Loài Styphnolobium japonicum (L.) Schott. (Cây Hòe)

Tên
Tên khác: 

Hòe hoa, Hòe mễ, Lài luồng (Tày)

Tên khoa học: 

Styphnolobium japonicum (L.) Schott.

Tên đồng nghĩa: 

Sophora japonica L.

Họ: 

Đậu (Fabaceae) - Phân họ Đậu (Faboideae)

Tên nước ngoài: 

Japanese pagoda-tree, Chinese scholar tree, Umbrella tree (Anh), Sophora (Pháp) [14]

Mẫu thu hái tại: 

khoa Dược – Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/04/2009

Số hiệu mẫu: 

HH260409, được lưu tại bộ môn Thực Vật

Dạng sống cây gỗ to, thân già màu nâu xám có nhiều u lồi và nốt sần; thân non màu xanh, trên thân có nhiều nốt trắng, có lông mịn màu trắng. mọc cách, lá kép lông chim lẻ gồm 13-15 lá chét mọc đối, các cặp lá chét to dần về phía ngọn cuống. Lá chét hình bầu dục thuôn nhọn hai đầu, mép nguyên, màu xanh đậm ở mặt trên và nhạt hơn ở mặt dưới, dài 1,5-4,5 cm, rộng 1,3-2,2 cm; gân lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, 3-5 cặp gân phụ, có ít lông màu nâu trên gân; cuống phình dài 2-2,5 mm. Cuống lá màu xanh, hình trụ hơi lõm ở mặt trên, dài 1,2-1,8 cm, đáy cuống có phần phình dài 3-4 mm. Lá kèm 2, hình móc câu, màu xanh, dài 3-4 mm, có nhiều lông và chấm đen ở mặt trong của lá; rụng sớm. Cụm hoa: dạng chùm mọc ở đầu ngọn cành, dài 9-10 cm. Trục phát hoa màu xanh và có lông màu nâu. Hoa: không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa màu xanh, dài 2 mm, có lông nâu. Lá bắc nhỏ, dạng vảy rụng sớm để lại một vết màu nâu. Đài hoa: 5 lá đài màu xanh, không đều, dính nhau tạo thành ống dài 3 mm, trên chia 5 răng, mặt ngoài các lá đài có lông, tiền khai van. Tràng hoa: 5 cánh hoa rời, tiền khai cờ, mỗi cánh có 1 gân chính và nhiều gân phụ màu xanh; cánh cờ màu trắng có móng ngắn 1,5-2 mm, phiến gần tròn có thùy cạn ở đỉnh, khi hoa nở ưỡn ra phía sau; 2 cánh bên màu trắng xanh, móng ngắn 3 mm màu tím, phiến dài 7-8 mm, rộng 3-4 mm; 2 cánh trước trắng xanh tạo thành lườn, rời, móng ngắn 2,5-3 mm màu tím, phiến dài 8-9 mm, rộng 4-5 mm. Bộ nhị: 10 nhị rời đính trên một vòng, không đều, chỉ nhị màu trắng, dạng sợi cong ở gần ngọn, dài 9-13 mm; bao phấn màu vàng, thuôn dài, 2 ô, hướng trong, nứt dọc, đính giữa, dài 0,5-0,75 mm; hạt phấn rời, hình hạt gạo, màu vàng có rãnh, dài 20-22,5 µm. Bộ nhụy: 2 lá noãn, bầu trên 1 ô màu xanh, có lông màu nâu, nhiều noãn đính mép; vòi nhụy màu trắng dạng sợi, dài 3 mm. Quả loại đậu, dài 4-9 cm, không mở, thắt lại thành từng khúc (2-6 khúc) không đều nhau, mỗi khúc hình bầu dục hoặc gần tròn; quả non màu vàng chanh, nhẵn bóng, có nhựa mủ; quả già khô xác, màu nâu vàng, nhăn nheo. Hạt hình hạt đậu, màu xanh, dài 1-1,2 cm, rộng 0,7-0,8 cm, không nội nhũ, vỏ hạt màu đen bóng.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu thân tiết diện tròn. Biểu bì hình chữ nhật, kích thước khá đều, lớp cutin dày. Mô dày góc gồm 4-5 lớp tế bào hình chữ nhật hoặc gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm đạo gồm 7-8 lớp tế bào hình tròn hoặc bầu dục, có tinh bột. Nội bì tế bào hình đa giác thuôn dài, có hạt tinh bột. Trụ bì hóa mô cứng thành từng cụm, mỗi cụm gồm 4-5 lớp tế bào hình đa giác, khoang hẹp. Libe 1 xếp lộn xộn thành cụm nhỏ dưới trụ bì. Libe 2 tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, một số hóa mô cứng thành nhiều cụm nhỏ rải rác trong vùng mô mềm libe. Tia libe gồm 1-3 dãy tế bào thuôn dài, kích thước lớn. Gỗ 2 dày hơn libe 2. Mạch gỗ 2 to, gần tròn hoặc đa giác gần tròn nằm rải rác trong vùng gỗ 2. Mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác vách dày, khoang hẹp. Tia gỗ hẹp gồm 1-3 dãy tế bào hình chữ nhật. Gỗ 1 tập trung thành cụm, mỗi cụm 1-4 bó, mô mềm quanh gỗ 1 gồm 4-7 lớp tế bào hình đa giác, vách cellulose. Mô mềm tủy đạo hình đa giác gần tròn, kích thước lớn, hóa mô cứng. Tinh thể calci oxalat hình khối hoặc dạng mảnh nhỏ nằm rải rác trong mô mềm vỏ, mô mềm tủy và libe.

Gân giữa: Biểu bì trên là 1 lớp tế bào hình chữ nhật, cutin mỏng. Biểu bì dưới hình chữ nhật và có kích thước lớn gấp 2 lần biểu bì trên. Lông che chở đa bào dài nằm rải rác ở biểu bì dưới . Mô dày góc gồm 2 lớp tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm khuyết nhỏ gồm 4-5 lớp tế bào hình tròn. Bó dẫn xếp thành hình cung, libe ở dưới, gỗ ở trên. Gỗ gồm nhiều mạch, kích thước không đều, hình đa giác; mô mềm gỗ hình đa giác, gồm 1-2 dãy tế bào xen kẽ các mạch gỗ. Libe gồm nhiều lớp tế bào nhỏ, xếp lộn xộn. Bên ngoài libe là 4-5 lớp tế bào vách cellulose, dày, kích thước không đều. Tinh thể calci oxalat hình khối nhiều, kích thước lớn, tập trung trong vùng libe.
Phiến lá: Biểu bì trênbiểu bì dưới có hình dạng và kích thước giống như tế bào biểu bì của gân giữa. Mô mềm giậu gồm 2 -3 lớp tế bào, đi sâu vào vùng gân giữa. Dưới mỗi tế bào biểu bì có 3-4 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết gồm 3 lớp tế bào có hình tròn hoặc bầu dục xếp lộn xộn có các hạt lục lạp. Lỗ khí nằm rải rác ở biểu bì dưới. Bó gân phụ nằm rải rác dưới lớp mô mềm giậu gồm 4-5 tế bào to hình đa giác bao bên ngoài, bên trong là libe và gỗ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu lục vàng, mùi thơm. Mảnh biểu bì đài hoa tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì cánh hoa gồm tế bào hình đa giác, có các vân nhỏ xít nhau. Lông che chở đa bào dài gồm 2 tế bào ngắn ở gốc và 1 tế bào dài, thuôn nhọn ở đầu. Lông tiết hình bọng. Hạt phấn hoa hình cầu, đường kính 12-17 µm có 3 lỗ nảy mầm hoặc hình bầu dục dài 12,5-15 µm, rộng 7,5-10 µm. Mảnh mạch vạch.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Sophora phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Việt Nam có 5 loài. Hòe được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía bắc, chủ yếu ở Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Hòe thuộc lại cây gỗ trung sinh, ưa sáng và ưa ẩm.
Mùa hoa: tháng 5-8, mùa quả: tháng 9-11.

Bộ phận dùng: 

Nụ hoa đã phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. (Flos Styphnolobii japonici imaturi)
Dược liệu có màu vàng, vị hơi đắng, dài 0,5-0,8 cm, rộng 0,2-0,3 cm, cánh hoa vàng nâu, đài hoa vàng xám. Nụ hòe có thể dùng sống hoặc sao cháy. Các bộ phận khác cũng có thể dùng làm thuốc là hòe đã nở, quả, lá đã được phơi hoặc sấy khô. Lá cũng có thể dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Hòe rất giàu rutin. Hòe nở: 8%, vỏ quả 4-11%, hạt 0,5-2%, lá chét 5-6%, cành con 0,5-2%, hòe nếp 44%, hòe tẻ 40,6%, dạng sống 34,7%, sao cháy 18,5%, sao vàng 28,9%.
Nụ hòe còn chứa betulin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B, sophorin C, sophorose. Ngoài các chất rutin và quercetin, quả còn chứa genistein, kaempferol, sophoricosid, genistein-7-diglucosid, sophorose, genistein-7-diglucorhamnosid, kaempferol-3-sophorosid, kaempferol-3-rhamnodiglucosid. Hạt hòe chứa 1,75% flavonoid toàn phần trong dó rutin 0,5%, alkaloid 0,035% (cytisin, N-metylcytisin, sophocarpin, matrin, 8-24% chất béo và galactomanan. Lá hòe chứa 4,4% rutin, 19% protein, 3,5% lipid. Rễ chứa irrisolidon, 5,7-dihydroxy-3’,4’-methylenodioxy-isoflavon, biochanin A, flemichaparin B, maackianin, sophorapanicin, puerol A, puerol B, sophorasid. Gỗ chứa rutin, irisolidon 7-D-glucosid, biochanin A 7-D-xylosylglucosid, biochanin A 7-D-glucosid (sissotrin).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, hồi phục tính thẩm thấu của mao mạch đã bị tổn thương. Tác dụng chống viêm, bảo vệ cơ thể chống chiếu xạ, hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, cầm máu, chống kết tập tiểu cầu, quercetin làm giãn mạch vành, cải thiện tuần hoàn tim.
Theo y học hiện đại, nụ hòe và rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết, đề phòng tai biến do xơ vữa mạch máu, tổn thương mao mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết có liên quan đến xơ vữa động mạch, xuất huyết võng mạc, tăng huyết áp.
Theo y học cổ truyền, hòe điều trị trường phong tiện huyết (đi ngoài ra máu tích phong nhiệt), niệu huyết, huyết lãm, băng lậu, trĩ ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu, tăng huyết áp.