Loài Morinda citrifolia L. (Cây Nhàu)

Tên
Tên khác: 

Nhàu núi, Nhàu lớn, Nhàu rừng

Tên khoa học: 

Morinda citrifolia L.

Họ: 

Cà phê (Rubiaceae)

Tên nước ngoài: 

Great morinda, Indian Mulberry, Nunaakai (India), Dog Dumpling (Barbados), Mengkudu (Malaysia).

Mẫu thu hái tại: 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05-2007.

Số hiệu mẫu: 

N 0507

Cây gỗ đứng, cao 4-8 m. Cành non màu xanh [hình 1], tiết diện vuông, có rãnh, nhẵn; cành già tiết diện tròn, màu nâu xám. Lá [hình 2] đơn, mọc đối. Phiến lá to, hình bầu dục hai đầu thuôn nhọn; dài 15-30 cm rộng 10-15 cm. Lá màu xanh bóng đậm ở mặt trên [hình 3], mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá hơi dợn sóng. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới [hình 4], 6-7 cặp gân phụ. Cuống lá 1-2 cm. Lá kèm [hình 5] nằm giữa 2 lá mọc đối, hình xoan, cao 1-1,5 cm, màu xanh nhạt. Cụm hoa [hình 6] là đầu hình tròn hay hơi bầu dục, ở ngoài nách lá. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, nhẵn, dài 1-2 cm. Đáy cụm hoa có 3 phiến hẹp, dài 5-8 mm. Hoa [hình 7] đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đài hoa là một gờ tròn. Cánh hoa 5, ống tràng hình phễu, màu xanh nhạt, cao 7-12 mm; bên trong có nhiều lông trắng; 5 thùy dài khoảng 5-8 mm, màu trắng, hình bầu dục đầu nhọn, đỉnh có phụ bộ là một mấu nhỏ cong vào trong. Khi hoa nở các thùy cong xuống phía dưới; tiền khai van. Nhị 5, bằng nhau, rời, gắn ở phần loe của ống tràng xen kẽ với các cánh hoa, chỉ nhị rất ngắn. Bao phấn hình đầu tên, màu vàng nhạt, dài khoảng 4 mm; 2 ô, mở dọc, hướng trong, đính gốc. Hạt phấn rời, hình hình cầu, màu vàng nhạt. Lá noãn 2, ở vị trí trước sau, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô 1 noãn, đính trung trụ. Vòi và đầu nhụy [hình 8]: Vòi nhụy dạng sợi màu xanh nhạt, dài 5 mm; 2 đầu nhụy dạng phiến mỏng, dài 3 mm, màu xanh. Đĩa mật dày, hình khoen, màu vàng. Quả [hình 9] hạch kép do bầu noãn và một phần lá đài của các hoa trên cụm hoa dính nhau tạo thành. Quả còn non màu xanh nhạt, dài 5-7 cm, rộng 3-4 cm. Quả già màu ngà vàng, nhẵn bóng, mùi khai, trên quả còn vết tích các đĩa mật [hình 10]. Hạt [hình 11] nhiều, hình bầu dục, một đầu nhọn, màu nâu đen.

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Vi phẫu thân [hình 12] hình vuông, biểu bì có lớp cutin dày. Mô dày góc (thân non) hay tròn (thân già) 4-5 lớp tế bào, liên tục quanh thân. Mô mềm vỏ đạo, tế bào hình bầu dục nằm ngang. Gỗ 2 khá nhiều, mạch gỗ to, mô mềm gỗ hóa sợi từng cụm, tế bào của tia gỗ khá rộng, thường xếp thành một dãy. Gỗ 1 rõ, mô mềm tủy phía dưới gỗ 1 thường bị hóa mô cứng, vùng phía trong vách tế bào vẫn còn cellulose. Tinh thể calci oxalat hình kim tập trung thành bó trong mô mềm vỏ, mô mềm tủy và libe 2.
Vi phẫu lá: Gân giữa [hình 13]: Biểu bì trên hơi lồi; tế bào kích thước nhỏ, cutin mỏng. Mô dày tròn với các tế bào hình đa giác khoảng 4-5 lớp nằm sát lớp biểu bì. Tế bào mô mềm đạo hình tròn, khá đều, vách mỏng. Hệ thống dẫn hình vòng cung, gỗ ở trên và libe ở dưới; Biểu bì dưới lồi nhiều. Phiến lá [hình 14]: Tế bào biểu bì khá to; cutin răng cưa. Mô mềm giậu chiếm phân nửa chiều dày thịt lá, gồm 1-3 lớp tế bào ngắn; rải rác có một số tế bào khá dài, bên trong chưa tinh thể calci oxalat hình kim xếp dày đặc. Mô mềm khuyết với những tế bào gần tròn xếp chừa những khuyết nhỏ, rải rác trong mô mềm khuyết cũng có tinh thể calci oxalat hình kim.
Vi phẫu rễ [hình 15]: Lớp bần dày; tế bào hình chữ nhật hẹp, vách mỏng. Tế bào mô mềm vỏ hình bầu dục xếp nằm ngang, chừa các đạo nhỏ. Libe 1 thành từng đám, libe 2 ít nhưng rất rõ. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ nhiều, kích thước không đều, hình đa giác, thường to; tia gỗ 1-2 dãy tế bào. Mô mềm gỗ hóa sợi thành cụm. Tinh thể calci oxalat hình kim nhiều trong mô mềm vỏ và libe.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột rễ màu vàng nâu, mịn gồm các thành phần: Mảnh bần. Sợi vách mỏng hay dày, có hay không có ống trao đổi. Mảnh mạch điểm [hình 16], mạch vạch [hình 17] to, tinh thể calci oxalat hình kim. Hạt tinh bột hình đa giác, thường chụm thành 3 hạt, tễ rõ. Bột quả màu nâu đậm, thô, thành phần gồm: Nhiều tinh thể [hình 18] calci oxalat hình kim, chiều dài từ 100-170 µm, riêng lẻ hay tập hợp thành bó. Rất nhiều sợi màu vàng [hình 19] xếp đan vào nhau thành những mảng to, đường kính sợi khoảng 20 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Loài của vùng nhiệt đới thuộc Châu Á và Châu Úc, còn phân bố ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây mọc hoang khắp nơi, cũng có khi được trồng. Cây thường dựa nước, có nhiều ở miền Nam, nhưng theo Petelot còn có ở miền Bắc, gần đây còn thấy ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ra hoa quanh năm, nhiều nhất là tháng 11-2, cho quả tháng 3-5.

Bộ phận dùng: 

Rễ, quả, lá và vỏ cây (Radix, Fructus, Folium et Cortex Morindae citrifoliae).

Thành phần hóa học: 

Lignans, polysaccharides, flavonoids, iridoids, acid béo, scopoletin, catechin, beta-sitosterol, damnacanthal, alkaloids. Rễ chứa moridin là một anthraquinoic kết tinh thành tinhthể hình kim, màu vàng cam, tan trong nước sôi và các chất kiềm, ít tan trong nước lạnh, không tan trong ether. Ngoài ra, còn có 1-metoxyrubiazin, moridon, alizarin và 1-oxy-2,3-dimetoxy anthraquinon. Lá cũng có moridin. Năm 1982, tác giả Đàm Trung Bảo (Đại học Dược Hà Nội) cho biết trong Nhàu có nhiều selenium.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rễ Nhàu được dùng chữa cao huyết áp, chữa nhức mỏi tay chân và đau lưng, sài uốn ván. Nhân dân thường dùng rễ để nhuộm đỏ vải, lụa. Lá Nhàu dùng chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt và nấu canh ăn cho bổ. Dùng ngoài giã đắp làm lành vết thương, vết loét, làm chóng lên da non. Dịch lá được dùng đắp trị bệnh viêm khớp gây đau nhức. Vỏ nấu nước dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ. Quả Nhàu chấm với muối ăn làm dễ tiêu hóa, còn dùng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới. Quả nướng chín ăn chữa kiết lỵ, ho hen, cảm, dùng tốt cho người bị bệnh tiểu đường và phù thũng.
Liều dùng : rễ cây 30-40 g, lá 8-10 g.
Đơn thuốc có Nhàu:
1. Chữa huyết áp cao: Dùng 30-40 g rễ Nhàu sắc uống hằng ngày, sau 15 ngày sẽ thấy kết quả, sau đó dùng bớt liều, uống liên tục vài tháng thì huyết áp ổn định. Có thể nấu thành cao, hoặc thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống.
2. Trị đau lưng, nhức mỏi chân tay: Rễ Nhàu hay quả Nhàu non, thái miếng, ngâm rượu uống dần, ngày uống một chén con.
3. Nhân dân thường dùng lá làm rau nấu canh lươn ăn cho bổ. Trẻ em cũng thường lấy quả để ăn.

Hình đính kèm
Cành non màu xanh
Lá
mặt trên
mặt dưới
Lá kèm
Cụm hoa
Hoa
Vòi và đầu nhụy
Quả
đĩa mật
Hạt
Vi phẫu thân
Gân giữa
Phiến lá
Vi phẫu rễ
mạch điểm
mạch vạch
tinh thể
sợi màu vàng