Bộ Hoa loa kèn (Liliales)

Họ Náng (Amaryllidaceae)

Chi Crinum

Loài Crinum asiaticum L.(Cây Náng Hoa Trắng)

Tên
Tên khác: 

Cây lá náng, Hoa náng, Tỏi lơi, Đại tướng quân, Chuối nước, Náng sumatra.

Tên khoa học: 

Crinum asiaticum L.

Tên đồng nghĩa: 

Crinum toxicarium L., C. Sumatranum Roxb., C. Amabile Donn., C. Cochinchinensis Roem.

Họ: 

Náng hay họ Thủy tiên (Amaryllidaceae).

Tên nước ngoài: 

Asian poison bulb, Crinole asiatique.

Mẫu thu hái tại: 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05-2010.

Số hiệu mẫu: 

NHT0510, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Cây [hình 1] cỏ cao khoảng 1m, sống nhiều năm nhờ thân hành. Hành (quen gọi là củ) ở sâu trong đất, đơn độc, hình cầu, đường kính 10 cm hay hơn; phía ngoài có nhiều vảy khô xác màu trắng nâu nhạt bao bọc, tạo thành những lớp áo mỏng; phía trong là những vảy nạc, mọng nước, vảy phía ngoài dày và bao bọc hoàn toàn các vảy phía trong; các vảy gắn vào một đế hình trụ màu trắng (thân hành); thân khí sinh là thân giả cao 20-60 cm do các bẹ lá ôm chặt nhau tạo thành.
Lá đơn, mọc cách, tập trung ở gốc thành hình hoa thị. Phiến lá chất dai, hình dải dạng bản, phẳng, dày, nạc, đầu thuôn nhọn, gốc nở rộng thành bẹ, dài 85-110 cm, rộng 10-15 cm, màu xanh lục, nhẵn ở cả hai mặt, mặt trên màu sậm hơn; mép lá nguyên, không lượn sóng; gân giữa lồi ở mặt dưới, mặt trên hơi lõm xuống thành hình lòng máng, các gân bên song song.
Cụm hoa [hình 2] tán đơn độc, mọc lên từ thân hành qua nách bẹ lá, mang 25-35 hoa. Cuống của tán thẳng đứng, hơi dẹp, có khía ở giữa, nạc, đặc, dài 40-50 cm, rộng 3-5 cm, màu xanh lục, mặt ngoài láng. Tổng bao [hình 3] lá bắc là hai phiến mỏng dạng mo, tồn tại, hình bầu dục thuôn dài, đầu nhọn, dài 9-12 cm, rộng 4-5 cm, màu nâu nhạt, mặt ngoài có nhiều sọc dọc.
Hoa [hình 4] to, đều, lưỡng tính, mẫu 3, hình loa kèn, màu trắng tuyền, thơm, đứng thẳng. Cuống hoa hình trụ dẹp, gốc nở rộng, dài 1-2 cm, màu xanh, nhẵn. Lá bắc dạng phiến mỏng, hình dải, dài 8-10 cm, rộng 3-4 mm, màu nâu nhạt. Bao hoa 6 phiến, dài 15-17 cm, dính nhau bên dưới thành một ống hình trụ dài 5-6 cm, màu xanh lục nhạt, phía trên chia thành 6 phiến xếp trên 2 vòng, dài 10-11 cm, hình dải, đầu nhọn cong như móc. Nhị [hình 5] 6, rời, đính ở họng ống bao hoa trên 2 vòng, vòng ngoài xen kẽ với các phiến của bao hoa; chỉ nhị dạng sợi, thẳng đứng, dài 5-7 cm, phần trên màu tím đỏ, phần dưới màu trắng, nhẵn; bao phấn màu vàng nâu, hình dải, dài 2,5-3 cm, 2 ô, hướng trong, mở bằng đường nứt dọc, đính giữa lắc lư; hạt phấn [hình 6] rời, hình bầu dục thuôn nhọn hai đầu, có rãnh ở giữa, có gai lấm tấm, thường có 2 dạng: hạt phấn nhỏ, kích thước 50-62 µm x 20-25 µm, màu vàng sậm; hạt to, kích thước 87-100 µm x 25-50 µm, màu vàng nhạt; đôi khi hạt phấn có hình gần cầu, đường kính 48-52 µm. Lá noãn 3, dính nhau thành bầu [hình 7] dưới 3 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ; bầu hình trứng, dài 2-2,5 cm, rộng 4-5 mm, mặt ngoài nhẵn; vòi nhụy 1, dạng sợi, dài 11-12 cm, thò ra ngoài ống bao hoa và lên trên nhị, 1/3 phần trên màu tím đỏ, 2/3 phần dưới màu xanh, nhẵn; đầu nhụy 1, hình điểm, màu nâu. Quả nang, hình cầu, đường kính 3-5 cm. Hạt rộng khoảng 3 cm, có góc, có rốn hạt, nội nhũ nạc bao lấy phôi nhỏ.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 8]
Vi phẫu cắt ngang hình tròn chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng vỏ chiếm 4/5 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ 1/5.
Vùng vỏ: Tầng lông hút chỉ còn là vết tích với một vài tế bào móp méo không đều có vách tẩm chất bần. Tầng suberoid [hình 9] 4-6 lớp tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp lộn xộn và khít nhau. Mô mềm vỏ [hình 10] tế bào vách cellulose, hình tròn hay bầu dục, sắp xếp lộn xộn chừa những khuyết nhỏ hay đạo ở góc giữa các tế bào. Nội bì 1 lớp tế bào hình đa giác, có đai caspari rõ.
Vùng trung trụ [hình 11]: Trụ bì 1 lớp tế bào hình đa giác, vách cellulose, xếp xen kẽ với tế bào nội bì. Libe và gỗ [hình 12] ngay sát dưới lớp trụ bì, gồm 15-21 bó libe và 15-21 bó tiền mộc xếp xen kẽ nhau trên một vòng. Bó libe từng cụm nhỏ hình bầu dục, tế bào hình đa giác, không đều, phân hoá hướng tâm. Bó tiền mộc hình tam giác đỉnh tiếp xúc trụ bì, gồm 3-6 mạch hình đa giác, không đều, phân hoá hướng tâm. Mạch hậu mộc to, gồm 17-27 mạch kích thước không đều, có thể tiếp xúc bên dưới bó tiền mộc hay không; ít khi có 1-2 mạch nằm riêng lẻ ở tâm vi phẫu. Tia tủy là vùng mô mềm giữa bó libe và bó gỗ, gồm 2-3 dãy tế bào hình đa giác, xếp khít nhau. Mô mềm tủy tế bào hình gần tròn, vách cellulose, xếp chừa những đạo nhỏ.

Thân hành
Vi phẫu cắt ngang vảy hành có hình lòng máng, dày ở vùng giữa, mỏng dần về phía hai bên.
Vùng giữa [hình 13]: Biểu bì tế bào hình đa giác hay hình chữ nhật dẹt, vách cellulose, mặt ngoài hóa cutin; tế bào biểu bì trên (biểu bì trong) nhỏ hơn tế bào biểu bì dưới (biểu bì ngoài). Mô mềm tế bào hình tròn hay đa giác, vách cellulose, chia làm 2 vùng khác nhau về cách sắp xếp của tế bào: vùng trên từ biểu bì trên đến các bó libe gỗ, 1-2 lớp ngay dưới biểu bì tế bào xếp lộn xộn chừa những đạo nhỏ ở góc giữa các tế bào, các lớp còn lại tế bào to hơn, thường xếp thành dãy dọc chừa những đạo hay khuyết nhỏ ở góc; vùng dưới các bó libe gỗ tế bào xếp lộn xộn chừa những đạo nhỏ; rải rác trong vùng mô mềm có những tế bào chứa khối chất màu vàng [hình 14]. Bó libe gỗ xếp thành một hàng hình cung ở giữa, không đều, dạng vệt dài vuông góc với biểu bì, gồm gỗ ở trên và libe ở dưới; gỗ gồm 3-5 mạch nhỏ không đều, mạch nhỏ ở trên, mạch to ở dưới, mô mềm quanh mạch gỗ tế bào hình đa giác, xếp khít nhau; libe dạng vệt dài, tế bào hình đa giác, không đều, vách méo mó, sắp xếp lộn xộn. Tinh thể calci oxalat hình kim từng bó trong tế bào hay rải rác trong vùng mô mềm.
Vùng phiến [hình 15] mỏng hai bên: Biểu bì tế bào hình đa giác hay hình chữ nhật dẹt, vách cellulose, mặt ngoài hoá cutin; tế bào biểu bì trên (biểu bì trong) nhỏ hơn tế bào biểu bì dưới (biểu bì ngoài). Mô mềm nhiều lớp tế bào, hình tròn, vách cellulose, xếp lộn xộn chừa những đạo hay khuyết nhỏ ở góc giữa các tế bào, rải rác có những tế bào chứa khối chất màu vàng; trong vùng mô mềm này, về phía trên gần biểu bì, có vùng mô mềm đặc biệt. Mô mềm đặc biệt [hình 16] gồm những tế bào không rõ hình dạng, xếp lỏng lẻo, chứa đầy những cuộn sợi (giống như cuộn chỉ len), thường bung ra thành những sợi xoắn [hình 17] rất dài; có khi sợi xoắn này xuất phát từ một số tế bào mô mềm bình thường ở phía dưới. Bó libe gỗ [hình 18] xếp thành một hàng, không đều, gồm gỗ ở trên và libe ở dưới; gỗ gồm mạch nhỏ ở trên, mạch to ở dưới, mô mềm gỗ tế bào hình đa giác xếp khít nhau; bó libe ngay dưới bó gỗ, tế bào hình đa giác, không đều, xếp lộn xộn. Tinh thể [hình 19] calci oxalat hình kim tập trung thành từng bó trong tế bào hay rải rác trong vùng mô mềm.


Vi phẫu cắt ngang có phần gân giữa lõm ở mặt trên, lồi tròn ở mặt dưới và thuôn dài ra phiến lá. Cấu tạo của gân giữa [hình 20]phiến lá [hình 21] giống nhau. Biểu bì tế bào gần như hình vuông, vách cellulose; lớp cutin mỏng; lỗ khí [hình 22] nhiều trên cả hai lớp biểu bì. Mô mềm nhiều lớp tế bào hình tròn hay đa giác, sắp xếp lộn xộn và chừa những đạo hay khuyết nhỏ; giữa 2 bó libe gỗ là một khuyết to, lớp tế bào quanh bờ khuyết thường bị rách. Bó libe gỗ [hình 23] kích thước không đều, dạng vệt dài và hẹp, xếp trên một hàng hình cung ở giữa, gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; gỗ gồm 1-5 mạch, không đều, mạch nhỏ ở trên, mạch to ở dưới, mô mềm quanh các mạch gỗ tế bào hình đa giác, không đều, xếp khít nhau; libe dạng vệt dài, tế bào hình đa giác, không đều, vách méo mó, sắp xếp lộn xộn; trên gỗ và dưới libe thường có những cụm tế bào vách dày bằng cellulose hay tẩm chất gỗ. Cuộn sợi rải rác trong mô mềm. Tinh thể calci oxalat [hình 24] hình kim từng bó trong tế bào hay rải rác trong vùng mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá màu trắng xanh, không mùi, không vị.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì [hình 25] tế bào hình chữ nhật, có nhiều lỗ khí. Mảnh mô mềm [hình 26] tế bào vách mỏng và uốn lượn. Mảnh mạch [hình 27] vòng, mạch xoắn. Cuộn sợi [hình 28] nhiều, thường bung ra thành những sợi xoắn rất dài. Tinh thể [hình 29] calci oxalat hình kim dài 112-137 µm, nằm rải rác hay thành tụ thành đám.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây mọc hoang ở những nơi ẩm ướt hay trồng làm cảnh, trồng bằng dò. Còn thấy mọc ở Ấn Độ, Indonesia.
Ra hoa vào mùa hè.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Crinii asiatici). Thường dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Trong Náng hoa trắng có alkaloid gọi là lycorin C16H17NO4. Thân và bẹ lá chứa alkaloid: baconin, licorin, crinasiatin, hipadin; trái chứa ungeremin, criasbetain. Alkaloid được phân bố cả lá, hoa, dò, quả.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Nhân dân dùng lá cây Náng hơ nóng, đắp và bóp vào những nơi sai gân, bong gân, bầm tím, sưng tấy khi ngã. Còn dùng xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi. Không dùng để uống.
Tại Ấn Độ, người ta hay dùng củ ép lấy nước pha loãng để uống thuốc gây nôn; không gây tẩy và không gây đau đớn. Cới kiều nhỏ, nó gây buồn nôn và ra mồ hôi. Thường dùng củ tươi giã nát, thêm chừng 4 phần nước vắt lấy nước, rồi cứ vài phút lại uống chừng 8-16 g cho tới khi nôn được. Có thể thêm đường cho dễ uống. Trẻ con dùng cũng được. Cần chú ý theo dõi tránh ngộ độc. Người ta còn dùng nước ép củ để ngỏ vào tai chữa đau tai.

Hình đính kèm
Cây
Cụm hoa
Tổng bao
Hoa
Nhị
hạt phấn
bầu
Rễ
Tầng suberoid
Mô mềm vỏ
Vùng trung trụ
Libe và gỗ
Vùng giữa
khối chất màu vàng
Vùng phiến
Mô mềm đặc biệt
sợi xoắn
Bó libe gỗ
Tinh thể
gân giữa
phiến lá
lỗ khí
Bó libe gỗ
calci oxalat
Mảnh biểu bì
Mảnh mô mềm
Mảnh mạch
Cuộn sợi
Tinh thể