Phân Lớp Thài Lài (Commelinidae)

Bộ Gừng (Zingiberales)

Họ Gừng (Zingiberaceae)

Chi Amomum

Loài Amomum villosum var. xanthioides (Wall.) Hu & Chen.(Cây Sa Nhân)

Tên
Tên khác: 

Sa nhân gai, Sa nhân vỏ xanh, Dương xuân sa.

Tên khoa học: 

Amomum villosum var. xanthioides (Wall.) Hu & Chen.

Tên đồng nghĩa: 

Amomum xanthioides Wall. ex Baker.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: 

Amone, amomum (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

Đồng Nai tháng 5-2010.

Số hiệu mẫu: 

SN 0510, được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược.

Thân khí sinh [hình 1] là thân cỏ sống nhiều năm, cao 1-3 m, tiết diện tròn, màu xanh, nhẵn, mang 18-22 lá ; đoạn thân dài 40-50 cm từ gốc lá không có phiến lá mà chỉ gồm các bẹ lá ôm sát. Thân rễ [hình 2] tiết diện tròn, đường kính 0,3-1,5 cm, màu vàng xanh, có nhiều lông mịn, chia thành nhiều lóng ngắn, ở mỗi lóng có 1 lá màu nâu, dạng vẩy khô xác, lợp lên nhau. Lá [hình 3] đơn, không cuống, mọc so le thành 2 dãy [hình 4], hình ngọn giáo gốc tròn, đầu nhọn thường có màu nâu khô xác ở các lá trưởng thành, dài 33-37 cm, rộng 5-5,5 cm, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; gân lá lông chim, gân chính hơi lõm ở mặt trên nổi rõ ở mặt dưới, rất nhiều gân phụ song song không rõ. Bẹ lá nhẵn cứng, rìa có nhiều lông màu nâu, ôm sát vào nhau. Lưỡi nhỏ [hình 5] dài 0,4-0,5 cm dạng màng, chia 2 thùy rất cạn, rìa có rất nhiều lông mịn, giữa lưỡi nhỏ và phiến lá có nhiều lông mịn. Cụm hoa [hình 6] chùm mọc từ thân rễ, sát mặt đất, dài 18-20 cm, mang nhiều hoa màu vàng nhạt ở 9-11 cm phía trên. Hoa [hình 7] không đều, lưỡng tính mẫu 3, cuống hoa hình trụ rất ngắn, dài 0,15-0,2 cm, màu vàng xanh, nhiều lông mịn. Lá bắc [hình 8] dạng vẩy khô xác màu nâu, dài 2-3 cm, rộng 0,4-0,5 cm, lá bắc bao trọn nụ hoa, khi hoa nở hoa vượt ra khỏi lá bắc, các lá bắc xếp lợp lên nhau. Lá bắc con [hình 9] màu nâu mỏng, hình ống dài 0,8-1 cm, phía trên chia 2 thùy hình tam giác đỉnh nhọn. Đài hoa [hình 10] dính nhau ở dưới thành ống dài 1,2-1,5 cm, trên chia thành 3 thùy không đều. Tràng hoa [hình 11] dính nhau phía dưới thành ống dài 2,5-2,8 cm, trên chia 3 thùy không đều, 1 thùy lớn hình thuyền dài khoảng 1 cm dựng đứng phía sau, 2 thùy nhỏ phía trước dài khoảng 0,5 cm cong xuống phía dưới và bị che bởi cánh môi [hình 12]. Bộ nhị 1 nhị [hình 13] thụ phía sau đính trên miệng ống tràng, khi hoa nở bao phấn cong thẳng góc với chỉ nhị ; chỉ nhị [hình 14] hình lòng máng, dài 0,4-0,5 cm, màu vàng, ôm lấy vòi nhụy; bao phấn [hình 15] hình bầu dục dài 2-3 mm, màu vàng, 2 ô, nứt dọc hướng trong, chung đới kéo dài thành màng mỏng màu trắng có 3 thùy một thùy lớn ở giữa và 2 thùy nhỏ 2 bên; cánh môi do nhị lép tạo thành, đính trên miệng ống tràng, cong ra phía ngoài dạng hình muỗng úp, dài 1-1,2 cm, rộng 0,4-0,5 cm, màu trắng, có 1 rãnh cạn ở giữa, 4-5 sọc dọc màu tím, mép nguyên, đầu chia thành 2 thùy rất cạn; gốc cánh môi có nhiều lông và mang 2 vẩy mỏng dài 0,2-0,3 cm do 2 nhị bất thụ [hình 16] tạo thành. Hạt phấn [hình 17] màu vàng, hình cầu, trên bề mặt có nhiều gai ngắn, đường kính 72-75 µm. Bộ nhụy [hình 18] gồm 3 lá noãn, dính nhau tạo bầu dưới [hình 19] 3 ô, mỗi ô có nhiều noãn, đính trung trụ [hình 20] ; bầu hình trụ ngắn, dài 2,5-3 mm, có nhiều lông mịn ở mặt ngoài; 1 vòi nhụy màu trắng dạng sợi dài 3,5-4 cm, phía dưới nằm tự do trong ống tràng phía trên nằm trong chỉ nhị và ở giữa khe hở của 2 ô phấn; đầu nhụy [hình 21] hình khối không vượt qua khỏi ô phấn ở gốc vòi nhụy có 2 khối hình tháp [hình 22] màu vàng, dài 1,5-2 mm. Quả [hình 23] mọc thành cụm trên mặt đất, hình bầu dục có 3 khía dọc, dài 2-2,2 cm, rộng 1-1,2 cm, màu xanh, chín màu vàng lục, bề mặt có nhiều gai nhọn mềm; bên trong chia 3 ngăn, mỗi ngăn chứa nhiều hạt. Quả khô [hình 24] màu nâu. Hạt [hình 25] mùi thơm vị hơi cay, hình khối nhiều mặt, kích thước 0,02-0,03 cm được bao bởi 1 màng mỏng màu trắng (áo hạt). Vỏ hạt màu đen, nhăn nhúm; ngoại nhũ màu trắng, nội nhũ màu trắng ngà; phôi [hình 26] hình thuôn dài màu kem nằm giữa nội nhũ.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân khí sinh [hình 27]: Cấu tạo gồm nhiều bẹ lá ôm lấy lõi thân.
- Bẹ lá [hình 28]: hình lưỡi liềm. Biểu bì trên tế bào hình đa giác khá đều, kích thước hơi to hơn biểu bì dưới. Biểu bì dưới có những đoạn lõm vào tế bào to hơn và có nhiều lông che chở đơn bào rất ngắn, cutin rất dày, nhiều lỗ khí [hình 29]. Cụm mô cứng, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách dày hay mỏng, ống trao đổi rõ. Mô mềm đạo tế bào hình đa giác, nhiều tế bào chứa tinh bột. Nhiều bó dẫn, bó lớn xen kẽ với bó nhỏ, bó nhỏ gần sát biểu bì dưới, bó to thường ở chỗ lõm của biểu bì và nằm giữa mô mềm; ở phần giữa của bẹ lá, cạnh bó dẫn to có bó nhỏ sát biểu bì trên. Bó dẫn gồm gỗ ở trên libe ở dưới; gỗ gồm 1-2 mạch to; libe gồm nhiều lớp, tế bào hình đa giác nhỏ, xếp lộn xộn. Mô cứng bao xung quanh bó mạch.
- Lõi thân [hình 30]: Vi phẫu hình bầu dục. Biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác hay chữ nhật không đều, bị ép dẹp ở chỗ có bó dẫn. Mô mềm đạo tế bào hình đa giác không đều, vách mỏng, kích thước to hơn tế bào biểu bì. Mô cứng tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, 2-4 lớp xếp thành vòng gần như liên tục. Rất nhiều bó dẫn kích thước không đều xếp lộn xộn [hình 31] từ dưới biểu bì vào trong tủy, các bó ngoài [hình 32] vòng mô cứng kích thước lớn hơn. Mỗi bó gồm 1-4 mạch gỗ hình đa giác hay tròn, libe xếp chồng lên gỗ. Các bó dẫn ở phía ngoài vòng mô cứng được bao bởi vòng mô cứng gồm 2-3 lớp tế bào vách dày có thể hóa sợi phía trên libe; các bó trong vùng tủy [hình 33] thường chỉ có cụm mô cứng trên libe và dưới gỗ. Các bó mạch gỗ chiếm hết vùng tủy. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, kích thước tương đương mô mềm vỏ. Tế bào tiết có rất nhiều trong vùng tủy.
[hình 34]
Gân chính mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn. Biểu bì trên [hình 35] tế bào hình chữ nhật đứng; biểu bì dưới [hình 36] tế bào hình chữ nhật, hóa mô cứng vách mỏng, có nhiều lông che chở [hình 37] đơn bào rất ngắn, cutin rất dày. Dưới biểu bì trên và trên biểu bì dưới có vài lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều, hóa mô cứng [hình 38] vách mỏng; trong vùng mô cứng sát trên biểu bì dưới thường gặp 1-3 tế bào mô cứng hình bầu dục vách dày, ống trao đổi rõ. Mô mềm đạo, tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Rất nhiều bó dẫn gỗ ở trên libe ở dưới, kích thước không đều, xếp thành 2 hàng ở trên biểu bì dưới và xếp lộn xộn dưới biểu bì trên, thường gặp 1 bó giữa [hình 39] gân chính, bó to [hình 40] ở sát biểu bì dưới. Các bó dẫn được bao bởi vòng mô cứng tế bào vách dày có thể hóa sợi phía trên libe ở các bó to. Xen giữa các bó to là mô mềm chứa nhiều lục lạp và có khuyết to.
Phiến lá [hình 41]
Tế bào biểu bì trên hình đa giác, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì dưới, cả 2 biểu bì đều có lỗ khí [hình 42] và lông che chở đơn bào ngắn nhưng nhiều ở mặt dưới. Hạ bì 1-2 lớp tế bào hình đa giác góc tù. Mô mềm đạo, 5-6 lớp, tế bào gần tròn, chứa nhiều lục lạp. Nhiều bó dẫn kích thước không đều, gỗ ở trên libe ở dưới, nhiều bó lớn nối với 2 lớp biểu bì bởi các cụm sợi.
Thân rễ [hình 43]
Vi phẫu tiết diện tròn, vùng vỏ chiếm ½ bán kính vi phẫu (đường kính vi phẫu 6 mm). Các mô [hình 44] gồm: Biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác hóa mô cứng vách mỏng ở vi phẫu già, ở các vi phẫu non có nhiều lông che chở đơn bào [hình 45] và lỗ khí [hình 46]. Mô mềm vỏ đạo tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Nội bì [hình 47] hình chữ U không liên tục. Bó dẫn rất nhiều, kích thước không đều, xếp lộn xộn [hình 48] ở vùng vỏ và trung trụ. Mỗi bó gồm 1-6 mạch gỗ. Các bó dẫn vùng vỏ [hình 49] thường có bao mô cứng dày hơn các bó ở vùng trung trụ. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác, kích thước tương đương mô mềm vỏ. Nhiều tế bào tiết [hình 50] tinh dầu trong vùng vỏ và trung trụ.
Rễ [hình 51]
Vi phẫu tiết diện tròn, vùng vỏ chiếm khoảng 2/3 bán kính vi phẫu (đường kính vi phẫu 2 mm). Các mô [hình 52] gồm: Tầng lông hút [hình 53], 1 lớp tế bào hình đa giác, kích thước khá đều, 1 vài tế bào mọc dài ra thành lông hút. Tầng suberoid [hình 54] gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, xếp sát nhau. Mô mềm vỏ ngoài đạo, tế bào hình đa giác đầu tù, xếp lộn xộn; mô mềm vỏ trong [hình 55], 4-7 lớp tế bào hình bầu dục nằm ngang xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Rải rác trong mô mềm vỏ có nhiều tế bào hóa mô cứng. Nội bì [hình 56] hình chữ U rất dày, liên tục. Trụ bì, 1 lớp tế bào hình đa giác xếp xen kẽ nội bì, có xu hướng bị ép dẹp phía trên các cực gỗ, 1 vài tế bào trụ bì hóa mô cứng vách mỏng. Nhiều bó libe 1 và gỗ 1 [hình 57] xếp xen kẽ thành vòng ngay dưới trụ bì. Mỗi bó gỗ 1 gồm 1-2 mạch tiền mộc. Nhiều mạch hậu mộc to, hình đa giác kích thước không đều xếp lộn xộn quanh tủy. Mô mềm tủy [hình 58] hẹp, tế bào hình đa giác, vách hóa mô cứng dày ở quanh tủy hoặc còn cellulose ở giữa tủy.
Quả
Vỏ quả [hình 59]
Vi phẫu hình tròn mặt ngoài lồi lõm không đều. Vỏ quả ngoài [hình 60], biểu bì 1 lớp tế bào hình đa giác dẹp, kích thước không đều, hóa mô cứng vách mỏng, rải rác có lông che chở đơn bào; lớp cutin mỏng. Vỏ quả giữa [hình 61] gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, vách mỏng uốn lượn, riêng 7-8 lớp mô mềm phía trên biểu bì trong tế bào hình bầu dục nằm ngang, vách dày uốn lượn, các lớp sát biểu bì trong bị ép rất dẹp khó thấy vách tế bào. Khá nhiều tế bào tiết tinh dầu hình đa giác kích thước nhỏ, trong mô mềm vỏ quả. Nhiều bó dẫn [hình 62] rời, kích thước không đều, xếp thành 1 cung gần sát vỏ quả trong. Mỗi bó gồm gỗ ở trong và libe ở ngoài; mạch gỗ hình tròn hoặc đa giác kích thước nhỏ; libe ít, tế bào hình đa giác xếp lộn xộn. Vòng mô cứng bao xung quanh bó dẫn; phía dưới gỗ là tế bào mô cứng vách mỏng uốn lượn; phía trên libe là 5-6 lớp tế bào mô cứng hình đa giác, vách dày. Vỏ quả trong [hình 63]: Lớp biểu bì dạng hình ống uốn lượn.
Hạt: Vi phẫu tiết diện đa giác; từ ngoài vào trong gồm áo hạt [hình 64], vỏ hạt [hình 64] và nhân hạt.
- Áo hạt tách rời khỏi vỏ hạt, gồm 1 lớp tế bào hình dạng thay đổi (đa giác, hình thoi, vuông), kích thước khác nhau, vách cellulose dày uốn lượn, rất dày ở vách ngoài.
- Vỏ hạt gồm vỏ ngoài và vỏ trong: Vỏ ngoài gồm 1 lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật nằm, kích thước lớn, vách mỏng. Mô mềm đạo 4-5 lớp tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, đôi khi thấy ống trao đổi phân nhánh trê bề mặt tế bào. Trong cùng là lớp tế bào hình chữ nhật kích thước nhỏ chứa tinh dầu. Vỏ trong gồm 1 lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật, vách dày, màu nâu.
- Nhân hạt [hình 65] gồm: Ngoại nhũ [hình 66] rất nhiều so với nội nhũ, tế bào hình chữ nhật đứng vách hơi gấp nếp hoặc đa giác, chứa đầy tinh bột, càng vào trong kích thước nhỏ dần. Nội nhũ [hình 67], tế bào hình đa giác, vách rất mỏng hơi uốn, kích thước nhỏ, chứa nhiều hạt tinh bột. Khuyết ở giữa là vị trí của cây mầm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hạt màu trắng có lẫn màu nâu đen, mùi thơm, vị cay nồng, gồm các thành phần sau:
Hạt tinh bột [hình 68] hình cầu, kích thước 3-7 µm, xếp riêng lẻ hay tập trung thành cụm, nhiều hình dạng. Mảnh tế bào vỏ hạt [hình 69] tế bào hình chữ nhật, vách có chất màu vàng nâu, chứa nhiều hạt tinh bột. Tế bào ngoại nhũ [hình 70] xếp riêng lẻ hay thành đám, hình dạng và kích thước thay đổi (hình đa giác thuôn dài, hình đa giác ngắn), chứa nhiều tinh bột. Nội nhũ [hình 71] tế bào hình đa giác vách mỏng, chứa tinh bột ít hơn ngoại nhũ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi ở Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam (Trung Quốc), Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có khả năng thích nghi rộng. Cây đặc biệt ưa ẩm, chịu bóng và có thể ưa sáng, thường mọc tập trung thành đám ở ven rừng, bờ suối. Mùa hoa: tháng 4-5; mùa quả: tháng 6-7.

Bộ phận dùng: 

Quả (Fructus Amomi xanthioidis) thu hái lúc gần chín, bóc vỏ lấy khối hạt màu trắng, phơi khô. Có thể chế biến bằng cách sao, chích muối hoặc chích gừng.

Thành phần hóa học: 

Quả chứa tinh dầu hàm lượng 2-3%, gồm D. Camphor (33,2%), D. bornyl acetat (26,5%), borneol (19,4%), D. limonene (7%), camphen (7%), paramethoxy trans-cinnamat, phellandren (2,3%), pinen (1,1%).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trong thử nghiệm in vitro, tinh dầu sa nhân có tác dụng ức chế các vi khuẩn theo thứ tự hoạt tính giảm: Bacillus subtilis, Bacillus mycoides, Diplococcus pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Proteus vulgaris, Shigella dysenteriae, Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế thấp nhất là 1:2560.
- Trong một thử nghiệm lâm sàng, hạt sa nhân có hiệu quả rõ rệt trên viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Bài thuốc gồm hạt sa nhân, câu đằng, lá tre non và 7 dược liệu khác đã được áp dụng cho 32 bệnh nhân được chẩn đoán có xơ vữa động mạch ở lứa tuổi trên 45, có cholesterol máu từ 220 mg% trở lên, trong đó có 12 bệnh nhân có kèm tăng huyết áp; uống thuốc dạng viên hoàn trong 30-60 ngày. Kết quả 22/32 bệnh nhân đạt kết quả tốt, 9/32 bệnh nhân đạt kết quả vừa.
Là vị thuốc kích thích và giúp tiêu hóa, chữa tỳ vị khí trệ, ăn không tiêu, đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn ọe, động thai, kiết lỵ thuộc hàn. Còn được dùng làm gia vị chế làm rượu mùi. Hạt sa nhân giã nhỏ thành bột, dùng ngoài, chấm vào răng đau, ngâm rượu rồi ngậm chữa đau răng. Thân rễ ngâm rượu dùng xoa bóp hằng ngày chữa tê thấp.

Hình đính kèm
Thân khí sinh
Thân rễ
Lá
2 dãy
Lưỡi nhỏ
Cụm hoa
Hoa
Lá bắc
Lá bắc con
Đài hoa
Tràng hoa
cánh môi
1 nhị
chỉ nhị
bao phấn
nhị bất thụ
Hạt phấn
Bộ nhụy
bầu dưới
đính trung trụ
đầu nhụy
khối hình tháp
Quả
Quả khô
Hạt
phôi
Thân khí sinh
Bẹ lá
lỗ khí
Lõi thân
xếp lộn xộn
bó ngoài
bó trong vùng tủy
Lá
Biểu bì trên
biểu bì dưới
lông che chở
mô cứng
bó giữa
bó to
Phiến lá
lỗ khí
Thân rễ
Các mô
lông che chở đơn bào
lỗ khí
Nội bì
xếp lộn xộn
bó dẫn vùng vỏ
tế bào tiết
Rễ
Các mô
Tầng lông hút
suberoid
mô mềm vỏ trong
Nội bì
Nhiều bó libe 1 và gỗ 1
Mô mềm tủy
Vỏ quả
Vỏ quả ngoài
Vỏ quả giữa
bó dẫn
Vỏ quả trong
vỏ hạt
Nhân hạt
Ngoại nhũ
Nội nhũ
Hạt tinh bột
vỏ hạt
ngoại nhũ
Nội nhũ

Chi Curcuma

Loài Curcuma longa L. (Cây Nghệ)

Tên
Tên khác: 

Nghệ vàng, Khương hoàng, Uất kim; Cohem, Co khản mỉn(Thái); Khinh lương (Tày)

Tên khoa học: 

Curcuma longa L.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: 

“Common turmeric”, “Long turmeric” (Anh); “Safran des Indes “ (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 06 năm 2009, tại huyện Krông pắc tỉnh Đắc lắc.

Cỏ [hình 1] cao khoảng 70 cm. Thân rễ [hình 2] (thường gọi củ Nghệ) hình trụ hay hình bầu dục, phân nhánh, đường kính 1,5-2 cm; có màu vàng tươi, có nhiều đốt, tại các đốt có những vảy khô do lá biến đổi thành. Lá đơn, mọc từ thân rễ. Phiến lá hình bầu dục, kích thước 22- 40 x 12 – 15 cm, đầu nhọn, bìa phiến nguyên, hơi uốn lượn; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, các gân phụ hơi lồi ở mặt trên. Bẹ lá hình lòng máng, dài 18- 28 cm, ôm sát vào nhau tạo thành một thân khí sinh giả có màu xanh, trên bẹ lá có các đường gân dọc song song. Lưỡi nhỏ là một màng mỏng màu trắng, cao 2-3 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân rễ [hình 3]:
Vi phẫu hình gần tròn. Biểu bì hóa mô cứng, rải rác có lông che chở [hình 4] đơn bào. Bần gồm 3 – 4 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm, vách hơi uốn lượn. Nhu bì, 2-3 lớp tế bào. Mô mềm vỏ đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác vách mỏng, kích thước to. Rải rác trong mô mềm vỏ có các bó libe gỗ [hình 5] cấu tạo cấp 1 với gỗ ở trong libe ở ngoài. Nội bì khung caspary, 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bằng 1/2 – 1/3 tế bào mô mềm vỏ. Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bắng tế bào nội bì. Nhiều bó libe gỗ có cấu tạo như các bó trong mô mềm vỏ, xếp lộn xộn. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác, vách mỏng, kích thước bằng tế bào mô mềm vỏ. Trong mô mềm vỏ và tủy rải rác có các hạt tinh bột và tế bào tiết [hình 6].
Vi phẫu lá [hình 7]:
Gân giữa: mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Mô mềm đạo tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. Ở phía biểu bì dưới có các bó libe gỗ lớn nhỏ xếp thành hàng xen kẽ nhau. Bó lớn có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới. Gỗ gồm có: 1-2 mạch hậu mộc, 1-2 mạch tiền mộc; trên gỗ và dưới libe là cụm mô cứng, tế bào đa giác kích thước nhỏ, 2 – 3 lớp tế bào ở phía trên gỗ có vách mỏng, 5 – 6 lớp ở phía dưới libe có vách dày. Bó nhỏ có cấu tạo tương tự bó lớn nhưng mô cứng bao liên tục với 3 lớp tế bào hình đa giác, vách dày. Ở phía trên rải rác cũng có 4-5 bó libe gỗ có cấu tạo như trên. Các cụm mô mềm xốp xen kẽ các bó libe gỗ lớn, đôi khi bị hủy để lại một khuyết lớn; xung quanh các khuyết là các tế bào mô mềm gần tròn chứa nhiều hạt lục lạp.
Phiến lá [hình 8]: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lỗ khí có rải rác ở cả 2 biểu bì. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác kích thước không đều nhau. Các bó libe gỗ cấu tạo như ở gân giữa. Vùng mô mềm khuyết ở giữa các bó libe gỗ tế bào gần tròn hoặc hình bầu dục, có khi tế bào hơi thuôn dài xếp thành một hàng giống như mô mềm giậu, chứa nhiều hạt lục lạp. Rải rác trong mô mềm là các tế bào tiết màu vàng.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột [hình 9] mịn, màu vàng tươi.
Thành phần: mảnh bần [hình 10] gồm những tế bào vách hơi uốn lượn xếp xuyên tâm. Mảnh mô mềm [hình 11], tế bào đa giác vách mỏng, chứa các hạt tinh bột. Lông che chở [hình 12] đơn bào dài. Mảnh mạch [hình 13] vạch. Nhiều hạt tinh bột [hình 14] hình trứng đầu nhọn, kích thước 22,5-30 x 12,5-17,5 µm, có vân đồng tâm và rốn lệch tâm. Tế bào chứa tinh dầu và nhựa tạo thành những đám lổn nhổn màu vàng.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Là cây trồng quen thuộc của các nước nhiệt đới. Ở Việt Nam cây được trồng khắp nơi.
Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Curcumae longae) thường gọi là Khương hoàng.

Thành phần hóa học: 

Nước 13,1%; protein 6,3%; chất béo 5,1%; chất vô cơ 3,5%; sợi 2,6%; carbonhydrat 69,4% và caroten tính theo vitamin A. Tinh dầu Nghệ chứa: d. phelandren 1%, d. sabinen 0,6%; cineol 1%; borneol l0,5%; zingi; beren 25%; sesquiterpen (tuemeron) 58%...Các chất màu phenolic trong củ Nghệ chủ yếu là dẫn chất của diarylheptan, 3 chất chủ yếu là curcumin, bis(4-hydroxy-cinnamoyl)- methan và 4-hydroxycinamoyl feruloyl methan.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Thân rễ Nghệ dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh ứ máu, vùng ngực bụng trướng, đau tức, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da. Ở Trung Quốc, Nghệ dùng làm thuốc kích thích, bổ, giảm đau, cầm máu và tăng cường chuyển hóa, trị loét dạ dày tá tràng…Ở các nước Đông Nam Á, Nghệ được xem là có tác dụng bổ dạ dày, gây trung tiện, bổ máu, chữa vàng da và bệnh gan khác. Tác dụng bảo vệ tế bào gan là do hợp chất curcumin có trong thân rễ Nghệ.

Hình đính kèm
Cỏ
Thân rễ
Vi phẫu thân rễ
 lông che chở
bó libe gỗ
 tế bào tiết
Vi phẫu lá
Phiến lá
Bột
mảnh bần
Mảnh mô mềm
Lông che chở
Mảnh mạch
hạt tinh bột

Chi Kaempferia

Loài Kaempferia galanga L.(Cây Địa Liền)

Tên
Tên khác: 

Thiền liền, Lương khương.

Tên khoa học: 

Kaempferia galanga L.

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae).

Tên nước ngoài: 

East indies galingale, kaempférie, faux galangal.

Mẫu thu hái tại: 

Vườn quốc gia Lò gò Xa mát, tỉnh Tây Ninh, tháng 6/2010

Số hiệu mẫu: 

ĐL0610, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Thân cỏ [hình 1] sống nhiều năm nhờ thân rễ, rễ có khi phình thành củ nhỏ hình trứng. Thân rễ [hình 2] phình thành nhiều củ cạnh nhau, mùi thơm và cay, lớp vỏ ngoài màu nâu vàng, mặt cắt ngang gần tròn, đường kính 2-3 cm, màu vàng nhạt, có nhiều xơ màu trắng, chia làm 2 vùng bằng một vòng ranh giới màu trắng.
[hình 3] đơn, thường 2 (ít khi 3) lá mọc xòe sát mặt đất. Phiến lá hình bầu dục, dài 8-9 cm, rộng 6-7 cm, ngọn lá nhọn, gốc thuôn; mặt trên gần như nhẵn, màu xanh lục sậm; mặt dưới nhiều lông mịn và dài, màu trắng xanh, vùng ngọn màu đỏ tía; mép lá nguyên, hơi gợn sóng, viền trắng hay đỏ tía; gân lá song song, cong về phía ngọn lá, gân giữa to, lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới. Bẹ lá dài 2,5-3 cm, rộng 1,5-2 cm, hình lòng máng, dày, phía gốc màu trắng, phía trên màu xanh lục nhạt, nhiều gân dọc song song, ôm chặt nhau thành một thân giả cứng cao 1,5 cm. Lưỡi nhỏ dạng màng mỏng, màu trắng có rìa nâu, cao 1-2 mm.
Cụm hoa [hình 4] mọc lên từ thân rễ, đi qua ống tạo bởi các bẹ lá, không cuống, mang nhiều hoa, thường mỗi lần chỉ có 1 hoa nở. Hoa [hình 5] to, không cuống, không đều, lưỡng tính, mẫu 3. Lá bắc dạng phiến mỏng, uốn cong hình lòng máng, đầu thuôn nhọn, dài 3-3,5 cm, rộng 1-1,5 cm, phía gốc màu trắng, phía trên màu xanh lục nhạt. Lá bắc con ở phía trục hoa đối diện lá bắc, chẻ dọc từ gốc thành 2 phiến rời dạng dải hẹp, dài 2-2,5 cm, rộng 1-1,5 mm, màu trắng, có gân dọc ở giữa. Lá đài [hình 6] ở hoa nụ dính nhau thành một ống kín, màu trắng, dài 2,8-3 cm, đỉnh chia 2 răng rất nhỏ; khi hoa nở ống đài xẻ dọc ở phía trước từ đỉnh xuống một đoạn 0,5 cm. Cánh hoa [hình 7] màu trắng, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp, dài 4,5-5 cm, trên chia thành 3 phiến mỏng, không đều, dạng dải, dài 2-2,5 cm, đầu nhọn uốn cong ra phía ngoài, hai mép thường cuộn vào phía trong, có nhiều gân dọc; phiến giữa ở phía sau rộng 4-5 mm, hai phiến bên rộng 2-3 mm. Nhị [hình 8] đính trên miệng ống tràng thành 2 vòng: (1) vòng ngoài gồm 2 nhị lép phía sau ở hai bên biến đổi thành 2 phiến màu trắng, dài 18-20 mm, rộng 8-10 mm, gốc thuôn hẹp hơi dày thành một cán dài 5 mm, phía trên nở rộng thành hình bầu dục đầu nhọn, nhiều gân dọc; nhị trước trụy không còn dấu vết; (2) vòng trong gồm 2 nhị lép phía trước và 1 nhị thụ phía sau; nhị lép dính nhau thành một cánh môi [hình 9] to, màu trắng, gốc có bớt tím ở giữa, giữa phần màu tím có một vệt dài màu vàng, dài 25-35 mm, phía dưới thuôn hẹp thành một cán dài 15-20 mm, rộng 8-10 mm, phía trên là một phiến rộng dài 10-15 mm, rộng 20-24 mm, chia làm 2 thùy; nhị thụ đứng đối diện với cánh môi; chỉ nhị không có; bao phấn dạng phiến, màu trắng, dài 4-4,5 mm, rộng 2-3 mm, mặt trong mang 2 ô phấn xếp dọc, mọng nước; chung đới [hình 10] kéo dài thành một phiến mỏng dài 4-4,5 mm, rộng 2-3 mm, màu trắng, uốn ra phía ngoài khi hoa nở, chia 2 thùy hình bầu dục, uốn cong xuống phía dưới; hạt phấn [hình 11] màu trắng, thường hình cầu, đường kính 100-110 µm, có khi hình bầu dục hay hình trứng, dài 110-155 µm, rộng 100-112 µm. Lá noãn 3, dính nhau thành bầu [hình 12] dưới 3 ô [hình 13], mỗi ô 2 hàng noãn, đính noãn trung trụ; bầu màu trắng ngà, dẹp, dài 2,5-3 mm, rộng 1-1,5 mm, rải rác lông mịn màu trắng; vòi nhụy 1, dạng sợi, nhẵn, màu trắng, dài 40-45 mm, đi qua khe dọc giữa 2 ô phấn [hình 14]; đầu nhụy 1, màu trắng, loe thành hình phễu miệng có rìa lông.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 15]
Vi phẫu cắt ngang hình tròn, chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng vỏ chiếm ¾ diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 1/4 .
Vùng vỏ: Tầng lông hút với nhiều lông hút rõ ở những rễ non, ở rễ già chỉ còn vết tích tầng lông hút với một vài tế bào móp méo không đều, vách tẩm chất bần. Tầng suberoid [hình 16] 3-5 lớp tế bào hình đa giác, vách mỏng, xếp khít nhau thành từng dãy so le. Mô mềm vỏ tế bào vách cellulose, chia làm 2 vùng: (1) mô mềm vỏ ngoài nhiều lớp tế bào hình tròn hay bầu dục méo mó, sắp xếp lộn xộn, chừa những đạo hay khuyết nhỏ; (2) mô mềm vỏ trong 2-5 lớp tế bào hình bầu dục, càng vào phía trong tế bào càng nhỏ, xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm, chừa những khuyết nhỏ. Nội bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật hay hình bầu dục dẹt, vách trong và 2 vách bên tẩm ligno-suberin dày lên thành khung hình chữ U rõ. Tế bào tiết [hình 17] tinh dầu nhiều, rải rác trong vùng mô mềm vỏ; tinh dầu màu vàng sậm.
Vùng trung trụ [hình 18]: Trụ bì 1 lớp tế bào hình đa giác hay hình bầu dục dẹt, vách cellulose, xếp xen kẽ với tế bào nội bì. Bó dẫn cấp 1 ngay dưới trụ bì, gồm 12-14 bó libe và 12-14 bó gỗ xếp xen kẽ nhau trên một vòng. Bó libe thành từng cụm nhỏ hình bầu dục, phân hoá hướng tâm. Bó tiền mộc gồm 2-3 mạch nhỏ không đều, phân hoá hướng tâm với mạch nhỏ phía ngoài, mạch to phía trong. Mạch hậu mộc 8-10, có thể tiếp xúc hay không tiếp xúc với bó tiền mộc. Tia tủy 1-2 dãy tế bào mô mềm ở giữa bó libe và bó gỗ. Mô mềm tuỷ chia 2 vùng: vùng ngoài tế bào hình đa giác, vách dày tẩm chất gỗ, xếp khít nhau; vùng trong tế bào hình tròn, vách cellulose, xếp chừa những đạo. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong vùng mô mềm tủy.
Thân rễ [hình 19]
Vi phẫu cắt ngang hình gần tròn, vùng vỏ gần bằng vùng trung trụ.
Vùng vỏ: Bần [hình 20] 5-8 lớp tế bào hình chữ nhật, vách mỏng, xếp thành dãy xuyên tâm. Nhu bì 2-3 lớp tế bào rất dẹt, vách cellulose. Mô mềm vỏ nhiều lớp tế bào hình tròn hay hình đa giác, xếp lộn xộn và chừa những đạo nhỏ, vài lớp tế bào gần nội bì chứa rất nhiều tinh bột. Bó libe gỗ nhiều, rải rác trong vùng mô mềm, libe ở trên, gỗ ở dưới; gỗ gồm 2-3 mạch nhỏ không đều được bao quanh bởi các tế bào mô mềm hình đa giác, vách cellulose; bao xung quanh bó libe gỗ thường có những tế bào vách cellulose dày. Nội bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, không đều, có đai caspari rõ. Tế bào tiết tinh dầu rất nhiều trong vùng mô mềm, tinh dầu màu vàng sậm.
Vùng trung trụ [hình 21]: Mô mềm tủy tế bào tương tự mô mềm vỏ, chứa rất nhiều tinh bột [hình 22]; vài lớp tế bào ngay dưới nội bì không chứa tinh bột. Bó libe gỗ [hình 23] rải rác khắp vùng mô mềm, cấu tạo tương tự bó ở vùng vỏ, kích thước không đều, bó bên ngoài nhỏ, càng vào tâm vi phẫu bó càng to; bó libe gỗ đầu tiên có thể tiếp xúc với nội bì hay cách nội bì 1-3 lớp tế bào mô mềm. Tế bào tiết [hình 24] tinh dầu rải rác khắp mô mềm tủy.


Gân giữa lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới. Biểu bì tế bào hình bầu dục, tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới; lớp cutin có răng cưa. Lông che chở ít gặp, đơn bào, dạng sợi hẹp và rất dài, đầu nhọn, kéo dài từ 1 tế bào biểu bì. Mô mềm có những khuyết to xếp thành một hàng xen giữa 2 bó libe gỗ, chia làm 4 vùng: (1) mô mềm trên (vùng ngay dưới biểu bì trên) tế bào to, nhỏ dần về phía dưới, hình gần tròn, xếp chừa những đạo rất nhỏ; (2) mô mềm giữa quanh bó libe gỗ và ở bìa các khuyết thì tế bào nhỏ, hình bầu dục, chứa nhiều lục lạp, xếp chừa những khuyết nhỏ; (3) mô mềm xốp trong các khuyết to có tế bào hình sao phân nhánh, thường bị hủy; (4) mô mềm dưới (vùng ngay trên biểu bì dưới) 5-7 lớp tế bào hình đa giác, xếp chừa những đạo rất nhỏ. Bó libe gỗ [hình 25] cấp 1 kích thước không đều, xếp thành 2 lớp: lớp trên là 3 bó nhỏ, xếp ở giữa gân; lớp dưới là các bó to, xếp xen kẽ với các khuyết to. Mỗi bó gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; gỗ gồm mạch gỗ nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn, mô mềm gỗ hình đa giác, xếp khít nhau, vách cellulose; trên bó gỗ và bao dưới bó libe thường có cụm mô cứng; bao quanh bó libe gỗ là vùng mô mềm với những tế bào nhỏ, chứa nhiều lục lạp.
Phiến lá [hình 26]: Biểu bì tế bào hình đa giác hay hình chữ nhật dẹt, lớp cutin có răng cưa; biểu bì trên tế bào to, ít lỗ khí; biểu bì dưới tế bào nhỏ, nhiều lỗ khí [hình 27]. Lông che chở cấu tạo tương tự ở gân lá. Mô mềm chia làm 4 vùng: (1) mô mềm trên (vùng ngay dưới biểu bì trên) tế bào rất to, hình gần tròn, xếp chừa những đạo rất nhỏ, lớp tế bào dưới cùng hình trứng; (2) mô mềm giữa [hình 28] bao quanh và nối liền các bó libe gỗ tế bào nhỏ, hình bầu dục, chứa nhiều lục lạp, xếp chừa những khuyết nhỏ hay đôi khi bị hủy tạo thành những khuyết to; (3) mô mềm xốp trong các khuyết to có tế bào hình sao phân nhánh, thường bị hủy; (4) mô mềm dưới (vùng ngay trên biểu bì dưới) 5-7 lớp tế bào nhỏ, hình đa giác, xếp chừa những khuyết to hay nhỏ. Bó libe gỗ cấu tạo tương tự ở gân giữa và thường được bao quanh bởi một vòng tế bào mô mềm hình bầu dục hay gần tròn. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong mô mềm.
Bẹ lá [hình 29]: Vi phẫu cắt ngang lõm sâu ở mặt trên. Biểu bì, lông che chở và mô mềm tương tự như gân giữa lá. Bó libe gỗ [hình 30] cấu tạo tương tự ở gân giữa, kích thước không đều, xếp thành 3 lớp hướng về biểu bì dưới; các bó ở lớp giữa to, xen kẽ các khuyết, vùng mô mềm bao quanh chứa nhiều lục lạp; các bó ở trên và ở dưới các khuyết (gần sát biểu bì) rất nhỏ; trên bó gỗ và dưới bó libe có thể có cụm mô cứng hay mô dày. Tế bào tiết tinh dầu rải rác trong vùng mô mềm.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu trắng ngà, mùi thơm cay.
Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần [hình 31] màu nâu nhạt, tế bào vách dày. Mảnh mô mềm [hình 32] tế bào vách mỏng, có chứa nhiều tinh bột hoặc chứa tinh dầu [hình 33] màu vàng sậm. Mảnh mạch xoắn [hình 34], mạch vạch. Hạt tinh bột [hình 35] rất nhiều, hình trứng hay hình bầu dục, kích thước 16-32,5 x 7,5-22,5 µm, đôi khi hình 3 cạnh hay hình tròn, đường kính 8,5-22,5 µm, có rốn và vân không rõ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở Ấn Độ, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Inđônêxia, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp dưới tán rừng ẩm ướt hoặc được trồng làm cảnh và lấy củ làm thuốc.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Kaempferiae), thái miếng phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: 

Trong Địa liền có tinh dầu, trong tinh dầu thành phần chủ yếu là bocneola metyl, aldehyd cinamic, cinamat etyl, p-metoxycinamat etyl, kaempferol, kaepferid-4’-metyl este, 1,8-cineol, pentadecan, xineola

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Địa liền có công năng ôn trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ vị; chủ trị tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, răng đau, ngực bụng lạnh đau, tiêu hoá kém; còn dùng trị tiêu chảy, hắc loạn và ho gà. Ngày dùng 4 - 8 g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Ngâm rượu 40 - 50% trong 5 - 7 ngày để xoa bóp. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Hình đính kèm
Thân cỏ
Thân rễ
Lá
Cụm hoa
Hoa
Lá đài
Cánh hoa
Nhị
cánh môi
chung đới
hạt phấn
bầu
3 ô
giữa 2 ô phấn
Rễ
suberoid
Tế bào tiết
Vùng trung trụ
Thân rễ
Bần
Vùng trung trụ
tinh bột
Bó libe gỗ
Tế bào tiết
Bó libe gỗ
Phiến lá
lỗ khí
mô mềm giữa
Bẹ lá
Bó libe gỗ
Mảnh bần
Mảnh mô mềm
tinh dầu
mạch xoắn
Hạt tinh bột

Chi Zingiber

Loài Zingiber officinale (Willd.) Roscoe (Cây Gừng)

Tên
Tên khác: 

Khương

Tên khoa học: 

Zingiber officinale (Willd.) Roscoe

Họ: 

Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: 

Zingiber (Anh), Gingembre, Amome des Indes (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Tuy Hòa-Phú Yên, ngày 01 tháng 06 năm 2009

Số hiệu mẫu: 

G 0609

Thân [hình 1] khí sinh là thân cỏ nhiều năm, cao khoảng 1 m. Thân rễ [hình 2] có khi phồng thành củ. Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, phân nhánh trên một mặt phẳng, làm thành nhiều đốt, kích thước không đều, dài 3-7 cm, dày 0,5-1,5 cm, mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc, ở đầu đốt có vết tích của thân cây đã rụng, trên các đốt có vết sẹo của các lá khô (vảy), vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, lõi tròn [hình 3] rõ, mùi thơm, vị cay nóng. Lá không cuống, mọc so le thành 2 dãy, hình ngọn giáo, thắt lại ở gốc, đầu nhọn dài 15-20 cm, rộng 2 cm, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; gân lá song song. Bẹ nhẵn, có thể ôm vào nhau thành một thân giả. Lưỡi nhỏ [hình 4] dạng màng, nhẵn, chia 2 thùy cạn.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân rễ [hình 5]
Biểu bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, nhỏ xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là mô mềm vỏ gồm 5-6 lớp tế bào hơi dẹp, vách tẩm chất gỗ. Phía dưới lớp mô mềm vỏ này có khoảng 5 lớp bần [hình 6]. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào tròn, vách mỏng, có thể bị bẹp lại và nhăn nheo đối với thân rễ già. Nội bì đai Caspary, trụ bì gồm 1 lớp tế bào kích thước không đều, có xu hướng bị ép dẹp bởi các bó libe gỗ nằm gần đó. Vòng nội bì và trụ bì gần như liên tục. Mô mềm tủy là những tế bào hình tròn, to hơn tế bào mô mềm vỏ. Rất nhiều bó libe gỗ tập trung thành 1 vòng sát trụ bì và rải rác khắp mô mềm vỏ và mô mềm tuỷ. Mỗi bó có 1-6 mạch gỗ, libe chồng lên gỗ. Tế bào tiết [hình 7] chứa tinh dầu màu vàng tươi rất nhiều trong mô mềm vỏ và tủy.
Thân khí sinh [hình 8]
Cấu tạo từ nhiều bẹ lá ôm lấy lõi thân.
- Bẹ lá: Hình lưỡi liềm. Biểu bì trên hình đa giác, có kích thước lớn hơn biểu bì dưới. Mô mềm khuyết. Các bó mạch nhỏ, gồm từ 1-6 mạch gỗ, gỗ ở trên, libe ở dưới, các tế bào xung quanh hóa mô cứng. Tại đoạn có bó mạch, mô mềm và biểu bì bị ép dẹp. Ở bẹ lá ngoài cùng rải rác có biểu bì tiết.
- Thân: vi phẫu hình bầu dục. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, nhỏ. Dưới biểu bì là mô mềm khuyết hay đạo, tế bào hình tròn, vách mỏng. Trụ bì gồm 2-3 lớp tế bào uốn lượn tạo thành 1 vòng liên tục. Bên trong và ngoài vòng trụ bì có nhiều bó mạch gỗ nhỏ gồm từ 1-6 mạch gỗ, libe chồng lên gỗ. Các bó gỗ ngoài [hình 9] trụ bì thường có vòng mô cứng bao xung quanh, các bó phía trong [hình 10] thì không có. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác hoặc chữ nhật, đôi khi có chừa các khuyết lớn.
Ở bẹ lá và thân đều chứa rải rác tinh thể [hình 11] calci oxalat hình khối nhỏ, túi tiết và tế bào tiết rải rác trong vùng mô mềm.
[hình 12]
Mặt trên lõm, mặt dưới lồi, tế bào biểu bì hình đa giác, biểu bì dưới nhỏ hơn biểu bì trên, biểu bì tiết [hình 13] có cả ở 2 mặt. Mô mềm khuyết. Nhiều bó mạch xếp thành hàng, gỗ ở trên, libe ở dưới, vòng mô cứng nằm dưới libe. Bó gỗ ở gân giữa là lớn nhất và nhỏ dần về 2 phía. Túi tiết và tế bào tiết rải rác trong vùng mô mềm. Ở 2 bên phiến lá, dưới biểu bì trên có 1 lớp tế bào hạ bì lớn, không liên tục và 3 lớp mô mềm khá giống mô giậu, nhưng tế bào ngắn hơn. Trên biểu bì dưới cũng có 1 lớp hạ bì.
Biểu bì lá: Cả 2 mặt đều có lỗ khí [hình 14] nhưng biểu bì dưới có nhiều hơn, lỗ khí kiểu 1 lá mầm, các tế bào bạn có dạng hình chữ nhật ngắn hay lục giác. Biểu bì trên [hình 15] xếp đều đặn và thẳng hàng hơn biểu bì dưới [hình 16].

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột thân rễ [hình 17] màu nâu vàng, mùi thơm, vị cay. Gồm có các thành phần sau: mảnh bần màu vàng nâu, gồm nhiều tế bào vách hơi dày. Mảnh mô mềm [hình 18] gồm những tế bào hình đa giác, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu [hình 19] màu vàng nhạt hoặc tinh bột. Tinh bột hình trứng, có vân rõ, tễ nằm gần đầu nhọn, kích thước 20-24x10-17 μm. Sợi [hình 20] có vách mỏng, phía trong có lỗ trao đổi. Mảnh mạch [hình 21] vạch, mạch vòng, mạch điểm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Zingiber ở châu Á có khoảng 45 loài, Việt Nam có 11 loài.
Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng Gừng nhiều nhất thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.
Trong nhân dân hiện nay có nhiều loại: gừng trâu có thân to, củ to thường để làm mứt, có nhiều ở các vùng núi thấp; gừng gié có thân và củ đều nhỏ nhưng rất thơm. Cây ưa ẩm, ưa sáng. Cây trồng thường có hoa năm thứ 2. Chưa thấy cây có quả và hạt. Gừng trồng sau 1 năm nếu không thu hoạch sẽ có hiện tượng tàn lụi (phần trên mặt đất) qua đông. Thời gian sinh trưởng mạnh của cây trùng với mùa hè-thu nóng và ẩm. Gừng tái sinh dễ dàng bằng những đoạn thân rễ có nhú mầm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Ra hoa vào mùa hạ và mùa thu.

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Zingiberis) thu hái vào mùa thu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấy khô là can khương. Còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội); bào khương (gừng khô đã bào chế); thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính).
Công dụng: Bột rễ trị bệnh mắt hột tốt, làm giác mạc trở nên trong, giảm sự thẩm thấu dưới niêm mạc, tăng hoạt tính sống của mô mắt. Trị đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, nôn mửa ỉa chảy, tứ chi lạnh, đàm ẩm, ho suyễn.

Thành phần hóa học: 

Gừng chứa 2-3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalol, borneol.
Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol. Cineol trong Gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.

Hình đính kèm
Thân
Thân rễ
lõi tròn
Lưỡi nhỏ
Thân rễ
bần
Tế bào tiết
Thân khí sinh
bó gỗ ngoài
bó phía trong
tinh thể
Lá
biểu bì tiết
lỗ khí
Biểu bì trên
biểu bì dưới
Bột thân rễ
Mảnh mô mềm
tế bào tiết tinh dầu
Sợi
Mảnh mạch

Bộ Lúa (Poales)

Họ Lúa(Poaceae)

Chi Coix

Loài Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen (Rom) Stapf (Cây Ý Dĩ)

Tên
Tên khác: 

Bo bo, Hạt cườm, Cườm gạo, Dĩ mễ, Co đươi (Thái), Mặt pat (Tày)

Tên khoa học: 

Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen (Rom) Stapf

Họ: 

Lúa (Poaceae)

Tên nước ngoài: 

Job’s tears, Gromwell read (Anh), Lame de job, Lame de christ, Larmille (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Mẫu thu hái vào tháng 05 năm 2009, tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cỏ [hình 1] mọc thành bụi, cao 1 – 2 m. Tiết diện thân hơi bầu dục, màu xanh nhạt ở thân non, xanh đậm ở thân già. Phía dưới gốc thân có nhiều rễ hình trụ mọc ra, phần rễ trên mặt đất có màu xanh, phần rễ dưới mặt đất có màu trắng. Lá đơn, mọc cách, phiến lá hình dải dài, gốc tròn, đầu nhọn, kích thước 50 – 65 x 3,5 – 4,5 cm, bìa phiến nguyên, hơi gợn sóng, mặt trên có nhiều lông cứng ngắn. Gân lá song song, gân giữa nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá hình lòng máng, ôm sát thân, kích thước 13 – 15 x 2 – 2,5 cm, màu xanh nhạt, có nhiều gân dọc song song. Lưỡi nhỏ là 1 màng mỏng màu trắng, đỉnh có những răng cưa nhỏ, cao khoảng 1-1,5 mm. Cụm hoa [hình 2]: các bông chét hợp thành 1 bông giả. Bông giả được mang trên 1 trục tiết diện gần tam giác màu xanh, phình ở đỉnh, dài 7,5 – 8,5 cm, một mặt hơi lõm, một mặt lồi. Mỗi bông giả mang 1 bông chét cái [hình 3] ở gốc và nhiều bông chét đực [hình 4] ở phía trên. Bông chét cái được bao bởi 1 lá bắc rất cứng, hình trứng màu xanh lục, đường kính 0,6 cm, trục của các bông chét đực đi xuyên qua lá bắc này. Đôi khi bông giả chỉ mang các bông chét đực. Trên đoạn mang bông chét đực của bông giả, tại mỗi mấu thường có 1 – 2 bông chét đực không cuống ở cạnh 1 bông chét đực có cuống; cuống dạng sợi màu xanh nhạt, dài 1 mm. Mỗi bông chét đực có 2 mày hình bầu dục đầu nhọn màu xanh. Mày dưới to (kích thước 0,7 x 0,3 cm), có 2 nếp gấp và trên 2 nếp gấp này có răng cưa, bề mặt hơi nhám, có những đường gân dọc song song. Mày trên nhỏ (kích thước 0,7 x 0,2 cm), có 2 nếp gấp và những đường gân dọc song song, phía trong 2 mày là 2 hoa đực đính ở 2 mức khác nhau. Bông chét cái mang 1-2 hoa cái (thường là 1 hoa). Khi bông chét cái có 1 hoa, trên bầu noãn có 1 rãnh sâu; ở rãnh này có 2 bộ phận hình trụ cứng màu trắng xanh, đỉnh màu xanh, dài 0,7 – 0,8 cm ; theo tài liệu thì đây là vết tích của hoa cái bị trụy. Hoa đực [hình 5]: mỗi hoa đực có 2 mày nhỏ hình thuôn nhọn màu trắng xanh, đính ở 2 mức khác nhau; mày nhỏ dưới kích thước 0,6 x 0,25 cm, có 2 tai nhỏ màu trắng cao 0,6 mm; mày nhỏ trên kích thước 0,5 x 0,2 cm, không có tai. Nhị 3 (hiếm khi 1 ), rời, đều. Chỉ nhị dạng sợi màu trắng, dài 0,6 mm Bao phấn hình thuôn dài màu vàng, dài 0,4 cm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn [hình 6] hình cầu màu vàng, rời, kích thước 67,5 – 75 µm. Hoa cái [hình 7]: mỗi hoa cái có 2 mày mỏng màu trắng gần như trong suốt, dài 0,6 cm, nằm ngoài vết tích của hoa cái bị trụy. Lá noãn 2, bầu [hình 8] trên 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy; bầu noãn màu xanh nhạt, có 1 mặt lõm và 1 mặt lồi. 1 vòi nhụy hình sợi màu trắng, dài 0,6 cm. 2 đầu nhụy hình sợi, dài 1,1 cm, màu trắng, có nhiều lông nhỏ. Quả hình trứng hay gần tròn, kích thước 0,3 – 0,5 x 0,2 – 0,4 cm, mặt ngoài màu trắng hay trắng ngà, đôi khi có những đốm màu đỏ nâu.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ trên mặt đất [hình 9]
Vi phẫu hình gần tròn. Vết tích tầng lông hút là 1 lớp tế bào vách uốn lượn. Tầng suberoid 3 – 4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều nhau, xếp lộn xộn, 1-2 lớp tế bào ngoài cùng kích thước lớn gấp 3- 4 lần các lớp tế bào bên trong. Mô mềm vỏ khuyết, chia 2 vùng: mô mềm vỏ ngoài tế bào gần tròn hoặc đa giác, 7- 8 lớp tế bào xếp lộn xộn; mô mềm vỏ trong, 7 – 8 lớp tế bào xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm, 1- 2 lớp tế bào mô mềm vỏ sát lớp nội bì kích thước nhỏ hơn. Nội bì hình chữ U, 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bằng 1/2 tế bào mô mềm vỏ trong cùng. Trụ bì là 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, xen kẽ với tế bào nội bì. Hệ thống dẫn: có 45 bó tiền mộc và 45 bó libe xếp xen kẽ nhau, khoảng 22 mạnh hậu mộc to. Tia tủy là vùng mô mềm giữa bó tiền mộc và bó libe. Mô mềm tủy đạo, chia 2 vùng: 5-7 lớp tế bào hơi đa giác hóa mô cứng, kích thước nhỏ; vùng mô mềm tủy còn lại tế bào gần tròn hoặc đa giác vách bằng cellulose, kích thước không đều nhau, gần bằng tế bào mô mềm vỏ.
Vi phẫu rễ dưới mặt đất [hình 10]
Cấu tạo giống vi phẫu rễ trên mặt đất nhưng khác ở một số điểm sau: có các lông hút, mô mềm vỏ có các khuyết to.
Vi phẫu thân [hình 11]
Vi phẫu hình gần tròn. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí. Phía trong lớp biểu bì là một lớp tế bào mô cứng, tế bào hình đa giác, kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào gần tròn. Hệ thống dẫn gồm nhiều bó libe gỗ theo kiểu bó mạch kín xếp lộn xộn. Mỗi bó có cấu tạo như sau: libe chồng lên gỗ; xung quanh là bao mô cứng gồm 2-4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ; gỗ gồm có 2 mạch hậu mộc và 1-2 mạch tiền mộc, một số bó có mạch tiền mộc bị hủy để lại một khuyết. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, vùng mô mềm đạo xung quanh các bó libe gỗ phía ngoài có kích thước nhỏ hơn và hóa mô cứng. Ở gần giữa vi phẫu thường có 1-2 khuyết.
Vi phẫu lá [hình 12]
Gân giữa: tế bào biểu bì hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, kích thước nhỏ, rải rác có lỗ khí và lông che chở [hình 13] đơn bào ngắn. Dưới biểu bì trên là 2 – 3 lớp tế bào mô cứng hình đa giác, vách dày, kích thước nhỏ; ở biểu bì dưới mô cứng thường tập trung thành từng cụm, 8 – 9 lớp tế bào phía dưới các bó libe gỗ. Mô mềm đạo, phần lớn hóa mô cứng, tế bào đa giác vách mỏng, kích thước không đều nhau, lớn hơn rất nhiều so với tế bào biểu bì. Hệ thống dẫn: nhiều bó libe gỗ lớn nhỏ xếp xen kẽ nhau trên 1 hàng. Mỗi bó có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới; xung quanh là bao mô cứng, 1 – 2 lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước nhỏ bằng tế bào mô cứng ở biểu bì trên. Gỗ gồm có 2- 4 mạch hậu mộc to, 1-2 mạch tiền mộc, đôi khi mạch tiền mộc ở bó lớn bị hủy để lại một khuyết.
Phiến lá [hình 14]: tế bào biểu bì trên hình chữ nhật hoặc đa giác, có các tế bào bọt kích thước lớn và ít lông che chở đơn bào ngắn. Tế bào biểu bì dưới kích thước lớn hơn tế bào biểu bì trên. Lỗ khí rải rác ở cả 2 biểu bì. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Nhiều bó libe gỗ giống như ở gân lá, xung quanh các bó libe gỗ là các tế bào mô mềm hình thuôn dài, chứa các hạt lục lạp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột [hình 15] hạt mịn, có màu trắng ngà.
Thành phần: hạt tinh bột [hình 16] hình dĩa, rốn thường phân nhánh hình sao, kích thước 12,5 - 37,5µm, đôi khi có hạt hình nhẫn. Mảnh nội nhũ, tế bào hình đa giác khá đều đặn, bên trong có chứa chất dự trữ.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á.
Mùa hoa quả: tháng 5-12

Bộ phận dùng: 

Hạt (Semen Coicis) thường gọi là Ý dĩ nhân.

Thành phần hóa học: 

Quả Ý dĩ chứa tinh bột, protein, dầu béo, lipid, thiamin, acid amin, adenosin, chất vô cơ vết.
Lá và rễ chứa: benzoxazolon.
Rễ còn có môt số dẫn chất lignan, syringyl glycerol.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Do có lượng chất béo và tinh bột khá cao, nên quả Ý dĩ được coi là một nguồn lương thực có giá trị, đồng thời là một vị thuốc quý. Ý dĩ chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí đái, tả lỵ, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó vận động.

Hình đính kèm
Cỏ
Cụm hoa
bông chét cái
bông chét đực
Hoa đực
Hạt phấn
Hoa cái
bầu
Vi phẫu rễ trên mặt đất
Vi phẫu rễ dưới mặt đất
Vi phẫu thân
Vi phẫu lá
lông che chở
Phiến lá
Bột
hạt tinh bột

Chi Eleusine Gaertn

Loài Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cây Cỏ Mần Trầu)

Tên
Tên khác: 

Cỏ vườn trầu, Màng trầu, Thanh tâm thảo, Cỏ chỉ tía, Ngưu cân thảo, Hang ma (Tày), Co nhả hút (Thái), Hìa xú xan (Dao), Cao day (Ba Na), Hất t’rớ lạy (K’Ho), R’day (H’Dong)

Tên khoa học: 

Eleusine indica (L.) Gaertn.

Họ: 

Lúa (Poaceae)

Tên nước ngoài: 

Indian millet, Crowfoot grass, Dog’s tail grass, Crabgrass, Wiregrass (Anh), Éleusine d’inde (Pháp) [14]

Mẫu thu hái tại: 

Khoa Dược- Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/05/2009

Số hiệu mẫu: 

CMT170509, được lưu tại bộ môn Thực Vật-Khoa Dược

Dạng sống cỏ [hình 1], mọc thành bụi cao 50-70 cm, thân đứng, màu xanh nhạt, nhẵn bóng, dài 7-11 cm, chia nhiều đốt, tiết diện bầu dục. Lá đơn, mọc cách; phiến lá hình dải thuôn nhỏ dần ở ngọn, đầu nhọn, dài 20-25 cm, rộng 5-6 cm, mặt trên ráp có lông cứng rất ngắn, mặt dưới nhẵn màu xanh đậm hơn mặt trên; mép nguyên có lông trắng dài ít dần ở phần ngọn lá. Gân lá song song, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, có lông ở hai mặt. Bẹ lá mảnh, bóng, mặt ngoài màu xanh nhạt, mặt trong màu trắng xanh, dài 6-14 cm, lưỡi nhỏ [hình 2] là một lằn lông. Rễ chùm, màu trắng hay vàng nhạt. Cụm hoa [hình 3] gié-hoa [hình 4] xếp 2 dãy so le thành 5-7 gié dài 7-9 cm đính ở đỉnh trục phát hoa ở ngọn thân, thường có 1 gié đính ở mức thấp hơn. Các gié-hoa ở ngọn gié già hơn ở gốc. Trục phát hoa hình trụ hơi dẹp, dài 38-55 cm, màu xanh nhạt ở gốc xanh đậm ở ngọn, nhẵn bóng, có nhiều sọc dọc màu trắng, phần đáy trục có nhiều lông. Gié-hoa dài 5-6 mm có 3-5 hoa, hoa ở gốc già hơn ở ngọn. Gié-hoa có 2 dĩnh, dĩnh dưới nhỏ hơn dĩnh trên. Dĩnh trên hình mũi mác, thuôn mềm, đầu nhọn, dài 2,5-3 mm, rộng khoảng 0,5 mm, màu trong, có lườn, 4-7 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn. Dĩnh dưới giống dĩnh trên, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,1-1,5 mm, có 1 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn dài hơn dĩnh trên. Hoa [hình 5] dài 3-4 mm có 2 trấu. Trấu dưới hình mũi mác, trong, thuôn nhọn, có 2-4 gân xanh, dài 2,5-3,0 mm, rộng 0,5-0,75 mm, mặt lưng có răng cưa nhọn. Trấu trên giống trấu dưới, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,2-0,4 mm, có 1 gân. Bộ nhị [hình 6] có 2-3 nhị, rời, đều, chỉ nhị hình sợi chỉ, màu trắng, dài 2,5-3 mm; bao phấn thuôn dài 0,2-0,3 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng nội, đính giữa, màu vàng khi non và màu tím khi già; hạt phấn màu vàng, hình cầu, đường kính 22,5-32,5 µm. Bộ nhụy [hình 7] bầu 1 ô, hình trứng, dài 0,3-0,4 mm, rộng 0,2-0,3 mm; 2 vòi nhụy dài gần bằng nhau, màu xanh, hình trụ, dài 0,3-0,4 mm; đầu nhụy dài 0,7-0,8 mm có nhiều lông dài màu nâu. Quả [hình 8] hình trứng hoặc bầu dục, màu xanh bóng dài 1,2-1,5 mm

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 9]
Vi phẫu hình bầu dục hơi nhọn một đầu. Biểu bì hóa mô cứng, tế bào hình chữ nhật, kích thước rất nhỏ, lớp cutin dày. Mô cứng gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Mô mềm khuyết gồm 5-7 lớp tế bào hình tròn, kích thước lớn hơn nhiều so với tế bào biểu bì, rải rác có tinh thể calci oxalat hình khối. Vòng mô cứng [hình 10] gồm 9-11 lớp tế bào hình đa giác vách dày, kích thước nhỏ. Mô mềm tủy khuyết, tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước không đều. Nhiều bó libe gỗ [hình 11] xếp không thứ tự từ vòng mô cứng vào trong, càng vào trong kích thước các bó càng lớn. Mỗi bó [hình 12] gồm một cụm nhỏ libe tế bào hình đa giác, vách hơi uốn lượn, 1-3 mạch hậu mộc to, hình tròn hoặc bầu dục; 1-2 mạch tiền mộc hình tròn nằm trong vùng mô mềm vách cellulose, có thể có khuyết ở cực gỗ. Bao bên ngoài mỗi bó dẫn là 1-2 lớp tế bào mô cứng hình đa giác. Tủy bị hủy tạo khuyết to

Gân giữa: Biểu bì trên tế bào hình chữ nhật, kích thước khá đều nhau; biểu bì dưới hóa mô cứng, tế bào hình chữ nhật nhỏ hơn biểu bì trên, sát biểu bì dưới là cụm mô cứng, tế bào rất nhỏ bằng 1/5-1/6 tế bào biểu bì trên. Mô cứng tập trung thành cụm gồm 2-4 lớp tế bào hình đa giác, khoang hẹp. Mô mềm đạo gồm nhiều lớp tế bào hình đa giác gần tròn, kích thước rất lớn. Các bó dẫn kích thước khác nhau xếp thành hàng dọc theo biểu bì dưới, có một bó lớn ở chính giữa gân. Mỗi bó gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; tế bào libe hình đa giác, vách uốn lượn; gỗ có mạch hậu mộc to, hình tròn nằm hai bên, 1-2 mạch tiền mộc trong vùng mô mềm vách cellulose. Bao bên ngoài bó libe gỗ là 2 vòng mô, vòng mô cứng bên trong gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, vòng mô mềm bên ngoài gồm 1 lớp tế bào hình đa giác to chứa khối chất màu vàng nâu dạng cát và hạt lục lạp; bên ngoài vòng này có 1-2 lớp tế bào mô mềm hình thuôn dài, chứa lục lạp.
Phiến lá [hình 13]: Biều bì trên lồi nhiều ở các vị trí có bó dẫn, lõm ở các vị trí tế bào bọt. Tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới hình chữ nhật hóa mô cứng, tế bào biểu bì dưới lớn hơn biểu bì trên, lỗ khí [hình 14] rải rác ở cả hai biểu bì, có ít lông [hình 15] che chở đơn bào ngắn ở biểu bì trên; trên lớp biểu bì trên có các tế bào bọt, hình tròn kích thước lớn hay hình chữ nhật. Mô cứng tạo thành cụm phía trên và dưới bó libe gỗ, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ. Nhiều bó dẫn [hình 16] kích thước không đều xếp xen kẽ với các vị trí tế bào bọt. Cấu tạo bó dẫn giống như bó dẫn ở gân giữa. Mô mềm đạo tế bào hình đa giác xen giữa các các bó dẫn rất ít

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu vàng xanh. Mảnh biểu bì [hình 17] tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Mảnh mô mềm tế bào hình đa giác hoặc hình chữ nhật, vách mỏng. Sợi [hình 18] có 2 loại: loại vách dày khoang rộng và loại vách dày khoang hẹp, ống trao đổi rõ. Mảnh mạch mạng [hình 19], mạch vòng [hình 20], mạch xoắn [hình 21]. Hạt phấn [hình 22] hình cầu, đường kính 20-25 µm

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Eleusine Gaertn. là một chi nhỏ, chỉ có 2 loài ở Việt Nam. Cây ưa ẩm, ưa sáng, có thể hơi chịu bóng, mọc thành đám.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.

Bộ phận dùng: 

Tòan cây (Herba Eleusini), thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Phần trên mặt đất chứa: 3-0-β-D-Glucopy ranosyl-β-sitosterol và dẫn chất 6’-0-palmitoyl. Cành lá tươi có flavonoid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Chữa cảm nắng, sốt nóng, máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, đái són, đái đỏ. Bài thuốc “toa căn bản” có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, nhuận gan, giải độc, kích thích tiêu hóa. Chữa cao huyết áp. Ở Malaysia, nước ép cỏ mần trầu dùng cho phụ nữ sau khi sinh mau hết sản dịch. Ở Philippin, dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa kiết lỵ, nước sắc với “gogo” (Entada phaseoloides) gội đầu sạch gàu, chống rụng tóc.

Hình đính kèm
Dạng sống cỏ
lưỡi nhỏ
Cụm hoa
gié-hoa
Hoa
Bộ nhị
Bộ nhụy
Quả
Thân
Vòng mô cứng
bó libe gỗ
Mỗi bó
Phiến lá
lỗ khí
lông
bó dẫn
Mảnh biểu bì
Sợi
Mảnh mạch mạng
mạch vòng
mạch xoắn
Hạt phấn

Chi Imperata Cirillo

Loài Imperata cylindrica (L.) P. Beauv (Cỏ Tranh)

Tên
Tên khác: 

Bạch mao căn, Cỏ tranh săng, Bạch mao căn, Nhả cà, Lạc cà (Tày), Gan (Dao), Día (K’Dong)

Tên khoa học: 

Imperata cylindrica (L.) P. Beauv. var. cylindrica

Họ: 

Lúa (Poaceae)

Tên nước ngoài: 

Alang-grass, Alang-alang, Bedding grass (Anh), Herbe à paillote (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

Quận 12-thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/05/09

Số hiệu mẫu: 

CT240509, được lưu tại bộ môn Thực vật - Khoa Dược

Dạng sống [hình 1] cỏ sống dai, cao 0,9-1,55 m. Thân khí sinh dài 0,5-1,2 m, nhẵn, mấu có nhiều lông mềm màu trắng dài khoảng 3-4 mm, tiết diện bầu dục, tủy bị hủy. Thân rễ [hình 2] màu trắng, tiết diện tròn, đường kính 2-3 mm, nhiều lóng, mấu có vảy và nhiều rễ phụ. [hình 3] đơn, dạng dải thuôn dài đầu nhọn hình ngọn giáo hoặc mũi mác, dài 60-85 cm, rộng 0,7-1,8 cm; mặt trên ráp có lông nhiều ở mép lá, mặt dưới nhẵn. Lá non màu xanh nhạt, cuộn lại; lá già màu xanh đậm. Gân lá song song, gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá cứng, hình ống xẻ dọc, ôm thân, phần dưới màu trắng, phần giữa có sọc hồng tím, phần trên màu xanh, dài 18-32 cm; mép bẹ có rìa mảnh; lưỡi nhỏ [hình 4] là lằn lông trắng, dài 1-3 mm. Cụm hoa [hình 5] gié-hoa tạo thành chùy màu trắng bạc dài 20-25 cm trên trục hình trụ ở ngọn thân dài 24-35 cm. Gié-hoa đứng áp sát trục phát hoa, non ở gốc già ở ngọn, có 2-4 hoa; không có dĩnh. Hoa [hình 6] trần, lưỡng tính, dài 3-5 cm; cuống hoa màu xanh nhạt, hình trụ dài 2–6 mm, nhiều lông trắng bạc dài 9-13 mm ở đỉnh. Trấu [hình 7] 2, kích thước gần bằng nhau. Trấu trên hình dải hẹp dài 3-3,5 mm, mềm, màu trắng trong, đầu nhọn, mép và mặt lưng có nhiều lông, có nhiều gân xanh. Trấu dưới giống trấu trên. Trấu phụ [hình 8] 2, gần bằng nhau, dạng màng mỏng, màu trắng trong như thủy tinh, đầu tù răng cưa có nhiều lông tua ở đầu, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,5-0,7 mm. Nhị [hình 9] 2, rời, đều; chỉ nhị màu trắng dạng sợi mảnh, lúc hoa nở chỉ nhị dài ra đưa bao phấn ra ngoài, dài 3-4 mm; bao phấn [hình 10] hình chữ nhật thuôn ở đầu, dài 3-4 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng nội, đính giữa [hình 11], màu vàng lúc non, màu nâu khi nứt; hạt phấn [hình 12] hình cầu có nhiều lõm sâu, đường kính 20-27,5 µm. Bộ nhụy [hình 13] bầu 1 ô, hình trứng, dài gần 1 mm; 1 vòi nhụy màu trắng, dài 3,5-4,5 mm; 2 đầu nhụy màu tím nâu, dài 2-2,5 mm, nhiều lông.

Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân khí sinh
Vi phẫu [hình 14] hình bầu dục. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ, hóa mô cứng. Mô cứng [hình 15] 1-2 lớp xếp thành vòng liên tục, tế bào hình chữ nhật đứng, kích thước lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm vỏ đạo gồm 5-7 lớp tế bào hình tròn hoặc gần tròn, kích thước không đều, to hơn tế bào biểu bì rất nhiều, có nhiều khuyết. Vòng mô cứng 1-3 lớp tế bào hình đa giác vách mỏng, kích thước khá đều nhau. Nhiều bó dẫn sắp xếp [hình 16] lộn xộn từ bên ngoài vòng mô cứng [hình 17] vào trong mô mềm, libe ở ngoài gỗ ở trong, đôi khi 3-4 bó nằm cạnh nhau thành cụm. Mỗi bó có libe tạo thành cụm nhỏ, tế bào đa giác vách méo mó xếp lộn xộn; 1-2 mạch tiền mộc hình tròn nằm trong vùng mô mềm vách cellulose, có thể có khuyết ở cực gỗ; 1-3 mạch hậu mộc to, hình tròn, ở 2 bên libe hay phía trên tiền mộc. Bao quanh mỗi bó dẫn là vòng mô cứng gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ. Mô mềm tủy đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, không đều. Tủy bị hủy tạo khuyết to chiếm khoảng 1/3 chiều dày vi phẫu.
Thân rễ
Vi phẫu [hình 18] tiết diện tròn, lõm ở 1 góc. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ. Mô cứng [hình 15] 1-2 lớp tế bào hình đa giác dài xếp thành vòng liên tục. Mô mềm vỏ đạo 13-15 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn; có bó vết lá [hình 19] trong mô mềm vỏ. Nội bì hình móng ngựa, thấy rõ ống trao đổi. Trụ bì 3-5 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, vách dày hóa mô cứng thành vòng. Nhiều bó [hình 20] dẫn xếp không thứ tự từ trụ bì vào trong mô mềm tủy, các bó bên trong kích thước hơi lớn hơn. Bó dẫn [hình 21] gồm cụm libe với mạch rây to vách méo mó chồng lên 1-2 mạch hậu mộc to, hình tròn hoặc gần tròn; mạch tiền mộc một hoặc không có. Bao quanh bó dẫn là vòng mô cứng gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác. Mô mềm tủy đạo tế bào hình tròn hoặc hơi bầu dục, kích thước không đều. Vùng tủy chiếm hơn 1/3 đường kính vi phẫu.

Gân giữa [hình 22]: Biểu bì trên và biểu bì dưới hóa mô cứng, tế bào hình chữ nhật nhỏ; lớp cutin dày, rải rác có lỗ khí và lông che chở đơn bào ngắn. Mô cứng 2-3 lớp tế bào hình đa giác, vách dày, kích thước nhỏ; ở trên biểu bì dưới mô cứng thường tạo thành cụm 8 – 9 lớp tế bào ở vị trí các bó dẫn. Mô mềm đạo gồm 9-10 lớp tế bào hình đa giác to. Nhiều bó dẫn to nhỏ xếp xen kẽ nhau trên một hàng [hình 23] gần sát biểu bì dưới. Mỗi bó dẫn [hình 24] gồm gỗ ở trên, libe ở dưới; mạch tiền và hậu mộc hình tròn, 2 mạch hậu mộc ở hai bên mạch tiền mộc; libe tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn thành cụm. Bao bên ngoài bó libe gỗ là 2 vòng mô, vòng mô cứng bên trong gồm 1-2 lớp tế bào hình đa giác, vòng mô mềm bên ngoài gồm 1 lớp tế bào hình đa giác to. Một số bó lớn tiền mộc bị hủy để lại các khuyết.
Phiến lá [hình 25]: Tế bào biểu bì trên hình chữ nhật, có các tế bào bọt [hình 26] kích thước lớn; tế bào biểu bì dưới kích thước lớn hơn tế bào biểu bì trên, cả 2 biểu bì đều có lỗ khí và ít lông che chở [hình 27] đơn bào ngắn. Mô cứng tạo thành cụm phía trên và dưới các bó dẫn lớn, gồm 3-5 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, rất vách dày. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Nhiều bó dẫn kích thước không đều xếp xen kẽ nhau, các bó lớn xen kẽ với tế bào hình bọt và nối với hai lớp biểu bì bởi 2 cụm mô cứng, cấu tạo giống như bó dẫn ở gân lá. Xung quanh các bó dẫn là các tế bào mô mềm hình thuôn dài, chứa các hạt lục lạp.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột màu trắng ngà, có nhiều sợi. Mảnh biểu bì [hình 28] tế bào hình chữ nhật dài vách dày mang lỗ khí. Sợi [hình 29] rời hoặc tập trung thành cụm [hình 30], có 3 loại: loại sợi dài, vách dày, khoang hẹp và có ống trao đổi rõ; loại sợi có vách dày, khoang rộng, có lỗ trao đổi. Tế bào mô cứng có hình dạng khác nhau: hình đa giác [hình 31], hình thuôn dài một đầu nhọn một đầu tù hoặc hai đầu nhọn. Mảnh mạch điểm [hình 32], mạch xoắn, mạch vạch [hình 33]. Mảnh mô mềm [hình 34] vách mỏng, tế bào hình gần tròn hoặc đa giác.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, một số nơi Nam Âu. Ở Việt Nam, cỏ tranh có ở khắp nơi. Cây ưa sáng, sống dai. Mùa hoa quả: gần như quanh năm

Bộ phận dùng: 

Thân rễ (Rhizoma Imperatae) thường được gọi là bạch mao căn. Hoa cũng được dùng.

Thành phần hóa học: 

Cỏ tranh non chứa protein, Ca, N, P, vitamin C, A. Thân rễ chứa đường.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ chữa nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, đái ít, đái buốt, đái ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp, hen suyễn. Hoa cỏ tranh chữa chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu vết thương.

Hình đính kèm
Dạng sống
Thân rễ
Lá
lưỡi nhỏ
Cụm hoa
Hoa
Trấu
Trấu phụ
Nhị
bao phấn
đính giữa
hạt phấn
Bộ nhụy
Vi phẫu
Mô cứng
sắp xếp
vòng mô cứng
Vi phẫu
bó vết lá
Nhiều bó
Bó dẫn
Gân giữa
một hàng
Mỗi bó dẫn
Phiến lá
tế bào bọt
lông che chở
Mảnh biểu bì
Sợi
cụm
đa giác
mạch điểm
mạch vạch
Mảnh mô mềm