Họ Rau đắng đất (Aizoaceae)

Chi Mollugo

Loài Mollugo pentaphylla L. (Cây Bình Cu)

Tên
Tên khác: 

Cỏ bụng cu

Tên khoa học: 

Mollugo pentaphylla L.

Tên đồng nghĩa: 

Mollugo stricta L., Mollugo sumatrana Gand.

Họ: 

Rau đắng đất (Aizoaceae)

Tên nước ngoài: 

Carpet weed, African chickweed (Anh), Mollugine, Olsine (Pháp).

Mẫu thu hái tại: 

huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày 01/05/2007.

Số hiệu mẫu: 

BC0507

Thân [hình 1] cỏ, nhẵn, mọc đứng hay nằm, nhánh mảnh, tiết diện đa giác, màu xanh. Lá đơn, mọc vòng, 3-5 lá ở mỗi mấu. Phiến lá thon hẹp, dài 2,2-3,4 cm, rộng 0,5-1 cm, mũi nhọn, đáy thuôn hẹp, có hai màng mỏng ở nơi gắn vào mấu thân. Bìa nguyên, mặt trên lá màu xanh đậm hơn mặt dưới. Lá không cuống, gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt duới. Cụm hoa [hình 2]: Xim hai ngả, mọc đối diện nách lá, trục duới cùng của cụm hoa dài đến 5,4 cm. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, không cánh hoa. Lá bắc và lá bắc con dạng vảy, kích thước 0,5 cm, tồn tại. Cuống hoa màu xanh, mảnh, dài 0,6-1 cm. Lá đài 5, màu xanh, đều, rời, hình bầu dục, dài khoảng 1 mm, tiền khai 5 điểm. Nhị [hình 3] 3, đều, đính trên đế hoa. Chỉ nhị rời, dạng sợi mảnh, rất ngắn, màu trắng. Bao phấn 2 ô, hình mũi tên, màu vàng nhạt, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn hình cầu, rời, kích thước khoảng 17,5 µm. Lá noãn 3, bầu trên 3 ô, nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy 3, ngắn, màu trắng, đầu nhụy hình điểm. Quả khô, mang đài đồng trưởng (dài khoảng 1,5 mm), nứt dọc làm 3 mảnh. Hạt [hình 4] nhiều, màu nâu đỏ, hình thận, kích thước 0,6 mm.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Tiết diện đa giác với các cạnh lồi lõm không đều. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, kích thước khá đều, có lỗ khí. Lớp cutin có răng cưa cạn. Dưới lớp biểu bì là 2-3 lớp tế bào mô mềm vỏ, hình tròn hay hình bầu dục kích thuớc không đều, xếp chừa những khuyết nhỏ, chứa ít tinh thể [hình 5] calci oxalat hình chữ nhật. Nội bì chứa tinh bột, khung Caspary không rõ. Trụ bì [hình 6] gồm những tế bào hình đa giác, hóa mô cứng thành một vòng. Các bó dẫn rời rạc, kích thước không đều ở thân non [hình 7], phát triển thành vòng gần liên tục ở thân già [hình 8]. Tia tủy có khoảng 2-4 dãy tế bào. Mạch gỗ 2 kích thước không đều, thường xếp thành dãy. Mô mềm tủy hình bầu dục hay đa giác, kích thước đều, xếp chừa khuyết nhỏ.
: Vi phẫu lá [hình 9] có mặt trên lõm, mặt duới lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới có lông, chân đơn bào, đầu đơn bào. Lớp cutin mỏng có răng cưa. Tế bào mô mềm hình tròn hay hình bầu dục, vách uốn luợn, kích thước không đều, xếp chừa khuyết nhỏ, chứa tinh bột. Các bó dẫn xếp thành hình vòng cung, gỗ ở trên, libe ở dưới. Phiến lá [hình 10]: Tế bào biểu bì trên và dưới hình chữ nhật có kích thuớc không đều, có nhiều lỗ khí. Dưới biểu bì trên là 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật chứa nhiều lục lạp. Trên biểu bì duới là những tế bào hình đa giác, hơi dẹp, kích thước không đều, xếp chừa khuyết nhỏ, chứa lục lạp. Nhiều bó gân phụ bị cắt ngang, cấu tạo tương tự gân chính nhưng số lượng bó libe gỗ ít hơn.
Rễ: Vi phẫu rễ [hình 11] hình tròn. Ngoài cùng là vài mảng tế bào mô mềm và lớp tế bào nội bì khung Caspary bị bong ra. Lớp bần gồm khoảng 1-3 lớp tế bào hình chữ nhật, có thể bị bong ra. Mô mềm cấp 2 có khoảng 1-4 lớp tế bào hình chữ nhật. Trụ bì là 2-3 lớp tế bào hình cầu hoặc hình bầu dục dài, kích thước không bằng nhau, xếp chừa khuyết to. Libe 2 tạo vòng liên tục, ít hơn so với gỗ 2. Gỗ 2 chiếm tâm tạo thành những vòng gỗ bắt màu đậm nhạt khác nhau, tia tủy hẹp, mạch gỗ 2 ít. Bó gỗ 1 khó xác định.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hoa, quả [hình 12]: Màu xanh, ít xơ, thành phần gồm: Hạt phấn hoa hình cầu; mảnh mạch mạng, mạch xoắn, mạch vạch; tế bào mô mềm gỗ tập trung thành từng bó hay tách rời, mảnh vỏ hạt màu vàng cam tế bào hình đa giác bề mặt có nhiều vân nổi, mảnh biểu bì lá đài tế bào hình đa giác, vách uốn lượn; mảnh biểu bì có lỗ khí, mảnh mô mềm chứa tinh bột, hạt tinh bột thường tập trung thành từng đám, không rõ tễ.
Bột lá [hình 13]: Màu xanh rêu, mịn, gồm: mảnh mạch mạng, mạch xoắn, khối nhựa màu đỏ cam, tinh thể calci oxalat hình khối, mảnh mô mềm, mảnh biểu bì với các tế bào hình đa giác, vách uốn lượn, mang lỗ khí kiểu hỗn bào.
Bột thân [hình 14]: Màu xanh nhạt, ít xơ, gồm: tinh thể calci oxalat hình khối, mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn; mảnh biểu bì hình chữ nhật mang lỗ khí, khối nhựa màu đỏ cam, mảnh mô mềm, tế bào mô cứng hay sợi tập trung thành bó hay tách rời, hạt tinh bột thường tập trung thành từng đám, kích thước khoảng 5µm, không rõ tễ.
Bột rễ [hình 15]: Màu nâu nhạt, xơ, có mùi hăng, gồm: mảnh mạch mạng, mảnh mô mềm, khối nhựa màu đỏ cam, tế bào mô mềm gỗ tập trung thành từng bó hay tách rời, mảnh mô mềm chứa khối nhựa màu.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở các xứ nhiệt đới và cận nhiệt đới của cựu lục địa. Ngoài ra, còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc thông thường khắp nơi, thường gặp trên đất cát khô, trên các bãi bồi ven sông, ven suối, dọc đường đi, trên đất trồng dãi nắng.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Molluginis)

Thành phần hóa học: 

Chứa Molugopentil, KN03. Rễ chứa betacianin, flavanoid, acid oxalic, mollugogenol A.

Tính vị, tác dụng
Toàn cây và lá đều có vị đắng nhạt, chát, tính bình, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, thanh nhiệt.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Người ta thường dùng cây sắc nước uống hay pha uống để điều hòa kinh nguyệt. Cuống dùng chữa đau bụng đi ngoài. Lá dùng trị sốt có chu kì, lợi tiểu và trị phù thũng. Rễ gây xổ. Cây có tính sát trùng và kháng nấm. Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa viêm mạc cấp tính, đau bụng tiêu chảy và bỏng lửa. Theo giáo sư Chung-Ching Lin (School of Pharmacy, Kaohsiung Medical College, Kaohsiung, Taiwan, R.O.C.), cao chiết M. pentaphylla có tính kháng khối u, bảo vệ, hồi phục tế bào máu sau xạ trị và có khả năng loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. M. pentaphylla được gọi dưới tên Peh-Hue-Juwa-Chi-Cao khi phối hợp với Hedyotis diffusa Willd. (Rubiaceae) và H. corymbosa L. (Rubiaceae).

Hình đính kèm
Thân
Cụm hoa
Nhị
Hạt
tinh thể
Trụ bì
thân non
thân già
Vi phẫu lá
Phiến lá
Vi phẫu rễ
Bột hoa, quả
Bột lá
Bột thân
Bột rễ

Chi Trianthema

Loài Trianthema portulacastrum L. (Cây Cỏ tam khôi)

Tên
Tên khác: 

Cây Sam biển, Cây Dầu dầu, Rau Sam giả

Tên khoa học: 

Trianthema portulacastrum L.

Tên đồng nghĩa: 

Trianthema monogyna Linnaeus, Trianthema procumbens Miller

Họ: 

Rau đắng đất (Aizoaceae)

Tên nước ngoài: 

Desert Horsepurslane, Desert Horse-Purslane, Pigweed.

Mẫu thu hái tại: 

huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày 21/04/2007.

Số hiệu mẫu: 

TK0407

Thân [hình 1] cỏ mọng nước, mọc sà trên mặt đất, tiết diện tròn. Thân non có nhiều lông, màu đỏ tía ở phần hướng sáng, phần còn lại màu xanh. Thân già sần sùi, màu đỏ tía. Thân phát triển theo kiểu hợp trục. Lá [hình 2] đơn, mọc đối, mập, có vị hơi đắng. Ở mỗi mấu thân có một lá to (dài 3,5-5,2 cm, rộng 3,0-4,8 cm) và một lá nhỏ (dài 2-2,6 cm, rộng 1,5-2 cm). Phiến lá hình xoan, gốc lá hơi thuôn, đầu lá tù. Bìa phiến lá có đường viền màu đỏ tím uốn lượn, có răng cưa cạn không đều. Lá có màu xanh đậm ở mặt trên, màu xanh nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, 4-5 cặp gân phụ. Cuống lá hình lòng máng, dài 0,5-1,5 cm, màu xanh hơi đỏ tía, nhiều lông. Bẹ lá ôm thân, dài 0,5 cm, bìa là màng mỏng màu trắng, có vảy màu đỏ tía ở hai bên nơi tiếp giáp với cuống. Cụm hoa: Hoa đơn độc [hình 3] ở nách lá, không có cuống. Hoa [hình 4] đều lưỡng tính, mẫu 5, không có cánh hoa. 2 lá bắc con hình tam giác, dài khoảng 0,5 cm, màu xanh nhạt, đỉnh màu đỏ tía, nhiều lông. Lá đài 5, đều, dính nhau thành ống đài chôn trong nách lá. 5 phiến màu trắng hay hồng nhạt, thuôn dài (dài 5 cm, rộng 2 cm), đỉnh tròn. Mặt dưới lá đài có một gân xanh, nhiều lông, kéo dài thành mũi nhọn màu đỏ tía tách rời khỏi lá đài, tiền khai 5 điểm. Bộ nhị [hình 5]: 15-20 nhị không đều. Nhị dính trên ống đài. Nhị rời, chỉ nhị dạng sợi mảnh, màu trắng. Bao phấn màu tím nhạt, 2 ô, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn [hình 6] hình bầu dục, màu trắng, rời, có rãnh, dài 60 µm, rộng 35 µm. Bộ nhụy: 1 lá noãn tạo bầu trên 1 ô, chôn trong nách lá. Nhiều noãn đính bên. 1 vòi nhụy ngắn, màu xanh nhạt. Đầu nhụy hình điểm. Quả [hình 7] khô, đầu bằng, nứt ngang, có 8 hạt. Hạt [hình 8] màu đen, hình thận, có mấu nhọn.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Đặc điểm giải phẫu: 

Thân: Vi phẫu thân tròn, tế bào biểu bì hình chữ nhật có kích thước không đều. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Trên biểu bì có lỗ khí và lông [hình 9] che chở đơn bào. Dưới lớp biểu bì là mô dày góc, hình đa giác hay bầu dục, kích thước không đều. Mô mềm vỏ hình bầu dục, kích thước không đều, xếp chừa khuyết nhỏ, chứa tinh bột và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Nội bì chứa nhiều tinh bột, khung Caspary không rõ. Trụ bì trước bó dẫn là những tế bào hình đa giác có vách dày bằng cellulose. Libe 1 tập trung thành từng đám. Ở thân non [hình 10], các bó libe gỗ cấp 2 không đều, bị gián đoạn bởi tia tủy gồm nhiều dãy tế bào, mô mềm gỗ 2 có vách bằng cellulose. Mạch gỗ 2 có kích thước đều. Ở thân già [hình 11], sự hoạt động của tượng tầng phụ ở vùng trụ bì tạo thành các bó libe gỗ cấp 3. Mô mềm tủy gồm nhiều tế bào bầu dục to, không đều, xếp lộn xộn, chừa những khuyết nhỏ, chứa nhiều tinh bột, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đường kính 37,5-50 µm.
: Gân giữa [hình 12]: mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, kích thước không đều. Tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới. Biểu bì dưới có lông che chở đơn bào. Lớp cutin mỏng, có răng cưa. Tế bào mô mềm vỏ hình bầu dục hay hơi đa giác, kích thước không đều xếp chừa khuyết nhỏ, chứa tinh bột. Các bó libe gỗ [hình 13] có thể xếp thành hình vòng cung hoặc bị gián đoạn thành 3 cụm. Đám tế bào có vách dày bằng cellulose ở trên libe. Libe 2, gỗ 2 ít phát triển. Tinh bột và tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong mô mềm xung quanh các bó dẫn. Phiến lá [hình 14]: tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới hình đa giác, có kích thước gần bằng nhau. Dưới lớp biểu bì trên là một lớp tế bào mô mềm hình chữ nhật kích thước to. Kế đến là 3 lớp mô mềm giậu có nhiều hạt lục lạp. Trong mô mềm giậu có các bó dẫn bị cắt ngang thành một hàng. Mỗi bó dẫn [hình 15] này được bao bởi 3-5 tế bào to, kích thước không đều, có chứa lục lạp và tinh bột. Trên biểu bì dưới là những tế bào mô mềm hình bầu dục kích thước to nhỏ khác nhau, xếp chừa khuyết to, chứa một số tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong mô mềm.
Vi phẫu rễ [hình 16] tròn, ngoài cùng là lớp bần gồm khoảng 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật bị bong ra không liên tục. Mô mềm cấp 2 gồm khoảng 3-4 lớp tế bào. Mô mềm cấp 1 là những lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều xếp chừa khuyết to. Hệ thống dẫn [hình 17]: Sự hình thành của những tượng tầng phụ ở vùng trụ bì tạo thành nhiều vòng libe cấp 3, gỗ cấp 3 liên tục. Vòng gỗ có bề dày lớn hơn vòng libe. Ở tâm, tượng tầng tạo libe thành hai nửa hình tròn đối diện nhau. Gỗ 2 chiếm tâm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm trong mô mềm ngăn cách giữa các vòng libe gỗ.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột hoa, quả [hình 18]: Màu nâu, ít xơ. Các thành phần có trong bột: Hạt phấn hình cầu có 3 lỗ nảy mầm hay hình bầu dục có rãnh, lông che chở đơn bào, mảnh bao phấn, mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn; mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh vỏ hạt màu đỏ cam, mảnh mô mềm chứa nhiều tinh bột; hạt tinh bột tập trung thành đám hay tách rời nhau, hình cầu hay bầu dục, có góc, kích thước 2,5 µm, tễ không rõ.
[inline:=Bột lá]: Màu xanh nâu, mịn. Các thành phần có trong bột: Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch xoắn; mảnh mô mềm, khối nhựa màu nâu đỏ; hạt tinh bột ít, kích thước không đều, hình cầu, tễ ở tâm hình sao; mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu song bào.
Bột thân [hình 19]: Màu vàng nâu, nhiều xơ. Các thành phần có trong bột: Mảnh biểu bì hình chữ nhật, tinh thể calci oxalat hình cầu gai; mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch vòng, mạch xoắn; mảnh mô mềm, khối nhựa màu nâu đỏ, mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, sợi tập trung thành từng bó.
Bột rễ [hình 20]: Màu vàng nâu, nhiều xơ. Các thành phần có trong bột: Mảnh bần, mảnh mạch chấm, mạch mạng; khối nhựa màu nâu đỏ, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, sợi tập trung thành từng đám hay tách rời.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố ở các nước nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương.
Ở nước ta, cây mọc phổ biến trong các cồn cát, dọc đường đi, bờ ruộng, nhất là vùng ven biển từ Hà Nội đến Côn Đảo. Ra hoa vào mùa hè.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Trianthemae)

Thành phần hóa học: 

Cây chứa esdisteron, saponin và alkaloid punarnavin (0,01% ở phần cây khô trên mặt đất) và trianthemin.
Tính vị, tác dụng
Lá có tác dụng lợi tiểu. Rễ có vị đắng, làm co rút nhẹ tử cung, giúp sanh dễ, nhiều thì làm lạc thai.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Cây dùng ăn tươi hay nấu chín, nhất là mùa nóng như loại rau giải nhiệt. Người ta cũng dùng cây chế bột làm thuốc xổ nhẹ. Ở Ấn Độ, lá của thứ trắng dùng trị thủy thũng và phù do những nguyên nhân khác nhau (trong trường hợp có cổ trướng do gan, viêm màng bụng, thận). Rễ giã thành bột trị mất kinh. Dịch chiết cloroform của T. portulacastrum có khả năng chống ung thư gan khi thử nghiệm trên chuột (thử nghiệm của trường đại học Jadavpur, Calcuta, Ấn Độ).

Hình đính kèm
Thân
Lá
đơn độc
Hoa
Bộ nhị
Hạt phấn
Quả
Hạt
lông
thân non
thân già
Gân giữa
libe gỗ
Phiến lá
bó dẫn
Vi phẫu rễ
Hệ thống dẫn
Bột hoa, quả
Bột thân
Bột rễ