Phân Lớp Hoa Môi (Lamiidae)


Bộ Cà (Solanales)

Họ Cà (Solanaceae)

Chi Solanum

Loài Solanum diphyllum L. (Cây Cà hai lá)

Tên
Tên khoa học: 

Solanum diphyllum L.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Twoleaf nightshade, twinleaf nightshade.

Mẫu thu hái tại: 

tỉnh Trà vinh tháng 6 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CHL0607

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 0,5-1 m. Thân tiết diện tròn, thường có 2, ít khi 3, gân dọc nổi rõ; thân non màu lục hay nâu đỏ, rất ít lông; thân già nâu đen, có nốt sần. Lá [hình 2] đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn [hình 3] lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá hình trứng thuôn, dài 5,5-8,5 cm, ngang 2-2,5 cm, đầu có mũi nhọn, đáy phiến thuôn hẹp, không đều, kéo dài xuống đến đáy cuống, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, bìa nguyên, gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 4-6 mm, có lông ngắn. Cụm hoa [hình 4] ở ngoài nách lá hay đối diện với lá, gồm 8-10 hoa hay nhiều hơn, xếp thành chùm ngắn và cong như đuôi con bò cạp; cuống cụm hoa màu lục nâu, có lông ngắn. Hoa [hình 5] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 10-12 mm; cuống cong hướng xuống phía dưới, màu lục hay nâu đỏ, dài 8-10 mm, nhẵn hay có lông ngắn. Lá đài 5, màu lục nhạt, nhẵn, dài 2,5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hình chén, phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, bằng nhau, dài 1,5 mm, ngang 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dài 5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống ngắn, phía trên loe rộng. Phần loe gồm 2 phần: phía dưới là phần các phiến dính nhau rất ít, phía trên là 5 phiến rời, bằng nhau, hình bầu dục thuôn, đầu nhọn, dài 3,5 mm, ngang khoảng 2 mm, tiền khai van; giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở, lúc đầu phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với ống (kiểu tràng hình bánh xe) nhưng sau đó thì sụ xuống phía dưới. Nhị 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài 0,5 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn hình bầu dục, dài khoảng 2 mm, màu vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 19-23 µm, ngang 9-13 µm, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa lồi; bầu trên, hình cầu, màu lục, nhẵn; vòi nhụy 1, hình sợi, dài 4 mm, vượt ra khỏi ống bao phấn một đoạn 2 mm, màu trắng ngà; đầu nhụy 1, hình cầu, màu vàng lục, chia 2 thùy cạn. Quả mọng, mọc đứng, hình cầu, đường kính 8-10 mm, lúc non màu lục, khi chín màu vàng cam, vỏ sáng bóng hay không; cuống dài khoảng 10 mm; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình thận dẹp, dài 3 mm, ngang 2 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ [hình 7] hình tròn, tâm đôi khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 8] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng xuyên tâm; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; rải rác có những tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát; hầu hết các tế bào đều chứa đầy hạt tinh bột không đều, hình tròn, tễ ở giữa. Tế bào mô cứng [hình 9] thường hình bầu dục, ít khi tròn hay đa giác, vách mỏng, xếp thành từng cụm. Libe tạo thành vòng quanh gỗ, hiếm có tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 10]; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 11] không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Vi phẫu thân [hình 12] hình gần tròn, có 2 hay 3 góc lồi, rất ít lông che chở. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 13]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ. Lông che chở [hình 14] ngắn, thường đi từ một tế bào biểu bì hơi to hơn các tế bào khác, gồm 2 tế bào; vách các tế bào của lông ít dày, mặt ngoài lấm tấm. Lông tiết ít gặp, cấu tạo gồm chân một tế bào dài hơn đầu và đầu hình tròn hay hình bầu dục nhiều tế bào. Bần ở thân già là những tế bào hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình đa giác hay hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 15] mô cứng vách dày, ống trao đổi không rõ, xếp thành từng cụm. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều, rải đều trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ là những tế bào có vách ít dày; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 thường rời rạc, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng vùng. Libe trong [hình 16] là nhiều cụm nhỏ, thường xếp sát nhau. Ở thân già, phía dưới libe quanh tủy có những cụm sợi. Mô mềm tủy [hình 17] gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, xếp chừa những đạo nhỏ, thường có nhiều tinh bột; một số tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 18]
Vi phẫu có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí, lông che chở và lông tiết ít gặp, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; một số tế bào chứa nhiều tinh bột hoặc chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ [hình 19] ở giữa xếp thành một hình cung, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới, ở hai cánh có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ; vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ. Sợi mô cứng có thể gặp, xếp thành từng cụm nhỏ dưới libe và trên libe quanh tủy.
Vi phẫu lá [hình 20]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên [hình 21] và biểu bì dưới [hình 22] có lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết ít gặp, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì luôn có dưới biểu bì trên, không hay có từng đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, trong tế bào có nhiều hạt lục lạp, rất ít khi có tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào hình đa giác. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, giữa các tế bào có đạo nhỏ; một số tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ xếp thành hình cung [hình 23] ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Sợi mô cứng có thể gặp, xếp rải rác hay thành từng cụm nhỏ dưới libe và trên libe quanh tủy.
Phiến lá [hình 24]: Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lỗ khí kiểu dị bào có rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài. Mô xốp gồm những tế bào không đều, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân với những tế bào hình đa giác mang lỗ khí. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi uốn luợn, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì gân giữa với những tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì cánh hoa tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng rẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng có vách mỏng hay dày. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám. Tinh thể calci oxalat dạng cát. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Mọc ở sân vườn, dựa đường, vùng Sài gòn, Đồng tháp. Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 8.

Thành phần hóa học: 

Rễ cây có chứa 3-O-(beta-D-glucopyranosyl) etioline [(25S)-22,26-epimino-3beta-(beta-D-glucopyranosyloxy) cholesta-5,22(N)-dien-16alpha-ol].

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tác dụng độc tế bào, có khả năng diệt một số dạng tế bào ung thư cổ, tế bào Hela.
Solanum diphyllum có hình thái khá giống với S. spirale (Cà xoắn), cần lưu ý để chống nhầm lẫn.

Hình đính kèm
Cây
Lá
lôi cuốn
Cụm hoa
Hoa
hạt phấn
Vi phẫu rễ
Bần
mô cứng
chiếm tâm
Gỗ 1
Vi phẫu thân
các mô
Lông che chở
Sợi
Libe trong
Mô mềm tủy
Cuống lá
Libe gỗ
Vi phẫu lá
Biểu bì trên
biểu bì dưới
hình cung
Phiến lá

Loài Solanum melongena L. var. esculentum Ness. (Cây Cà tím)

Tên
Tên khác: 

Cà dái dê

Tên khoa học: 

Solanum melongena L. var. esculentum Ness.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Egg plant, Aubergine.

Mẫu thu hái tại: 

Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CT0507

Cỏ mọc đứng, sống 1 năm hay nhiều năm có gốc hóa gỗ, cao 0,5-1 m. Thân [hình 1] tiết diện tròn, thân non màu lục hay lục tím và đầy lông phân nhánh hình sao, thân già nâu xám, nhiều nốt sần. Lá [hình 2] đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá dài 8-18 cm, ngang 6-10 cm, hai mặt đầy lông mịn, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, đầu thuôn nhọn, đáy không đối xứng, hai bên lệch một đoạn 5-20 mm; bìa có thùy cạn hình lông chim; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, mặt trên gân giữa màu lục hay tím. Cuống lá dài 2-4 cm, hình trụ, mặt trên hơi phẳng, đầy lông mịn. Cụm hoa [hình 3] ngoài nách lá, thường ở đoạn phía trên của lóng, gồm 1 hoa ở gốc đính sát vào thân (hoa gốc), 2 hay 3 hoa còn lại phía trên (hoa ngọn) xếp thành xim ngắn trên một cuống dài 10-20 mm, màu lục tím, đầy lông mịn. Hoa gốc [hình 4] và hoa ngọn [hình 5] giống nhau ở phần lớn các đặc điểm, nhưng cũng có những điểm khác biệt.
Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu tím; cuống màu lục tím, cong hướng xuống phía dưới, đầy lông mịn. Lá đài 5, màu lục tím, mặt ngoài đầy lông mịn, có một gân dọc ở giữa nổi rõ, dính nhau khoảng một nửa phía dưới thành ống hình chén có 5 cạnh; phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, đều nhau, ngang 2 mm, phía đầu thuôn hẹp, tiền khai van. Cánh hoa 5, dính nhau phía dưới thành ống ngắn, hẹp và màu lục, phía trên loe rộng và màu tím. Phần loe rộng đầy lông mịn ở mặt ngoài, gồm 2 phần: phần dưới do các phiến dính nhau, phần trên chia thành 5 phiến rời hình bầu dục đầu nhọn, tiền khai van, giữa phiến có một phần dọc màu tím nhạt hơn, ngang 3-5 mm; giữa phần tím nhạt này có một gân dọc màu tím sậm. Khi hoa nở phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với phần hẹp của ống tràng (kiểu tràng hình bánh xe). Nhị [hình 6] 5, rời, dài bằng nhau, đính ở đáy ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị vàng nhạt, nhẵn; bao phấn thuôn, vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ [hình 7] ở đỉnh; hạt phấn [hình 8] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 30-40 m, ngang 15-25 m, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu [hình 9] 2 ô; các vách giả xuất hiện sớm chia bầu thành 4 ô, 2 ô to và 2 ô nhỏ; mỗi ô có thể lại chia thành 2 ô nhỏ hơn, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa rất lồi; bầu trên, trắng ngà, gần cầu, phía đầu có lông trắng thưa, có 4 thùy; vòi nhụy 1, hình sợi, thẳng, đầy lông mịn màu trắng; đầu nhụy 1, hình cầu, màu lục sậm, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 10] mọng đơn lẻ, thuôn, phía đầu nhỏ hơn phía đáy, dài 17-19 cm hay hơn, đường kính 4-5 cm hay hơn, vỏ láng bóng, màu tím sậm khi chín; cuống dài 4-5 cm hay hơn; lá đài đồng trưởng trên quả, dày, dài 3 cm. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình dĩa, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.
Những điểm khác biệt giữa hoa gốc và hoa ngọn.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 11]
Vi phẫu có tiết diện tròn, tâm đôi khi bị lệch. Vùng vỏ [hình 12]: Bần thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều; giữa các tế bào có đạo, rải rác có vài khuyết nhỏ; rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể [hình 13] calci oxalat dạng cát. Nội bì [hình 14] khung Caspary rõ. Vùng trung trụ: Trụ bì 1-3 lớp tế bào không đều, hình đa giác, thường dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng bằng cellulose, một vàitế bào hóa mô cứng. Libe thành vòng quanh gỗ, rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Thân
Vi phẫu có tiết diện gần tròn, thân non nhiều lông [hình 15] che chở, thân già ít hay không có lông.
Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 16]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở đa bào gồm chân và đầu; chân lông ngắn hay dài, gồm 4- nhiều tế bào không đều, xếp thành 2 hay 3 hàng dọc; đầu lông gồm nhiều tế bào không đều xếp tỏa thành hình sao; vách các tế bào ở chân dày hơn vách tế bào ở đầu. Lông tiết rải rác khắp biểu bì, đi từ một tế bào biểu bì, gồm chân và đầu; chân lông là 1, ít khi 2 tế bào, thường dài hơn đầu, thẳng hay cong; đầu lông hình bầu dục, thường, gồm 1-2 tế bào ở dưới và 4 tế bào ở trên xếp trên cùng một mặt phẳng. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày [hình 17] góc gồm 5-6 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ gồm 7-12 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, rất hiếm có tế bào chứa tinh thể calci oxalat [hình 18] dạng cát. Sợi [hình 19] mô cứng vách dày hay mỏng, nhiều hay ít, thường xếp thành từng cụm, ít khi riêng lẻ. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, rải rác có những tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ 1 rời rạc hay xếp thành từng bó, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng nhóm. Libe trong [hình 20] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1, phía dưới có những cụm sợi mô cứng. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 21]
Vi phẫu có tiết diện hình bầu dục, mặt trên lồi gần như phẳng, mặt dưới lồi.
Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí. Lông che chở [hình 22] và lông tiết có hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục ở biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 (3) lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa gíác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ [hình 23] ở giữa xếp thành một hình cung liên tục hay chia thành 3 cụm, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai góc có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ. Li be quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ.
[hình 24]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều trên cả 2 lớp biểu bì, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì không liên tục, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 25] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Phiến lá [hình 26] có cấu tạo dị thể không đối xứng. Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lông che chở và lông tiết có hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân nhưng đa số là dạng lông che chở có chân ngắn. Lỗ khí có rất nhiều ở biểu bì dưới. Mô giậu là 1 lớp tế bào thuôn dài, ít khi có tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô xốp gồm những tế bào không đều, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình đa giác. Lông che chở hình sao còn nguyên hay gãy thành từng đoạn. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào vách uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào vách ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì cánh hoa là những tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm chứa hạt tinh bột. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng có vách mỏng. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng ở nước ta từ lâu đời. Cà được nhập vào Châu Âu từ thế kỷ XV, nay được trồng phổ biến ở các vùng nam Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Cà tím là một thứ cà được tạo ra trong quá trình trồng trọt, thời gian sinh trưởng thông thường 50-60 ngày.

Bộ phận dùng: 

Quả và lá (Fructus et folium Solani melongenae).

Thành phần hóa học: 

Thành phần hóa học: Trong cây có trigonellin, -amino-4-ethyl glyoxalin và cholin; thuỷ phân dịch nhầy của cây ta được acid cafeic. Lá chứa 1,2,3,4-tetrahydroxunortropan, 4-ethyl-1,2-benzenediol carpestin, b-sitosterol, solasodin, solamargin, solasonin, acid ursolic..... Quả chứa 92% nước, phần còn lại gồm protid, lipid, glucid, các khoáng chất như magiê, calci, kali, lưu huỳnh, natri, sắt, mangan, kẽm, đồng, iod và các vitamin; vỏ quả chứa nasunin, shisonin, delphinidin-3-monoglucosid và một chất màu là glucosilic thuộc nhóm anthocyan. Hạt chứa diosgenin, togenin, melongosid L.M.N.O.P (steroid saponin).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cà được nhân dân dùng làm thức ăn hay làm thuốc.
Khi làm thức ăn phải dùng quả chín vì khi chưa chín, quả chứa chất độc solanin, có thể luộc, xào nấu,...xắt mỏng tẩm bột rán hoặc nấu bung để ăn; cũng có thể muối nén hay muối mặn để ăn dần.
Người ta thường dùng Cà trong trường hợp thiếu máu, tạng lao (tràng nhạc), táo bón, giảm niệu, tim dễ kích thích; cũng dùng chữa các chứng xuất huyết (đại tiện ra máu, phụ nữ rong huyết, tiểu ra máu, lỵ ra máu), chữa sưng tấy, làm giảm cholesterol trong máu, giúp ăn ngon, trị đau gan, trợ tim. Lá trị viêm phế quản, bí tiểu; trênin vitro, chống siêu khuẩn R.D; dùng ngoài đắp để làm dễ chịu các vết bỏng, áp xe, bệnh nấm, trĩ. Hột lợi đàm, trị hen suyễn và ho khan. Rễ trị suyễn, phấn khích. Delphinidin (trong quả) chống giai đoạn truyền lan của ung thư fibrosarcom HT-1080, in vitro.

Hình đính kèm
Thân
Lá
Cụm hoa
Hoa gốc
hoa ngọn
Nhị
lỗ
hạt phấn
bầu
Quả
Rễ
Vùng vỏ
tinh thể
Nội bì
lông
các mô
Mô dày
calci oxalat
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Lông che chở
Libe gỗ
Lá
Libe và gỗ
Phiến lá

Loài Solanum spirale Roxb. (Cây Cà xoắn)

Tên
Tên khác: 

Chanh trường

Tên khoa học: 

Solanum spirale Roxb.

Tên đồng nghĩa: 

Solanum callium C. T. White ex R. J. F. Hend..

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. HCM tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CX0507

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 1-2 m. Thân tiết diện tròn, thường có 2, ít khi 3, gân dọc; thân non màu lục hay nâu đỏ, có lông ít ngắn; thân già màu nâu đen, nhẵn. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn [hình 2] lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Lá to hình trứng, dài 4-7 cm, ngang 2-3 cm; lá nhỏ hình bầu dục, dài 1-2 cm, ngang 0,5-1 cm. Phiến lá mỏng, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, nhiều lông ngắn ở mặt trên và phía gốc của gân chính, đầu có mũi nhọn, đáy phiến thuôn hẹp, không đều, kéo dài xuống đến đáy cuống; bìa nguyên; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 3-7 mm, có lông ngắn. Cụm hoa [hình 3] ở ngoài nách lá hay đối diện với lá, 10-15 hoa hay nhiều hơn, xếp thành xim ngắn và cong; cuống cụm hoa dài 3-5 mm, màu lục nâu, có lông ngắn. Hoa [hình 4] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 5-6 mm; cuống cong hướng xuống phía dưới, màu lục hay nâu đỏ, dài 5-10 mm, nhẵn hay có lông ngắn. Lá đài 5, màu lục nhạt, nhẵn, dài 2 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hình chén, phía trên chia thành 5 phiến hình bầu dục thuôn đầu nhọn, bằng nhau, dài 1 mm và ngang 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống ngắn, phía trên loe rộng ra. Phần loe rộng gồm 2 phần: phần do các phiến dính nhau rất ít phía dưới, trên chia thành các phiến bằng nhau, hình bầu dục thuôn đầu nhọn, dài 4 mm và ngang khoảng 1,5 mm, tiền khai van; giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở, lúc đầu phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với ống (kiểu tràng hình bánh xe) nhưng sau đó thì cong ngược xuống phía dưới. Nhị [hình 5] 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài 0,5 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn hình bầu dục, dài khoảng 1,5 mm, màu vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 15-23 µm và ngang 10-15 µm, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu [hình 7] 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa lồi; bầu trên, hình cầu, màu lục, nhẵn; vòi n hụy 1, hình sợi, màu trắng ngà, dài 3 mm, vượt ra khỏi ống tạo bởi các bao phấn một đoạn 1,5 mm; đầu nhụy 1, hình cầu, màu vàng lục, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 8] mọng, nhiều, mọc đứng, hình cầu đường kính 7-8 mm, lúc non màu lục, khi chín màu vàng cam, vỏ sáng bóng hay không; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình thận dẹp, dài 4 mm, ngang 3 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 9]
Vi phẫu hình tròn, tâm đôi khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 10] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều, vách mỏng, có khi có vài tế bào mô cứng nằm rải rác; giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Nội bì [hình 11] khung Caspary rõ. Trụ bì 1-2 lớp, tế bào không đều, hình đa giác, thường dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng bằng cellulose hay có từng đoạn hóa mô cứng [hình 12]. Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ, rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 tạo thành vòng liên tục; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 13] không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm. Mô mềm ruột rõ khi gỗ cấp 2 chưa chiếm tâm, là những tế bào không đều, hình đa giác, xếp sát nhau, vách tẩm chất gỗ.
Thân [hình 14]
Vi phẫu thân hình gần tròn hay bầu dục. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 15]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, ít khi có lông che chở và lông tiết. Lông che chở ngắn, thường đi từ một tế bào biểu bì hơi to hơn các tế bào khác, gồm 2 tế bào; vách các tế bào của lông ít dày, mặt ngoài lấm tấm. Lông tiết cấu tạo gồm chân một tế bào dài hơn đầu và đầu hình tròn hay hình bầu dục nhiều tế bào. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào chứa đầy hạt lục lạp, có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ [hình 16] gồm 4-5 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ. Một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 17] mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm, ống trao đổi trên vách tế bào rõ hay không. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 rời rạc hay tập trung thành từng bó, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng nhóm. Libe trong [hình 18] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ, chứa đầy hạt tinh bột; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 19]
Có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí, có khi có lông che chở và lông tiết ở biểu bì trên. Hạ bì liên tục hay gián đoạn từng đoạn ngắn, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, chứa đầy hạt lục lạp, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung liên tục, ít khi chia thành 2 đoạn, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới, ở hai góc trên có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ; một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm nhỏ phía dưới libe và phía trên libe quanh tủy.
[hình 20]
Gân chính lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí, có khi có lông che chở và lông tiết ở biểu bì trên. Hạ bì rõ và liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, chứa đầy hạt lục lạp; một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-5 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 21] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm nhỏ phía dưới libe và phía trên libe quanh tủy. Phiến lá [hình 22]: Không có lông che chở và lông tiết. Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lỗ khí kiểu dị bào rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài, đôi khi có tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô khuyết gồm những tế bào không đều, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình chữ nhật mang lỗ khí. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi uốn lượn, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì gân giữa với những tế bào đa giác hơi thuôn dài. Mảnh biểu bì cánh hoa tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng nhiều có vách mỏng hay dày. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Mianma, Ấn Độ. Ở nước ta, gặp từ Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Tây vào Khánh Hòa. Mọc rãi rác ven đường, ruộng, bãi hoang, cũng thường được trồng. Ra hoa tháng 7-9, có quả từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Solani spiralis)

Thành phần hóa học: 

Rễ giàu các chất có alkaloid; vỏ cây và lõi rễ chứa các alkaloid glucosidic.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trái ăn được và dùng làm gia vị. Lá chứa glycosid của solasodin, tomatidenol, 15-a-hydroxitomatidenol, yamogenin, có tác dụng lợi tiểu, trị sưng bao tử, trị lãi ở Ấn Độ; còn dùng chữa đau bụng kinh niên, đau quặn, chướng bụng. Rễ dùng chữa kinh nguyệt không đều, chứa steroid alcaloid là etiolin. Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa cảm mạo phát nhiệt, ho, viêm đau hầu họng, sốt rét, đau bụng, tiêu chảy, lị trực khuẩn, tiểu tiện đỏ, viêm bàng quang, phong thấp, đòn ngã, mụn nhọt lỡ ngứa.

Hình đính kèm
Cây
lôi cuốn
Cụm hoa
Hoa
Nhị
hạt phấn
bầu
Quả
Rễ
Bần
Nội bì
mô cứng
Gỗ 1
Thân
các mô
Mô mềm vỏ
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Lá
Libe và gỗ
Phiến lá

Loài Solanum torvum Sw. (Cây Cà dại hoa trắng)

Tên
Tên khoa học: 

Solanum torvum Sw.

Tên đồng nghĩa: 

Solanum ficifolium Ortega.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Turkeyberry.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Buôn mê thuột, tỉnh Daklak, tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CDT0507

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 1-2 m, cành tỏa rộng ra hay thõng xuống. Tiết diện thân gần tròn hay bầu dục, có gai rải rác; gai hơi cong, dẹp, dài 3-5 mm, vàng nhạt nhưng đỉnh vàng sậm; thân non màu lục và đầy lông phân nhánh hình sao, thân già nâu đen, gần như nhẵn. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn lá [hình 2] nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá dài 8,5-16 cm, ngang 5,5-16 cm, hai mặt đầy lông mịn, mặt trên màu lục sậm và ít lông hơn mặt dưới, đầu thuôn nhọn, đáy không đối xứng, lệch một đoạn 3-5 mm; bìa thường có thùy cạn hình lông chim, ít khi dún; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 2-4 cm, nhiều lông mịn. Cụm hoa [hình 3] ngoài nách lá, ở khoảng giữa hay đoạn phía trên của lóng, gồm nhiều hoa xếp thành chùm xim; cuống cụm hoa dài 5-15 mm, màu lục, đầy lông mịn. Hoa [hình 4] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 20-25 mm; cuống thẳng ít khi cong hướng xuống phía dưới, màu lục, dài 5-10 mm, nhiều lông mịn. Lông trên cuống hoa có 2 loại: lông có chân dài thẳng đa bào, đầu tròn và lông phân nhánh. Lá đài 5, màu lục, mặt ngoài nhiều lông mịn và có một gân dọc ở giữa nổi rõ, mặt trong nhẵn, dài 4 mm, dính nhau một nửa phía dưới thành ống hình chén có 5 cạnh, phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, bằng nhau, dài 2 mm, ngang 2 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dài 10-12 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hẹp và màu lục, phía trên loe rộng. Phần loe màu trắng, gồm 2 phần: phần dưới do các phiến dính nhau một đoạn 3 mm, phần trên chia thành 5 phiến bằng nhau; phiến hình bầu dục thuôn đầu nhọn, dài 6-8 mm và ngang 6 mm, tiền khai van, có nhiều lông mịn ở phía đầu, giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với phần hẹp của ống tràng (kiểu tràng hình bánh xe). Nhị [hình 5] 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài gần 2 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn thuôn, hẹp về phía đỉnh, dài 6 mm, màu vàng sậm, có một đường dọc màu nâu ở giữa, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 30 m và ngang 20 m, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa; phía trên thì lá noãn dính nhau thành bầu [hình 7] 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa rất lồi; phía dưới thì bầu có 4 ô; bầu trên, màu lục nhạt, cao 2 mm và ngang 1 mm, có ít lông mịn phía đỉnh; vòi nhụy [hình 8] 1, hình sợi, nhẵn, màu trắng ngà, phía đầu hơi cong, lúc đầu thụt bên trong ống tạo bởi các bao phấn nhưng sau thì dài 9 mm và vượt khỏi ống tạo bởi các bao phấn một đoạn gần 3 mm; đầu nhụy 1, hình cầu, màu lục, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 9] mọng, nhiều, mọc đứng, hình cầu, đường kính 8-15 mm, nhẵn, màu lục khi non, vàng cam khi chín; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng, dài 5 mm, ngang 3 mm. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình dĩa, đường kính 2,5-3 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ [hình 10] hình tròn, tâm có khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 11] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Nội bì khung Caspary ít rõ. Tế bào mô cứng rải rác, vách mỏng hay dày với ống trao đổi rõ. Libe tạo thành vòng quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát [hình 12]. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 13]; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 14] không phân biệt được hay xếp thành bó ngay dưới tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Vi phẫu thân hình gần tròn hay bầu dục, thân non nhiều lông che chở, thân già ít hay không có lông. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 15]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở [hình 16] đa bào gồm chân và đầu; chân lông ngắn hay dài, gồm 4- nhiều tế bào không đều, xếp thành 2 hay 3 hàng dọc; đầu lông gồm nhiều tế bào không đều xếp tỏa thành hình sao; vách các tế bào ở chân dày hơn vách tế bào ở đầu. Lông tiết [hình 17] rải rác khắp biểu bì, đi từ một tế bào biểu bì, gồm chân và đầu; chân lông là 1 tế bào, có thể ngắn hay dài hơn đầu; đầu lông tròn, thường cong gặp xuống, gồm 1 tế bào ở dưới và 3-4 tế bào ở trên xếp trên cùng một mặt phẳng. Vùng vỏ [hình 18]: Hạ bì gồm 1, ít khi 2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 5-6 lớp tế bào không đều, hình đa giác; một số tế bào phía trong hóa mô cứng thành từng cụm rải rác. Mô mềm vỏ gồm 4-5 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 19] hay tế bào mô cứng xếp thành từng cụm. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều, tập trung thành từng vùng; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 rời rạc hay xếp thành bó phân hóa ly tâm, thường tập trung theo các mạch gỗ cấp 2. Libe trong [hình 20] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1, phía dưới có thêm những tế bào hóa mô cứng. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 21]
Có hình bán nguyệt, mặt trên phẳng, mặt dưới lồi.
Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều ở biểu bì trên, rất ít ở biểu bì dưới, hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 1-4 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung liên tục hay chia thành 3 cụm, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai góc có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ. Li be quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ.
Vi phẫu lá [hình 22]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng và phẳng hoặc có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều trên cả 2 lớp biểu bì, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 1-2 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 23] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1.
Phiến lá [hình 24]: Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lông che chở và lông tiết ít gặp, hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân nhưng đa số là dạng lông che chở có chân ngắn. Lỗ khí kiểu dị bào rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài, mô xốp gồm những tế bào không đều, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình đa giác. Lông che chở hình sao còn nguyên hay gãy thành từng đoạn. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình hơi đa giác, vách hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh mô mềm. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài liên nhiệt đới. Ở nước ta, gặp từ Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tây, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế vào Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Mọc rải rác ven rừng, trên các bãi hoang, lùm bụi, ven đường có độ cao tới 1000 m. Ra hoa quả tháng 4-7, nhưng hầu như quanh năm.

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá, hoa và quả (Radix, folium, flos et fructus Solani torvi).

Thành phần hóa học: 

Quả chứa một lượng nhỏ stirosterol, một dầu béo và một alkaloid gần như solasonin. Chứa glycosid steroid là jurubin, torvamin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ được dùng làm thuốc trị đau vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương, đau dạ dày, đau răng, bế kinh và ho mạn tính. Lá giã đắp trị đinh nhọt và viêm mủ da. Người bị bệnh tăng nhãn áp không được dùng. Quả xanh có thể dùng chế bột cà ri.

Hình đính kèm
Cây
lôi cuốn lá
Cụm hoa
Hoa
Nhị
hạt phấn
bầu
vòi nhụy
Quả
Vi phẫu rễ
Bần
dạng cát
chiếm tâm
Gỗ 1
các mô
Lông che chở
Lông tiết
Vùng vỏ
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Vi phẫu lá
Libe và gỗ
Phiến lá

Bộ Cà phê (Rubiales)

Họ Cà phê (Rubiaceae)

Chi Borreria

Loài Borreria articularis (L. f.) F. N. Will. (Cây Ruột Gà Có Khớp)

Tên
Tên khác: 

Ruột gà

Tên khoa học: 

Borreria articularis (L. f.) F. N. Will.

Tên đồng nghĩa: 

Spermacoce articularis L. f.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Shaggy Buttonweed.

Mẫu thu hái tại: 

huyện Cần giờ, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6-2009.

Số hiệu mẫu: 

RG 0609

Thân [hình 1] cỏ, mọc đứng, đoạn gần gốc hơi sà. Thân non [hình 2] màu xanh, thân già [hình 3] màu nâu tím; tiết diện vuông, cạnh như có cánh. Trên thân có lông, rất nhiều ở 4 cánh, lông màu trắng, ngắn. Lá [hình 4] đơn, mọc đối. Phiến lá hình bầu dục, đầu nhọn, hơi tròn ở gốc, dài 2-2.6 cm, rộng 1-1.5 cm, mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, bìa phiến nguyên. Gân lá hình lông chim, 3-4 cặp gân phụ, rõ ở mặt dưới. Hai mặt lá có lông ngắn nhưng mặt dưới rất nhiều ở các gân lá. Cuống lá dài 1-2 mm, dẹp, màu xanh nhạt. Lá kèm [hình 5] là một phiến gồm có 2 phần: phía dưới là một phiến mỏng dài 1-2 mm, có nhiều lông màu trắng ở bề mặt; phía trên chia thành 5 tơ nhọn, dài 3-5 mm, các tơ ở giữa dài hơn các tơ hai bên. Tại mỗi mấu lá: 2 cuống lá mọc đối dính với phần dưới của 2 lá kèm tạo thành một chén [hình 6] bao lấy cụm hoa. Cụm hoa [hình 7]: Chụm 2-7 hoa ở nách lá nhưng nở không đều nhau. Hoa [hình 8] đều, lưỡng tính, mẫu 4, màu tím nhạt, không cuống Lá bắc và lá bắc con dạng sợi, mảnh, màu trắng, dài 5 mm. Lá đài 4, đều, hơi dính ở đáy, dạng vảy, thuôn dài 2 mm, đầu nhọn, có nhiều lông, một gân giữa; tiền khai van. Cánh hoa 4, màu tím nhạt; ống tràng dài 1.5 mm, màu trắng, hơi loe ở họng; 4 tai hình bầu dục, nhọn ở đỉnh, dài 2-2.5 mm, màu tím nhạt, trên mỗi tai có một gân giữa màu trắng và hai sọc tím đậm ở hai bên, mặt ngoài giữa mỗi tai có một lằn lông [hình 9] màu trắng; tiền khai van. Nhị [hình 10] 4, đều, rời, đính ở họng tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị màu trắng, nhẵn, dài 1 mm; bao phấn hình bầu dục, màu trắng ngà, dài bằng 1/2 chỉ nhị, 2 ô, nứt dọc, đính giữa, hướng trong. Hạt phấn [hình 11] rời, màu vàng nhạt, hình cầu, đường kính 58-68 m, có rãnh dọc và nhiều lỗ nảy mầm. Lá noãn [hình 12] 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ, mặt ngoài bầu có lông. Vòi nhụy [hình 13] 1, dạng sợi mảnh, màu trắng, nhẵn, dài 4.5 mm; đầu nhụy 2, hình khối, màu trắng, ngắn, nhiều gai nạt. Đĩa mật hình khoen, màu xanh nhạt trên đỉnh bầu. Quả [hình 14] nang, hình bầu dục, kích thước 5x2.5 mm, có nhiều lông trắng ở mặt ngoài, đài tồn tại. Vỏ quả non màu xanh, khi già màu vàng nâu. Hạt [hình 15] 1 trong mỗi ô, hình bầu dục, kích thước 3x1.5 mm; non màu trắng, già màu nâu vàng, mặt trên hơi phồng, mặt dưới có rãnh dọc to. Quan sát dưới kính hiển vi quang học độ phóng đại 40 lần, mặt trên có nhiều vân [hình 16] giống như mô mềm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 17] tiết diên vuông, 4 góc có cánh ngắn. Biểu bì là những tế bào hình vuông, hơi tròn ở góc, kích thước khá đều, cutin răng cưa rõ, lỗ khí [hình 18] nằm cùng mức với biểu bì. Lông che chở đơn bào hay đa bào (2-3 tế bào) một dãy ở 4 cánh. Mô dày tròn [hình 19] gồm 1 lớp quanh thân và 3-4 lớp ở góc thân. Mô mềm vỏ đạo, 5-7 lớp tế bào, hình bầu dục nằm ngang, tế bào mô mềm ở cánh hình tròn, kích thước không đều. Nội bì [hình 20] khung Caspary rõ, tế bào hình chữ nhật hay đa giác. Trụ bì là 1 lớp tế bào kích thước nhỏ hơn, bằng 1/4-1/8 tế bào nội bì. Libe 1 xếp thành cụm nhỏ, tế bào hình đa giác. Libe 2 gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, dẹp, vách uốn lượn. Vùng gỗ [hình 21] gồm 9-10 lớp tế bào; mạch gỗ 2 ít, hình đa giác, tập trung ở 4 góc thân. Gỗ 1 nhiều, gồm 2-3 mạch gỗ, kích thước khá to, ly tâm rõ. Mô mềm tủy [hình 22] đạo, hình tròn hay đa giác, kích thước không đều. Tinh thể calci oxalat hình kim và hình cầu gai rải rác trong mô mềm vỏ và tủy.
Vi phẫu lá [hình 23]: Gân giữa: Biểu bì trên lõm, tế bào biểu bì trên hình chữ nhật, biểu bì dưới hơi tròn, kích thước khá bằng nhau, cutin có răng cưa, ít lông che chở đơn bào. Mô dày tròn gồm 1-2 lớp tế bào ở dưới biểu bì trên và ở trên biểu bì dưới. Mô mềm đạo, tế bào hơi có góc cạnh, kích thước không đều nhau, rải rác có tinh thể calci oxalat hình khối. Cung libe gỗ [hình 24] gồm nhiều dãy mạch gỗ ở trên (mỗi dãy gồm 2-4 mạch), mạch gỗ hình đa giác, vách tẩm lignin xen kẽ với các tia gỗ vách còn cellulose; libe ở phía dưới gỗ, vách tế bào uốn lượn; mô dày góc bao quanh gỗ và libe. Phiến lá [hình 25]: Biểu bì trên là những tế bào gần vuông, kích thước không đều, cutin răng cưa mỏng. Mô mềm giậu gồm 2 lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác, lớp dưới bằng 2/3 kích thước lớp trên; có những tế bào mô mềm giậu kích thước khá lớn bên trong chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mô mềm khuyết tế bào hình tròn, hình bầu dục hay hình đa giác xếp khá lỏng lẻo. Tế bào biểu bì dưới hình chữ nhật dài, nhỏ, kích thước bằng 1/4 tế bào biểu bì trên, cutin răng cưa mỏng; lỗ khí nhiều. Lông che chở đơn bào hay đa bào một dãy, 2-3 tế bào. Tinh thể [hình 26] calci oxalat hình cầu gai hay hình kim tập trung thành từng bó trong tế bào ở phần thịt lá.
Vi phẫu rễ [hình 27]: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng. Mô mềm vỏ đạo, 7-8 lớp tế bào hình đa giác hay bầu dục nằm ngang, tinh thể calci oxalat hình kim thành bó nằm rải rác. Libe 1 rõ, libe 2 gồm 5-6 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ [hình 28] nhiều, khá to, hình bầu dục hay hình đa giác.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Lông che chở đơn bào ít, lông đa bào một dãy 2-3 tế bào nhiều, vách mỏng. Mảnh biểu bì thân tế bào hình đa giác thuôn dài có lỗ khí. Mảnh biểu bì trên [hình 29] và dưới của lá tế bào hình đa giác, vách tế bào biểu bì dưới [hình 30] hơi uốn lượn, lỗ khí kiểu song bào khe hẹp. Mảnh mô giậu tế bào nhỏ. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa tròn, nhiều lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt tế bào hình chữ nhật, vách hơi uốn lượn. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch [hình 31] xoắn, mạch vạch, mạch mạng [hình 32]. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 33], hình cầu gai, hình khối. Nhiều hạt tinh bột. Mảnh bần [hình 34] tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ấn Độ, Sri Lanka, Đông Nam Á và Trung Quốc. Thường mọc ở ven lộ, đất đỏ, nơi nhiều cát, sỏi.

Bộ phận dùng: 

Rễ (Radix Borreriae articularis).

Thành phần hóa học: 

Triterpenoid: 3-acetoxy-olean-12-en-29-oic acid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Dịch chiết toàn cây trên mặt đất của Borreria articularis có tác dụng kháng E. coli, Vibrio cholerae, Aspergillus ustus, A. ochraceus.
Công dụng: Rễ dùng trị sốt, cành trị đau mắt.

Hình đính kèm
Thân
Thân non
thân già
Lá
Lá kèm
Cụm hoa
Hoa
lằn lông
Nhị
Hạt phấn
Lá noãn
Vòi nhụy
Quả
Hạt
nhiều vân
Vi phẫu thân
lỗ khí
Mô dày tròn
Nội bì
Vùng gỗ
Mô mềm tủy
Vi phẫu lá
Cung libe gỗ
Phiến lá
Tinh thể
Vi phẫu rễ
mạch gỗ
biểu bì trên
biểu bì dưới
Mảnh mạch
mạch mạng
hình kim
Mảnh bần

Chi Gardenia

Loài Gardenia augusta (L.) Merr. (Gardenia jasminoides Ellis) (Cây Dành Dành)

Tên
Tên khác: 

Chi tử, Mác làng cương (Tày)

Tên khoa học: 

Gardenia augusta (L.) Merr. (Gardenia jasminoides Ellis)

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Cape jasmine (Anh)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 04 năm 2009, tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cây bụi [hình 1], cao 1-2 m. Thân có tiết diện tròn, thân thật non có màu xanh, thân già có màu nâu đen và có những nốt sần. Lá đơn, mọc đối hay mọc vòng 3. Phiến lá hình thon ngược, dài 5-12 cm, rộng 1,5–4 cm, bìa phiến nguyên, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, gân giữa màu trắng. Cuống lá rất ngắn 0,2-0,4 cm, mặt trên phẳng, mặt dưới lồi, màu xanh. Lá kèm [hình 2] của 2 lá mọc đối dính thành 1 ống cao 0,3 cm bao quanh thân, phía trên xẻ thành 1 phiến hình tam giác mỏng cao 0,5 cm, màu xanh nhạt, có các gân song song. Hoa [hình 3] to, mọc riêng lẻ ở ngọn cành hay chỗ phân nhánh của thân. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 6, rất thơm. Cuống hoa nhẵn, ngắn có 6 cạnh lồi, dài 0,2-0,3 cm, màu xanh. Lá bắc là lá thường. Lá đài 6, đều, màu xanh lục, dính nhau ở phía dưới tạo thành 1 ống cao 0,8 cm, thuôn dần về phía dưới; phía trên chia thành 6 thùy thuôn nhọn, cao 1-1,2 cm, rộng 0,2-0,3 cm. Mỗi lá đài có 1 sóng giữa chạy dọc xuống bầu noãn và cuống hoa. Tiền khai van. Đài tồn tại. Cánh hoa 6, đều, dính nhau ở phía dưới tạo thành ống tràng hình đinh cao 5 cm, nhẵn, màu xanh lục nhạt, đỉnh ống tràng; phía trên chia thành 6 thùy, mỗi thùy có hình bầu dục đầu trmàu trắng kích thước 3,2 x 1,5 cm, màu trắng, đỉnh mặt dưới mỗi thùy có màu ngà vàng. Tiền khai vặn cùng chiều kim đồng hồ. Nhị 6, đều, rời, đính trên miệng ống tràng, xen kẽ cánh hoa, chỉ nhị dạng sợi rất ngắn 0,1 cm, màu trắng ngà. Bao phấn thuôn dài, 1,7-1,8 cm, mặt bụng màu vàng, mặt lưng màu trắng, đỉnh màu trắng; 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Khi hoa nở bao phấn cong queo và ép sát các thùy của cánh hoa. Hạt phấn [hình 4] rời, màu vàng, chia 3 thùy, kích thước 37,5-50 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu [hình 5] dưới 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, bầu noãn màu xanh nhạt có 6 sóng dọc. 1 vòi nhụy hình trụ, màu trắng, nhẵn, đính ở đỉnh bầu, dài gần 4 cm; 1 đầu nhụy hình chùy màu vàng nhạt, chia 2 thùy, trên đầu nhụy có những đường gân dọc. Đĩa mật [hình 6] dạng khoen màu vàng nhạt bao quanh gốc vòi nhụy. Quả [hình 7] mọng, hình thoi, dài 1,8 cm, đường kính 0,6 cm, màu vàng cam, có 6 sóng dọc màu vàng xanh. Đỉnh quả có 6 lá đài tồn tại. Cuống ngắn 0,3 cm, cũng có 6 sóng dọc màu xanh. Hạt dẹt, nhiều, màu nâu đỏ, kích thước 3 x 2 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 8]
Vi phẫu hình gần tròn ở thân non hoặc bầu dục ở thân già. Biểu bì tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau. Bần gồm 2 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm, lớp tế bào ngoài cùng kích thước lớn gấp 3-4 lần lớp tế bào bên trong, vách phía ngoài tẩm chất bần dày; lục bì là 1-2 lớp tế bào vách bằng cellulose. Mô dày tròn, 3-4 lớp tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước không đều nhau. Mô mềm vỏ khuyết, 8-9 lớp tế bào gần tròn, bầu dục hoặc hơi đa giác xếp lộn xộn, vách dày bằng cellulose. Trụ bì hóa mô cứng thành 1 vòng không liên tục ở thân non, liên tục ở thân già, 1-3 lớp tế bào hình đa giác hoặc gần tròn, kích thước bằng 1/2-1/3 tế bào mô mềm vỏ. Hệ thống dẫn gồm có: libe 1 xếp thành từng cụm; libe 2: 3-4 lớp tế bào xếp xuyên tâm; gỗ 2: mạch gỗ xếp thành từng dãy xen kẽ 1-2 dãy tế bào mô mềm gỗ; gỗ 1 phân bố thành từng cụm, mỗi cụm 5-10 bó. Mô mềm tủy khuyết, tế bào gần tròn hay đa giác vách dày bằng cellulose, kích thước không đều nhau, lớn gấp 2 lần tế bào mô mềm vỏ, 1-4 lớp tế bào mô mềm tủy dưới gỗ 1 hóa mô cứng thành từng cụm ở thân non, thành 1 vòng liên tục ở thân già. Có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai [hình 9] trong mô mềm vỏ và mô mềm tủy, tinh thể calci oxalat hình khối [hình 10] sát tế bào trụ bì.
Vi phẫu lá [hình 11]:
Gân giữa: mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, tế bào biểu bì trên kích thước lớn gấp 2-3 lần tế bào biểu bì dưới. Mô dày tròn, 3-4 lớp tế bào hình đa giác, có kích thước lớn ở biểu bì trên và nhỏ hơn ở biểu bì dưới; ở biểu bì trên mô dày chỉ có ở phần giữa của gân lá, 2 bên cụm mô dày là các tế bào mô mềm chứa lục lạp. Mô mềm khuyết ở 2 bên và trong vòng libe gỗ, tế bào hình đa giác hoặc gần tròn, kích thước không đều nhau; vùng mô mềm khuyết phía dưới vòng libe gỗ tế bào bị ép dẹp hơn. Vòng libe gỗ hình bán nguyệt với gỗ ở trong, libe ở ngoài. Trong vòng libe gỗ có 2-3 cụm libe gỗ nhỏ với gỗ ở trên, libe ở dưới; mô dày góc, tế bào hơi đa giác kích thước không đều nhau. Trụ bì hóa mô cứng tạo thành một vòng không liên tục, 1-2 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác vách dày, kích thước nhỏ. Trên một số vi phẫu lá, phía ngoài vòng trụ bì là 1-2 lớp tế bào mô dày góc hình đa giác, kích thước bằng tế bào mô dày góc trong vòng libe gỗ.
Phiến lá [hình 12]: tế bào biểu bì trên lớn gấp 4-5 lần tế bào biểu bì dưới, rải rác có lỗ khí ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu, 2-3 lớp tế bào hình thuôn dài. Mô mềm khuyết tế bào hình tròn, đa giác hoặc bầu dục. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong mô mềm khuyết và mô mềm giậu; những tế bào mô mềm giậu chứa tinh thể calci oxalat có hình gần tròn, kích thước lớn gấp 2-3 lần tế bào mô mềm giậu khác. Trong mô mềm khuyết có các bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới, bao xung quanh là lớp tế bào mô dày góc.
Vi phẫu cuống lá [hình 13]:
Mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Mô dày tròn, 3-4 lớp tế bào gần tròn hoặc đa giác. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác kích thước, không đều nhau và lớn hơn tế bào mô dày tròn, xếp lộn xộn, vách dày bằng cellulose; vùng mô mềm khuyết dưới cung libe gỗ có kích thước lớn hơn vùng phía trên cung libe gỗ. Cung libe gỗ với gỗ ở trên, libe ở dưới; bao xung quanh cung libe gỗ là mô dày tròn, 1-3 lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước nhỏ hơn mô dày tròn ở dưới biểu bì. 3-4 bó libe gỗ phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới, bao xung quanh là lớp mô dày góc. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong mô mềm khuyết, rải rác trong mô dày.
Vi phẫu quả [hình 14]:
Vi phẫu quả có hình sao. Vỏ quả ngoài 1 lớp tế bào hình thuôn dài. Vỏ quả giữa gồm 2 phần: phần ngoài là 4 – 5 lớp tế bào mô dày góc, tế bào hình chữ nhật, kích thước bằng hoặc lớn hơn tế bào vỏ quả ngoài; phần trong gồm nhiều lớp tế bào hình bầu dục hoặc đa giác sắp xếp chừa những khuyết nhỏ, có chứa nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Trong vùng vỏ giữa có các bó libe gỗ [hình 15] sắp xếp lộn xộn. Mỗi bó có cấu tạo với gỗ ở trong, libe ở ngoài, hay gỗ ở dưới libe ở trên, bao xung quanh là 3-4 lớp tế bào mô dày góc. Một số bó libe gỗ có tế bào mô dày góc hoá mô cứng. Vỏ quả trong, gồm 2-3 lớp tế bào mô cứng vách dày, hình đa giác.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột quả [hình 16] thô, màu đỏ cam.
Thành phần: sợi [hình 17] xếp thành từng đám hay riêng lẻ. Tế bào mô cứng riêng lẻ có 2 loại: tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ, khoang hẹp; tế bào hình đa giác lớn hơn, khoang rộng, vách tương đối dày. Đám tế bào mô cứng ở vỏ quả [hình 18], tế bào hình chữ nhật, hình tròn hay đa giác, kích thước 40-75 x 17,5-30 µm; khoang chứa những tinh thể calci oxalat hình lăng trụ [hình 19] kích thước 8-15 µm. Đám tế bào mô cứng ở vỏ hạt [hình 20] màu vàng hoặc nâu nhạt, hình đa giác dài, hình chữ nhật, có khoang màu đỏ nâu và những lỗ, kích thước 80-175 µm x 30-62,5 µm. Mảnh vỏ quả ngoài và giữa gồm những tế bào hình đa giác hay bầu dục vách mỏng. Mảnh nội nhũ [hình 21]. Mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, kích thước 25-30 µm. Hạt tinh bột [hình 22] hình bầu dục, tròn hay đa giác, tễ rõ hay không rõ, kích thước 12,5- 20 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi và châu Á. Ở Việt Nam cây mọc khắp các tỉnh đồng bằng và trung du.
Mùa ra hoa: tháng 5-7, mùa ra quả: tháng 7-10.

Bộ phận dùng: 

Quả (fructus Gardeniae), thường dùng với tên Chi tử

Thành phần hóa học: 

Quả Dành dành chứa các iridoid glycosid: gardosid, shanzhisid, geniposid, acid geniposidid, geniposid, genipingentiobiosid, scandosid methylester, desacetylasperulosid methyl ester, gardenosid. Các chất 5-hydroxygeniposid, và 10-acetylgeniposid. Các acid hữu cơ: acid picrocrocinic, acid 3-cafeoyl-4-sinapoyl quinic. Các sắc tố -crosin, -crocetin.
Lá chứa một chất iridoid là cerbinal.
Hoa chứa steroid: acid gardenoic B ; 2 cycloartan triterpenoid: acid gardenic và acid gardenolic B. Tinh dầu: benzyl acetat, hydroxycentronenlal và eugenol.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Quả Dành dành dùng chữa: viêm gan nhiễm trùng vàng da, sốt, bồn chồn, khó ngủ, vàng da, huyết nhiệt, tiểu tiện khó khăn, mắt đỏ đau, miệng khát. Quả Dành dành sao đen có tác dụng chỉ huyết, lương huyết dùng chữa chảy máu cam, nôn ra máu.
Bài thuốc có Dành dành chữa viêm gan vàng da vàng mắt: Nhân trần 30g, Chi tử 12g, vỏ Đại 10g.
Bài thuốc chữa viêm gan nhiễm trùng vàng da: Chi tử 9g, Nhân trần 18g, Đại hoàng 6g, sắc uống

Hình đính kèm
Cây bụi
Lá kèm
Hoa
Hạt phấn
bầu
Đĩa mật
Quả
Vi phẫu thân
hình cầu gai
hình khối
Vi phẫu lá
Phiến lá
Vi phẫu cuống lá
Vi phẫu quả
bó libe gỗ
Bột quả
sợi
tế bào mô cứng ở vỏ quả
calci oxalat hình lăng trụ
tế bào mô cứng ở vỏ hạt
Mảnh nội nhũ
Hạt tinh bột

Chi Hedyotis

Loài Hedyotis corymbosa (L.) Lam. (Cây Lưỡi Rắn)

Tên
Tên khác: 

Cóc mẵn, Lưỡi rắn, Bòi ngòi ngù, Vỏ chu, Vương thái tô, Đơn dòng, Đơn thảo, Xương cá, Nọc sởi, Mai hồng, An điền, Xà thiệt thảo, Tán phòng hoa nhĩ thảo

Tên khoa học: 

Hedyotis corymbosa (L.) Lam.

Tên đồng nghĩa: 

Oldenlandia corymbosa L.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Hedyotis à fleur diamant, Flat-top mille graines, Diamond flower

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2009

Số hiệu mẫu: 

LR 0409

Thân [hình 1] cỏ, hơi mập, mọc sà, phân nhánh nhiều, dài 30-40 cm, không lông. Thân non tiết diện vuông, màu xanh hay nâu tím; thân già tiết diện tròn, màu nâu.
[hình 2] đơn, mọc đối. Phiến lá thuôn hẹp, hai đầu nhọn, dài 2-4 cm, rộng 4-8 mm, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn; bìa lá nguyên. Gân lá hình lông chim, chỉ có gân chính nổi rõ, các gân phụ khó thấy bằng mắt thường nhưng có thể thấy được qua kính lúp. Cuống lá ngắn, mép lá men dần xuống cuống. Lá kèm [hình 3] là một phiến mỏng, màu trắng trên chia 4-5 tơ, trong đó 2 tơ bìa dài khoảng 1.5-2 mm, các tơ giữa ngắn hơn.
Cụm hoa [hình 4] là xim mang 2-4 hoa ở nách lá đôi khi ở ngọn cành. Hoa màu trắng [hình 5] hay tím nhạt [hình 6]. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4 [hình 7]. Cuống hoa dài 2-10 mm. Lá bắc và lá bắc con màu xanh, dạng vảy dài 0.5 mm. Lá đài 4, màu xanh, hơi dính nhau ở phía dưới, trên chia 4 thùy hình tam giác hẹp, dài khoảng 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 4, ống tràng cao 1-2 mm; 4 tai thuôn dài, đầu nhọn dài bằng ống tràng; tiền khai van. Phía trong họng tràng [hình 8] có nhiều lông dài, màu trắng. Nhị [hình 9] 4, rời, đính ở đáy ống tràng, xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dài bằng bao phấn; bao phấn hình bầu dục, màu nâu, 2 ô, đính giữa, hướng trong, nứt dọc. Hạt phấn [hình 10] rời, nhỏ, tròn, đường kính 20-25 μm, màu trắng ngà, có 1-3 lỗ nảy mầm. Lá noãn [hình 11] 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô chứa nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn rất lồi. Vòi nhụy [hình 12] 1, rất ngắn, màu trắng; đầu nhụy 2, màu vàng có nhiều gai nạc.
Quả [hình 13] nang, cao 1.5-2 mm, rộng 2-3 mm, có 2 thùy cạn, mặt ngoài có 4 gân, đài tồn tại. Quả lúc non màu xanh, lúc già màu vàng nhạt.
Hạt [hình 14] nhiều, nhỏ, màu nâu vàng, kích thước 0.4x0.3 mm. Quan sát dưới kinh hiển vi độ phóng đại 100 lần thấy hạt hình bầu dục hơi có góc cạnh hay hình nón [hình 15], trên bề mặt hạt có nhiều vân hình đa giác.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 16] có 4 cạnh, 2 cạnh phẳng và 2 cạnh hơi lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, có lỗ khí [hình 17] rải rác; lớp cutin [hình 18] khá dày, có răng cưa cạn. Mô dày tròn ít, nằm ở 4 góc thân. Mô mềm vỏ là mô mềm đạo, gồm 6-8 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, kích thước không đều, vách mỏng; rải rác có các tinh thể calci oxalat [hình 19] hình kim riêng lẻ hay tập trung thành bó. Nội bì [hình 20] là một lớp tế bào hơi dẹp, khá đều ở thân non và trưởng thành; đai Caspary chỉ thấy rõ được ở đoạn thân già. Trụ bì gồm 1 lớp tế bào kích thước nhỏ, xếp xen kẽ nội bì; tuy nhiên có một vài vị trí lớp trụ bì không rõ, khi đó các cụm libe 1 áp sát nội bì. Libe 1 xếp thành từng cụm, tế bào có kích thước nhỏ, không đều, vách uốn lượn. Libe 2 gồm 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp khá đều. Gỗ 2 [hình 21] khá nhiều, mạch gỗ gần tròn hay bầu dục, tập trung ở 2 cạnh phẳng, 2 cạnh lồi chỉ có một vài mạch gỗ; tia gỗ nhiều, 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 rất nhiều, phân hóa ly tâm rất rõ, nằm phía dưới vùng có nhiều mạch gỗ 2, mỗi bó gồm 2-3 mạch gỗ. Các tế bào mô mềm tủy [hình 22] tròn hay bầu dục, kích thước không đều, càng vào trong càng to dần, xếp chừa những đạo nhỏ; tinh thể calci oxalat hình khối [hình 23] ít.
Vi phẫu lá [hình 24]: Gân giữa: Mặt trên lõm, tế bào biểu bì gần vuông hay bầu dục đứng, xếp sát nhau. Mặt dưới lồi và tròn, kích thước tế bào biểu bì không đều, hơi lớn hơn tế bào biểu bì trên, cutin có răng cưa cạn, đôi khi có lông che chở đơn bào ngắn, rộng. Tế bào mô mềm to, hình đa giác hay gần tròn, xếp chừa những đạo hoặc khuyết nhỏ. Cung libe gỗ [hình 25] hướng về phía dưới, libe ở dưới, gỗ ở phía trên. Các dãy mạch gỗ xen kẽ với mô mềm gỗ vách còn cellulose. Phía trên gỗ và phía dưới libe có một ít mô dày góc.
Phiến lá [hình 26]: Tế bào biểu bì trên rất to, hình chữ nhật hay gần vuông, tròn ở cạnh dưới, cutin mỏng; rải rác có lông che chở đơn bào ngắn. Mô mềm giậu có 1 lớp tế bào, hình bầu dục, ngắn, phía dưới mỗi tế bào biểu bì có khoảng 4-7 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết cấu tạo bởi những tế bào thuôn, hơi có góc cạnh, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết to; rải rác có các bó tinh thể calci oxalat hình kim nằm trong tế bào. Tế bào biểu bì dưới nhỏ, bằng 1/5-1/10 tế bào biểu bì trên, lỗ khí nhiều.
Vi phẫu rễ [hình 27]: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ đạo, 4-5 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, các bó tinh thể calci oxalat hình kim và tinh thể calci oxalat hình khối nằm rải rác. Libe 1 rõ, thành từng cụm, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Libe 2 nhiều, 6-7 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 28]; mạch gỗ rất nhiều, kích thước không đều, hình tròn hay bầu dục.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân [hình 29] tế bào hình đa giác hơi thuôn dài. Mảnh biểu bì trên tế bào hình chữ nhật hay đa giác vách hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới [hình 30] tế bào có vách uốn lượn nhiều, mang lỗ khí kiểu song bào. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa [hình 31] tròn, có 1-3 lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch gồm nhiều loại: mạch xoắn [hình 32], mạch vòng, mạch vạch [hình 33], mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 34], hình khối [hình 35]. Mảnh bần [hình 36] là những tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài phân bố khắp nơi, thường gặp ở sân vườn, đất nghèo, bình nguyên đến độ cao 300 m. Trên thế giới vùng phân bố của cây bao gồm hầu hết các nuớc trong khu vực có khí hậu nhiệt đới ở Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Xri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào và đảo Hải Nam, Trung Quốc; còn có ở Châu Phi và Châu Mỹ. Cây ưa sáng và ẩm, thường mọc thành đám trên các bãi đất hoang, vườn, ruộng cao và nương rẫy. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, sinh trưởng và phát triển nhanh trong vụ hè thu và tàn lụi trước mùa đông. Cây ra hoa nhiều, khi quả già tự mở để phát tán hạt ra xung quanh.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Hedyotidis corymbosae). Rửa sạch, dùng tươi, phơi khô hay sao vàng.

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất chứa deacetylasperulosid, asperulosid, acid asperulosidic, acid deacetylasperulosidic, 10-O-benzoyldeacetyl asperulosidic methyl ester, scandosid methyl ester, 10-O-benzoyl scandosid methyl ester, 10-O-p. hydroxylbenzoyl scandosid methyl ester, 10-O-pcoumaroyl scandosidmethyl ester (Otsuka Heideoki và cs, 1991). Theo “Trung dược từ hải”, tập I, 1993 cây có chứa corymbosin, asperulosid, acid geniposidic, scandosid, asperglavcid. Ngoài ra trong lá còn chứa rất nhiều vitamin C.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Toàn cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; acid geniposidic trong cây có tác dụng tẩy xổ.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, cây được dùng tươi để giải độc, chữa rắn cắn rất có hiệu quả. Khi bị rắn độc cắn, lập tức đặt garô phía trên vết rắn cắn cho nọc độc khỏi lan nhanh vào tuần hoàn của cơ thể, tiếp đó lấy một sợi tóc căng thẳng gạt đi gạt lại trên bề mặt vết thương để làm bật những răng phụ của rắn còn cắm trong da, nặn cho máu chảy ra. Sau đó lấy 100 g cây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống, dùng bã đắp lên vết thương, băng lại, khi uống thuốc nên cởi dây garô. Ngày uống 2-3 lần. Những lần sau tăng liều lượng lên 200 g. Sau khi uống thuốc, người bị nạn thấy đỡ đau nhức, ngủ được.
Ngoài tác dụng chữa rắn cắn, cây còn chữa sốt cao, sốt cách nhiệt, đau nhức xương, thấp khớp. Ở Đài Loan, cây cũng được dùng làm thuốc hạ sốt. Ở Philipines, dùng làm thuốc kiện vị, bổ thần kinh và chữa đau răng. Ở Malaysia, cây được giã nát, đắp ngoài để là lành vết thương. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, cây được dùng như một vị thuốc cổ truyền để chữa các rối loạn về gan, đau lá lách và sưng gan, vàng da. Các nghiên cứu gần đây cho thấy H. corymbosa có tác dụng bảo vệ gan chống lại sự ngộ độc paracetamol. Ngoài ra, cây còn chữa sốt rét, ung thư ruột, bỏng, trị lãi; rễ trị đau dạ dày.

Hình đính kèm
Thân
Lá
Lá kèm
Cụm hoa
trắng
tím nhạt
mẫu 4
họng tràng
Nhị
Hạt phấn
Lá noãn
Vòi nhụy
Quả
Hạt
hình nón
Vi phẫu thân
lỗ khí
cutin
calci oxalat
Nội bì
Gỗ 2
mô mềm tủy
hình khối
Vi phẫu lá
Cung libe gỗ
Phiến lá
Vi phẫu rễ
chiếm tâm
biểu bì thân
biểu bì dưới
Hạt phấn hoa
mạch xoắn
mạch vạch
hình kim
hình khối
Mảnh bần

Loài Hedyotis diffusa Willd. (Cây Lưỡi Rắn Trắng)

Tên
Tên khác: 

Bạch hoa xà thiệt thảo, An điền lan, Bòi ngòi bò, Cỏ lưỡi rắn hoa trắng

Tên khoa học: 

Hedyotis diffusa Willd.

Tên đồng nghĩa: 

Oldenlandia diffusa (Willd.) Roxb.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Bai hua she she cao, Snake-needle grass.

Mẫu thu hái tại: 

Đồng nai, tháng 05-2009.

Số hiệu mẫu: 

LRT 0509

Thân [hình 1] cỏ, mọc bò, có đốt thưa. Thân non 4 cạnh, màu xanh hay nâu nhạt; thân già [hình 2] tiết diện tròn, màu nâu tím, thân càng già càng nâu đậm, bề mặt có nhiều nốt sần. Lá [hình 3] đơn, mọc đối. Phiến lá thuôn hẹp, đầu nhọn; dài 1.5-3 cm, rộng 1-3 mm, mặt trên màu xanh lục đậm và có nhiều chấm lốm đốm, mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá nguyên, hơi cuộn xuống phía dưới. Lá có một gân giữa nổi rõ ở mặt dưới, các gân bên không rõ. Không có cuống lá. Lá kèm [hình 4] là một phiến màu xanh nhạt, cao 1.5-2 mm; đỉnh chia 2-3 răng không đều, màu nâu nhạt. Hoa [hình 5] riêng lẻ hiếm khi 2 hoa ở nách lá. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa 1-5 mm, màu nâu. Bao hoa [hình 6]: Lá đài 4, màu xanh, mép và gân giữa màu nâu tím, hơi dính ở đáy; 4 thùy hình tam giác hay hình trứng nhọn ở đầu, dài 1 mm, bìa có rìa lông; tiền khai van. Cánh hoa 4, màu trắng hay phớt tím; ống tràng cao 2 mm, loe ở họng, bên trong không có lông; 4 thùy ngắn hơn ống tràng, hình bầu dục, đầu nhọn; tiền khai van. Nhị [hình 7] 4, đính ở gần họng tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị màu trắng, ngắn; bao phấn dài bằng chỉ nhị, màu trắng ngà, 2 ô, nứt dọc, đính giữa, hướng trong. Hạt phấn [hình 8] rời, màu vàng nhạt, hình cầu, đường kính 30-32 mm, có 1-3 lỗ nảy mầm, bề mặt có nhiều chấm tròn, chiết quang. Lá noãn [hình 9] 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn rất lồi. Vòi nhụy [hình 10] 1, màu vàng nhạt, nhẵn, dài 2 mm, đính trên đỉnh bầu. Đầu nhụy 2, màu trắng, thuôn dài, nằm sát nhau, dài tương đương vòi nhụy, có nhiều gai nạc. Quả [hình 11] nang; cuống màu tím ở gốc, màu xanh ở ngọn. Quả hình bán cầu hơi hẹp lại ở đỉnh, có 2 thùy cạn, cao 2-2.5 mm, rộng 3 mm, các lá đài tồn tại hơi tỏa ra nhưng không vuông góc với quả. Vỏ quả khi non màu xanh, khi già màu vàng nâu. Hạt [hình 12] nhiều, nhỏ, màu nâu vàng, hình dạng khác nhau: đa giác, trứng hay bầu dục có góc cạnh, kích thước 0.3x0.2 mm. Dưới kính hiển vi độ phóng đại 100 lần thấy bề mặt hạt có nhiều vân đậm hình đa giác.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 13] trưởng thành gần tròn. Biểu bì là những tế bào hình vuông hay hình chữ nhật, kích thước to và khá đều, có lỗ khí rải rác. Mặt ngoài biểu bì có lớp cutin răng cưa mỏng; lông che chở [hình 14] đơn bào to, ngắn, đầu tù, bề mặt có vết lấm tấm. Mô mềm vỏ [hình 15] là mô mềm đạo, gồm 3-4 lớp tế bào, hình tròn hay hình bầu dục nằm ngang, kích thước không đều, vách mỏng, có các tinh thể calci oxalat hình kim tập trung thành từng bó trong tế bào. Nội bì tạo thành vòng liên tục, tế bào hình chữ nhật hay đa giác, kích thước không đều, thân già thấy rõ đai Caspary [hình 16], lớp nội bì phát quang [hình 17] khi soi bằng ánh sáng huỳnh quang. Tế bào trụ bì kích thước nhỏ hơn nội bì. Libe 1 xếp thành từng cụm, tế bào nhỏ, vách uốn lượn. Libe 2 gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, dẹp, xếp khá đều. Vùng gỗ 2 [hình 18] gồm từ 5-7 lớp tế bào, mạch gỗ 2 to, hình đa giác, nằm rải rác; tia gỗ nhiều, tia libe tế bào có kích thước khá lớn. Bó gỗ 1 thường cấu tạo bởi 2-3 mạch gỗ, phân hóa ly tâm rõ; ít nằm phía dưới các mạch gỗ 2 mà thường có ở dưới vùng mô mềm gỗ cấp 2. Mô mềm tủy [hình 19] là những tế bào tròn hay hơi đa giác, kích thước không đều, xếp chừa những đạo nhỏ. Tinh thể calci oxalat hình khối hiếm.
Vi phẫu lá [hình 20]: Gân giữa: Mặt trên hơi lõm, tế bào biểu bì hình bầu dục đứng, cutin có răng cưa cạn. Biểu bì dưới tế bào gần tròn, nhỏ hơn tế bào biểu bì trên; lông che chở đơn bào ngắn, rộng, đầu hơi thuôn, bề mặt có nhiều chấm. Tế bào mô mềm to, hình đa giác, không đều, xếp chừa những đạo nhỏ. Cung libe gỗ hướng về phía dưới: gỗ ở trên, mạch gỗ hình đa giác, tia gỗ rõ; libe ở dưới. Mô dày góc nằm trên gỗ và phía dưới libe.
Phiến lá [hình 21]: Tế bào biểu bì trên rất to, hình vuông, bầu dục hay đa giác có cạnh. Mô mềm giậu gồm 2 lớp tế bào, lớp trên là những tế bào thuôn dài, lớp dưới xếp xen kẽ và có kích thước bằng 1/2 lớp trên. Mô mềm khuyết là những tế bào hình bầu dục hay tròn xếp chừa những khuyết nhỏ. Tế bào biểu bì dưới hình bầu dục hẹp, kích thước rất nhỏ so với tế bào biểu bì trên, có nhiều lỗ khí. Tinh thể calci oxalat hình kim và hình khối ít.
Vi phẫu rễ [hình 22]: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ. Mô mềm vỏ đạo, hình tròn hay bầu dục nằm ngang, có tinh thể calci oxalat hình kim thành từng bó nằm trong tế bào nhưng không nhiều. Libe 1 rõ, libe 2 ít. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ to, hình bầu dục hay đa giác nhưng không nhiều.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân gồm những tế bào hình đa giác thuôn dài, mang lỗ khí kiểu song bào. Mảnh biểu bì trên [hình 23] của lá tế bào hình đa giác, hơi dài, không có lỗ khí. Mảnh biểu bì dưới [hình 24] của lá, tế bào có vách uốn lượn, mang lỗ khí kiểu song bào, khe lỗ khí hẹp. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa tròn, có 1-3 lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt tế bào hình đa giác. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch gồm các loại: mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình kim, hình khối ít.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc, các nước nhiệt đới ở vùng Châu Á. Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bờ ruộng, vùng trung du và đồng bằng, nhất là vào tháng 6. Ra hoa quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa hè-thu, tháng7-9.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Hedyotidis diffusae) thường được gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo. Thu hái vào mùa hè, thu. Rửa sạch, phơi khô để dùng.

Thành phần hóa học: 

Cây có các flavonoid như: kaempferol, kaempferol 3-O-beta-D-glucopyranosid, kaempferol3-O-(6"-O-L-rhamnosyl)-beta-D-glucopyranosid, quercetin 3-O-beta-D-glucopyranosid và quercetin 3-O-(2"-O-beta-D-glucopyranosyl)-beta-D-glucopyranosid. Ngoài ra còn có acid urolic, b-sitosterol, stigmasterol, các iridoid glucosid như: 6-O-p-coumaroyl, 6-O-p-methoxycinnamoyl và 6-O-feruloyl ester của scandosid methyl ester.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tác dụng bảo vệ thần kinh trên chuột thử nghiệm. Cây có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân. Với nồng độ 0.5-1 g dược liệu/ml có tác dụng ức chế tế bào báng Ehrlich và tế bào carcinom. Cây còn có tác dụng ức chế hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Salmonella typhymurium TA 100 làm thí nghiệm. Ngoài ra, cây cũng kích thích sự tăng sinh của tế bào lách chuột, do đó người ta cho rằng dược liệu có khả năng điều hòa miễn dịch. Về tác dụng chống viêm, nước sắc H. diffusa tăng cường khả năng thực bào của hệ thống mô lưới - nội mô (reticulo endomethelium) và của tế bào bạch cầu.
Công dụng
Rất thông dụng với tên Bạch hoa xà thiệt thảo (Việt nam) hay Bai hua she she cao (Trung Quốc). Cây được sử dụng ở nước ta từ thời Tuệ Tĩnh, dùng chữa rắn cắn, sởi đậu, chống ung thư; trị lậu, máu xấu, thiếu mật, bao tử bị ung nhọt và bệnh, trị bệnh gan, hạch, ung thư... Ở Trung Quốc được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm amygdale, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu. Dùng ngoài, chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt, đau lưng, đau khớp. Còn dùng điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu. Ở Ấn Độ, cây dùng trị bệnh về gan mật, vàng da, sốt, lậu, máu xấu.
H. diffusa còn kết hợp với H. corymbosaMollugo pentaphylla dưới tên Peh-Hue-Juwa-Chi-Cao như một tác nhân chống khối u và dùng cho bệnh nhân ung thư sau xạ trị.
Bài thuốc có Bạch hoa xà thiệt thảo:
- Chữa viêm thận cấp có phù, nước tiểu có albumin: Bạch hoa xà thiệt thảo, Xa tiền thảo mỗi thứ 15 g, Mao căn 30 g, Sơn chi tử 9 g, Tô diệp 6 g. Sắc nước uống.
- Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo, Nhân trần, Kim tiền thảo mỗi thứ 30 g, làm thành thuốc uống.
- Chữa mụn nhọt, vết thương sưng đau: Bạch hoa xà thiệt thảo 30-60 g. Sắc nước uống.
- Chữa trẻ em kinh nhiệt (sốt, co giật), khó ngủ: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống mỗi lần một thìa canh, ngày 2-3 lần.
- Thuốc tiêm Bạch hoa xà thiệt thảo: Mỗi ống 2 ml, dung dịch trong, vàng đậm, dùng tiêm bắp, mỗi lần 2-4 ml, ngày 2 lần. Dùng chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm amygdale, viêm phổi, viêm túi mật, viêm ruôt thừa, còn dùng trị ung thư.

Hình đính kèm
Thân
thân già
Lá
Lá kèm
Hoa
Bao hoa
Nhị
Hạt phấn
Lá noãn
Vòi nhụy
Quả
Hạt
Vi phẫu thân
lông che chở
Mô mềm vỏ
đai Caspary
phát quang
gỗ 2
Mô mềm tủy
Vi phẫu lá
Phiến lá
Vi phẫu rễ
biểu bì trên
biểu bì dưới

Chi Morinda

Loài Morinda citrifolia L. (Cây Nhàu)

Tên
Tên khác: 

Nhàu núi, Nhàu lớn, Nhàu rừng

Tên khoa học: 

Morinda citrifolia L.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Great morinda, Indian Mulberry, Nunaakai (India), Dog Dumpling (Barbados), Mengkudu (Malaysia).

Mẫu thu hái tại: 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05-2007.

Số hiệu mẫu: 

N 0507

Cây gỗ đứng, cao 4-8 m. Cành non màu xanh [hình 1], tiết diện vuông, có rãnh, nhẵn; cành già tiết diện tròn, màu nâu xám. Lá [hình 2] đơn, mọc đối. Phiến lá to, hình bầu dục hai đầu thuôn nhọn; dài 15-30 cm rộng 10-15 cm. Lá màu xanh bóng đậm ở mặt trên [hình 3], mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá hơi dợn sóng. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới [hình 4], 6-7 cặp gân phụ. Cuống lá 1-2 cm. Lá kèm [hình 5] nằm giữa 2 lá mọc đối, hình xoan, cao 1-1,5 cm, màu xanh nhạt. Cụm hoa [hình 6] là đầu hình tròn hay hơi bầu dục, ở ngoài nách lá. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, nhẵn, dài 1-2 cm. Đáy cụm hoa có 3 phiến hẹp, dài 5-8 mm. Hoa [hình 7] đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đài hoa là một gờ tròn. Cánh hoa 5, ống tràng hình phễu, màu xanh nhạt, cao 7-12 mm; bên trong có nhiều lông trắng; 5 thùy dài khoảng 5-8 mm, màu trắng, hình bầu dục đầu nhọn, đỉnh có phụ bộ là một mấu nhỏ cong vào trong. Khi hoa nở các thùy cong xuống phía dưới; tiền khai van. Nhị 5, bằng nhau, rời, gắn ở phần loe của ống tràng xen kẽ với các cánh hoa, chỉ nhị rất ngắn. Bao phấn hình đầu tên, màu vàng nhạt, dài khoảng 4 mm; 2 ô, mở dọc, hướng trong, đính gốc. Hạt phấn rời, hình hình cầu, màu vàng nhạt. Lá noãn 2, ở vị trí trước sau, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô 1 noãn, đính trung trụ. Vòi và đầu nhụy [hình 8]: Vòi nhụy dạng sợi màu xanh nhạt, dài 5 mm; 2 đầu nhụy dạng phiến mỏng, dài 3 mm, màu xanh. Đĩa mật dày, hình khoen, màu vàng. Quả [hình 9] hạch kép do bầu noãn và một phần lá đài của các hoa trên cụm hoa dính nhau tạo thành. Quả còn non màu xanh nhạt, dài 5-7 cm, rộng 3-4 cm. Quả già màu ngà vàng, nhẵn bóng, mùi khai, trên quả còn vết tích các đĩa mật [hình 10]. Hạt [hình 11] nhiều, hình bầu dục, một đầu nhọn, màu nâu đen.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 12] hình vuông, biểu bì có lớp cutin dày. Mô dày góc (thân non) hay tròn (thân già) 4-5 lớp tế bào, liên tục quanh thân. Mô mềm vỏ đạo, tế bào hình bầu dục nằm ngang. Gỗ 2 khá nhiều, mạch gỗ to, mô mềm gỗ hóa sợi từng cụm, tế bào của tia gỗ khá rộng, thường xếp thành một dãy. Gỗ 1 rõ, mô mềm tủy phía dưới gỗ 1 thường bị hóa mô cứng, vùng phía trong vách tế bào vẫn còn cellulose. Tinh thể calci oxalat hình kim tập trung thành bó trong mô mềm vỏ, mô mềm tủy và libe 2.
Vi phẫu lá: Gân giữa [hình 13]: Biểu bì trên hơi lồi; tế bào kích thước nhỏ, cutin mỏng. Mô dày tròn với các tế bào hình đa giác khoảng 4-5 lớp nằm sát lớp biểu bì. Tế bào mô mềm đạo hình tròn, khá đều, vách mỏng. Hệ thống dẫn hình vòng cung, gỗ ở trên và libe ở dưới; Biểu bì dưới lồi nhiều. Phiến lá [hình 14]: Tế bào biểu bì khá to; cutin răng cưa. Mô mềm giậu chiếm phân nửa chiều dày thịt lá, gồm 1-3 lớp tế bào ngắn; rải rác có một số tế bào khá dài, bên trong chưa tinh thể calci oxalat hình kim xếp dày đặc. Mô mềm khuyết với những tế bào gần tròn xếp chừa những khuyết nhỏ, rải rác trong mô mềm khuyết cũng có tinh thể calci oxalat hình kim.
Vi phẫu rễ [hình 15]: Lớp bần dày; tế bào hình chữ nhật hẹp, vách mỏng. Tế bào mô mềm vỏ hình bầu dục xếp nằm ngang, chừa các đạo nhỏ. Libe 1 thành từng đám, libe 2 ít nhưng rất rõ. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ nhiều, kích thước không đều, hình đa giác, thường to; tia gỗ 1-2 dãy tế bào. Mô mềm gỗ hóa sợi thành cụm. Tinh thể calci oxalat hình kim nhiều trong mô mềm vỏ và libe.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột rễ màu vàng nâu, mịn gồm các thành phần: Mảnh bần. Sợi vách mỏng hay dày, có hay không có ống trao đổi. Mảnh mạch điểm [hình 16], mạch vạch [hình 17] to, tinh thể calci oxalat hình kim. Hạt tinh bột hình đa giác, thường chụm thành 3 hạt, tễ rõ. Bột quả màu nâu đậm, thô, thành phần gồm: Nhiều tinh thể [hình 18] calci oxalat hình kim, chiều dài từ 100-170 µm, riêng lẻ hay tập hợp thành bó. Rất nhiều sợi màu vàng [hình 19] xếp đan vào nhau thành những mảng to, đường kính sợi khoảng 20 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài của vùng nhiệt đới thuộc Châu Á và Châu Úc, còn phân bố ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây mọc hoang khắp nơi, cũng có khi được trồng. Cây thường dựa nước, có nhiều ở miền Nam, nhưng theo Petelot còn có ở miền Bắc, gần đây còn thấy ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ra hoa quanh năm, nhiều nhất là tháng 11-2, cho quả tháng 3-5.

Bộ phận dùng: 

Rễ, quả, lá và vỏ cây (Radix, Fructus, Folium et Cortex Morindae citrifoliae).

Thành phần hóa học: 

Lignans, polysaccharides, flavonoids, iridoids, acid béo, scopoletin, catechin, beta-sitosterol, damnacanthal, alkaloids. Rễ chứa moridin là một anthraquinoic kết tinh thành tinhthể hình kim, màu vàng cam, tan trong nước sôi và các chất kiềm, ít tan trong nước lạnh, không tan trong ether. Ngoài ra, còn có 1-metoxyrubiazin, moridon, alizarin và 1-oxy-2,3-dimetoxy anthraquinon. Lá cũng có moridin. Năm 1982, tác giả Đàm Trung Bảo (Đại học Dược Hà Nội) cho biết trong Nhàu có nhiều selenium.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ Nhàu được dùng chữa cao huyết áp, chữa nhức mỏi tay chân và đau lưng, sài uốn ván. Nhân dân thường dùng rễ để nhuộm đỏ vải, lụa. Lá Nhàu dùng chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt và nấu canh ăn cho bổ. Dùng ngoài giã đắp làm lành vết thương, vết loét, làm chóng lên da non. Dịch lá được dùng đắp trị bệnh viêm khớp gây đau nhức. Vỏ nấu nước dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ. Quả Nhàu chấm với muối ăn làm dễ tiêu hóa, còn dùng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới. Quả nướng chín ăn chữa kiết lỵ, ho hen, cảm, dùng tốt cho người bị bệnh tiểu đường và phù thũng.
Liều dùng : rễ cây 30-40 g, lá 8-10 g.
Đơn thuốc có Nhàu:
1. Chữa huyết áp cao: Dùng 30-40 g rễ Nhàu sắc uống hằng ngày, sau 15 ngày sẽ thấy kết quả, sau đó dùng bớt liều, uống liên tục vài tháng thì huyết áp ổn định. Có thể nấu thành cao, hoặc thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống.
2. Trị đau lưng, nhức mỏi chân tay: Rễ Nhàu hay quả Nhàu non, thái miếng, ngâm rượu uống dần, ngày uống một chén con.
3. Nhân dân thường dùng lá làm rau nấu canh lươn ăn cho bổ. Trẻ em cũng thường lấy quả để ăn.

Hình đính kèm
Cành non màu xanh
Lá
mặt trên
mặt dưới
Lá kèm
Cụm hoa
Hoa
Vòi và đầu nhụy
Quả
đĩa mật
Hạt
Vi phẫu thân
Gân giữa
Phiến lá
Vi phẫu rễ
mạch điểm
mạch vạch
tinh thể
sợi màu vàng

Chi Nauclea

Loài Nauclea orientalis L. (Cây Gáo Vàng)

Tên
Tên khác: 

Gáo nam

Tên khoa học: 

Nauclea orientalis L.

Tên đồng nghĩa: 

Cephalanthus orientalis L., Sarcocephalus coadunatas (Sm.) Druce, S. annamensis Dub. et Eberh., S. cordatus (Roxb.) Miq.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Leichhardt Tree, Kanluang, Canary Cheesewood

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, tháng 07-2008

Số hiệu mẫu: 

GV 0708

Cây gỗ to, cao đến 20m, phân nhánh nhiều. Thân non [hình 1] màu xanh chuyển dần sang nâu, tiết diện có 4 cạnh. Thân già màu xám trắng, tiết diện tròn. Gỗ vàng, cứng. Lá [hình 2] đơn, mọc đối. Phiến lá hình bầu dục; đáy lá tù hay hơi nhọn; dài 8-25 cm, rộng 4-16 cm; bìa lá nguyên. Lá non màu đỏ nâu chuyển dần sang xanh, lá già có màu xanh đậm ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới. Gân lá lông chim nổi rõ ở mặt dướí, 6-8 cặp gân phụ. Cuống lá dài 2-3 cm, lõm ở mặt trên, đường kính 2-4 mm, màu xanh tím khi non, chuyển thành màu xanh lúc già. Lá kèm hình xoan; cao 1-3,5 cm, rộng 0,8-3 cm, màu xanh nhạt; có nhiều gân dọc và một phụ bộ hình lưỡi ở đáy. Cụm hoa [hình 3] mang rất nhiều hoa màu vàng nhạt hay hơi trắng ngà, xếp dày đặc trên đế hoa phình to tạo thành đầu tròn. Đầu được mang trên một cuống màu xanh, tiết diện tròn, dài 2-4 cm. Hoa [hình 4] nhỏ, màu vàng nhạt hay trắng ngà, có mùi thơm. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4 hay 5. Lá đài 4 - 5, bằng nhau, màu vàng nhạt; ống đài rất ngắn; 4 thùy dày, cao khoảng 1mm, đỉnh phù to và có mang lông; tiền khai van. Cánh hoa [hình 5] 4 đôi khi 5, bằng nhau; ống tràng [hình 6] màu trắng; cao khoảng 7 mm, phía dưới hẹp phía trên loe dần ra đường kính 1-2 mm; 4 thùy màu vàng nhạt, hình bầu dục, cao 1,5-2 mm, phía trong có nhiều lông ngắn, màu trắng; tiền khai: 1 thùy nằm hoàn toàn bên trong, một thùy nằm bên ngoài, 2 thùy còn lại nửa trong nửa ngoài; đôi khi gặp kiểu tiền khai 2 thùy nằm ngoài, 2 thùy nằm trong. Nhị [hình 7] 4 đôi khi 5, bằng nhau, rời, đính ở họng tràng xen kẽ với các thùy của tràng hoa; chỉ nhị rất ngắn; bao phấn hình đầu tên, màu nâu, cao 1 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy; hạt phấn rời, hình tròn hay bầu dục, màu vàng. Lá noãn 2, dính thành bầu dưới 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính trung trụ; bầu màu trắng ngà, cao 2mm; vòi nhụy [hình 8] 1, dạng sợi màu trắng ngà dài 1-1,5 cm, thò ra khỏi tràng hoa; núm nhụy dày, màu trắng, hình bầu dục đầu nhọn, kích thước 2x1 mm. Quả kép mọng, đường kính 2-3 cm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 9] tiết diện 4 cạnh, góc tù. Biểu bì [hình 10] với lớp cutin mỏng, thẳng hay có răng cưa cạn. Dưới lớp biểu bì là 2-3 lớp tế bào mô mềm khuyết hình bầu dục xếp nằm ngang. Mô dày [hình 11] tròn 5-6 lớp tế bào liên tục quanh thân. Ống nhựa mủ [hình 12] vách dày, nằm rải rác trong lớp mô dày và lớp mô mềm dưới biểu bì. Mô mềm vỏ gồm những tế bào vách mỏng, hình tròn, xếp chừa các khuyết nhỏ. Trụ bì [hình 13] hóa mô cứng tạo thành từng cụm. Libe 1 [hình 14] là những đám tế bào xếp không thứ tự, kích thước không đều, rất rõ ngay dưới các cụm sợi trụ bì. Libe 2 [hình 15] khoảng 5-6 lớp tế bào xếp xuyên tâm. Gỗ 2 [hình 16] khá nhiều tạo thành vòng uốn lượn, mạch gỗ 2 to, tia gỗ thường được tạo bởi 1-2 dãy tế bào màu nâu. Gỗ 1 [hình 17] nhiều và rõ. Mô mềm tủy khuyết, gồm những tế bào to, hình tròn hay bầu dục. Tinh thể calci oxalat dạng cát [hình 18] rất nhiều trong tế bào mô mềm tủy, ít hơn trong mô mềm vỏ và libe. Có thể gặp calci oxalat kết tinh ở dạng cầu gai [hình 19] nhưng hiếm.
Lá: Gân giữa [hình 20]: Lồi ở 2 mặt nhưng nhiều hơn ở mặt dưới. Biểu bì có cutin dày, tế bào biểu bì trên to gấp 2-3 lần tế bào biểu bì dưới. Mô dày góc 6-8 lớp tế bào, nằm sát lớp biểu bì. Tế bào mô mềm gần tròn hay hơi bầu dục, xếp chừa các khuyết nhỏ. Sợi [hình 21] trụ bì có vách mỏng, tạo thành đám quanh hệ thống dẫn. [in;ine:GAO VANG_DDGP_He thong dan.jpg=Hệ thống dẫn] liên tục, libe ở ngoài gỗ ơ trong. Bên trong tủy có một cung libe gỗ nhỏ với gỗ ở trên và libe ở dưới, có vài đám sợi phía dưới libe. Bó gân phụ 2-4, nằm ở nơi tiếp giáp với thịt lá. Tinh thể calci oxalat dạng cát nhiều trong mô mềm, rải rác trong libe. Mô mềm tủy khuyết.
Phiến lá [hình 22]: Tế bào biểu bì trên rất to so với tế bào biểu bì dưới, hình chữ nhật. Thịt lá gồm 2 loại mô mềm: mô mềm giậu chiếm khoảng 1/2 thịt lá gồm 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật; tế bào mô mềm khuyết hình tròn hay thuôn dài xếp nằm ngang, lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Tinh thể calci oxalat dạng cát rải rác trong các tế bào mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ cây và gỗ có các thành phần: Hạt tinh bột [hình 23]. Mảnh mạch xoắn [hình 24], mạch vạch [hình 25], mạch mạng [hình 26], tế bào mô cứng [hình 27] vách mỏng, ống trao đổi rõ. Hạt phấn [hình 28] hoa hình bầu dục, màu vàng, có rãnh dọc. Mảnh mô mềm [hình 29] có chứa tinh bột. Bó sợi [hình 30] có vách dày. Mảnh biểu bì [hình 31] thân tế bào hình đa giác, có nhiều vân mờ. Mảnh bần [hình 32].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài của Ấn độ, Xri Lanka, Malaysia, Philippines và Bắc Australia. Ở Việt nam thường gặp ở các trảng, rừng phục hồi, chỗ ẩm mát ven suối vùng đồng bằng tới ven nước lợ.

Bộ phận dùng: 

Vỏ cây và gỗ (Cortex et Lignum Naucleae orientalis). Bóc vỏ cây dùng tươi hay phơi khô, có thể chẻ gỗ và phơi khô để dùng

Thành phần hóa học: 

Noreugenin, naucleosid. Vỏ cây chứa alkaloid (augustin, augustidin, augustolin...)

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tác dụng bổ, hạ nhiệt. Thường dùng làm thuốc bổ đắng, chữa sốt và xơ gan cổ trướng. Dùng 10-15 g, dạng thuốc sắc. Phối hợp với Cỏ sữa, Cỏ xước mỗi vị 10g để chữa xơ gan.

Hình đính kèm
Thân non
Lá
Cụm hoa
Hoa
Cánh hoa
ống tràng
Nhị
vòi nhụy
Vi phẫu thân
Biểu bì
Mô dày
Ống nhựa mủ
Trụ bì
Libe 1
Libe 2
Gỗ 2
Gỗ 1
dạng cát
cầu gai
Gân giữa
Sợi
Phiến lá
tinh bột
mạch xoắn
mạch vạch
mạch mạng
mô cứng
Hạt phấn
mô mềm
Bó sợi
Mảnh biểu bì
Mảnh bần

Chi Paederia

Loài Paederia lanuginosa Wall. (Cây Mơ Tam Thể)

Tên
Tên khác: 

Dây Mơ lông, Dây Mơ tròn, Thối thịt, Ngưu bì đống.

Tên khoa học: 

Paederia lanuginosa Wall.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Tp. Buôn Ma Thuột – Tỉnh Đăk Lăk ngày 28/06/2010.

Số hiệu mẫu: 

MTT280610 được lưu tại Bộ môn Thực Vật - Khoa Dược. Được so với mẫu số: SNo của Viện Sinh Học Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh.

Dây leo [hình 1] bằng thân quấn, sống nhiều năm. Thân màu xanh lục hoặc màu tím, có nhiều lông cứng màu trắng; tiết diện tròn ở thân già, hơi dẹt ở thân non. [hình 2] đơn, nguyên, mọc đối, có mùi đặc trưng; phiến lá hình tim đỉnh nhọn, dài 9-11 cm, rộng 4-6 cm, mặt trên màu xanh lục mặt dưới màu tím, có nhiều lông cứng màu trắng; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 6 cặp gân phụ đối hoặc gần đối. Cuống lá hình lòng máng nông, dài 2-3 cm, màu xanh, có nhiều lông trắng; 2 lá kèm [hình 3] ở giữa 2 cuống lá, dạng vẩy tam giác hoặc hình tim dài 0,3-0,5 cm, màu xanh, tồn tại. Cụm hoa [hình 4] xim hai ngả rất phân nhánh ở nách lá hoặc ngọn cành, dài 10-50 cm. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5 rất ít mẫu 6, không cuống, lá bắc [hình 5] hình tam giác nhỏ. Đài hoa [hình 6]: 5-6, rời, đều, hình tam giác nhỏ cao 1 mm, màu xanh hơi tím, có lông trắng, tiền khai van. Tràng hoa [hình 7]: 5-6 cánh đều, màu tím mặt ngoài màu trắng xanh ở mặt trong, dính nhau ở 2/3 dưới tạo thành ống tràng [hình 8] dài 0,4-0,5 cm, phía trên xòe ra 5 phiến dài 0,2 cm có nhiều gai nạc [hình 9], mỗi phiến có 3-4 thùy cạn không đều và uốn lượn; mặt trong họng tràng có nhiều lông tiết [hình 10] màu tím nhạt, dài 0,2-0,3 cm, chân dài đa bào (tế bào to dần về phía đỉnh của lông tiết) đầu đơn bào to tròn dài; mặt ngoài ống tràng có rất nhiều lông màu trắng [hình 11], 4-6 tế bào mọng nước xếp chồng lỏng lẻo. Bộ nhị [hình 12]: 5-6 nhị đều, rời, đính ở đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi mảnh, màu hồng hoặc tím nhạt dài 0,2-0,25 cm, nhẵn bóng. Bao phấn [hình 13] 2 ô, màu trắng, thuôn dài 0,3-0,35 cm, nứt dọc, hướng trong, đính lưng [hình 14]. Hạt phấn [hình 15] rời, màu trắng, hình bầu dục 2 đầu thuôn tròn, có 3 rãnh dọc, có vân, dài 42,5-50 m, rộng 20-25 µm. Bộ nhụy: bầu dưới hình chuông 2 ô [hình 16], mỗi ô có 1 noãn, đính noãn trung trụ; 1 vòi nhụy ngắn, màu hồng nhạt; 2 đầu nhụy [hình 17] dạng sợi uốn lượn, dài 0,4-0,7 cm, màu hồng nhạt, có nhiều lông mịn màu trắng; đĩa mật [hình 18] hình khoen bao quanh gốc vòi nhụy.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu [hình 19] tiết diện hình bầu dục hai đầu tròn. Các mô [hình 20] gồm: Biểu bì [hình 21] tế bào hình chữ nhật không đều, lớp cutin mỏng răng cưa, có nhiều lông che chở [hình 22] đa bào dài. Mô dày góc 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác kích thước không đều. Mô mềm vỏ đạo 3-4 lớp tế bào hình bầu dục hai đầu rộng, kích thước không đều, xếp nằm ngang. Nội bì [hình 23] có đai Caspary. Tầng sinh bần bên trong nội bì tạo 1 lớp bần [hình 24] và nhiều lớp lục bì xếp thành dãy xuyên tâm. Trụ bì [hình 25] 3-4 lớp tế bào đa giác, kích thước không đều, vách cellulose dày hay mỏng xen lẫn nhau. Libe 1 tế bào đa giác, kích thước không đều, vách uốn lượn, xếp thành cụm. Tượng tầng tạo libe [hình 26] 2 và gỗ [hình 27] 2 ở giữa bó cấp 1 còn khoảng gian bó tạo mô mềm hóa gỗ ở trong và mô mềm vách cellulose bên ngoài. Libe 2 tế bào hình chữ nhật kích thước không đều, vách mỏng, xếp xuyên tâm. Gỗ 2 không liên tục, mạch gỗ 2 hình đa giác tròn, kích thước lớn, phân bố thành từng cụm; mô mềm gỗ hình đa giác hoặc hình chữ nhật kích thước đều, vách dày, bao quanh mạch. Gỗ 1 tập trung thành cụm, mỗi bó có 2-3 mạch hình tròn trong vùng mô mềm vách cellulose. Mô mềm tủy [hình 28] đạo tế bào hình đa giác tròn hoặc tròn, kích thước không đều, vách cellulose mỏng.
Cuống lá [hình 29]
Vi phẫu tiết diện hình lòng máng nông. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước gần đều, cutin mỏng răng cưa, nhiều lông che chở đa bào dài. Mô dày góc 3-4 lớp tế bào đa giác tròn hoặc tròn, kích thước không đều. Mô mềm đạo nhiều lớp tế bào đa giác tròn hoặc tròn, kích thước không đều, vách mỏng. Bó dẫn chính có cấu tạo cấp 1, gỗ ở trên libe ở dưới xếp hình cung và 2 bó phụ [hình 30] ở hai bên. Libe tế bào đa giác nhỏ, kích thước đều nhau, vách uốn lượn, xếp thành từng cụm sát nhau gần như liên tục. Mạch gỗ hình đa giác tròn hoặc tròn xếp thành dãy 2-4 mạch, các dãy thường cách xa nhau bởi 3-6 dãy mô mềm vách cellulose. Tinh thể calci oxalat hình kim kích thước lớn nằm rải rác trong mô mềm.
[hình 31]
Gân giữa: Vi phẫu 2 mặt lồi, mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước gần đều, cutin mỏng răng cưa, nhiều lông che chở đa bào dài ở cả 2 biểu bì. Mô dày [hình 32] góc 3- 4 lớp tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm đạo tế bào đa giác tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều. Bó dẫn [hình 33] hình cung, libe ở dưới, gỗ ở trên. Libe tế bào hình đa giác xếp thành vòng cung liên tục. Mạch gỗ tròn hoặc đa giác tròn, xếp thành dãy xen kẽ mô mềm 3-7 dãy tế bào vách cellulose. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 34] kích thước lớn nằm rải rác trong vùng mô mềm.
Phiến lá [hình 35]: Biểu bì tế bào hình chữ nhật kích thước không đều, tế bào biểu bì trên lớn gấp 2-3 lần tế bào biểu bì dưới, cutin mỏng, lông che chở đa bào ở cả 2 mặt, lỗ khí có ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào hình dấu phẩy (đầu trên to đầu dưới nhỏ), xếp không khít nhau. Mô mềm khuyết 3-4 lớp tế bào đa giác tròn hoặc tròn, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Bó gân phụ nằm rải rác trong vùng mô mềm. Tinh thể calci oxalat hình kim rải rác trong mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá có màu xanh đậm, thể chất xốp, có vị chát, mùi đặc trưng. Các thành phần của bột gồm: Nhiều lông che chở [hình 36] đa bào bị gãy hoặc dính với biểu bì, mặt ngoài lông có lấm tấm những vẩy nhỏ như gai. Nhiều mảnh mạch mạng [hình 37]. Mảnh biểu bì trên tế bào hình chữ nhật kích thước đều, vách thẳng, có vân. Mảnh biểu bì dưới [hình 38] tế bào đa giác vách uốn lượn có vân mang nhiều lỗ khí kiểu song bào. Tinh thể [hình 39] calci oxalat hình kim mảnh dài 52,5-60 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi từ đồng bằng miền núi, trồng vào mùa xuân thu.

Bộ phận dùng: 

Lá (Folium Paederiae lanuginosae), hái tươi khi dùng.

Thành phần hóa học: 

Trong cây chứa một lượng tinh dầu nặng mùi carbon disulfid. Tác giả Dymock, Warden và Hooper lấy được từ cây này 2 chất alkaloid: peaderin α và β, một chất tan trong ether kết tinh dưới dạng kim nhỏ, một chất vô định hình hơi tan trong rượu amylic, cloroform và benzen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chữa lỵ trực trùng Shiga. Tẩy sổ giun kim, giun đũa. Trị viêm tai chảy mủ, chảy nước vàng.
Bài thuốc: Lá mơ tam thể 30-50g. Trứng gà 1 quả. Lá mơ lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà, bọc vào lá chuối đem nướng hoặc đem đặt lên chảo rán cho thơm.
Ngày ăn 2-3 lần, trong 5-8 ngày. Thời gian điều trị trung bình 7 ngày.

Hình đính kèm
Dây leo
Lá
lá kèm
Cụm hoa
lá bắc
Đài hoa
Tràng hoa
ống tràng
gai nạc
lông tiết
lông màu trắng
Bộ nhị
Bao phấn
đính lưng
Hạt phấn
2 ô
đầu nhụy
đĩa mật
Vi phẫu
Các mô
Biểu bì
lông che chở
Nội bì
bần
Trụ bì
libe
gỗ
Mô mềm tủy
Cuống lá
bó phụ
Lá
Mô dày
Bó dẫn
Tinh thể calci oxalat hình kim
Phiến lá
lông che chở
mạch mạng
Mảnh biểu bì dưới
Tinh thể

Chi Serissa

Loài Serissa japonica Thunb. (Cây Bỏng Nẻ)

Tên
Tên khác: 

Mãng thiên hương, Né

Tên khoa học: 

Serissa japonica Thunb.

Tên đồng nghĩa: 

Serissa foetida (L. f.) Comm. ex Poir., Lycium japonicum Thunb.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Snowrose, Tree of a thousand stars, Japanese Serissa

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11-2008

Số hiệu mẫu: 

BN 1108

Thân [hình 1] gỗ nhỏ, cao 40-50 cm, đường kính 0,1-1,5 cm, phân nhánh rất nhiều. Thân non [hình 2] tiết diện vuông màu xanh nâu, phủ nhiều lông ngắn màu nâu. Thân già tiết diện tròn màu xám nâu, mang những mảnh bần và thụ bì bong ra. Lá [hình 3] đơn, mọc đối. Phiến lá nhỏ hình bầu dục hai đầu nhọn, dài 0,5-2,5 cm rộng 0,2-2,8 cm. Lá màu xanh đậm ở mặt trên, mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá nguyên, có nhiều lông ở lá non. Gân lá lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 3-5 cặp gân phụ; trên gân lá có lông. Cuống lá ngắn 0,5-1,5 mm, dẹp, màu xanh và có lông. Lá kèm [hình 4] cao 1-2 mm, màu xanh nâu, dạng sợi cứng; thường gặp dạng 3 sợi với sợi giữa dài nhất, đôi khi là 2 sợi không bằng nhau. Cụm hoa [hình 5] là chụm tròn ở ngọn cành, mỗi chụm thường mang 3-8 hoa, không có cuống chung và được bao bởi các lá ở ngọn cành. Hoa [hình 6] nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5; cuống hoa rất ngắn. Lá bắc màu xanh nâu, dạng sợi, dài 2-3 mm. Hai lá bắc con màu xanh, cao 2-3 mm, dính nhau một ít ở phía dưới, phía trên rời thành 2 phiến hình tam giác hẹp. Lá bắc và lá bắc con có nhiều lông. Lá đài 5, dính nhau bên dưới thành ống khoảng 1 mm, phía trên thuôn dài 2 mm; bìa có lông trắng. Lá đài màu xanh, ở giữa có 1 gân màu trắng; tiền khai van. Cánh hoa [hình 7] 5, màu trắng; phía dưới dính thành ống hẹp, màu xanh nhạt cao khoảng 2mm, ống này loe dần và có màu trắng, đường kính họng tràng 2-3 mm; 5 thùy hình bầu dục đầu nhọn, dài khoảng 4 mm cong xuống phía dưới khi hoa nở; bên trong ống tràng và mặt trên các thùy phủ rất nhiều lông màu trắng; tiền khai van. Nhị [hình 8] 5, bằng nhau, gắn ở phần loe của ống tràng xen kẽ với các cánh hoa. Chỉ nhị rời, dạng sợi màu trắng, nhẵn, cao khoảng 1-2 mm. Bao phấn màu trắng ngà, hẹp, 2 đầu nhọn, dài khoảng 2 mm; 2 ô, khai dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn rời, hình bầu dục hay hình cầu, màu vàng nhạt có 2 rãnh dọc. Lá noãn 2, ở vị trí trước sau đôi khi 2 bên, dính nhau thành bầu dưới, 2 ô, mỗi ô 1 noãn, đính trung trụ; bầu màu xanh nhạt, cao 1-1,5 mm. Vòi nhụy dạng sợi màu trắng, dài 2 mm; 2 núm nhụy màu trắng xanh, dài 1mm, cuộn ra ngoài khi hoa nở.
Quả thịt 2 ô, được bao bởi các lá đài tồn tại, 2 hạt.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 9]: Tầng bì sinh xuất hiện khá sớm, 1-2 lớp tế bào bần nằm trong vùng mô mềm vỏ gần trụ bì. Thân già có lớp bần [hình 10] khá dày với những tế bào hình chữ nhật hẹp, vách mỏng. Mô mềm vỏ rất ít, tế bào hình bầu dục, không đều, xếp chừa các đạo nhỏ, rải rác trong mô mềm là các sợi vỏ riêng lẻ hay thành cụm nhỏ và các bó tinh thể calci oxalat hình kim màu vàng nâu. Trụ bì hóa sợi [hình 11] thành vòng quanh thân, đôi khi vòng sợi này không liên tục mà bị cắt bởi các tia libe. Libe 1 thành từng đám rõ, libe 2 [hình 12] gồm nhiều lớp tế bào xuyên tâm rõ, có các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Gỗ 2 [hình 13] khá nhiều, mạch gỗ có đường kính nhỏ, tia gỗ thường gồm 1-3 dãy tế bào màu xanh nâu, sợi gỗ có vách dày tạo thành từng đám rải rác; gỗ 1 rõ. Mô mềm tủy [hình 14] hóa mô cứng hoàn toàn, trong tế bào có nhiều tinh bột.
Vi phẫu lá [hình 15]: Gân giữa: Biểu bì trên hơi lồi; lông che chở [hình 16] đơn bào, vách dày; cutin răng cưa cạn. Tế bào biểu bì trên to gấp đôi tế bào biểu bì dưới. Mô dày tròn khoảng 2-3 lớp nằm sát lớp biểu bì. Tế bào mô mềm đạo hình bầu dục, khá đều, vách mỏng, có thể gặp tế bào tiết [hình 17] to, màu vàng nhạt. Hệ thống dẫn hình vòng cung, gỗ ở trên và libe ở dưới; phía dưới libe có 2-3 lớp mô dày góc có kích thước nhỏ, xen lẫn vài sợi. Phía trên gỗ đôi khi cũng gặp vài lớp mô dày góc. Biểu bì dưới lồi nhiều.
Phiến lá [hình 18]: Tế bào biểu bì trên hình vuông, rất to; tế bào biểu bì dưới hình chữ nhật nhỏ hơn 5-6 lần, rải rác ở lớp biểu bì dưới ngoài các lỗ khí còn gặp các tế bào hình tròn, to, màu tím. Mô mềm giậu chiếm phân nửa chiều dày thịt lá, gồm 2-3 lớp tế bào; mô mềm khuyết với những tế bào hình bầu dục xếp nằm ngang, chừa các khuyết nhỏ, rải rác trong mô mềm khuyết có các bó tinh thể calci oxalat hình kim.
Vi phẫu rễ [hình 19]: Lớp bần rất dày (8-10 lớp tế bào); tế bào bần hình chữ nhật hẹp, vách mỏng. Tế bào mô mềm vỏ to, hình bầu dục xếp nằm ngang. Libe 1 thành từng đám, libe 2 ít nhưng rất rõ. tinh thể [hình 20] calci oxalat hình kim màu vàng nâu thành những bó dày, khá nhiều trong mô mềm vỏ và libe 2. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ rất nhiều, nhỏ, đường kính bằng hay hơi to hơn mô mềm gỗ; tia gỗ rất rõ với 1-2 lớp tế bào hiếm khi 3; mô mềm gỗ vách khá dày, có chứa tinh bột.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có hoa có các thành phần: Lông [hình 21] che chở đơn bào. Sợi dài [hình 22] trung bình 150 µm, vách dày khoảng 8 µm, khoang hẹp 2,5 µm, thường tập trung thành từng bó. Tế bào mô cứng [hình 23] thuôn hẹp. Tế bào biểu bì vách tế bào hơi uốn ượn, lỗ khí kiểu song bào, tế bào bạn hẹp, biểu bì trên [hình 24] có nhiều vân rõ hơn biểu bì dưới [hình 25]. Mảnh mạch [hình 26] xoắn, mạch vạch. Nhiều tinh thể calci oxalat [hình 27] hình kim dài từ 60-80 µm. Hạt phấn [hình 28] hoa tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 60 µm. Hạt tinh bột [hình 29] hình đa giác, có khi tròn, đường kính 10-12 µm, tễ không rõ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài của Trung Quốc, Nhật Bản. Ta nhập trồng từ lâu làm cây cảnh, cây mọc khoẻ, dễ trồng bằng giâm cành. Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Serissae japonicae)

Thành phần hóa học: 

Chưa được nghiên cứu nhiều.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Vị nhạt hơi cay, tính mát, có tác dụng thư can, giải nất, thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu sừng, bạt độc. Lá có mùi rất hôi, có tác dụng giảm co thắt. Rễ rất đắng và se.
Công dụng: Ở Trung quốc, cây được dùng làm thuốc chữa: viêm gan cấp và mạn, phong thấp, ung thủng, rắn cắn. Ngoài ra có nơi dùng chữa: cảm lạnh, ho, đau răng, viêm hạch nhân cấp, viêm họng, viêm ruột, lỵ, trẻ em suy dinh dưỡng, huyết áp cao, đau đầu, thấp khớp, đau nhức xương.

Hình đính kèm
Thân
Thân non
Lá
Lá kèm
Cụm hoa
Hoa
Cánh hoa
Nhị
Vi phẫu thân
lớp bần
sợi
libe 2
Gỗ 2
Mô mềm tủy
Vi phẫu lá
lông che chở
tế bào tiết
Phiến lá
Vi phẫu rễ
tinh thể
Lông
Sợi dài
Tế bào mô cứng
biểu bì trên
biểu bì dưới
Mảnh mạch
calci oxalat
Hạt phấn
tinh bột

Bộ Cẩm Chướng (Caryophyllales)

Họ Rau đắng đất (Aizoaceae)

Chi Glinus

Loài Glinus oppositifolius (L.) DC. (Cây Rau đắng đất)

Tên
Tên khác: 

Rau đắng lá vòng.

Tên khoa học: 

Glinus oppositifolius (L.) DC.

Tên đồng nghĩa: 

Mollugo oppositifolia L.

Họ: 

Rau đắng đất (Aizoaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Tiền Giang, ngày 25/05/2007.

Số hiệu mẫu: 

RDD0507

Thân cỏ, sống lâu năm, mọc bò lan. Thân có nhiều lông, tiết diện tròn, thân non màu xanh, thân già cứng, màu nâu đỏ, mấu phình to và màu nâu đỏ. Cây có vị rất đắng. Lá đơn, mọc vòng 3-5 lá không đều nhau, lá lớn nhất dài 1,2-1,6 cm, rộng 0,4-0,6 cm, lá nhỏ nhất dài 0,4-0,5 cm, rộng 0,15-0,2 cm. Lá hình thon ngược, mũi có răng nhọn, gốc hình chót buồm, mép lá có răng cưa thưa và cạn, có đường viền nâu đỏ, mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, có vị rất đắng, có lông. Cuống lá ngắn 0,2-0,3 cm, màu nâu đỏ, không lông. 1 gân chính, gân phụ không rõ. Cụm hoa: chụm 3-7 hoa ở nách lá. Hoa lưỡng tính, mẫu 5, vô cánh. Cuống hoa hình sợi, màu xanh, có lông, dài 0,9-1,2 cm. Lá đài 5, đều, hình thuyền, 3 gân, lông ở mép, kích thước 4 x 1 mm, tiền khai năm. Nhị 5, đều, đính xen kẽ lá đài, chỉ nhị dạng sợi, màu trắng, dài 2 mm. Bao phấn 2 ô, rời, xếp song song cạnh nhau, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, màu trắng, hình bầu dục hay hình tròn, kích thước 2,5 m. Lá noãn 3, dính nhau, bầu trên 3 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy 3, ngắn, màu vàng nhạt. Quả nang, 3 ô. Hạt nhỏ, nhiều, hình thận, màu nâu đỏ, vách có u lồi, có phụ bộ ở tễ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Tiết diện gần tròn. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, kích thước không đều. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Mô mềm vỏ gồm 3 lớp tế bào hình bầu dục, không đều nhau, sắp xếp lộn xộn chừa những khuyết nhỏ. Trụ bì gồm 2-3 lớp tế bào hình đa giác, không đều, hóa mô cứng tạo thành vòng liên tục. Các bó libe gỗ tạo thành vòng liên tục. Tia tuỷ hẹp, 1-2 dải tế bào. Libe 1 tập trung thành từng đám. Mạch gỗ 2 phân bố đều. Mô mềm tủy to, hình bầu dục hay hình tròn, sắp xếp chừa những khuyết nhỏ.
: Gân giữa: mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Tế bào biểu bì hình đa giác, kích thước không đều, biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Libe và gỗ tạo thành vòng cung, gỗ ở trên libe ở dưới. Gỗ phân hóa ly tâm. Các tế bào libe nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn, tập trung thành từng đám úp trên đầu gỗ 1. Phiến lá: Tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới kích thước bằng nhau, trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Mô mềm đạo gồm 2 dạng: 1 lớp tế bào hình chữ nhật dài, kế tiếp là các tế bào mô mềm hình đa giác không đều. Trong mô mềm có nhiều hạt tinh bột. Nhiều bó gân phụ bị cắt ngang, cấu tạo tương tự như bó mạch gân giữa nhưng số lượng bó libe gỗ ít hơn và một số bó mạch bị cắt xéo.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Thân: Mảnh trụ bì hóa mô cứng. Mảnh biểu bì hình đa giác, có lỗ khí kiểu hỗn bào và lớp cutin. Mảnh biểu bì hình chữ nhật, xếp khít nhau, có lỗ khí. Lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm hình đa giác. Mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn.
: Mảnh biểu bì vách uốn lượn nhiều, có lỗ khí kiểu hỗn bào. Mảnh tế bào mô mềm hình chữ nhật dài. Mảnh biểu bì có lớp cutin răng cưa. Mảnh mô mềm chứa tinh bột. Lông che chở đa bào. Hạt tinh bột hình tròn hay hình bầu dục, tập trung thành từng đám, đường kính khoảng 2,5-3,75 m. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn.
Hoa và quả: Mảnh biểu bì dưới của lá đài, vách tế bào uốn lượn nhiều. Mảnh biểu bì trên của lá đài, vách hơi uốn lượn. Mảnh bao phấn. Hạt phấn hình tròn hay bầu dục, kích thước 25 m. Mảnh hạt và hạt hình thận, màu nâu đỏ, vách có u lồi, có phụ bộ ở tễ. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn. Mảnh biểu bì cuống hoa hình chữ nhật, có lỗ khí.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Glinus L. gồm một số loài đều là thân cỏ, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 3 loài. Rau đắng đất phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, Rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển, từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước về mùa khô, đôi khi thấy cả ở quanh làng, ven đường đi. Do khả năng phân nhánh khỏe, nên cây thường mọc thành đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Glini oppositifolii)

Thành phần hóa học: 

Rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Từ lá các tác giả đã phân lập được spergulagenin A là một saponin triterpen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rau đắng đất có tác dụng kiện vị, sát trùng, nhuận tràng. Toàn cây Rau đắng có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt. Trong nhân gian, Rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da. Liều dùng mỗi ngày 20-30g, sắc nước uống. Ở Ấn Độ, toàn cây Rau đắng đất được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng và điều trị ứ sản dịch. Cây giã nát trộn với dầu castor đắp nóng chữa đau tai, dịch chiết từ Rau đắng đất trị ngứa và bệnh ngoài da.

Bộ Hoa Mõm Chó (Scrophulariales)

Họ Hoa Mõm Chó (Scrophulariaceae)

Chi Adenosma

Loài Adenosma caerulea R.Br. (Cây Nhân Trần)

Tên
Tên khác: 

Chè cát, Chè nội, Tuyến hương, Hoắc hương núi

Tên khoa học: 

Adenosma caerulea R.Br.

Họ: 

Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 06 năm 2009, tại Văn khúc – sông Thao – Phú Thọ.

Cỏ [hình 1] cao khoảng 60 cm. Tiết diện thân gần tròn, màu xanh ở thân non, màu xanh tía ở thân già; có nhiều lông mềm màu trắng, toàn cây có mùi thơm. Lá [hình 2] đơn, mọc đối. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, bìa phiến có răng cưa, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, kích thước 5 – 7 x 2 – 3 cm. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng, màu xanh, dài 0,5 – 1,3 cm. Cả 2 mặt lá và cuống lá có nhiều lông màu trắng, mặt dưới phiến lá có nhiều đốm tuyến [hình 3]. Cụm hoa [hình 4]: hoa mọc riêng lẻ ở nách lá phía ngọn cành. Hoa [hình 5] không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ dài 0,3 cm, màu xanh, có nhiều lông màu trắng. Lá bắc giống lá thường nhưng kích thước nhỏ hơn; 2 lá bắc con hình thuôn dài màu xanh, có nhiều lông màu trắng, kích thước 0,7 x 0,01 cm. Lá đài 5, không đều, rời, hình thuôn dài, màu xanh, kích thước 0,6 – 0,9 x 0,1 – 0,3 cm. Tiền khai: lá đài sau ở ngoài, 2 lá đài 2 bên ở trong, 2 lá đài trước đặt cạnh nhau. Cánh hoa 5, không đều, màu tím, dính nhau bên dưới thành ống cao 1cm, phía trên chia 2 môi 2/3. Môi trên hình bầu dục gần tròn, kích thước 0,5 x 0,4 cm; môi dưới chia 3 thùy. Tiền khai: 2 cánh hoa sau phủ lên 2 cánh bên, 2 cánh bên phủ lên cánh hoa trước. Trên lá đài và cánh hoa có nhiều lông màu trắng. Nhị 4, rời, không đều, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 2 ô màu vàng, kích thước dài 1 mm, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Chỉ nhị dạng sợi, nhị dài 0,9 cm, nhị ngắn 0,7 cm, màu trắng. Hạt phấn [hình 6] hình cầu hoặc hình bầu dục, rời, màu vàng, kích thước 25 µm, có rãnh dọc và vân hình mạng. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. Bầu noãn [hình 7] có tiết diện hình elip, màu xanh. 1 vòi nhụy hình sợi, màu trắng, đính ở đỉnh bầu. 1 đầu nhụy dạng điểm. Quả [hình 8] nang, hình trứng, dài 7 mm, màu xanh, mang đài tồn tại, khi chín tự mở thành 2 mảnh. Hạt nhiều, nhỏ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 9]
Vi phẫu hình đa giác hay gần tròn, ở thân non có 4 u lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí, lỗ khí nằm hơi nhô lên so với tế bào biểu bì. Có nhiều lông che chở [hình 10] đa bào dài vách mỏng (2 – 7 tế bào). Có 3 loại lông tiết [hình 11]: chân đa bào, đầu đơn bào; chân đơn bào, đầu đa bào (2,4 tế bào); lông tiết chân đơn bào, đầu đơn bào hình phễu. Mô dày góc, 1 – 2 lớp tế bào gần tròn, hoặc hơi đa giác. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào gần tròn, đa giác hoặc hình bầu dục, kích thước không đều. Nội bì khung caspary là 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bắng ½ tế bào mô mềm vỏ. Trụ bì, 1-2 lớp tế bào hình đa giác xếp khít nhau, kích thước bắng ½ tế bào nội bì, hóa mô cứng thành 1 vòng không liên tục. Hệ thống dẫn gồm: libe 1 xếp thành từng đám, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, xếp lộn xộn; libe 2, 2 – 3 lớp tế bào xếp xuyên tâm. Mạch gỗ 2 ít, thường xếp thành từng dãy; mô mềm gỗ 2 tế bào hình vuông hoặc chữ nhật, vách dày. Gỗ 1 phân bố rải rác quanh vi phẫu. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau, lớn gấp 5 – 6 lần tế bào mô mềm vỏ, bên dưới gỗ 1 là 1 – 3 lớp tế bào mô dày góc.
Vi phẫu lá [hình 12]
Gân giữa: mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Tế bào biểu bì trên lớn gấp 5 – 6 lần tế bào biểu bì dưới. Có nhiều lông che chở đa bào vách mỏng ( 2- 6 tế bào). Mô dày góc ở cả 2 biểu bì, 1 – 2 lớp tế bào hình tròn hoặc hơi đa giác, kích thước bằng tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. Cung libe gỗ với gỗ ở trên, libe ở dưới, phía dưới libe có vài cụm mô cứng, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ.
Phiến lá [hình 13]: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới. Biểu bì dưới có nhiều lỗ khí nằm hơi lồi so với tế bào biểu bì. Rải rác có 3 loại lông tiết như ở thân. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô mềm khuyết tế bào hình bầu dục hoặc đa giác. Trong thịt lá có một số bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Vi phẫu cuống lá [hình 14]:
Vi phẫu cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Có nhiều lông che chở đa bào vách mỏng (2 – 7 tế bào). Có 3 loại lông tiết như ở thân. Mô dày góc, 1 – 2 lớp tế bào hình tròn hoặc hơi đa giác, kích thước bằng hoặc lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước lớn gấp 2 – 5 lần tế bào biểu bì. Cung libe gỗ có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới. 2 mép phía trên cũng có 2 bó gân phụ có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột [hình 15] toàn cây mịn, màu nâu đen, có ít xơ và có mùi thơm.
Thành phần: mảnh biểu bì [hình 16] lá, tế bào vách mỏng uốn lượn, mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông che chở [hình 17] đa bào dài. Lông tiết đầu đơn bào chân đơn bào; lông tiết đầu đa bào (4 tế bào), chân đơn bào; lông tiết chân đa bào một dãy, đầu đơn bào hình trái xoan; lông tiết [hình 18] đầu đa bào hình cầu. Mảnh mô mềm [hình 19], tế bào hình đa giác vách mỏng. Sợi vách dày, khoang hẹp, riêng lẻ hay tập trung thành từng đám [hình 20], ống trao đổi rõ hoặc không rõ. Mảnh mạch [hình 21] xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Hạt phấn hình trứng rộng có một rãnh dọc, kích thước 25 x 17,5 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố khắp các vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc.
Mùa hoa quả: tháng 4-7.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Adenosmatis caerulei)

Thành phần hóa học: 

Toàn cây Nhân trần chứa tinh dầu với hàm lượng 1% paracymen pinen limonene, cineol, anethol. Ngoài ra còn có acid nhân thơm, coumarin, một số serquiterpen và flavonoid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trong y học cổ truyền, Nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon, chóng lại sức. Ở Trung Quốc, Nhân trần chữa phong thấp, cốt thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do ve bọ đốt. Trong y học hiện đại, Nhân trần đã được Bộ môn Y khoa Hà nội điều trị thực nghiệm viêm gan do virus, Nhân trần được dùng dưới dạng siro, một chai 100 ml chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và tối, sau một thời gian điều trị bằng Nhân trần, bilirubin máu và hoạt độ men SGPT đều trở về mức bình thường.

Hình đính kèm
Cỏ
Lá
đốm tuyến
Cụm hoa
Hoa
Hạt phấn
Bầu noãn
Quả
Vi phẫu thân
lông che chở
lông tiết
Vi phẫu lá
Phiến lá
Vi phẫu cuống lá
Bột
mảnh biểu bì
Lông che chở
lông tiết
Mảnh mô mềm
đám
Mảnh mạch

Chi Bacopa

Loài Bacopa monnieri (L.) Wettst. (Cây Rau đắng biển)

Tên
Tên khác: 

Rau sam trắng, Rau sam đắng, cây Ruột gà, Ba kích.

Tên khoa học: 

Bacopa monnieri (L.) Wettst.

Tên đồng nghĩa: 

Herpetis monnieri (L.) H.B.K., Gratiola monniera L., Septas repens Lour., Bramia indica Lamk.

Họ: 

Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Đồng Nai, ngày 20/07/2007.

Số hiệu mẫu: 

RDB0707

Thân cỏ, mọc bò dài trên mặt đất, sống lâu năm. Thân nhẵn, màu xanh, thân non đôi khi có màu hơi nâu đỏ, tiết diện tròn, mọng nước, có rễ ở mấu, phân nhánh nhiều, mọc đứng. Thân lá có vị đắng. Lá đơn, mọc đối, không lông, dày, mọng nước, có dạng hình muỗng hay hình trứng ngược, tà ở đầu, dài 2-2,8 cm, rộng 0,5-0,7 cm, mép nguyên, không lông, ở 2 mặt lá có nhiều chấm lõm. Lá có màu xanh đậm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, 1 gân chính, gân phụ không rõ. Hoa đơn độc, mọc ở nách lá, màu trắng hay màu tím nhạt. Hoa không đều, lưỡng tính mẫu 5. Cuống hoa dài 2,6-5,6 cm, không lông, hai lá bắc con hình dải, dài 0,6 cm, ở đỉnh cuống hoa. Bao hoa: 5 lá đài rời, không đều, lá đài sau to nhất, hình trứng, có 5 gân chính, dài 0,8 cm, rộng 0,5 cm, 2 lá đài trước hình trứng, mũi nhọn, 3 gân chính, dài 0,7 cm, rộng 0,4 cm, 2 lá đài bên nhỏ nhất, hình dải, 1 gân, có lông ở bìa, dài 0,6 cm, rộng 0,1 cm. Lá đài 5, có màu xanh đậm ở mép, xanh nhạt ở bên trong và có chấm lõm ở 2 mặt, tiền khai năm điểm. Cánh hoa 5, có lông, mỗi cánh hoa có 3 gân, dính nhau bên dưới tạo thành ống dài 0,4 cm, đáy ống màu tím nhạt hay màu trắng, tiền khai ngũ điểm hay kết lợp. Nhị 4, không đều, 2 nhị dài 5 mm ở phía trước, 2 nhị ngắn 1 mm ở phía sau. Nhị sau bị trụy không để lại dấu vết. Nhị đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị nhẵn, hình sợi. Bao phấn 2 ô, rời, xếp song song cạnh nhau, mở dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục hay hình tròn có 3 thùy, có rãnh. Lá noãn 2, vị trí trước sau, dính nhau thành bầu trên 2 ô, mỗi ô chứa nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy 1, ở đỉnh bầu, dạng sợi, nhẵn, dài 5 mm, đầu nhụy hình chén chia 2 thùy, màu xanh nhạt. Quả nang, hình trứng, kích thước 5 x 3 mm, có mũi, đựng trong đài nhẵn, vòi nhụy tồn tại. Hạt nhỏ, nhiều, hình tam giác, có cạnh.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Vi phẫu gần tròn. Tế bào biểu bì có kích thước không đều nhau, hình chữ nhật, cutin mỏng có răng cưa, trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông tiết đa bào. Dưới biểu bì là mô mềm xốp, hình đa giác hay hình bầu dục, kích thước không đều, sắp xếp không thứ tự chừa những khuyết rất to. Thân già có nhiều tế bào cương thể nằm bên trong tế bào mô mềm, thân non không có. Nội bì khung caspary rõ, gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, không đều. Trụ bì gồm 2 lớp tế bào hình đa giác, xếp khít nhau, tạo thành vòng liên tục. Các bó libe gỗ tạo thành vòng liên tục, libe ở ngoài, gỗ ở trong. Tia tủy gồm 1-3 dải tế bào. Libe 1 tập trung thành từng đám. Mạch gỗ 2 kích thước không đều nhau. Mô mềm tủy gồm nhiều tế bào hình bầu dục to, không đều, sắp xếp lộn xộn chừa những khuyết nhỏ. Hạt tinh bột nhiều trong mô mềm vỏ, mô mềm tủy và nội bì.
: Chiều dày của thịt lá gần bằng của gân giữa. Gân giữa: biểu bì cấu tạo bởi 1 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, tế bào biểu bì trên có kích thước lớn hơn tế bào của biểu bì dưới. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Mô mềm đạo gồm 3-4 lớp tế bào hình bầu dục dài hay hình đa giác. Các bó libe gỗ xếp thành hình bầu dục, libe ở dưới, gỗ ở trên, libe tập trung thành từng đám úp trên gỗ. Tia tủy hẹp 1 dải tế bào. Phiến lá: Biểu bì của thịt lá cấu tạo tương tự như biểu bì của gân giữa, trên biểu bì có nhiều lỗ khí và lông tiết đa bào, lỗ khí nằm thấp hơn so với biểu bì. Lông tiết đa bào gồm 2 dãy tế bào vách mỏng, nằm thụt sâu hơn so với tế bào biểu bì. Dưới biểu bì trên là mô mềm đạo, gồm 3 lớp tế bào, lớp tế bào trên hình bầu dục, 2 lớp tế bào dưới hình bầu dục dài. Trên biểu bì dưới gồm nhiều lớp tế bào mô mềm hình đa giác, không đều. Tinh bột có nhiều trong mô mềm, đặc biệt tập trung rất nhiều ở 2 mép lá. Các bó gân phụ bị cắt ngang có cấu tạo tương tự như bó gân giữa nhưng số lượng libe gỗ ít hơn, một số ít gân phụ bị cắt xéo.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân màu vàng nâu, xơ nhiều. Thành phần gồm: Tế bào mô cứng hình chữ nhật, riêng lẻ hay tập trung thành đám. Tế bào cương thể nằm bên trong tế bào mô mềm hay nằm ngoài tế bào mô mềm, vách mỏng. Mảnh biểu bì vách uốn lượn nhiều, mang lỗ khí kiểu hỗn bào hay lông tiết đa bào. Mảnh tế bào mô mềm hình bầu dục hay hình chữ nhật dài. Hạt tinh bột nhiều, nhỏ, hình tròn, đường kính khoảng 5µm, tễ không rõ. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng.
Bột lá màu xanh nâu, mịn, có mùi thơm. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì của gân lá gồm các tế bào hình đa giác xếp khít nhau. Mảnh biểu bì vách uốn lượn, mang lỗ khí kiểu hỗn bào hay lông tiết đa bào. Mảnh mô mềm thịt lá hình bầu dục dài, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mảnh mô mềm của mép lá chứa rất nhiều hạt tinh bột. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn. Hạt tinh bột tập trung thành đám, hình tròn, đường kính khoảng 3,75 µm, tễ không rõ.
Bột hoa màu nâu nhạt, ít xơ.Thành phần gồm: Mảnh biểu bì trên của cánh hoa hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới cánh hoa vách uốn lượn nhiều, có lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm hình bầu dục dài, chứa tinh bột. Mảnh biểu bì lá đài vách uốn lượn, chứa lỗ khí kiểu hỗn bào, lông tiết đa bào, lông che chở đa bào. Hạt phấn hình tròn hay hình bầu dục, có rãnh, đường kính khoảng 50 µm. Mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Bacopa monnieri phân bố rộng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây phân bố ở khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam. Cây ưa sáng thường mọc trên đất ẩm, pha cát lẫn với các loại cỏ thấp ở bờ ruộng, các bãi cỏ ẩm từ vùng thấp lên tới độ cao 500 m, bãi sông, bờ kênh mương, ở nước ta gặp từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, cây còn có khả năng mọc chồi khỏe từ kẽ lá, kể cả phần còn sót lại sau khi cắt.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Bacopae monnieri).

Thành phần hóa học: 

Cây Bacopa monnieri chứa alkaloid: brahmin, có tác dụng giống strychnin nhưng ít độc tính hơn, 3 base: β1- oxalat, β2-oxalat, β3-chloroplatinate và sterol. Ngoài ra còn alkaloid khác là herpestin, bacosid A và B, monnierin; hersaponin, có tác dụng chủ yếu giống resercin và chlororomazin, acid betulic, d–mannitol, stigmastarol, β-sitosterol và stigmasterol ở trạng thái tự do.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tác dụng trên huyết áp: alkaloid brahmin chiết từ Bacopa monnieri với liều 0,5 mg/kg ở mèo có tác dụng làm hạ huyết áp, liều nhỏ hơn lại có tác dụng tăng huyết áp nhẹ do co mạch và kích thích cơ tim. Tác dụng trên hô hấp: brahmin với liều nhỏ có tác dụng kích thích hô hấp. Trên cơ trơn: ở nồng độ rất loãng 1/200000-500000 brahmin có tác dụng tăng co bóp ruột và tử cung cô lập. ích thích hệ thần kinh trung ương. Tác dụng chống ung thư.
Rau đắng biển là cây thuốc y học cổ truyền Ấn Độ được dùng làm thuốc bổ thần kinh, các nghiên cứu dược lý đã chứng minh hoạt tính là do saponin.
Dùng trị xích, bạch lỵ, mắt đỏ sưng đau, da sưng đỏ, nhức mỏi tê dại, đòn ngã tổn thương, viêm gan vàng da, ho, dùng ngoài da tắm trị ghẻ, bổ thần kinh, lợi tiểu, trị đái rát, hượt, trợ tim, an thần, trị ho trẻ em. Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây để trị hen suyễn, động kinh, điên rồ, mất tiếng và dùng thân lá trị rắn cắn. Ở Xri Lanca toàn cây dùng làm thuốc xổ và đun nước nóng rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như da voi .
Ngoài ra, còn dùng làm rau ăn sống hoặc nấu ăn, sắc uống chữa ho, làm thuốc lợi tiểu và bổ thận. An Độ dùng toàn cây giúp ăn ngon và lợi tiểu, cây khô và tươi giã nát trộn với dầu hỏa dùng đắp lên những nơi đau nhức do tê thấp, chữa rắn cắn.

Chi Scoparia

Loài Scoparia dulcis L. (Cây Cam thảo nam)

Tên
Tên khác: 

Cam thảo đất.

Tên khoa học: 

Scoparia dulcis L.

Họ: 

Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/06/2007.

Số hiệu mẫu: 

CTN0607

Thân [hình 1] cỏ nhỏ, mọc thẳng đứng, cao 30-80 cm. Thân tròn, màu xanh, có 4-6 sọc lồi, nhẵn, mang thẹo cuống lá còn lại. Lá [hình 2] đơn, mọc vòng 3 lá không bằng nhau hay mọc đối (những lá ở dưới), hình mác, đầu hơi nhọn, dài 2,5-4 cm, không có lá kèm. Bìa lá có răng ở 2/3 phía trên, răng cưa tù, không đều, sâu 1-2 mm. Phiến lá kéo dài men dọc theo 2 bên cuống lá, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt. Không có lá kèm. Gân lá hình lông chim lồi ở mặt dưới; 4-5 cặp gân phụ hơi lồi ở mặt dưới. Cuống lá dài 5-7 mm. Cụm hoa mọc riêng rẻ hay thành đôi ở nách lá. Hoa [hình 3] gần đều, lưỡng tính, mẫu 4 đôi khi gặp mẫu 5, màu trắng. Cuống hoa mảnh, dài 4-6 mm, màu xanh. Lá đài 4, rời, đôi khi gặp 5 lá đài, màu xanh, hình bầu dục, dài khoảng 2,5 mm, có 3 gân nổi ở mặt ngoài, mép có lông, tồn tại và đồng trưởng với quả. Cánh hoa 4, dính nhau ở dưới (đôi khi gặp 5) thành ống rất ngắn, màu trắng phớt tím; trên chia thành 4 phiến hình bầu dục, gần như đều nhau, dài khoảng 2 mm, uốn cong ngược ra bên ngoài khi hoa nở, nhiều lông màu trắng, dạng sợi, dài gần bằng nhị đính ở miệng ống tràng. Tiền khai: 1 cánh hoa ở ngoài cùng, 1 cánh ở trong cùng, 2 cánh hoa còn lại xen kẽ nhau. Nhị 4, rời, đính trên miệng ống tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị hình sợi màu trắng, đỉnh hơi tím, dài khoảng 1,5 mm. Bao phấn hình mũi tên, 2ô, đính giữa, hướng trong, khai dọc. Hạt phấn hình bầu dục, có rãnh. 2 lá noãn ở vị trí trước-sau, dính liền thành bầu trên 2 ô, mỗi ô đựng nhiều noãn, đính noãn trung trụ. 1 vòi nhụy dài khoảng 1,5 mm đính ở đỉnh bầu. Đầu nhụy màu xanh, dành điểm có 2 thùy, có chất dính. Quả nang hủy vách, hình cầu, trong chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 4]: Bần gồm 2-3 lớp tế bào, bị bong, nứt nhiều. Tế bào mô mềm vỏ hình tròn hay bầu dục, xếp tạo những khuyết rất lớn. Nội bì khung Caspary rõ. Trụ bì 1-2 lớp , một vài tế bào bị hóa mô cứng. Libe 2 tế bào bị ép dẹp, vách uốn lượn. Gỗ 2 chiếm tâm. Mô mềm gỗ vách rất dày. Mạch gỗ kích thước lớn, phân bố đều và nhiều hơn ở thân. Tia tủy 1-2 dãy tế bào.
Thân [hình 5]: Vi phẫu gần như vuông. Các mô [hình 6] gồm: Biểu bì là 1 lớp tế bào xếp đều đặn, cutin có răng cưa, mang lỗ khí và rải rác lông tiết chân đa bào hay đơn bào, đầu đa bào. Ở thân già, 2-3 lớp bần xuất hiện ngay dưới lớp biểu bì. Mô dày góc tập trung ở 4 góc thân, ở cạnh rất ít, thỉnh thoảng gặp sợi trong mô dày. Ở thân già, mô dày ở 4 góc bị hóa mô cứng. Mô mềm vỏ là mô mềm khuyết, 3-6 lớp tế bào hình tròn hay bầu dục, kích thước không đều. Nội bì khung Caspary rõ. Trụ bì 1-2 lớp tế bào, hóa mô cứng riêng lẻ hay thành đám nhỏ. Libe 2-gỗ 2 thành vòng liên tục. Gỗ 1 phân bố đều. Mô mềm gỗ vách rất dày. Tia tủy 1-2 dãy tế bào, vách mỏng hơn mô mềm gỗ. Mô mềm tủy hình tròn, kích thước không đều.
[hình 7]: Gân giữa: Lồi rõ ở mặt dưới, mặt trên phẳng. Biểu bì trên và biểu bì dưới tế bào xếp không đều, mang lông tiết chân đa bào và đơn bào, đầu đa bào. Biểu bì dưới mang lỗ khí. Lớp cutin có răng cưa. Dưới biểu bì là 1-2 lớp mô dày góc. Mô mềm tế bào hình cầu, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết nhỏ. Các bó libe-gỗ xếp thành hình vòng cung. Phiến lá [hình 8]: Biểu bì trên tế bào lớn hơn biểu bì dưới, kích thước không đều, nhiều tế bào nhô lên thành đỉnh nhọn tù. Lông tiết chân ngắn, đầu đa bào và lỗ khí ở cả 2 biểu bì. Lớp cutin có răng cưa cạn. Mô mềm giậu gồm 1 lớp tế bào kích thước không đều. Mô mềm khuyết tế bào vách mỏng, kích thước không đều.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Rễ: Bột màu nâu nhạt. Gồm các cấu tử: Mảnh bần, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm gỗ, mảnh mạch điểm, mảnh mạch mạng.
Thân: Bột màu vàng nhạt. Gồm các cấu tử: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm gỗ, mảnh mạch mạng, mảnh mạch vòng, mảnh mạch điểm, mảnh mạch vạch, mảnh mạch xoắn, sợi mô cứng riêng lẻ hay thành đám nhỏ.
: Bột màu xanh đậm. Gồm các cấu tử: Mảnh biểu bì vách uốn lượn mang lỗ khí kiểu hỗn bào, mảnh mô mềm, lông tiết chân ngắn đầu đa bào, mảnh mạch xoắn, mảnh mạch mạng, mạch vòng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Gốc ở nhiệt đới Châu Mỹ, được thuần hóa trong tất cả các vùng nhiệt đới của thế giới. Ở nước ta, cây mọc khắp nơi từ Bắc vào Nam. Thường gặp trên đất hoang, dọc bờ đường, trên các dải cát của các sông và trong các ruộng khô, ở vùng thấp.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Scopariae)

Thành phần hóa học: 

Cây chứa alkaloid và một chất đắng; còn có chứa nhiều acid silicic và một hoạt chất gọi là amellin. Phần trên mặt đất có chứa một chất dầu sền sệt mà trong thành phần có dulciol, scopariol, (+)manitol, glucose. Rễ chứa (+)manitol, tannin, alkaloid, triterpenoids: friedelin, glutinol-a-amarin, acid betulinic, acid dulcinic, acid iflaionic, scoparic A, B, C, D scopadulcic (A: R = COOH, R’ = CH2OH; B: R = Me, R’ = COOH).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thường dùng trị: cảm cúm, sốt, nóng nhiều, ho khan, ho có đàm. Lỵ trực trùng. Tê phù, phù thủng, giảm niệu. Dùng ngoài, ép lấy dịch từ cây tươi trị mụn nhọt, lở ngứa, eczema. Hoạt chất amellin dùng điều trị bệnh đái đường, thiếu máu, albumin niệu, ceton niệu, viêm võng mạc, những biến chứng kèm theo đái đường và làm các vết thương mau lành. Rễ trị đau bụng, kiết, lợi tiểu; thân trị ho, sốt, giải độc, trị kinh nguyệt nhiều hay đau, giúp sinh dễ; lá bổ, làm cường tráng dục tính, trị sạn, trị viêm phế quản.

Hình đính kèm
Thân
Lá
Hoa
Rễ
Thân
Các mô
Lá
Phiến lá

Họ Mã Đề (Plantaginaceae)

Chi Plantago

Loài Plantago major L. (Cây Mã Đề)

Tên
Tên khác: 

Xa tiền, Bông mã đề, Suma (Tày), Nhả én dứt (Thái)

Tên khoa học: 

Plantago major L.

Họ: 

Mã đề (Plantaginaceae)

Tên nước ngoài: 

Broad – leaved plantain, Ripple grass, Cart – tract plan, Plantain ribwort, Great platain, Large plantain (Anh), Plantain majeur, Plantain commun, Grand plantain, Plantain des oiseaux (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu mua vào tháng 04 năm 2009 tại chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Cỏ [hình 1] cao 24 - 45 cm, thân rất ngắn gần như không có. Rễ mọc thành chùm. Lá đơn mọc từ gốc, hình thìa, kích thước 10-15 x 5-7 cm, mép phiến lá có răng cưa nhỏ thưa; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình cung với 5 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng màu xanh lục nhạt, dài 9-12 cm, gốc rộng có màu trắng hoặc tím. Cụm hoa [hình 2]: dạng bông, trục cụm hoa dài 28 – 46 cm, xuất phát từ kẽ lá. Hoa [hình 3] đều, lưỡng tính, mẫu 4, không cuống. Lá bắc hình bầu dục, kích thước 1,5 x 1 mm, ở giữa dày màu xanh, 2 mép mỏng hơn màu trắng, có gân giữa, bề mặt có những nốt sần. Lá đài 4, đều, rời, hình bầu dục, kích thước 2 x 1 mm, ở giữa dày màu xanh, 2 mép mỏng hơn màu trắng. Tiền khai: 1 ngoài, 1 trong, 2 xen kẽ. Đài tồn tại. Cánh hoa 4, đều, dính nhau ở phía dưới tạo thành ống cao 1,5 mm, màu trắng xanh; phía trên chia 4 thùy hình tam giác mỏng, màu vàng nhạt. Tiền khai cánh hoa giống tiền khai lá đài. Nhị 4, đều, rời, đính trên ống tràng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi, màu trắng. Bao phấn hình đầu tên màu vàng, đầu nhọn, dài 1 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn [hình 4] hình quả trám màu vàng, rời, có 1- 2 rãnh dọc, kích thước 25 – 37,5 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu [hình 5] trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. 1 vòi nhụy hình sợi, dài 3 mm; 1/4 phía dưới màu trắng nhẵn; 3/4 phía trên màu đỏ nâu, có nhiều lông dài. 1 đầu nhụy dạng điểm, có rất nhiều lông dài. Quả [hình 6] hộp nhỏ mang đài tồn tại, hình bầu dục, dài 3,5 – 4 mm, màu xanh khi non, màu hơi ngà khi già, mở theo đường nứt ngang. Hạt [hình 7] 8 – 12, hình thoi dẹp, dài 1,5 – 2 mm, màu xanh khi non, màu nâu đen bóng khi già.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu lá [hình 8]:
Gân giữa: mặt dưới lồi tương ứng với những đường gân. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc hơi đa giác, lớp cutin có răng cưa, rải rác có lỗ khí và ít lông tiết [hình 9] chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mô dày trònMô mềm khuyết bên dưới cung libe gỗ, 4 – 5 lớp tế bào hình gần tròn hoặc hơi đa giác xếp thẳng hàng, tế bào kích thước to; vùng mô mềm khuyết còn lại tế bào gần tròn hay đa giác xếp lộn xộn, tế bào kích thước nhỏ hơn. 3 bó libe gỗ lớn có cấu tạo: gỗ ở trên, libe ở dưới; mô dày tròn tế bào hình đa giác ở phía trên gỗ (4 -8 lớp tế bào), ở phía dưới libe ( 4 -6 lớp tế bào); ngoài cùng là vòng nội bì khung caspary gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật. Trong lớp tế bào nội bì khung caspary hay trong mô mềm khuyết có ít hạt tinh bột hình gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước 2,5- 5 µm.
Phiến lá [hình 10]: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lớp cutin có răng cưa, rải rác có lỗ khí và ít lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mô mềm khuyết, tế bào hơi đa giác hoặc gần tròn kích thước không đều nhau. Trong mô mềm khuyết có 4 – 6 bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới, xung quanh là vòng nội bì khung caspary.
Vi phẫu cuống lá [hình 11]: mặt trên lõm, mặt dưới có 5 gân lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí nhiều ở mặt dưới. Mô dày góc không liên tục, tế bào hơi đa giác; 1- 4 lớp ở mặt dưới, nhiều ở các gân lồi; 2 - 9 lớp ở 2 mép cuống lá. Mô mềm khuyết tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. 3 – 4 lớp mô mềm khuyết dưới bó libe gỗ và 8-10 lớp ở phần lõm mặt trên xếp thành từng dãy thẳng hàng, kích thước lớn hơn vùng mô mềm khuyết còn lại. Có 5 bó libe gỗ lớn cấu tạo giống bó libe gỗ lớn ở vi phẫu lá. 2 bó libe gỗ nhỏ hơn ở gần mép cuống lá và nhiều bó libe gỗ rất nhỏ có cấu tạo giống bó libe gỗ nhỏ ở vi phẫu lá. Có nhiều hạt tinh bột trong vòng nội bì và mô mềm khuyết xung quanh các bó libe gỗ

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu xanh nâu nhạt.
Thành phần: mảnh hiểu bì trên và dưới của lá, tế bào vách mỏng uốn lượn mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Mảnh mô mềm, tế bào hình hơi đa giác vách mỏng. Lông tiết [hình 12] chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mảnh mạch [hình 13] xoắn, mạch mạng, mạch vạch. Hạt tinh bột [hình 14] hình cầu hay hình đa giác tễ rõ hay không rõ. Mảnh nội nhũ [hình 15], tế bào hình đa giác, kích thước đều nhau.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở các châu lục.Ở Việt nam, Mã đề mọc hoang ở vùng núi. Mùa hoa quả: tháng 5-8.

Bộ phận dùng: 

Phần cây trên mặt đất (Herba plantaginis), thường gọi là Xa tiền thảo và hạt (Semen Plantaginis), thường gọi là Xa tiền tử.

Thành phần hóa học: 

Lá Mã đề chứa iridoid (aucubosid, catalpol), acid phenoic và este phenylpropanoic của glycosid, majorosid. Lá còn chứa chất nhày với hàm lượng 20%. Hạt chứa chất nhày giàu D-galactose, L-arabinose và có khoảng 40% acid uronoic, dầu béo trong đó có acid 9-hydroxy-cis-11-octadecenoic. Ngoài ra Mã đề còn có nhiều flavonoid: apigenin, quercetin, scutelarein, baicalein, hispidulin ( 5,7,4’-trihydroxy-6-methoxyflavon), luteolin-7-glucosid, luteolin-7-glucoronid, homoplantaginin(=7- O--D-glucopyransoyl-5,6,3’,4’-trihydroxyflavon). Bên cạnh đó Mã đề còn chứa nhiều chất khác như aicd cimaric, acid p. coumaric, acid ferulic, acid cafeic, acid clorogenic, caroten, vitamin K, vitamin C.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thường dùng chữa: sỏi niệu và nhiễm trùng đường niệu. Viêm kết mạc, viêm gan.
Mã đề dùng để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, viêm bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc sỏi, phù thũng, đau mắt sưng đỏ, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi. Lá Mã đề tươi đắp làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Ở Trung Quốc, hạt Mã đề sắc uống chữa bệnh đái tháo đường, ho, vô sinh. Ở Ấn Độ, cây Mã đề dùng cầm máu và trị vết thương, bỏng và viêm các mô. Lá dùng làm mát, lợi tiểu, làm săn và hàn vết thương, nước hãm lá trị tiêu chảy và trĩ. Rễ Mã đề có tác dụng làm săn, chữa sốt và ho. Hạt làm dịu viêm, lợi tiểu, bổ, trị lỵ và tiêu chảy. Trong y học cổ truyền Nhật bản, nước sắc của Mã đề trị ho hen, bệnh tiết niệu tiêu thũng, tiêu viêm. Ở Thái Lan, toàn cây hoặc lá dùng lợi tiểu, sốt, hạt nhuận tràng chống viêm và đầy hơi. Ở Triều tiên dùng Mã đề trị bệnh về gan. Ở Haiti nhân dân dùng Mã đề chữa choáng thần kinh và đau mắt.

Hình đính kèm
Cỏ
Cụm hoa
Hoa
Hạt phấn
bầu
Quả
Hạt
Vi phẫu lá
lông tiết
Phiến lá
Vi phẫu cuống lá
Lông tiết
Mảnh mạch
Hạt tinh bột
Mảnh nội nhũ

Họ Ô Rô (Acanthaceae)

Chi Andrographis

Loài Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees (Cây Xuyên Tâm Liên)

Tên
Tên khác: 

Công cộng, Nguyễn cộng, Khổ đảm thảo, Hùng bút, Lãm hạch liên

Tên khoa học: 

Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees

Tên đồng nghĩa: 

Justicia paniculata Burm. f.

Họ: 

Ô rô-Acanthaceae

Tên nước ngoài: 

Chiretta, Creat, Kariyat, Halviva (Anh), Roi des amers (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 04 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

XTL 0409

Thân [hình 1] cỏ đứng, cao 0,4-1 m, phân nhánh nhiều. Thân vuông, nhẵn; ở thân già mấu lá thường phình to. Lá đơn, nguyên, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá thuôn dài hình mũi mác có đáy hẹp hoặc hình xoan thon hẹp do men dần xuống cuống, đỉnh nhọn, dài 4-8 cm, rộng 1,5-2,5 cm, nhẵn. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, có 4-5 cặp gân phụ. Thân và mặt trên lá [hình 2] thường có màu xanh lục đen, mặt dưới lá [hình 3] nhạt màu hơn. Cuống lá rất ngắn, khoảng 1-2 mm không có lá kèm. Khi cây sắp ra hoa, lá nhỏ dần và rụng sớm. Cụm hoa [hình 4] là chùm kép ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Nhánh mang hoa còn non cong lên ở đỉnh. Hoa nhỏ, dài khoảng 1,2-1,3 cm, màu trắng, điểm những đốm hồng tím, không đều, lưỡng tính, mẫu 5, cuống hoa dài khoảng 4-6 mm. Lá bắc dài khoảng 2 mm, dạng dải hẹp, lá bắc con dạng sợi màu xanh nhỏ hơn lá bắc. Lá đài 5, rời, đều, dài khoảng 3 mm, dạng tam giác hẹp màu xanh, có lông thưa trắng [hình 5]. Tràng hợp thành ống hình trụ dài 6 mm, có lông, phần trên loe ra và chia thành 2 môi 2/3 rõ [hình 6], môi trên có thùy cạn, màu trắng không có sọc tím; môi dưới xẻ 3 thùy rộng có sọc hồng tím, đầu nhọn; tiền khai lợp. Nhị 2, đính ở họng tràng; chỉ nhị [hình 7] rời, dạng sợi màu trắng, mang rìa lông như bàn chải trên lưng, càng gần ngọn lông càng nhiều. Bao phấn [hình 8] hình hạt đậu, màu tím, nứt dọc, hướng trong, đáy bao phấn nhọn, mang chùm lông dài màu trắng (tài liệu gọi là bao phấn có râu), 2 bao phấn dính nhau ở đáy, thò ra ngoài. Hạt phấn [hình 9] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục có các rãnh dọc, kích thước 65-70×30-35 µm. Vòi nhụy dạng sợi màu tím, không lông, 2 đầu nhụy hình sợi. Bầu [hình 10] dẹp dài khoảng 1,5 cm, 2 lá noãn vị trí trước sau tạo bầu trên, 2 ô, mỗi ô có trên 4 noãn [hình 11], đính noãn [hình 12] trung trụ, đĩa mật to bao quanh đáy bầu. Quả [hình 13] nang dẹp, 2 buồng, hình bầu dục hai đầu nhọn, dài 15-16 mm, rộng 3-3,5 mm, có ít lông mịn, quả già [hình 14] tự mở thành 2 mảnh cho hạt bắn đi xa. Hạt hình tròn, màu nâu nhạt.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 15]
Vi phẫu hình vuông, 4 góc lồi [hình 16] giống như 4 cánh ngắn. Tế bào biểu bì khá đều, một số tế bào phình to mang bào thạch [hình 17] xù xì, không cuống. Lông che chở đa bào từ 3-5 tế bào và lông tiết [hình 18] đầu đa bào, chân ngắn. Mô dày góc nhiều ở 4 góc, ít hơn ở cạnh vi phẫu, những đoạn không có mô dày thường gặp các lỗ khí hơn. Mô mềm vỏ đạo, 3-8 lớp tế bào hình tròn, vách mỏng. Nội bì đai Caspary, trụ bì gồm từ 2-3 lớp tế bào nhỏ hơn nội bì [hình 19], hóa mô cứng rải rác. Hệ thống dẫn tạo thành vòng liên tục, libe ở ngoài, gỗ ở trong. Libe 1 bị ép dẹp vào sát trụ bì. Gỗ 1 tập trung nhiều ở 4 góc và 2 cạnh, 2 cạnh còn lại ít thấy gỗ 1. Mô mềm tủy khuyết, tế bào lớn, vách cellulose hoặc hóa gỗ ít. Mô mềm tủy và vỏ rải rác có tinh thể calci oxalat hình khối.
[hình 20]: Gân giữa: Biểu bì trên lồi thành 2-3 thùy rõ, biểu bì dưới lồi thành 2 thùy nhọn hướng về hai phía, đáy phẳng. Tế bào biểu bì kích thước lớn, hình chữ nhật hoặc đa giác, mang lông che chở đa bào và lông tiết [hình 21] đa bào chân ngắn, cutin mỏng. Dưới biểu bì có từ 2-8 lớp mô dày [hình 22] góc. Mô mềm gồm các tế bào gần tròn, kích thước không đều, vách mỏng. Cung libe gỗ gần như liên tục, gỗ ở trên và libe ở dưới. Phiến lá [hình 23]: Biểu bì tương tự như gân giữa, mô mềm giậu chỉ có 1 lớp tế bào ngắn, dưới mỗi tế bào biểu bì có 2-3 tế bào mô giậu. Mô mềm có chừa các khuyết to.
Biểu bì lá: Mảnh biểu bì trên [hình 24] của lá gồm những tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác uốn lượn, không mang lỗ khí. Biểu bì dưới [hình 25] mang lỗ khí kiểu trực bào. Nhiều lông tiết đầu đa bào, lông che chở ít.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân lá màu lục xám, không mùi, vị rất đắng. Thành phần gồm: mảnh biểu bì trên [hình 26] không mang lỗ khí và biểu bì dưới [hình 27] của lá mang lỗ khí kiểu trực bào; lông che chở đơn bào, vách dày; lông tiết đầu tròn, đa bào; mảnh biểu bì thân [hình 28] và lá có chứa các bào thạch [hình 29] không cuống có bề mặt sần sùi hoặc u lồi; sợi dài; mảnh mô mềm, tế bào hình đa giác; mảnh mô giậu, tế bào hình đa giác có kích thước bằng nhau; các mảnh mạch [hình 30] xoắn, mạch mạng, mạch vạch.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới khác như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philippines,…Cây được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc hoặc mọc hoang. Cây ưa sáng và ưa mọc trên đất ẩm, sinh trưởng mạnh vào mùa xuân hè, mùa đông tàn lụi. Mùa hoa tháng 9-12, mùa quả tháng 1-2.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây trên mặt đất (Herba Andrographitis). Nên thu hái cây khi chưa ra hoa; loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn, rồi phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: 

Trong cây và lá chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid, ngoài ra còn có các acid hữu cơ, tanin, nhựa, đường,…Trong lá có deoxyandrographolide 0,1%, andrographolide 1,5%, neoandrographolide 0,2%, homoandrographolide, panicolide. Còn có andrographan, andrographon, andrographosterin. Rễ chứa mono-O-methylwithtin, andrographin, panicolin, apigenin - 7,4’- dimethyl ether. Toàn cây chứa 14-deoxy-11-oxoandrographolide, 14-deoxy-11,12-didehydrographolide,… và các panniculide A, B, C.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Xuyên tâm liên có tính kháng sinh mạnh đối với nhiều loại vi trùng, làm tăng khả năng thực trùng của bạch cầu, tác dụng giảm đau tương tự aspirin và làm hạ huyết áp. Xuyên tâm liên là một trong những cây thuốc được thế giới đưa vào nghiên cứu chữa bệnh AIDS. Thường dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amygdan, viêm đường tiết niệu, âm đạo, cổ tử cung, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, huyết áp cao, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt, bỏng. Dùng ngoài trị mụn nhọt, ghẻ lở và rắn cắn. Cũng được dùng để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
* Các bài thuốc có xuyên tâm liên:
1. Chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt do sưng tấy: Dùng 10-15g sắc uống, dùng riêng hoặc phối hợp với Kim ngân hoa, Sài đất.
2. Chữa viêm miệng, viêm họng: Dùng vài ba lá Xuyên tâm liên nhai ngậm.
3. Chữa viêm phổi, sưng amygdan: Dùng Xuyên tâm liên, Huyền Sâm, Mạch môn, đều 10 g sắc uống.

Hình đính kèm
Thân
mặt trên lá
mặt dưới lá
Cụm hoa
lông thưa trắng
môi 2/3 rõ
chỉ nhị
Bao phấn
Hạt phấn
Bầu
noãn
đính noãn
Quả
quả già
Thân
góc lồi
bào thạch
lông tiết
nội bì
Lá
lông tiết
mô dày
Phiến lá
biểu bì trên
Biểu bì dưới
biểu bì trên
biểu bì dưới
biểu bì thân
bào thạch
mảnh mạch

Bộ Hoa môi (Lamiales)


Họ Bạc hà (Lamiaceae)


Chi Elsholtzia

Loài E. ciliata (Thunb.) Hyland (Cây Kinh Giới)

Tên
Tên khác: 

Khương giới, Giả tô, Nhả nát hom (Thái), Phjăc hom khao (Tày) Kinh giới rìa, Bán biên tô, Tiểu kinh giới, Bài hương thảo.

Tên khoa học: 

Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

Tên đồng nghĩa: 

E. cristata Willd.; Sideritis ciliata Thunb.; Hyssopus ocymifolius Lamk.; Mentha pattrini Lepech.; Perilla polystachya D. Don.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae).

Tên nước ngoài: 

Sweet marjoram (Anh).

Mẫu thu hái tại: 

Lạc Sơn, tỉnh Lâm Đồng ngày 20 tháng 05 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

KG 200510; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cỏ [hình 1] đứng, cao 0,5-1 m, toàn cây có lông [hình 2] màu trắng, có mùi rất thơm. Thân non màu xanh, tiết diện vuông hơi khuyết ở bốn cạnh; thân già màu nâu tía có bốn góc lồi [hình 3] tròn dọc thân. đơn, mọc đối [hình 4] chéo chữ thập. Phiến lá [hình 5] màu xanh đậm hơn ở mặt trên, hình trứng đỉnh nhọn, gốc hình nêm men một phần dọc theo hai bên cuống lá, kích thước 3-7 x 2,5-5 cm, bìa răng cưa nhọn không đều ở 2/3 phía trên, mặt dưới nhiều chấm nhỏ (lông tiết); gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 4-7 cặp gân phụ hơi cong ở ngọn. Cuống lá hình trụ hơi phẳng ở mặt trên, gốc cuống lồi thành u nhỏ, mặt trên có lông rậm màu trắng ở giữa, dài 2,5-4 cm. Cụm hoa [hình 6] xim co tạo thành gié giả dài 5-12 cm ở ngọn cành, tạt về một phía [hình 7] dày đặc hoa. 1-2 xim co ở nách lá bắc, mỗi xim 3-5 hoa. Lá bắc [hình 8] màu xanh hay xanh tím nhiều gân nổi, hình thoi rộng mũi nhọn, nhiều lông ở mặt ngoài, kích thước 3-5 x 6-7 mm. Cuống hoa màu xanh rất ngắn hoặc gần như không có. Lá đài [hình 9] 5, màu xanh, gần đều, dính nhau thành một ống hình chuông dài khoảng 1,5 mm, trên chia 5 phiến tam giác nhọn khoảng 1 x 0,5 mm, mặt ngoài đầy lông tơ trắng, nhiều hơn ở rìa; tiền khai van. Cánh hoa [hình 10] 5, màu trắng hay tím nhạt đậm dần phía trên, mặt ngoài phủ đầy lông dài màu trắng và có nhiều điểm tuyến màu vàng, dính nhau ở dưới thành ống hơi thắt ở gần đáy, dài khoảng 2-3 mm, trên chia môi 2/3: môi trên xẻ cạn làm 2 thùy giống nhau, hình hơi tròn, kích thước nhỏ, khoảng 0,5 x 0,5 mm; môi dưới chia 3 thùy không đều, hai thùy bên giống nhau hình cung to hơn thùy môi trên, thùy giữa to nhất hơi khum hình gần tròn, rìa hơi lượn, kích thước khoảng 1,5 x 1,5 mm; tiền khai lợp. Nhị [hình 11] 4, kiểu 2 trội [hình 12], chỉ nhị dạng sợi mảnh màu trắng hay tím nhạt, nhẵn, đính khoảng giữa ống tràng xen kẽ [hình 13] với cánh hoa, nhị trước dài khoảng 0,6-0,7 cm, nhị sau dài 0,3-0,4 cm; bao phấn [hình 14] màu đỏ tím, 2 buồng xếp thành hình số 8 dọc, nứt dọc, hướng trong, đính giữa, chung đới dạng đòn cân ở mặt ngoài; hạt phấn [hình 15] rời màu trắng sữa, hình bầu dục có rãnh, mặt ngoài có nhiều vân, kích thước 37,5-45 x 30-32,5 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên hình cầu 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô [hình 16] rời, mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy [hình 17] màu trắng trong mờ, nhẵn, dạng sợi đính ở đáy bầu giữa các ô, dài 0,7-0,8 cm, tận cùng hai nhánh đầu nhụy màu hơi tím nhạt dài khoảng 1 mm choãi ra hướng trước sau; đĩa mật [hình 18] ở gốc bầu dạng 4 gờ nạc. Quả [hình 19] bế 4, hình bầu dục có cạnh, màu nâu, dài khoảng 0,5 mm, rốn hẹp ở đáy, mang trong đài tồn tại [hình 20] khô xác màu nâu.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu [hình 21] hình vuông lõm ở bốn cạnh. Các mô [hình 22] gồm: Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác gần tròn kích thước nhỏ, gần đều, lớp cutin mỏng hơi răng cưa. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông tiết đa bào, lông che chở đa bào. Lông tiết ngắn với đầu hình tròn hay hõm ở giữa gồm 1, 2 hoặc 4 tế bào. Lông che chở đa bào kích thước to, phía trên là một dãy 4-5 tế bào, phía dưới cùng mức hoặc hơi cao hơn mức biểu bì gồm một vài tế bào. Mô dày [hình 23] góc 1-5 lớp tế bào đa giác hay gần tròn, kích thước không đều lớn hơn tế bào biểu bì, tập trung nhiều ở 4 góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết 2-4 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang hay gần tròn, to, không đều, thường bị ép dẹp. Ở thân già tầng bì sinh xuất hiện trong lớp mô mềm vỏ sinh bần ở ngoài lục bì ở trong, tế bào hình chữ nhật vách hơi lượn xếp xuyên tâm. Nội bì [hình 24] khung Caspary. Trụ bì ít tế bào hóa mô cứng nằm rải rác thường có trên các đám libe gỗ. Libe 1 ít, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách uốn lượn xếp lộn xộn. Libe 2 tế bào hình chữ nhật vách lượn xếp xuyên tâm với tế bào gỗ 2. Gỗ 2 nhiều; mạch gỗ 2 hình đa giác hay gần tròn, kích thước lớn không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 bao quanh mạch, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 25] thành cụm nằm dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 15-20 bó, cụm ở cạnh thường 1-3 bó, mỗi bó 3-5 mạch. Mô mềm gỗ 1 tế bào hình đa giác, vách tẩm cellulose hoặc tẩm chất gỗ. Tia tủy hẹp 1-3 dãy tế bào và nhiều ở bốn cạnh tạo các khoảng gian bó, gồm nhiều dãy tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy [hình 26] đạo, tế bào kích thước lớn, không đều, hình gần tròn đôi khi có vài tế bào hình đa giác dẹp xếp khít nhau. Tinh bột [hình 27] nhiều ở mô mềm vỏ, nội bì, tia tủy, libe và mô mềm quanh vùng tủy. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.
:
Cuống lá [hình 28]:
Mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi, hai bên có tai [hình 29]. Tế bào biểu bì hình tròn hay đa giác, kích thước nhỏ, không đều, lớp cutin mỏng hơi răng cưa. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông che chở nhiều hơn ở mặt trên và lông tiết đa bào giống ở thân. Mô dày góc 3-5 lớp dưới biểu bì trên, 1-3 lớp trên biểu bì dưới, thường bị gián đoạn bởi mô mềm khuyết có lục lạp ở hai bên eo phía dưới tai, tế bào đa giác hoặc gần tròn, kích thước lớn không đều, đôi khi bị tách lớp. Mô mềm đạo tế bào tròn hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn [hình 30] với gỗ ở trên libe ở dưới, xếp thành hình cung ở giữa và 2-4 bó nhỏ hơn ở 2 bên phía trên và 2 tai. Ở bó chính, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác xếp thành 15-22 dãy, mỗi dãy có 1-6 mạch không đều, xen kẽ với mô mềm gồm 1-4 dãy tế bào hình chữ nhật hay đa giác vách cellulose; libe tế bào hình đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Mô mềm vách dày cellulose 2-4 lớp tế bào đa giác nhỏ, không đều, bao bên ngoài cung libe gỗ. Tinh bột nằm rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo dưới vùng libe; hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp.
Gân giữa [hình 31]:
Mặt trên hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều và uốn lượn không đều. Biểu bì có thể bong tróc khỏi mô dày, tế bào hình tròn hay đa giác, kích thước nhỏ, không đều, gần giống nhau ở hai mặt, lớp cutin mỏng hơi có răng cưa cạn tách khỏi lớp biểu bì dưới. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí [hình 32], lông che chở [hình 33] đa bào và lông tiết [hình 34] đa bào giống ở thân. Lông che chở đa bào nhiều ở mặt trên, rải rác ở mặt dưới. Mô dày [hình 35] góc 1-5 lớp dưới biểu bì trên, 1-2 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình tròn hay đa giác, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì, không đều, thường bị tách tạo khuyết. Mô mềm đạo [hình 36] tế bào tròn hay đa giác gần tròn, to, không đều. Mô dẫn [hình 37] với gỗ ở trên libe ở dưới xếp hình cung ở giữa và 1-3 bó nhỏ hơn ở 2 bên phía trên bó chính. Ở bó chính, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn xếp thành 15-20 dãy, mỗi dãy có 1-6 mạch không đều, xen kẽ với 1-3 dãy mô mềm tế bào đa giác vách cellulose; libe ít, tế bào nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm; bao bên ngoài cung libe gỗ có 2-4 lớp tế bào mô mềm hình đa giác, không đều, xếp khít nhau. Tinh bột rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo.
Phiến lá [hình 38]:
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc đa giác dài, kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới nhỏ hơn biểu bì trên. Cả hai biểu bì rải rác có lông tiết đa bào giống ở thân, lông che chở đa bào thường có ở vùng gân phụ, lỗ khí nhiều hơn ở mặt dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu một lớp tế bào hình chữ nhật, 2-4 tế bào xếp thẳng góc dưới mỗi tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết nối từ mô mềm giậu đến biểu bì dưới, gồm 4-6 lớp tế bào đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, chứa lục lạp, xếp chừa khuyết to không đều. Nhiều bó gân phụ gỗ ở trên libe ở dưới rải rác trong thịt lá.
Rễ:
Vi phẫu [hình 39] hình gần tròn. Các mô [hình 40] gồm: Bần, lục bì, mô mềm vỏ khuyết tế bào hình bầu dục, không đều, vách đang phân chia rõ, bong tróc. Tầng bì sinh thường xuất hiện trong mô mềm vỏ hoặc ngay sát ngoài nội bì sinh bần ở ngoài nhu bì ở trong. Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách hơi lượn, xếp xuyên tâm. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách lượn xếp xuyên tâm với bần, bị ép dẹp. Nội bì [hình 41] khung Caspary. Trụ bì 1-2 lớp tế bào dưới nội bì, ép dẹp, vách cellulose. Libe 2 [hình 42] tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp xuyên tâm. Gỗ 2 [hình 43] nhiều, mạch gỗ 2 hình đa giác hoặc gần tròn, không đều; mô mềm gỗ 2 vách dày tẩm chất gỗ, một số tẩm cellulose. Gỗ 1 không phân biệt được. Tia tủy 2-4 dãy tế bào hình đa giác. Mô mềm tủy [hình 44] tế bào đa giác kích thước lớn hơn tế bào mô mềm gỗ 2, vách hóa mô cứng.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có màu xanh nâu, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 45] tế bào vách uốn lượn có lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh gân lá [hình 46] tế bào đa giác dài, đính lông tiết [hình 47]. Lông tiết [hình 48] đa bào. Mảnh mô mềm. Mảnh mô dày [hình 49]. Mảnh mạch [hình 50]. Lông che chở [hình 51] bị gãy. Hạt phấn [hình 52] hình gần bầu dục có rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh cánh hoa. Mảnh mô mềm giậu [hình 53].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Kinh giới được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía bắc và một số ít tỉnh phía nam như Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh,...
Kinh giới thuộc loại cây sống một năm, ưa sáng và ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thích nghi với đất phù sa và đất thịt. Mùa hoa tháng 7-10, mùa quả tháng 10-12.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất (Herba Elsholtziae ciliatae) đã được phơi sấy nhẹ đến khô. Dùng dạng thuốc sắc hoặc tán bột hoặc có thể dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Kinh giới chứa tinh dầu 2% (tính theo dược liệu khô), flavonoid và một số thành phần khác.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Kinh giới có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ẩm, vào 2 kinh: phế và can, có tác dụng làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, tán hàn, khu phong, chỉ ngứa, tàn ứ, phá kết. Sao đen thì chỉ huyết. Kinh giới được dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau xương, đau mình, viêm họng, nôn mửa, sởi, lở ngứa, mụn nhọt; sao đen chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu. Còn dùng chữa phụ nữ sau khi sinh bị trúng phong, hàm răng cắn chặt chân tay cứng đờ.

Hình đính kèm
Cỏ
lông
góc lồi
mọc đối
Phiến lá
Cụm hoa
một phía
Lá bắc
Lá đài
Cánh hoa
Nhị
2 trội
xen kẽ
bao phấn
hạt phấn
4 ô
vòi nhụy
đĩa mật
Quả
đài tồn tại
Vi phẫu
Các mô
Mô dày
Nội bì
Gỗ 1
Mô mềm tủy
Tinh bột
Cuống lá
tai
Mô dẫn
Gân giữa
lỗ khí
lông che chở
lông tiết
Mô dày
Mô mềm đạo
Mô dẫn
Phiến lá
Vi phẫu
Các mô
Nội bì
Libe 2
Gỗ 2
tủy
Mảnh biểu bì
Mảnh gân lá
đính lông tiết
Lông tiết
Mảnh mô dày
Mảnh mạch
Lông che chở
Hạt phấn
Mảnh mô mềm giậu

Chi Leonurus

Loài Leonurus japonicus (Cây Ích mẫu)

Tên
Tên khác: 

Sung úy, Chói đèn.

Tên khoa học: 

Leonurus japonicus Houtt.

Tên đồng nghĩa: 

Stachys artemisia Lour., Leonurus artemisia (Lour.) S. Y. Hu, Leonurus heterophyllus Sweet., Leonurus sibiricus auct. non L.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Motherwort.

Mẫu thu hái tại: 

Bắc Giangvà thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05/2007.

Số hiệu mẫu: 

IMB0507 và IMH0507

Thân [hình 1] cỏ đứng, tiết diện vuông, màu xanh lục, đường kính 2-5 mm ít khi đến 8 mm, nhiều lông mịn màu trắng; mỗi cạnh có một rãnh dọc và hai ba gân dọc không rõ; ở giữa trắng xốp ở thân non và có thể rỗng ở thân già. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Các lá ở gốc [hình 2] thân có cuống dài, phiến chẻ theo hình chân vịt. Các lá gần ngọn [hình 3] xẻ thành 3 thùy hẹp và dài, mỗi thùy có thể lại xẻ thành 3 thùy nhỏ, bìa có răng cưa hay hình dãy hẹp, không cuống. Phiến lá có nhiều lông ngắn mịn màu trắng ở cả hai mặt. Gân lá hình chân vịt với 3 gân chính nổi rõ ở mặt dưới [hình 4]. Cuống lá dài 2-4 cm, không phân biệt rõ vì phiến lá kéo dài xuống tạo thành 2 phần hẹp ở hai bên cuống. Cụm hoa [hình 5] là xim co từ 8-12 hoa ở nách những lá phía ngọn, 2 xim mọc đối tạo thành vòng giả ở mỗi mấu. Hoa nhỏ, không đều, lưỡng tính, mẫu 5, không cuống. Lá bắc dạng hình kim, dài 4-7 mm, màu vàng lục, có nhiều lông trắng; các lá bắc tập trung phía dưới cụm hoa. Đài cao 5-6 mm, có nhiều lông mịn ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong, tồn tại xung quanh 4 quả bế [hình 6]. Lá đài [hình 7] 5, dính nhau bên dưới thành một ống hình chuông cao 3-4 mm và rộng 2-3 mm, 5 gân dọc nổi rõ, phía trên chia thành 5 thùy nhọn như gai tương ứng với 5 gân dọc, tiền khai van; các thùy không bằng nhau tạo thành hai môi kiểu 3/2, 3 thùy của môi trên gần đều nhau và ngắn hơn 2 thùy của môi dưới. Tràng [hình 8] cao 8-10 mm, có nhiều lông nhung ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong. Cánh hoa 5, màu hồng tím khi tươi và nâu nhạt lúc khô, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp ở phần dưới và loe rộng ở phần trên, bên trên chia thành 5 thùy không đều tạo thành hai môi [hình 9] kiểu 2/3; môi trên có 2 thùy nhưng dính nhau hoàn toàn thành một phiến đứng dạng mũ; môi dưới gồm 3 thùy xòe ra, không đều, thùy giữa có nhiều gân màu nâu đậm, to và dài hơn 2 thùy bên, đầu tròn hay chia 2 thùy rất cạn. Nhị [hình 10] 4, không đều, 2 nhị dài ở phía trước và đính ở mức thấp, 2 nhị ngắn ở phía sau và đính ở mức trên (bộ nhị kiểu hai trội), đính trên ống tràng ở gần đáy và hướng lên phía môi trên của tràng. Chỉ nhị dài 2-3 mm, màu nâu nhạt, có nhiều lông trắng mịn. Bao phấn [hình 11] hình trứng, màu vàng nâu, gồm 2 ô xếp song song, hướng trong, nứt dọc; chỉ nhị gắn vào giữa 2 ô phấn. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, vị trí xích đạo dạng hình bầu dục hai đầu thuôn và có rãnh dọc, vị trí cực dạng hình cầu thường có 5 đường dọc theo trục và chia hạt phấn thành 5 múi. Lá noãn 2, dính nhau thành bầu 2 ô nhưng có một vách giả xuất hiện sớm ngăn bầu thành 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn đáy. Bầu trên, xẻ sâu đến đáy thành 4 thùy. Vòi nhụy 1, dạng sợi, nhẵn, đính ở đáy bầu. Đầu nhụy [hình 12] 2, đều nhau, dạng sợi. Quả là 4 quả hạch con được bao bởi đài tồn tại, họng đài vẫn mở; mỗi quả hạch con có 3 góc, dài khoảng 2 mm, đỉnh cắt cụt, màu nâu đậm, rốn quả hẹp và ở đáy, vỏ quả mỏng, cứng và khô.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Vi phẫu thân non [hình 13] hình vuông [hình 14], lồi ở 4 góc, [inline:=thân già] ít lồi hơn. Các mô gồm:
- Biểu bì với lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở thường tập trung nhiều ở các góc lồi, đầu nhọn, vách dày lấm tấm, gồm 3, ít khi 2 hoặc 4 tế bào; tế bào ở ngọn lông luôn luôn dài hơn các tế bào phía dưới. Lông tiết rải rác khắp biểu bì, chân ngắn 1 tế bào, đầu tròn 1 hoặc 2 tế bào; đôi khi có dạng chân dài gồm 2 tế bào không đều, tế bào trên rất ngắn so với tế bào dưới.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, rất phát triển ở 4 góc lồi của thân gồm 6-9 lớp tế bào vách rất dày; ở cạnh thì chỉ có 1-3 lớp tế bào vách dày ít hơn.
- Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào hình bầu dục xếp ngang, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Nội bì [hình 15] khung Caspary rất rõ.
- Trụ bì gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác, không đều, xếp khít nhau, hóa mô cứng rải rác, vách mỏng đến dày.
- Libe ít, tạo thành vòng bao quanh gỗ.
- Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng, rất dày ở góc lồi và mỏng hơn ở cạnh thân [hình 16]. Mạch gỗ to, không đều, tập trung ở các góc thành 4 cụm to; ở cạnh chỉ một vài cụm nhỏ. Mô mềm gỗ tế bào có vách mỏng ở thân non, vách dày ở thân già. Tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào.
- Mạch gỗ 1 xếp thành từng bó phân hóa ly tâm, tập trung ngay bên dưới cụm mạch gỗ 2.
- Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng tẩm chất gỗ hay không, xếp chừa những đạo nhỏ.
[hình 17]: Gân giữa lồi ít ở mặt trên, nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau:
- Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng. Lông che chở và lông tiết [hình 18] có nhiều ở biểu bì dưới. Lông che chở đa bào hoặc đơn bào, đi từ 2 tế bào biểu bì to hơn các tế bào khác, vách dày lấm tấm. Lông đa bào gồm 2 tế bào, tế bào ở trên dài hơn tế bào ở dưới. Lông đơn bào chỉ có ở biểu bì trên. Lông tiết có 3 dạng:
• chân ngắn 1 tế bào, đầu 1 hoặc 2 tế bào, tròn, nhỏ và chứa ít chất tiết. Dạng này có trên cả 2 lớp biểu bì.
• chân ngắn 1 tế bào, đầu to gấp 3-4 lần dạng trên và chứa đầy chất tiết màu vàng đậm. Dạng này chỉ có ở biểu bì dưới.
• chân dài gồm 2 tế bào không đều, tế bào trên rất ngắn so với tế bào dưới; đầu 1 hoặc 2 tế bào, tròn, nhỏ và chứa ít chất tiết. Dạng này hiếm gặp trên 2 lớp biểu bì.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, gồm 3-4 lớp tế bào có góc dày nhiều ở mặt trên và 1-2 lớp tế bào ở mặt dưới có góc dày ít.
- Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Libe gỗ xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; đôi khi cung libe gỗ chia thành 2 cụm. Trên cung chính có thêm một cung nhỏ với libe ở trên và gỗ ở dưới.
Phiến lá [hình 19]: Lông che chở và lông tiết giống như ở gân chính. Lỗ khí có rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá cấu tạo dị thể, mô giậu gồm 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô khuyết gồm những tế bào không đều.
Cuống lá [hình 20]: Vi phẫu cuống lá có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm có:
- Biểu bì với lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết giống như ở phiến lá.
- Mô dày góc ngay dưới biểu bì, không liên tục, gồm 1-4 lớp tế bào.
- Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ.
- Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung hay 2 cung liên tiếp nhau, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai đầu cung có thêm 1 hay 2 cụm libe gỗ nhỏ hoặc là 1 cung ngắn.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây [hình 21] màu xanh lục xám, mùi thơm hắc, vị đắng. Thành phần gồm có:
- Mảnh biểu bì thân mang lông che chở, lông tiết; ở chân lông tiết có 4-8 tế bào biểu bì tỏa ra như hình hoa thị. Lông che chở có thể nguyên nhưng thường gãy thành từng đoạn, vách dày lấm tấm. Lông tiết có đầu tròn, to hay nhỏ, thường gồm 1-4 tế bào xếp trên cùng một mặt phẳng. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác, vách thẳng. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh biểu bì đài hoa tế bào có vách rất ngoằn ngoèo.
- Mảnh mô dày.
- Mảnh mô mềm.
- Mảnh phiến lá với mô giậu.
- Sợi có vách ít dày, khoang rộng, riêng lẻ hay kết thành từng đám.
- Tế bào mô cứng có vách ít dày.
- Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm.
- Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc.
- Mảnh cánh hoa có lông che chở uốn lượn.
- Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước châu Phi, châu Mỹ. Ở nước ta gặp từ Lào cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Bắc, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam vào tới Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh. Cũng được trồng ở nhiều nơi, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa. Cây ưa nóng và ẩm, đất thịt và đất phù sa. Thường gặp ở dọc bờ sông, bãi hoang và ven đường. Ra hoa tháng 6-9, có quả tháng 9-10.

Đặc điểm khác: 

Toàn cây (Herba Leonuri) thường gọi là Mẫu thảo, quả (Fructus Leonuri) gọi là Sung úy tử.

Thành phần hóa học: 

Toàn cây chứa leonurin, stachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt nam có chứa 3 alkaloid, 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chữa kinh nguyệt không đều, bế tắc, hành kinh đau bụng; còn dùng trị viêm thận phù thủng, giảm niệu, tiểu ra máu. Có thể dùng riêng hay phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.

Hình đính kèm
Thân
lá ở gốc
lá gần ngọn
mặt dưới
Cụm hoa
quả bế
Lá đài
Tràng
hai môi
Nhị
Bao phấn
Đầu nhụy
thân non
vuông
Nội bì
cạnh thân
Lá
Lông che chở và lông tiết
Phiến lá
Cuống lá
Bột toàn cây

Chi Mentha

Loài Mentha arvensis L. (Cây Bạc Hà )

Tên
Tên khác: 

Bạc hà nam, Húng cây

Tên khoa học: 

Mentha arvensis L.

Tên đồng nghĩa: 

M. glabrata Benth., M. crispa auct. non L.: Lour.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Field mint, Corn mint, Japanese mint (Anh), Menthe champêtre, Menthe des champs (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Tuy Hòa, ngày 01 tháng 06 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

BH 0609

Thân [hình 1] cỏ đứng, cao 30-60 cm, có thân ngầm, phân nhánh nhiều, cây có mùi thơm dễ chịu. Thân vuông, nhẹ, xốp, nhẵn, đường kính khoảng 0,2-0,4 cm. Thân chia đốt [hình 2], khoảng cách giữa các mấu khoảng 3-7 cm, màu nâu tím hoặc xanh xám, có nhiều lông tơ ở đoạn non và nhẵn ở gần gốc. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá [hình 3] mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình bầu dục hai đầu nhọn, dài 3-6 cm, rộng 1,5-3 cm; cuống lá dài 0,5-1,5 cm, bìa lá có răng cưa nhọn khoảng 2/3 về phía trên. Gân lá hình lông chim, gân phụ 4-5 đôi, mặt trên [hình 4] xanh đậm hơn mặt dưới [hình 5]. Hai mặt đều có lông và có nhiều chấm nhỏ [hình 6] (lông tiết [hình 7]). Cụm hoa [hình 8] là xim co mọc ở nách lá phía ngọn cành; cụm hoa ở phía dưới gần hình cầu có đường kính 15-18 mm, cuống chung dài 2-5 mm; những cụm hoa phía trên gần ngọn hợp thành vòng giả. Lá bắc hình bầu dục thon hẹp, ngắn hơn hay bằng đài. Đài hình chuông [hình 9], dài 2-2,5 mm, có các điểm tuyến và lông rải rác ở phía ngoài, 5 thùy nhọn, gần bằng nhau. Tràng [hình 9] màu trắng, dài 4-5 mm, nhẵn ở phía ngoài, có lông ở họng; 5 thùy, hợp với nhau thành ống ngắn phía dưới, 2 thùy phía trên lớn, dính nhau gần như hoàn toàn chỉ chia 2 thùy cạn giống như khuyết ở đỉnh, 3 thùy dưới nhỏ và xẻ thùy sâu hơn. Nhị [hình 10] 4, bằng nhau, thò khỏi tràng, chỉ nhị nhẵn, màu trắng. Bao phấn hình hạt đậu, màu vàng nâu, 2 ô song song, nứt dọc, hướng trong. Hạt phấn [hình 11] rời, hình cầu hay bầu dục, nhiều rãnh ngoằn nghèo, đường kính 27,5-30 μm. Lá noãn 2, bầu 2 ô, sau có vách giả chia thành 4 ô [hình 12], mỗi ô 1 noãn [hình 13], đính đáy. Vòi nhụy màu trắng dài hơn nhị, đầu nhụy xẻ 2 thùy. Quả bế tư đựng trong đài tồn tại, quả hình trứng, dài 0,6-0,8 mm, màu nâu

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu vuông [hình 14], bốn góc lồi nhiều hoặc ít tùy theo thân non hay thân già. Biểu bì là 1 lớp tế bào hình chữ nhật khá giống nhau, rải rác có chứa chất tiết màu vàng, cutin răng cưa. Lông che chở từ 2-6 tế bào xếp thành 1 dãy (rất ít gặp), bề mặt lấm tấm, có đoạn bị thắt hẹp lại. Lông tiết rất nhiều, có hai loại: lông tiết đầu đơn bào, hình bầu dục, chân ngắn; và loại lông tiết to, tròn, đầu 4-8 tế bào chứa tinh dầu, chân là một tế bào ngắn hoặc có chân là tế bào biểu bì, thường nằm trong vùng lõm của biểu bì trên và dưới. Bên dưới biểu bì là mô dày tròn, tập trung nhiều ở bốn góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết, khoảng 2-4 lớp tế bào, vách mỏng. Nội bì [hình 15] đai Caspary, rải rác có tế bào chứa chất tiết, 1-2 lớp trụ bì bị ép dẹp. Libe ít, tế bào nhỏ, vách mỏng. Gỗ 2 [hình 16] nhiều, tập trung ở 4 góc; mô mềm cấp 2 tẩm chất gỗ có ở bốn cạnh tạo thành vòng liên tục. Bó gỗ 1 nhiều, nằm phía dưới gỗ 2. Mô mềm tủy là những tế bào tròn, to, xếp chừa các khuyết nhỏ; vùng sát với gỗ có thể hóa mô cứng. Ở thân già tầng sinh bần xuất hiện ngay trên trụ bì làm một số vùng mô mềm vỏ phía ngoài chết đi và bong ra. Trụ bì và mô mềm vỏ hóa mô cứng rải rác. Gỗ 2 rất phát triển và mô mềm tủy bị thu hẹp
Cuống lá [hình 17]
Mặt trên lõm, mặt dưới lồi, có 2 cánh ngắn. Tế bào biểu bì hình đa giác, cutin răng cưa, trên biểu bì có lông che chở và lông tiết như ở thân. Sát biểu bì có khoảng 1-4 lớp mô dày tròn tập. Mô mềm khuyết gồm những tế bào tròn, vách mỏng. Hệ thống dẫn hình cung, gián đoạn ở giữa, gỗ ở trên, libe ở dưới. Một vài lớp mô dày tròn bao quanh cung libe gỗ; 2 bó libe gỗ phụ ở 2 bên cánh.

Gân giữa [hình 18]: Mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi nhiều. Tế bào biểu bì trên và dưới khá đều, cutin răng cưa, lông che chở và lông tiết giống như ở thân và có ở cả 2 mặt lá. Mô dày tròn nằm sát biểu bì trên và dưới, khoảng 1-2 lớp. Mô mềm khuyết gồm những tế bào tròn to, vách mỏng. Bó libe gỗ hình cung, nằm giữa phần mô mềm. Ở những lá già, cung libe gỗ có mô dày bao quanh. Phiến lá [hình 19]: Tế bào biểu bì hình bầu dục, biểu bì trên lớn hơn biểu bì dưới. Mô mềm giậu ở sát biểu bì trên, gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp sát nhau, dưới mỗi tế bào biểu bì có khoảng 2-3 tế bào mô giậu. Mô mềm khuyết gồm 3-7 lớp tế bào, khuyết nhỏ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có màu xanh lục nhạt, mùi thơm, vị the mát.
Thành phần: Mảnh biểu bì [hình 20] có vách hơi ngoằn ngoèo mang lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh biểu bì gân lá hình đa giác thuôn dài; ít lông che chở đa bào, bề mặt lấm tấm. Nhiều lông tiết [hình 21] chân ngắn, đầu tròn có 1 hoặc nhiều tế bào (thường là 2, 4, 8 tế bào) chứa tinh dầu màu vàng nhạt, chiết quang. Mảnh mô mềm [hình 22] của lá và thân. Mảnh mạch vạch [hình 23], điểm,... Sợi [hình 24] dài và ít tế bào mô cứng [hình 25].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Thường gặp ở các nước châu Âu, châu Á. Trồng ở hầu khắp các tỉnh và thành phố như: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Tây… Mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 10-11. Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất phù sa, đất thịt.

Bộ phận dùng: 

Dược liệu dùng là lá hay cây đã bỏ rễ phơi khô(Folium et Herba Menthae arvensis) . Cây được chặt thành những đoạn dài tối đa là 30 cm. Loại bỏ tạp chất, phun nước cho hơi ẩm, ủ hơi mềm, cắt thành đoạn ngắn, sấy khô ở nhiệt độ thấp. Trước khi dùng có thể sao ở nhiệt độ thấp hơn 60 oC. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát.

Thành phần hóa học: 

Tinh dầu là hoạt chất chính với hàm lượng 0,5-1%. Tinh dầu không màu hay vàng nhạt, có mùi bạc hà đặc biệt, vị cay, sau mát. Tinh dầu bạc hà di thực vào Việt Nam chứa sabinen, myrcen, α-pinen, limonen, cineol, methylheptenon, menthon, isomenthol, menthyk acetat, neomenthol, menthol, isomenthon, pulegon.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tinh dầu và menthol dùng trong trường hợp đau dây thần kinh, có tác dụng sát khuẩn mạnh. Dùng trong những bệnh ngoài da, tai mũi họng, ngứa. Đối với trẻ em, tinh dầu và menthol bôi mũi hay cổ họng có thể gây ngừng thở và tim ngừng đập. Bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn in vitro đối với các chủng vi khuẩn tả Vibrio cholerae. Các chất menthol và menthon ức chế sự vận động của đường tiêu hóa, làm giãn mao mạch.
Công dụng: Trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, nghẹt mũi, ho, viêm họng sưng đau, đau bụng đi ngoài. Tinh dầu và menthol có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu. Nước hãm lá dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu. Tinh dầu đã loại menthol được dùng làm nước thơm súc miệng, kem đánh răng.

Hình đính kèm
Thân
Thân chia đốt
Lá
mặt trên
mặt dưới
chấm nhỏ
lông tiết
Cụm hoa
Tràng
Nhị
Hạt phấn
chia thành 4 ô
mỗi ô 1 noãn
Vi phẫu vuông
Nội bì
Gỗ 2
Cuống lá
Gân giữa
Phiến lá
Mảnh biểu bì
lông tiết
mô mềm
mạch vạch
Sợi
mô cứng

Chi Ocimum

Loài O. basilicum L. (Cây Húng Quế)

Tên
Tên khác: 

Húng chó, Húng giổi, Rau é, É tía, É quế

Tên khoa học: 

Ocimum basilicum L.

Tên đồng nghĩa: 

O. Citriodorum Blanco; O. Americanum auct. non L.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Sweet basil, common basil, basilic (Anh); grand basilic, basilic cultivé, basilic des cuisinières, basilic aux sauces (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Hóc Môn (Tp. Hồ Chí Minh) ngày 12 tháng 04 năm 2010. Long An ngày 09 tháng 05 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

HQ 120410, HQ 090510; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cỏ đứng [hình 1], cao 0,5-1,2 m, rất phân nhánh, toàn cây có mùi thơm. Thân có mấu, mấu thường phình to ở đoạn già, khoảng cách giữa hai mấu 2-8 cm. Thân non màu xanh có phớt tía hoặc màu tía, rất ít lông tơ, tiết diện vuông hơi lõm ở bốn cạnh [hình 2]. Thân già màu xám nâu hay xám tía, tiết diện vuông hơi tròn hoặc có bốn góc lồi tròn, nhẵn. Lá đơn, mọc đối [hình 3] chéo chữ thập. Phiến lá [hình 4] hình trứng nhọn ở đầu và đáy phiến hình nêm men dần xuống cuống, kích thước 3-8 x 2-5 cm, màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới, bìa có răng cưa cạn ở 2/3 phía trên, nhiều đốm tuyến [hình 5]. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 6-8 cặp gân phụ hơi cong lên ở mép lá, có ít lông tơ ngắn. Cuống lá màu xanh nhạt, hình trụ hơi phẳng ở mặt trên, dài 2-5 cm, ít lông ngắn. Cụm hoa [hình 6] ở ngọn cành kiểu chùm xim bó hoặc chùm xim biến dạng hình tháp. Kiểu chùm xim bó: 2 xim co 6 hoa [hình 7] mọc đối tạo thành vòng giả [hình 8], khoảng cách giữa hai vòng giả 0,5-2 cm, các vòng giả tạo thành chùm dài [hình 9] 10-30 cm. Kiểu chùm xim biến dạng hình tháp do phía dưới trục hoa phân nhánh phức tạp. Lá bắc chung [hình 10] cho xim 3 hoa, màu xanh tía hoặc tím sẫm, dạng lá nhỏ, kích thước thay đổi [hình 11] nhỏ dần khi càng về phía ngọn của phát hoa, khoảng 0,5-1,8 x 0,3-1 cm, có lông, cuống ngắn, tồn tại. Hoa [hình 12] nhỏ, không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa màu xanh hoặc màu tía, hình trụ nhỏ, dài 0,2-0,5 cm, có lông, thường dựng đứng áp vào trục hoa. Lá đài [hình 13] 5, không đều, màu tím sậm hoặc xanh tía, mặt ngoài có nhiều lông trắng và đốm tuyến, mặt trong màu nhạt và ít lông hơn mặt ngoài, dính thành một ống ngắn hình chuông dài khoảng 0,5-0,7 cm, trên chia hai môi 1/4: môi trên lớn, hình tròn đầu hơi nhọn, nơi tiếp giáp giữa hai môi có nếp gấp hẹp chừa phần mép hơi lật về phía sau, có gân dọc; môi dưới một phiến trên chia 4 thùy tam giác không đều, 2 thùy bên ngắn, 2 thùy trước dài và nhọn. Đài đồng trưởng; tiền khai lợp. Cánh hoa [hình 14] 5, không đều, màu trắng hồng, rìa màu hồng, dính nhau bên dưới thành ống ngắn 0,3-0,4 cm, trên chia hai môi 4/1: môi trên một phiến lớn, phía trên xẻ cạn chia 4 thùy tròn gần giống nhau kích thước khoảng 1 x 1 mm; môi dưới hình trứng ngược, khoảng 4 x 2,5 mm, hơi khum lòng thuyền vào trong, mặt ngoài chỗ khum có túm lông trắng dày và dài, bìa có răng cưa và hơi nhăn; tiền khai tràng lợp. Nhị [hình 15] 4, rời, kiểu 2 trội, đính gần đáy ống tràng xen kẽ [hình 16] với cánh hoa, hơi thò khỏi tràng, chỉ nhị màu trắng, dạng sợi, 2 nhị dài phía trước khoảng 0,9-1 cm, 2 nhị ngắn phía sau khoảng 0,7-0,8 cm có cựa ngắn [hình 17] mang túm lông màu trắng; bao phấn [hình 18] bầu dục rộng, màu trắng sữa chuyển thành màu vàng nâu khi đã nứt, 2 buồng song song, đính giữa, nứt dọc, hướng trong; hạt phấn [hình 19] rời, màu trắng sữa, hình gần cầu có rãnh, bề mặt có vân mạng, đường kính 40-50 µm. Bộ nhụy [hình 20]: Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên hình cầu, 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô [hình 21], mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy màu trắng trong mờ, nhẵn, dạng sợi đính ở đáy bầu giữa các ô, dài 7-8 mm; 2 đầu nhụy màu trắng, gần đều, dài khoảng 1 mm, choãi ra hướng trước sau; đĩa mật ở gốc bầu dạng 4 gờ nạc. Quả [hình 22] bế tư, màu đen, hình trứng ngược, dài khoảng 1,2 mm, đựng trong đài tồn tại.
- Mẫu húng quế được chúng tôi thu hái tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Qua phân tích hình thái nhận thấy các đặc điểm chung giống nhau, phát hoa có thể gặp hai kiểu. Tuy nhiên có một số khác biệt về kích thước thân và lá của cây.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu thân non [hình 23] hình vuông, thân già [hình 24] hình gần tròn. Tế bào biểu bì hình chữ nhật hoặc đa giác, không đều, lớp cutin răng cưa [hình 25] cạn. Trên biểu bì có lỗ khí [hình 26], lông che chở [hình 27] đa bào rất ít và bị gãy, lông tiết [hình 28] đa bào chân 1-2 tế bào và đầu tròn hoặc hơi lõm [hình 29] ở giữa gồm 1-6 tế bào. Mô dày góc không liên tục gồm 1-7 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều, tập trung nhiều ở bốn góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết, khoảng 3-6 lớp tế bào hình đa giác hơi dài hoặc bầu dục nằm ngang, vách mỏng, ở thân già có xu hướng bị ép dẹp. Trụ bì [hình 30] hóa mô cứng thành từng đám 1-5 lớp. Ở thân già, tầng bì sinh [hình 31] xuất hiện trong lớp trụ bì sinh bần ở ngoài lục bì ở trong làm cho phần vỏ cấp 1 bị đẩy ra ngoài bong tróc nhiều. Libe 1 ít, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe [hình 32] 2 không liên tục do tia libe hẹp 1-2 dãy tế bào, tế bào hình đa giác, vách mỏng, một số tế bào hóa mô cứng [hình 33]. Gỗ 2 [hình 34] nhiều; mạch gỗ 2 kích thước không đều, hình tròn hoặc đa giác, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hình đa giác vách dày không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 35] thành cụm nằm dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 14-18 bó, cụm ở cạnh thường 1-2 bó, mỗi bó 2-4 mạch xếp ly tâm; mô mềm gỗ 1 tế bào nhỏ, xếp khít, vách cellulose, một số tẩm chất gỗ. Tia tủy nhiều, hẹp 1-2 dãy tế bào hoặc rộng nhiều dãy tế bào ở 4 cạnh, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy [hình 36] đạo, tế bào đa giác gần tròn, to, vách cellulose, gần vùng gỗ vách tẩm chất gỗ có nhiều lỗ. Tinh bột [hình 37] rải rác trong tế bào mô mềm vỏ, nội bì, tia libe. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.

Cuống lá [hình 38]
Mặt trên phẳng hoặc hơi lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình đa giác, biểu bì trên kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn biểu bì dưới, lớp cutin mỏng, thường bong tách. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, lông tiết như ở thân và ít lông che chở đa bào ngắn một dãy 3-5 tế bào ở biểu bì trên. Mô dày [hình 39] góc 3-4 lớp dưới biểu bì trên, 1-3 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình đa giác, kích thước không đều lớn hơn hoặc bằng tế bào biểu bì, thường tách dãy. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô mềm khuyết dưới biểu bì ở hai bên, 1-3 lớp tế bào đa giác hay gần tròn, kích thước nhỏ, chứa lục lạp, xếp chừa khuyết vừa. Mô dẫn [hình 40] với gỗ ở trên libe ở dưới, xếp thành hình vòng cung lõm xuống và 2-5 bó phụ nhỏ ở hai bên phía trên bó chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 20-25 dãy trên cung, mỗi dãy có 1-6 mạch xen kẽ với mô mềm gồm 1-4 dãy tế bào đa giác nhỏ vách cellulose. Libe ít, tế bào đa giác kích thước rất nhỏ, không đều, xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose, kích thước mỗi đám libe bằng hoặc hơi lớn hơn tế bào mô mềm xen kẽ gỗ. Mô mềm đạo 1-4 lớp trên gỗ và 2-5 lớp dưới libe, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ hơn tế bào mô mềm đạo bao bên ngoài, không đều, vách cellulose hơi dày. Tinh bột rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo phía dưới vùng libe và mô mềm xen kẽ gỗ, hạt tinh bột nhỏ hình đa giác dẹp.
Gân giữa [hình 41]
Mặt trên hơi lõm ở giữa, mặt dưới lồi. Biểu bì thường bong tróc khỏi mô dày; tế bào biểu bì trên hình đa giác hơi lớn hơn biểu bì dưới, tế bào biểu bì dưới khá đều, lớp cutin mỏng hơi có răng cưa cạn và thường bong tróc khỏi biểu bì. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí, lông che chở và lông tiết [hình 42] giống như ở cuống lá. Mô dày [hình 43] góc 2-5 lớp tế bào hình đa giác kích thước bằng hoặc lớn hơn tế bào biểu bì, không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới, thường tách dãy. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn [hình 44] với gỗ ở trên libe ở dưới xếp thành hình cung lõm xuống và 1-2 bó phụ [hình 45] nhỏ hơn ở hai bên phía trên cung chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 10-15 dãy trên cung, mỗi dãy có 1-6 mạch xen kẽ với mô mềm gồm 1-4 dãy tế bào đa giác nhỏ vách cellulose; bó phụ mạch gỗ ít nằm dưới libe hoặc không có gỗ. Libe ít, tế bào đa giác kích thước rất nhỏ, không đều, xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục dưới dãy mạch gỗ, xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose, kích thước mỗi đám libe bằng hoặc hơi lớn hơn tế bào mô mềm xen kẽ gỗ. Mô mềm đạo 1-4 lớp trên gỗ và 2-5 lớp dưới libe, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ hơn tế bào mô mềm đạo bao bên ngoài, không đều, vách cellulose hơi dày. Tinh bột rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo giống như ở cuống lá.
Phiến lá [hình 46]
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc chữ nhật dài, to nhỏ không đều nhau. Tế bào biểu bì dưới hình dạng rất khác nhau, kích thước nhỏ hơn biểu bì trên. Cả hai lớp biểu bì có lông che chở đa bào và lông tiết giống ở thân, lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu ở dưới biểu bì trên, gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật dài, không đều; dưới mỗi tế bào biểu bì trên có 1-3 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết nối từ lớp mô mềm giậu đến biểu bì dưới gồm 2-5 lớp tế bào hình đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, xếp chừa khuyết không đều. Nhiều bó gân phụ nhỏ chạy dọc hoặc bị cắt ngang gồm gỗ ở trên, libe ở dưới.
Rễ
Vi phẫu [hình 47] hình gần tròn. Các mô [hình 48]: Mô mềm vỏ ngoài khuyết một vài lớp tế bào đa giác dài hơi bầu dục nằm ngang, kích thước lớn, không đều, bị bong tróc nhiều; mô mềm vỏ trong 2-3 lớp xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm. Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình đa giác vách cellulose. Tầng bì sinh xuất hiện trong vùng mô mềm vỏ trong sinh bần ở ngoài và nhu bì ở trong. Bần vài lớp tế bào vách mỏng uốn lượn xếp xuyên tâm, bong tróc không đều. Nhu bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách cellulose, thường ép dẹp, xếp xuyên tâm với bần. Libe 2 [hình 49] liên tục, tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp, có thể có cụm sợi trong libe ở rễ già. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 50]; mạch gỗ hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hóa mô cứng không đều. Gỗ 1 khó phân biệt. Tia tủy [hình 51] 2-5 dãy tế bào hình đa giác dài. Tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, rải rác trong libe 2 và tia libe.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu xanh, mùi thơm, vị hơi cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 52] lá tế bào vách uốn lượn có lỗ khí kiểu trực bào. Mảnh biểu bì gân lá tế bào đa giác dài. Lông che chở [hình 53] đa bào một dãy bị gãy. Lông tiết [hình 54] đa bào nhiều. Mảnh cánh hoa. Hạt phấn [hình 55] hình gần bầu dục có rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh mạch (xoắn, mạng [hình 56], vạch [hình 57], điểm [hình 58]). Sợi [hình 59] dài và ít tế bào mô cứng [hình 60]. Mảnh mô mềm [hình 61] thân và lá tế bào vách mỏng. Mảnh mô dày.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Húng quế có ở nhiều tỉnh. Cây ưa sáng và ẩm, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, thích hợp với đất phù sa và đất thịt. Mùa ra hoa tháng 7-9, quả chín tháng 10-12.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây và hạt (Herba et Semen Ocimi)

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất của cây Húng quế chứa tinh dầu có hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol metyl-chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Húng quế có vị cay, tính ấm, vào 2 kinh phế, tâm, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm, tán máu ứ, giảm đau. Húng quế được dùng phổ biến làm rau gia vị trong bữa ăn. Trong y học, Húng quế chữa cảm cúm, đầy bụng khó tiêu, vấp ngã hay bị đòn sưng đau. Dùng uống hoặc giã đắp. Hạt dùng làm thức giải khát như chè và có tác dụng nhuận tràng.

Hình đính kèm
Cỏ đứng
bốn cạnh
mọc đối
Phiến lá
đốm tuyến
Cụm hoa
6 hoa
vòng giả
chùm dài
Lá bắc chung
kích thước thay đổi
Hoa
Lá đài
Cánh hoa
Nhị
xen kẽ
cựa ngắn
bao phấn
hạt phấn
Bộ nhụy
4 ô
Quả
Vi phẫu thân non
thân già
cutin răng cưa
lỗ khí
lông che chở
lông tiết
lõm
Trụ bì
tầng bì sinh
Libe
mô cứng
Gỗ 2
Gỗ 1
Mô mềm tủy
Tinh bột
Cuống lá
Mô dày
Mô dẫn
Gân giữa
lông tiết
Mô dày
Mô dẫn
bó phụ
Phiến lá
Vi phẫu
Các mô
Libe 2
Gỗ 2 chiếm tâm
Tia tủy
Mảnh biểu bì
Lông che chở
Lông tiết
Hạt phấn
mạng
vạch
điểm
Sợi
tế bào mô cứng
Mảnh mô mềm

Loài O. gratissimum L. (Cây Hương Nhu Trắng)

Tên
Tên khác: 

É trắng, Hương nhu trắng lá to É lớn lá

Tên khoa học: 

Ocimum gratissium L.

Tên đồng nghĩa: 

O. arborescens Benth.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Lemon basil, large basil, shrubby basil (Anh); basilic blanc,basilic à grandes feuilles, baumier, basilic du Ceylon (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Lâm Đồng ngày 26 tháng 04 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

HNTRANG 260410; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cây bụi [hình 1] nhỡ, cao 0,7-3 m, rất phân nhánh, toàn cây có lông màu trắng xanh và có mùi thơm dịu. Thân có mấu thường phình to, khoảng cách giữa hai mấu 5-10 cm. Thân non [hình 2] màu xanh nhạt hoặc hơi tía, tiết diện vuông, thường có những sọc dọc nhỏ màu trắng xanh hoặc tía. Thân già màu nâu xám, gần gốc tiết diện gần tròn. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá [hình 3] hình trứng - mũi mác, đầu nhọn thường hơi lệch về một bên, gốc hình nêm men xuống một phần cuống, kích thước 7-15 x 3,5-7 cm, bìa có răng cưa nhọn ở khoảng 2/3 phía ngọn lá, mặt trên xanh đậm hơn mặt dưới và có ít đốm tuyến [hình 4] hơn mặt dưới. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 5-7 cặp gân phụ. Cuống lá màu xanh nhạt, nhiều lông, hình trụ hơi phẳng ở mặt trên, dài khoảng 2-5 cm, có hai đường màu xanh đậm dọc hai bên nối từ phiến lá. Cụm hoa [hình 5] chùm xim bó dài 10-20 cm ở ngọn cành; xim co 3 hoa (xim bó) mọc đối tạo thành vòng giả, khoảng cách giữa hai vòng giả 0,5-1,5 cm, các vòng giả tạo thành chùm. Lá bắc 1 cho 3 hoa, màu xanh nhạt, hình mác hẹp hơi cong về một bên, kích thước 0,8-1,2 x 0,2-0,4 cm, không cuống, nhiều lông, rụng sớm. Hoa nhỏ [hình 6], lưỡng tính, không đều, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ nhỏ, ngắn hơn đài, dài 3-4 mm, màu xanh nhạt, có lông. Lá đài 5, không đều, màu xanh nhạt, mặt ngoài có nhiều lông trắng và đốm tuyến, dính nhau phía dưới thành ống hình chuông dài khoảng 4-5 mm, trên chia môi 1/4: môi trên lớn, hình tròn đầu hơi nhọn, thường có 3 gân, nơi tiếp giáp giữa hai môi có nếp gấp hẹp chừa phần mép hơi lật về phía sau; môi dưới một phiến trên chia 4 thùy dạng răng tam giác nhọn, 2 thùy bên giống nhau và ngắn hơn 2 thùy trước. Đài đồng trưởng, tiền khai lợp. Cánh hoa 5, màu trắng ngà hay vàng nhạt, rìa hơi tím hồng, mặt ngoài có nhiều lông màu trắng, dính nhau bên dưới thành ống hình chuông dài khoảng 3 mm, trên chia môi 4/1: môi trên một phiến phía trên xẻ cạn thành 4 thùy, 2 thùy bên giống nhau hình bầu dục đầu hơi nhọn kích thước khoảng 2 x 1,5 mm, 2 thùy sau giống nhau gần tròn kích thước khoảng 1 x 1mm; môi dưới dài hơn môi trên, hình bầu dục hơi khum úp vào trong, mặt ngoài chỗ khum có nhiều lông màu trắng, bìa hơi nhăn, kích thước 2,5 x 1,5 mm. Tiền khai tràng lợp. Nhị [hình 7] 4, kiểu 2 trội, chỉ nhị dạng sợi màu trắng, đính ở khoảng giữa ống tràng xen kẽ cánh hoa, nhị trước nhẵn dài khoảng 0,4-0,5 cm, nhị sau dài khoảng 0,3-0,4 cm có cựa lồi mang chùm lông [hình 8] màu trắng; bao phấn màu vàng, hình bầu dục, 2 buồng song song, đính giữa, nứt dọc, hướng trong; hạt phấn [hình 9] rời, hình cầu hay bầu dục gần cầu có rãnh, mặt ngoài có vân mạng, đường kính 25-35 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô màu trắng xanh, nhẵn, có vách giả rất sớm chia thành 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính đáy; vòi nhụy [hình 10] màu trắng, dạng sợi, dài khoảng 0,6-0,7 mm, đính ở đáy bầu; 2 đầu nhụy màu trắng hồng, dạng sợi, dài khoảng 1,5 mm. Đĩa mật [hình 11] dưới gốc bầu. Quả [hình 12] bế tư màu nâu, hình trứng, dài khoảng 1,2-1,5 mm, đựng trong đài tồn tại [hình 13].
- Ngoài mẫu thu hái tại Lâm Đồng, chúng tôi còn thu hái tại một số nơi như: Khoa Dược đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận; Thảo cầm viên Sài Gòn. Qua phân tích hình thái nhận thấy giữa các mẫuchir có một số khác biệt về kích thước của cây và lá, màu sắc của thân, độ dày của lông trên thân và lá.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu thân non [hình 14] hình vuông khuyết ở bốn cạnh, thân già [hình 15] hình gần tròn. Các mô [hình 16] gồm: Tế bào biểu bì hình chữ nhật khá đều, lớp cutin khá dày. Trên biểu bì có lỗ khí, lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở [hình 17] đa bào một dãy kích thước lớn gồm 2-8 tế bào, bề mặt lấm tấm, đôi khi có eo thắt. Lông tiết [hình 18] nhiều, có nhiều dạng: lông tiết đầu đơn bào hình bầu dục hoặc tròn, chân một tế bào ngắn hoặc chân 2-3 tế bào; loại lông tiết đầu to tròn hay bầu dục hơi lõm gồm 2-6 tế bào, chân một tế bào ngắn nằm cùng hoặc trên mức biểu bì. Mô dày góc [hình 19] gồm 1-7 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều, tập trung nhiều ở bốn góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết, khoảng 2-4 lớp tế bào hình đa giác hơi dài hoặc bầu dục nằm ngang, vách mỏng, ở thân già có xu hướng bị ép dẹp. Nội bì [hình 20] khung Caspary tế bào to hình bầu dục. Trụ bì hóa mô cứng [hình 21] thành từng đám 1-5 lớp. Ở thân già, tầng bì sinh xuất hiện trong lớp trụ bì sinh bần ở ngoài lục bì ở trong làm cho phần vỏ cấp 1 bị đẩy ra ngoài bong tróc nhiều. Libe 1 ít, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2 không liên tục do tia libe hẹp 1-2 dãy tế bào, tế bào hình đa giác, vách mỏng, đám sợi libe [hình 22] xen kẽ trong libe 2. Gỗ 2 nhiều; mạch gỗ 2 kích thước không đều, hình tròn hoặc đa giác, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hình đa giác vách dày không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 23] thành cụm nằm dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 15-20 bó, cụm ở cạnh thường 1-4 bó, mỗi bó 2-4 mạch xếp ly tâm; mô mềm gỗ 1 tế bào nhỏ, xếp khít, vách cellulose, một số tẩm chất gỗ. Tia tủy nhiều, hẹp 1-2 dãy tế bào hoặc rộng nhiều dãy tế bào ở 4 cạnh, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác gần tròn, to, vách tẩm chất gỗ có nhiều lỗ. Tinh bột rải rác trong tế bào mô mềm vỏ, nội bì, mô mềm gỗ, tia tủy và mô mềm tủy. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.
:
Cuống lá [hình 24]:
Mặt trên phẳng hoặc hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều thắt eo ở hai bên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn biểu bì dưới, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, nhiều lông che chở và lông tiết như ở thân. Mô dày góc 4-6 lớp dưới biểu bì trên, 1-3 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình đa giác, kích thước không đều khoảng 1-3 lần lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô mềm khuyết dưới biểu bì của phần thắt eo ở hai bên, 1-3 lớp tế bào đa giác hay gần tròn, kích thước nhỏ, chứa lục lạp, xếp chừa khuyết vừa. Mô dẫn [hình 25] với gỗ ở trên libe ở dưới, xếp thành hình vòng cung bị gián đoạn ở giữa và 2-3 bó phụ nhỏ ở hai bên phía trên bó chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 18-22 dãy ở mỗi bên của cung, mỗi dãy có 1-7 mạch xen kẽ với mô mềm gồm 1-3 dãy tế bào đa giác nhỏ vách cellulose. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác, vách hơi dày. Phía dưới libe là mô dày góc 2-4 lớp tạo thành cụm, tế bào hình đa giác kích thước to nhỏ không đều.
Gân giữa [hình 26]:
Mặt trên hơi lồi hơi lõm ở giữa, mặt dưới lồi nhiều. Tế bào biểu bì trên hơi lớn hơn biểu bì dưới, tế bào biểu bì dưới khá đều, lớp cutin hơi mỏng. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí, lông che chở và lông tiết [hình 27] giống như ở thân. Mô dày góc 2-6 lớp tế bào hình đa giác gần tròn kích thước không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn với gỗ ở trên libe [hình 28] ở dưới xếp thành hình cung bị gián đoạn ở giữa và 2-4 bó phụ nhỏ phía trên và ở vùng gián đoạn của bó chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 10-15 dãy ở mỗi bên của cung, mỗi dãy có 1-6 mạch xen kẽ với mô mềm gồm 1-3 dãy tế bào đa giác nhỏ vách cellulose; bó phụ mạch gỗ ít nằm dưới libe hoặc không có gỗ. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác, vách hơi dày. Phía dưới libe là mô mềm vách dày 2-4 lớp tạo thành cụm, tế bào hình đa giác kích thước to nhỏ không đều.
Phiến lá [hình 29]:
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc chữ nhật dài, to nhỏ không đều nhau. Tế bào biểu bì dưới hình dạng rất khác nhau, kích thước nhỏ hơn biểu bì trên. Cả hai lớp biểu bì có lông che chở đa bào và lông tiết giống ở thân, lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu ở dưới biểu bì trên, gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, không đều; dưới mỗi tế bào biểu bì trên có 2-4 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết nối từ lớp mô mềm giậu đến biểu bì dưới gồm 2-5 lớp tế bào hình đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, xếp chừa khuyết không đều. Nhiều bó gân phụ nhỏ chạy dọc hoặc bị cắt ngang gồm gỗ ở trên, libe ở dưới.
Rễ:
Vi phẫu [hình 30] hình tròn. Các mô [hình 31] gồm: Bần [hình 32] vài lớp tế bào vách mỏng uốn lượn xếp xuyên tâm, bong tróc không đều. Nhu bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách cellulose, thường ép dẹp, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ khuyết 1-3 lớp tế bào đa giác dài hơi bầu dục nằm ngang, kích thước không đều, thường bị ép dẹp. Libe 2 tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp, cụm sợi libe [hình 33] xen kẽ với mô mềm libe. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 34] tạo thành 2-3 vòng bắt màu khác nhau; mạch gỗ hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hóa mô cứng không đều. Gỗ 1 không phân biệt được. Tia tủy [hình 35] hẹp 1-2 dãy tế bào hình đa giác. Tinh bột [hình 36] ít, rải rác trong tế bào libe 2 và tia libe, hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu xanh, mùi thơm, vị hơi cay. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì [hình 37] lá có lỗ khí kiểu trực bào, tế bào vách uốn lượn. Mảnh biểu bì gân tế bào đa giác dài. Lông che chở [hình 38] đa bào một dãy bị gãy. Lông tiết [hình 39] đa bào nhiều. Mảnh cánh hoa [hình 40]. Hạt phấn [hình 41] hình gần bầu dục có rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh mạch (xoắn, mạng, vạch [hình 42], điểm [hình 43]). Sợi [hình 44] dài và ít tế bào mô cứng [hình 45]. Mảnh mô mềm [hình 46] thân và lá tế bào vách mỏng. Mảnh mô dày [hình 47].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Hương nhu trắng là cây bụi ưa sáng, có biên độ sinh thái khá rộng, có thể thích nghi với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm cũng như vùng cận nhiệt đới. Cây mọc hoang và được trồng ở nơi sáng và ẩm, các bãi hoang, ven đồi núi và bờ ruộng. Ở độ cao trên 1000 m, cây mọc chậm. Mùa hoa quả : tháng 5-7.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất (Herba Ocimi gratisssimi), thu hái khi cây ra hoa, phơi khô. Có thể cất tinh dầu.

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất của Hương nhu trắng chứa tinh dầu với thành phần chủ yếu là eugenol, D- germacren, cis β-ocimen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Hương nhu trắng có vị the, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng giải cảm, giải nhiệt, lợi tiểu.

Hình đính kèm
Cây bụi
Thân non
Phiến lá
đốm tuyến
Cụm hoa
Hoa nhỏ
Nhị
chùm lông
hạt phấn
vòi nhụy
Đĩa mật
Quả
đài tồn tại
Vi phẫu thân non
thân già
Các mô
Lông che chở
Lông tiết
Mô dày góc
Nội bì
mô cứng
sợi libe
Gỗ 1
Cuống lá
Mô dẫn
Gân giữa
lông tiết
libe
Phiến lá
Vi phẫu
Các mô
Bần
sợi libe
chiếm tâm
Tia tủy
Tinh bột
Mảnh biểu bì
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh cánh hoa
Hạt phấn
vạch
điểm
Sợi
tế bào mô cứng
Mảnh mô mềm
Mảnh mô dày

Loài O. tenuiflorum L. (Cây Hương Nhu Tía)

Tên
Tên khác: 

É đỏ, É tía, É rừng.

Tên khoa học: 

Ocimum tenuiflorum L.

Tên đồng nghĩa: 

O. sanctum L.; O. tomentosum Lamk.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae).

Tên nước ngoài: 

Monk’s basil, sacred basil, holy basil, rough basil, tulsi, mosquito plant of South Africa (Anh) ; basilic saint, basilic sacré (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Long An ngày 09 tháng 05 năm 2010; tại Ninh Thuận ngày 15 tháng 06 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

HNTIA 090510, được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cỏ [hình 1] đứng, cao 0,5-1 m, toàn cây có lông [hình 2] màu trắng xanh hoặc tía, có mùi rất thơm. Thân non màu xanh tía hay tía đậm, tiết diện vuông hơi lõm ở bốn cạnh; thân già màu nâu tía tiết diện gần tròn hoặc có bốn ngấn lồi lớn. đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá [hình 3] hình bầu dục, đáy men xuống một phần cuống, bìa răng cưa hơi nhọn hoặc gần tròn ở hơn 2/3 phía trên, màu xanh tía hoặc tía sậm ở mặt trên, mặt dưới màu xanh nhạt hoặc hơi tía và có nhiều đốm tuyến [hình 4] hơn mặt trên, nhiều lông ở hai mặt, kích thước 2,5-5,5 x 1,5-4,5 cm; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 5-7 cặp gân phụ, màu nhạt hơn phiến lá. Cuống lá giống màu gân lá, hình trụ, mặt trên hơi có rãnh ở giữa, gốc có mấu rụng rõ, nhiều lông, dài 2-3,5 cm. Cụm hoa [hình 5] chùm xim bó dài 4-15 cm ở ngọn cành; xim co 3 hoa (xim bó [hình 6]*) mọc đối tạo thành vòng giả, khoảng cách giữa hai vòng giả 1-2 cm, các vòng giả tạo thành chùm. Lá bắc [hình 7] 1 cho 3 hoa, màu tía hay xanh tía, hình tim rộng hoặc hình trứng mũi mác, kích thước nhỏ dần về phía ngọn trục hoa, cuống rất ngắn, hơi hướng xuống, có gân nổi và nhiều lông, kích thước 3-6 x 3-7 mm. Cuống hoa màu xanh tía hoặc tía, hình trụ ngắn khoảng 0,4-0,6 cm, hơi nằm thẳng góc với trục hoa. Hoa [hình 8] nhỏ, lưỡng tính, không đều, mẫu 5. Lá đài 5, không đều, màu tía, dính nhau bên dưới thành ống hình chuông dài khoảng 2-3 mm, trên chia hai môi 1/4: môi trên một thùy hình trứng rộng hơi nhọn ở đỉnh, có gân dọc; môi dưới xẻ chia 4 thùy tam giác nhọn trong đó 2 thùy dưới dài và hẹp hơn hai thùy bên; đài đồng trưởng; tiền khai lợp. Cánh hoa 5, màu trắng hơi tím nhạt, mặt ngoài có nhiều lông và đốm tuyến màu vàng, dính nhau ở dưới thành ống hơi thắt ở gần đáy dài khoảng 2 mm, trên chia hai môi [hình 9] 4/1: môi trên 4 thùy xẻ cạn hình hơi tròn gần bằng nhau; môi dưới 1 thùy lớn nhất, hình trứng dài hơi khum lòng thuyền, đỉnh nhọn, bìa hơi nhăn; tiền khai tràng lợp. Nhị 4, kiểu 2 trội [hình 10], chỉ nhị dạng sợi mảnh màu trắng đính khoảng giữa ống tràng xen kẽ với cánh hoa, gần chỗ đính [hình 11] có lông ngắn, nhị trước dài 0,6-0,7 cm, nhị sau dài 0,3-0,4 cm có cựa lồi không rõ; bao phấn [hình 12] màu vàng, hình bầu dục rộng, 2 buồng, nứt dọc, hướng trong, đính giữa; hạt phấn [hình 13] rời màu vàng, hình gần bầu dục dài hơi có rãnh, mặt ngoài có nhiều vân mạng, kích thước 37,5-42,5 x 20-30 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu [hình 14] trên hình cầu 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô, mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy [hình 15] màu tím nhạt, nhẵn, dạng sợi đính ở đáy bầu giữa các ô, dài khoảng 0,7-0,8 cm, tận cùng hai nhánh đầu nhụy màu trắng dài khoảng 1 mm choãi ra hướng trước sau. Đĩa mật ở gốc bầu dạng 4 gờ nạc. Quả [hình 16] bế 4, màu nâu, hình trứng, dài khoảng 1,2 mm, rốn hơi hẹp ở đáy, mang trong đài tồn tại [hình 17] màu vàng nâu khô xác.
- Ngoài mẫu Hương nhu tía ở Long An, chúng tôi còn thu thập được mẫu Hương nhu tía ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tp. Hồ Chí Minh. Qua phân tích hình thái của tất cả các mẫu này nhận thấy ngoài loại Hương nhu tía có toàn cây (thân, lá, cụm hoa) màu tía phổ biến như mô tả của Thực vật chí Việt Nam còn có loại Hương nhu tía toàn cây có màu xanh [hình 18] lá có mùi thơm và đặc điểm hình thái giống như cây Hương nhu tía toàn cây có màu tía. Cây Hương nhu tía toàn cây có màu tía như đã mô tả và cây Hương nhu tía toàn cây có màu xanh lá chỉ khác biệt về màu sắc và một số khác biệt nhỏ về kích thước của thân và lá [hình 19] của cây. Mẫu Hương nhu tía toàn cây có màu xanh lá phân bố khá phổ biến ở vùng núi của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, mẫu này đôi khi dễ nhầm lẫn với loài Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.), tuy nhiên có thể phân biệt qua mùi thơm và đặc điểm hình thái của cây này khác với cây Hương nhu trắng.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu [hình 20] thân hình vuông. Các mô [hình 21] gồm: Tế bào biểu bì hình chữ nhật không đều, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở [hình 22] có chân đa bào (do 2 hay nhiều tế bào biểu bì), đầu nhọn 1 dãy gồm 3-9 tế bào. Lông tiết nhiều dạng: loại đầu hình tròn hay bầu dục [hình 23] đơn bào, chân ngắn 1-2 tế bào, và loại lông tiết đầu tròn [hình 24] hoặc lõm (đầu to) ở giữa gồm 2-8 tế bào, chân rất ngắn. Mô dày góc 1-6 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều, tập trung nhiều ở bốn góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết, khoảng 3-6 lớp tế bào hình đa giác hơi dài hoặc bầu dục nằm ngang, vách mỏng, ở thân già có xu hướng bị ép dẹp. Trụ bì [hình 25] hóa sợi thành từng đám 2-5 lớp. Ở thân già, tầng bì sinh xuất hiện dưới trụ bì sinh bần [hình 26] ở ngoài lục bì ở trong làm cho phần vỏ cấp 1 bị đẩy ra ngoài bong tróc nhiều. Libe 1 thường nằm dưới đám sợi trụ bì, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2 không liên tục, tế bào hình đa giác, vách mỏng. Gỗ 2 nhiều; mạch gỗ 2 kích thước không đều, hình tròn hoặc đa giác, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hình đa giác vách dày không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 27] tập trung thành cụm bên dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 12-15 bó, cụm ở cạnh thường 1-2 bó, mỗi bó 2-4 mạch; mô mềm gỗ 1 tế bào nhỏ, xếp khít, vách cellulose, một số tẩm chất gỗ. Tia tủy nhiều, hẹp 1-4 dãy tế bào hoặc rộng nhiều dãy tế bào ở 4 cạnh, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác gần tròn kích thước lớn không đều. Tinh bột rải rác trong tế bào mô mềm vỏ và tia tủy, hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.
:
Cuống lá [hình 28]:
Mặt trên lõm ở giữa, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn biểu bì dưới, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, nhiều lông che chở và lông tiết như ở thân. Mô dày góc, 4-6 lớp dưới biểu bì trên thường tách lớp, 1-4 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình đa giác, kích thước không đều khoảng 1-4 lần lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô mềm đạo chứa lục lạp ở hai bên, thường dưới biểu bì có lỗ khí, 1-4 lớp tế bào đa giác hay gần tròn. Mô dẫn với gỗ ở trên libe ở dưới, 4-5 cụm xếp thành hình cung và 2-3 bó phụ nhỏ ở hai bên phía trên bó chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 3-8 dãy ở mỗi cụm, mỗi dãy có 1-6 mạch; xen kẽ với dãy gỗ là 1-5 dãy tế bào mô mềm hình đa giác, tế bào mô mềm giữa các cụm có kích thước lớn hơn tế bào mô mềm giữa các dãy mạch. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách cellulose dày. Phía trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, vách cellulose hơi dày. Phía dưới libe là mềm vách dày gồm 1-5 lớp tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, không đều.
Gân giữa [hình 29]:
Mặt trên phẳng, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên hơi lớn hơn biểu bì dưới, tế bào biểu bì dưới khá đều, lớp cutin mỏng. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí [hình 30], lông che chở và lông tiết giống như ở thân. Mô dày [hình 31] góc 1-5 lớp tế bào hình đa giác gần tròn kích thước không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới, tách lớp. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn [hình 32] gồm 4-5 bó với gỗ ở trên libe ở dưới xếp thành hình cung và 3-5 bó phụ nhỏ hơn ở giữa phía trên cung với gỗ ở dưới libe. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 3-8 dãy ở mỗi cụm, mỗi dãy có 1-6 mạch; xen kẽ với dãy gỗ là 1-4 dãy tế bào mô mềm hình đa giác vách cellulose, tế bào mô mềm giữa các cụm có kích thước lớn hơn tế bào giữa các dãy. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, vách hơi dày. Phía dưới libe là mô mềm vách dày gồm 2-5 lớp tạo thành cụm, tế bào hình đa giác kích thước to nhỏ không đều.
Phiến lá [hình 33]:
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc chữ nhật nằm, kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới hình dạng giống biểu bì trên nhưng kích thước to nhỏ rất khác nhau. Cả hai lớp biểu bì có lông che chở đa bào và lông tiết giống ở thân, lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào hình chữ nhật không đều; 1-3 tế bào mô mềm giậu dưới mỗi tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết nối từ lớp mô mềm giậu đến biểu bì dưới gồm 3-5 lớp tế bào hình đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, xếp chừa khuyết không đều. Nhiều bó gân phụ nhỏ bị cắt dọc hoặc cắt ngang.
Rễ:
Vi phẫu [hình 34] hình tròn. Các mô [hình 35] gồm: Bần [hình 36] vài lớp bị bong tróc và nhu bì vài lớp ép dẹp, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách hơi lượn, không đều, xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ ngoài khuyết vài lớp tế bào đa giác dài hơi bầu dục nằm ngang, không đều, bị ép dẹp. Libe 2 [hình 37] gần liên tục, tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 38]; mạch gỗ [hình 39] hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ bao quanh mạch, vách tẩm gỗ, một số cellulose. Gỗ 1 khó phân biệt. Tia tủy hẹp ở phần gỗ hơi loe rộng ở phần libe, 1-3 dãy tế bào hình đa giác dài.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây màu xanh hơi nâu đỏ, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 40] tế bào vách uốn lượn có lỗ khí kiểu trực bào. Lông che chở [hình 41] đa bào một dãy bị gãy. Lông tiết [hình 42] đa bào nhiều. Mảnh cánh hoa [hình 43]. Hạt phấn [hình 44] hình gần bầu dục rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh mạch (xoắn [hình 45], mạng, vạch [hình 46], điểm [hình 47]). Sợi [hình 48]. Tế bào mô cứng. Mảnh mô mềm [hình 49] tế bào vách mỏng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Hương nhu tía phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, Hương nhu tía thường được trồng làm rau ăn và làm thuốc. Cây ưa sáng, nóng và ẩm, ở các vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới và hơi lạnh, không thấy trồng. Mùa hoa tháng 5-7.

Bộ phận dùng: 

Dược liệu là toàn cây trên mặt đất (Herba Ocimi tenuiflori).

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất chứa tinh dầu với thành phần chính của tinh dầu là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và β-caryo-phyllen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Hương nhu tía có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh: phế, vị, có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), thanh nhiệt, tán thấp, hành thủy, giảm đau.
Hương nhu tía được dùng theo kinh nghiệm dân gian để hạ sốt, chữa cảm nhất là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, phù thũng. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc uống hãm. Eugenol chiết từ Hương nhu tía được dùng trong nha khoa và là nguyên liệu để tổng hợp vanilin.

Hình đính kèm
Cỏ
lông
Phiến lá
đốm tuyến
Cụm hoa
xim bó
Lá bắc
Hoa
hai môi
2 trội
chỗ đính
bao phấn
hạt phấn
bầu
vòi nhụy
Quả
đài tồn tại
màu xanh
lá
Vi phẫu
Các mô
Lông che chở
bầu dục
đầu tròn
Trụ bì
bần
Gỗ 1
Cuống lá
Gân giữa
lỗ khí
Mô dày
Mô dẫn
Phiến lá
Vi phẫu
Các mô
Bần
Libe 2
Gỗ 2 chiếm tâm
mạch gỗ
Mảnh biểu bì
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh cánh hoa
Hạt phấn
xoắn
vạch
điểm
Sợi
Mảnh mô mềm

Chi Orthosiphon

Loài Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr. (Cây Râu Mèo)

Tên
Tên khác: 

Cây Bông bạc

Tên khoa học: 

Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Orthosiphon, Thé de Java, Barbiflore, Moustache de chat (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 04 năm 2009, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Cỏ [hình 1] cao khoảng 0,6 m. Tiết diện thân vuông, màu xanh ở thân thật non, thân già có 2 cạnh màu xanh và 2 cạnh màu tím ; có ít lông ngắn màu tím, ở mấu có nhiều lông hơn. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá hình trứng, đầu nhọn, gốc hình chót buồm ; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, kích thước 3 – 7 x 2 – 4 cm, bìa phiến có răng cưa rõ ở khoảng 2/3 về phía trên, có ít lông nằm ngắn, màu tím trên gân lá ở cả 2 mặt. Cuống lá lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới, dài 1 - 4 cm, màu tím ở mặt trên, màu xanh ở mặt dưới, có nhiều lông màu tím và nhiều hơn ở mặt trên. Cụm hoa [hình 2]: mỗi mấu có 2 xim co 3 hoa mọc đối tạo thành vòng giả, các vòng giả hợp thành gié giả ở ngọn cành ; trục cụm hoa dài 16 cm, tiết diện vuông, màu xanh tím nhạt, có sọc dọc và có lông màu tím. Mỗi xim co 3 hoa mọc ở nách một lá nhỏ hình tim màu xanh, kích thước 2 x 2 mm, có lông màu tím và có 1 gân ở giữa. Hoa [hình 3] không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, dài 3 – 4 mm, màu tím xanh, có lông màu tím. Lá đài 5, không đều, màu xanh lục, dính nhau phía dưới thành ống ngắn 2 mm, trên chia 2 môi 1/4. Môi trên hình trứng, kích thước 5 x 3 mm, mép có lông màu tím. Môi dưới : đỉnh có 4 răng nhỏ, 2 lá đài bên có kích thước 4,5 x 3 mm, 2 lá đài còn lại có kích thước 4,5 x 1,5 mm; các lá đài có 3 gân dọc và nhiều lông màu trắng. Tiền khai lợp. Cánh hoa 5, không đều, màu trắng, dính nhau phía dưới tạo thành ống hình trụ cao 1cm, phía trên chia 2 môi 4/1. Môi trên do 4 cánh hoa tạo thành: 2 cánh ở phía sau dạng thuôn dài có kích thước 5 x 1mm, 2 cánh 2 bên hình bầu dục có kích thước 5 x 2mm. Môi dưới bầu dục khum đỉnh nhọn, kích thước 5 x 3 mm. Mặt ngoài cánh hoa có nhiều lông màu trắng, đỉnh có ít lông màu tím. Tiền khai lợp. Nhị 4, không đều, rời, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính 1 vòng trên ống tràng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi, nhẵn, màu trắng, khoảng 2-3 mm ở đỉnh có màu tím, nhị ngắn dài 19 mm, nhị dài dài 21 mm . Bao phấn hình thận, màu tím, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn [hình 4] hình cầu, rời, màu tím, có 2 – 3 rãnh dọc và có vân hình mạng, kích thước 67,5 – 75 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu [hình 5] trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ. Bầu màu trắng xanh, chia 4 thùy. 1 vòi nhụy dạng sợi màu trắng, nhẵn, dài 4 cm, 2 – 3 mm phía đỉnh có màu tím, đính gần đáy bầu. 1 đầu nhụy hình chùy, màu tím đậm. Đĩa mật [hình 6] dạng khoen màu trắng, hơi nhô lên phía cánh hoa giữa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 7]
Vi phẫu hình vuông. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau; rải rác có lỗ khí, lông che chở đơn bào ngắn, lông che chở [hình 8] đa bào (2 - 5 tế bào), trên bề mặt lông che chở có những vân dọc ngắn hay nốt sần. Có 3 loại lông tiết [hình 9]: lông tiết chân đơn bào đầu đơn bào; lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào hình tròn; lông tiết chân đơn bào đầu đa bào (4 tế bào). Mô dày góc không liên tục tế bào đa giác hoặc bầu dục kích thước không đều nhau, tập trung nhiều ở 4 góc thân (3 – 6 lớp tế bào), ít ở cạnh (1 – 2 lớp tế bào). Mô mềm vỏ khuyết tế bào đa giác hoặc bầu dục kích thước không đều nhau, lớn gấp 1,5 lần tế bào biểu bì. Trụ bì hóa mô cứng thành từng cụm, 2 – 5 lớp tế bào đa giác, kích thước bằng 1/3 – 1/6 tế bào mô mềm khuyết. Hệ thống dẫn kiểu hậu thể gián đoạn. Libe 1 xếp thành từng cụm; libe 2, 4 -5 lớp tế bào xếp xuyên tâm, vách hơi uốn lượn. Mạch gỗ 2 tròn hay đa giác, xếp lộn xộn, tập trung nhiều ở 4 góc vi phẫu, rất ít ở cạnh. Mô mềm gỗ 2 tế bào đa giác vách dày hay mỏng. Tia tủy 1 – 2 dãy tế bào vách mỏng. Gỗ 1 tập trung nhiều ở 4 góc vi phẫu (5 – 7 bó), rải rác ở cạnh (1 bó). Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác kích thước không đều nhau, lớn gấp 3 – 4 lần tế bào mô mềm vỏ; 2- 3 lớp tế bào mô mềm tủy dưới gỗ 1 hóa mô cứng, kích thước nhỏ hơn vùng mô mềm tủy còn lại.
Vi phẫu lá [hình 10]
Gân giữa: mặt trên lồi nhiều hơn mặt dưới. Biểu bì là một lớp tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Nhiều lông che chở đơn bào ngắn; lông che chở đa bào (2-5 tế bào), trên bề mặt lông che chở có những nốt sần. Rải rác có nhiều loại lông tiết ở phần lõm của biểu bì: lông tiết chân đơn bào, đầu 4 tế bào; lông tiết chân đơn bào, đầu đơn bào; rất ít lông tiết chân đa bào, đầu đơn bào. Mô dày góc, tế bào hình bầu dục hay hơi đa giác, kích thước không đều nhau, 3-4 lớp ở biểu bì trên, 2-3 lớp ở biểu bì dưới. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước lớn gấp 3-4 lần tế bào mô dày góc. Libe gỗ xếp thành 2 cụm với gỗ ở trên, libe ở dưới; có thể có 1 bó libe gỗ nhỏ phía trên với gỗ trên libe dưới.
Phiến lá [hình 11]: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lỗ khí ở biểu bì dưới nhiều hơn biểu bì trên. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Trong mô mềm khuyết có thể có các bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Vi phẫu cuống lá [hình 12]
Mặt trên phẳng hoặc hơi lõm, mặt dưới hơi lồi. Biểu bì là một lớp tế bào hình chữ nhật hoặc hơi đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí. Trên biểu bì có lông che chở và lông tiết như vi phẫu thân, mặt trên nhiều hơn mặt dưới. Mô dày góc, 4-5 lớp tế bào hình hơi đa giác hoặc gần tròn ở mặt trên và 3-4 lớp ở mặt dưới. Mô mềm khuyết tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước không đều nhau, gấp 3-4 lần tế bào mô dày góc. Ở 2 bên cuống lá, dưới lớp biểu bì là 3-4 lớp tế bào mô mềm khuyết chứa lục lạp. Libe gỗ xếp thành 2 cụm với gỗ ở trên và libe ở dưới. Ngoài ra còn có 2 cụm libe gỗ nhỏ ở biểu bì trên với gỗ ở bên trong, libe ở bên ngoài.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây mịn, màu xanh lục, có ít xơ.
Thành phần: mảnh biểu bì [hình 13] trên và dưới mang lỗ khí kiểu trực bào. Lông che chở [hình 14] đa bào dài. Lông tiết [hình 15] chân đơn bào, đầu đa bào(4 tế bào). Mảnh mạch [hình 16] vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch điểm. Sợi vách dày, không rõ ống trao đổi. Hạt tinh bột [hình 17] hình tròn hay đa giác, tễ rõ hay không rõ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Râu mèo là cây nhiệt đới điển hình. Ở Việt nam phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi.
Mùa hoa quả: tháng 4-7

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Orthosiphonis).

Thành phần hóa học: 

Lá Râu mèo chứa một saponin, một alkaloid. Tinh dầu 0,2 – 0,6%, tanin, acid hữu cơ và dầu béo. Lá khô và ngọn tươi có hoa chứa các chất vô cơ khoảng 12% với hàm lượng Kali cao, flavonoid (sinensetin, 3’-hydroxy-3,6,7,4’-tertramethoxy flavon, tetrametylscutelarein), các dẫn xuất của acid cafeic, inositol, phytosterol, saponin, tinh dầu 0,7%. Tinh dầu lá, cành, thân chứa β-caryophylen, β-elemen humulen, β-bourbonen và 1-octen-3-ol, caryophylen oxyd. Ngoài ra cây Râu mèo còn chứa methylripariochromen A, orthosiphol A, carotenoid, β-caroten, neo β-caroten, 3-zeacaroten, và cryptoxanthin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Theo kinh nghiệm dân gian cây Râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị viêm thận, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phù thũng, viêm gan. Tài liệu Ấn Độ coi dịch hãm nước Râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị thấp khớp và gút. Cao lỏng Râu mèo dùng làm thuốc hạ đường huyết.

Hình đính kèm
Cỏ
Cụm hoa
Hoa
Hạt phấn
bầu
Đĩa mật
Vi phẫu thân
lông che chở
 lông tiết
Vi phẫu lá
Phiến lá
Vi phẫu cuống lá
mảnh biểu bì
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh mạch
Hạt tinh bột

Chi Perilla

Loài Perilla frutescens (L.) Britt. (Cây Tía Tô)

Tên
Tên khác: 

Tử tô

Tên khoa học: 

Perilla frutescens (L.) Britt.

Tên đồng nghĩa: 

Ocimum frutescens L., Perilla ocymoides L., Melissa cretica auct. non L.: Lour., Mentha perilloides auct. non L.: Lamk.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Perilla, Purple common perrilla (Anh), Pérille (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, tháng 06/2009

Số hiệu mẫu: 

TT0609

Thân cỏ mọc đứng, cao 40-100 cm, phân nhánh nhiều, toàn cây có mùi thơm và có nhiều lông. Thân và cành vuông, lõm ở cạnh, màu xanh hay tím, có nhiều lông. [hình 1] đơn, mọc đối chéo chữ thập, phiến mỏng, hình trứng rộng, kích thước 7-13×5-9 cm, đỉnh lá nhọn, gốc tròn. Bìa lá có răng cưa nhọn, hai mặt lá có màu xanh hoặc tím nhạt; những lá ở ngọn thường tím mặt trên, khi lá già mặt trên [hình 2] trở thành màu xanh; gân giữa màu tím, gân bên 6-8 đôi. Cuống lá dạng sợi, dài 2-5 cm, đường kính 1,5-2 mm, màu tím xanh. Cụm hoa [hình 3] dạng chùm ở ngọn cành hoặc nách lá, dài 5-20 cm, mỗi đốt mang 2 hoa mọc đối hình chữ thập. Hoa [hình 4] không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Lá bắc [hình 5] hình trứng rộng, dài hơn hoa, đầu nhọn, kích thước 2,5-3×3 cm, màu xanh, có lông dài, tồn tại đến khi hoa thành quả. Cuống hoa dài 1-3 mm. Đài hình chuông, màu xanh cỡ 3-4×2-3 mm, có 10 gân dọc, có vòng lông trắng dài ở họng, 2 môi: môi trên 3 thùy ngắn; môi dưới 2 thùy nhọn xẻ sâu và dài hơn môi trên, đài tồn tại và phát triển đến khi quả [hình 6] đã khô và rụng, 5-8×3-4 mm. Tràng hợp thành ống màu trắng, dài 3-4 mm ở phía dưới, có vòng lông ở họng, 2 môi 2/3: môi trên chia 2 thùy cạn; môi dưới có thùy giữa lớn hơn 2 thùy bên. Nhị 4, đính ở 1/3 phía trên ống tràng, xen kẽ với cánh hoa, không nhô hẳn ra ngoài, 2 nhị dưới dài hơn 2 nhị trên. Chỉ nhị dạng sợi, bao phấn màu tím, 2 ô song song, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn [hình 7] gần hình cầu, nhiều rãnh ngoằn ngoèo, đường kính 40-45 µm. Lá noãn 2, bầu 2 ô sau có vách giả chia thành 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính đáy. Bầu noãn [hình 8] đường kính 2 mm, hình vuông, góc tròn. Ở một số bầu noãn [hình 9], có khi chỉ 3 hoặc 2 noãn phát triển thành quả, các noãn còn lại không phát triển. Vòi nhụy dạng sợi dài 2-2,5 mm, nửa dưới màu trắng, nửa trên màu tím nhạt, 2 đầu nhụy thò ra ngoài. Quả bế tư hình trứng hoặc gần hình cầu, có gốc quả [hình 10] hơi nhọn, gồm 4 hạch nhỏ, mỗi hạch chứa 1 hạt. Khi chưa chín màu trắng ngà, đường kính mỗi quả khoảng 1-1,5 mm, cả “tứ bế quả” khoảng 3 mm. Lúc chín, quả khô [hình 11] lại và có màu nâu đen, có vân mạng lưới, dễ dàng rơi ra khỏi đài từng quả riêng rẽ. Vỏ quả mỏng, giòn, dễ vỡ. Hạt có mùi thơm nhẹ khi vỡ, vị cay.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 12]: Vi phẫu vuông, 4 cạnh lõm sâu, dài ngắn không đều nhau. Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào dẹt và nhỏ, lớp cutin mỏng, có răng cưa rải rác. Nhiều lỗ khí [hình 13] nằm nhô cao hơn hẳn so với biểu bì. Lông che chở đa bào một dãy từ 3-6 tế bào, bề mặt lấm tấm, biểu bì dưới chân lông nhô cao, thường gặp ở 4 góc. Có nhiều dạng lông tiết: lông tiết đầu tròn [hình 14] 1 hoặc 2, 4 tế bào, chân 1-2 tế bào; lông tiết hình bán nguyệt [hình 15] màu vàng nhạt, chân ngắn; lông tiết chân ngắn, đầu 6-8 tế bào chứa chất tiết màu vàng, vách dày, nhìn ngang có hình bầu dục [hình 16]. Dưới biểu bì là vòng mô dày góc liên tục, tập trung nhiều ở 4 góc, gồm những tế bào đa giác, kích thước không đều nhau, 6-8 lớp ở góc, 1-2 lớp ở cạnh. Mô mềm vỏ đạo, tế bào hình đa giác gần tròn. Gỗ 1 phát triển nhiều ở 4 góc, libe 1 cũng tập trung lại thành đám dài ở góc. Ở cạnh của vi phẫu, các bó gỗ 1 và libe 1 có rải rác. Gỗ 2 và libe 2 chưa phát triển nhiều. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều nhau. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 17] tập trung thành bó và hình khối [hình 18] rải rác trong mô mềm vỏ.
Thân già [hình 19]: Lông che chở và lông tiết giảm nhiều, có sự hình thành bần liên tục hay rải rác. Mô dày và mô mềm vỏ có xu hướng bị ép dẹp. Trụ bì gồm 2-3 lớp tế bào, hoá mô cứng rải rác. Libe 1 vách tế bào dày. Gỗ 2 và libe 2 phát triển dày đặc ở 4 góc, và cũng phát triển ở cạnh. Mô mềm cấp 2 tẩm chất gỗ ở cạnh vi phẫu. Tia tủy hẹp, nhiều.
Cuống lá [hình 20]: 2 cánh lồi. Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào dẹt và nhỏ, cutin mỏng, có răng cưa rải rác. Lỗ khí, lông tiết và lông che chở giống thân. Ở cánh lồi, có khoảng 7 lớp mô dày góc, những vị trí còn lại từ 2-5 lớp tạo thành vòng mô dày liên tục. Mô mềm đạo, tế bào đa giác gần tròn, không đều, chứa calci oxalat hình kim và hình khối.- Cung libe gỗ [hình 21] chia thành 2 đoạn, gỗ ở trên và libe ở dưới, mô dày dưới libe. Ở 2 góc trên có thêm 2 bó libe gỗ phụ, libe bao bọc gỗ.
[hình 22]: Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới. Biểu bì [hình 23] trên và dưới gồm 1 lớp tế bào dẹt và nhỏ, cutin mỏng, có răng cưa rải rác, dưới chân một số lông che chở, biểu bì phình to ra và nhô cao. Lỗ khí, lông tiết [hình 24] và lông che chở giống thân. Lông che chở to, đa bào 1 dãy từ 3-5 tế bào, thường chỉ có ở gân lá, mặt trên nhiều hơn mặt dưới. Mô dày góc ở cạnh biểu bì tế bào hình đa giác, nhỏ. Mô mềm đạo, tế bào tròn, không đều, chứa calci oxalat hình kim và hình khối. Cung libe gỗ liên tục ở giữa, gỗ ở trên và libe ở dưới, mô dày dưới libe, 2 bó libe gỗ phụ ở 2 bên, libe ở trên và gỗ ở dưới.
Phiến lá [hình 25]: Biểu bì có lông tiết [hình 26] rải rác. Mô mềm giậu chiếm 2/5 chiều dày phiến lá, chỉ có 1 lớp tế bào hình chữ nhật thuôn dài, chứa nhiều lục lạp, nằm vuông góc với biểu bì trên; 4-5 lớp mô mềm khuyết tròn. Tinh thể calci oxalat hình kim và hình khối rải rác.
Biểu bì lá: Lỗ khí kiểu trực bào, biểu bì [hình 27] dưới có các tế bào bạn uốn lượn ngoằn ngoèo hơn biểu bì trên. Mảnh biểu bì dưới có nhiều tế bào màu hồng tím [hình 28], những tế bào này tạo nên màu tím đặc trưng của lá. Khi lá già, số lượng tế bào này giảm làm lá trở thành màu xanh.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá: Màu xanh đen, mùi thơm. Thành phần gồm: mảnh mô giậu [hình 29]. Mảnh biểu bì gân lá [hình 30]; mảnh biểu [hình 31] bì mang lỗ khí kiểu trực bào, các tế bào bạn có vách uốn lượn; mảnh biểu bì mang lông che chở hoặc lông tiết. Các dạng lông tiết [hình 32]: lông tiết [hình 33] nhỏ đầu hình bầu dục hoặc tròn 1 hoặc 2, 4 tế bào, chân 1-2 tế bào; lông tiết lớn có đầu tròn hoặc hình bán nguyệt chân rất ngắn, đầu 6-8 tế bào như đã mô tả ở trên. Lông che chở [hình 34] đa bào đứt gãy và có đốm lấm tấm,mảnh mô mềm, các mảnh mạch xoắn [hình 35], mạch vạch,… Tinh thể calci oxalat hình khối. Hạt tinh bột hình chuông nhỏ, tập trung lại thành đám.
Bột quả: Màu xám nâu, mùi thơm, gồm có: mảnh vỏ quả [hình 36] dạng một đám tế bào mô cứng [hình 37] sát nhau có ống trao đổi rõ; tế bào mô cứng hẹp, có vách dày; mảnh mô mềm [hình 38] hình đa giác; nhiều hạt tinh bột [hình 39] hình nhiều cạnh.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Mọc hoang hoặc trồng nhiều nơi trong cả nước và châu Á. Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất thịt, đất phù sa. Tía tô ra hoa kết quả nhiều, sau khi quả già, cây tàn lụi, hạt giống phát tán ra xung quanh, đến mùa mưa ẩm năm sau mới nảy mầm. Cây được trồng bằng hạt. Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-12 [9]. Theo tài liệu [15]: mùa hoa quả tháng 5-8.

Thu hái và chế biến: 

: Thu hoạch vào mùa hạ, khi cành lá mọc xum xuê, bỏ lá sâu, để riêng lá hoặc nhánh non, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô. Loại bỏ tạp chất và cành già, phun nước cho mềm, thái vụn, phơi khô.
Quả: Thu hoạch vào mùa thu, loại tạp chất, phơi khô.
Tử tô tử sao: Lấy tử tô tử cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm hoặc nổ đều, lấy ra để nguội, khi dùng giã dập.

Thành phần hóa học: 

Tía tô chứa 0,3-0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd.
Hạt chứa nước 6,3%, protein 23,12%, dầu béo 45,07%, N 10,28%, tro 4,64%, acid nicotinic 3,98 mg/100 g. Thành phần dầu béo của hạt gồm acid béo chưa no 3,5-7,6%, oleic 3,9-13,8%, linoleic 33,6-59,4%, acid linolenic 23,3-49% (một số mẫu dầu còn chứa trên 70% acid linolenic).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

* Lá (Folium Perillae): còn gọi là Tô diệp, lá (hoặc có lẫn nhánh non) đã phơi hay sấy khô. Phiến lá thường nhàu nát, cuộn lại và gẫy.
-Vi phẫu: Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào dẹt và nhỏ, lỗ khí có nhiều ở biểu bì dưới. Lông tiết hình bán nguyệt nằm trong những chỗ lõm của biểu bì. Lông che chở đa bào một dãy có chỗ thắt lại. Mô dày ở những chỗ lồi của gân giữa. Bó libe gỗ hình cung ở giữa gân lá gồm có gỗ ở phía trên, libe ở phía dưới. Phiến lá có mô mềm giậu chứa chất màu vàng, chiếm 2/3 phiến lá, mô mềm khuyết mỏng ở dưới mô giậu.
- Bột lá màu nâu, mùi thơm, vị cay. Thành phần có lông che chở đa bào, bề mặt lấm tấm. Lông tiết đầu đa bào, cuống rất ngắn. Mảnh biểu bì trên và dưới gồm tế bào thành ngoằn ngoèo, có lỗ khí và lông tiết. Phiến lá gồm tế bào chứa diệp lục, có tinh thể calci oxalat hình cầu gai nhỏ. Mảnh mạch mạng, mạnh vòng, mạch xoắn.
Công dụng: Trị cảm mạo phong hàn, ho, khí suyễn buồn nôn, có thai nôn mửa, chữa trúng độc cua, cá. Ngày dùng 5-9 g, dạng thuốc sắc.
* Quả (Fructus Perillae)- còn gọi là Tô tử: Quả chín già phơi khô.
- Mô tả: Quả hình trứng hoặc gần cầu, đường kính khoảng 1,5 mm, màu nâu xám hoặc màu vàng xám, có vân lưới hơi lồi, nâu sẫm. Gốc quả hơi nhọn, có chấm sẹo màu trắng xám của cuống quả. Vỏ quả mỏng giòn, dễ vỡ. Hạt màu trắng ngà, vỏ hạt có màng, trong hạt có 2 lá mầm màu trắng ngà, có dầu. Đập vỡ hạt có mùi thơm, vị hơi cay.
Công dụng: Trị đờm suyễn, ho khí nghịch, táo bón. Ngày dùng 3-9 g, dạng thuốc sắc.

Hình đính kèm
Lá
mặt trên
Cụm hoa
Hoa
Lá bắc
quả
Hạt phấn
Bầu noãn
bầu noãn
quả
quả khô
Thân
lỗ khí
lông tiết đầu tròn
bán nguyệt
bầu dục
hình kim
hình khối
Thân già
Cuống lá
Cung libe gỗ
Lá
Biểu bì
lông tiết
Phiến lá
lông tiết
biểu bì
màu hồng tím
mảnh mô giậu
Mảnh biểu bì gân lá
mảnh biểu
lông tiết
lông tiết
Lông che chở
mảnh mạch xoắn
mảnh vỏ quả
mô cứng
mảnh mô mềm
tinh bột

Chi Plectranthus


Loài Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng. (Cây Húng Chanh)

Tên
Tên khác: 

Tần dày lá, Rau thơm lông, Rau thơm lùn, Dương tử tô

Tên khoa học: 

Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.

Tên đồng nghĩa: 

Coleus amboinicus Lour., Coleus aromaticus Benth. in Wall., Plectranthus aromaticus (Benth.) Roxb.

Họ: 

Bạc hà (Lamiaceae)

Tên nước ngoài: 

Country borage, Indian borage (Anh); Coliole aromatique (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh ngày 04 tháng 04 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

HC 0409

Thân [hình 1] cỏ nhiều năm, mọc đứng, cao 30-70 cm, phân nhánh nhiều; cành non vuông, có nhiều lông. Thân già gần tròn, mập. [hình 2] đơn, mọc đối chéo chữ thập; phiến lá dày, mọng nước, hình trứng rộng hay gần tròn, kích thước 4-8x3-6 cm, đỉnh lá nhọn hoặc tù, gốc tròn hay cụt, mép có răng cưa to, không nhọn, cả 2 mặt lá có lông ngắn. Gân chính to, gân bên nhỏ, 4-5 đôi, gân hình mạng nổi rõ ở mặt dưới [hình 3] lá. Lá có mùi thơm dễ chịu như mùi chanh, vị chua. Cuống lá dài 2-4 cm, hình lòng máng, có lông. Cây rất hiếm khi thấy ra hoa.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 4]
Vi phẫu [hình 5] hình chữ nhật hay vuông, góc hơi tròn. Biểu bì là một lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác có 5 hoặc 6 cạnh khá đều nhau, cutin mỏng. Lỗ khí nằm ngang hay nhô cao hơn lớp biểu bì. Lông che chở đa bào một dãy rất nhiều, từ 3-9 tế bào. Biểu bì thường lồi ở chân lông. Lông tiết nhiều, đầu tròn hoặc bầu dục chứa nhiều chất tiết màu vàng xanh, chân và đầu có 1-2 tế bào. Dưới biểu bì là 2-4 lớp tế bào mô dày góc liên tục. Mô mềm vỏ đạo, gồm 4-8 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang, kích thuớc không đều. Trụ bì [hình 6] gồm 1-3 lớp tế bào, hóa mô cứng rải rác. Libe 1 xếp thành từng cụm nhỏ rải rác ở phần cạnh vi phẫu và xếp thành các đám dài tập trung ở 4 góc. Libe 2 gồm 3 hoặc 4 lớp tế bào hình chữ nhật, vách khá uốn luợn xen kẽ libe 2 là các mô mềm cấp 2 vách bằng cellulose. Vùng gỗ 2 phát triển ở 4 góc, gồm từ 10-13 lớp tế bào mô mềm gỗ xếp xuyên tâm. Mạch gỗ 2 to, rải rác, hình chữ nhật hay hình đa giác tròn ở góc. Tia tủy 1-2 dãy tế bào có kích thước hẹp. Xen kẽ gỗ 2 là mô mềm cấp 2 vách tẩm chất gỗ, tế bào hình chữ nhật khá đều nhau, bên dưới có 1-2 lớp mô mềm cấp 2 vách còn cellulose. Gỗ 1 tập trung nhiều ở 4 góc bên dưới gỗ 2, phân hóa ly tâm. Gỗ 1 và gỗ 2 còn nằm rải rác ở các cạnh vi phẫu, mạch gỗ nhỏ. Mô mềm tủy khuyết, hình đa giác kích thước không đều. Tinh thể calci oxalat hình kim và hình khối có trong mô mềm vỏ và tủy. Tinh thể calci oxalat hình kim ngắn hoặc dài, thường tập trung thành từng bó.
- Thân già [hình 7]: Vi phẫu thân tròn, có sự xuất hiện những mảng bần [hình 8]. Mô dày góc và mô mềm vỏ thường bị ép dẹp. Mô mềm cấp 2 tẩm chất gỗ rải rác.
Cuống lá [hình 9]
Tế bào biểu bì dẹt và nhỏ, cutin mỏng. Lỗ khí, lông tiết và lông che chở giống như thân. Mô dày góc 2-4 lớp, tạo thành vòng liên tục, nhiều ở 2 góc lồi. Mô mềm đạo, tế bào đa giác gần tròn, không đều, chứa calci oxalat hình kim [hình 10] và hình khối [hình 11]. Cung libe gỗ gồm 2 đoạn đối xứng, gỗ ở trên và libe ở dưới. Ở 2 góc trên có 2 bó libe gỗ phụ [hình 12].
[hình 13]
Gân giữa lồi ở mặt dưới. Biểu bì trên và dưới có lông che chở đa bào và lông tiết [hình 14], cutin mỏng. Mô dày góc sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Tế bào mô mềm đạo, tế bào to, vách mỏng. Hệ thống dẫn [hình 15] gồm nhiều bó không đều xếp thành vòng tròn, libe ở ngoài, gỗ ở trong. Những bó phía trên nhỏ, những bó phía dưới to.
Phiến lá [hình 16]: Biểu bì trên và dưới có hình chữ nhật, cutin mỏng. Dưới biểu bì trên có 1 lớp tế bào mô giậu. Dưới mô giậu là mô mềm chừa những khuyết nhỏ.
Biểu bì lá: Tế bào biểu bì trên [hình 17] có vách hơi uốn lượn, lỗ khí ít. Tế bào biểu bì dưới [hình 18] có vách ngoằn ngoèo, lỗ khí nhiều. Lỗ khí kiểu trực bào.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột cành lá: Màu xanh, mùi thơm. Thành phần gồm: mảnh biểu bì vách hơi ngoằn ngoèo mang lỗ khí kiểu trực bào, có thể thấy lông che chở [hình 19] và lông tiết [hình 20]; mảnh lỗ khí nằm riêng rẽ hoặc có tế bào bạn xung quanh; lông che chở rất to hoặc nhỏ, vách mỏng lấm chấm, đứt gãy; lông tiết nhiều kích thước và nhiều loại: chân 1-2 tế bào, đầu 1, 2 hoặc 4 tế bào chứa tinh dầu vàng óng; các mảnh mạch xoắn [hình 21], mạch vạch [hình 22], mạch mạng; mảnh mô mềm; tế bào mô cứng [hình 23] và sợi [hình 24], tinh thể calci oxalat hình kim và hình khối [hình 25]. Hạt tinh bột [hình 26] hình đa giác, tễ rõ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Trồng ở nhiều tỉnh và thành phố nước ta. Còn có ở Ấn Độ, Indonexia, Philippin.
Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-12. Cây ưa sáng và ẩm.

Bộ phận dùng: 

Lá (Folium Plectranthi amboinici) hoặc lá có lẫn nhánh non.

Thu hái và chế biến: 

Thu hái quanh năm, lúc trời khô ráo hái những lá bánh tẻ, loại bỏ lá sâu và lá già, phơi âm can cho khô.

Thành phần hóa học: 

Lá chứa tinh dầu, thành phần chính là carvacrol: 40-60%. Tuy nhiên cũng có tác giả cho rằng thành phần chính trong tinh dầu là thymol 41,30%. Lá Húng chanh mọc ở Hà Nội chứa 0,002-0,003% tinh dầu trong đó có carvacrol 39,5%, γ-terpinen 19%, α-terpinen 16,8%.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tinh dầu có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn. Cao nước có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn và tụ cầu vàng. Thường dùng trị cảm cúm, ho sốt do phong hàn, ho, hen, viêm họng, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, ho gà, khản tiếng, côn trùng cắn. Ngày dùng 10-16 g, dạng thuốc sắc, thuốc xông, thường dùng lá tươi.

Hình đính kèm
Thân
Lá
mặt dưới
Thân
Vi phẫu
Trụ bì
Thân già
bần
Cuống lá
hình kim
hình khối
bó libe gỗ phụ
Lá
lông tiết
Hệ thống dẫn
Phiến lá
biểu bì trên
biểu bì dưới
lông che chở
lông tiết
mạch xoắn
mạch vạch
tế bào mô cứng
sợi
hình khối
tinh bột

Họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)

Chi Vitex

Loài V. rotundifolia L. f. (Cây Bình Linh Xoan)

Tên
Tên khác: 

Màn kinh tử, Từ bi biển, Quan âm biển, Mạn kinh lá đơn, Mạn kinh lá nhỏ.

Tên khoa học: 

Vitex rotundifolia L. f.

Tên đồng nghĩa: 

V. trifolia L. var. simplicifolia Cham.; V. ovata Thunb.; V. trifolia L. var unifoliata> Schauer.

Họ: 

Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)

Mẫu thu hái tại: 

xã Sơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận ngày 17 tháng 04 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

BLX 170410; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM

Cây gỗ nhỏ [hình 1], thân mọc sà trên mặt đất, phân nhánh đứng cao trên 30 cm. Thân non [hình 2] tiết diện vuông có màu xanh mốc hoặc hơi tía, thân già tiết diện tròn, nứt nẻ, màu nâu, toàn cây có nhiều lông mịn và có mùi rất thơm. Lá [hình 3] đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá nguyên hình xoan hơi tròn, đỉnh tù hoặc hơi lõm, gốc thuôn, kích thước 3-5 x 2,5-4 cm, màu xanh mốc, mặt dưới [hình 4] màu bạc và có nhiều lông mịn hơn mặt trên. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 4-6 cặp gân phụ. Cuống lá hình trụ, 0,3-1,2 cm, màu xanh bạc, có nhiều lông mịn. Cụm hoa [hình 5] chùm xim ở ngọn cành dài 4-7 cm và xim hai ngả 3-7 hoa ở nách lá gần ngọn cành. Lá bắc của xim [hình 6] trên chùm dạng lá hình thoi hay hình dải không cuống, kích thước nhỏ dần khi về phía ngọn. Hoa [hình 7] không đều, màu xanh tím, lưỡng tính, mẫu 5, lá bắc và lá bắc con [hình 8] dạng vảy nạc nhỏ. Cuống hoa hình trụ ngắn 1-2 mm, màu xanh đến xanh tía, có nhiều lông trắng mịn. Lá đài [hình 9] 5, gần đều, dính nhau thành một ống hình chuông trên chia 5 răng hình tam giác có gân giữa, kích thước khoảng 0,4 x 0,3 cm, nhiều lông mịn ở mặt ngoài, tiền khai van. Tràng hoa [hình 10] không đều, dính thành ống hẹp bên dưới trên phình hơi cong về phía trước khi qua khỏi ống đài, dài khoảng 0,5-0,7 cm, trên chia hai môi 2/3. Môi trên xẻ 2 thùy giống nhau, màu tím nhạt, hình bầu dục hẹp khoảng 0,4 x 0,3 cm. Môi dưới một phiến trên chia 3 thùy: thùy giữa to nhất màu tím sậm hình gần tròn khoảng 0,6 x 0,7 cm, bìa hơi nhăn, ở giữa có vệt trắng vàng mang rất nhiều lông [hình 11] dài màu trắng; hai thùy bên giống nhau màu tím nhạt, hình bầu dục đầu tròn, hơi lớn hơn thùy của môi trên. Mặt trong ống tràng có nhiều lông dài ở nơi đính của nhị; mặt ngoài màu tím nhạt hơn mặt trong, nhiều lông mịn; tiền khai tràng năm điểm. Bộ nhị [hình 12]: 4 nhị, kiểu hai trội, hai nhị trước dài hơn hai nhị sau, chỉ nhị màu trắng hay tím nhạt, dạng sợi đính ở nơi phình của ống tràng xen kẽ cánh hoa, nhị trước dài khoảng 1-1,2 cm, nhị sau dài 0,8-1 cm, có nhiều lông trắng ở gốc chỉ nhị [hình 13]; bao phấn [hình 14] màu tím, hai buồng, hình bầu dục dài, nứt dọc, đính giữa, hướng trong; hạt phấn [hình 15] hình bầu dục có 3 rãnh dọc, màu trắng, kích thước 45-50 x 27,5-32,5 µm. Lá noãn [hình 16] 2 ở vị trí trước sau, bầu trên hình cầu màu xanh, 2 ô, kích thước khoảng 1,5-2 mm, có vách giả chia làm 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ; một vòi nhụy [hình 17] dạng sợi dài 1,2-1,4 cm, màu tím nhạt, nhẵn, tận cùng hai đầu nhụy màu tím đậm dạng sợi dài khoảng 1 mm choãi hai hướng trước sau. Quả [hình 18] hạch hình cầu, đường kính 0,4-0,6 cm, quả chín [hình 19] màu vàng, quả khô [hình 20] màu đen, mang đài đồng trưởng ôm lấy khoảng hai phần ba quả, đài màu trắng bạc khi khô. Hạt màu trắng xám, thường 1-2 phát triển.
Ngoài mẫu thu thập ở Ninh Thuận, chúng tôi còn thu thập được một số mẫu cây Bình linh xoan ở tỉnh Khánh Hòa và Thảo cầm viên Sài Gòn. Qua khảo sát thấy các đặc điểm về hình thái giống nhau, chỉ khác biệt ở kích thước một số bộ phận (thân, lá, hoa).

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 21]
Vi phẫu thân [hình 22] trưởng thành hơi vuông, thân già [hình 23] hình tròn. Tế bào biểu bì hình chữ nhật dài hay đa giác, kích thước không đều, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì có lông che chở và lông tiết [hình 24] dày đặc. Lông che chở đa bào một dãy 2-4 tế bào, bề mặt lấm tấm, đôi khi thắt eo. Lông tiết ngắn: đầu đơn bào hay gồm 2-6 tế bào có hình tròn hay bầu dục, chân 1-2 tế bào nhỏ, ngắn. Mô dày [hình 25] góc hoặc mô dày tròn, 3-9 lớp tế bào đa giác dài hay gần tròn, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì, tập trung nhiều ở các góc lồi. Tầng bì sinh xuất hiện sớm trong lớp mô dày. Ở thân già, bần [hình 26] gồm nhiều lớp tế bào vách hơi uốn lượn xếp xuyên tâm, thường bong tróc không đều, bên ngoài bần còn dính các mô cấp 1. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ đạo, 6-9 lớp tế bào đa giác kích thước không đều. Trụ bì [hình 27] hóa sợi thành từng đám không đều, 3-7 lớp tế bào vách có ống trao đổi rõ. Libe 1 nhiều, thường tập trung từng đám dưới trụ bì, tế bào nhỏ, xếp lộn xộn. Libe 2 ít hơn gỗ 2, tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Vùng gỗ gần như liên tục một vòng. Mạch gỗ 2 [hình 28] nhiều, hình đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 tế bào hình chữ nhật hay đa giác, kích thước nhỏ, vách tẩm chất gỗ dày không đều. Gỗ 1 [hình 29] phân bố gần đều ở quanh tủy, mỗi bó 2-4 mạch. Tia tủy 1-3 dãy kéo dài và mở rộng ở vùng libe, tế bào hình chữ nhật dài xếp dọc. Mô mềm tủy [hình 30] tế bào gần tròn, to dần ở tâm, vách hóa mô cứng có nhiều lỗ. Tinh bột rải rác trong tế bào mô mềm vỏ, tia libe và libe. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp. Có thể gặp tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước nhỏ rải rác trong mô mềm vỏ.

Cuống lá [hình 31]
Cong lồi ở mặt dưới, hơi phẳng ở mặt trên. Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác, không đều, nhỏ, lớp cutin răng cưa. Trên biểu bì có lỗ khí, lông che chở dày đặc và nhiều lông tiết cấu trúc giống như ở thân. Mô dày góc hoặc có khi mô dày tròn, 4-8 lớp dưới biểu bì trên, 1-6 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình đa giác, kích thước không đều, bằng hay gấp đôi tế bào biểu bì. Mô mềm đạo, tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô dẫn [hình 32] với gỗ ở trên libe ở dưới, xếp thành một bó chính lớn ở giữa và 2-3 bó phụ nhỏ ở 2 bên phía trên. Bó dẫn chính dạng hình cung; mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 25-40 dãy xen kẽ với mô mềm gồm 1-3 dãy tế bào đa giác nhỏ vách cellulose đôi khi tẩm chất gỗ; libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Phía trên gỗ có nhiều cụm libe kích thước không đều, đôi khi gặp vài mạch gỗ trên các cụm libe này. Phía dưới libe là mô cứng tạo thành cụm, tế bào hình đa giác kích thước to nhỏ không đều. Bên ngoài mô cứng có tầng sinh bột không liên tục, hạt tinh bột nhỏ hình tròn dẹp. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai có thể gặp hoặc không.
Gân giữa [hình 33]
Lồi nhiều ở mặt dưới, mặt trên hơi lồi. Tế bào biểu bì trên hình chữ nhật hoặc gần tròn, kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới kích thước nhỏ hơn hay gần bằng biểu bì trên. Cả hai biểu bì có lỗ khí [hình 34], lông tiết [hình 35] đa bào rải rác, lông che chở đa bào rất nhiều. Mô dày góc hoặc có khi mô dày tròn, 1-4 lớp tế bào hình đa giác gần tròn kích thước không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới. Mô mềm đạo, tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều; mô mềm ở phía trên gỗ hóa mô cứng. Mô dẫn dạng hình cung, gỗ ở trên libe ở dưới xếp gần hết chiều dài của gân giữa. Libe tế bào đa giác, nhỏ, không đều, xếp lộn xộn thành nhiều đám ngăn cách bởi các tia libe hẹp 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 25-40 dãy không đều; xen kẽ mạch gỗ là mô mềm 1-3 dãy tế bào đa giác nhỏ, vách cellulose đôi khi tẩm chất gỗ. Phía trên gỗ có nhiều bó dẫn chủ yếu là libe xếp thành cụm kích thước không đều, đôi khi gặp 2-4 mạch xếp trên 1-3 dãy trên các cụm libe này. Bao quanh bó dẫn là mô mềm tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước to nhỏ không đều, vách cellulose dày hoặc tẩm chất gỗ tạo thành cụm. Tinh bột [hình 36] rải rác trong một vài tế bào mô mềm đạo gần bó dẫn. Hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat giống [hình 37] ở cuống lá.
Phiến lá [hình 38]
Biểu bì trên tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều. Biểu bì dưới lồi lõm nhiều, tế bào gần bằng biểu bì trên. Cả hai biểu bì có lỗ khí ít, lông tiết đa bào nhiều, lông che chở đa bào cong hình liềm ở biểu bì dưới dài và dày đặc hơn biểu bì trên. Hạ bì 1-3 lớp tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn. Mô mềm giậu [hình 39] hơi ăn vào gân giữa, 4-6 lớp tế bào hình chữ nhật dài xếp thành dãy dọc dài thẳng góc với biểu bì, chứa nhiều lục lạp. Mô mềm khuyết gồm 2-5 lớp tế bào tròn vách uốn lượn hoặc đa giác, kích thước nhỏ hơn tế bào giậu, không đều, chứa lục lạp, xếp chừa những khuyết vừa. Nhiều bó gân phụ [hình 40] nhỏ bị cắt ngang gồm gỗ ở trên, libe ở dưới, nối với biểu bì trên và biểu bì dưới bởi 2-3 dãy tế bào mô mềm làm cho mô mềm giậu bị chia cắt thành nhiều đoạn.
Rễ
Vi phẫu rễ [hình 41] hình tròn. Các mô [hình 42] từ ngoài vào trong gồm: Bần [hình 43] gồm rất nhiều lớp tế bào hình chữ nhật vách mỏng uốn lượn xếp xuyên tâm, bong tróc không đều. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật, thường ép dẹp. Mô mềm vỏ đạo, 2-4 lớp tế bào đa giác hay gần tròn, kích thước nhỏ, không đều. Nội bì khung Caspary. Trụ bì 1-2 lớp tế bào, vài tế bào hóa mô cứng [hình 44] nằm rải rác trên đỉnh chùy libe. Libe gỗ [hình 45] kiểu hậu thể gián đoạn. Libe 1 tế bào nhỏ, xếp lộn xộn. Libe 2 tạo thành chùy libe [hình 46], tế bào hình chữ nhật hay đa giác, vách uốn lượn xếp xuyên tâm. Gỗ 2 gần chiếm tâm; mạch gỗ 2 nhiều, hình tròn hay đa giác gần tròn, kích thước to nhỏ không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 tế bào nhỏ vách tẩm gỗ, một số vách cellulose ở ngoài, vùng gần tâm có sợi gỗ [hình 47]. Gỗ 1 [hình 48] rõ ở dưới tia tủy, 4-6 bó, mỗi bó 2-3 mạch nhỏ. Tia tủy 4-7 dãy tế bào hình chữ nhật hay đa giác xếp thành dãy dọc, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài, tế bào vách tẩm chất gỗ ở vùng gỗ. Mô mềm tủy rất ít, dạng mô mềm đạo hóa mô cứng. Tinh bột kích thước nhỏ, hình gần tròn nằm rải rác trong mô mềm vỏ và tia tủy.
Quả
Vi phẫu quả [hình 49] hình tròn ở giữa có 4 ngăn không đều, 1 ngăn có hạt và 3 ngăn lép. Vỏ quả ngoài [hình 50]: Biểu bì một lớp tế bào hình bầu dục hoặc gần tròn, vách dày, lớp cutin dày, lông tiết rất nhiều, lông che chở đa bào rải rác. Lông tiết chân rất ngắn 1-2 tế bào, đầu hình tròn hoặc bầu dục hơi lõm gồm 1-6 tế bào. Lông che chở đa bào một dãy 2-4 tế bào, lấm tấm gai nạc. Hạ bì một lớp tế bào hình đa giác kích thước lớn hơn hoặc bằng tế bào biểu bì, không đều, vách dày ở góc. Vỏ quả giữa [hình 51] gồm: mô mềm đạo tế bào hình đa giác hoặc gần tròn ở ngoài, hình đa giác dài xếp đứng ở phía trong, vách mỏng; bó dẫn gồm hai bó gân giữa [hình 52] dài và nhiều bó gân phụ [hình 53] nhỏ rải rác trên một vòng ở khoảng giữa vùng mô mềm, mỗi bó có libe ở ngoài và ít mạch gỗ ở trong; mô cứng [hình 54] trong cùng cạnh vỏ quả trong, gồm nhiều lớp tế bào vách hơi dày đến rất dày uốn lượn nhiều có ống trao đổi rõ. Vỏ quả trong [hình 55] một lớp biểu bì mỏng, tế bào hình chữ nhật khá đều vách cellulose.
Vỏ hạt [hình 56] cấu tạo bởi 1-2 lớp tế bào vách cellulose hay hóa gỗ dạng hình mạng lưới. Nội nhũ [hình 57] bao quanh khối phôi, tế bào hình đa giác vách cellulose mỏng chứa hạt tinh bột hình tròn dẹp. Khối phôi hình tròn, tế bào đa giác vách cellulose mỏng.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Quả: Bột quả màu đen xám, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh mô mềm lá đài tế bào đa giác. Lỗ khí. Mảnh biểu bì gân tế bào đa giác dài. Lông che chở [hình 58] đa bào đầu thuôn nhọn gồm 2-4 tế bào. Lông tiết [hình 59] chân ngắn, đầu tròn hoặc bầu dục. Mảnh vỏ quả [hình 60] giữa tế bào hình đa giác hơi bầu dục, vách hóa mô cứng có lỗ rõ. Mảnh nội nhũ [hình 61] tế bào hình đa giác nhỏ xếp khít nhau. Mảnh vỏ hạt [hình 62] tế bào đa giác vách có vân mạng dạng lưới. Tế bào mô cứng [hình 63] vách rất dày hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì vỏ quả ngoài tế bào hình đa giác hay gần tròn.
: Bột lá màu xanh xám, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 64] mang lỗ khí [hình 65] và lông che chở. Mảnh mô mềm [hình 66] tế bào đa giác có vách mỏng. Lông che chở [hình 67] đa bào rất nhiều, 2-5 tế bào, thường cong hình liềm, bề mặt lấm tấm. Lông tiết [hình 68] hình cầu hay bầu dục có chân ngắn. Mảnh hạ bì và mô mềm giậu [hình 69] tế bào dài chứa nhiều diệp lục. Mảnh mạch [hình 70] (vạch, mạng, điểm).

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây ưa sáng, mọc hoang ở vùng đất cát và cát dọc bờ biển nên thường gặp ở các tỉnh duyên hải, cũng được trồng làm cảnh. Mùa hoa quả gần như quanh năm.

Bộ phận dùng: 

Quả (Fructus Viticis rotundifoliae). Quả chín được thu hái, rửa sạch và loại bỏ cuống phơi hay sấy khô, dùng tươi hoặc sao qua. Ngoài ra, lá cũng được dùng uống theo cách hãm hoặc dùng dạng thuốc xông.

Thành phần hóa học: 

Tinh dầu chứa camphen, pinen; còn có vitexicarpin, acid γ-butyric.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Quả dùng trị: 1. Cảm mạo, đau đầu, đau nhức nửa đầu; 2. Đau mắt, quáng gà, hoa mắt, mắt đỏ chảy nước mắt; 3. Đau cơ, đau dây thần kinh; 4. Răng lợi sưng đau. Dùng dạng thuốc sắc. Lá dùng chữa đòn ngã tổn thương. Một số nơi dùng lá làm thuốc lợi tiêu hóa, long đờm và trị bệnh ngoài da.

Hình đính kèm
Cây gỗ nhỏ
Thân non
Lá
mặt dưới
Cụm hoa
Lá bắc của xim
Hoa
lá bắc và lá bắc con
Lá đài
Tràng hoa
lông
Bộ nhị
lông trắng ở gốc chỉ nhị
bao phấn
hạt phấn
Lá noãn
vòi nhụy
Quả
quả chín
quả khô
Thân
Vi phẫu thân
thân già
lông che chở và lông tiết
Mô dày
bần
Trụ bì
gỗ 2
Gỗ 1
Mô mềm tủy
Cuống lá
Mô dẫn
Gân giữa
lỗ khí
lông tiết
Tinh bột
calci oxalat giống
Phiến lá
Mô mềm giậu
bó gân phụ
Vi phẫu rễ
Các mô
Bần
mô cứng
Libe gỗ
chùy libe
sợi gỗ
Gỗ 1
Vi phẫu quả
Vỏ quả ngoài
Vỏ quả giữa
bó gân giữa
bó gân phụ
mô cứng
Vỏ quả trong
Vỏ hạt
Nội nhũ
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh vỏ quả
Mảnh nội nhũ
Mảnh vỏ hạt
Tế bào mô cứng
Mảnh biểu bì
lỗ khí
Mảnh mô mềm
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh hạ bì và mô mềm giậu
mạch

Loài Vitex negundo L.(Cây Ngũ Trảo)

Tên
Tên khác: 

Hoàng kinh, Quan âm.

Tên khoa học: 

Vitex negundo L.

Tên đồng nghĩa: 

Vitex paniculata Lamk., V. Arborea Desf., V. Spicata Lour.

Họ: 

Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Tên nước ngoài: 

Five-leaved, chaste-tree, Indian privet, Gattilier incise.

Mẫu thu hái tại: 

Hóc Môn và Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, tháng 4-2010.

Số hiệu mẫu: 

NT0410, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 3-4 m. Thân non tiết diện vuông rồi từ từ tròn, màu xanh, nhiều lông mịn màu trắng; thân già màu xám nâu hay xám đen.
[hình 2] mọc đối, không có lá kèm, kép chân vịt, thường có 5 (ít khi 3 hay 7) lá chét không đều, lá chét ở giữa to nhất. Cuống chung dài 3-5 cm, hơi phình ở gốc, mặt trên lõm, màu xanh, rất nhiều lông mịn. Lá chét có phiến hình trái xoan, ngọn có đuôi, gốc thuôn, mặt trên màu xanh lục sậm ít lông, mặt dưới đầy lông mịn màu trắng bạc; lá chét giữa dài 9-10 cm, rộng 2-3 mm, có 12-15 đôi gân bên; các lá chét ở bên dài 5-8 cm, rộng 1,5-2,5 cm, có 5-10 đôi gân bên cong về phía ngọn lá; mép lá nguyên; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá chét dài 5-15 mm, phía trên lõm thành hình lòng máng, có nhiều lông mịn; 2 lá chét ở gốc gần như không cuống.
Cụm hoa [hình 3] hình chùy ở ngọn cành ít khi ở nách lá, dài 10-20 cm, phân nhánh đối nhau, tận cùng nhánh là các xim 2 ngã gồm 3 hoa, hoa giữa gần như không cuống, 2 hoa bên có cuống.
Hoa [hình 4] nhỏ, màu tím nhạt, không đều, lưỡng tính, mẫu 5; cuống hoa bên dài 2-4 mm, màu xanh, phủ đầy lông mịn; lá bắc và lá bắc con nhỏ, dạng vảy hình tam giác, màu xanh nâu, nhiều lông mịn màu xám. Lá đài [hình 5] 5, màu xanh, dính nhau ở phía dưới thành ống hình chuông dài 2 mm, có 5 cạnh do mỗi lá đài có một gân dọc nổi rõ ở mặt ngoài, trên chia 5 phiến hình tam giác dài 0,5 mm, mặt ngoài nhiều lông mịn màu xám, tiền khai van. Cánh hoa [hình 6] 5, mặt ngoài đầy lông mịn màu xám; dính nhau bên dưới thành ống dài 5 mm, mặt trong rất nhiều lông dài và nhiều sọc dọc màu tím sậm; bên trên chia thành 2 môi kiểu 2/3: môi trên 2 thùy nhỏ, tròn, màu tím rất nhạt gần như trắng, môi dưới 3 thùy, thùy giữa dài và to hơn 2 thùy bên, màu tím sậm ở mặt trong, màu vàng và nhiều lông dài ở gốc phía trong, 2 thùy bên tròn, màu tím nhạt, tiền khai lợp. Nhị [hình 7] 4, thò ngắn khỏi ống tràng, rời, không đều với 2 nhị dài ở phía trước và 2 nhị ngắn ở phía sau (bộ nhị kiểu 2 trội), đính vào gần gốc ống tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị dạng sợi, màu trắng, dài 4-6 mm, nhiều lông dài ở gốc; bao phấn hình bầu dục, màu tím sậm, 2 ô dạng ra, đính đáy, hướng trong, nứt dọc. Hạt phấn [hình 8] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục thuôn có rãnh dọc ở giữa, có 2 kích cỡ: hạt to dài 37-50 µm, rộng 25-32 µm, hạt nhỏ dài 20-25 µm, rộng 10-18 mm. Lá noãn 2, dính nhau tạo thành bầu trên 2 ô [hình 9], mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ, một vách giả xuất hiện giữa 2 noãn ngăn thành bầu 4 ô [hình 10]; bầu hình cầu, màu xanh, nhẵn, đỉnh có tuyến như hạt cát; vòi nhụy 1, đính trên bầu, hình sợi, dài 5 mm, màu tím, đỉnh xẻ 2 thùy; đầu nhụy màu tím sậm.
Quả [hình 11] hạch, hình cầu, đường kính 3-4 mm, khi chín có màu đen, mang đài tồn tại.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 12]
Vi phẫu cắt ngang hình gần tròn, chia làm 2 vùng rõ rệt: vùng vỏ chiếm 1/5 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 4/5.
Vùng vỏ [hình 13]: Bần 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, vách mỏng, xếp thành dãy xuyên tâm. Nhu bì 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật rất dẹt. Mô mềm vỏ 4-5 lớp tế bào hình bầu dục, vách cellulose, có vùng tế bào xếp thành dãy xuyên tâm, có vùng tế bào xếp lộn xộn, giữa các tế bào có đạo nhỏ.
Vùng trung trụ: Cụm mô cứng rời rạc, xếp thành một vòng, tế bào vách dày hay rất dày. Libe cấp 1 tế bào bị ép dẹp méo mó khó nhận dạng. Libe cấp 2 [hình 14] thành vòng, tế bào hình chữ nhật dẹt hay hình bầu dục hoặc méo mó, xếp thành dãy xuyên tâm, khít nhau hay có đạo nhỏ ở góc giữa các tế bào. Gỗ cấp 2 [hình 15] gồm nhiều mạch gỗ kích thước không đều, sắp xếp lộn xộn, mô mềm gỗ tế bào hình đa giác xếp khít nhau, vách hoá gỗ dày. Gỗ cấp 1 [hình 16] rõ, 7-8 bó dưới gốc những tia tủy, mỗi bó gồm 2-3 mạch nhỏ không đều, phân hoá hướng tâm. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào kích thước to dần khi hướng ra vùng libe. Mô mềm tủy các tế bào hình đa giác, sắp xếp lộn xộn và khít nhau, vách hoá gỗ dày.

Thân [hình 17]
Vi phẫu cắt ngang thân non hình vuông, thân già hình tròn, vùng vỏ chiếm 1/10 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 9/10.
Vùng vỏ: Biểu bì ở thân non là lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác; lớp cutin mỏng; lỗ khí ít gặp, cùng mức với tế bào biểu bì hay nhô lên cao. Lông che chở nhiều, thường kéo dài từ 1 tế bào biểu bì, lông đơn bào [hình 18] ít, lông đa bào [hình 19] nhiều, cấu tạo gồm 2-3, ít khi 4, tế bào xếp trên một hàng; tế bào ở ngọn lông vách dày hơn và mặt ngoài lấm tấm hạt, tế bào ở gốc đôi khi hẹp. Lông tiết [hình 20] nhiều dạng: chân đơn bào đầu to đơn bào, chân đơn bào đầu tròn 2-4 tế bào, chân đơn bào rất ngắn đầu to [hình 21] và dẹt 2 tế bào, chân 2-4 tế bào đầu nhỏ [hình 22] và tròn đơn bào. Bần ở thân già, tầng sinh bần xuất hiện có đoạn ngay dưới biểu bì có đoạn dưới 1-2 lớp mô dày; lớp tế bào bần đầu tiên rất to, các lớp tiếp sau tế bào nhỏ và dẹt hơn. Mô dày 3-7 lớp tế bào có vách dày ở góc. Mô mềm vỏ 4-5 lớp tế bào hình tròn hay bầu dục dẹt, xếp chừa những đạo nhỏ.
Vùng trung trụ: Trụ bì [hình 23] hoá sợi thành từng cụm to nhỏ không đều, tế bào hình đa giác, xếp khít nhau; ở thân già những tế bào mô cứng to hay nhỏ, vách dày, ống trao đổi rõ, xuất hiện nối liền những cụm sợi tạo thành vòng mô cứng liên tục quanh thân. Libe là vòng liên tục; libe cấp 1 từng cụm, tế bào bị ép dẹp, méo mó; libe cấp 2 nhiều lớp, những lớp tế bào gần tầng sinh libe gỗ hình chữ nhật, xếp thành dãy xuyên tâm. Gỗ cấp 2 [hình 24] gồm nhiều mạch gỗ không đều, hình đa giác, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, xếp xuyên tâm, vách dày đến rất dày. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Gỗ cấp 1 [hình 25] từng bó, mỗi bó gồm 2-4 mạch gỗ không đều phân hóa ly tâm, được bao quanh bởi vùng mô mềm tế bào hình đa giác, vách cellulose, xếp khít nhau. Mô mềm tủy [hình 26] tế bào hình đa giác, không đều, càng vào trong tế bào càng to, vách mỏng hóa mô cứng, xếp chừa những đạo nhỏ. Tinh thể [hình 27] calci oxalat hình kim rất ngắn tập trung thành đám trong mô mềm tủy và tia tủy.

[hình 28]
Gân lá lồi ít ở mặt trên, lồi tròn ở mặt dưới. Biểu bì trên và biểu bì dưới 1 lớp tế bào hình chữ nhật; tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới; lớp cutin dày, một vài chỗ có răng cưa; lỗ khí ít gặp. Lông che chở [hình 29] rất nhiều ở mặt dưới, mặt trên ít hơn, cấu tạo giống ở thân. Lông tiết [hình 30] giống ở thân. Mô dày trên [hình 31] 2-6 lớp tế bào hình đa giác, vách dày đều xung quanh, tạo thành một cung liên tục. Mô mềm tế bào hình gần tròn, xếp chừa những đạo nhỏ. Libe gỗ [hình 32] cấp 1 ở giữa tạo thành cung hình chữ U, cung libe ở dưới bao lấy cung gỗ ở trên; gỗ gồm các mạch gỗ kích thước không đều xếp thành dãy, tế bào mô mềm gỗ phía trên vách cellulose, các tế bào phía dưới vách hóa gỗ; mặt trong cung libe gỗ có 3-5 cụm libe [hình 33] riêng rẽ. Sợi mô cứng tạo vòng gần như liên tục bao ngay dưới cung libe hay một vài trong cụm libe. Mô dày dưới [hình 34] 2-3 lớp tế bào có vách dày đều xung quanh. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác hay kim rất ngắn tập trung thành đám trong mô mềm.
Phiến lá [hình 35]: Biểu bì tế bào không đều, hình chữ nhật; biểu bì trên tế bào to, biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn, thường dẹt, móp méo, nhiều lỗ khí. Lông che chở rải rác ở biểu bì trên, đơn bào ngắn, gần như dày đặc ở biểu bì dưới, đa bào giống ở thân. Lông tiết giống ở thân, nhưng thường là dạng lông chân đơn bào rất ngắn đầu to và dẹt 2 tế bào. Mô mềm giậu [hình 36] 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật thuôn dài, không đều, xếp khít và thẳng góc với biểu bì trên. Mô mềm khuyết [hình 37] tế bào không đều. Bó libe gỗ của gân phụ gồm 3-4 mạch gỗ rất nhỏ ở trên, libe ở dưới, bao xung quanh là 4-5 tế bào hình bầu dục to vách cellulose.
Cuống lá [hình 38]: Vi phẫu cắt ngang có mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn, cấu tạo tương tự như ở gân giữa của lá và có thêm 2 bó libe gỗ phụ hai bên đầu cung libe gỗ chính.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá màu xanh lục, mùi thơm, vị đắng.
Soi kính hiển vi thấy: Lông che chở [hình 39] đa bào đầu nhọn, thường gãy thành những đoạn ngắn. Lông tiết [hình 40] nhiều. Mảnh biểu bì trên [hình 41] của lá ít khi có lông. Mảnh biểu bì dưới [hình 42] của lá rất nhiều lông che chở, khó thấy lỗ khí. Mảnh mô giậu [hình 43] chứa nhiều lục lạp. Mảnh mô mềm tế bào hình tròn hay hình bầu dục, vách mỏng. Mảnh mạch vạch [hình 44], mạch mạng, mạch xoắn [hình 45]. Tinh thể [hình 46] calci oxalat hình cầu gai nhiều, kích thước nhỏ, đường kính 3,5-7,5 µm. Tinh thể calci oxalat hình kim ngắn, dài 5-7 µm. Sợi [hình 47] vách mỏng, khoang rộng, nằm riêng lẻ hay tụ thành bó.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Ở nước ta, cây mọc từ Lạng Sơn đến Kiên Giang.
Mùa hoa quả tháng 5-7.

Bộ phận dùng: 

Quả (FructusViticis negundo). Ngoài ra còn dùng lá và rễ.

Thành phần hóa học: 

Lá chứa 4, 4’- dimethoxy- trans-stilben, 5, 6, 7, 8, 3’, 4’, 5’- heptamethoxyflavon, 5- hydroxyl- 6, 7, 8, 3’- pentamethoxyflavon, 5- hydroxyl- 6, 7, 8, 3’, 4’, 5’- hexamethoxyflavon, 5-hydroxy-6,7,8,4’-tetramethoxyflavon, 5-hydroxy-7, 3’, 4’,5’-tetramethoxyflavon, casticin, chrysosplenol D, luteolin, acid p.hydroxy benzoic, D- fructose, isoorientin, 5- hydroxy- 3, 6, 7, 3’, 4’-pentamethoxyflavan, 3, 5- dihydroxy- 3’, 4’, 6, 7- tetramethoxyflavonol, 5, 3’- dihydroxy-7, 8, 4’- trimethoxyflavanon, 5, 3’- dihydroxy-6, 7, 4’-trimethoxyflanon, nishindasid, negundosid, acid 2’- p.hydroxybenzoyl- mussaenosidic, acid 6’-p.hydroxybenzoyl mussaenosidic, furanoeromophilan I, acid acetyl oleanoloc, aucubin, agnusid, nishindasid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Lá được dùng trị nhức mỏi gân cốt, trị sốt cách nhật, dùng tắm trị phù thủng, bán thân bất toại và bại liệt. Nấu lá xông hoặc dùng lá khô làm thuốc hút cho bớt nhức đầu. Quả, hạt sắc nước cho phụ nữ uống chữa kinh nguyệt không đều, bạch đới, cho ra mồ hôi, bớt nhức đầu, tim, hen suyễn. Rễ dùng sắc uống trị bệnh sốt rét, giã nát lấy nước uống trị ho.Vỏ cây giúp làm ăn ngon cơm, dễ tiêu hóa, chữa hen suyễn.

Hình đính kèm
Cây
Lá
Cụm hoa
Hoa
Lá đài
Cánh hoa
Nhị
Hạt phấn
bầu trên 2 ô
bầu 4 ô
Quả
Rễ
Vùng vỏ
Libe cấp 2
Gỗ cấp 2
Gỗ cấp 1
Thân
lông đơn bào
lông đa bào
Lông tiết
đầu to
đầu nhỏ
Trụ bì
Gỗ cấp 2
Gỗ cấp 1
Mô mềm tủy
Tinh thể
Lá
Lông che chở
Lông tiết
Mô dày trên
Libe gỗ
cụm libe
Mô dày dưới
Phiến lá
Mô mềm giậu
Mô mềm khuyết
Cuống lá
Lông che chở
Lông tiết
Mảnh biểu bì trên
Mảnh biểu bì dưới
Mảnh mô giậu
mạch vạch
mạch xoắn
Tinh thể
Sợi

Bộ Khoai lang (Convolvulales)

Họ Khoai lang (Convolvulaceae)

Chi Ipomoea

Loài Ipomoea pes-caprae (L.) Sweet (Cây Rau muống biển)

Tên
Tên khác: 

Bìm chân dê.

Tên khoa học: 

Ipomoea pes-caprae (L.) Sweet

Tên đồng nghĩa: 

Convolvulus pes-caprae L., Ipomoea biloba Forsk

Họ: 

Khoai lang (Convolvulaceae)

Tên nước ngoài: 

Beach Morning glory.

Mẫu thu hái tại: 

Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/04/2007.

Số hiệu mẫu: 

RMB0407

Thân cỏ, mọc bò [hình 1] lan trên đất cát, cạnh bờ biển, không leo, phân rất nhiều cành, thân tím, đặc, không có lông, có 2 đường rãnh nông ở 2 bên thân dọc theo chiều dài thân từ mấu này tới mấu kia. Lá [hình 2] đơn, nguyên, mọc cách, không có lá kèm; lá hình thận, tròn hay lõm ở đầu, gốc sâu hình tim, dài 5-8,5 cm, rộng 6,5-9,5 cm, mặt trên [hình 3] xanh lục, mặt dưới [hình 4] nhạt, nhẵn cả 2 mặt; lá non 2 mảnh cụp vào nhau. Cuống lá dài 5-9,5 cm, màu tím nhạt, mặt trên có đường rãnh màu đậm hơn, có 2 tuyến đối nhau ở đầu cuống. Gân lá hình lông chim lồi mặt dưới; 6-8 cặp gân phụ hơi lồi ở mặt dưới, tập trung nhiều ở gốc. Hoa mọc thành xim [hình 5] 1-3 hoa ở nách lá, cuống chung dài 5-6,5 cm. Hoa [hình 6] to, màu hồng tím. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa dài 1,5-2,5 cm, màu xanh nhạt. Lá bắc và 2 lá bắc con hình vảy tam giác, dài khoảng 1,5 mm. 5 lá đài rời, hình bầu dục, đầu có mũi nhọn, dài 5-7 mm, màu xanh lục nhạt, tiền khai ngũ điểm. 5 cánh hoa dính nhau thành ống hình kèn [hình 7] dài 3-3,5 cm, đường kính loe 4-5 cm. Tiền khai vặn. 5 nhị [hình 8] rời, chỉ nhị dạng sợi, hơi phình ở đáy, dài không bằng nhau (3 ngắn, 2 dài), dài 4-8 mm, đính vào cuối ống tràng, xen kẽ cánh hoa, không thò ra ngoài, đáy chỉ nhị được bao bọc bởi đám lông mịn [hình 9] màu trắng. Bao phấn 2 ô, đính đáy, hướng trong, khai dọc. Hạt phấn [hình 10] rời, hình cầu gai. 2 lá noãn dính nhau thành bầu [hình 11] trên 2 ô, có vách giả chia thành bầu 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ gần đáy bầu. Vòi nhụy [hình 12] 1, dạng sợi mảnh, màu trắng, dài khoảng 1 cm, đính ở đỉnh bầu. Đầu nhụy hình cầu dạng cuộn não, có 2 thùy, màu trắng. Đĩa mật màu vàng nhạt nằm quanh đáy bầu.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 13]: Vi phẫu tròn, hơi có cánh. Biểu bì gồm 1 lớp tế bào xếp đều đặn, mang lỗ khí và ít lông tiết ngắn, đầu đa bào. Lớp cutin có răng cưa. Dưới biểu bì là 2-4 lớp mô mềm khuyết, vách mỏng, kính thước nhỏ hơn mô mềm vỏ. Kế đến là 5-6 lớp tế bào mô dày góc. Mô mềm vỏ 3-5 lớp tế bào hình tròn hay bầu dục, vách hơi uốn lượn, kích thước không đều. Trụ bì 2-5 lớp tế bào, vách dày, uốn lượn, thành từng đám, kích thước không đều. Libe 2 thành vòng liên tục. Gỗ 2 không liên tục, các mạch gỗ to [hình 14] nằm gần vùng tượng tầng. Libe trong xếp thành đám ở dưới gỗ 1. Mô mềm tủy tế bào hình tròn, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết nhỏ. Vùng vỏ và mô mềm tủy có nhiều tế bào tiết, túi tiết nhũ dịch và tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
[hình 15]: Gân giữa: Biểu bì trên và biểu bì dưới 1 lớp tế bào xếp đều đặn mang lông tiết ngắn, đầu đa bào. Lớp cutin có răng cưa. Dưới biểu bì là mô dày góc. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn hay bầu dục, vách hơi uốn lượn, kích thước không đều, có tế bào tiết và túi tiết nhũ dịch. Các bó libe-gỗ chồng kép xếp thành hình vòng cung gồm những đám libe nhỏ xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Phiến lá [hình 16]: Biểu bì trên và biểu bì dưới tế bào xếp đều đặn, mang lông tiết ngắn, đầu đa bào và lỗ khí. Lớp cutin có răng cưa. Dưới biểu bì trên và trên biểu bì dưới là 3-7 lớp mô mềm giậu xếp chừa các khuyết, giữa là mô mềm khuyết, xen kẽ với các đám mô mềm có bó libe-gỗ của gân phụ. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm xung quanh cung gỗ và ở thịt lá.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Thân: Bột màu nâu xám, gồm các thành phần: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, mảnh mô mềm, mảnh sợi mạch, mảnh mạch điểm, mảnh mạch xoắn, mảnh mạch vạch, mảnh mạch mạng, tế bào mô cứng thành đám hay riêng rẻ, tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
: Bột màu xanh đậm, gồm các thành phần: Mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu hỗn bào và lông tiết ngắn, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm giậu, lông tiết ngắn nằm riêng rẻ, mảnh mạch vạch, mạch xoắn và tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam, cây mọc khắp nơi dọc bờ biển, là cây cố định cát ở biển. Ra hoa quanh năm, chủ yếu vào mùa hè và mùa thu.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Ipomoeae pes-caprae)

Thành phần hóa học: 

Cây chứa nhựa 7,25%, tinh dầu 0,048% và các chất pentatriacontane, triacontane, sterol, acid behenic, acid melissic, acid butyric và acid myristic. Lá chứa actinidol, ergomitrin, ergotamin, isoquercitrin, eugenol, acid citric, malic, tartaric. Rễ chứa alkaloid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Toàn cây được dùng làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, tay chân đau nhức, mỏi, thông tiểu tiện, chữa thủy thủng, đau bụng. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị: phong thấp đau nhức khớp xương , đau ngang thắt lưng, mụn nhọt và viêm mủ da, trĩ xuất huyết. Ngoài ra còn có tác dụng chống histamin: ức chế sự tổng hợp prostaglandin nên chống viêm, chống dị ứng, nhất là vì sứa chích, trấn luyến súc. Hạt trị đau bao tử. Thân lá giúp phụ nữ bớt căng thẳng và mệt song có thể làm lạc thai. Dùng ngoài, lá tươi dã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và dùng trị rắn cắn; có thể phơi khô tán nhỏ rắc lên những nơi bị bỏng.

Hình đính kèm
Thân cỏ, mọc bò
Lá
mặt trên
mặt dưới
Hoa
ống hình kèn
nhị
lông mịn
Hạt phấn
bầu
Vòi nhụy
Thân
mạch gỗ to
Lá
Phiến lá

Bộ Trúc đào (Apocynales)

Họ Trúc đào (Apocynaceae)

Chi Catharanthus

Loài Catharanthus roseus (L.) G. Don (Cây Dừa cạn)

Tên
Tên khác: 

Bông dừa, Hải đăng, Hải đằng.

Tên khoa học: 

Catharanthus roseus (L.) G. Don

Tên đồng nghĩa: 

Vinca rosea L.

Họ: 

Trúc đào (Apocynaceae)

Tên nước ngoài: 

Madagasca Periwinkle, Pervenche mangache.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/04/2007.

Số hiệu mẫu: 

DC0407

Thân [hình 1] cỏ nhỏ, mọc đứng, phân nhiều cành, cao 40-60 cm. Thân hình trụ có 4 khía dọc, có lông ngắn, thân non màu xanh lục nhạt sau chuyển sang màu hồng tím. Lá [hình 2] đơn nguyên, mọc đối [hình 3] chéo chữ thập, hình trứng, dầu hơi nhọn, dài 4-7 cm, rộng 2-3 cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt, có lông. Cuống lá ngắn, dài 3-5 mm. Gân lá hình lông chim lồi mặt dưới, 12-14 cặp gân phụ hơi lồi mặt dưới, cong hướng lên trên. Cụm hoa [hình 4]: Hai hoa ở kẽ lá. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5; cuống hoa dài 4-5 mm. Lá đài [hình 5] 5, hơi dính nhau ở dưới, trên chia thành 5 thùy hình tam giác hẹp, có lông ở mặt ngoài, dài 3-4 mm. Cánh hoa 5, dính. Ống tràng [hình 6] màu xanh, cao 2-4 cm, hơi phình ở gần họng, mặt ngoài có 5 chấm lồi; 5 thùy có màu đỏ hay hồng tím [hình 7], trắng [hình 8], …ở mặt trên, mặt dưới [hình 9] màu trắng, dài 1,5-1,7 cm, miệng ống tràng có nhiều lông và có màu khác phiến (màu vàng hay đỏ nếu hoa trắng, màu đỏ sẫm hay vàng nếu hoa màu hồng tím) Tiền khai [hình 10] hoa vặn cùng chiều kim đồng hồ. Nhị [hình 11] 5, rời, đính ở phần phình của ống tràng, xen kẽ cánh hoa, chỉ nhị ngắn. Bao phấn hình mũi tên, 2ô, hướng trong, khai dọc, đính đáy. Các bao phấn chụm trên đầu nhụy. Hạt phấn [hình 12] rời, hình chữ nhật, có rãnh dọc. Lá noãn 2, rời ở bầu nhưng dính ở vòi và đầu nhụy, mặt ngoài có nhiều lông, mỗi lá noãn [hình 13] mang nhiều noãn, đính noãn mép, bầu trên. Vòi nhụy 1, dài bằng ống tràng, dạng sợi màu trắng. Đầu nhụy hình trụ, màu xanh, đỉnh có 2 thùy nhọn, phía dưới có màng mỏng màu vàng. 2 đĩa mật [hình 14] màu vàng, hình tam giác hẹp nằm xen kẽ 2 lá noãn. 2 quả [hình 15] đại dài 3-5 cm, mỗi quả chứa 12-20 hạt, xếp thành 2 hàng. Hạt nhỏ, hình trứng.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ [hình 16]: Lớp bần gồm 4-5 lớp tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ khoảng 5-6 lớp tế bào có vách bằng cellulose, hình dạng thay đổi, xếp không đều đặn. Trụ bì vách bằng cellulose. Libe 1 bị libe 2 đẩy ra sát trụ bì, các tế bào bị ép dẹp lại. Libe 2 là những tế bào hình chữ nhật, xếp thành dãy xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm. Mạch gỗ 2 xếp thành dãy, kích thước không đều. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 phân bố đều. Libe trong tạo thành đám phân bố đều bên trong gỗ 1.
Vi phẫu thân [hình 17]: Gần vuông, 2 cạnh phẳng và 2 cạnh hơi lồi; 4 cánh ngắn. Vùng vỏ: biểu bì gồm một lớp tế bào xếp đều đặn mang lông che chở, cutin [hình 18] dày. Dưới biểu bì là mô dày góc. Tế bào mô mềm vỏ hình bầu dục, xếp không thứ tự theo hướng tiếp tuyến. Ống nhựa mủ [hình 19] rải rác. Nội bì có nhiều hạt tinh bột. Vùng trung trụ [hình 20]: Trụ bì hóa sợi [hình 21] thành đám, vách tế bào sợi vẫn bằng cellulose. Libe 2 và gỗ 2 liên tục thành một vòng. Mạch gỗ 2 tương đối đều đặn. Libe trong [hình 22] thành đám. Tia tủy hẹp 1 hoặc 2 dãy tế bào. Mô mềm tủy hình tròn, kích thước không đều, có tinh thể [hình 23] calci oxalate hình khối.
Vi phẫu lá [hình 24]: Gân giữa: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào khá đều, lông che chở và lỗ khí rải rác. Dưới biểu bì trên là mô dày góc, mô mềm gồm những tế bào vách mỏng, kích thước không đều. Bó libe-gỗ chồng kép hình cung gồm những đám libe xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Mạch gỗ xếp đều đặn. Phiến lá [hình 25]: Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào, có lông. Lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu gồm một lớp tế bào hẹp, dài, khá đều nhau; mô mềm khuyết tế bào vách mỏng, xếp chừa các khuyết nhỏ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân lá [hình 26]: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, lông che chở đơn bào hay đa bào, mảnh mô mềm, sợi mô cứng, Mảnh mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Xuất xứ từ miền Đông Châu Phi được truyền vào nước ta. Nay phát tán hoang dại và cũng được trồng. Cây sinh trưởng tốt trên đất cát vùng biển, phát triển tốt về cả mùa hè. Ra hoa quanh năm, chủ yếu là từ tháng 5-9.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Catharanthi rosei). Ở Trung Quốc gọi là Trường xuân hoa.

Thành phần hóa học: 

Hoạt chất của Dừa cạn là alkaloid có nhân indol trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong lá và rễ. Dừa cạn Việt Nam có tỷ lệ alkaloid toàn phần là 0,1-0,2%. Rễ chứa hoạt chất (0,7-2,4%) nhiều hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các chất chủ yếu là: vinblastin, vincristin tetrahydroalstonin, prinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin, vincosid (1 glucoalkaloid tiền thân để sinh tổng hợp các alkaloid). Từ Dừa cạn, người ta còn chiết được các chất sau: acid pyrocatechic, sắc tố flavonoid (glucozid của quercetol và campferol) và anthocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ. Ngoài ra từ lá chiết được acid ursoloc, từ rễ chiết được cholin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Dừa cạn dùng làm thuốc kiềm tế bào và được chỉ dẫn trong điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu lympho cấp, một số ung thư. Trong dân gian vẫn dùng trị cao huyết áp, trị bệnh tiểu đường, điều kinh, chữa tiêu hóa kém và chữa lỵ, thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít. Có người trị ung thư máu, ung thư phổi, tẩy giun, chữa sốt, lợi tiểu khá mạnh,.... Thân và lá có tính chất săn da, lọc máu, dùng chữa một số bệnh ngoài da.

Hình đính kèm
Thân
Lá
mọc đối
Cụm hoa
Lá đài
Ống tràng
hồng tím
trắng
mặt dưới
Tiền khai
Nhị
Hạt phấn
lá noãn
đĩa mật
quả
Vi phẫu rễ
Vi phẫu thân
cutin
Ống nhựa mủ
Vùng trung trụ
sợi
Libe trong
tinh thể
Vi phẫu lá
Phiến lá
Bột thân lá

Chi Holarrhena

Loài H. pubescens Wall. ex G. Don (Cây Mức Hoa Trắng)

Tên
Tên khác: 

Cây Sừng trâu, Mức lá to, Thừng mực lá to, Mộc hoa trắng, Mộc vài (Thổ), Mức lông, Hồ liên lá to.

Tên khoa học: 

Holarrhena pubescens Wall. ex G. Don

Tên đồng nghĩa: 

Echites antidysenterica Roxb. ex Flem., Holarrhena antidysenterica (Roxb. ex Flem.) A. DC.

Họ: 

Trúc đào (Apocynaceae)

Tên nước ngoài: 

Conessi bark, kurchi bark, bitter oleander, dysentery rose-bay, tellicherry bark (Anh); ecorce de codagapala (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar - Tỉnh Đăk Lăk ngày 07/05/2010.

Số hiệu mẫu: 

MHT0705 được lưu tại Bộ môn Thực Vật – Khoa Dược. Được so với mẫu số: 3181 của Viện Sinh Học Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh.

Cây gỗ to [hình 1] mọc thẳng đứng có thể cao trên 10 m, có nhựa mủ trắng. Thân già màu nâu đen xù xì [hình 2] có lớp vỏ dày, thân non màu xanh hoặc màu đỏ nâu có nhiều lông che chở màu trắng. Lá đơn [hình 3], nguyên, mọc đối; phiến lá [hình 4] hình xoan hoặc hình trứng đỉnh kéo dài thành mũi nhọn dài 0,5-1 cm, màu xanh đậm mặt trên hơn mặt dưới, có lông trắng ở mặt dưới nhiều hơn mặt trên, kích thước dài 7-11 cm, rộng 5-6 cm. Gân lá hình lông chim, 9-13 cặp gân phụ cấp 1 hơi chếch không đối nhau chạy sát mép và nối nhau ở mép rất mờ, gân phụ cấp 2 hình lưới rõ. Cuống lá ngắn, hình trụ, dài 0,5-0,6 cm, màu xanh, nhiều lông. Không có lá kèm. Cụm hoa [hình 5] xim 2 ngả mọc ở nách lá hoặc ở ngọn cành, cuống cụm hoa dài 1,5-2 cm. Hoa [hình 6] màu trắng, thơm, đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa dài 1-1,5 cm, màu xanh, có lông dày. Lá bắc [hình 7] và lá bắc con dạng vẩy màu xanh có lông, tồn tại lâu. Đài hoa [hình 8]: 5 lá đài nhỏ, đều, rời, màu xanh, dạng vẩy dài 0,15-0,2 cm, rộng 0,7-1 cm, mặt ngoài có nhiều lông màu trắng; có các tuyến hình vảy [hình 9] màu vàng ở gốc mặt trong của lá đài, tiền khai năm điểm. Tràng hoa [hình 10]: 5 cánh hoa đều, màu trắng, dính phía dưới tạo thành ống phình to ở gần đáy dài 0,4-0,5 cm, 5 phiến phía trên hình thuôn dài đầu tù, dài 1,3-1,5cm, rộng 0,3-0,4 cm, mặt trong của phiến có lông tiết [hình 11] dính, mặt ngoài có lông che chở, tiền khai vặn theo chiều kim đồng hồ; họng tràng có tràng phụ [hình 12] dạng bản mỏng chia 2-3 thùy, dài 0,8-1 cm, rộng 0,2-0,3 cm, màu hồng, có lông. Bộ nhị [hình 13]: 5 nhị [hình 14] đều, rời; chỉ nhị ngắn đính trên họng tràng; bao phấn màu vàng chụm vào nhau, chung đới kéo dài thành mũi nhọn và dính với đầu nhụy, dài 0,7-0,8 cm. Hạt phấn [hình 15] rời, hình cầu màu vàng, đường kính 52,5 µm. Bộ nhụy [hình 16]: 2 lá noãn rời, bầu [hình 17] trên, màu xanh, hình trứng cao 0,1-0,15 cm, nhiều noãn [hình 18] đính bên. 1 vòi nhụy hình trụ tròn, màu trắng, dài 0,6 -0,7 cm; đầu nhụy [hình 19] hình nón dài 0,5 mm màu vàng nhẵn.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân
Vi phẫu [hình 20] tiết diện tròn. Bần [hình 21] gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, bị bong tróc nhiều, có bì khổng. Mô dày tròn 3-4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Mô mềm vỏ [hình 22] 3-4 lớp tế bào hình đa giác dẹt, kích thước không đều, vách uốn lượn. Libe 1 tế bào hình đa giác, xếp thành từng cụm. Libe 2 không liên tục do có những khoảng mô mềm khoảng 3 dãy tế bào hình đa giác kích thước không đều, vách rất mỏng xen kẽ; tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước không đều, vách uốn lượn. Vùng gỗ [hình 23]: gỗ 2 liên tục, mạch gỗ 2 hình tròn hoặc đa giác tròn thường xếp thành dãy liên tục 2-7 mạch; mô mềm gỗ bao quanh mạch, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ không đều. Tia gỗ hẹp thường 1 dãy tế bào. Gỗ 1 phân bố đều quanh tủy. Libe trong [hình 24] tế bào đa giác, kích thước nhỏ, xếp thành từng cụm. Vùng tủy dạng hình chữ nhật, mô mềm tủy tế bào đa giác gần tròn, kích thước đều, vách mỏng; giữa tủy có cụm mô cứng [hình 25] tế bào hình đa giác. Ống nhựa mủ [hình 26] vách cellulose dày rất nhiều trong libe 2 và ít trong vùng vỏ. Tinh thể calci oxalat hình khối [hình 27] nằm trong vùng vỏ, libe và mô mềm tủy.
Ở thân già, có nhiều đám tế bào mô cứng tế bào đa giác, kích thước không đều, vách dày khoang hẹp có ống trao đổi rõ ở vùng bần, mô mềm và libe 2.
Cuống lá [hình 28]
Vi phẫu tiết diện tròn. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, cutin mỏng, lông che chở [hình 29] đa bào. Mô dày tròn nhiều lớp tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều. Mô mềm gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước tương đương với mô dày. Bó dẫn [hình 30] hình cung gỗ ở trên libe ở dưới. Libe gồm nhiều lớp tế bào đa giác nhỏ, vách uốn lượn xếp lộn xộn thành cụm. Mạch gỗ hình đa giác tròn, kích thước không đều, xếp thành dãy. Mô mềm gỗ hình đa giác vách cellulose xếp 1 -2 dãy xen kẽ với các dãy mạch gỗ. Libe trong tế bào đa giác vách uốn lượn xếp thành cụm. Ống nhựa mủ có chứa khối nhựa màu nâu hoặc màu vàng nằm rải rác trong mô mềm. Tinh thể calci oxalat hình khối trong vùng mô mềm và mô dày nhưng tập trung rất nhiều ở mô mềm gần bó dẫn.
[hình 31]
Gân giữa: Vi phẫu 2 mặt lồi, mặt trên lồi ít hơn mặt dưới. Biểu bì tế bào hình chữ nhật có núm, biểu bì trên lớn gấp 2 lần tế bào biểu bì dưới, cutin mỏng, lông che chở đa bào ở biểu bì dưới nhiều hơn ở biểu bì dưới. Mô dày [hình 32] tròn nhiều lớp ở dưới biểu bì trên và 5-6 lớp ở trên biểu bì dưới, tế bào đa giác gần tròn hoặc tròn, kích thước không đều. Mô mềm đạo gồm nhiều lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn hơn mô mềm chứa lục lạp. Bó dẫn [hình 33] xếp hình cung gỗ ở trên, libe ở dưới, cấu trúc tương tự bó dẫn của cuống lá. Libe trong xếp thành cụm. Tinh thể calci oxalat hình khối rất nhiều ở mô mềm rải rác ở mô dày. Ống nhựa mủ có chứa khối nhựa màu nâu hoặc màu vàng nằm rải rác trong mô mềm gần libe.
Phiến lá [hình 34]: Biểu bì hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước lớn hơn biểu bì dưới, cutin mỏng, lông che chở [hình 35] đa bào có ở cả 2 biểu bì; lỗ khí có ở biểu bì dưới. 1 lớp hạ bì dưới biểu bì trên gần gân giữa, tế bào hình đa giác vách cellulose dày. Mô mềm giậu [hình 36] 3 lớp tế bào xếp khít nhau kéo dài vào gân giữa. Mô mềm nhiều lớp tế bào hình dạng thay đổi vách thẳng hay uốn lượn xếp chừa khuyết rất nhỏ. Tinh thể calci oxalat hình kim rất to dài bằng hay hơn ½ bề dày thịt lá và các bó gân phụ rải rác trong thịt lá.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ thân mức hoa trắng có màu vàng, thể chất tơi thô, không có mùi, vị rất đắng gồm các thành phần sau: Rất nhiều tế bào mô cứng [hình 37] vách dày, khoang hẹp, có ống trao đổi rõ, kích thước khác nhau, có màu vàng, nằm riêng lẻ hoặc tập trung thành cụm. Mảnh bần [hình 38] tế bào đa giác, kích thước khác nhau, vách dày, màu vàng. Mảnh mô mềm gồm những tế bào đa giác, vách mỏng. Tinh thể [hình 39] calci oxalat hình khối dài khoảng 40 µm, rộng 30 µm. Hạt tinh bột [hình 40] hình cầu có tễ rõ. Ống nhựa mủ [hình 41] với khoang rộng vách mỏng hay những ống có vách dày, khoang hẹp.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Có ở Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia. Ở Việt Nam mọc ở khắp nơi, tại miền bắc có ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình và nhiều tỉnh khác.
Mùa hoa: tháng 3-7, mùa quả: tháng 6-12.

Bộ phận dùng: 

Lá, hạt, vỏ thân [hình 42] và rễ (Folium, Semen, Cortex et Radix Holarrhenae pubescentis)

Thành phần hóa học: 

Từ vỏ cây chiết alkaloid: conesin, norconesin, conesimin, isoconesimin, conesinidin, conkurchin, holarhenin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Conesin rất ít độc, với liều cao tác dụng của nó gần giống với morphin, gây liệt với trung tâm hô hấp. Tiêm có thể gây tê tại chỗ nhưng kèm theo hiện tượng hoại thư do đó không gây tê được. Đào thải một phần qua đường ruột, một phần qua đường tiểu tiện, gây hạ huyết áp, làm tim đập chậm. Conesin kích thích sự co bóp của tử cung và ruột có tác dụng trừ giun đối với chuột bạch. Chữa lỵ amip (conesin ceohydrat hay bromohydrat).
Công dụng
Vỏ thân và các bộ phận khác được dùng làm thuốc trị lỵ amip, dùng dưới dạng bột, cồn thuốc hoặc cao lỏng.

Hình đính kèm
Cây gỗ to
xù xì
Lá đơn
phiến lá
Cụm hoa
Hoa
Lá bắc
Đài hoa
tuyến hình vảy
Tràng hoa
lông tiết
tràng phụ
Bộ nhị
nhị
Hạt phấn
Bộ nhụy
bầu
nhiều noãn
đầu nhụy
Vi phẫu
Bần
Mô mềm vỏ
Vùng gỗ
Libe trong
cụm mô cứng
Ống nhựa mủ
calci oxalat hình khối
Cuống lá
lông che chở
Bó dẫn
Lá
Mô dày
Bó dẫn
Phiến lá
lông che chở
Mô mềm giậu
tế bào mô cứng
Mảnh bần
Tinh thể
Hạt tinh bột
Ống nhựa mủ
vỏ thân

Chi Nerium

Loài Nerium oleander L. (Cây Trúc đào)

Tên
Tên khác: 

Giáp trúc đào, Đào lê, Trước đào.

Tên khoa học: 

Nerium oleander L.

Tên đồng nghĩa: 

Nerium odorum Soland., Nerium indicum Mill.

Họ: 

Trúc đào (Apocynaceae)

Tên nước ngoài: 

Rose bay, Laurier rose, Sweet scented Oleander.

Mẫu thu hái tại: 

phố Hồ Chí Minh, ngày 11/04/2007.

Số hiệu mẫu: 

TD0407

Cây [hình 1] gỗ nhỏ, mọc thành bụi cao 3-5 m. Thân non [hình 2] dẹp, sau đó trở nên tròn, màu xanh, có nhiều lông nhỏ; thân già màu nâu mang thẹo cuống lá. Lá [hình 3] tập trung ở ngọn, đơn, nguyên, mọc vòng 3 hay mọc đối (lá cuối của mỗi cành), lá thon hẹp, có mũi nhọn, dài 7-10 cm, rộng 1-4 cm, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới nhạt. Mép lá cong xuống ở mặt dưới. Cuống lá dài 7-9 mm, hình lòng máng, có nhiều tuyến màu nâu thường tập trung ở mặt trên, đáy cuống lá. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới; gân phụ nhiều, đều, song song hai bên gân chính, không nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa [hình 4]: Xim phân nhánh ở ngọn cành. Hoa [hình 5] đều, lưỡng tính. Cuống hoa dài 7-10 mm, màu nâu nhạt. Lá bắc dài 5-6 mm, nhọn, rụng sớm. Lá bắc con dài 4-5 mm, dài nhọn. Lá đài 5, rời, hình tam giác, dài 5-6 mm, màu nâu tím, có lông ở mặt ngoài, mặt trong có nhiều tuyến nhỏ màu vàng. Cánh hoa 13-20, mang phụ bộ hình sợi ở bên trong, 5 cánh trong cùng dính nhau thành hình ống hơi loe ở đỉnh, màu trắng có sọc hồng, dài 7-10 mm; trên chia thành 5 phiến dài 2,5-2,7 cm, màu hồng có sọc trắng, các cánh còn lại có thể dính hoặc rời; phía ngoài các cán h hoa có 5-6 phiến nhỏ không mang phụ bộ, cùng màu cách hoa. Tiền khai [hình 6] vặn . 5 nhị rời, đính trên ống tràng. Chỉ nhị dẹp, màu trắng, có nhiều lông ở mặt trong, dài 2-4 mm. Bao phấn hình mũi tên, 2 ô, hướng trong, khai dọc, có lông ở mặt lưng, chung đới kéo dài thành dạng sợi dài 5-6 mm, có nhiều lông. Hạt phấn [hình 7] rời, hình cầu, có 1 lỗ. 2 lá noãn rời thành bầu trên 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn mép. Bầu có nhiều lông ở 1/2 đỉnh bầu. 1 vòi nhụy hình sợi, màu trắng, dài 6-9 mm, hơi phình ở đỉnh, dính vào bao phấn. Đầu nhụy dạng khối có chóp hình nón, dài khoảng 1 mm, màu vàng. Quả và hạt [hình 8]: 2 quả đại dài 13-20 cm, mặt ngoài có nhiều sọc chứa nhiều hạt có lông dài, màu hung.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu lá: Gân giữa [hình 9]: Lồi rõ ở mặt dưới, mặt trên phẳng, hơi lõm ở giữa. Biểu bì trên và biểu bì dưới 1 lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn, mang lông che chở, bên ngoài có phủ một lớp cutin dày. Dưới biểu bì là đám mô dày góc. Mô mềm gồm những tế bào màng mỏng, hình tròn hay bầu dục dẹp, kích thước khác nhau, chứa tinh bột và nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Có nhiều tinh thể calci oxalat hình khối ở libe. Bó libe-gỗ chồng kép hình vòng cung gồm những đám libe tế bào nhỏ xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Nhiều đám sợi vách bằng cellulose xếp mặt trên và mặt dưới cung libe. Phiến lá [hình 10]: Tế bào biểu bì nhỏ, xếp đều đặn mang lông che chở, bên ngoài có phủ một lớp cutin dày. Bên dưới biểu bì trên và dưới có 3-4 lớp tế bào mô dày. Mô mềm giậu gồm 2-3 lớp. Mô mềm khuyết gồm những tế bào màng mỏng, phân nhánh, chừa khuyết to. Biểu bì dưới có nhiều phòng ẩn lỗ khí [hình 11] lớn, có nhiều lông che chở đơn bào dài. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai ở phần tiếp giáp giữa mô mềm giậu và mô mềm khuyết.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá [hình 12] màu xanh lục nhạt, gồm các thành phần: Mảnh tế bào biểu bì chứa lỗ khí, mảnh tế bào biểu bì, mảnh mô mềm, mảnh mô dày, mô mềm khuyết, mô mềm giậu, có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai, tinh thể calci oxalat hình khối, đám sợi mô cứng, mạch xoắn, mạch vạch, hạt tinh bột, lông che chở.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Gốc ở vùng Địa Trung Hải và Bắc Châu Phi, được nhập trồng ở nước ta vì hoa đẹp. Ra hoa từ tháng 1-12. Cây thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hay lấy lá làm nguyên liệu chiết neriolin.

Bộ phận dùng: 

Lá và toàn cây (Folium et Herba Nerii).

Thành phần hóa học: 

Trong các bộ phận của cây đều chứa chất nhựa màu kem, vàng vàng rồi hóa lục. Trong lá Trúc đào người ta nghiên cứu thấy có cardenolid, oleandrin, oleasids A…F, neriolin. Trong lá còn chứa nhựa, tanin, một loại parafin, vitamin C, tinh dầu.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thường được dùng trong chữa suy tâm thu, viêm cơ tim não suy (loạn tim nhanh). Dùng ngoài trị bệnh ngoài da, lở ngứa, mụn loét,…. Tại Á Đông, Trúc đào được ghi trong cuốn Y học nhập môn của Lý Duyên như sau: Chữa những người tự nhiên mặt đỏ bừng, có nước tích tụ trong ngũ tạng làm bụng to, lợi tiểu tiện; neriolin chữa các bệnh về tim.

Hình đính kèm
Cây
Thân non
Lá
Cụm hoa
Hoa
Tiền khai
Hạt phấn
Quả và hạt
Gân giữa
Phiến lá
phòng ẩn lỗ khí
Bột lá

Chi Tabernaemontana

Loài Tabernaemontana divaricata (L.) R. Br. ex Roem. et Schult. (Cây Lài trâu)

Tên
Tên khác: 

Ngọc bác, Ngọc bút, Bánh hỏi.

Tên khoa học: 

Tabernaemontana divaricata (L.) R. Br. ex Roem. et Schult.

Tên đồng nghĩa: 

Nerium divaricatum L., Ervatamia divaricata (L.) Burk., Tabernaemontana coronaria Willd., Tabernaemontana siamensis Warb. ex Pit.

Họ: 

Trúc đào (Apocynaceae)

Tên nước ngoài: 

Crape Jasmine, Paper Gardenia.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/05/2007.

Số hiệu mẫu: 

LT0507

Cây [hình 1] gỗ đứng, phân nhiều cành, cao 1-3 m, có nhựa mủ [hình 2] trắng, đục. Tiết diện tròn, nhẵn; thân non màu xanh; thân già màu nâu, sần sùi. Lá [hình 3], đơn, nguyên, mọc đối [hình 4] chéo chữ thập, hình xoan, dài 12-15 cm, rộng 6-9 cm, đầu lá có đuôi, đáy phiến men dọc theo hai bên cuống lá, mặt trên [hình 5] xanh sẫm, bóng, mặt dưới [hình 6] nhạt, không có lông. Cuống lá dài 1-2 cm. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới; 6-9 cặp gân thứ cấp hơi lồi ở mặt dưới, cong hướng lên trên. Cụm hoa [hình 7]: Hoa mọc thành xim ở ngọn cành, trục cụm hoa dài 8-10 cm. Hoa [hình 8] đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu trắng, mùi rất thơm. Cuống hoa dài 0,5-0,7 cm, màu xanh nhạt. Lá bắc [hình 9] và 2 lá bắc con hình vẩy tam giác, màu xanh nhạt, dài 2-4 mm. Lá đài 5, rời hay dính rất ít ở đáy, hình tam giác, dài 5-6 mm, màu xanh lục nhạt, mặt trong có các tuyến màu vàng nhạt ở đáy và có nhiều lông mịn; tiền khai năm điểm. Cánh hoa 5, dính nhau. Ống tràng [hình 10] màu trắng, dài 2-2,5 cm, hơi dính nhau ở ngọn, chỗ phình có màu xanh nhạt; bên trên xòe thành 5 phiến màu trắng dài 1,8-2,1 cm, hình trứng, mép hơi nhăn nhúm, miệng ống tràng có màu vàng; tiền khai vặn. Nhị 5, rời, đính trên chỗ phình của ống tràng, xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị ngắn, dọc 2 bên chỉ nhị nơi đính vào ống tràng có những hàng lông trắng. Bao phấn màu vàng, hình mũi tên, 2 ô, hướng trong, khai dọc, đính đáy. Các bao phấn chụm trên đầu nhụy. Hạt phấn [hình 11] rời, hình trụ, có rãnh. Lá noãn 2, rời ở bầu nhưng dính ở vòi và đầu nhụy. Bầu trên, màu vàng tươi, nhiều noãn, đính noãn mép. Vòi nhụy [hình 12] 1, màu trắng, dạng sợi mảnh, dài khoảng 1,6 cm. Đầu nhụy hình trụ, màu vàng, trên có 2 thùy nhỏ, hình nón màu trắng.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 13]: Vi phẫu thân [hình 14] gần tròn. Vùng vỏ [hình 15]: Ở thân non, biểu bì gồm 1 lớp tế bào xếp đều đặn, mặt ngoài có lớp cutin mỏng, có răng cưa thưa. Ở thân già, lớp bần xuất hiện ngay dưới lớp biểu bì làm cho biểu bì bị bong ra. Mô mềm vỏ 2-3 lớp tế bào, thường có calci oxalat hình khối. Mô dày góc liên tục thành vòng; ở thân già có nhiều tế bào mô cứng xếp cạnh nhau 2-3 tế bào liền bên ngoài vòng mô dày tạo thành 1 vòng. Mô mềm vỏ tế bào hình bầu dục, kích thước không đều, thường bị ép dẹp ở thân già, có tinh thể calci oxalat hình cầu gai và một vài tế bào hóa mô cứng [hình 16], vách tẩm chất gỗ. Tế bào trụ bì hóa sợi thành đám, vách vẫn bằng cellulose. Libe 2 và gỗ 2 liên tục thành vòng. Mạch gỗ 2 tương đối đều, xếp thẳng hàng. Libe 2 vách uốn lượn rất nhiều. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Libe trong [hình 17] từng đám xếp thành vòng quanh tủy. Tế bào mô mềm tủy hình dạng thay đổi, kích thước không đều, vách mỏng; một số tế bào mô cứng nằm riêng lẻ, vách dày tẩm chất gỗ, kích thước không đều và tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
: Gân giữa [hình 18] lồi rõ ở mặt dưới, mặt trên hơi lồi. Tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới có kích thước nhỏ, xếp đều đặn, cutin có răng cưa cạn. Dưới lớp biểu bì là mô dày góc. Mô mềm gồm những tế bào vách mỏng, hình tròn, kích thước không đều nhau, đôi khi hóa mô cứng; bên trong chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Hệ thống dẫn hình cung gồm những đám libe với tế bào có kích thước nhỏ xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Phiến lá [hình 19]: Tế bào biểu bì trên và dưới kích thước không đều, xếp đều đặn, cutin có răng cưa cạn, lỗ khí có ở biểu bì dưới. Mô mềm giậu gồm 2-3 lớp tế bào ngắn, mô mềm khuyết tế bào vách mỏng, hình dạng thay đổi, kích thước không đều, xếp chừa khuyết lớn, có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột lá [hình 20]: Màu xanh đậm, thành phần gồm: Mảnh biểu bì chứa tế bào lỗ khí kiểu hỗn bào, mảnh mô mềm, mảnh mạch mạng, mảnh mạch vạch, mảnh mạch xoắn, tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
Bột thân [hình 21]: Bột có màu vàng xám, thành phần gồm: Mảnh bần, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm có tinh thể calci oxalat hình khối, mạch xoắn, mảnh mạch mạng, mảnh mạch điểm, mảnh mạch vạch, sợi mô cứng tạo thành đám hay riêng rẻ, tế bào mô cứng với nhiều hình dạng khác nhau, tinh thể calci oxalat hình cầu gai và tinh thể calci oxalat hình khối.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây của miền Đông Dương và Ấn Độ, được trồng khắp nơi làm cảnh vì hoa đẹp và thơm. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá, hoa, nhựa (Radix, Folium, Flos et Resina Tabernaemontanae).

Thành phần hóa học: 

Rễ đắng, chứa nhiều alkaloid: tabernaemontanin, voaphilin, voacangin (nhiều ở lá), oxocoronaridin, tahoricin, ervaticinin. Lá chứa nhiều voacangin, coronaridin, voacristin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Giảm đau; vỏ mát, trị sốt, có tính chống ung thư; toàn thân đắp giảm đau, trị dập, nhọt, tăng sự tuần hoàn.

Hình đính kèm
Cây
nhựa mủ
Lá
mọc đối
mặt trên
mặt dưới
Cụm hoa
Hoa
Lá bắc
Ống tràng
Hạt phấn
Vòi nhụy
Thân
Vi phẫu thân
Vùng vỏ
mô cứng
Libe trong
Gân giữa
Phiến lá
Bột lá
Bột thân

Bộ Vòi voi (Boraginales)

Họ Vòi voi (Boraginaceae)

Chi Heliotropium

Loài Heliotropium indicum L. (Cây Vòi voi)

Tên
Tên khác: 

Dền voi.

Tên khoa học: 

Heliotropium indicum L.

Họ: 

Vòi voi (Boraginaceae)

Tên nước ngoài: 

Indian Heliotrope, Indian Turnsol.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/05/2007.

Số hiệu mẫu: 

VV0507

Dạng sống [hình 1]: Cỏ sống hàng năm, mọc đứng, phân nhiều cành, cao 25-40 cm. Toàn thân có nhiều lông nhám. Thân rỗng ở tủy, màu xanh lục, tiết diện tròn. Lá đơn, nguyên, mọc cách, không có lá kèm. Lá hình trứng, tròn ở đáy, đầu có mũi nhọn, dài 6,5-8 cm, rộng 4-6 cm. Phiến lá men dọc theo hai bên cuống lá, bìa hơi uốn lượn, có răng cưa nhỏ, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt. Cuống lá dài 4-5 cm. Gân lá hình lông chim nỗi rõ ở mặt dưới, 6-8 cặp gân thứ cấp hướng lên trên. Cụm hoa [hình 2] là xim hình bò cạp mọc đối diện với nách lá hay ngọn cành, trục cụm hoa dài 12-16 cm, bên dưới có một đoạn 2-4 cm không có hoa. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu tím nhạt, không cuống, mọc so le thành 2 hàng trên trục phát hoa. 5 lá đài hơi dính nhau bên dưới, trên chia thành 5 thùy hình dải nhỏ dài khoảng 2 mm, màu xanh lục, có lông. 5 cánh hoa dài khoảng 3 mm dính nhau thành hình ống màu xanh hơi phình ở dưới, trên chia thành 5 phiến màu tím nhạt, miệng ống tràng có nhiều lông. Tiền khai vặn. 5 nhị rời đính trên chỗ phình của ống tràng, xen kẽ cánh hoa, chỉ nhị ngắn. Bao phấn hình mũi tên, 2 ô, hướng trong. Hạt phấn rời, hình trụ, có 2 rãnh. 2 lá noãn dính nhau thành bầu trên 2 ô, mỗi ô đựng 2 noãn, có vách giả ngăn thành bầu 4 ô, mỗi ô 1 noãn. 1 vòi nhụy ngắn ở đỉnh bầu, đầu nhụy hình cầu chia thành 2 thùy ở ngọn, có chất dính. Đĩa mật hình khoen ở đáy bầu. Quả gồm 4 quả bế, mang đài đồng trưởng, Mỗi quả dạng hình tháp, mặt ngoài có 2-3 đường lồi, dài khoảng 3,5 mm. Hạt hình thận, màu mâu.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 3]: Bần gồm 1-2 lớp tế bào, vách tẩm bần. Tế bào mô mềm hình bầu dục theo hướng tiếp tuyến, xếp chừa khuyết nhỏ. Libe 2 tạo thành các chùy do các tia tủy ngăn cách, các tế bào ở gần vùng tượng tầng bị ép dẹp, vách mỏng, uốn lượn, các libe ở xa vùng tượng tầng có vách dày. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ to không đều. Tia tuỷ gồm 1-4 dãy tế bào.
Thân [hình 4]: Vi phẫu gần tròn. Biểu bì là 1 lớp tế bào nhỏ, mang lông chở đơn bào ngắn hay dài và lông tiết ngắn. Lớp cutin mỏng có răng cưa thưa và cạn. Dưới biểu bì là 2 lớp tế bào mô mềm khuyết, vách mỏng, kích thước nhỏ hơn mô mềm vỏ. Kế đến là 5-6 lớp mô dày góc. Mô mềm vỏ 2-3 lớp tế bào hình tròn hay bầu dục, kích thước không đều. Nội bì không rõ. Trụ bì hóa mô cứng thành từng đám ở thân già. Libe 2-gỗ 2 thành vòng liên tục. Gỗ 1 phân bố đều. Tế bào mô mềm tủy hình tròn, kích thước không đều.
[hình 5]: Gân giữa: Gân dưới nổi rõ, gân trên hơi lồi. Biểu bì trên và dưới tế bào xếp đều đặn, mang lông che chở đơn bào ngắn hay dài và lông tiết ngắn. Lớp cutin mỏng có răng cưa cạn. Dưới biểu bì là mô dày góc. Tế bào mô mềm vách mỏng, hình tròn hay bầu dục, vách hơi uốn lượn, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết nhỏ. Các bó libe-gỗ xếp đều đặn thành 2 vòng cung; vòng cung dưới lớn hơn với libe ở dưới, gỗ ở trên; vòng cung trên với libe ở trên, gỗ ở dưới. Phiến lá: Tế bào biểu bì trên kích thước to hơn tế bào biểu bì dưới, kích thước các tế bào biểu bì không đều, các tế bào to thường kéo dài thành 1 lông che chở đơn bào ngắn hay dài, chân lông có tinh thể calci carbonat hình khối tròn. Lỗ khí có ở cả 2 biểu bì. Mô mềm giậu gồm 1 lớp tế bào, gần gân chính có 2 lớp mô mềm giậu. Mô mềm khuyết tế bào hơi phân nhánh.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Rễ: Bột có màu nâu nhạt, gồm các thành phần: Mảnh bần, mảnh mô mềm, mảnh mạch màng, mảnh mạch điểm.
Thân: Bột có màu vàng nâu. Gồm có các cấu tử: Đám sợi mô cứng, mảnh mô mềm, mảnh mạch vạch, mảnh mạch mạng, mảnh mạch điểm, mảnh mạch xoắn.
: Bột có màu xanh lục đậm. Gồm có các cấu tử: Lông che chở đơn bào ngắn hay dài có tinh thể calci carbonat hình khối tròn ở chân, lông che chở có mặt ngoài nhám, lông tiết chân ngắn, mảnh biểu bì có lỗ khí, mảnh mô mềm, mảnh mạch vạch, mảnh mạch xoắn, mảnh mạch mạng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài liên nhiệt đới, có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia và Philippines. Mọc hoang khắp nơi, thường gặp ở các bãi đất trống, ven đường đi, ruộng bỏ hóa, nương vườn bỏ hoang, nơi có đất màu mỡ, có đạm.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Heliotropii indici)

Thành phần hóa học: 

Trong cây có heliotrin là một alkaloid pyrolizidin gây ung thư, nhưng lại có indixin và indixin-N-oxyd mà chất sau lại có tác dụng ức chế khối u. Trong cây còn chứa các alkaloid: licopsamin, indicinin, acetyl indixin. Theo De Peralta (1928, Philipp. Agr., 27:333) trong lá, hoa, quả và rễ cây có chứa acid cyanhydric.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thường dùng để trị: phong thấp sưng khớp, lưng gối nhức mỏi. Loét cổ họng, bạch hầu. Viêm phổi, viêm mủ màng phổi, lỵ. Viêm tinh hoàn, nhọt sưng tấy và viêm mủ da. Bong gân, tụ huyết, bầm sưng do sang chấn, áp xe, viêm hạch. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã nát đắp trị mẫn ngứa, nhiễm khuẩn herpes mảng tròn, rắn cắn,… Lá lợi kinh, trị ho, chống viêm, suyễn, ưng thư.

Hình đính kèm
Dạng sống
Cụm hoa
Rễ
Thân
Lá