Loài Catharanthus roseus (L.) G. Don (Cây Dừa cạn)

Tên
Tên khác: 

Bông dừa, Hải đăng, Hải đằng.

Tên khoa học: 

Catharanthus roseus (L.) G. Don

Tên đồng nghĩa: 

Vinca rosea L.

Họ: 

Trúc đào (Apocynaceae)

Tên nước ngoài: 

Madagasca Periwinkle, Pervenche mangache.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/04/2007.

Số hiệu mẫu: 

DC0407

Thân cỏ nhỏ, mọc đứng, phân nhiều cành, cao 40-60 cm. Thân hình trụ có 4 khía dọc, có lông ngắn, thân non màu xanh lục nhạt sau chuyển sang màu hồng tím. đơn nguyên, mọc đối chéo chữ thập, hình trứng, dầu hơi nhọn, dài 4-7 cm, rộng 2-3 cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt, có lông. Cuống lá ngắn, dài 3-5 mm. Gân lá hình lông chim lồi mặt dưới, 12-14 cặp gân phụ hơi lồi mặt dưới, cong hướng lên trên. Cụm hoa: Hai hoa ở kẽ lá. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5; cuống hoa dài 4-5 mm. Lá đài 5, hơi dính nhau ở dưới, trên chia thành 5 thùy hình tam giác hẹp, có lông ở mặt ngoài, dài 3-4 mm. Cánh hoa 5, dính. Ống tràng màu xanh, cao 2-4 cm, hơi phình ở gần họng, mặt ngoài có 5 chấm lồi; 5 thùy có màu đỏ hay hồng tím, trắng, …ở mặt trên, mặt dưới màu trắng, dài 1,5-1,7 cm, miệng ống tràng có nhiều lông và có màu khác phiến (màu vàng hay đỏ nếu hoa trắng, màu đỏ sẫm hay vàng nếu hoa màu hồng tím) Tiền khai hoa vặn cùng chiều kim đồng hồ. Nhị 5, rời, đính ở phần phình của ống tràng, xen kẽ cánh hoa, chỉ nhị ngắn. Bao phấn hình mũi tên, 2ô, hướng trong, khai dọc, đính đáy. Các bao phấn chụm trên đầu nhụy. Hạt phấn rời, hình chữ nhật, có rãnh dọc. Lá noãn 2, rời ở bầu nhưng dính ở vòi và đầu nhụy, mặt ngoài có nhiều lông, mỗi lá noãn mang nhiều noãn, đính noãn mép, bầu trên. Vòi nhụy 1, dài bằng ống tràng, dạng sợi màu trắng. Đầu nhụy hình trụ, màu xanh, đỉnh có 2 thùy nhọn, phía dưới có màng mỏng màu vàng. 2 đĩa mật màu vàng, hình tam giác hẹp nằm xen kẽ 2 lá noãn. 2 quả đại dài 3-5 cm, mỗi quả chứa 12-20 hạt, xếp thành 2 hàng. Hạt nhỏ, hình trứng.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ: Lớp bần gồm 4-5 lớp tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ khoảng 5-6 lớp tế bào có vách bằng cellulose, hình dạng thay đổi, xếp không đều đặn. Trụ bì vách bằng cellulose. Libe 1 bị libe 2 đẩy ra sát trụ bì, các tế bào bị ép dẹp lại. Libe 2 là những tế bào hình chữ nhật, xếp thành dãy xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm. Mạch gỗ 2 xếp thành dãy, kích thước không đều. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 phân bố đều. Libe trong tạo thành đám phân bố đều bên trong gỗ 1.
Vi phẫu thân: Gần vuông, 2 cạnh phẳng và 2 cạnh hơi lồi; 4 cánh ngắn. Vùng vỏ: biểu bì gồm một lớp tế bào xếp đều đặn mang lông che chở, cutin dày. Dưới biểu bì là mô dày góc. Tế bào mô mềm vỏ hình bầu dục, xếp không thứ tự theo hướng tiếp tuyến. Ống nhựa mủ rải rác. Nội bì có nhiều hạt tinh bột. Vùng trung trụ: Trụ bì hóa sợi thành đám, vách tế bào sợi vẫn bằng cellulose. Libe 2 và gỗ 2 liên tục thành một vòng. Mạch gỗ 2 tương đối đều đặn. Libe trong thành đám. Tia tủy hẹp 1 hoặc 2 dãy tế bào. Mô mềm tủy hình tròn, kích thước không đều, có tinh thể calci oxalate hình khối.
Vi phẫu lá: Gân giữa: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào khá đều, lông che chở và lỗ khí rải rác. Dưới biểu bì trên là mô dày góc, mô mềm gồm những tế bào vách mỏng, kích thước không đều. Bó libe-gỗ chồng kép hình cung gồm những đám libe xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Mạch gỗ xếp đều đặn. Phiến lá: Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào, có lông. Lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu gồm một lớp tế bào hẹp, dài, khá đều nhau; mô mềm khuyết tế bào vách mỏng, xếp chừa các khuyết nhỏ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân lá: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, lông che chở đơn bào hay đa bào, mảnh mô mềm, sợi mô cứng, Mảnh mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Xuất xứ từ miền Đông Châu Phi được truyền vào nước ta. Nay phát tán hoang dại và cũng được trồng. Cây sinh trưởng tốt trên đất cát vùng biển, phát triển tốt về cả mùa hè. Ra hoa quanh năm, chủ yếu là từ tháng 5-9.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Catharanthi rosei). Ở Trung Quốc gọi là Trường xuân hoa.

Thành phần hóa học: 

Hoạt chất của Dừa cạn là alkaloid có nhân indol trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong lá và rễ. Dừa cạn Việt Nam có tỷ lệ alkaloid toàn phần là 0,1-0,2%. Rễ chứa hoạt chất (0,7-2,4%) nhiều hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các chất chủ yếu là: vinblastin, vincristin tetrahydroalstonin, prinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin, vincosid (1 glucoalkaloid tiền thân để sinh tổng hợp các alkaloid). Từ Dừa cạn, người ta còn chiết được các chất sau: acid pyrocatechic, sắc tố flavonoid (glucozid của quercetol và campferol) và anthocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ. Ngoài ra từ lá chiết được acid ursoloc, từ rễ chiết được cholin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Dừa cạn dùng làm thuốc kiềm tế bào và được chỉ dẫn trong điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu lympho cấp, một số ung thư. Trong dân gian vẫn dùng trị cao huyết áp, trị bệnh tiểu đường, điều kinh, chữa tiêu hóa kém và chữa lỵ, thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít. Có người trị ung thư máu, ung thư phổi, tẩy giun, chữa sốt, lợi tiểu khá mạnh,.... Thân và lá có tính chất săn da, lọc máu, dùng chữa một số bệnh ngoài da.