Bộ Long não (Laurales)

Họ Long não (Lauraceae)

Chi Cinnamomum

Loài Cinnamomum cassia Nees & Eberth.(Cây Quế)

Tên
Tên khác: 

Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Nhục quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao).

Tên khoa học: 

Cinnamomum cassia Nees & Eberth.

Tên đồng nghĩa: 

Laurus cassia L., Cinnamomum aromaticum Nees, Persea cassia (L.) Sprengel.

Họ: 

Long não (Lauraceae)

Tên nước ngoài: 

Chinese cassia, Chinese cinnamon, cassia bark, Bastard cinnamon (Anh); cannillier, cannellier casse, laurier casse, cinnamone casse, canéfice, cannelle de Chine (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Đắc Nông, tháng 5/2009.

Số hiệu mẫu: 

Q 0510 được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược.

Cây gỗ [hình 1] vừa cao 15-20 m. Thân non màu xanh có nhiều khía dọc và lông mịn, tiết diện hình chữ nhật; thân già [hình 2] màu xám đen có nhiều nốt sần, tiết diện tròn. Toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc cách [hình 3], các lá gần ngọn gần như mọc đối, không có lá kèm. Phiến lá [hình 4] hình bầu dục, đầu và gốc nhọn, dài 20-25 cm, rộng 8-9 cm, cứng giòn; mặt trên bóng láng, màu xanh đậm hơn mặt dưới; bìa phiến nguyên. Hệ gân lá có 3 gân chính gồm 1 gân giữa và 2 gân bên nổi rõ ở hai mặt; cặp gân bên hình cung, xuất phát cách gốc lá 0,5-1 cm, cách bìa phiến 1,5-2 cm, chạy dọc tới ngọn; gân phụ nhiều, hình mạng lưới, không rõ. Cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn, màu xanh pha xám, dài 2-2,5 cm. Cụm hoa [hình 5] xim 2 ngả tụ thành chùm, mọc ở nách lá hay ngọn cành [hình 6]; cuống cụm hoa hình trụ dài 10-12 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Hoa [hình 7] đều, lưỡng tính, mẫu 3. Lá bắc và lá bắc con [hình 8] dạng vẩy tam giác màu xanh, có nhiều lông mịn, rụng sớm; lá bắc dài 1-2 mm, lá bắc con dài 0,4-0,6 mm. Cuống hoa hình trụ dài 0,3-0,4 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Bao hoa [hình 9] 6 phiến hình bầu dục hơi nhọn ở đầu, màu vàng xanh, đều, rời, có nhiều lông mịn, dài 0,2-0,3 cm, rộng 0,2-0,3 cm, xếp xen kẽ nhau trên 2 vòng, tiền khai van. Bộ nhị 4 vòng xếp xen kẽ nhau, mỗi vòng 3 nhị dài 1,2-2 mm rộng 0,4-0,5 mm, vòng trong cùng nhị lép; 3 vòng nhị ngoài chỉ nhị hình bản gốc có nhiều lông mịn, 4 ô phấn hình bầu dục dài xếp chồng lên nhau, mở bằng nắp bật lên, 2 vòng nhị ngoài hướng trong; riêng vòng nhị thứ 3 [hình 10] đáy chỉ nhị có 2 tuyến nhỏ hình khối màu vàng, bao phấn hướng ngoài; vòng nhị lép [hình 11] chỉ nhị hình bản dài 0,4-0,5 mm, rộng 0,3-0,4 mm, phía trên là khối màu vàng hình mũi tên dài 0,4-0,5 mm. Hạt phấn [hình 12] hình cầu đường kính 25-35 µm, nhẵn. Lá noãn 1, bầu giữa 1 ô [hình 13], 1 noãn đính nóc [hình 14]; bầu màu xanh, hình bầu dục dài 0,9-1 mm, nằm tự do trong đế hoa lõm hình chén; vòi nhụy hình trụ dài 1,5-2 mm, đính ở đỉnh bầu, đầu nhụy dạng điểm màu nâu. Quả [hình 15] hình cầu đường kính 2-3 mm, màu xanh, nằm trên 1 đấu nguyên.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 16]
Vi phẫu tiết diện gần tròn, vùng vỏ chiếm 1/3 bán kính vi phẫu. Các mô [hình 17] gồm: Biểu bì [hình 18] 1 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, hóa mô cứng, lớp cutin rất dày, rải rác có lông che chở đơn bào ngắn. Mô mềm đạo 1-2 lớp tế bào hình bầu dục, xếp lộn xộn. Mô dày góc 7-8 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp thành nhiều cụm dưới mô mềm. Tế bào [hình 19] hóa mô cứng hoàn toàn hay chỉ ở vách bên và vách trong (dạng hình chữ U) có rải rác trong mô mềm và mô dày. Mô mềm đạo, 4-5 lớp tế bào hình bầu dục. Trụ bì [hình 20] gồm cụm tế bào mô cứng xếp xen kẽ cụm sợi thành vòng uốn lượn gần liên tục; tế bào mô cứng gồm 1-2 lớp tế bào kích thước to, vách hóa mô cứng hoàn toàn hay chỉ ở vách bên và vách trong, ống trao đổi rõ; sợi 7-8 lớp, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách dày. Hệ thống dẫn kiểu hậu thể liên tục. Libe [hình 21] 1 tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn thành cụm, thường xếp dưới cụm trụ bì hóa sợi; libe 2 tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, 3-4 lớp tế bào sát gỗ xếp xuyên tâm, các lớp trên xếp lộn xộn; tia libe nối tiếp tia gỗ, hơi nở rộng phía trên. Mạch gỗ 2 [hình 22] tế bào hình đa giác, kích thước lớn và không đều, phân bố đều trong mô mềm gỗ 2; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, vách tẩm chất gỗ, rải rác có vài tế bào hóa sợi; tia tủy 1-2 dãy, tế bào hình đa giác thuôn dài, bề mặt thường có lỗ. Gỗ 1 [hình 23] gồm nhiều bó, mỗi bó gồm 1-2 mạch, tế bào hình đa giác hoặc tròn, kích thước nhỏ, phân bố đều quanh tủy; mô mềm gỗ 1 tế bào hình đa giác nhỏ, vách tẩm chất gỗ. Mô mềm tủy [hình 24] đạo, tế bào hình đa giác góc tròn, hóa mô cứng, vách dày, nhiều tế bào bề mặt có lỗ. Tế bào tiết [hình 25] tinh dầu hình đa giác kích thước to, tế bào tiết chất nhày và túi tiết [hình 26] tiêu bào, tinh thể calci oxalat hình kim nhiều trong vùng vỏ và libe.
[hình 27]
Gân chính
Vi phẫu phẳng mặt trên, lồi tròn mặt dưới. Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hóa mô cứng, lớp cutin rất dày, rải rác có lông che chở đơn bào ngắn. Mô cứng [hình 28] tế bào hình tròn hoặc đa giác, xếp thành cụm dưới biểu bì trên. Mô mềm đạo 3-6 lớp tế bào hình bầu dục, vách dày uốn lượn. Hệ thống dẫn [hình 29] gồm 3 cung xếp sát nhau, mỗi cung gồm libe ở dưới, gỗ ở trên. Mạch gỗ hình đa giác xếp thành dãy; mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, hóa mô cứng. Libe tế bào hình đa giác, vách mỏng uốn lượn. Gỗ được bao bởi cung gồm 4-5 lớp tế bào hóa sợi [hình 30], hình đa giác, vách dày; libe được bao bởi vòng trụ bì uốn lượn gần liên tục gồm đám tế bào mô cứng xen kẽ đám sợi tương tự như trụ bì ở thân. Mô mềm đạo dưới 2-3 lớp tế bào hình đa giác. Mô dày góc dưới, 7-8 lớp, tế bào hình bầu dục, rải rác có tế bào hóa mô cứng xếp thành cụm hay riêng lẻ. Tinh thể [hình 31] calci oxalat hình kim, tế bào tiết hình đa giác kích thước lớn có nhiều trong vùng vỏ và libe; tế bào tiết chất nhày, túi tiết [hình 32] tiêu bào nhiều trong vùng vỏ; tế bào chứa tinh bột [hình 33] có trong vùng mô mềm.
Phiến lá [hình 34]
Biểu bì trên giống biểu bì dưới, lớp tế bào hình chữ nhật, hóa mô cứng, vách rất dày, lớp cutin rất dày. Mô mềm giậu [hình 35] 2-3 lớp, tế bào hình đa giác thuôn chứa nhiều lục lạp, dưới mỗi tế bào biểu bì có 1-2 tế bào mô giậu. Mô mềm khuyết 2-3 lớp, tế bào hình cầu hoặc đa giác, chứa nhiều calci oxalat hình kim. Tế bào tiết tinh dầu hình đa giác kích thước to, tế bào tiết chất nhày và túi tiết tiêu bào có nhiều trong vùng thịt lá.
Cuống lá [hình 36]
Vi phẫu gần tròn hơi khuyết mặt trên. Biểu bì [hình 37] 1 lớp tế bào hình chữ nhật, có lớp cutin rất dày, và lông che chở đơn bào ngắn. Mô mềm đạo, 1-3 lớp, tế bào hình đa giác vách dày. Mô dày góc 18-20 lớp, tế bào hình đa giác, vách rất dày. Mô mềm đạo 5-6 lớp, tế bào hình bầu dục, kích thước lớn gấp 2 lần mô dày. Bó dẫn [hình 38] gồm gỗ ở trên libe ở dưới xếp thành 1 cung ở giữa giống gân chính của lá. Tia tủy 1-2 dãy tế bào. Mô dày góc tế bào hình đa giác, xếp thành cụm trên libe. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 39] rất nhiều trong tia libe và vùng vỏ. Tế bào tiết [hình 40] tinh dầu hình đa giác kích thước lớn, tế bào tiết chất nhày có nhiều trong vùng vỏ và vùng libe. Túi tiết tiêu bào có nhiều trong vùng vỏ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ thân màu nâu, mùi thơm, vị cay sau ngọt, gồm các thành phần sau:
Mảnh bần [hình 41] màu vàng nâu, nhiều tế bào hình chữ nhật vách dày, xếp xuyên tâm. Sợi [hình 42] nhiều, vách dày, khoang hẹp. Tế bào mô cứng [hình 43] riêng lẻ hoặc tập trung thành đám, gồm 2 loại: tế bào hình chữ nhật vách dày đều ống trao đổi rõ và tế bào có vách dày theo hình chữ U, ống trao đổi rõ, khoang rộng. Mảnh mô mềm [hình 44] tế bào hình đa giác góc tròn, có vài tế bào chứa hạt tinh bột. Hạt tinh bột [hình 45] hình cầu đường kính 7,5-10 µm, đứng riêng hay tập trung thành đám, tễ phân nhánh. Tinh thể calci oxalat hình kim [hình 46] nhiều.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cinnamomum là chi lớn gồm khoảng 270 loài, hầu hết là cây gỗ, phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Ấn Độ có 20 loài, Trung Quốc có 12 loài, Việt Nam 40 loài. Mùa hoa vào tháng 4 -7, mùa quả tháng 10 - 12. Cây gỗ ưa sáng và chịu bóng, ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ trung bình năm cho cây sinh trưởng và phát triển mạnh là 22-33 OC; độ ẩm không khí trung bình khoảng 80%; lượng mưa hàng năm khoảng 1600 mm hoặc hơn. Cây mọc được trên nhiều loại đất ẩm, nhiều mùn và tơi xốp, pH 4,5-5,5. Quế có bộ rễ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất.

Bộ phận dùng: 

Vỏ thân, vỏ cành non được phơi hoặc sấy khô (Cortex Cinnamomi cassiae).

Thành phần hóa học: 

Vỏ chứa tinh dầu 1-2%, tanin, chất nhựa, đường, calci oxalat, chất nhày và coumarin. Tinh dầu quế chứa aldehyd cinnamic 75-90%, salicyaldehyd, methylsalicyaldehyd, methyleugenol, eugenol…

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tinh dầu quế chứa cinnamaldehyd là thành phần chủ yếu có tác dụng diệt khuẩn in vitro đối với một số vi khuẩn ở độ pha loãng cao. Tác dụng kháng khuẩn đối với các giống vi khuẩn khác nhau, theo thứ tự hoạt tính giảm dần: Salmonella typhi, tụ cầu vàng, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis, Candida albicans, Shigella flexneri, Sh. Dysenteriae, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn lao, phế cầu khuẩn. Tác dụng mạnh đối với phẩy khuẩn tả Eltor, Inaba và Ogawa là 2/10000.
Quế được dùng làm thuốc cấp cứu bệnh do hàn như chân tay lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hóa kém, tiêu chảy, tả lỵ, thủng do tiểu tiện bất lợi, kinh bế, rắn cắn, ung thư.
- Kiêng kỵ: những người âm hư, dương thịnh và phụ nữ thai nghén không nên dùng.

Hình đính kèm
Cây gỗ
thân già
mọc cách
Phiến lá
Cụm hoa
nách lá hay ngọn cành
Hoa
lá bắc con
Bao hoa
vòng nhị thứ 3
vòng nhị lép
Hạt phấn
bầu giữa 1 ô
đính nóc
Quả
Thân
Các mô
Biểu bì
Tế bào
Trụ bì
Libe
gỗ 2
Gỗ 1
Mô mềm tủy
Tế bào tiết
túi tiết
Lá
Mô cứng
Hệ thống dẫn
sợi
Tinh thể
túi tiết
tinh bột
Phiến  lá
Mô mềm giậu
Cuống lá
Biểu bì
Bó dẫn
calci oxalat hình kim
Tế bào tiết
Mảnh bần
Tế bào mô cứng
Mảnh mô mềm
Hạt tinh bột
calci oxalat hình kim