Bộ Cà (Solanales)

Họ Cà (Solanaceae)

Chi Solanum

Loài Solanum diphyllum L. (Cây Cà hai lá)

Tên
Tên khoa học: 

Solanum diphyllum L.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Twoleaf nightshade, twinleaf nightshade.

Mẫu thu hái tại: 

tỉnh Trà vinh tháng 6 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CHL0607

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 0,5-1 m. Thân tiết diện tròn, thường có 2, ít khi 3, gân dọc nổi rõ; thân non màu lục hay nâu đỏ, rất ít lông; thân già nâu đen, có nốt sần. Lá [hình 2] đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn [hình 3] lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá hình trứng thuôn, dài 5,5-8,5 cm, ngang 2-2,5 cm, đầu có mũi nhọn, đáy phiến thuôn hẹp, không đều, kéo dài xuống đến đáy cuống, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, bìa nguyên, gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 4-6 mm, có lông ngắn. Cụm hoa [hình 4] ở ngoài nách lá hay đối diện với lá, gồm 8-10 hoa hay nhiều hơn, xếp thành chùm ngắn và cong như đuôi con bò cạp; cuống cụm hoa màu lục nâu, có lông ngắn. Hoa [hình 5] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 10-12 mm; cuống cong hướng xuống phía dưới, màu lục hay nâu đỏ, dài 8-10 mm, nhẵn hay có lông ngắn. Lá đài 5, màu lục nhạt, nhẵn, dài 2,5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hình chén, phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, bằng nhau, dài 1,5 mm, ngang 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dài 5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống ngắn, phía trên loe rộng. Phần loe gồm 2 phần: phía dưới là phần các phiến dính nhau rất ít, phía trên là 5 phiến rời, bằng nhau, hình bầu dục thuôn, đầu nhọn, dài 3,5 mm, ngang khoảng 2 mm, tiền khai van; giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở, lúc đầu phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với ống (kiểu tràng hình bánh xe) nhưng sau đó thì sụ xuống phía dưới. Nhị 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài 0,5 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn hình bầu dục, dài khoảng 2 mm, màu vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 19-23 µm, ngang 9-13 µm, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa lồi; bầu trên, hình cầu, màu lục, nhẵn; vòi nhụy 1, hình sợi, dài 4 mm, vượt ra khỏi ống bao phấn một đoạn 2 mm, màu trắng ngà; đầu nhụy 1, hình cầu, màu vàng lục, chia 2 thùy cạn. Quả mọng, mọc đứng, hình cầu, đường kính 8-10 mm, lúc non màu lục, khi chín màu vàng cam, vỏ sáng bóng hay không; cuống dài khoảng 10 mm; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình thận dẹp, dài 3 mm, ngang 2 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ [hình 7] hình tròn, tâm đôi khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 8] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng xuyên tâm; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; rải rác có những tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát; hầu hết các tế bào đều chứa đầy hạt tinh bột không đều, hình tròn, tễ ở giữa. Tế bào mô cứng [hình 9] thường hình bầu dục, ít khi tròn hay đa giác, vách mỏng, xếp thành từng cụm. Libe tạo thành vòng quanh gỗ, hiếm có tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 10]; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 11] không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Vi phẫu thân [hình 12] hình gần tròn, có 2 hay 3 góc lồi, rất ít lông che chở. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 13]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ. Lông che chở [hình 14] ngắn, thường đi từ một tế bào biểu bì hơi to hơn các tế bào khác, gồm 2 tế bào; vách các tế bào của lông ít dày, mặt ngoài lấm tấm. Lông tiết ít gặp, cấu tạo gồm chân một tế bào dài hơn đầu và đầu hình tròn hay hình bầu dục nhiều tế bào. Bần ở thân già là những tế bào hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình đa giác hay hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 15] mô cứng vách dày, ống trao đổi không rõ, xếp thành từng cụm. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều, rải đều trong mô mềm gỗ; mô mềm gỗ là những tế bào có vách ít dày; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 thường rời rạc, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng vùng. Libe trong [hình 16] là nhiều cụm nhỏ, thường xếp sát nhau. Ở thân già, phía dưới libe quanh tủy có những cụm sợi. Mô mềm tủy [hình 17] gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, xếp chừa những đạo nhỏ, thường có nhiều tinh bột; một số tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 18]
Vi phẫu có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí, lông che chở và lông tiết ít gặp, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; một số tế bào chứa nhiều tinh bột hoặc chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ [hình 19] ở giữa xếp thành một hình cung, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới, ở hai cánh có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ; vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ. Sợi mô cứng có thể gặp, xếp thành từng cụm nhỏ dưới libe và trên libe quanh tủy.
Vi phẫu lá [hình 20]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên [hình 21] và biểu bì dưới [hình 22] có lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết ít gặp, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì luôn có dưới biểu bì trên, không hay có từng đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, trong tế bào có nhiều hạt lục lạp, rất ít khi có tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào hình đa giác. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, giữa các tế bào có đạo nhỏ; một số tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ xếp thành hình cung [hình 23] ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Sợi mô cứng có thể gặp, xếp rải rác hay thành từng cụm nhỏ dưới libe và trên libe quanh tủy.
Phiến lá [hình 24]: Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lỗ khí kiểu dị bào có rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài. Mô xốp gồm những tế bào không đều, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân với những tế bào hình đa giác mang lỗ khí. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi uốn luợn, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì gân giữa với những tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì cánh hoa tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng rẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng có vách mỏng hay dày. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám. Tinh thể calci oxalat dạng cát. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Mọc ở sân vườn, dựa đường, vùng Sài gòn, Đồng tháp. Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 8.

Thành phần hóa học: 

Rễ cây có chứa 3-O-(beta-D-glucopyranosyl) etioline [(25S)-22,26-epimino-3beta-(beta-D-glucopyranosyloxy) cholesta-5,22(N)-dien-16alpha-ol].

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Tác dụng độc tế bào, có khả năng diệt một số dạng tế bào ung thư cổ, tế bào Hela.
Solanum diphyllum có hình thái khá giống với S. spirale (Cà xoắn), cần lưu ý để chống nhầm lẫn.

Hình đính kèm
Cây
Lá
lôi cuốn
Cụm hoa
Hoa
hạt phấn
Vi phẫu rễ
Bần
mô cứng
chiếm tâm
Gỗ 1
Vi phẫu thân
các mô
Lông che chở
Sợi
Libe trong
Mô mềm tủy
Cuống lá
Libe gỗ
Vi phẫu lá
Biểu bì trên
biểu bì dưới
hình cung
Phiến lá

Loài Solanum melongena L. var. esculentum Ness. (Cây Cà tím)

Tên
Tên khác: 

Cà dái dê

Tên khoa học: 

Solanum melongena L. var. esculentum Ness.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Egg plant, Aubergine.

Mẫu thu hái tại: 

Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CT0507

Cỏ mọc đứng, sống 1 năm hay nhiều năm có gốc hóa gỗ, cao 0,5-1 m. Thân [hình 1] tiết diện tròn, thân non màu lục hay lục tím và đầy lông phân nhánh hình sao, thân già nâu xám, nhiều nốt sần. Lá [hình 2] đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá dài 8-18 cm, ngang 6-10 cm, hai mặt đầy lông mịn, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, đầu thuôn nhọn, đáy không đối xứng, hai bên lệch một đoạn 5-20 mm; bìa có thùy cạn hình lông chim; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, mặt trên gân giữa màu lục hay tím. Cuống lá dài 2-4 cm, hình trụ, mặt trên hơi phẳng, đầy lông mịn. Cụm hoa [hình 3] ngoài nách lá, thường ở đoạn phía trên của lóng, gồm 1 hoa ở gốc đính sát vào thân (hoa gốc), 2 hay 3 hoa còn lại phía trên (hoa ngọn) xếp thành xim ngắn trên một cuống dài 10-20 mm, màu lục tím, đầy lông mịn. Hoa gốc [hình 4] và hoa ngọn [hình 5] giống nhau ở phần lớn các đặc điểm, nhưng cũng có những điểm khác biệt.
Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu tím; cuống màu lục tím, cong hướng xuống phía dưới, đầy lông mịn. Lá đài 5, màu lục tím, mặt ngoài đầy lông mịn, có một gân dọc ở giữa nổi rõ, dính nhau khoảng một nửa phía dưới thành ống hình chén có 5 cạnh; phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, đều nhau, ngang 2 mm, phía đầu thuôn hẹp, tiền khai van. Cánh hoa 5, dính nhau phía dưới thành ống ngắn, hẹp và màu lục, phía trên loe rộng và màu tím. Phần loe rộng đầy lông mịn ở mặt ngoài, gồm 2 phần: phần dưới do các phiến dính nhau, phần trên chia thành 5 phiến rời hình bầu dục đầu nhọn, tiền khai van, giữa phiến có một phần dọc màu tím nhạt hơn, ngang 3-5 mm; giữa phần tím nhạt này có một gân dọc màu tím sậm. Khi hoa nở phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với phần hẹp của ống tràng (kiểu tràng hình bánh xe). Nhị [hình 6] 5, rời, dài bằng nhau, đính ở đáy ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị vàng nhạt, nhẵn; bao phấn thuôn, vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ [hình 7] ở đỉnh; hạt phấn [hình 8] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 30-40 m, ngang 15-25 m, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu [hình 9] 2 ô; các vách giả xuất hiện sớm chia bầu thành 4 ô, 2 ô to và 2 ô nhỏ; mỗi ô có thể lại chia thành 2 ô nhỏ hơn, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa rất lồi; bầu trên, trắng ngà, gần cầu, phía đầu có lông trắng thưa, có 4 thùy; vòi nhụy 1, hình sợi, thẳng, đầy lông mịn màu trắng; đầu nhụy 1, hình cầu, màu lục sậm, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 10] mọng đơn lẻ, thuôn, phía đầu nhỏ hơn phía đáy, dài 17-19 cm hay hơn, đường kính 4-5 cm hay hơn, vỏ láng bóng, màu tím sậm khi chín; cuống dài 4-5 cm hay hơn; lá đài đồng trưởng trên quả, dày, dài 3 cm. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình dĩa, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.
Những điểm khác biệt giữa hoa gốc và hoa ngọn.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 11]
Vi phẫu có tiết diện tròn, tâm đôi khi bị lệch. Vùng vỏ [hình 12]: Bần thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều; giữa các tế bào có đạo, rải rác có vài khuyết nhỏ; rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể [hình 13] calci oxalat dạng cát. Nội bì [hình 14] khung Caspary rõ. Vùng trung trụ: Trụ bì 1-3 lớp tế bào không đều, hình đa giác, thường dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng bằng cellulose, một vàitế bào hóa mô cứng. Libe thành vòng quanh gỗ, rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Thân
Vi phẫu có tiết diện gần tròn, thân non nhiều lông [hình 15] che chở, thân già ít hay không có lông.
Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 16]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở đa bào gồm chân và đầu; chân lông ngắn hay dài, gồm 4- nhiều tế bào không đều, xếp thành 2 hay 3 hàng dọc; đầu lông gồm nhiều tế bào không đều xếp tỏa thành hình sao; vách các tế bào ở chân dày hơn vách tế bào ở đầu. Lông tiết rải rác khắp biểu bì, đi từ một tế bào biểu bì, gồm chân và đầu; chân lông là 1, ít khi 2 tế bào, thường dài hơn đầu, thẳng hay cong; đầu lông hình bầu dục, thường, gồm 1-2 tế bào ở dưới và 4 tế bào ở trên xếp trên cùng một mặt phẳng. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày [hình 17] góc gồm 5-6 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ gồm 7-12 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, rất hiếm có tế bào chứa tinh thể calci oxalat [hình 18] dạng cát. Sợi [hình 19] mô cứng vách dày hay mỏng, nhiều hay ít, thường xếp thành từng cụm, ít khi riêng lẻ. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, rải rác có những tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ 1 rời rạc hay xếp thành từng bó, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng nhóm. Libe trong [hình 20] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1, phía dưới có những cụm sợi mô cứng. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 21]
Vi phẫu có tiết diện hình bầu dục, mặt trên lồi gần như phẳng, mặt dưới lồi.
Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí. Lông che chở [hình 22] và lông tiết có hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục ở biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 (3) lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa gíác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ [hình 23] ở giữa xếp thành một hình cung liên tục hay chia thành 3 cụm, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai góc có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ. Li be quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ.
[hình 24]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều trên cả 2 lớp biểu bì, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì không liên tục, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 25] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Phiến lá [hình 26] có cấu tạo dị thể không đối xứng. Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lông che chở và lông tiết có hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân nhưng đa số là dạng lông che chở có chân ngắn. Lỗ khí có rất nhiều ở biểu bì dưới. Mô giậu là 1 lớp tế bào thuôn dài, ít khi có tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô xốp gồm những tế bào không đều, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình đa giác. Lông che chở hình sao còn nguyên hay gãy thành từng đoạn. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào vách uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào vách ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì cánh hoa là những tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm chứa hạt tinh bột. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng có vách mỏng. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng ở nước ta từ lâu đời. Cà được nhập vào Châu Âu từ thế kỷ XV, nay được trồng phổ biến ở các vùng nam Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Cà tím là một thứ cà được tạo ra trong quá trình trồng trọt, thời gian sinh trưởng thông thường 50-60 ngày.

Bộ phận dùng: 

Quả và lá (Fructus et folium Solani melongenae).

Thành phần hóa học: 

Thành phần hóa học: Trong cây có trigonellin, -amino-4-ethyl glyoxalin và cholin; thuỷ phân dịch nhầy của cây ta được acid cafeic. Lá chứa 1,2,3,4-tetrahydroxunortropan, 4-ethyl-1,2-benzenediol carpestin, b-sitosterol, solasodin, solamargin, solasonin, acid ursolic..... Quả chứa 92% nước, phần còn lại gồm protid, lipid, glucid, các khoáng chất như magiê, calci, kali, lưu huỳnh, natri, sắt, mangan, kẽm, đồng, iod và các vitamin; vỏ quả chứa nasunin, shisonin, delphinidin-3-monoglucosid và một chất màu là glucosilic thuộc nhóm anthocyan. Hạt chứa diosgenin, togenin, melongosid L.M.N.O.P (steroid saponin).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cà được nhân dân dùng làm thức ăn hay làm thuốc.
Khi làm thức ăn phải dùng quả chín vì khi chưa chín, quả chứa chất độc solanin, có thể luộc, xào nấu,...xắt mỏng tẩm bột rán hoặc nấu bung để ăn; cũng có thể muối nén hay muối mặn để ăn dần.
Người ta thường dùng Cà trong trường hợp thiếu máu, tạng lao (tràng nhạc), táo bón, giảm niệu, tim dễ kích thích; cũng dùng chữa các chứng xuất huyết (đại tiện ra máu, phụ nữ rong huyết, tiểu ra máu, lỵ ra máu), chữa sưng tấy, làm giảm cholesterol trong máu, giúp ăn ngon, trị đau gan, trợ tim. Lá trị viêm phế quản, bí tiểu; trênin vitro, chống siêu khuẩn R.D; dùng ngoài đắp để làm dễ chịu các vết bỏng, áp xe, bệnh nấm, trĩ. Hột lợi đàm, trị hen suyễn và ho khan. Rễ trị suyễn, phấn khích. Delphinidin (trong quả) chống giai đoạn truyền lan của ung thư fibrosarcom HT-1080, in vitro.

Hình đính kèm
Thân
Lá
Cụm hoa
Hoa gốc
hoa ngọn
Nhị
lỗ
hạt phấn
bầu
Quả
Rễ
Vùng vỏ
tinh thể
Nội bì
lông
các mô
Mô dày
calci oxalat
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Lông che chở
Libe gỗ
Lá
Libe và gỗ
Phiến lá

Loài Solanum spirale Roxb. (Cây Cà xoắn)

Tên
Tên khác: 

Chanh trường

Tên khoa học: 

Solanum spirale Roxb.

Tên đồng nghĩa: 

Solanum callium C. T. White ex R. J. F. Hend..

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Mẫu thu hái tại: 

Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. HCM tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CX0507

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 1-2 m. Thân tiết diện tròn, thường có 2, ít khi 3, gân dọc; thân non màu lục hay nâu đỏ, có lông ít ngắn; thân già màu nâu đen, nhẵn. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn [hình 2] lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Lá to hình trứng, dài 4-7 cm, ngang 2-3 cm; lá nhỏ hình bầu dục, dài 1-2 cm, ngang 0,5-1 cm. Phiến lá mỏng, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, nhiều lông ngắn ở mặt trên và phía gốc của gân chính, đầu có mũi nhọn, đáy phiến thuôn hẹp, không đều, kéo dài xuống đến đáy cuống; bìa nguyên; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 3-7 mm, có lông ngắn. Cụm hoa [hình 3] ở ngoài nách lá hay đối diện với lá, 10-15 hoa hay nhiều hơn, xếp thành xim ngắn và cong; cuống cụm hoa dài 3-5 mm, màu lục nâu, có lông ngắn. Hoa [hình 4] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 5-6 mm; cuống cong hướng xuống phía dưới, màu lục hay nâu đỏ, dài 5-10 mm, nhẵn hay có lông ngắn. Lá đài 5, màu lục nhạt, nhẵn, dài 2 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hình chén, phía trên chia thành 5 phiến hình bầu dục thuôn đầu nhọn, bằng nhau, dài 1 mm và ngang 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống ngắn, phía trên loe rộng ra. Phần loe rộng gồm 2 phần: phần do các phiến dính nhau rất ít phía dưới, trên chia thành các phiến bằng nhau, hình bầu dục thuôn đầu nhọn, dài 4 mm và ngang khoảng 1,5 mm, tiền khai van; giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở, lúc đầu phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với ống (kiểu tràng hình bánh xe) nhưng sau đó thì cong ngược xuống phía dưới. Nhị [hình 5] 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài 0,5 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn hình bầu dục, dài khoảng 1,5 mm, màu vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 15-23 µm và ngang 10-15 µm, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu [hình 7] 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa lồi; bầu trên, hình cầu, màu lục, nhẵn; vòi n hụy 1, hình sợi, màu trắng ngà, dài 3 mm, vượt ra khỏi ống tạo bởi các bao phấn một đoạn 1,5 mm; đầu nhụy 1, hình cầu, màu vàng lục, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 8] mọng, nhiều, mọc đứng, hình cầu đường kính 7-8 mm, lúc non màu lục, khi chín màu vàng cam, vỏ sáng bóng hay không; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình thận dẹp, dài 4 mm, ngang 3 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Rễ [hình 9]
Vi phẫu hình tròn, tâm đôi khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 10] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều, vách mỏng, có khi có vài tế bào mô cứng nằm rải rác; giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Nội bì [hình 11] khung Caspary rõ. Trụ bì 1-2 lớp, tế bào không đều, hình đa giác, thường dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng bằng cellulose hay có từng đoạn hóa mô cứng [hình 12]. Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ, rất nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ 2 tạo thành vòng liên tục; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 13] không phân biệt được hay xếp thành bó dưới gốc tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm. Mô mềm ruột rõ khi gỗ cấp 2 chưa chiếm tâm, là những tế bào không đều, hình đa giác, xếp sát nhau, vách tẩm chất gỗ.
Thân [hình 14]
Vi phẫu thân hình gần tròn hay bầu dục. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 15]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, ít khi có lông che chở và lông tiết. Lông che chở ngắn, thường đi từ một tế bào biểu bì hơi to hơn các tế bào khác, gồm 2 tế bào; vách các tế bào của lông ít dày, mặt ngoài lấm tấm. Lông tiết cấu tạo gồm chân một tế bào dài hơn đầu và đầu hình tròn hay hình bầu dục nhiều tế bào. Hạ bì gồm 1-2 lớp tế bào chứa đầy hạt lục lạp, có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 3-4 lớp tế bào không đều, hình đa giác. Mô mềm vỏ [hình 16] gồm 4-5 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ. Một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 17] mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm, ống trao đổi trên vách tế bào rõ hay không. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 rời rạc hay tập trung thành từng bó, phân hóa ly tâm, thường tập trung thành từng nhóm. Libe trong [hình 18] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ, chứa đầy hạt tinh bột; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 19]
Có 2 cánh ngắn choãi ra hai bên. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí, có khi có lông che chở và lông tiết ở biểu bì trên. Hạ bì liên tục hay gián đoạn từng đoạn ngắn, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, chứa đầy hạt lục lạp, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ; một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-6 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung liên tục, ít khi chia thành 2 đoạn, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới, ở hai góc trên có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ; một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm nhỏ phía dưới libe và phía trên libe quanh tủy.
[hình 20]
Gân chính lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin dày và có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí, có khi có lông che chở và lông tiết ở biểu bì trên. Hạ bì rõ và liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những đạo hay khuyết nhỏ, chứa đầy hạt lục lạp; một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 4-5 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 21] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; một vài tế bào libe chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1. Sợi mô cứng vách dày, xếp thành từng cụm nhỏ phía dưới libe và phía trên libe quanh tủy. Phiến lá [hình 22]: Không có lông che chở và lông tiết. Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lỗ khí kiểu dị bào rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài, đôi khi có tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô khuyết gồm những tế bào không đều, một số tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình chữ nhật mang lỗ khí. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình đa giác. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi uốn lượn, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh biểu bì gân giữa với những tế bào đa giác hơi thuôn dài. Mảnh biểu bì cánh hoa tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Tế bào mô cứng nhiều có vách mỏng hay dày. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Hạt tinh bột, hình đa giác, tễ ở giữa, riêng lẻ hay xếp thành từng đám.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Mianma, Ấn Độ. Ở nước ta, gặp từ Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Tây vào Khánh Hòa. Mọc rãi rác ven đường, ruộng, bãi hoang, cũng thường được trồng. Ra hoa tháng 7-9, có quả từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Solani spiralis)

Thành phần hóa học: 

Rễ giàu các chất có alkaloid; vỏ cây và lõi rễ chứa các alkaloid glucosidic.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trái ăn được và dùng làm gia vị. Lá chứa glycosid của solasodin, tomatidenol, 15-a-hydroxitomatidenol, yamogenin, có tác dụng lợi tiểu, trị sưng bao tử, trị lãi ở Ấn Độ; còn dùng chữa đau bụng kinh niên, đau quặn, chướng bụng. Rễ dùng chữa kinh nguyệt không đều, chứa steroid alcaloid là etiolin. Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa cảm mạo phát nhiệt, ho, viêm đau hầu họng, sốt rét, đau bụng, tiêu chảy, lị trực khuẩn, tiểu tiện đỏ, viêm bàng quang, phong thấp, đòn ngã, mụn nhọt lỡ ngứa.

Hình đính kèm
Cây
lôi cuốn
Cụm hoa
Hoa
Nhị
hạt phấn
bầu
Quả
Rễ
Bần
Nội bì
mô cứng
Gỗ 1
Thân
các mô
Mô mềm vỏ
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Lá
Libe và gỗ
Phiến lá

Loài Solanum torvum Sw. (Cây Cà dại hoa trắng)

Tên
Tên khoa học: 

Solanum torvum Sw.

Tên đồng nghĩa: 

Solanum ficifolium Ortega.

Họ: 

Cà (Solanaceae)

Tên nước ngoài: 

Turkeyberry.

Mẫu thu hái tại: 

thành phố Buôn mê thuột, tỉnh Daklak, tháng 5 năm 2007.

Số hiệu mẫu: 

CDT0507

Cây [hình 1] gỗ nhỏ mọc đứng, cao 1-2 m, cành tỏa rộng ra hay thõng xuống. Tiết diện thân gần tròn hay bầu dục, có gai rải rác; gai hơi cong, dẹp, dài 3-5 mm, vàng nhạt nhưng đỉnh vàng sậm; thân non màu lục và đầy lông phân nhánh hình sao, thân già nâu đen, gần như nhẵn. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn lá [hình 2] nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 900. Phiến lá dài 8,5-16 cm, ngang 5,5-16 cm, hai mặt đầy lông mịn, mặt trên màu lục sậm và ít lông hơn mặt dưới, đầu thuôn nhọn, đáy không đối xứng, lệch một đoạn 3-5 mm; bìa thường có thùy cạn hình lông chim, ít khi dún; gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 2-4 cm, nhiều lông mịn. Cụm hoa [hình 3] ngoài nách lá, ở khoảng giữa hay đoạn phía trên của lóng, gồm nhiều hoa xếp thành chùm xim; cuống cụm hoa dài 5-15 mm, màu lục, đầy lông mịn. Hoa [hình 4] đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 20-25 mm; cuống thẳng ít khi cong hướng xuống phía dưới, màu lục, dài 5-10 mm, nhiều lông mịn. Lông trên cuống hoa có 2 loại: lông có chân dài thẳng đa bào, đầu tròn và lông phân nhánh. Lá đài 5, màu lục, mặt ngoài nhiều lông mịn và có một gân dọc ở giữa nổi rõ, mặt trong nhẵn, dài 4 mm, dính nhau một nửa phía dưới thành ống hình chén có 5 cạnh, phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, bằng nhau, dài 2 mm, ngang 2 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dài 10-12 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hẹp và màu lục, phía trên loe rộng. Phần loe màu trắng, gồm 2 phần: phần dưới do các phiến dính nhau một đoạn 3 mm, phần trên chia thành 5 phiến bằng nhau; phiến hình bầu dục thuôn đầu nhọn, dài 6-8 mm và ngang 6 mm, tiền khai van, có nhiều lông mịn ở phía đầu, giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với phần hẹp của ống tràng (kiểu tràng hình bánh xe). Nhị [hình 5] 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài gần 2 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn thuôn, hẹp về phía đỉnh, dài 6 mm, màu vàng sậm, có một đường dọc màu nâu ở giữa, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn [hình 6] rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 30 m và ngang 20 m, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa; phía trên thì lá noãn dính nhau thành bầu [hình 7] 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa rất lồi; phía dưới thì bầu có 4 ô; bầu trên, màu lục nhạt, cao 2 mm và ngang 1 mm, có ít lông mịn phía đỉnh; vòi nhụy [hình 8] 1, hình sợi, nhẵn, màu trắng ngà, phía đầu hơi cong, lúc đầu thụt bên trong ống tạo bởi các bao phấn nhưng sau thì dài 9 mm và vượt khỏi ống tạo bởi các bao phấn một đoạn gần 3 mm; đầu nhụy 1, hình cầu, màu lục, chia 2 thùy cạn. Quả [hình 9] mọng, nhiều, mọc đứng, hình cầu, đường kính 8-15 mm, nhẵn, màu lục khi non, vàng cam khi chín; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng, dài 5 mm, ngang 3 mm. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình dĩa, đường kính 2,5-3 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu rễ [hình 10] hình tròn, tâm có khi bị lệch. Từ ngoài vào trong gồm các mô: Bần [hình 11] thường gồm 2-4 (có khi hơn) lớp tế bào vách mỏng, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị rách tua tủa. Mô mềm vỏ gồm 2-3 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo hay khuyết nhỏ; nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Nội bì khung Caspary ít rõ. Tế bào mô cứng rải rác, vách mỏng hay dày với ống trao đổi rõ. Libe tạo thành vòng quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát [hình 12]. Gỗ 2 chiếm tâm [hình 13]; mạch gỗ rất nhiều, rải rác khắp cùng; mô mềm gỗ là những tế bào vách mỏng; tia ruột rõ, hẹp, gồm 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 [hình 14] không phân biệt được hay xếp thành bó ngay dưới tia ruột, mỗi bó có 3-4 mạch phân hóa hướng tâm.
Vi phẫu thân hình gần tròn hay bầu dục, thân non nhiều lông che chở, thân già ít hay không có lông. Từ ngoài vào trong gồm các mô [hình 15]: Biểu bì là những tế bào gần như vuông hay chữ nhật, lớp cutin mỏng và phẳng, rải rác có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết. Lông che chở [hình 16] đa bào gồm chân và đầu; chân lông ngắn hay dài, gồm 4- nhiều tế bào không đều, xếp thành 2 hay 3 hàng dọc; đầu lông gồm nhiều tế bào không đều xếp tỏa thành hình sao; vách các tế bào ở chân dày hơn vách tế bào ở đầu. Lông tiết [hình 17] rải rác khắp biểu bì, đi từ một tế bào biểu bì, gồm chân và đầu; chân lông là 1 tế bào, có thể ngắn hay dài hơn đầu; đầu lông tròn, thường cong gặp xuống, gồm 1 tế bào ở dưới và 3-4 tế bào ở trên xếp trên cùng một mặt phẳng. Vùng vỏ [hình 18]: Hạ bì gồm 1, ít khi 2 lớp tế bào có kích thước tương tự hay hơi to hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Mô dày góc gồm 5-6 lớp tế bào không đều, hình đa giác; một số tế bào phía trong hóa mô cứng thành từng cụm rải rác. Mô mềm vỏ gồm 4-5 lớp tế bào không đều, hình bầu dục dẹp theo hướng tiếp tuyến, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một số tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Sợi [hình 19] hay tế bào mô cứng xếp thành từng cụm. Libe xếp vòng bao quanh gỗ, nhiều tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều, tập trung thành từng vùng; mô mềm gỗ là những tế bào có vách mỏng; tia ruột nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ cấp 1 rời rạc hay xếp thành bó phân hóa ly tâm, thường tập trung theo các mạch gỗ cấp 2. Libe trong [hình 20] là những cụm nhỏ, phía dưới gỗ cấp 1, phía dưới có thêm những tế bào hóa mô cứng. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; một vài tế bào có chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát.
Cuống lá [hình 21]
Có hình bán nguyệt, mặt trên phẳng, mặt dưới lồi.
Từ ngoài vào trong gồm các mô: Biểu bì với lớp cutin mỏng và có răng cưa nhỏ, rải rác có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều ở biểu bì trên, rất ít ở biểu bì dưới, hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 1-4 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe gỗ ở giữa xếp thành một hình cung liên tục hay chia thành 3 cụm, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới; ở hai góc có thêm 2 bó libe gỗ nhỏ. Li be quanh tủy là những cụm nhỏ phía trên gỗ.
Vi phẫu lá [hình 22]
Gân giữa lồi ít ở mặt trên, lồi nhiều ở mặt dưới, gồm các mô sau: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lớp cutin mỏng và phẳng hoặc có răng cưa nhỏ, đôi khi có lỗ khí. Lông che chở và lông tiết có nhiều trên cả 2 lớp biểu bì, cấu tạo tương tự như ở thân. Hạ bì liên tục dưới biểu bì trên, gián đoạn ở biểu bì dưới, là 1-2 lớp tế bào nhỏ hơn tế bào mô dày, hình tròn hay hơi đa giác, xếp chừa những khuyết nhỏ. Mô dày góc gồm 1-2 lớp tế bào. Mô mềm gồm những tế bào không đều, hình đa giác, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ; vài tế bào chứa rất nhiều tinh thể calci oxalat dạng cát. Libe và gỗ [hình 23] xếp thành hình vòng cung ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới. Libe quanh tủy là những cụm nhỏ ở phía trên gỗ cấp 1.
Phiến lá [hình 24]: Tế bào biểu bì trên to hơn tế bào biểu bì dưới. Lông che chở và lông tiết ít gặp, hình dạng và cấu tạo tương tự như ở thân nhưng đa số là dạng lông che chở có chân ngắn. Lỗ khí kiểu dị bào rất nhiều ở biểu bì dưới. Thịt lá có cấu tạo dị thể không đối xứng, mô giậu là một lớp tế bào thuôn dài, mô xốp gồm những tế bào không đều, một vài tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat dạng cát, rải rác có những bó libe gỗ của gân phụ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột toàn cây có rễ gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân là những tế bào hình đa giác. Lông che chở hình sao còn nguyên hay gãy thành từng đoạn. Mảnh biểu bì trên của lá, tế bào hình hơi đa giác, vách hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách hơi ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu dị bào. Mảnh mô mềm. Sợi có vách mỏng hay dày, riêng lẻ hay kết thành từng đám. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm. Hạt phấn hoa hình cầu hay hình bầu dục có rãnh dọc. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài liên nhiệt đới. Ở nước ta, gặp từ Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tây, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế vào Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Mọc rải rác ven rừng, trên các bãi hoang, lùm bụi, ven đường có độ cao tới 1000 m. Ra hoa quả tháng 4-7, nhưng hầu như quanh năm.

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá, hoa và quả (Radix, folium, flos et fructus Solani torvi).

Thành phần hóa học: 

Quả chứa một lượng nhỏ stirosterol, một dầu béo và một alkaloid gần như solasonin. Chứa glycosid steroid là jurubin, torvamin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ được dùng làm thuốc trị đau vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương, đau dạ dày, đau răng, bế kinh và ho mạn tính. Lá giã đắp trị đinh nhọt và viêm mủ da. Người bị bệnh tăng nhãn áp không được dùng. Quả xanh có thể dùng chế bột cà ri.

Hình đính kèm
Cây
lôi cuốn lá
Cụm hoa
Hoa
Nhị
hạt phấn
bầu
vòi nhụy
Quả
Vi phẫu rễ
Bần
dạng cát
chiếm tâm
Gỗ 1
các mô
Lông che chở
Lông tiết
Vùng vỏ
Sợi
Libe trong
Cuống lá
Vi phẫu lá
Libe và gỗ
Phiến lá