Chi Amomum

Loài Amomum villosum var. xanthioides (Wall.) Hu & Chen.(Cây Sa Nhân)

Tên
Tên khác: 

Sa nhân gai, Sa nhân vỏ xanh, Dương xuân sa.

Tên khoa học: 

Amomum villosum var. xanthioides (Wall.) Hu & Chen.

Tên đồng nghĩa: 

Amomum xanthioides Wall. ex Baker.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: 

Amone, amomum (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Đồng Nai tháng 5-2010.

Số hiệu mẫu: 

SN 0510, được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược.

Thân khí sinh [hình 1] là thân cỏ sống nhiều năm, cao 1-3 m, tiết diện tròn, màu xanh, nhẵn, mang 18-22 lá ; đoạn thân dài 40-50 cm từ gốc lá không có phiến lá mà chỉ gồm các bẹ lá ôm sát. Thân rễ [hình 2] tiết diện tròn, đường kính 0,3-1,5 cm, màu vàng xanh, có nhiều lông mịn, chia thành nhiều lóng ngắn, ở mỗi lóng có 1 lá màu nâu, dạng vẩy khô xác, lợp lên nhau. Lá [hình 3] đơn, không cuống, mọc so le thành 2 dãy [hình 4], hình ngọn giáo gốc tròn, đầu nhọn thường có màu nâu khô xác ở các lá trưởng thành, dài 33-37 cm, rộng 5-5,5 cm, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; gân lá lông chim, gân chính hơi lõm ở mặt trên nổi rõ ở mặt dưới, rất nhiều gân phụ song song không rõ. Bẹ lá nhẵn cứng, rìa có nhiều lông màu nâu, ôm sát vào nhau. Lưỡi nhỏ [hình 5] dài 0,4-0,5 cm dạng màng, chia 2 thùy rất cạn, rìa có rất nhiều lông mịn, giữa lưỡi nhỏ và phiến lá có nhiều lông mịn. Cụm hoa [hình 6] chùm mọc từ thân rễ, sát mặt đất, dài 18-20 cm, mang nhiều hoa màu vàng nhạt ở 9-11 cm phía trên. Hoa [hình 7] không đều, lưỡng tính mẫu 3, cuống hoa hình trụ rất ngắn, dài 0,15-0,2 cm, màu vàng xanh, nhiều lông mịn. Lá bắc [hình 8] dạng vẩy khô xác màu nâu, dài 2-3 cm, rộng 0,4-0,5 cm, lá bắc bao trọn nụ hoa, khi hoa nở hoa vượt ra khỏi lá bắc, các lá bắc xếp lợp lên nhau. Lá bắc con [hình 9] màu nâu mỏng, hình ống dài 0,8-1 cm, phía trên chia 2 thùy hình tam giác đỉnh nhọn. Đài hoa [hình 10] dính nhau ở dưới thành ống dài 1,2-1,5 cm, trên chia thành 3 thùy không đều. Tràng hoa [hình 11] dính nhau phía dưới thành ống dài 2,5-2,8 cm, trên chia 3 thùy không đều, 1 thùy lớn hình thuyền dài khoảng 1 cm dựng đứng phía sau, 2 thùy nhỏ phía trước dài khoảng 0,5 cm cong xuống phía dưới và bị che bởi cánh môi [hình 12]. Bộ nhị 1 nhị [hình 13] thụ phía sau đính trên miệng ống tràng, khi hoa nở bao phấn cong thẳng góc với chỉ nhị ; chỉ nhị [hình 14] hình lòng máng, dài 0,4-0,5 cm, màu vàng, ôm lấy vòi nhụy; bao phấn [hình 15] hình bầu dục dài 2-3 mm, màu vàng, 2 ô, nứt dọc hướng trong, chung đới kéo dài thành màng mỏng màu trắng có 3 thùy một thùy lớn ở giữa và 2 thùy nhỏ 2 bên; cánh môi do nhị lép tạo thành, đính trên miệng ống tràng, cong ra phía ngoài dạng hình muỗng úp, dài 1-1,2 cm, rộng 0,4-0,5 cm, màu trắng, có 1 rãnh cạn ở giữa, 4-5 sọc dọc màu tím, mép nguyên, đầu chia thành 2 thùy rất cạn; gốc cánh môi có nhiều lông và mang 2 vẩy mỏng dài 0,2-0,3 cm do 2 nhị bất thụ [hình 16] tạo thành. Hạt phấn [hình 17] màu vàng, hình cầu, trên bề mặt có nhiều gai ngắn, đường kính 72-75 µm. Bộ nhụy [hình 18] gồm 3 lá noãn, dính nhau tạo bầu dưới [hình 19] 3 ô, mỗi ô có nhiều noãn, đính trung trụ [hình 20] ; bầu hình trụ ngắn, dài 2,5-3 mm, có nhiều lông mịn ở mặt ngoài; 1 vòi nhụy màu trắng dạng sợi dài 3,5-4 cm, phía dưới nằm tự do trong ống tràng phía trên nằm trong chỉ nhị và ở giữa khe hở của 2 ô phấn; đầu nhụy [hình 21] hình khối không vượt qua khỏi ô phấn ở gốc vòi nhụy có 2 khối hình tháp [hình 22] màu vàng, dài 1,5-2 mm. Quả [hình 23] mọc thành cụm trên mặt đất, hình bầu dục có 3 khía dọc, dài 2-2,2 cm, rộng 1-1,2 cm, màu xanh, chín màu vàng lục, bề mặt có nhiều gai nhọn mềm; bên trong chia 3 ngăn, mỗi ngăn chứa nhiều hạt. Quả khô [hình 24] màu nâu. Hạt [hình 25] mùi thơm vị hơi cay, hình khối nhiều mặt, kích thước 0,02-0,03 cm được bao bởi 1 màng mỏng màu trắng (áo hạt). Vỏ hạt màu đen, nhăn nhúm; ngoại nhũ màu trắng, nội nhũ màu trắng ngà; phôi [hình 26] hình thuôn dài màu kem nằm giữa nội nhũ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân khí sinh [hình 27]: Cấu tạo gồm nhiều bẹ lá ôm lấy lõi thân.
- Bẹ lá [hình 28]: hình lưỡi liềm. Biểu bì trên tế bào hình đa giác khá đều, kích thước hơi to hơn biểu bì dưới. Biểu bì dưới có những đoạn lõm vào tế bào to hơn và có nhiều lông che chở đơn bào rất ngắn, cutin rất dày, nhiều lỗ khí [hình 29]. Cụm mô cứng, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách dày hay mỏng, ống trao đổi rõ. Mô mềm đạo tế bào hình đa giác, nhiều tế bào chứa tinh bột. Nhiều bó dẫn, bó lớn xen kẽ với bó nhỏ, bó nhỏ gần sát biểu bì dưới, bó to thường ở chỗ lõm của biểu bì và nằm giữa mô mềm; ở phần giữa của bẹ lá, cạnh bó dẫn to có bó nhỏ sát biểu bì trên. Bó dẫn gồm gỗ ở trên libe ở dưới; gỗ gồm 1-2 mạch to; libe gồm nhiều lớp, tế bào hình đa giác nhỏ, xếp lộn xộn. Mô cứng bao xung quanh bó mạch.
- Lõi thân [hình 30]: Vi phẫu hình bầu dục. Biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác hay chữ nhật không đều, bị ép dẹp ở chỗ có bó dẫn. Mô mềm đạo tế bào hình đa giác không đều, vách mỏng, kích thước to hơn tế bào biểu bì. Mô cứng tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, 2-4 lớp xếp thành vòng gần như liên tục. Rất nhiều bó dẫn kích thước không đều xếp lộn xộn [hình 31] từ dưới biểu bì vào trong tủy, các bó ngoài [hình 32] vòng mô cứng kích thước lớn hơn. Mỗi bó gồm 1-4 mạch gỗ hình đa giác hay tròn, libe xếp chồng lên gỗ. Các bó dẫn ở phía ngoài vòng mô cứng được bao bởi vòng mô cứng gồm 2-3 lớp tế bào vách dày có thể hóa sợi phía trên libe; các bó trong vùng tủy [hình 33] thường chỉ có cụm mô cứng trên libe và dưới gỗ. Các bó mạch gỗ chiếm hết vùng tủy. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, kích thước tương đương mô mềm vỏ. Tế bào tiết có rất nhiều trong vùng tủy.
[hình 34]
Gân chính mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn. Biểu bì trên [hình 35] tế bào hình chữ nhật đứng; biểu bì dưới [hình 36] tế bào hình chữ nhật, hóa mô cứng vách mỏng, có nhiều lông che chở [hình 37] đơn bào rất ngắn, cutin rất dày. Dưới biểu bì trên và trên biểu bì dưới có vài lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, hóa mô cứng [hình 38] vách mỏng; trong vùng mô cứng sát trên biểu bì dưới thường gặp 1-3 tế bào mô cứng hình bầu dục vách dày, ống trao đổi rõ. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Rất nhiều bó dẫn gỗ ở trên libe ở dưới, kích thước không đều, xếp thành 2 hàng ở trên biểu bì dưới và xếp lộn xộn dưới biểu bì trên, thường gặp 1 bó giữa [hình 39] gân chính, bó to [hình 40] ở sát biểu bì dưới. Các bó dẫn được bao bởi vòng mô cứng tế bào vách dày có thể hóa sợi phía trên libe ở các bó to. Xen giữa các bó to là mô mềm chứa nhiều lục lạp và có khuyết to.
Phiến lá [hình 41]
Tế bào biểu bì trên hình đa giác, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì dưới, cả 2 biểu bì đều có lỗ khí [hình 42] và lông che chở đơn bào ngắn nhưng nhiều ở mặt dưới. Hạ bì 1-2 lớp tế bào hình đa giác góc tù. Mô mềm đạo, 5-6 lớp, tế bào gần tròn, chứa nhiều lục lạp. Nhiều bó dẫn kích thước không đều, gỗ ở trên libe ở dưới, nhiều bó lớn nối với 2 lớp biểu bì bởi các cụm sợi.
Thân rễ [hình 43]
Vi phẫu tiết diện tròn, vùng vỏ chiếm ½ bán kính vi phẫu (đường kính vi phẫu 6 mm). Các mô [hình 44] gồm: Biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác hóa mô cứng vách mỏng ở vi phẫu già, ở các vi phẫu non có nhiều lông che chở đơn bào [hình 45] và lỗ khí [hình 46]. Mô mềm vỏ đạo tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Nội bì [hình 47] hình chữ U không liên tục. Bó dẫn rất nhiều, kích thước không đều, xếp lộn xộn [hình 48] ở vùng vỏ và trung trụ. Mỗi bó gồm 1-6 mạch gỗ. Các bó dẫn vùng vỏ [hình 49] thường có bao mô cứng dày hơn các bó ở vùng trung trụ. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, kích thước tương đương mô mềm vỏ. Nhiều tế bào tiết [hình 50] tinh dầu trong vùng vỏ và trung trụ.
Rễ [hình 51]
Vi phẫu tiết diện tròn, vùng vỏ chiếm khoảng 2/3 bán kính vi phẫu (đường kính vi phẫu 2 mm). Các mô [hình 52] gồm: Tầng lông hút [hình 53], 1 lớp tế bào hình đa giác, kích thước khá đều, 1 vài tế bào mọc dài ra thành lông hút. Tầng suberoid [hình 54] gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, xếp sát nhau. Mô mềm vỏ ngoài đạo, tế bào hình đa giác đầu tù, xếp lộn xộn; mô mềm vỏ trong [hình 55], 4-7 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Rải rác trong mô mềm vỏ có nhiều tế bào hóa mô cứng. Nội bì [hình 56] hình chữ U rất dày, liên tục. Trụ bì, 1 lớp tế bào hình đa giác xếp xen kẽ nội bì, có xu hướng bị ép dẹp phía trên các cực gỗ, 1 vài tế bào trụ bì hóa mô cứng vách mỏng. Nhiều bó libe 1 và gỗ 1 [hình 57] xếp xen kẽ thành vòng ngay dưới trụ bì. Mỗi bó gỗ 1 gồm 1-2 mạch tiền mộc. Nhiều mạch hậu mộc to, hình đa giác kích thước không đều xếp lộn xộn quanh tủy. Mô mềm tủy [hình 58] hẹp, tế bào hình đa giác, vách hóa mô cứng dày ở quanh tủy hoặc còn cellulose ở giữa tủy.
Quả
Vỏ quả [hình 59]
Vi phẫu hình tròn mặt ngoài lồi lõm không đều. Vỏ quả ngoài [hình 60], biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác dẹp, kích thước không đều, hóa mô cứng vách mỏng, rải rác có lông che chở đơn bào; lớp cutin mỏng. Vỏ quả giữa [hình 61] gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, vách mỏng uốn lượn, riêng 7-8 lớp mô mềm phía trên biểu bì trong tế bào hình bầu dục nằm ngang, vách dày uốn lượn, các lớp sát biểu bì trong bị ép rất dẹp khó thấy vách tế bào. Khá nhiều tế bào tiết tinh dầu hình đa giác kích thước nhỏ, trong mô mềm vỏ quả. Nhiều bó dẫn [hình 62] rời, kích thước không đều, xếp thành 1 cung gần sát vỏ quả trong. Mỗi bó gồm gỗ ở trong và libe ở ngoài; mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác kích thước nhỏ; libe ít, tế bào hình đa giác xếp lộn xộn. Vòng mô cứng bao xung quanh bó dẫn; phía dưới gỗ là tế bào mô cứng vách mỏng uốn lượn; phía trên libe là 5-6 lớp tế bào mô cứng hình đa giác, vách dày. Vỏ quả trong [hình 63]: Lớp biểu bì dạng hình ống uốn lượn.
Hạt: Vi phẫu tiết diện đa giác; từ ngoài vào trong gồm áo hạt [hình 64], vỏ hạt [hình 64] và nhân hạt.
- Áo hạt tách rời khỏi vỏ hạt, gồm 1 lớp tế bào hình dạng thay đổi (đa giác, hình thoi, vuông), kích thước khác nhau, vách cellulose dày uốn lượn, rất dày ở vách ngoài.
- Vỏ hạt gồm vỏ ngoài và vỏ trong: Vỏ ngoài gồm 1 lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật nằm, kích thước lớn, vách mỏng. Mô mềm đạo 4-5 lớp tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, đôi khi thấy ống trao đổi phân nhánh trê bề mặt tế bào. Trong cùng là lớp tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ chứa tinh dầu. Vỏ trong gồm 1 lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật, vách dày, màu nâu.
- Nhân hạt [hình 65] gồm: Ngoại nhũ [hình 66] rất nhiều so với nội nhũ, tế bào hình chữ nhật đứng vách hơi gấp nếp hoặc đa giác, chứa đầy tinh bột, càng vào trong kích thước nhỏ dần. Nội nhũ [hình 67], tế bào hình đa giác, vách rất mỏng hơi uốn, kích thước nhỏ, chứa nhiều hạt tinh bột. Khuyết ở giữa là vị trí của cây mầm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hạt màu trắng có lẫn màu nâu đen, mùi thơm, vị cay nồng, gồm các thành phần sau:
Hạt tinh bột [hình 68] hình cầu, kích thước 3-7 µm, xếp riêng lẻ hay tập trung thành cụm, nhiều hình dạng. Mảnh tế bào vỏ hạt [hình 69] tế bào hình chữ nhật, vách có chất màu vàng nâu, chứa nhiều hạt tinh bột. Tế bào ngoại nhũ [hình 70] xếp riêng lẻ hay thành đám, hình dạng và kích thước thay đổi (hình đa giác thuôn dài, hình đa giác ngắn), chứa nhiều tinh bột. Nội nhũ [hình 71] tế bào hình đa giác vách mỏng, chứa tinh bột ít hơn ngoại nhũ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi ở Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam (Trung Quốc), Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có khả năng thích nghi rộng. Cây đặc biệt ưa ẩm, chịu bóng và có thể ưa sáng, thường mọc tập trung thành đám ở ven rừng, bờ suối. Mùa hoa: tháng 4-5; mùa quả: tháng 6-7.

Bộ phận dùng: 

Quả (Fructus Amomi xanthioidis) thu hái lúc gần chín, bóc vỏ lấy khối hạt màu trắng, phơi khô. Có thể chế biến bằng cách sao, chích muối hoặc chích gừng.

Thành phần hóa học: 

Quả chứa tinh dầu hàm lượng 2-3%, gồm D. Camphor (33,2%), D. bornyl acetat (26,5%), borneol (19,4%), D. limonene (7%), camphen (7%), paramethoxy trans-cinnamat, phellandren (2,3%), pinen (1,1%).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trong thử nghiệm in vitro, tinh dầu sa nhân có tác dụng ức chế các vi khuẩn theo thứ tự hoạt tính giảm: Bacillus subtilis, Bacillus mycoides, Diplococcus pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Proteus vulgaris, Shigella dysenteriae, Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế thấp nhất là 1:2560.
- Trong một thử nghiệm lâm sàng, hạt sa nhân có hiệu quả rõ rệt trên viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Bài thuốc gồm hạt sa nhân, câu đằng, lá tre non và 7 dược liệu khác đã được áp dụng cho 32 bệnh nhân được chẩn đoán có xơ vữa động mạch ở lứa tuổi trên 45, có cholesterol máu từ 220 mg% trở lên, trong đó có 12 bệnh nhân có kèm tăng huyết áp; uống thuốc dạng viên hoàn trong 30-60 ngày. Kết quả 22/32 bệnh nhân đạt kết quả tốt, 9/32 bệnh nhân đạt kết quả vừa.
Là vị thuốc kích thích và giúp tiêu hóa, chữa tỳ vị khí trệ, ăn không tiêu, đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn ọe, động thai, kiết lỵ thuộc hàn. Còn được dùng làm gia vị chế làm rượu mùi. Hạt sa nhân giã nhỏ thành bột, dùng ngoài, chấm vào răng đau, ngâm rượu rồi ngậm chữa đau răng. Thân rễ ngâm rượu dùng xoa bóp hằng ngày chữa tê thấp.

Hình đính kèm
Thân khí sinh
Thân rễ
Lá
2 dãy
Lưỡi nhỏ
Cụm hoa
Hoa
Lá bắc
Lá bắc con
Đài hoa
Tràng hoa
cánh môi
1 nhị
chỉ nhị
bao phấn
nhị bất thụ
Hạt phấn
Bộ nhụy
bầu dưới
đính trung trụ
đầu nhụy
khối hình tháp
Quả
Quả khô
Hạt
phôi
Thân khí sinh
Bẹ lá
lỗ khí
Lõi thân
xếp lộn xộn
bó ngoài
bó trong vùng tủy
Lá
Biểu bì trên
biểu bì dưới
lông che chở
mô cứng
bó giữa
bó to
Phiến lá
lỗ khí
Thân rễ
Các mô
lông che chở đơn bào
lỗ khí
Nội bì
xếp lộn xộn
bó dẫn vùng vỏ
tế bào tiết
Rễ
Các mô
Tầng lông hút
suberoid
mô mềm vỏ trong
Nội bì
Nhiều bó libe 1 và gỗ 1
Mô mềm tủy
Vỏ quả
Vỏ quả ngoài
Vỏ quả giữa
bó dẫn
Vỏ quả trong
vỏ hạt
Nhân hạt
Ngoại nhũ
Nội nhũ
Hạt tinh bột
vỏ hạt
ngoại nhũ
Nội nhũ