Loài Imperata cylindrica (L.) P. Beauv (Cỏ Tranh)

Tên
Tên khác: 

Bạch mao căn, Cỏ tranh săng, Bạch mao căn, Nhả cà, Lạc cà (Tày), Gan (Dao), Día (K’Dong)

Tên khoa học: 

Imperata cylindrica (L.) P. Beauv. var. cylindrica

Họ: 

Lúa (Poaceae)

Tên nước ngoài: 

Alang-grass, Alang-alang, Bedding grass (Anh), Herbe à paillote (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Quận 12-thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/05/09

Số hiệu mẫu: 

CT240509, được lưu tại bộ môn Thực vật - Khoa Dược

Dạng sống [hình 1] cỏ sống dai, cao 0,9-1,55 m. Thân khí sinh dài 0,5-1,2 m, nhẵn, mấu có nhiều lông mềm màu trắng dài khoảng 3-4 mm, tiết diện bầu dục, tủy bị hủy. Thân rễ [hình 2] màu trắng, tiết diện tròn, đường kính 2-3 mm, nhiều lóng, mấu có vảy và nhiều rễ phụ. [hình 3] đơn, dạng dải thuôn dài đầu nhọn hình ngọn giáo hoặc mũi mác, dài 60-85 cm, rộng 0,7-1,8 cm; mặt trên ráp có lông nhiều ở mép lá, mặt dưới nhẵn. Lá non màu xanh nhạt, cuộn lại; lá già màu xanh đậm. Gân lá song song, gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá cứng, hình ống xẻ dọc, ôm thân, phần dưới màu trắng, phần giữa có sọc hồng tím, phần trên màu xanh, dài 18-32 cm; mép bẹ có rìa mảnh; lưỡi nhỏ [hình 4] là lằn lông trắng, dài 1-3 mm. Cụm hoa [hình 5] gié-hoa tạo thành chùy màu trắng bạc dài 20-25 cm trên trục hình trụ ở ngọn thân dài 24-35 cm. Gié-hoa đứng áp sát trục phát hoa, non ở gốc già ở ngọn, có 2-4 hoa; không có dĩnh. Hoa [hình 6] trần, lưỡng tính, dài 3-5 cm; cuống hoa màu xanh nhạt, hình trụ dài 2–6 mm, nhiều lông trắng bạc dài 9-13 mm ở đỉnh. Trấu [hình 7] 2, kích thước gần bằng nhau. Trấu trên hình dải hẹp dài 3-3,5 mm, mềm, màu trắng trong, đầu nhọn, mép và mặt lưng có nhiều lông, có nhiều gân xanh. Trấu dưới giống trấu trên. Trấu phụ [hình 8] 2, gần bằng nhau, dạng màng mỏng, màu trắng trong như thủy tinh, đầu tù răng cưa có nhiều lông tua ở đầu, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,5-0,7 mm. Nhị [hình 9] 2, rời, đều; chỉ nhị màu trắng dạng sợi mảnh, lúc hoa nở chỉ nhị dài ra đưa bao phấn ra ngoài, dài 3-4 mm; bao phấn [hình 10] hình chữ nhật thuôn ở đầu, dài 3-4 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng nội, đính giữa [hình 11], màu vàng lúc non, màu nâu khi nứt; hạt phấn [hình 12] hình cầu có nhiều lõm sâu, đường kính 20-27,5 µm. Bộ nhụy [hình 13] bầu 1 ô, hình trứng, dài gần 1 mm; 1 vòi nhụy màu trắng, dài 3,5-4,5 mm; 2 đầu nhụy màu tím nâu, dài 2-2,5 mm, nhiều lông.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân khí sinh
Vi phẫu [hình 14] hình bầu dục. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, hóa mô cứng. Mô cứng [hình 15] 1-2 lớp xếp thành vòng liên tục, tế bào hình chữ nhật đứng, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm vỏ đạo gồm 5-7 lớp tế bào hình tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều, to hơn tế bào biểu bì rất nhiều, có nhiều khuyết. Vòng mô cứng 1-3 lớp tế bào hình đa giác vách mỏng, kích thước khá đều nhau. Nhiều bó dẫn sắp xếp [hình 16] lộn xộn từ bên ngoài vòng mô cứng [hình 17] vào trong mô mềm, libe ở ngoài gỗ ở trong, đôi khi 3-4 bó nằm cạnh nhau thành cụm. Mỗi bó có libe tạo thành cụm nhỏ, tế bào đa giác vách méo mó xếp lộn xộn; 1-2 mạch tiền mộc hình tròn nằm trong vùng mô mềm vách cellulose, có thể có khuyết ở cực gỗ; 1-3 mạch hậu mộc to, hình tròn, ở 2 bên libe hay phía trên tiền mộc. Bao quanh mỗi bó dẫn là vòng mô cứng gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ. Mô mềm tủy đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, không đều. Tủy bị hủy tạo khuyết to chiếm khoảng 1/3 chiều dày vi phẫu.
Thân rễ
Vi phẫu [hình 18] tiết diện tròn, lõm ở 1 góc. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ. Mô cứng [hình 15] 1-2 lớp tế bào hình đa giác dài xếp thành vòng liên tục. Mô mềm vỏ đạo 13-15 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn; có bó vết lá [hình 19] trong mô mềm vỏ. Nội bì hình móng ngựa, thấy rõ ống trao đổi. Trụ bì 3-5 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách dày hóa mô cứng thành vòng. Nhiều bó [hình 20] dẫn xếp không thứ tự từ trụ bì vào trong mô mềm tủy, các bó bên trong kích thước hơi lớn hơn. Bó dẫn [hình 21] gồm cụm libe với mạch rây to vách méo mó chồng lên 1-2 mạch hậu mộc to, hình tròn hoặc gần tròn; mạch tiền mộc một hoặc không có. Bao quanh bó dẫn là vòng mô cứng gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác. Mô mềm tủy đạo tế bào hình tròn hoặc hơi bầu dục, kích thước không đều. Vùng tủy chiếm hơn 1/3 đường kính vi phẫu.

Gân giữa [hình 22]: Biểu bì trên và biểu bì dưới hóa mô cứng, tế bào hình chữ nhật nhỏ; lớp cutin dày, rải rác có lỗ khí và lông che chở đơn bào ngắn. Mô cứng 2-3 lớp tế bào hình đa giác, vách dày, kích thước nhỏ; ở trên biểu bì dưới mô cứng thường tạo thành cụm 8 – 9 lớp tế bào ở vị trí các bó dẫn. Mô mềm đạo gồm 9-10 lớp tế bào hình đa giác to. Nhiều bó dẫn to nhỏ xếp xen kẽ nhau trên một hàng [hình 23] gần sát biểu bì dưới. Mỗi bó dẫn [hình 24] gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; mạch tiền và hậu mộc hình tròn, 2 mạch hậu mộc ở hai bên mạch tiền mộc; libe tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn thành cụm. Bao bên ngoài bó libe gỗ là 2 vòng mô, vòng mô cứng bên trong gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, vòng mô mềm bên ngoài gồm 1 lớp tế bào hình đa giác to. Một số bó lớn tiền mộc bị hủy để lại các khuyết.
Phiến lá [hình 25]: Tế bào biểu bì trên hình chữ nhật, có các tế bào bọt [hình 26] kích thước lớn; tế bào biểu bì dưới kích thước lớn hơn tế bào biểu bì trên, cả 2 biểu bì đều có lỗ khí và ít lông che chở [hình 27] đơn bào ngắn. Mô cứng tạo thành cụm phía trên và dưới các bó dẫn lớn, gồm 3-5 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, rất vách dày. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Nhiều bó dẫn kích thước không đều xếp xen kẽ nhau, các bó lớn xen kẽ với tế bào hình bọt và nối với hai lớp biểu bì bởi 2 cụm mô cứng, cấu tạo giống như bó dẫn ở gân lá. Xung quanh các bó dẫn là các tế bào mô mềm hình thuôn dài, chứa các hạt lục lạp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu trắng ngà, có nhiều sợi. Mảnh biểu bì [hình 28] tế bào hình chữ nhật dài vách dày mang lỗ khí. Sợi [hình 29] rời hoặc tập trung thành cụm [hình 30], có 3 loại: loại sợi dài, vách dày, khoang hẹp và có ống trao đổi rõ; loại sợi có vách dày, khoang rộng, có lỗ trao đổi. Tế bào mô cứng có hình dạng khác nhau: hình đa giác [hình 31], hình thuôn dài một đầu nhọn một đầu tù hoặc hai đầu nhọn. Mảnh mạch điểm [hình 32], mạch xoắn, mạch vạch [hình 33]. Mảnh mô mềm [hình 34] vách mỏng, tế bào hình gần tròn hoặc đa giác.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, một số nơi Nam Âu. Ở Việt Nam, cỏ tranh có ở khắp nơi. Cây ưa sáng, sống dai. Mùa hoa quả: gần như quanh năm

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Imperatae) thường được gọi là bạch mao căn. Hoa cũng được dùng.

Thành phần hóa học: 

Cỏ tranh non chứa protein, Ca, N, P, vitamin C, A. Thân rễ chứa đường.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ chữa nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, đái ít, đái buốt, đái ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp, hen suyễn. Hoa cỏ tranh chữa chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu vết thương.

Hình đính kèm
Dạng sống
Thân rễ
Lá
lưỡi nhỏ
Cụm hoa
Hoa
Trấu
Trấu phụ
Nhị
bao phấn
đính giữa
hạt phấn
Bộ nhụy
Vi phẫu
Mô cứng
sắp xếp
vòng mô cứng
Vi phẫu
bó vết lá
Nhiều bó
Bó dẫn
Gân giữa
một hàng
Mỗi bó dẫn
Phiến lá
tế bào bọt
lông che chở
Mảnh biểu bì
Sợi
cụm
đa giác
mạch điểm
mạch vạch
Mảnh mô mềm