Họ Nhót (Elaeagnaceae)

Chi Elaeagnus

Loài Elaeagnus latifolia L. (Cây Nhót)

Tên
Tên khác: 

Hồ Đồi Tử, Bất Xá, Lót (Tày).

Tên khoa học: 

Elaeagnus latifolia L.

Tên đồng nghĩa: 

Elaeagnus conferta Roxb.

Họ: 

Nhót (Elaeagnaceae)

Tên nước ngoài: 

Bastard oleaster, Latiphylle olive, Olivier de Boheme, Latiphyllous oleaster, Platiphyllous olive (Anh).

Mẫu thu hái tại: 

huyện Eakar - Tỉnh ĐăkLăk, ngày 22/04/2010.

Số hiệu mẫu: 

NH220410 được lưu tại Bộ môn Thực Vật- Khoa Dược. Được so với mẫu số: 349 bis của Viện Sinh Học Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh.

Cây bụi trườn [hình 1] cao 3-4 m, tỏa rộng 5-6 m, nhánh có thể vươn xa tới 2-3 m; tiết diện tròn màu xám bạc có đốm vàng sét. Thân có nhiều gai [hình 2] nhọn dài 3-5 cm, đầu gai có thể chia nhánh hoặc không, có nhiều lông che chở hình khiên [hình 3] đường kính 0,1-0,3 mm màu trắng bạc hoặc vàng sét. đơn mọc so le [hình 4], phiến lá [hình 5] nguyên hình bầu dục, ngọn lá hình mũi nhọn, gốc lá thuôn đều, dài 10-16 cm, rộng 5-8 cm, mặt trên lá màu xanh đậm có những đốm trắng bạc hoặc vàng sét nhiều ở các gân lá ở lá non, ở các lá già nhẵn bóng, mặt dưới màu trắng bạc rải rác những đốm nhỏ vàng sét; gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, 5-6 cặp gân phụ không đối xứng cong ở ngọn. Cuống lá có rãnh, dài 1-1,5 cm, màu bạc có đốm vàng sét. Màu trắng bạc hay vàng sét ở cuống lá và lá là do lông hình khiên tạo nên. Không có lá kèm. Cụm hoa gié ngắn mọc ở nách lá. Hoa [hình 6] mẫu 4, vô cánh, đều, lưỡng tính, màu vàng chanh. Cuống hoa dài 1-1,2 mm, màu vàng chanh. Lá bắc hình bầu dục thuôn hơi cong vào trong, dài 2-3 mm, mặt trong có rãnh nông, màu xám bạc, có nhiều lông hình khiên, tồn tại lâu. Đài hoa [hình 7] dính nhau thành ống hơi loe ở trên, dài 0,5-0,6 cm, phía trên chia 4 phiến [hình 8] hình bầu dục đầu nhọn, dài 0,2-0,25 cm, rộng 0,15-0,2 cm màu vàng chanh, có lông che chở hình khiên ở 2 mặt. Bộ nhị [hình 9]: 4 nhị, đều, đính trên miệng ống đài xen kẽ các lá đài; chỉ nhị dạng bản mỏng thẳng to ở dưới thuôn hẹp ở trên, dài 0,1-0,15 cm, màu vàng chanh, không lông; bao phấn 2 ô hình hạt đậu màu nâu, mở dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn [hình 10] rời, hình cầu có 1 rãnh dọc, màu trắng, đường kính 25-27,5 µm. Bộ nhụy: 1 lá noãn, bầu dưới [hình 11] 1 ô, chứa 1 noãn [hình 12], đính gốc [hình 13], mặt ngoài có nhiều lông che chở hình khiên, đường kính 0,2-0,25 cm; 1 vòi nhụy [hình 14] màu trắng, có nhiều lông nhỏ ở gốc, hình trụ to ở gốc thuôn dần ở đỉnh, dài 0,25-0,3 cm; đầu nhụy cong nhọn.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ
Vi phẫu rễ [hình 15] tiết diện tròn. Các mô [hình 16] gồm: Bần 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, kích thước đều; lục bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, xếp thành xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ [hình 17] 6-7 lớp tế bào thuôn dài nằm ngang, kích thước to không đều, vách mỏng. Libe 2 tạo thành chùy, các chùy libe [hình 18] có kích thước không đều, có những chùy ăn sâu vào phần gỗ do tượng tầng uốn lượn; libe tế bào hình đa giác hoặc hình chữ nhật, nhiều tế bào hình đa giác hóa mô cứng trong libe. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 19]; mạch gỗ 2 nhiều, hình tròn hay bầu dục, kích thước không đều, phân bố dày đặc trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào đa giác, kích thước nhỏ không đều. Tia tủy hẹp ở vùng gỗ loe rộng ở vùng libe.
Thân
Vi phẫu thân [hình 20] tiết diện gần tròn. Các mô [hình 21] gồm: Biểu bì tế bào hình chữ nhật kích thước đều, cutin mỏng, lông che chở hình khiên [hình 22] chân gồm 7-8 tế bào hóa mô cứng. Mô mềm vỏ [hình 23] nhiều lớp tế bào đa giác hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều, các lớp trong cùng tế bào vách uốn lượn hoặc bị ép dẹt. Trụ bì hóa sợi [hình 24] rất nhiều tạo thành vòng gần như liên tục, tế bào mô cứng [hình 25] hình đa giác kích thước không đều. Libe 1 vách uốn lượn xếp thành từng cụm, kích thước cụm libe 1 không đều. Libe [hình 26] 2 liên tục nhiều lớp tế bào đa giác, kích thước không đều, vách uốn lượn. Gỗ 2 [hình 27] liên tục; mạch gỗ hình đa giác tròn, kích thước không đều, phân bố rải rác trong vùng mô mềm gỗ; mô mềm gỗ tế bào nhỏ vách rất dày khoang hẹp. Gỗ 1 xếp thành cụm, mạch gỗ hình đa giác tròn nằm vùng mô mềm gỗ vách celluose. Tia tủy hẹp thường 1 dãy tế bào. Mô mềm tủy [hình 28] hóa tế bào đa giác vách mỏng hóa gỗ, nhiều tế bào thấy rõ lỗ. Tinh thể calci oxalat hình kim ngắn nằm rải rác trong vùng mô mềm vỏ.
Cuống lá [hình 29]
Vi phẫu lõm ở mặt trên lồi tròn ở mặt dưới. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước đều, cutin mỏng, nhiều lông che chở đa bào hình khiên cấu trúc giống lông trên thân. Mô mềm vỏ đạo, nhiều chiếm 2/3 vi phẫu, tế bào hình bầu dục hay đa giác kích thước không đều. Bó dẫn [hình 30] xếp thành vòng hình tim, libe ở ngoài gỗ ở trong. Libe tế bào đa giác kích thước nhỏ xếp thành từng cụm, giữa các cụm libe có một số tế bào mô mềm hình tròn to. Mạch gỗ hình đa giác tròn, kích thước không đều, xếp thành dãy 5-8 mạch xen kẽ mô mềm gỗ. Mô mềm tủy hẹp. Tinh thể calci oxalat hình kim nằm rải rác trong mô mềm vỏ.
[hình 31]
Gân giữa: Vi phẫu 2 mặt lồi, mặt trên lồi ít hơn mặt dưới. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước đều nhau, cutin mỏng. Lông che chở đa bào hình khiên cấu trúc tương tự như lông ở thân có rất nhiều ở biểu bì dưới, không có hoặc rất ít ở biểu bì trên. Trên biểu bì dưới có 1-2 lớp mô dày, tế bào đa giác, kích đều. Mô mềm vỏ [hình 32] đạo nhiều lớp tế bào đa giác tròn, kích thước không đều. Mô dẫn [hình 33] xếp thành vòng hình tim, cấu trúc tương tự bó dẫn của cuống lá. Mô mềm tủy đạo tế bào đa giác tròn, kích thước không đều.
Phiến lá [hình 34]: Biểu bì tế bào hình chữ nhật, tế bào biểu bì trên kích thước lớn hơn tế bào biểu bì dưới, cutin mỏng, lông che chở ít ở mặt trên nhiều ở mặt dưới có cấu trúc tương tự với lông ở thân, nhiều lỗ khí ở mặt dưới. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài, kích thước đều, xếp xít nhau. Mô mềm khuyết 8-10 lớp tế bào đa giác tròn, kích thước không đều, xếp tạo khuyết to. Tinh thể calci oxalat hình kim nhiều trong mô mềm giậu và rải rác trong mô mềm khuyết. Bó libe gỗ phụ nằm rải rác với gỗ ở trên và libe ở dưới.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột rễ có màu vàng nâu nhạt, thể chất xốp, không mùi, không vị gồm các thành phần sau: Mảnh mô mềm [hình 35] tế bào hình bầu dục kích thước không đều. Nhiều tế bào mô cứng [hình 36] có vách dày hay mỏng thấy rõ ống trao đổi. Sợi [hình 37] thuôn dài với 2 đầu nhọn, khoang rộng vách mỏng, riêng lẻ hoặc xếp thành bó [hình 38]. Nhiều mảnh mạch [hình 39] điểm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Trên thế giới có khoảng 20 loài thuộc chi Elaeagnus. Ở Việt Nam có 4-5 loài. Cây được trồng ở một số nước nhiệt đới khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, đảo Hải Nam – Trung Quốc.
Nhót rụng lá hàng năm, cây mọc chồi mới vào đầu mùa xuân, có hoa và có quả trong cuối mùa xuân, cây nhót ưa sáng.
Mùa hoa: tháng 3-4, mùa quả: tháng 4-5

Bộ phận dùng: 

Quả, lá, rễ và hoa (Fructus, Folium, Radix et Flos Elaeagani latifoliae).

Thành phần hóa học: 

Chứa nước 92%, protid 1,25%, acid hữu cơ 2%, carbohydrat 2,1 %, cellulose 2,3%, Ca 27 mg%, P 30 mg%, Fe 0,2 mg%. Lá chứa tanin, saponin, polyphenol.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chế phẩm lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn G(-), G(+) như Shigela, Shigea. Trên động vật, ức chế quá trình viêm cấp tính mãn tính. Tăng cường sức co bóp của tử cung.
Công dụng
Dùng quả nhót để ăn tươi hoặc nấu canh chua.
Lá, quả dùng để chữa lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy.
Rễ nhót chữa thổ huyết, đau họng, ngày dùng 30 g sắc uống.
Rễ nhót nấu nước tắm trị mụn nhọt.
Đơn thuốc chữa tiêu chảy và đi lỵ mãn tính: Quả nhót 5-7 quả, sắc uống hoặc dùng rễ nhót 40 g và 20 g rễ cây mơ sắc uống.

Hình đính kèm
Cây bụi trườn
gai
lông che chở hình khiên
so le
phiến lá
Hoa
Đài hoa
4 phiến
Bộ nhị
Hạt phấn
bầu dưới
1 noãn
đính gốc
vòi nhụy
Vi phẫu rễ
Các mô
Mô mềm vỏ
chùy libe
Gỗ 2 chiếm tâm
Vi phẫu thân
Các mô
lông che chở hình khiên
Mô mềm vỏ
Trụ bì hóa sợi
tế bào mô cứng
Libe
Gỗ 2
Mô mềm tủy
Cuống lá
Bó dẫn
Lá
Mô mềm vỏ
Mô dẫn
Phiến lá
Mảnh mô mềm
mô cứng
Sợi
thành bó
mảnh mạch