Chi Pluchea

Loài P. indica (L.) Less. (Cây Cúc Tần)

Tên
Tên khác: 

Từ bi, Lức, Phật phà, Vật và (Tày)

Tên khoa học: 

Pluchea indica (L.) Less.

Tên đồng nghĩa: 

Baccharis indica L.

Họ: 

Cúc (Asteraceae)

Mẫu thu hái tại: 

huyện Lạc Lâm tỉnh Lâm Đồng ngày 31 tháng 05 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

CT 310510; được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.

Cây bụi [hình 1] cao 1-3 m, phân nhánh, tiết diện thân tròn, toàn cây có nhiều lông thô nhám và có mùi rất thơm. Thân non màu xanh; thân già màu nâu tía. Lá [hình 2] đơn, mọc cách. Phiến lá hơi dòn dai, hình bầu dục đầu nhọn, đáy phiến men dần xuống cuống, màu xanh lục hơi xám và thô nhám, hai mặt lá gần giống nhau, mép lá có răng cưa nhọn khá cạn và không đều, kích thước 4-9,5 x 2,5-4,5 cm, lá ở cành mang hoa [hình 3] có kích thước khoảng 2-5 x 1-2 cm. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, 6-9 cặp gân phụ. Cuống lá ngắn khoảng 0,3-0,5 cm hoặc gần như không có, hình trụ hơi dẹt ở hai mặt, màu xanh nhạt, có nhiều lông. Cụm hoa [hình 4] đầu hợp thành dạng ngù ở ngọn cành, chiều dài cụm hoa 5-15 cm. Đầu hình trứng khi là nụ [hình 5], khi hoa nở hình chuông hơi thắt ở giữa, kích thước 0,5-0,6 x 0,3-0,4 cm; cuống ngắn 0,5-1 cm, lá bắc của đầu [hình 6] dạng vảy nạc nhỏ; tổng bao [hình 7] lá bắc 6-8 hàng xếp kết lợp, vòng trong dài hơn vòng ngoài, màu xanh hơi vàng nâu ở rìa, dạng hình bầu dục hơi khum úp vào trong mặt ngoài nhiều lông trắng nhỏ ở 3-4 vòng ngoài đến dạng dải hẹp thẳng và nhẵn ở 3-4 vòng trong, kích thước 1,5-5 x 0,5-2 mm, thường tồn tại; đế cụm hoa phẳng hơi lõm ở giữa, lỗ tổ ong. Đầu mang hoa hình ống có hai loại hoa [hình 8]: hoa cái rất nhiều xếp trên 4-5 vòng ở ngoài, hoa lưỡng tính 6-10 hoa ở trong. Hoa cái: màu trắng hơi hồng; đài hoa là một chùm lông mào màu trắng bẩn, dài 0,4-0,5 cm, có gai nạc; tràng hoa dính nhau bên dưới thành một ống rất hẹp, dài 0,4-0,5 mm, trên chia làm 2-5 răng tam giác, tiền khai van; lá noãn 2 ở vị trí trước sau tạo thành bầu dưới 1 ô đựng 1 noãn đính đáy; bầu có màu trắng xanh, hình trụ dài khoảng 1 mm, hơi cong ở những hoa ngoài cùng, gốc có khoen đính, mặt ngoài có gờ dọc, ít lông ngắn màu trắng; vòi nhụy [hình 9] màu trắng hồng dạng sợi dài khoảng 0,4 mm, nhẵn; đĩa mật không rõ ở gốc vòi nhụy; 2 đầu nhụy màu trắng ngà, dạng sợi, thò choãi hướng trước sau, lấm tấm gai nạc ngắn. Hoa lưỡng tính: màu hồng nhạt, đài hoa giống hoa bìa; tràng hoa [hình 10] dính nhau bên dưới thành một ống dài khoảng 0,5 cm, hơi thắt ở dưới, phía trên loe, tận cùng chia 5 phiến đều hình bầu dục đỉnh nhọn, có ít lông tiết ngắn, tiền khai van; nhị 5, đều, chỉ nhị màu hồng nhạt, rời, dạng sợi dài khoảng 0,3 cm, đính ở gần gốc [hình 11] ống tràng xen kẽ cánh hoa, bao phấn [hình 12] màu hồng dính nhau thành ống dài khoảng 0,2 cm bao lấy vòi nhụy, 2 buồng, nứt dọc, hướng trong, chung đới dạng phiến bầu dục đỉnh nhọn, gốc có tai tam giác nhọn; hạt phấn [hình 13] màu trắng, hình bầu dục gần cầu, có gai, đường kính 25-30 x 17,5-27,5 µm; bầu giống hoa cái, kích thước ngắn và to hơn; vòi nhụy màu hồng nhạt đậm dần ở trên, dạng sợi, dài 0,4-0,5 cm, có gai nạc ở gần đầu nhụy, đĩa mật rõ quanh gốc vòi; 2 đầu nhụy màu hồng nhạt, dạng máng hẹp. Quả [hình 14] bế màu nâu nhạt, hình trụ khoảng 1 mm, có túm lông mào của đài tồn tại, mặt ngoài vỏ quả có dọc lồi, có lông ngắn và tuyến rất nhỏ.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Hoa bìa

Hoa giữa

Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 15]:
Vi phẫu thân non hình đa giác, thân già hình gần tròn. Các mô [hình 16] gồm: Biểu bì một lớp tế bào hình chữ nhật hay gần tròn, kích thước nhỏ, gần đều, lớp cutin có răng cưa cạn. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí [hình 17], nhiều lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở [hình 18] đa bào phía trên một dãy 2-5 tế bào dài và dẹp có vách rất mỏng, gần gốc có nhiều tế bào ngắn xếp trên 1-3 hàng, dễ gãy rụng. Lông tiết chân ngắn 1-2 tế bào, đầu hình bầu dục gồm 2-3 hàng tế bào, lớp cutin phù to thành mũ chụp. Ở thân già, tầng bì sinh [hình 19] ngay dưới lớp biểu bì, sinh bần ở ngoài, lục bì bên trong, tế bào hình chữ nhật vách hơi uốn lượn, xếp xuyên tâm. Mô dày góc gần liên tục, 2-5 lớp tế bào hình đa giác, không đều. Mô mềm vỏ khuyết 6-7 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang hay đa giác, không đều. Nội bì [hình 20] khung Caspary. Trụ bì [hình 21] hóa mô cứng thành cụm trên các bó libe [hình 22], tế bào hình đa giác không đều, vách dày có ống trao đổi rõ, một số hóa sợi có khoang hẹp. Libe gỗ 2 gián đoạn tạo các bó kích thước không đều. Gỗ 2 nhiều hơn libe 2. Libe 1 từng cụm, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, không đều, xếp lộn xộn dưới cụm trụ bì hóa mô cứng. Libe 2 tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, xếp xuyên tâm, một số tế bào hóa mô cứng. Gỗ 2 [hình 23]: mạch gỗ hình đa giác, không đều, xếp lộn xộn; tế bào mô mềm gỗ hình đa giác hoặc chữ nhật, kích thước nhỏ, vách dày tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 24] tập trung thành nhiều cụm, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn; mô mềm quanh gỗ 1 gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác vách cellulose. Mô cứng nhiều lớp tế bào đa giác bao quanh gỗ 1. Tia tủy gồm nhiều dãy tế bào hình chữ nhật dài. Khoảng gian bó tế bào có vách tẩm chất gỗ ở vùng gỗ. Mô mềm tủy [hình 25] đạo chiếm một vùng rộng, tế bào hình tròn hoặc gần tròn, không đều, tế bào ở gần vùng gỗ vách hóa gỗ mỏng và có nhiều lỗ. Tế bào tiết [hình 26] tinh dầu rải rác trong mô mềm vỏ, ống tiết [hình 27] ly bào nằm riêng lẻ hay thành nhóm 2-4 ngay sát nội bì. Tinh bột [hình 28] rải rác trong mô mềm vỏ, nội bì và tia libe, hạt nhỏ hình tròn dẹp.
Cuống lá [hình 29]:
Vi phẫu mặt trên phẳng hoặc hơi lõm, cong lồi ở mặt dưới. Biểu bì tế bào hình vuông hay chữ nhật không đều, lớp cutin răng cưa. Ở cả hai biểu bì có lỗ khí [hình 30], lông che chở đa bào và lông tiết [hình 31] đa bào như ở thân. Mô dày góc 1-4 lớp không liên tục dưới biểu bì trên, 1-3 lớp trên biểu bì dưới, tế bào đa giác, không đều. Mô mềm khuyết chứa lục lạp ở sát dưới mô dày trên và hai bên biểu bì dưới, 2-4 lớp tế bào nhỏ hình gần tròn, không đều, xếp chừa khuyết vừa. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô dẫn: gỗ trên libe, 5-7 bó chính [hình 32] gần như xếp trên một hàng ngang và 2-4 bó phụ nhỏ hơn ở 2 bên phía trên; libe tế bào nhỏ, hình đa giác, xếp lộn xộn thành từng đám xen kẽ các tế bào mô mềm đa giác vách dày cellulose. Mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn, mỗi bó lớn có 3-8 dãy gỗ, mỗi dãy 2-7 mạch không đều, xen kẽ với 1-2 dãy mô mềm. Mô dày góc 3-10 lớp tế bào hình đa giác dưới libe, hóa mô cứng dần; trên gỗ là 1-4 lớp tế bào mô cứng hình đa giác. Túi tiết [hình 33] ly bào thường ở cạnh bó libe gỗ.
Gân giữa [hình 34]:
Mặt trên hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì trên tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều, lớp cutin răng cưa. Biểu bì dưới tế bào có kích thước nhỏ hơn hay gần bằng biểu bì trên. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, nhiều lông che chở [hình 35] đa bào và lông tiết [hình 36] đa bào như ở thân. Mô dày góc 3-5 lớp tế bào dưới biểu bì trên, 1-4 lớp tế bào trên biểu bì dưới [hình 37], tế bào hình đa giác kích thước không đều. Mô mềm khuyết ở hai bên, cạnh lớp mô dày trên và dưới, ít tế bào hình đa giác hay gần tròn, vách hơi lượn xếp chừa khuyết vừa, chứa lục lạp. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn phân bố gỗ trên libe, gồm 3-4 bó lớn [hình 38] ở giữa và 1-2 bó nhỏ ở hai bên phía trên. Cấu trúc của bó libe và gỗ tương tự như bó của cuống lá nhưng nhỏ hơn. Túi tiết [hình 39] ly bào thường ở cạnh bó libe-gỗ.
Phiến lá [hình 40]:
Biểu bì trên tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều. Biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn biểu bì trên. Ở cả hai biểu bì có lỗ khí, nhiều lông che chở đa bào bị gãy rụng và lông tiết đa bào như ở thân. Mô mềm giậu [hình 41] 1 lớp dưới biểu bì trên và 1 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình chữ nhật, kích thước bằng hoặc dài hơn tế bào biểu bì. Đi vào gân giữa nối tiếp với mô mềm giậu là mô mềm khuyết chứa lục lạp ăn sâu vào gân giữa, 2-5 lớp tế bào đa giác vách hơi uốn lượn, kích thước không đều. Mô mềm khuyết gồm 4-6 lớp tế bào đa giác, kích thước gần đều, chứa lục lạp, chừa khuyết không đều, lớp sát biểu bì dưới tế bào hình chữ nhật hay đa giác dài có vách lượn xếp gần thẳng góc với biểu bì dưới. Bó gân phụ [hình 42] nằm rải rác gồm gỗ ở trên, libe ở dưới.
Rễ [hình 43]:
Vi phẫu hình tròn. Các mô [hình 44] gồm: Vết tích tầng lông hút còn thấy một vài lông hút [hình 45]. Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, bong tróc. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật vách hơi lượn, xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào hình bầu dục nằm ngang hoặc đa giác, kích thước lớn, không đều, vách mỏng, chừa khuyết rộng. Nội bì [hình 46] khung Caspary. Trụ bì 1-2 lớp tế bào to, không đều, vách cellulose. Mô mềm đạo dưới trụ bì tế bào đa giác hoặc gần tròn. Tia tủy rộng [hình 47] gồm 2-5 dãy tế bào hình đa giác xếp theo hướng xuyên tâm. Libe 1 ít, tế bào hình đa giác, kích thước rất nhỏ, xếp lộn xộn, phía trên libe 2. Libe 2 tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp tạo thành nhiều chùy không đều, nhiều tế bào hóa mô cứng hay vách cellulose dày xếp riêng rẽ hoặc tụ thành đám xen kẽ với mô mềm libe. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ 2 hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ, không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác, vách tẩm chất gỗ hay còn cellulose. Gỗ 1 [hình 48] mạch nhỏ hình đa giác gần tròn, xếp 4-5 bó hướng tâm dưới chân tia tủy, mỗi bó 3-5 mạch. Ống tiết ly bào nằm sát hoặc trên nội bì ở vị trí các chùy libe, riêng lẻ hay tập họp 2-6 ống. Tế bào tiết [hình 49] rải rác trong mô mềm vỏ, tia libe và nội bì. Tinh bột [hình 50] ít, rải rác trong tế bào tia libe và nội bì, hạt nhỏ hình tròn dẹp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

: Bột lá màu xanh thẫm, mùi thơm, vị the cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 51] có lỗ khí và vết chân lông che chở. Mảnh mô dày [hình 52]. Lông che chở đa bào [hình 53] nhiều, bị gãy. Lông tiết [hình 54] đa bào nhiều dãy tế bào có lớp cutin phù thành mũ chụp, thường bị gãy vỡ hoặc teo thắt, chứa tinh dầu màu vàng chiết quang. Mảnh mô mềm giậu [hình 55]. Mảnh mạch vạch [hình 56], mạch điểm [hình 57], mạch xoắn [hình 58].
Rễ: Bột rễ màu vàng nâu. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần [hình 59] màu nâu, tế bào đa giác vách dày. Mảnh mô mềm [hình 60]. Mảnh mô mềm có ống tiết, chất tiết [hình 61] màu vàng nâu. Mảnh mạch vạch [hình 62], mạch mạng, mạch điểm [hình 63]. Sợi [hình 64].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cúc tần phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Malaysia, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây có ở khắp nơi, trừ vùng núi cao trên 1300 m. Cúc tần được trồng chủ yếu làm bờ rào ruộng vườn và nương rẫy. Ở một vài nơi nó đã trở nên hoang dại hóa. Cây thường xanh, ưa sáng và có thể chịu hạn tốt. Mùa hoa quả: tháng 2-4.

Bộ phận dùng: 

Cành lá và rễ (Ramulus et Radix Pluchea indicae)

Thành phần hóa học: 

Cúc tần chứa acid clorogenic, protid, lipid, cellulose, caroten, vitamin C, các chất vô cơ. Lá chứa dẫn chất thiophen.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ.
Lá hoặc rễ cây Cúc tần được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức, gãy xương, bong gân, sưng đau. Còn có tác dụng giúp sự tiêu hóa, chữa lỵ, viêm họng, phù thũng, tiểu ít. Có khi dùng chữa sốt rét. Dùng dạng thuốc sắc, hoàn tán, nấu xông hoặc giã đắp ngoài.

Hình đính kèm
Cây bụi
Lá
cành mang hoa
Cụm hoa
nụ
lá bắc của đầu
tổng bao
hai loại hoa
vòi nhụy
tràng hoa
gần gốc
bao phấn
hạt phấn
Quả
Thân
Các mô
lỗ khí
Lông che chở
tầng bì sinh
Nội bì
Trụ bì
bó libe
Gỗ 2
Gỗ 1
Mô mềm tủy
Tế bào tiết
ống tiết
Tinh bột
Cuống lá
lỗ khí
lông tiết
bó chính
Túi tiết
Gân giữa
lông che chở
lông tiết
biểu bì dưới
bó lớn
Túi tiết
Phiến lá
Mô mềm giậu
Bó gân phụ
Rễ
Các mô
lông hút
Nội bì
Tia tủy rộng
Gỗ 1
Tế bào tiết
Tinh bột
Mảnh biểu bì
Mảnh mô dày
Lông che chở đa bào
Lông tiết
Mảnh mô mềm giậu
mạch vạch
mạch điểm
mạch xoắn
Mảnh bần
Mảnh mô mềm
chất tiết
mạch vạch
mạch điểm
Sợi

Loài P. pteropoda Hemsl. (Cây Nam Sài Hồ)

Tên
Tên khác: 

Sài hồ nam, Lức

Tên khoa học: 

Pluchea pteropoda Hemsl.

Họ: 

Cúc (Asteraceae)

Mẫu thu hái tại: 

Tầm Vu (Long An) ngày 03 tháng 05 năm 2010.

Số hiệu mẫu: 

NSH 030510.

Cây bụi [hình 1] cao 0,5-3 m, rất phân nhánh ở gốc, tiết diện thân tròn. Thân non màu xanh, có ít lông mịn; thân già màu xanh nâu hoặc hơi tía, nhẵn. Lá [hình 2] đơn, mọc cách, có mùi hơi hắc. Phiến lá dày, cứng dòn, hình bầu dục rộng ở 1/3 phía trên, đầu nhọn, đáy phiến men dần xuống cuống, màu xanh non gần giống nhau ở hai mặt, bìa lá [hình 3] có răng cưa nhọn hơi sâu và không đều, kích thước 4-7 x 2,5-5 cm, lá ở cành mang phát hoa có kích thước nhỏ hơn khoảng 2-4 x 1,5-3 cm, rất ít hoặc gần như không có lông. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 5-8 cặp gân phụ. Cuống lá ngắn khoảng 0,3 cm hoặc gần như không có, hình trụ hơi dẹt ở hai mặt, màu xanh nhạt, có ít lông. Cụm hoa [hình 4] đầu hợp thành dạng ngù ở ngọn cành; trục cụm hoa dài khoảng 7-15 cm có tiết diện đa giác. Đầu hình trứng khi là nụ, khi hoa nở có hình chuông hơi thắt ở giữa, kích thước 0,6-0,7 x 0,4-0,5 cm; cuống ngắn khoảng 0,5-1 cm trên có 1-3 vảy nạc nhỏ; tổng bao lá bắc 6-8 hàng xếp kết lợp; lá bắc [hình 5] của tổng bao có dạng hình bầu dục hơi khum úp vào trong, kích thước ở vòng trong dài và hẹp hơn vòng ngoài, màu xanh hơi vàng nâu ở rìa, mặt ngoài có nhiều lông trắng nhỏ, nhẵn dần ở các vòng trong; đế cụm hoa [hình 6] phẳng, khoảng 1,5 mm, lỗ tổ ong. Đầu [hình 7] mang hoa hình ống có hai loại hoa: hoa cái rất nhiều xếp trên 3-4 vòng ở ngoài, hoa lưỡng tính 4-6 hoa ở trong. Hoa cái [hình 8] màu trắng ngà; đài hoa là một chùm lông mào màu trắng bẩn có nhiều gai nạc, dài 0,3-0,5 cm; tràng hoa dính nhau bên dưới thành một ống rất hẹp, dài 0,4-0,5 mm, trên chia làm 3-5 răng tam giác, tiền khai van. Bộ nhuỵ [hình 9]: 2 lá noãn, vị trí trước sau, dính thành bầu dưới 1 ô đựng 1 noãn đính đáy; bầu màu trắng xanh có hình trụ dài khoảng 1 mm, hơi cong ở những hoa ngoài cùng, gốc có khoen đính, mặt ngoài có gờ dọc và ít lông ngắn màu trắng; vòi nhụy màu trắng hồng, nhẵn, dạng sợi dài khoảng 0,4 mm; đĩa mật ở gốc vòi nhụy; 2 đầu nhụy màu trắng ngà, dạng sợi, thò choãi hướng trước sau. Hoa lưỡng tính [hình 10]: màu tím nhạt, đài giống ở hoa bìa; tràng hoa dính nhau bên dưới thành một ống dài khoảng 0,4-0,5 cm, phía trên hơi loe, tận cùng chia 5 phiến đều hình bầu dục đỉnh nhọn, tiền khai van; nhị [hình 11] 5, đều, chỉ nhị màu tím hồng, rời, dài khoảng 0,3 cm, đính ở gần gốc ống tràng xen kẽ cánh hoa, bao phấn [hình 12] màu tím hồng dính nhau thành ống dài khoảng 2 mm bao lấy vòi nhụy, 2 buồng, nứt dọc, hướng trong, chung đới dạng phiến bầu dục đỉnh nhọn, gốc bao phấn có tai tam giác nhọn; hạt phấn [hình 13] màu trắng, hình bầu dục gần cầu, có gai, đường kính 25-30 x 17,5-27,5 µm; bầu giống ở hoa cái nhưng kích thước ngắn và to hơn; vòi nhụy dạng sợi màu hồng nhạt đậm dần ở đỉnh, dài 0,4-0,5 cm, có gai nạc ở gần đầu nhụy; đĩa mật quanh gốc vòi; 2 đầu nhụy màu hồng nhạt, dạng máng hẹp. Quả [hình 14] bế màu nâu nhạt, hình trụ khoảng 1 mm, có túm lông mào của đài tồn tại, mặt ngoài vỏ quả có sọc lồi dọc, có lông ngắn và tuyến rất nhỏ.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Hoa bìa:

Hoa giữa:

Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân:
Vi phẫu [hình 15] hình tròn. Ở thân non [hình 16], biểu bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác, kích thước nhỏ, không đều, lớp cutin [hình 17] mỏng có răng cưa cạn, rải rác có lỗ khí, ít lông che chở đa bào bị gãy rụng. Các mô [hình 18] ở thân già gồm: vài lớp bần [hình 19] có tế bào hình chữ nhật, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì và lục bì một vài lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm với bần. Mô dày góc không liên tục, 1-3 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều. Mô mềm vỏ khuyết nhiều lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều, chừa khuyết không đều. Nội bì [hình 20] đai Caspary tế bào hình đa giác, không đều. Trụ bì hóa mô cứng thành cụm trên các bó libe, tế bào hình đa giác không đều, vách dày. Libe gỗ 2 gián đoạn tạo các bó kích thước không đều. Gỗ 2 [hình 21] nhiều hơn libe 2. Libe 1 từng cụm, nhiều lớp tế bào đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn dưới cụm trụ bì hóa mô cứng. Libe 2 nhiều lớp tế bào hình chữ nhật hay đa giác, vách uốn lượn, xếp xuyên tâm, một số tế bào hóa mô cứng [hình 22]. Mạch gỗ 2 ít, hình tròn hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều, xếp lộn xộn, mô mềm gỗ 2 tế bào đa giác, không đều, xếp xuyên tâm, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 [hình 23] tập trung thành nhiều cụm, mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác gần tròn; mô mềm quanh gỗ vách cellulose hay một số tế bào vách tẩm chất gỗ; bên dưới gỗ 1 thường có cụm mô cứng. Tia tủy [hình 24] gồm nhiều dãy tế bào chữ nhật hay đa giác xếp thành dãy xuyên tâm. Khoảng gian bó rộng, tế bào vách tẩm chất gỗ ở vùng gỗ. Mô mềm tủy [hình 25]đạo tế bào đa giác hay tròn, không đều. Ống tiết [hình 26] ly bào kích thước không đều nằm ngay sát nội bì, riêng lẻ hay nhóm 2-4.
:
Cuống lá:
Vi phẫu [hình 27]mặt trên lồi hơi lõm ở giữa, mặt dưới lồi. Biểu bì trên gần giống biểu bì dưới, tế bào hình chữ nhật hay đa giác, kích thước nhỏ, gần đều, lớp cutin mỏng có răng cưa cạn. Trên biểu bì có lông che chở đa bào bị gãy rụng giống ở thân và lỗ khí [hình 28] có rải rác ở những đoạn bên dưới biểu bì là mô mềm có lục lạp. Mô dày góc [hình 29] không liên tục, 2-6 lớp tế bào phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới, tập trung nhiều ở giữa và gờ lồi ở hai bên, tế bào đa giác, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì, không đều. Sát biểu bì ở hai bên hoặc cách 1-2 lớp mô dày là mô mềm khuyết chứa lục lạp, 3-5 lớp tế bào đa giác hay tròn, không đều. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều. Hệ thống dẫn [hình 30] gồm nhiều bó kích thước không đều, gỗ ở trên libe; mạch gỗ nhỏ, không đều, mỗi bó ở giữa có 3-8 dãy gỗ, mỗi dãy 2-6 mạch xen kẽ với 1-2 dãy mô mềm vách cellulose; libe tế bào nhỏ, hình đa giác, sắp xếp lộn xộn. Mô mềm tủy xen giữa các bó dẫn, tế bào hình bầu dục hoặc đa giác dài, vách tẩm chất gỗ. Mô cứng tế bào đa giác nhỏ bao quanh bó dẫn hoặc chỉ có trên gỗ và dưới libe. Túi tiết [hình 31] ly bào thường ở cạnh bó libe gỗ, kích thước không đều.
Gân giữa [hình 32]:
Mặt trên hơi lồi, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì trên gần giống biểu bì dưới, tế bào hình chữ nhật hoặc gần tròn, kích thước nhỏ, gần đều, lớp cutin răng cưa cạn. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, và ít lông che chở đa bào bị gãy rụng giống ở thân. Mô dày [hình 33] góc 4-6 lớp tế bào dưới biểu bì trên và 1-4 lớp tế bào trên biểu bì dưới, tế bào hình tròn hay đa giác, kích thước không đều. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn gỗ ở trên libe ở dưới, gồm 3-5 bó chính ở giữa kích thước không đều, các bó xen kẽ 1-2 dãy tế bào hình đa giác kích thước lớn vách tẩm gỗ hoặc cellulose và 2-3 bó phụ ở hai bên. Cấu trúc của bó libe và gỗ tương tự như bó của cuống lá nhưng hơi nhỏ hơn. Túi tiết [hình 34] ly bào thường ở cạnh bó libe-gỗ, kích thước không đều.
Phiến lá [hình 35]:
Biểu bì trên tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều. Biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn biểu bì trên. Ở cả hai biểu bì có lỗ khí [hình 36] và ít lông che chở đa bào bị gãy. Thịt lá cấu tạo dị thể đối xứng gồm 1 lớp tế bào mô mềm giậu [hình 37], tế bào có vách hơi uốn lượn nằm ngay sát biểu bì. Đi vào gân giữa, nối tiếp mô mềm giậu là mô mềm khuyết chứa lục lạp ăn sâu vào gân giữa, 3-5 lớp tế bào đa giác vách hơi uốn lượn, kích thước nhỏ không đều. Mô mềm khuyết gồm 4-6 lớp tế bào đa giác, kích thước gần đều, chứa lục lạp, lớp trên biểu bì dưới tế bào hình chữ nhật hay đa giác dài vách hơi lượn xếp gần thẳng góc với biểu bì dưới. Bó gân phụ nằm rải rác gồm gỗ ở trên, libe ở dưới.
Rễ:
Vi phẫu [hình 38] hình tròn. Bần vài lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng lượn xếp xuyên tâm, bong tróc. Lục bì vài lớp tế bào hình chữ nhật vách lượn xếp xuyên tâm với bần, bị ép dẹp. Mô mềm vỏ khuyết, 5-7 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang, kích thước lớn, không đều, xếp lỏng lẻo, vách đang phân chia nhiều. Nội bì khung Caspary tế bào hình đa giác, không đều, xếp khít nhau. Trụ bì 1-2 lớp tế bào vách cellulose. Libe 1 vài cụm rải rác trên đỉnh chùy libe, tế bào bị ép dẹp. Libe 2 [hình 39] ít hơn gỗ 2 [hình 40] tạo thành chùy ngăn cách bởi tia tủy rộng, tế bào chữ nhật hay đa giác, một số tế bào hóa mô cứng [hình 41]. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 42], mạch gỗ 2 ít, hình tròn hay đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 bao quanh mạch, tế bào đa giác, vách dày tẩm chất gỗ. Gỗ 1 khó phân biệt. Tia tủy khá rộng 3-6 dãy tế bào đa giác xếp xuyên tâm, mở rộng ở vùng libe do tế bào kích thước lớn. Ống tiết ly bào riêng lẻ hay tập họp 2-5 ống phía trên nội bì ở vị trí các chùy libe.

Đặc điểm bột dược liệu: 

: Bột lá màu xanh, mùi hơi hắc. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì [hình 43] chứa lỗ khí. Mảnh mô mềm [hình 44] tế bào hình đa giác vách mỏng. Lông che chở [hình 45] đa bào ít. Mảnh mạch điểm, mạch vạch [hình 46], mạch mạng.
Rễ: Bột rễ màu vàng nâu. Thành phần gồm: Mảnh bần [hình 47] màu nâu tế bào đa giác vách dày xếp xuyên tâm. Mảnh mô có chứa ống tiết trong đó có chất tiết màu vàng. Mảnh mô mềm [hình 48] tế bào vách mỏng. Mảnh mô cứng [hình 49] tế bào hóa gỗ vách có nhiều lỗ. Mảnh mạch điểm [hình 50]. Sợi [hình 51].

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Ở Việt Nam, Nam sài hồ thấy ở các tỉnh vùng ven biển, nhiều nhất ở khu vực miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nam sài hồ là cây ưa sáng, thường mọc thành từng khóm riêng lẻ, thích nghi đặc biệt với các vùng nước lợ; đồng thời cây vẫn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc vùng bị nhiễm mặn, đôi khi cũng tạo thành quần thể tương đối điển hình. Mùa hoa quả: 5-7.

Bộ phận dùng: 

Rễ và lá (Radix et Folium Plucheae pteropodae). Rễ thu hái quanh năm, đào vè cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu hoặc mật ong sao thơm. Dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao.

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất của Nam sài hồ phơi khô chứa các hợp chất triterpenoid. Rễ chứa tinh dầu.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ và lá Nam sài hồ có vị mặn, hơi đắng, tính mát, có tác dụng phát tán phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh. Cây thường được dùng thay thế cho sài hồ bắc để chữa sốt, cảm, cúm.

Hình đính kèm
Cây bụi
Lá
bìa lá
Cụm hoa
lá bắc
đế cụm hoa
Đầu
Hoa cái
Bộ nhuỵ
Hoa lưỡng tính
nhị
bao phấn
hạt phấn
Quả
Vi phẫu
thân non
cutin
Các mô
bần
Nội bì
Gỗ 2
mô cứng
Gỗ 1
Tia tủy
Mô mềm tủy
Ống tiết
Vi phẫu
lỗ khí
Mô dày góc
Hệ thống dẫn
Túi tiết
Gân giữa
Mô dày
Túi tiết
Phiến lá
lỗ khí
mô mềm giậu
Vi phẫu
Libe 2
gỗ 2
mô cứng
Gỗ 2 chiếm tâm
Mảnh biểu bì
Mảnh mô mềm
Lông che chở
mạch vạch
Mảnh bần
Mảnh mô mềm
Mảnh mô cứng
Mảnh mạch điểm
Sợi