Loài Leonurus japonicus (Cây Ích mẫu)

Tên
Tên khác: 

Sung úy, Chói đèn.

Tên khoa học: 

Leonurus japonicus Houtt.

Tên đồng nghĩa: 

Stachys artemisia Lour., Leonurus artemisia (Lour.) S. Y. Hu, Leonurus heterophyllus Sweet., Leonurus sibiricus auct. non L.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Motherwort.

Mẫu thu hái tại: 

Bắc Giangvà thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05/2007.

Số hiệu mẫu: 

IMB0507 và IMH0507

Thân cỏ đứng, tiết diện vuông, màu xanh lục, đường kính 2-5 mm ít khi đến 8 mm, nhiều lông mịn màu trắng; mỗi cạnh có một rãnh dọc và hai ba gân dọc không rõ; ở giữa trắng xốp ở thân non và có thể rỗng ở thân già. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Các lá ở gốc thân có cuống dài, phiến chẻ theo hình chân vịt. Các lá gần ngọn xẻ thành 3 thùy hẹp và dài, mỗi thùy có thể lại xẻ thành 3 thùy nhỏ, bìa có răng cưa hay hình dãy hẹp, không cuống. Phiến lá có nhiều lông ngắn mịn màu trắng ở cả hai mặt. Gân lá hình chân vịt với 3 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 2-4 cm, không phân biệt rõ vì phiến lá kéo dài xuống tạo thành 2 phần hẹp ở hai bên cuống. Cụm hoa là xim co từ 8-12 hoa ở nách những lá phía ngọn, 2 xim mọc đối tạo thành vòng giả ở mỗi mấu. Hoa nhỏ, không đều, lưỡng tính, mẫu 5, không cuống. Lá bắc dạng hình kim, dài 4-7 mm, màu vàng lục, có nhiều lông trắng; các lá bắc tập trung phía dưới cụm hoa. Đài cao 5-6 mm, có nhiều lông mịn ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong, tồn tại xung quanh 4 quả bế. Lá đài 5, dính nhau bên dưới thành một ống hình chuông cao 3-4 mm và rộng 2-3 mm, 5 gân dọc nổi rõ, phía trên chia thành 5 thùy nhọn như gai tương ứng với 5 gân dọc, tiền khai van; các thùy không bằng nhau tạo thành hai môi kiểu 3/2, 3 thùy của môi trên gần đều nhau và ngắn hơn 2 thùy của môi dưới. Tràng cao 8-10 mm, có nhiều lông nhung ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong. Cánh hoa 5, màu hồng tím khi tươi và nâu nhạt lúc khô, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp ở phần dưới và loe rộng ở phần trên, bên trên chia thành 5 thùy không đều tạo thành hai môi kiểu 2/3; môi trên có 2 thùy nhưng dính nhau hoàn toàn thành một phiến đứng dạng mũ; môi dưới gồm 3 thùy xòe ra, không đều, thùy giữa có nhiều gân màu nâu đậm, to và dài hơn 2 thùy bên, đầu tròn hay chia 2 thùy rất cạn. Nhị 4, không đều, 2 nhị dài ở phía trước và đính ở mức thấp, 2 nhị ngắn ở phía sau và đính ở mức trên (bộ nhị kiểu hai trội), đính trên ống tràng ở gần đáy và hướng lên phía môi trên của tràng. Chỉ nhị dài 2-3 mm, màu nâu nhạt, có nhiều lông trắng mịn. Bao phấn hình trứng, màu vàng nâu, gồm 2 ô xếp song song, hướng trong, nứt dọc; chỉ nhị gắn vào giữa 2 ô phấn. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, vị trí xích đạo dạng hình bầu dục hai đầu thuôn và có rãnh dọc, vị trí cực dạng hình cầu thường có 5 đường dọc theo trục và chia hạt phấn thành 5 múi. Lá noãn 2, dính nhau thành bầu 2 ô nhưng có một vách giả xuất hiện sớm ngăn bầu thành 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn đáy. Bầu trên, xẻ sâu đến đáy thành 4 thùy. Vòi nhụy 1, dạng sợi, nhẵn, đính ở đáy bầu. Đầu nhụy 2, đều nhau, dạng sợi. Quả là 4 quả hạch con được bao bởi đài tồn tại, họng đài vẫn mở; mỗi quả hạch con có 3 góc, dài khoảng 2 mm, đỉnh cắt cụt, màu nâu đậm, rốn quả hẹp và ở đáy, vỏ quả mỏng, cứng và khô.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Vi phẫu thân non hình vuông, lồi ở 4 góc, [inline:=thân già] ít lồi hơn. Các mô gồm:
- Biểu bì với lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở thường tập trung nhiều ở các góc lồi, đầu nhọn, vách dày lấm tấm, gồm 3, ít khi 2 hoặc 4 tế bào; tế bào ở ngọn lông luôn luôn dài hơn các tế bào phía dưới. Lông tiết rải rác khắp biểu bì, chân ngắn 1 tế bào, đầu tròn 1 hoặc 2 tế bào; đôi khi có dạng chân dài gồm 2 tế bào không đều, tế bào trên rất ngắn so với tế bào dưới.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, rất phát triển ở 4 góc lồi của thân gồm 6-9 lớp tế bào vách rất dày; ở cạnh thì chỉ có 1-3 lớp tế bào vách dày ít hơn.
- Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào hình bầu dục xếp ngang, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Nội bì khung Caspary rất rõ.
- Trụ bì gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác, không đều, xếp khít nhau, hóa mô cứng rải rác, vách mỏng đến dày.
- Libe ít, tạo thành vòng bao quanh gỗ.
- Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng, rất dày ở góc lồi và mỏng hơn ở cạnh thân. Mạch gỗ to, không đều, tập trung ở các góc thành 4 cụm to; ở cạnh chỉ một vài cụm nhỏ. Mô mềm gỗ tế bào có vách mỏng ở thân non, vách dày ở thân già. Tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào.
- Mạch gỗ 1 xếp thành từng bó phân hóa ly tâm, tập trung ngay bên dưới cụm mạch gỗ 2.
- Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng tẩm chất gỗ hay không, xếp chừa những đạo nhỏ.
: Gân giữa lồi ít ở mặt trên, nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau:
- Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng. Lông che chở và lông tiết có nhiều ở biểu bì dưới. Lông che chở đa bào hoặc đơn bào, đi từ 2 tế bào biểu bì to hơn các tế bào khác, vách dày lấm tấm. Lông đa bào gồm 2 tế bào, tế bào ở trên dài hơn tế bào ở dưới. Lông đơn bào chỉ có ở biểu bì trên. Lông tiết có 3 dạng:
• chân ngắn 1 tế bào, đầu 1 hoặc 2 tế bào, tròn, nhỏ và chứa ít chất tiết. Dạng này có trên cả 2 lớp biểu bì.
• chân ngắn 1 tế bào, đầu to gấp 3-4 lần dạng trên và chứa đầy chất tiết màu vàng đậm. Dạng này chỉ có ở biểu bì dưới.
• chân dài gồm 2 tế bào không đều, tế bào trên rất ngắn so với tế bào dưới; đầu 1 hoặc 2 tế bào, tròn, nhỏ và chứa ít chất tiết. Dạng này hiếm gặp trên 2 lớp biểu bì.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, gồm 3-4 lớp tế bào có góc dày nhiều ở mặt trên và 1-2 lớp tế bào ở mặt dưới có góc dày ít.
- Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Libe gỗ xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; đôi khi cung libe gỗ chia thành 2 cụm. Trên cung chính có thêm một cung nhỏ với libe ở trên và gỗ ở dưới.
Phiến lá: Lông che chở và lông tiết giống như ở gân chính. Lỗ khí có rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá cấu tạo dị thể, mô giậu gồm 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô khuyết gồm những tế bào không đều.
Cuống lá: Vi phẫu cuống lá có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm có:
- Biểu bì với lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết giống như ở phiến lá.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, không liên tục, gồm 1-4 lớp tế bào.
- Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung hay 2 cung liên tiếp nhau, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai đầu cung có thêm 1 hay 2 cụm libe gỗ nhỏ hoặc là 1 cung ngắn.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu xanh lục xám, mùi thơm hắc, vị đắng. Thành phần gồm có:
- Mảnh biểu bì thân mang lông che chở, lông tiết; ở chân lông tiết có 4-8 tế bào biểu bì tỏa ra như hình hoa thị. Lông che chở có thể nguyên nhưng thường gãy thành từng đoạn, vách dày lấm tấm. Lông tiết có đầu tròn, to hay nhỏ, thường gồm 1-4 tế bào xếp trên cùng một mặt phẳng. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác, vách thẳng. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh biểu bì đài hoa tế bào có vách rất ngoằn ngoèo.
- Mảnh mô dày.
- Mảnh mô mềm.
- Mảnh phiến lá với mô giậu.
- Sợi có vách ít dày, khoang rộng, riêng lẻ hay kết thành từng đám.
- Tế bào mô cứng có vách ít dày.
- Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm.
- Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc.
- Mảnh cánh hoa có lông che chở uốn lượn.
- Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước châu Phi, châu Mỹ. Ở nước ta gặp từ Lào cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Bắc, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam vào tới Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh. Cũng được trồng ở nhiều nơi, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa. Cây ưa nóng và ẩm, đất thịt và đất phù sa. Thường gặp ở dọc bờ sông, bãi hoang và ven đường. Ra hoa tháng 6-9, có quả tháng 9-10.

Đặc điểm khác: 

Toàn cây (Herba Leonuri) thường gọi là Mẫu thảo, quả (Fructus Leonuri) gọi là Sung úy tử.

Thành phần hóa học: 

Toàn cây chứa leonurin, stachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt nam có chứa 3 alkaloid, 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chữa kinh nguyệt không đều, bế tắc, hành kinh đau bụng; còn dùng trị viêm thận phù thủng, giảm niệu, tiểu ra máu. Có thể dùng riêng hay phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.