Loài Centella asiatica (L.) Urban (Cây Rau Má)

Tên
Tên khác: 

Tích huyết thảo, Liên tiền thảo

Tên khoa học: 

Centella asiatica Urban

Họ: 

Hoa tán (Apiaceae)

Tên nước ngoài: 

Indian pennywort (Anh), Centelle, Bévillacque (Pháp)

Mẫu thu hái tại: 

thu hái tại Daklak ngày 12/04/2009

Số hiệu mẫu: 

RM120409. Mẫu đã được so với mẫu tiêu bản thực vật khô tại Viện Sinh học Nhiệt đới Thành Phố Hồ Chí Minh và được lưu tại bộ môn Thực vật- Khoa Dược

Dạng sống [hình 1] cỏ bò, thân non màu tía nhạt, thân già màu tía đậm hơn, có lông trắng và khía dọc nhỏ; có nhiều mấu, mỗi mấu phát triển thành một cây. Lá đơn, lá mọc so le hoặc nhiều lá tập trung ở một mấu, không có lá kèm. Phiến lá hình thận, mép khía tai bèo, dài 4-6 cm, rộng 2,5-3,5 cm, màu xanh, mặt trên đậm hơn. Gân lá kiểu chân vịt, 6-8 gân nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá màu xanh, hình trụ dài 8-13 cm, có một rãnh dọc ở mặt trên tạo hình lòng máng, rỗng bên trong và có ít lông. Bẹ lá dài 7-14 mm, có gân dọc màu xanh, mặt trong màu trắng, mặt ngoài hơi tím. Rễ chùm, màu trắng vàng. Cụm hoa [hình 2] tán đơn gồm 3 hoa mọc trên trục phát hoa hình trụ, dài 5-13 mm, màu xanh tím, đậm hơn ở gốc, có nhiều lông trắng mịn, mảnh. Tán có 2 lá bắc, hình trứng nhọn, dài 3-5 mm, rộng 2-3 mm, màu xanh, có sọc tía, đậm hơn ở gốc lá, có lông mịn và tồn tại cùng quả. Hoa [hình 3] đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đế hoa lồi, màu xanh nhạt, dài 0,5-0,6 mm. Cuống hoa rất ngắn (0,4 mm), có lông. Lá đài 5, đều, rời, màu xanh, dạng hình tam giác nhỏ, dài 0,3-0,5 mm, tiền khai van. Tràng hoa [hình 4] gồm 5 cánh hoa rời, đều, màu tím nhạt, hình trứng, đỉnh cong vào phía trong, dài 1-1,5 mm, rộng 0,5-1mm, tiền khai van. Bộ nhị [hình 5] gồm 5 nhị rời, đều, đính xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị dạng sợi, màu xanh nhạt, dài 0,3-0,45 mm, có lông; bao phấn màu hồng tím, 2 ô, hình thận, dài 0,2-0,3 mm, nứt dọc, hướng trong, đính giữa; hạt phấn rời, hình hạt gạo, màu vàng, có rãnh dọc, dài 20-25 µm. Bộ nhụy [hình 6] gồm 2 lá noãn, bầu dưới 2 ô, dẹp, đáy hình tim, đầu bằng, màu đỏ tía, dài 3-4 mm, rộng 3,5-4 mm, có nhiều lông trắng. Vòi nhụy 2, rời, đính trên đỉnh bầu hơi choãi ra hai bên, màu xanh, dài 0,3-0,4 mm, chân vòi phình ra, đĩa mật hình vòng cung bao quanh gốc vòi nhụy. Quả bế [hình 7] đôi, hình tim, đầu bằng, hai bên bị ép dẹp, dài 3,5-3,7 mm, rộng 3,5-4 mm, màu xanh phớt tía, có gân dọc màu hồng tía và lông mịn; cắt ngang gồm 2 phần quả có hình tam giác, mỗi phần quả có 10-12 cạnh lồi. Hạt [hình 8] màu trắng, hình bán nguyệt, đường kính 1,5-2 mm

Hoa thức và Hoa đồ: 


Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu: 

Thân [hình 9]
Vi phẫu tiết diện gần tròn có nhiều cạnh lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, kích thước không đều, có lỗ khí rải rác, lớp cutin mỏng. Mô dày góc gồm 1-4 lớp tế bào. Mô mềm khuyết gồm 5-8 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, vách hơi uốn lượn, kích thước không đều. Túi tiết [hình 10] kiểu ly bào có trong vùng vỏ và khoảng gian bó. Trụ bì gồm 2-5 lớp tế bào hình đa giác, hóa mô cứng thành cụm trên libe. Bó dẫn 6-7 cụm, libe [hình 11] trên, gỗ dưới; libe 1 gồm 5-6 lớp tế bào đa giác, vách uốn lượn, kích thước nhỏ, xếp lộn xộn. Libe [hình 12] 2 rất ít, tế bào hình chữ nhật, vách hơi uốn lượn. Mạch gỗ 2 to, hình tròn hoặc đa giác gần tròn, mô mềm gỗ ít 2-3 lớp tế bào đa giác, kích thước nhỏ. Mạch gỗ 1 hình tròn hoặc đa giác gần tròn; mô mềm quanh gỗ 1 tế bào hình đa giác, vách hơi uốn lượn, kích thước không đều, vách cellulose. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình đa giác hoặc đa giác gần tròn, kích thước to, không đều.
[hình 13]
Gân giữa: Biểu bì trên ngay gân giữa tế bào hình chữ nhật nhỏ, bên cạnh là những tế bào kích thước lớn hơn; biểu bì dưới tế bào hình chữ nhật, kích thước không đều. Mô dày gồm 3-4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Mô mềm khuyết gồm 2-5 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước không đều. Túi tiết ly bào trong mô mềm. Bó dẫn xếp thành hình cung, libe ở dưới gỗ ở trên. Mạch gỗ kích thước không đều, hình tròn hoặc gần tròn; mô mềm gỗ hình đa giác, vách cellulose. Libe gồm nhiều lớp tế bào kích thước nhỏ, sắp xếp lộn xộn.
Phiến lá [hình 14]: Biểu bì trên và dưới có hình chữ nhật, tế bào biểu bì trên lớn gấp đôi tế bào biểu bì dưới. Mô mềm giậu 2 lớp tế bào hơi đi sâu vào phần gân giữa. Mô mềm khuyết gồm 5-6 lớp tế bào hình thuôn dài, vách uốn lượn. Lỗ khí [hình 15] ở hai mặt biểu bì, nhiều ở biểu bì dưới. Tinh thể calci oxalat [hình 16] cầu gai kích thước lớn.
Cuống lá [hình 17]: Tiết diện gần tròn hơi khuyết ở mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, rải rác có lỗ khí [hình 15]. Mô dày góc gồm 1-3 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều. Mô mềm khuyết gồm 6-9 lớp tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, có nhiều túi tiết ly bào, hạt lục lạp, tinh thể calcioxalat hình cầu gai, thỉnh thoảng có tinh thể hình khối. Trụ bì 2-3 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ, hóa mô cứng thành cụm trên libe. Libe gỗ xếp thành 7 bó lớn và 2-3 bó nhỏ. Mô mềm tủy bị tiêu hủy còn khoảng 2-3 lớp

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột [hình 18] màu xám. Mảnh mô mềm [hình 19] thân và lá tế bào có hình đa giác gần tròn, vách mỏng. Mảnh biểu bì tế bào gần đa giác, lỗ khí [hình 20] kiểu dị bào. Sợi [hình 21] khoang rộng. Tế bào mô cứng [hình 22] hình đa giác thuôn dài hoặc một đầu nhọn. Tinh thể calci oxalat [hình 23] kích thước lớn. Mảnh mạch xoắn [hình 24], mạch vạch [hình 25]

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Chi Centella L. có khoảng 40 loài, phân bố ở Nam và Đông Nam châu Á. Ở Việt Nam, rau má mọc tự nhiên ở khắp nơi, ưa ẩm.
Mùa hoa quả: tháng 4-6.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Centellae asiaticae)
Thường có tên là Tích tuyết thảo.

Thành phần hóa học: 

Triterpen, tinh dầu, hợp chất polyacetylen, flavonoid (kaempferol, quercetin), steroid (β- sitosterol, stigmasterol, campestrol).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Rau má chữa sốt, đan độc, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa, sắc với cây mào gà chữa vàng da. Cao rau má điều trị các vết thương nhiễm bẩn, điều trị bỏng.

Hình đính kèm
Dạng sống
Cụm hoa
Hoa
Tràng hoa
Bộ nhị
Bộ nhụy
Quả bế
Hạt
Thân
Túi tiết
libe
Libe
Lá
Phiến lá
lỗ khí
calci oxalat
Cuống lá
Bột
Mảnh mô mềm
lỗ khí
Sợi
Tế bào mô cứng
Tinh thể calci oxalat
mạch xoắn
mạch vạch