. Mảnh bao phấn. Hạt phấn hình tròn hay bầu dục, kích thước 25 m. Mảnh hạt và hạt hình thận, màu nâu đỏ, vách có u lồi, có phụ bộ ở tễ. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn. Mảnh biểu bì cuống hoa hình chữ nhật, có lỗ khí.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Glinus L. gồm một số loài đều là thân cỏ, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 3 loài. Rau đắng đất phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, Rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển, từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước về mùa khô, đôi khi thấy cả ở quanh làng, ven đường đi. Do khả năng phân nhánh khỏe, nên cây thường mọc thành đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Glini oppositifolii)

Thành phần hóa học: 

Rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Từ lá các tác giả đã phân lập được spergulagenin A là một saponin triterpen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rau đắng đất có tác dụng kiện vị, sát trùng, nhuận tràng. Toàn cây Rau đắng có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt. Trong nhân gian, Rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da. Liều dùng mỗi ngày 20-30g, sắc nước uống. Ở Ấn Độ, toàn cây Rau đắng đất được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng và điều trị ứ sản dịch. Cây giã nát trộn với dầu castor đắp nóng chữa đau tai, dịch chiết từ Rau đắng đất trị ngứa và bệnh ngoài da.